Chương 10

    
hiếc hải vận hạm ủi bãi ở khoảng giữa khúc quanh của con sông thuộc một xã thôn có tên Thành Tuy Hạ. Theo lời hạm trưởng, Thành Tuy Hạ cũng là tên của kho đạn lớn nhất miền Nam. Từ lòng tàu nhìn xuyên qua cửa đổ bộ là một bãi lài lót đá dẫn lên một con lộ. Hai bên lộ chỉ là những căn nhà gạch đất bình thường. Không một dấu vết gì cho thấy kho đạn nằm ở chốn nào. Vậy mà chỉ một thời gian rất ngắn sau khi cửa đổ bộ mở ra, các xe GMC chở đầy đạn đại bác lần lượt chạy thẳng xuống tàu. Là sĩ quan chuyển vận và đổ bộ, tôi trách nhiệm việc nhận hàng. Nhưng thật ra tôi chẳng làm gì vất vả. Việc bốc dỡ là phần việc chuyên môn của nhân viên kho đạn. Tôi chỉ để mắt xem công việc tiến triển đến đâu!
Cái tin chiến hạm đi công tác Nha Trang mang đến cho tôi một cảm giác khác hẳn những lần công tác trước. Tôi không lo lắng, băn khoăn mà nôn nao, bồi hồi. Nha Trang là nơi tôi sống nhiều năm vào cái tuổi “phá xóm phá làng” chỉ nhường thua ma quỷ. Nhờ có ông anh đi quân đội rày đây mai đó, từ một cậu bé nhà quê, tôi bắt đầu ba năm trung học ở Sài Gòn và bốn năm kế tiếp ở Nha Trang. Bốn năm làm học trò của trường Võ Tánh cũng là một thời để yêu. Yêu bằng mối tình đầu. Và thêm hai năm rèn tập thành một quân nhân Hải quân lại là một thời để nhớ. Nhớ suốt tuần để cuối tuần chỉ dám… nhìn nhau. Rồi xa nhau như tình cuối. Tuyết là tình đầu và Hồng là tình cuối…
Sáu tháng qua tôi không viết một lá thư nào cho Hồng. Tôi có nên gặp lại không? Nếu gặp thì giải thích sao đây? Thực sự, tôi có còn yêu Hồng? Dường như tôi yêu tất cả những người con gái tôi quen khi còn thường xuyên gặp gỡ và lúc xa mặt thì tự nhiên cách lòng? Tôi sắp gặp lại Hồng nên tình yêu đang trở lại? Chắc chắn tôi sẽ rất bồi hồi khi nhìn lại cảnh cũ nhưng với người xưa, nếu đã quên thì sao nôn nao?
Buổi trưa không ngủ được, tôi lang thang trên sân tàu. Nhiều lần tôi bảo nhân viên canh gác nhường việc nhắm bắn lục bình trôi cho tôi rỉ rả giết thì giờ. Lục bình trôi, có khi từng đám lớn là đối vật khả nghi địch ngụy trang cho quả mìn từ trường. Gặp vỏ sắt của chiến hạm, ngòi nổ sẽ kích hoạt và chiến hạm lãnh đủ! Cũng có thể đặc công thủy Việt cộng ẩn dưới đó đến gắn mìn thời chỉnh. Lại cộng thêm số lượng bom đạn đang nạp chứa, chắc chắn cả tàu lẫn người sẽ tan nát như tương. Cũng có bọn đặc công không cần lục bình, lặn thẳng đến tàu. Vì vậy tôi thỉnh thoảng giành thêm việc “ném chơi” một quả lựu đạn áp suất xuống lòng sông. Nhưng có làm gì thì làm, thời gian cứ chầm chậm trôi trong cái không gian im vắng, lặng lờ đến buồn chán. Tôi có nôn nao cỡ nào thì cũng ít nhất bốn mươi tám tiếng nữa mới hy vọng gặp lại Hồng. Hy vọng thôi chứ chắc gì nàng tiếp đón…
Thành Tuy Hạ cách Sài Gòn không hơn hai mươi cây số nên những lần ủi bãi trước đây, cả hạm phó lẫn hạm trưởng đều “dọt” về nhà. Các sĩ quan không trực thì đi gần hơn, qua thăm bạn bè ở Căn cứ Hải quân Cát Lái. Nhưng lần này không ai được rời tàu. Theo hạm trưởng, tình hình Sài Gòn có thể có đảo chánh. Tôi nhớ thời còn ở quân trường, mấy năm trước đã xảy ra đảo chánh hụt…
Sau cơm tối, Hạm trưởng rút vào buồng riêng. Hạm phó và ba sĩ quan Hải Được Tâm chơi bài belotte. Tôi ngồi cạnh Tâm học cách chơi. Nhưng vì đã hứa với sĩ quan trực Hải nên cứ độ mười lăm, hai mươi phút là tôi lại leo lên lòng tàu, đi một vòng coi việc trực gác rồi ra cửa đổ bộ xem xét mực nước thủy triều. Nếu nước lớn, tàu phải được tiến tới để cửa đổ bộ bám dính bờ, khi xe lên xuống cáp treo không bị đứt. Khi nước ròng, tàu phải được lùi ra, sơ suất một con nước, tàu có thể mắc cạn vài ngày. Tùy tuần trăng, không phải lúc nào nước cũng lớn như nhau.
Tôi ra đứng sau lái. Lái tàu chiếm gần đến nửa sông. Trăng chưa lên nên trời tối mịt mùng. Những con đom đóm lập lòe quanh chiến hạm. Bên kia, ban ngày là đồng ruộng thênh thang giờ trở thành vùng tối đen đầy đe dọa. Chỉ có ít ánh sáng từ một tiền đồn lẻ loi nằm chếch bên bờ. Tôi cho rằng tình trạng an ninh ban đêm ở đây có phần ít được chính quyền địa phương quan tâm, ít nhất là đối với con tàu đang nhận đạn. Tàu nằm vài ngày thật khó mà tránh khỏi bị địch điều nghiên phá hoại, tấn công…
- Thưa thiếu úy, hạm trưởng mời thiếu úy xuống phòng sĩ quan.
Tôi nói cám ơn và bước theo anh chiêu đãi. Chắc ông vừa làm xong một bài thơ và muốn nghe lời bình của mình đây. Đã vài lần, thấy tôi còn ngồi đọc sách lúc hai giờ sáng, ông mang thơ ra ngâm tôi nghe và yêu cầu góp ý. Chúng tôi xem ra tương đắc về những sáng tác của ông.
Hạm trưởng đang ngồi sẵn ở ghế dành riêng và chung quanh đông đủ sĩ quan. Tôi ngồi vào ghế của tôi trong nỗi băn khoăn chờ việc quan trọng sắp được thông báo. Nhưng hạm trưởng chỉ cười tươi với mọi người:
- Hôm nay thảnh thơi tôi xem lại hồ sơ của chiến hạm và khám phá ra rằng thứ bảy cuối tuần này là đúng một năm chiến hạm được chuyển giao. Lâu rồi chúng ta không mở tiệc tùng vì tình hình lộn xộn. Đây là một cơ hội danh chính ngôn thuận, lại ở xa “mặt trời”.  Địa điểm thích hợp mà thời điểm cũng vừa khớp. Ngày mai thứ tư chúng ta khởi hành đi Nha Trang. Thứ năm tới nơi và đạn sẽ được bốc dỡ trong ngày, trễ lắm là qua sáng thứ sáu. Ngay sau đó ta làm tổng vệ sinh chiến hạm. Thứ bảy ta trang hoàng, thiết trí. Tối ta mở dạ hội, các anh thấy sao?
Các sĩ quan nhìn nhau hớn hở. Hạm phó nói:
- Quá đẹp, thưa hạm trưởng! Cũng cả năm rồi chúng ta chưa trở về mái nhà xưa. Mở một dạ tiệc vui hội ngộ là nhất rồi!
Hạm trưởng đưa mắt ưu tư nhìn mọi người:
- Vấn đề là thời gian tổ chức có phần gấp rút. Chúng ta chỉ có chưa đầy hai ngày cho bao nhiêu việc phải làm. Tôi đã thử phân công. Các anh lắng nghe. Anh nào thấy trở ngại trong phần vụ của mình, cứ nêu lên, chúng ta cùng tìm giải pháp. Trước hết là phần việc của tôi. Tôi sẽ liên lạc với Tòa đại biểu Trung phần để mời ông bà Đại biểu đến dự.
Ông chỉ cái bảng đồng treo ở vách bên tay trái:
- Các anh biết cả rồi, phu nhân của ông Đại biểu là mẹ đỡ đầu chiến hạm của chúng ta. Sau khi mời ông bà Đại biểu, tôi sẽ đến Bộ chỉ huy Vùng 2 Duyên hải và Trung tâm huấn luyện Hải quân để mời các giới chức ở đây. Luôn tiện mượn luôn ban nhạc, bàn ghế và cả xe nữa.
Còn đây là việc của Hạm phó. Hạm phó được chỉ định làm Trưởng ban tổ chức kiêm hoạt náo viên. Nghĩa là kiểm soát, đôn đốc và làm mọi việc cần thiết để dạ tiệc thành hình và thành công.
Việc của sĩ quan cơ khí, trung úy Hải: Trang hoàng đèn và bảo đảm đèn không tắt. Chỉ dùng hai loại bóng đèn xanh và vàng chạy dọc hai dây an toàn.
Sĩ quan đệ tam, trung úy Được: Trang hoàng cờ chữ, cờ số dọc theo vách lòng tàu và nơi nào anh thấy đẹp. Phụ trách luôn việc chở bàn ghế và sắp xếp. Trừ những ghế mình có sẵn trên tàu, anh cho biết mình cần mượn thêm bao nhiêu. Dự trù tổng số tham dự là chín mươi người.
Thiếu úy Tâm: Chuẩn bị thức uống, ly, khăn giấy và dĩa, muỗng, nĩa, dao nhựa mỗi thứ chừng 200. Tôi sẽ đưa tiền sau.
Thiếu úy Bằng: Chuẩn bị thực phẩm cho 90 người. Anh họp ban ẩm thực để bàn xem gồm các món ăn gì. Ít nhất cũng năm món, không kể tráng miệng. Tiền dự chi không quá ba ngàn.
Các anh nhận rõ phần vụ chưa?
Chúng tôi đồng loạt đáp:
- Thưa, nhận rõ!
- Ngày mai các sĩ quan họp ban của mình để minh định công việc. Tôi muốn bữa dạ tiệc lưu lại một kỷ niệm đẹp cho mọi người. Mọi khó khăn cho tôi biết tối mai, cũng vào giờ này.
- Nhận rõ!
- Hạm phó xem coi tôi có bỏ sót gì không?
Hào gật đầu:
- Cần gì thêm, tôi sẽ trình hạm trưởng.
- Ngày thứ năm ủi bãi Nha Trang, trong khi chờ bốc dỡ số đạn, chúng ta có một ngày thảnh thơi để đi mời thân hữu. Phân đội trực sẽ đi từ buổi sáng đến ba giờ chiều. Phân đội không trực đi từ 3 giờ đến không quá 8 giờ sáng hôm sau. Nhân viên nào vi phạm giờ giấc sẽ bị phạt nặng.
Sáng thứ sáu, Thiếu úy Tâm và Thiếu úy Bằng dẫn nhân viên nhà bếp đi mua thực phẩm, bia, nước ngọt và ly dĩa vân vân. Cho uống bia. Bất kể sĩ quan hay nhân viên nào say sưa là đem nhốt ngay xuống hầm lái tay. Ngày mai cho tôi xem tờ thực đơn đề nghị. Thứ bảy, tiệc sẽ bắt đầu từ 7 giờ tối đến nửa đêm. Từ 7 giờ, Trung úy Hải và Trung úy Được hướng dẫn khách thăm viếng chiến hạm. Tám giờ khai mạc dạ tiệc.  Tôi dự trù có khoảng trên 30 khách đến tham dự. Cần nói rõ điểm này. Khách đến tham dự sẽ dùng phương tiện tự túc. Nhưng khi tiệc tan sẽ có xe đưa về tận nhà. Thiếu úy Bằng phụ trách một chiếc, Thiếu úy Tâm một. Nếu có thêm xe, hạm phó lo. Sáng mai điểm danh, hạm phó thông báo cho toàn thể nhân viên biết chương trình này.
- Thưa hạm trưởng, nhận rõ!
Cuốc bộ từ bến xe lam đến nhà Hồng tôi cứ ngẩn ngơ liệu Hồng có làm mặt lạ với tôi không. Nếu Hồng làm mặt lạ, tôi sẽ phản ứng ra sao? Cứ đứng lỳ trước cổng? Chắc phải vậy thôi để “kêu gọi” sự rủ lòng. Mà Hồng có làm ngơ luôn thì tôi cũng… đáng đời! Nhưng nếu nàng vẫn niềm nỡ, tôi phải giải thích thế nào việc im hơi lặng tiếng suốt sáu tháng?  Tôi phải giải thích sao cho có lý có tình?
Mãi gần tới nhà Hồng, tôi mới chợt thấy là mình quá sơ suất. Lời xin lỗi dẫu có lý có tình đến thế nào mà không kèm một bó hoa thì vẫn là một thiếu sót lớn không thể chấp nhận! Tôi quay bước ra chợ Đầm chọn cho bằng được bó hoa hồng đúng màu hồng tươi tắn nhất. Một tay cầm túi xách đựng quà từ Sài Gòn, tay kia ôm bó hoa đi lang thang giữa phố trông rất cải lương nhưng lại khiến tôi vững bước. Tôi đi qua ngôi nhà cũ của Tuyết, thêm hai ngã tư nữa là tới nhà Hồng. Dường như những người rời bỏ xứ Huế về cư trú Nha Trang thích chọn nhà bên đường Hoàng Tử Cảnh. Đó là khu nhà cổ trông đặc thù bản sắc Huế. Và có lẽ nó còn mang thêm cái không gian yên tịnh nên thơ của cố đô chăng? Tuyết và Hồng có cùng đặc điểm gia đình: Cả hai đều là con một. Cha mẹ đều ở mức khá giả và danh giá. Ba Tuyết lúc còn sinh thời là một trưởng ty. Ba Hồng trước khi thành dân biểu thất cử kỳ hai là bác sĩ trưởng một bệnh viện.  Ông thích thời sự, chính trị. Cuối tuần tôi mong gặp ông để được ngắm Hồng, còn ông thì mong tôi đến để nghe ông bàn thời cuộc. Ông có lối trình bày hấp dẫn về các đề tài mà trước khi gặp ông tôi không hề quan tâm. Nhưng dù hấp dẫn đến đâu, dáng vẻ đài cát của con gái ông vẫn lôi cuốn tôi hơn.
Tôi đặt cái túi xách xuống đất đưa tay nhấn chuông. Tay kia dấu bó hoa ra sau lưng. Chờ một lúc, không thấy động tịnh,tôi nhấn lần hai. Cánh cửa nhà hé mở. Con chó nhỏ len ra phóng nhanh đến tôi. Nó sủa gâu gâu mừng rỡ, ngoe ngoảy đuôi liên hồi. Tôi cũng nhớ tên nó. Hai chân trước và mỏm của Lucy thò ra khỏi các song sắt cố chạm vào người tôi. Tôi đưa tay vỗ lên đầu nó và nó liếm lấy liếm để. Hồng đứng yên trong khung cửa đã mở rộng như chưa nhận ra tôi. Nàng mặc nguyên bộ đồ trắng trông như hồ ly liêu trai. Chợt nàng hối hả bước, đôi môi tươi cười thành hình chữ O. Nàng kéo chốt cổng, mắt không rời mắt tôi, giọng ngạc nhiên:
- Về khi mô?
- Tàu mới ghé bến!
- Răng mà không viết thư? Hồng trông thư bắt mệt!
Tôi nhấc chiếc túi xách qua cổng. Con chó nhảy lưng tưng, vồ vập tôi. Tôi đưa Hồng bó hoa:
- Anh được đổi xuống tàu. Trăm công ngàn việc. Cho anh ngàn lần xin lỗi!
- Cám ơn anh bó hoa thật đẹp. Anh vô nhà đi.
Hồng ôm bó hoa bước vội. Tôi theo sau. Mọi vật vẫn thân thuộc, ấm cúng. Nàng nâng bó hoa, chi chút hôn lên từng đóa, đôi mắt rưng rưng. Có lẽ nàng xúc động vì gặp lại tôi hơn là vì tôi làm một cử chỉ đẹp. Tôi nhè nhẹ thở ra. Phút khó khăn qua rồi. Tôi cũng mừng gần rơi nước mắt.
Hồng chỉ chiếc ghế sofa, nói dịu dàng:
- Mời anh ngồi.
Tôi ngồi vào nơi chỉ định. Con Lucy thót lên nằm cạnh tôi. Tôi đặt chiếc túi xách lên mặt bàn khảm xà cừ. Hồng ôm bó hoa vào bếp. Tôi vuốt ve con chó. Nó lim dim tỏ vẻ hài lòng. Hồng trở ra, đặt bình bông lên bàn. Những đóa hồng như bừng nở, tươi tắn hơn sau những nụ hôn của nàng. Nàng ngồi sát tôi, đối xứng con chó. Tôi ngại ngùng hỏi:
- Hai bác đâu Hồng? Anh có quà tặng…
Tôi nghiêng người ra trước, nhấc từng gói quà khỏi túi xách:
- Đây là hộp trà tặng bác trai. Khăn quàng tặng bác gái. Còn đây là quà của Hồng.
Đó là bộ thời trang thanh nhã nhập từ Pháp mà cô bán hàng phải mất nhiều thời giờ mới chọn được. Hồng tiếp nhận, ôm vào lòng nhưng không mở. Giọng nàng nghẹn ngào:
- Tự dưng em nhớ bài thơ của Nguyễn Thị Hoàng mà anh học cùng thời chị ấy chắc phải biết. Học trò Võ Tánh ai mà không biết. Em đọc lại anh nghe vài đoạn: “Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc. Ngó chi tui đồ cỏ mọn hoa hèn. Nhìn chi tui hình đom đóm trong đêm. Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch”… “Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi? Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau! Khối tình câm nên không sắc, không màu. Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!”… “Tui không buồn răng mắt mờ lệ ứa, Bởi vì răng tui có hiểu chi mô! Vì lòng tui là mặt nước sông hồ. Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc!”
Tôi nhìn nước mắt Hồng tuôn thành dòng mà hồn rung động. Hiền lau mắt bằng cánh tay áo. Sáu tháng qua tôi đã cư xử quá tệ với Hồng chỉ vì mãi mê trách cứ Hiền cư xử ác với tôi. Tôi kéo Hồng tựa đầu vào tôi, thì thầm:
- Em không là cỏ nội hoa hèn. Em là tôn nữ, là công chúa…
Hồng lắc đầu:
- Đừng nói rứa anh. Đừng làm em tủi thân thêm. Trong tình yêu, không được yêu thì khác chi cỏ mọn hoa hèn.
Tôi phản đối:
- Không yêu em mà suốt hai năm anh lại…chịu khó ngồi hầu chuyện ba em? Không yêu em mà…
Hồng bịt miệng tôi bằng nụ hôn nồng nàn. Khá lâu, khi rời môi tôi, Hồng cười bẽn lẽn, má bừng hồng. Tôi sững sờ. Một người có tánh liều mạng như tôi mà cho tới ngày chia tay, tôi chưa từng một lần dám hôn Hồng. Lúc nào nàng cũng giữ vị trí cách xa tôi hoặc có đi đâu thì nàng cũng kề vai với mẹ.  Còn tôi thì luôn luôn cạnh kề ba nàng. Có khi chúng tôi được ngồi riêng hai đứa nhưng luôn luôn bị chia cách bởi một cái bàn. Tôi có thể liều mạng giả bộ đi vòng rồi bất ngờ hôn nàng nhưng vẻ đoan trang đôn hậu làm tôi dính tại chỗ. Vậy mà hôm nay Hồng lại là người liều mạng hơn cả tôi. Tôi chợt nhớ là Hồng chưa trả lời câu hỏi của tôi:
- Hai bác đi mô rồi hả Hồng?
Hồng gật đầu:
- Ba mạ em ra Huế lo vụ đất đai tranh chấp, thứ hai mới về. Anh có biết trong sáu tháng xa anh, em ao ước chi không? Em ước ba điều: Một là được gặp lại anh. Hai là phải tìm dịp hôn anh một cái hôn thật dài để đền bù. Và ba là…
Hồng im bặt, chớp mắt và má ửng hồng. Tôi cười đùa:
- Anh cũng đã mơ ước được một lần hôn em, nụ hôn dài… bất tận.
Hồng nhắm mắt chờ đợi. Tôi vòng tay xiết chặt nàng.  Mãi thật lâu nàng đẩy tôi ra. Tôi cảm thấy hạnh phúc tràn trề. Tôi nói lời tha thiết:
- Cám ơn Hồng đã thương yêu và chờ đợi. Còn điều ước thứ ba là gì, nếu được, anh đền bù luôn…
Nàng đập vào vai tôi:
- Ăn nói chi lạ! Chưa biết em ước chi mà đã đòi đền bù. Thôi em không nói. Nghe dị òm.
- Anh muốn nghe. Hồng nói đi. Không dị mô!
Nghe giọng tôi trêu chọc, nàng đấm tôi túi bụi:
-Ghét anh dễ sợ!
Tôi đăm đăm ngắm Hồng. Mãi đến nay tôi mới để ý đến một nốt ruồi nằm gần giữa môi trên về phía trái. Chỉ là một chấm đen nhỏ nhưng đủ làm cho đôi môi tươi thắm thêm. Rồi thêm một nốt ruồi nhỏ ở cuối mi mắt phải tạo gương mặt thêm phần thanh thoát. Tôi lại bắt chước giọng Huế của nàng:
- Hồng đẹp dễ sợ! Mà cũng đài các dễ sợ!
Nàng nguýt, bẽn lẽn, mặt bừng đỏ. Tôi lại kéo nàng tựa vào vai tôi. Con chó ngẩng  cao đầu nhìn, nghe ngóng rồi lại nằm cuộn tròn. Hồng cất giọng buồn bã:
- Nó là bạn thân thiết nhất của em từ ngày anh không đến nữa. Nếu không có nó, chắc em còn nhớ anh dễ sợ hơn!
Tôi tìm một câu đùa khác nhưng không nghĩ ra. Hồng lại tiếp:
- Em không hiểu mần răng mà em cứ nhớ anh hoài. Chúng mình mô có chi. Một nụ hôn cũng không! Gần đây, ba mạ cho em một chọn lựa. Hoặc sau trung học thì lấy chồng. Hoặc niên khóa tới vào nội trú đại học Huế. Cả hai em đều sợ. Cả hai đều cho thấy em xa anh vĩnh viễn. Ít nhất, học đại học ở Sài Gòn em còn hy vọng gần anh.
Tôi ngồi lặng thinh. Hai người con gái Nha Trang từng yêu tôi, khi vào Sài Gòn đều yêu người khác. Cứ giả sử Hồng lúc nào cũng son sắt, thì lại càng làm tôi thêm kẹt. Mỗi năm mỗi thêm tuổi, tôi đâu lẽ trốn né hoài việc cưới xin. Cho tới nhiều năm nữa, chưa chắc tôi đã có thể… dừng bước giang hồ. Tôi nói:
- Cư xá sinh viên ở Sài Gòn xô bồ lắm. Nên đi Huế. Một lý do khác, anh đi hoài, ít khi ở Sài Gòn. Mà có về bến thì cũng bị cấm trại.
Hồng cúi mặt:
- Thấy anh không viết thư, em cứ tự nhắc mình là đừng yêu anh nữa, đừng nhớ anh nữa và đừng hy vọng chi nữa. Rứa mà cứ nhớ. Tức quá nên em nói với ba mạ là em chọn… lấy chồng.
Hồng dừng lại nhìn tôi ý chừng muốn xem phản ứng. Tôi lặng thinh xem xét lòng mình. Nếu chưa muốn lấy vợ thì để người ta đi lấy chồng. Cứ nhấp nhứ cho người ta hy vọng rồi để tuyệt vọng thì không phải là một quân tử! Tôi nở nụ cười, ngâm thơ Nguyễn Bính:
- Gái lớn ai không phải lấy chồng! Cớ chi mà khóc nín đi không! Mà người em chọn làm chồng là ai vậy?
- Là ai vậy? Câu hỏi làm em chua xót. Câu em mong đợi ở anh là: “Em xem xem anh có hy vọng được em chọn làm chồng không”. Cho dù đó là một câu đùa nhưng cũng cho thấy anh hiểu điều em muốn nói! Đằng này anh nêu câu hỏi quá vô tình. Nếu em có ý muốn làm vợ người nào khác, em đã không thèm nhìn mặt anh.
Tôi thấy mình quả đã thốt ra một câu hỏi ngu si. Tôi phải nói gì để Hồng đỡ tổn thương? Nàng lại tiếp:
- Chỉ tội cho ba. Chính ba cho phép anh vào nhà…nên ba không chọn ai khác. Cái lạ là ba lại thích anh ngay từ buổi gặp lần đầu. Ba bảo trông anh hiền! Mạ cũng tán đồng. Chính em chờ anh vì đồng ý với nhận xét của ba mạ. Nhưng anh trở lại chỉ để cho thấy anh không như ba mạ em nghĩ. Em sẽ nói với ba mạ là anh không hiền mô! Em sẽ lấy chồng vào mùa hè, bất kỳ là với ai, nhưng nhất định không là anh!
Tôi khe khẻ thở dài! Khi đeo đuổi cô nào đó tôi chỉ muốn chiếm tình yêu của họ mà không nghĩ đến việc họ còn có cả một gia đình. Và cũng không nhìn thấy chính người con gái đó sẽ phải chịu lao đao vì yêu nhằm một tên lêu bêu không định hướng. Tôi không lêu bêu, chỉ có điều là chưa thể lập gia đình. Trước sau gì tôi cũng phải có vợ có con. Nếu phải chọn một trong ba người con gái tôi từng yêu để làm vợ, tôi nghiêng hẳn về Hồng. Hồng dành cho tôi một tình yêu trinh nguyên như nhất. Nàng dành cho tôi trọn vẹn tình đầu. Không lý do gì tôi lại không trao nàng luôn cả tình cuối. Tôi thấy cần nói lên một sự thật và tùy Hồng định đoạt:
- Hồng ạ, đây là một thực tế, anh thực lòng bày tỏ. Những lời anh làm em buồn chính là từ sự thật này. Anh thấy rõ ràng là bất cứ kẻ nào có được người vợ như em kẻ đó có cả một diễm phúc. Anh vô cùng khao khát nhận cái diễm phúc đó. Nhưng để được em làm vợ, anh phải bước qua lắm bước nhiêu khê. Ba bước căn bản là: Phải có tiền trang trải cho đám cưới. Lại thêm một số tiền để sắm sửa và chi tiêu cho một tổ ấm và cuối cùng phải làm sao giữ cho cái tổ luôn luôn ấm. Như em thấy đó, anh mới ra trường, những bước nhiêu khê cần thời gian để vượt qua. Thời gian là bao lâu? Anh đã làm thử con toán và thấy rằng sớm nhất cũng phải năm năm. Bắt một người con gái chờ năm năm là điều không nên không phải. Vì vậy, anh có bổn phận gợi ý cho em sớm đi lấy chồng.  Nhưng em đã hiểu lầm. Sự thật là thế đấy. Em hãy cân nhắc. Riêng phần anh, dựa vào ý ba em, anh thấy có một quãng  thời gian thích hợp cho cả hai. Đó là quãng thời gian em cần để tốt nghiệp đại học. Đó cũng là thời gian anh chuẩn bị tổ ấm. Không chỉ chuẩn bị tiền, mà còn chuẩn bị một chỗ trên bờ. Sau năm năm liên tục đi biển, anh nghĩ rằng anh có đủ thâm niên để về bờ. Cho nên anh chỉ có thể hứa bằng tất cả danh dự: Năm năm nữa anh sẽ cưới em…
Hồng nhìn tôi không chớp mắt. Dường như những gì tôi vừa nói là một bất ngờ đối với nàng. Nàng biểu lộ nét xúc động nhưng không tỏ vẻ hài lòng. Tôi thấy cần thêm một câu đùa cho quãng thời gian được ngắn bớt:
- Trừ phi anh trúng số, anh cưới Hồng ngay. Từ nay mỗi tuần anh sẽ mua vé số!
Hồng cười như mếu:
- Được như rứa thì nói chi! Nhưng thời hạn năm năm nghe lâu chi lạ! Cho dù em có theo đại học thì cũng chỉ bốn năm.
- Em chọn bác sĩ thì năm sáu năm.
Hồng lắc đầu:
- Cái số năm học không phải là vấn đề. Cái vấn đề là anh với em sẽ còn tệ hơn Ngưu lang Chức nữ. Một năm có chắc chi gặp nhau được một lần!
- Một năm chúng ta gặp nhau một hai tuần ở đây, hay ở Sài Gòn, trong mùa hè…
Hồng trầm ngâm:
- Cám ơn anh nói ra một sự thật. Bây giờ chúng ta đi ăn cơm, em đói rồi.
Tôi như đang bị hụt hơi nên tán thành ngay:
Hồng đại diện luôn hai bác, hỉ?
Hồng cười, thoăn thoắt chạy vào buồng. Khi trở ra, nàng hoàn toàn là một cô gái khác. Chiếc áo sơ mi màu xanh nước biển và chiếc quần tây màu trắng bó sát mông đùi.  Một tý má hồng, một tý môi son. Trông Hồng tươi trẻ, uyển chuyển như một người mẫu. Chúng tôi đi cạnh nhau như đôi bạn học. Đường phố vừa lên đèn. Tôi không biết mình đã qua những con đường nào trước khi đến nhà hàng La Frégate. Đây là nhà hàng tôi từng được ba mẹ nàng đưa đi ăn tối.
Người tiếp viên niềm nở tiếp đón và đưa chúng tôi đến ở một bàn nhỏ với hai ghế đối diện. Một chụp đèn xinh xắn gắn trên vách tỏa vừa đủ sáng. Một cánh hoa hồng cắm vào chiếc lọ nhỏ đặt giữa bàn. Trước mỗi ghế là một đĩa trắng lớn đựng khăn. Hai ly thủy tinh một cao một thấp phía trước và muỗng nĩa dao hai bên. Người tiếp viên mở khăn ăn cho Hồng trải lên đùi trước khi bước qua chỗ tôi. Hồng tự động chọn món chúng tôi cùng thích: món thịt bò Châteaubriand nướng khá chín và khoai tán với sauce. Món này cũng là món tủ của ba Hồng. Và như thường lệ, mỗi đứa một ly rượu chát có vị pinot noir.
Trong khi thưởng thức hương vị tuyệt vời, thưởng thức cảnh trí thơ mộng và sự phục vụ tận tụy, tôi hỏi thăm sức khỏe ba mẹ Hồng, hỏi thăm Hồng gặp trở ngại gì ở lớp đệ nhất ban văn chương. Hồng bảo là các môn học đều suông sẻ trừ những khi … nhớ tôi thì phải tốn thêm thì giờ đọc đi đọc lại. Tôi hỏi Hồng đã đọc hết các sách tự lực văn đoàn chưa. Đã đọc được mấy cuốn của Francoise Sagan rồi. Tôi hỏi Hồng đã xem những phim gì trong thời gian không gặp tôi.
Hồng hỏi tôi về hải nghiệp. Tôi ba hoa chích chòe toàn chuyện đi biển và dấu biến chuyện đi bờ. Tôi nói với Hồng sáu giờ chiều ngày mốt, thứ bảy, tôi sẽ đến đón Hồng dự dạ tiệc dưới tàu. Hông reo vui: “Em sẽ được biết tàu anh, sướng dễ sợ!”. Chúng tôi kết thúc bữa ăn bằng bánh flank và cà phê đen. Tôi gọi bồi bàn tính tiền. Hồng bảo: “Ba mạ dặn cứ đến chỗ ni ăn ba mạ về trả sau”. Tôi vẫn đưa tiền nhưng người bồi không dám lấy. Tôi để lên bàn phần tiền pourboire hậu hĩ.
Chúng tôi cuốc bộ ngang qua ty bưu điện ra bãi biển, từ đó chúng tôi tay trong tay thả dọc theo ven nước, đôi lúc thì thầm, nhiều khi lặng lẽ. Đến mười giờ, Hồng đề nghị về nhà cho con chó cưng đi vệ sinh.
Mười giờ, chuyến xe chót về Chụtt nơi tàu ủi bãi đã rời bến. Tôi dự trù về lúc chín giờ nhưng vì ba mẹ Hồng đi vắng nên cứ dùng dằng. Cùng lắm thì đi bộ nếu không tìm được cyclo. Hồng dắt con Lucy vào nhà, khóa chốt và tắt bớt đèn, chỉ còn ánh sáng từ hai bóng điện dùng như ngọn lữa cho cặp nến trên bàn thờ.  Hồng ngồi tựa đầu lên cánh tay tôi trên sofa và con chó nằm bên. Tôi hôn lên tóc Hồng. Mùi thơm da thịt dìu dịu mà quyến rũ. Tiếng Hồng nhẹ trôi trong không gian huyền ảo:
- Ước mơ thứ ba của em là được nằm suốt đêm trong vòng tay anh…
Tôi nghe khắp người rúng động. Tôi ngắm nét thanh tú kiêu sa trên gương mặt nàng. Tôi nhích người ra và xoay ngang để có thể hôn lên đôi mắt còn nhắm kín sau câu nói. Và tôi hôn đôi môi. Hồng đáp ứng cuồng nhiệt. Tôi vụt đứng lên và quyết định ra về. Tôi nói trong hơi thở mạnh:
- Anh phải về. Tiếc rằng ước mơ cuối cùng của Hồng anh không đủ nghị lực để hoàn thành.
- Đừng anh! Cho em sống trọn ước mơ của em.
Tôi lắc đầu:
- Thật nguy hiểm Hồng ạ!
Hồng cười:
- Anh đừng hiểu lầm! Chuyện nớ không nằm trong ước mơ của em. Em chỉ ước mơ được nằm bên anh, được hôn anh và được anh hôn! Chỉ rứa!
Với tôi, khó mà chỉ rứa! Tôi không thể giải thích với Hồng. Hồng chưa biết mùi đàn ông và mang nặng danh giá gia đình, có thể chống đỡ hết mình. Còn tôi, kẻ từng biết mùi đàn bà và bất kham khi ham muốn. Hồng có chống đỡ hết mình thì cũng không ngăn được chuyện phải xảy ra.  Bây giờ tôi còn sáng suốt nhìn thấy một chuổi hậu quả mà Hồng và gia đình phải nhận lấy. Và cũng chính là lúc phải ra về. Tôi đứng bật dậy và bước về phía cửa. Tôi mở chốt khi Hồng cúi mặt buồn bã ngồi yên. Tôi nói:
- Nhớ sẵn sàng sáu giờ ngày mốt anh đến đón. Đừng giận và hãy ngủ ngon.
Chỉ có con chó tiễn tôi ra cổng.
Theo dự trù, dạ tiệc bắt đầu đúng 8 giờ. Ban nhạc bắt đầu chơi các nhạc bản êm dịu. Hồng đứng cạnh tôi gần ban nhạc, nhìn quanh. Nàng khen nghệ thuật trang hoàng trông đơn giản mà vẫn huy hoàng. Chạy dọc hai vách của lòng tàu và phần lộ thiên là các dãy đèn vàng xanh, các hàng cờ chữ và số đầy sắc màu lạ mắt. Nó còn góp phần làm nổi bật cho trên năm mươi bộ tiểu lễ màu trắng đang lăn xăn di động. Từ cửa đổ bộ đi vào là những dãy ghế đặt hàng ngang tổng cộng tám mươi chiếc.  Tiếp đến, đặt sát mỗi bên vách  là một dãy bàn dài bày biện nhiều món ăn hấp dẫn. Cuối mỗi dãy là hai bàn tròn lớn, một dành cho ban nhạc giải lao và một dành cho các loại thức uống. Một sàn nhảy khá rộng ngay trước ban nhạc phối trí gần sân lái.
Vào lúc 8 giờ 15, trong khi mọi người ngồi vào chỗ, Hạm trưởng và các sĩ quan tiến ra cửa đổ bộ đón chào hai vị khách quan trọng nhất của đêm dạ hội: Hải quân Trung tá Chỉ huy trưởng Vùng duyên hải và phu nhân. Đúng ra vinh dự này là dành cho ông bà Đại biểu Trung phần nhưng cả hai đều bận công vụ quan trọng hơn. Hạm phó mời Hạm trưởng tuyên bố khai mạc Dạ hội kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày nhận lãnh chiến hạm. Ông ngỏ lời chào mừng và cám ơn quan khách. Ông cũng cám ơn quân trường Hải quân đã cung cấp phương tiện tổ chức gồm  ban nhạc và ca sĩ. Ông tổng kết vắn tắt thành tích chiến hạm sau một năm tích cực hoạt động và nhiệt liệt ngợi khen toàn thể thủy thủ đoàn. Cuối cùng Hạm trưởng chúc mọi người hưởng trọn đêm vui.
Hạm phó Hào lại cầm máy giới thiệu tôi lên đọc thực đơn. Tôi mỉm cười với Hồng để tự trấn tĩnh. Hồng bóp tay tôi khích lệ. Khi đối diện mọi người, tôi đưa tay chào đúng quân cách và nhìn vào hàng ghế thượng khách:
- Kính thưa Hải quân Trung Tá chủ tọa và phu nhân. Kính thưa Hạm trưởng và quý vị thực khách. Hôm nay là thứ bảy, ngày 26 tháng 10 năm 1963,  nhằm ngày mồng 10 tháng 9 Âm lịch là ngày lành tháng tốt của năm Quý Mão. Bây giờ là đúng tám giờ tối, theo đồng hồ của vị chủ tọa. Tôi, Hải quân thiếu úy Võ Bằng, xin đọc thực đơn đêm dạ tiệc. Thực đơn hôm nay gồm có:
Thứ nhất: Súp măng cua vi cá. Thứ hai:Chả giò bào ngư. Thứ ba: Kim kê nhất bửu. Thứ tư: Hải sâm dồn thịt. Thứ năm: Tôm nướng Trường Sa. Thứ sáu:  Cơm chiên Tây Sa. Thứ bảy: ice cream tráng miệng. Thức uống: Nước ngọt đủ loại và cà phê.
Kính chúc Trung tá chủ tọa và phu nhân, kính chúc Hạm trưởng và tất cả quý vị một bữa ăn ngon miệng.
Tiếng vỗ tay rộ lên cùng với tiếng xì xào, cười nói. Hạm trưởng đứng lên hướng dẫn khách lấy thức ăn dãy bàn bên mặt. Hạm phó hướng dẫn bên trái. Tôi gài micro, về ghế ngồi bên Hồng. Nàng quay qua tôi:
- Thực đơn hấp dẫn quá. Chắc tốn kém lắm.
Tôi cười:
- Nghe rứa mà không phải rứa! Cốt để nghe cho kêu rứa mà! Thí dụ chỉ là gà rô ti của nhà bếp nhưng gọi kim kê nhất bửu cho nó sang!
Hồng bấu tôi:
- Anh bỏ cái giọng nhại Huế đi. Nghe chướng dễ sợ! Còn khai mạc gần chín giờ mà bảo đúng tám giờ!
Tôi xoa chỗ đau:
- Cũng truyền thống Hải quân đấy. Ông chủ tọa đến trễ ra sao cũng mặc, sĩ quan ẩm thực phải nói đúng theo giờ đã định.
- Tại răng?
Tôi lắc đầu:
- Không rõ! Có lẽ, hoặc là tỏ ra tôn trọng ông chủ tọa bằng cách cho biết đã khai mạc đúng giờ hoặc là để chọc quê ông chủ tọa đã đến trễ!
Hồng bụm miệng cười. Tôi nâng Hồng đứng lên sắp hàng lấy thức ăn. Bây giờ thì ít còn ai ngồi. Đa số vừa đứng ăn vừa tán chuyện. Các cậu lính thủy thì đưa đào lên boong ngồi trên các trụ quấn dây. Một số đứng kề nhau tựa dây an toàn. Lấy thức ăn xong tôi đưa Hồng tìm Tâm giới thiệu. Bạn gái Tâm thật duyên dáng. Hạm phó và các sĩ quan khác đều có đôi. Chỉ mình Hạm trưởng là đơn lẽ nhưng ông lại tỏ ra vui tươi nhất. Ông hết nói chuyện với đoàn viên này lại hỏi han đoàn viên kia. Ông tiếp xúc chào mừng từng quan khách. Ban nhạc chơi những bản quen thuộc, nhuyễn nhừ, âm lượng vừa đủ. Tôi đưa Hồng lên tận đài chỉ huy. Trung úy Hải và cô bạn đang chiếm một phía nhìn về thành phố. Tôi và Hồng sang phía đứng nhìn về Cầu Đá. Biệt Điện Bảo Đại vươn cao trên nền trời đen thẳm đầy sao. Cuối độ nghiêng của sườn đồi hình dạng của hai chiếc thương thuyền đang cặp kè ở cầu tàu. Hòn Tre lừng lững một khối đen.
- Trời mát và biển về đêm đẹp dễ sợ.
Tôi muốn nói đâu bằng em nhưng thấy khuôn sáo vô duyên. Ánh đèn từ dưới hắt lên tạo khuôn mặt Hồng thêm vẻ kiêu sa đài các. Hai lọn tóc đen thả ngang bộ ngực vung đầy được cái thành bệ nâng lên. Màu trắng chiếc áo pullover như trong suốt. Tôi nghĩ là nếu tôi và Hồng không đang bận nhai thì chắc chắn chúng tôi đã hôn nhau. Ngẫm nghĩ tôi thấy mình thật may mắn. Và cũng thấy mình thật lạ lùng khi suốt sáu tháng chỉ đôi lần thấp thoáng nhớ nàng. Suốt sáu tháng đầu óc ngu muội vì những nụ hôn Hiền dành cho Thanh. Từ nay, phải đền bù cho cả tôi lẫn Hồng. Tôi nói:
- Thật đáng buồn là chúng ta chỉ còn gần nhau vài tiếng nữa. Sau dạ tiệc, anh đưa Hồng vào nhà là phải trở lui ngay để nhổ neo về Sài Gòn.
Hồng lặng thinh nhìn ra biển khơi. Một lúc lâu mới vang lên giọng buồn như muốn khóc:
- Rồi anh lại không viết thư cho Hồng?
Tôi nắm cánh tay nàng:
- Lần này anh sẽ viết bù.
- Khi trước, dù chưa có kỷ niệm, Hồng cũng đã nhớ anh.  Lần ni, chắc nhớ… điên luôn! Rồi cứ như ri thêm năm năm nữa. Anh ác dễ sợ.
Tiếng hạm phó Hào vang lên từ các loa:
- Mời tất cả trở lại ghế ngồi để bắt đầu chương trình văn nghệ. Bây giờ là chín giờ. Chương trình văn nghệ bốn mươi lăm phút. Sau đó là khiêu vũ. Xin mời quý bà, quý cô, quý ông, quý bạn và toàn thể thủy thủ đoàn nhiệt tình tham gia. Mời tất cả mọi người trở lại chỗ ngồi. Mời ca sĩ ban nhạc trình bày trước.
Tôi và Hồng theo sau Trung úy Hải và cô bạn gái lần xuống lòng tàu. Tôi lấy hộp bia và một ly xá xị. Giọng nữ nũng nịu cất lên bài Hoa Biển. Rồi đến giọng nam rộn ràng với bài Thủy Thủ và Biển Cả. Một cô khách trẻ tiếp nối bài Tình Ca Người Đi Biển nói là để tặng tất cả các anh thủy thủ thương yêu. “Chiều nay ra khơi. Thoáng thấy mắt em nhuốm buồn. Đời anh là gió sương. Anh đi khắp muôn phương!”
Hồng kề miệng sát tai tôi:
- Đi, đi hoài! Nhuốm buồn là còn giỏi. Em muốn khóc đây.
Tôi cười:
- Hồng lên hát một bản vui vui sẽ hết muốn khóc…
- Em không biết hát.
- Em đờn piano hay thế mà không biết hát?
- Em chỉ chơi nhạc classic. Thôi anh hát tặng em đi.
Hát là đam mê của tôi nhưng bản gì đây? Bản gì hợp với tâm hồn cổ điển của Hồng? Phạn Duy có đặt lời cho nhiều bản cổ điển ngoại quốc. Trở Về Mái Nhà Xưa. Chủ Nhật Buồn, Chiều Tà. Dạ Khúc. Dạ Khúc có vẻ hợp với không khí tối nay nhất. Nhưng dường như tôi không thuộc hết lời. Tôi hỏi Hồng:
- Em thuộc lời bản Dạ Khúc?
Hồng chầm chậm nghiêng mặt, đôi mắt u buồn nhìn tôi, khe khẻ lắc đầu. Cái dáng vẻ của Hồng gợi tôi một bản nhạc. Một bữa trong tuần tôi đi phép, Dũng bảo bản nhạc này mới xuất bản và tập tôi hát. Càng hát tôi càng thấy bản nhạc hay lạ lùng. Phải chăng từ trong tiềm thức tôi bóng dáng Hồng luôn luôn ngự trị. Khi hạm phó Hào kêu gọi người tình nguyện kế tiếp, tôi bước lên. Tôi nhìn khán giả rồi hướng vào Hồng, nói một cách thiết tha:
- Bài này tôi mới tập nhưng tôi vẫn muốn hát để riêng tặng một người: Tôn Nữ Thụy Hồng, bản Dung Nhan Mùa Hạ của Y Vân.
Nàng đắm đuối nhìn tôi. Tôi quay nói nhỏ với ban nhạc cung bậc và nhịp điệu slow rock. Tôi lắng nghe nhạc dạo và cất lời từ trái tim:
Khi em tắm nắng cho tôi xin hai thước mặt trời. Vẻ kiêu sa thần vệ nữ ngàn đời. Ôi đôi môi ấy và đôi mắt u hoài. Tôi từ bâng khuâng đến mê say.
Xin cho ngây ngất bên dung nhan đan trắng hạ này. Và cho xanh giấc ba mươi.
Vòm mây, bờ cát trắng. Trời cao, biển xanh thắm. Vàng nắng và gió êm. Nhạc đâu đó gợi buồn.
Khi em tắm nắng không bao nhiêu hai thước mặt trời. Để dung nhan thắm trong tôi.
Bản nhạc quá ngắn, tôi định hát thêm cho đã nhưng ban nhạc báo dứt ở cuối lần hai theo thông lệ và tiếng vỗ tay đã bừng rộ. Tôi cúi đầu chào, chờ hạm phó đến trao chiếc vi âm. Tiếng hô bis từ nhiều người. Có tiếng la lớn: “Yêu cầu hát bản Nha Trang!” Nhiều người la hét: “Đúng rồi, Nha Trang. Yêu cầu hát Nha Trang của Minh Kỳ”. Tôi nhận ra giọng la lớn là của trung sĩ Quân. Hai đêm trước, anh xuống khu sĩ quan tìm tôi để dạy tôi khiêu vũ như anh hứa, đúng lúc tôi đang nằm trên giường hát trọn bản này. Anh chỉ báo sự hiện diện của anh bằng lời khen giọng tôi thiệt ngọt. Tôi nói với anh có lẽ tại vì tôi đang nhớ một người bạn học, nhớ những ngày cùng nhau quậy phá Nha Trang. Dũng là người dạy tôi cầm đàn và dạy tôi hát. Dũng là học trò của nhạc sĩ Minh Kỳ, được chính tác giả tập dợt bài này trước khi xuất bản. Tôi là học trò của Dũng…
Hạm phó nháy mắt:
- Hát Nha Trang đi, mắc cở gì nữa!
Biết không đừng được, tôi nâng chiếc vi âm:
- Bản này xin tặng Nha Trang và… người Nha Trang.
Nha Trang là miền quê hương cát trắng. Có những đêm nghe vọng lại. Ầm ầm tiếng sóng xa đưa. Nha Trang cảnh đồng bao la bát ngát. Hương quê dâng lên ngào ngạt. Hòa cùng sức sống yên vui.
Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ. Bao năm du khách hằng chờ. Một ngày ghé đến Nha Trang. Ai ơi người về cho ta nhắn với. Nha Trang quê hương dịu hiền. Ngàn đời lòng tôi mến yêu.
Còn đâu những chiều vui xưa. Còn đâu những chiều say sưa. Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông. Còn đâu Tháp Bà êm mơ. Còn đâu đá Chồng bơ vơ. Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ.
Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát. Ai qua không quên để lại. Một vài luyến tiếc xa xôi. Ai ơi người về cho ta nhắn với. Nha Trang quê hương dịu hiền. Ngàn đời lòng tôi mến yêu.
Tiếng vỗ tay lại rộ lên. Tôi cúi chào rồi xuống ngồi bên Hồng. Tôi như muốn hụt hơi. Đây là lần đầu tôi hát trước đông người. Hồng ôm xiết cánh tay tôi, nói nhỏ một cách hãnh diện:
- Anh hát hay dễ sợ. Thương anh dễ sợ! Ngàn đời lòng tôi mến yêu!
Các thủy thủ và quan khách thay nhau tiếp nối lời ca. Trong bầu không khí còn đang sôi động, Hạm phó trịnh trọng giới thiệu một màn trình diễn đặc biệt của một nghệ sĩ đặc biệt. Mọi người im phăng phắt chờ đợi Hào giới thiệu rõ hơn. Anh nói chầm chậm, nửa trịnh trọng, nửa cợt đùa:
- Để thay đổi không khí, đây là phần ngâm thơ. Tác giả đặc biệt đóng góp đêm vui bằng một bài thơ do chính ông sáng tác. Xin mời nhà thơ kiêm… hạm trưởng!
Tiếng vổ tay tưởng chừng phá vỡ con tàu. Tiếng la hét ủng hộ gà nhà. Hạm trưởng ngượng ngịu đứng lên, đến bên Hào tiếp nhận máy vi âm:
- Ông hạm phó chơi tôi sát ván!  Cho máy tiến không  xong mà lùi cũng không được. Thì thôi đành ngâm một bài mới sáng tác đêm qua. Đêm qua, nghĩ đến ngày mai phải rời xa Nha Trang tôi cứ trằn trọc mãi. Bài thơ có tựa Rời Bến.
Mọi người đều bất ngờ. Giọng ngâm của ông có thua gì Tô Kiều Ngân:
“Buồn sao tàu nhổ neo rồi. Trông ra chỉ thấy ngậm ngùi chấm con. Bờ lui, lui mãi… chỉ còn. Bâng khuâng nét núi, đồi thôn mập mờ. Đàn khơi dạo khúc vu vơ. Hồn trong ly cách thẩn thờ tìm nhau. Buồn sao giây phút lên neo. Tàu đi bỏ lại ngoằn ngoèo luống khơi. Tim như chìm mất cung vui. Càng xa khoảng biển càng ngùi nhớ thương. Rồi như tàu: nét chấm mòn. Nhạn bơ vơ giữa trùng dương mịt mùng.
“Chót dây buông hẵn con tàu. Mũi dần tách bến dạ cầu bơ vơ. Cố đô chiều xuống lên mưa. Triều dâng lẵng lặng, hồn ngơ ngác hồn.
“Hôm nao trông cánh thư màu. Cánh thư không lại, con tàu nhổ neo. Sóng lên trắng biển, gió vèo. Nỗi buồn hun hút đuổi theo chân trời…” (thơ Hữu Phương)
Xin cám ơn mọi người đã lắng nghe…
Tiếng vổ tay hòa tiếng la hét, tiếng hô bis vang đội. Hạm trưởng dơ cả hai tay lên thay cho lời cảm ơn rồi trở về chỗ ngồi. Đợi tiếng ồn lắng bớt, Hạm phó nói đùa:
- Thưa quý vị. Thật ra Hạm trưởng có thể ngâm tới sáng cũng chưa hết thơ của ông nhưng đã tới giờ khiêu vũ. Huấn thị điều hành căn bản có nói rằng giờ nào việc nấy! Vì vậy xin mời ông bà chủ tọa khai mạc phần dạ vũ!
Diệu nhạc Pasodoble nhộn nhịp vui tươi. Sàn nhảy đông dần và càng lúc càng sôi động. Tôi tự dưng thấy mình còn quá quê mùa trước những bước nhảy điêu luyện, quấn quít của các giai nhân và các chàng thủy thủ không còn làn ranh quan lính. Tất cả tận hưởng đêm vui. Trung sĩ Quân và người đẹp xem chừng vô cùng ăn ý. Hai người đi fantasy như đang thi đua tranh giải khiêu vũ đẹp thế giới. Tôi nhất định phải nhờ anh dạy tôi những điệu bebob, tango…
Ban nhạc và ca sĩ liên tục chơi nhạc tua. Đợi đến điệu slow, tôi rủ Hồng ra sàn. Nàng lắc đầu ngoày ngoạy. Tôi cũng chỉ mới được thầy Quân dạy cấp tốc điệu sơ đẳng này mà đã làm tàng:
- Đừng sợ! Dễ lắm. Điệu slow này, em chỉ ôm anh, đứng tại chỗ, hơi đong đưa theo nhịp, thế là ăn tiền.
Hồng vẫn lắc đầu nhưng tôi cứ nằn nì. Vào điệu slow của tua thứ ba, Hồng chiều tôi miễn cưỡng bước ra. Chúng tôi đứng ôm nhau trong tiếng nhạc dặt dìu. Không bao lâu nàng ôm chặt tôi, tựa mặt vào vai tôi, vào cổ tôi. Nàng hầu như không hay biết hai bàn chân đã bắt đầu di động tới lui qua lại. Từ đó Hồng không bỏ điệu slow nào….
Chúng tôi chạy từ đường này sang đường khác, thả từng người khách tận cửa nhà. Hồng là người sau cùng. Tôi dặn anh tài xế đậu chờ. Hồng mở cổng. Tôi đưa Hồng đến cửa. Hồng vặn khóa, kéo tôi vào trong và bấu cứng lấy tôi:
- Anh! Đừng về tàu. Ở lại với em. Thứ hai, trước giờ đi học, em sẽ đưa anh ra bến xe về Sài Gòn. Hãy giúp cho ba ước mơ của em được tròn vẹn. Hãy ở bên em ngày chót em còn được tự do…
Lời mời sao quá thiết tha hấp dẫn. Theo huần thị điều hành, một ngày vắng mặt đổi hai ngày tù. Bốn ngày quân kỷ nằm ôn những phút giây diễm tuyệt vẫn là quá ngắn.
Quá rẻ Bằng ơi! Còn gì không chịu đổi? Tôi ôm chầm lấy Hồng hôn say đắm, thật lâu,  như bất tận. Nhưng tôi kịp hốt hoảng buông nàng ra, dứt khoát chia tay bằng một câu nói đùa:
- Năm năm nữa, anh sẽ ở lại suốt đời…
Câu nói đùa vô duyên đến độ khiến cả con Lucy cũng không tiễn tôi ra cổng!