Chương 11

    
in đồn đảo chánh được đăng đầy trên các báo từ những ngày đầu tháng mười. Đến sáng thứ hai của tuần cuối tháng, tàu vừa cặp bến là lãnh trọn cái lệnh cấm trại trăm phần trăm. Người dân thủ đô thì bị giới nghiêm sau chín giờ tối đến bốn giờ sáng. Tuy nhiên, như thường lệ, mỗi lần tàu công tác mới về, ông hạm trưởng “du di” cho một nửa nhân viên đi bờ luân phiên trong hai ngày. Riêng tôi thì bị đóng đinh vào chiến hạm suốt liền ba ngày. Cuối tháng là những ngày tôi bận rộn nhất. Tôi phải đôn đốc và kiểm soát việc thiết lập bảng lương cho thủy thủ đoàn và đồng thời kết toán chi tiêu và mượn nợ của các sĩ quan. Mãi đến trưa thứ năm ngày chót của tháng 10 tôi mới có thể trình hạm trưởng phần việc của tôi hoàn tất. Ông vui vẻ ký cho cái Lệnh công tác đặc biệt 24 giờ với lý do là liên lạc Phòng tài chánh Bộ tư lệnh Hải quân.  Thực tế chỉ là tạt qua mất chừng năm phút để nộp bảng lương, sẵn sàng cho ngày mai Hạm trưởng ghé nhận tiền!
Nếu không bị ràng buộc lời hứa cưới Hồng thì chắc chắn tôi sẽ dành hai mươi bốn tiếng công tác đặc biệt này cho… Lưu Ngọc Anh, hoặc cho bà chủ, hoặc cho ai đó ở “chỗ quen biết”. Thật lòng thì tôi nhớ Hồng quay quắt trên đường từ Nha Trang về bến và hình ảnh Hồng lúc nào cũng tràn ngập trong trí não tôi, nhưng rồi hình ảnh dập dìu giai nhân của Sài Gòn gợi tôi nhớ cái thân thể của Lưu Ngọc Anh ngồn ngộn những núi cùng đồi. Một phần khác tôi cũng rất muốn biết nàng có còn “làm” ở đó không.  Thế nhưng nhớ nàng thì cứ nhớ, còn thì tôi vẫn không quên tự nhắc mình phải tiến hành thực thi chính sách năm năm… thắt lưng buộc bụng. Đã hết cái thời tôi tỏ ra quan tâm một người con gái bá vơ bằng một sự phí phạm. Tôi chỉ có thể thầm cầu mong Lưu Ngọc Anh không còn phải đến cái chốn xem ra không thuộc về nàng…
Theo dự trù, sau khi ghé Bộ tư lệnh, tôi sẽ cuốc bộ qua công trường Mê Linh, đi dọc theo đường Tự Do, rẽ sang Nguyễn Văn Thinh vào Tôn Thất Thiệp. Ở đó, tôi sẽ ăn một tô hủ tiếu Thanh Xuân rồi ra Mai Hương nhâm nhi một ly cà phê. Rồi sau khi ngắm người chán chê, tôi sẽ tạt qua rạp Vĩnh Lợi để xem một phim, nếu là phim chưa xem. Coi xong, theo đường cũ, đến Pasteur ăn vài cuốn bò bía, thêm một dĩa bánh ướt rồi về tàu viết thư cho Hồng! Tôi có thể viết một thư thật dài, có thể viết suốt đêm vì ngày hôm sau tôi còn phép để ngủ bù. Một chuyến đi lành mạnh như vậy giúp tôi tiếp kiệm ít nhất tám trăm và giúp Hồng hạnh phúc với lá  tình thư nồng thắm.
Tôi bắt đầu đi ngang nhà hàng Majestic. Lề đường Tự Do được lót bằng nền xi măng kẻ khối vuông nho nhỏ, bám chút rong rêu, nườm nượp bước chân. Xe hơi đậu không còn chố trống dọc theo lối tôi đi. Lòng đường rực nắng in bóng các tàng cây xuôi ngược đủ loại xe. Dù là ban ngày, tên các thương hiệu vẫn tỏa ánh màu. Hotel Saigon Palace, nhà hàng Maxim, Eden Roc restaurant. Cùng lối chơi đèn màu xanh đỏ của vũ trường Tự Do, một tấm biển nhấp nháy ngay trước mặt tôi với kiểu chữ huỳnh quang bắt mắt: “Hollywood Snackbar”. Tôi biết snackbar là gì nhờ bốn tuần thực tập hải nghiệp trên đệ thất hạm đội. Chiếc USS Procyon ghé hải cảng Sasebo của Nhật ba ngày. Một sĩ quan Mỹ rủ tôi và người bạn cùng khóa vào một snackbar. Đó là một quán rượu với nhiều chiêu đãi viên trẻ trung, xinh đẹp. Mục đích của họ là bằng mọi cách phải chài khách hàng uống càng nhiều rượu càng tốt và chính họ được khách hàng cho uống “Japanese tea” càng nhiều càng hay. Hoa hồng được chia trên số lượng rượu khách uống và tea được coi là tiền thưởng do… cọ quẹt. Dù với tiếng Anh chưa rành, tôi cũng hiểu thêm rằng những cô chiêu đãi viên này chỉ có nhiệm vụ tiếp khách chớ không… đi khách. Đi khách là thỏa thuận riêng của họ với khách hàng và đi sau giờ bar đóng cửa. Rất ít chiêu đãi viên Nhật chịu đi khách. Nếu có thì chỉ vì cảm tình. Tiền bạc tùy hảo tâm.
Tôi đứng dưới bóng mát của một thân cây cao to, sần sùi, ngắm tấm biển nhấp nháy gọi mời. Tôi nhìn đồng hồ. Mới ba giờ chiều. Bụng tôi còn lưng lửng cơm trưa trên chiến hạm. Thời điểm cho một tô hủ tiếu còn quá xa, dư sức cho việc nhâm nhi vài chai bia đủ để thỏa mãn nhu cầu tìm xem “Sài Gòn tea” có gì lạ hơn “Japanese tea”! Lại biết chừng đâu có một cô chiêu đãi dễ thương nào đó nổi hứng thương đời thủy thủ mà tặng cho một đêm không ngủ! Nếu có phải tốn vài trăm so với “chỗ quen biết’ tám trăm thì rõ ràng còn nhiều …tiết kiệm! Vả chăng, số tiền tôi mang theo là phần tồn động của lương tháng trước, nằm ngoài kế hoạch  năm năm.
Tôi mạnh dạn đẩy cánh cửa bước vào quán. Thoạt tiên tôi có cảm tưởng như bước vào một căn hầm lờ mờ sáng và rười rượi mát. Mùi thuốc lá thơm ngào ngạt. Điệu nhạc rock mơ hồ như phát ra từ những chấm xanh đỏ rải đều trên trần. Chỉ dăm ba khách ngồi ở quầy được tỏa sáng hơn đang tán tỉnh cô pha rượu. Còn mọi ghế ở các dãy bàn mờ ảo dọc theo tường đều đã có chủ. Bầu không khí thì không khác các snackbar Nhật. Cũng đầy các cô chiêu đãi xinh đẹp trẻ trung má tựa vai kề, ngả ngớn cười cợt với khách hàng. Cũng những tiếng cười dòn của các cô lớn hơn tiếng đàn ông. Càng uống, men rượu càng đẩy khách… lạng quạng và các cô càng được châm nhiều tea. Tôi xề vào một chiếc ghế cao. Cô pha rượu mơn mởn nở nụ cười duyên kèm một câu chào mà tôi tưởng cô nói với người nào khác:
- Hello, my dear! What can I do for you?
Tôi bật cười:
- Do I look like an American?
Cô nhìn tôi, tỉnh bơ:
- You do!
Tôi nhăn mặt khó chịu. Cô muốn đuổi khéo mình chăng? Có thật cô hàm ý quán chỉ tiếp khách Mỹ, miễn người bản xứ yếu địa. Tôi cố nghĩ ra một lời thâm độc tặng cô nàng trước khi rời quán. Cô pha rượu lại nhoẻn miệng cười tươi:
- Không có ý gì đâu nghen. Tại em thấy anh giống tên nhái Mỹ thường vào đây tán tỉnh em.
Tôi ngắm đôi môi sơn đỏ hình trái tim trên khuôn mặt phấn son khéo léo. Có khéo léo gì thì cũng lộ ra cái số tuổi của cô lớn hơn cái tuổi hăm ba của tôi. Nhưng nghe xưng em thì cũng thấy mát lòng. Cô đứng yên cho tôi ngắm từ đầu xuống chân. Chiếc áo đầm một mảnh hở cổ màu tròng đỏ hột gà chạy tới nửa đùi. Tôi khen thầm thật đáng đồng tiền bát gạo!
Giọng nhỏ nhẹ của cô hàng rượu:
- Ông anh uống chi?
Tôi chỉ có bia là sở trường và rượu chát là sở đoản. Nhưng liệu quán này có chịu bán loại rượu giá bình dân không. Tôi ậm ừ hoãn binh:
- Bỏ tiếng ông thì mới uống!
Vừa nói tôi vừa đưa mắt lên kệ rượu. Lối trình bày cũng không khác ở Nhật. Đó là một giàn kệ bằng kính chia thành các ô hình chữ nhật đứng, nằm. Mỗi ô dành cho một loại rượu, mỗi loại có nhiều nhãn hiệu và kiểu chai khác nhau. Ô chứa bia ở cuối hàng thấp nhất. Chai “33” ưa thích nằm ngoài cùng. Bia là thứ rượu tôi quen biết từ thời trung học. Tôi chợt nhớ là sau dạ tiệc chiến hạm còn thừa nhiều “33” và quyết định sẽ cùng Tâm đối ẩm khi về tàu. Còn đã đến đây thì chơi bia Mỹ cho nó điệu nghệ. Cô hàng rượu hạ giọng, tuy có phần châm chọc nhưng cũng biểu lộ thói quen nhẫn nại chiều khách:
- Thưa anh, anh muốn uống gì?
Tôi thấy cần trả đũa và cần dằn mặt là nếu tôi có uống bia thì không hẵn tôi thuộc hạng bình dân:
- A Bud, please!
Cô hàng rượu kêu lên:
- Em mê tiếng please của anh quá. Nó được phát bằng âm điệu lịch sự, ngọt ngào mà em chưa từng được nghe từ khách Mỹ. Còn anh là “mít đặt” mà  gọi Bud thì có cho vàng bảo gọi bằng anh, em cũng không dám! Cho em gọi… đại ca!
Tôi thầm khen cô nàng đấu láo không thua gái bán bar ở Nhật. Ở đó họ gọi Bud thay cho Budweiser. Có lẽ tiếng này còn mới mẻ với các snackbar Sài Gòn. Tôi ngây ngất ngắm cô hàng rượu. Em gọi anh là gì cũng OK, nhưng đã trót gọi đại ca thì phải tuyệt đối tuân lệnh đại ca. Tối nay đại ca ra lệnh tiểu muội  cùng ngao du qua đêm với đại ca. Cãi lời là đại ca xin tý huyết! Tôi chỉ đùa thầm với mình. Thực tế thì chắc tôi còn phải mở máy tán mệt nghỉ.  Tôi bắt đầu bài bản:
- Trên chốn giang hồ, chưa từng có ai được tôn làm đại ca mà lại không biết tên nghĩa muội!
Tôi thấy cô cúi xuống lấy chai bia để dưới quày, môi bậm lại như cố nín cười. Khui nắp xong, cô đẩy chai bia đến trước tôi, giọng trịnh trọng:
- Vô danh đại ca! Tiểu muội được lưu linh giang hồ đặt cho mỹ danh là… Linda sờ nách.
Cô hàng rượu nói xong cười ngất. Tôi cố nín cười, tiếp:
- Đại ca cũng từng ngao du khắp chốn giang hồ, từng lắm phen kết nghĩa đệ huynh nhưng chưa từng được kết nghĩa với một mỹ nữ có Mỹ danh! Vạn hạnh, vạn hạnh!
Tôi  đang hòa tiếng cười sảng khoái cùng Linda thì đôi mắt đang đắm đuối ngắm nghĩa muội bỗng bị hai bàn tay mềm mại bịt kín. Một giọng nói nhẹ như… truyền âm nhập mật rót vào tai bên trái:
- Biết ai hôn?
Tiếng trong trẻo nhưng không thuần miền Tây. Nó có chút gì pha trộn nhưng tôi không thể nhận ra là của ai. Tôi câu giờ:
- Nói lại lần nữa…
- Ông anh biết ai không?
Vẫn giọng rất trong nhưng không thuần âm sắc Sài Gòn. Ai nhỉ? Tôi chưa từng vào và chưa từng quen cô nào làm trong snackbar. Tôi nghĩ đến vài cô bạn của những năm trung học Sài Gòn. Giọng quen quen lại vang lên, vẫn pha chút châm chọc:
- Ông anh nhận ra ai chưa? Thân thiết lắm nghe!
Đúng là giọng của Tuyết. Nhưng đâu lẽ. Quán này đâu phải là chốn thích hợp cho một người con gái sinh trưởng từ đất thần kinh nặng phần danh giá. Tôi lắc đầu:
- Chịu thua!
Lại vẫn giọng châm chọc, đùa dai:
- Quân vương tệ thật! Chả nhớ gì đến tỳ nữ!
Hai bàn tay rời khỏi mắt tôi. Tôi quay nhanh về phía trái và giật thót người kêu lên:
- Tuyết!
Tuyết nở nụ cười tươi:
- Chính tiểu muội đây. “White Snow” của anh đây! Anh thất vọng lắm hỉ?
Tôi xoay ghế và vòng tay ôm Tuyết sát vào người. Tôi muốn biểu lộ nỗi vui mừng lẫn thương yêu đang dâng tràn. Tôi muốn hôn vào môi Tuyết nhưng ngại những cặp mắt đang đổ dồn vào chúng tôi. Một lúc, Tuyết nhích người ra và tôi mở đôi tay. Tuyết nghênh mặt, giọng hờn dỗi:
- Hôm nọ, em nhắn anh Tâm nói anh đến nhà, sao anh không đến?
- Bữa đó anh bận chút việc gấp…
- Em đã rất mong anh đến để xin trả lời một câu hỏi. Nhưng đến nay, lúc em đinh ninh rằng anh đã dứt khoát xa lánh thì bất ngờ gặp lại. Vậy nhân tiện, xin anh cho một lời minh bạch. Câu hỏi của em là… Mà thôi, chuyện dài dòng. Anh ngồi đợi một chút, em sắp xếp rồi đi chơi với anh, có thì giờ bàn bạc cặn kẽ hơn.
Nàng quay sang cô hàng rượu:
- Em đi có chút việc riêng. Chị coi như hôm nay em không đến làm.
Cô hàng xua tay, vui vẻ:
- Không sao! Chúc nhiều hạnh phúc.
Tuyết đi về chiếc bàn trong cùng ngồi lên chiếc ghế trống, xây lưng về phía tôi. Một tên Mỹ nghiêng qua nói vào tai nàng, xong cười hô hố. Nàng đập tay vào vai hắn, thân mật. Tôi quay sang cô chủ. Cô đang nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò nhưng ngại hỏi. Tôi cầm ly bia lạnh, cười đùa:
- Old flames! Hôm nay bất ngờ gặp lại.
Cô chủ gật đầu:
- Rõ ràng là vậy. Để chúc mừng, “Holywood” rất hân hoan mở happy hours cho old flames. Thích uống gì cứ uống, bao nhiêu cũng free!
Tôi ra vẻ xông xáo, nốc cạn ly rồi rót cạn chai.Tôi dơ ngón tay trỏ. Cô chủ vui vẻ cúi xuống lấy chai budweiser khác. Tôi nhìn đôi vú căng tròn qua chiếc áo rộng cổ mà thèm thuồng. Tôi biết đó là cái bẫy để câu khách hàng. Phải chi Tuyết đừng làm ở đây thì thế nào tôi cũng sẽ nhiều lần sập bẫy. Quán này vừa có cô chủ hấp dẫn, vừa gần bến tàu đỡ tốn tắc xi, vừa khỏi phung phí bạc tiền. Đã chịu free rượu thì free tình chỉ cách vài chục chai bia! Khi chủ nhân Linda sắp khui chai mới, tôi dơ tay ra dấu bảo đừng.
Cô cười nhạo:
- Sợ say không làm ăn gì được à?
Tôi buộc phải đáp lễ với cùng lối trây trúa:
- Càng say càng dẻo càng dai, chỉ sợ hao bia Linda Sờ nách!
Linda không cười, tia mắt chiếu về phía sau tôi. Tôi quay lui. Tuyết đứng chờ từ bao giờ. Tôi lại lướt nhìn từ đầu đến chân. Nàng gọn gàng, tươi trẻ với chiếc áo dài mà dù mắt đã điều chỉnh độ sáng tôi không chắc nó có màu xanh hay đen. Nhưng chiếc quần thì chắc chắn là màu trắng mà phần lai chạm hờ hững trên các ngón  chân thon ngà ngọc. Trông Tuyết như một thiếu nữ Việt Nam mẫu mực. Hèn gì bọn G.I. không mê mệt sao được. Tuyết nói với cô chủ:
- Mai gặp lại chị.
Tôi không biết Linda nói đùa hay thật:
- Giữ cho kỹ kẻo… mất đấy. “He” thuộc hàng lady killer.
Cả hai cười vang. Tôi nhảy khỏi ghế, móc bóp chọn tờ hai mươi đồng. Chưa kịp rút tiền ra, Linda lên tiếng:
- Em nói free là free. Đừng lộn xộn.
Tôi đặt tờ bạc lên quày, nhấc chiếc ly dằn lên:
- Anh đâu có trả tiền bia. Chỉ là tip.
- Tip cũng không! Người nhà cả mà.
Tôi tỉnh bơ trước lời cự nự của cô chủ, bước ra cửa. Cô chủ la to:
- Good night! Enjoy!
Tôi nhìn đồng hồ tay. Mới gần ba giờ rưởi. Chúng tôi lặng lẽ cuốc bộ về phía tòa nhà quốc hội. Được một lúc Tuyết lên tiếng:
- Anh khinh em lắm hả?
- Không!
- Nhất định là anh khinh em!
- Không! Anh yêu em!
- Dốc tổ! Ai mà thương những người làm nghề này!
Tôi không rõ là tôi có khinh Tuyết hay không nhưng có điều chắc chắn là tôi đang tự hỏi lòng mình là tôi có còn yêu Tuyết? Giọng Tuyết đều đều:
- Anh nghĩ về em thế nào cũng được vì em đã chấp nhận số phận. Em hiểu nghề của em bị chê là không đàng hoàng, nếu không muốn nói thẳng là nó hèn hạ, bẩn thỉu…
Tôi nắm chặt cánh tay Tuyết, ngắt lời:
- Tuyết! Cho anh xin. Ông bà ta có câu: “Không có nghề xấu mà chỉ có người xấu”! Nếu em tư cách đàng hoàng, mặc xác thiên hạ. Riêng anh, anh không thấy em làm điều gì xấu. Và anh đang rất hãnh diện được đi lang thang giữa phố đông người với em.
Tuyết nắm chặt cánh tay tôi như tỏ lòng biết ơn. Tôi đưa Tuyết lên lầu quán kem Brodard. Chúng tôi ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn dành cho hai người kê sát khung kính trong suốt. Tuyết gọi ly kem ba màu. Tôi chọn cà phê phin đen nóng. Gương mặt Tuyết đẹp rực rỡ mà buồn thảm. Nàng lặng lẽ nhìn về hướng nhà hàng Continental. Tôi cũng lặng thinh ngắm tấm bảng hiệu “Hollywood Snackbar” nhấp nháy xa bên dưới. Một cô gái trâm anh, học giỏi như Tuyết vẫn có thể đi vào chốn xô bồ thế này sao? Giọng Tuyết trầm buồn:
- Em không tự phụ nhưng chắc anh cũng công nhận rằng em có thừa sắc đẹp để câu một ông chồng giàu có dễ dàng? Em có dịp gặp nhiều người. Họ chỉ có thể tỏ cho em thấy sự mê si của họ nhưng không cho em thấy họ… xứng đáng là chồng em! Sống với ông chồng em không kính không yêu thì thà sống một mình! Lại có vài ông sẵn sàng tặng em xe hơi nhà lầu nhưng em không muốn bị tạt á xít! Cám ơn anh nghĩ tốt về nghề của em. Thật ra em chỉ làm tạm bợ một thời gian, cho đến khi em kiếm đủ tiền tiếp tục bậc đại học. Em tính rồi, chỉ cần một vài năm…
Tôi ngắt lời, chua xót hỏi:
- Đừng giận anh. Anh không thể không thắc mắc. Vì sao em phải đi bán bar?
Tuyết không trả lời ngay. Nàng nhìn tôi đăm đăm như đo lường sự thật thà trong ý biểu lộ cảm thông. Tôi giương mắt tiếp nhận, không tránh né. Một lúc sau, Tuyết cúi mặt, nâng muỗng múc kem. Nàng ăn có vẻ ngon lành, khuôn mặt trỏ nên thanh thản.  Còn chừng nửa ly, Tuyết buông muỗng, hai tay chống cằm, lại nhìn tôi đăm đăm:
- Vì sao em phải đi bán bar? Thì anh đã biết, bỗng dưng em bị mồ côi. Em chạy trốn Nha Trang. Dù không tin tức gì về anh, em cũng cứ vào Sài Gòn với niềm hy vọng. Và trong lúc tuyệt vọng, em được một người tận tình giúp đỡ. Căn nhà anh đến chơi là do anh ấy giúp em mua, giúp em thiết trí và trang bị mọi thứ. Em sống hạnh phúc được hai tháng thì một hôm, khi em và anh ấy đang ngồi ăn tối thì có một bà gõ cửa rồi xồng xộc xông vào nhà, theo sau một đám lâu la. Anh hẳn đoán được sự việc diễn ra. Em nói với bà là em không biết anh ấy có vợ và hứa là sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy. Từ đó, em sống một mình trong sợ hãi cho tới ngày em gặp anh Tâm. Phải em khôn một chút, đừng nôn nóng hỏi han về anh thì không chừng anh Tâm đã hỏi cưới em. Nhưng dù em tỏ ra còn thương nhớ anh, anh Tâm vẫn đến chơi, săn sóc, đùa giỡn giúp em đỡ cô đơn. Có lúc em đã quyết định tự nguyện làm vợ anh ấy, cố tạo điều kiện cho anh ấy tiến xa hơn mà không bị anh ấy coi thường, nhưng đúng lúc đó anh lại xuất hiện. Chính vì không muốn làm một người vợ gian dối, mới đây em đã từ chối thẳng thừng lời cầu hôn của anh ấy. Em biết em chưa thể quên anh.
Tuyết nói một thôi dài, gần như muốn hụt hơi mới chịu ngưng. Nàng cúi mặt, vươn bàn tay trái lạnh ngắt nắm bàn tay phải tôi để xuôi trên mặt vải màu chàm. Tiếng êm ái của Tuyết lại cất lên, đều đều, rành rọt:
- Tất nhiên em cũng có cái đầu biết suy nghĩ! Việc anh không muốn gặp lại em đã là một câu trả lời vô cùng minh bạch và em cũng đã chấp nhận. Nhưng hôm nay ông Trời dung rủi cho em gặp lại anh, em không thể không đặt ra câu em từng muốn hỏi. Em muốn nghe chính lời anh nói. Anh Bằng, có phải thực lòng anh không còn yêu em?
Thốt xong câu hỏi, Tuyết ngẩng mặt, chiếu tia mắt cực sáng vào thẳng hai con ngươi của tôi. Đến lượt tôi cúi mặt. Phải chi Tuyết hỏi tôi có muốn cưới Tuyết làm vợ không thì tôi trả lời rất dễ dàng bởi vì tôi có sẵn các lý do vững chắc. Nhưng tôi không thể nói là tôi không yêu nàng. Tình yêu của tôi nếu gọi là chia đều cho cả ba Hiền, Hồng, Tuyết thì hoàn toàn sai, cũng không thể nói là mỗi người chiếm một phần ít nhiều trong đó. Nói cho đúng thì mỗi người khi gần tôi cũng đều được tôi dành cho trọn vẹn yêu thương. Như giờ đây tôi cảm thấy hết lòng yêu Tuyết. Tôi không mảy may nhớ Hồng, nhớ Hiền. Như tuần trước tôi hết lòng yêu Hồng và bảy tháng trước, tôi hết lòng yêu Hiền.
Tuyết lại lên tiếng:
- Sự im lặng của anh cũng là một lối trả lời minh bạch nhưng em vẫn muốn nghe anh nói. Em muốn tiếng nói của anh đánh động tâm thức của em để lúc nào cũng sẵn sàng xóa tan mọi hy vọng còn rơi rớt. Hãy nói đi anh Bằng, nói là anh không yêu em!
Tôi ngước lên, chấp nhận tia mắt nồng nàn của Tuyết. Tôi thở dài:
- Tuyết à, nếu em hỏi anh có ý định cưới em không thì anh trả lời ngay là không. Nhưng vì em hỏi anh có yêu em không, anh phải xét lại lòng mình. Anh thành thật nhận rằng anh có yêu em, yêu em bằng tình yêu đầu đời và bây giò vẫn tha thiết.
Tuyết nắm chặt bàn tay tôi, mỉm cười rạng rỡ. Nàng hăm hở nói:
- Mình ngồi cũng lâu rồi, đi đi anh!
Tôi ra dấu anh bồi bàn tính tiền. Chúng tôi lang thang chen vào dòng người trên phố Tự Do. Chúng tôi vào xem từng bức tranh trong phòng triển lãm. Rồi tha thẩn bên lề Lê Lợi. Tôi liếc nhanh các tên sách bày bán trên các sạp. Quyển “Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học” của Phạm Công Thiện với cái bìa màu đỏ nổi bật trên dãy sách mới phát hành. Tôi đã quá ngán với các bài vở chuyên nghề, các sách kỹ thuật, các hồ sơ, tài liệu khô khốc suốt trên hai năm qua. Xin từ giả Hải hành, thiên văn, khí tượng. Xin chia tay Điện kỹ nghệ, Động cơ nổ. Xin vĩnh biệt Sức bền vật liệu, Hải pháo, Truyền tin… Đã đến lúc tôi tự nuông chiều sở thích. Tôi ghì tay Tuyết dừng lại, nhấc quyển sách đưa cô bán hàng. Tuyết reo khẻ:
- Cuốn này coi bộ hấp dẫn và chắc em cần trong tương lai. Như em nói, vài năm nữa em sẽ vào Văn khoa.
Tôi xăng xái:
- Để anh tặng em một quyển.
- Đừng! Hai năm nữa em sẽ chôm quyển này của anh.
Chúng tôi đến rạp Vĩnh Lợi và không biết tiếp tục về hướng nào. Tuyết gợi ý:
- Mình tìm chỗ nào kín đáo nói chuyện cho đã. Mỗi đêm em vẫn thì thầm nói chuyện với chiếc gối ôm mà em tưởng tượng là anh.
Tuyết nói, ánh mắt nhìn tôi đắm đuối. Tôi hiểu vì sao Tuyết thầm thì như vậy. Trên đường từ Nha Trang về Sài Gòn, tôi cũng đã ôm gối, vừa hôn vừa thì thầm những lời thương nhớ Hồng. Tôi đề nghị:
- Hay là về nhà Tuyết?
Nàng lắc đầu:
- Không! Về nhà em để rồi khi vắng anh, em nhớ anh chịu sao thấu!
Tôi nghĩ đến cái phòng ngủ của khách sạn Lê Lai gần ga xe lửa từng qua đêm với Lưu Ngọc Anh. Không, không thể! Đưa Tuyết vào đó, tôi khó tránh cái mặc cảm đặt Tuyết ngang hàng…
- Hay là mình mướn một phòng ngủ? Em cần cả một đêm để nói hết với anh một lần tất cả những gì em từng muốn nói.
Tôi buông tiếng thở dài. Chọn lựa nào cũng bế tắt. Tôi từ chối sẽ làm tổn thương Tuyết. Tôi vừa xác nhận còn yêu Tuyết thì sao hành động ngược lại? Nếu tôi đồng ý, sẽ tự mình hổ thẹn với Hồng. Tôi đang ở thời điểm thúc bách giải tỏa mà Tuyết chơi cái trò mang mỡ dâng miệng mèo thì trời gầm không nhả chứ mười Tuyết cũng không tránh né được tôi. Mà chắc chắn là Tuyết không tránh né. Nàng đã chẳng ám chỉ qua câu “Về nhà em để rồi khi vắng anh, em nhớ anh chịu sao thấu”. Vấn đề là chính từ tôi. Mong rằng tôi đủ nghị lực chống đỡ cái bẫy sập này nếu thực Tuyết cố ý gài tôi vào chuyện đã rồi với một đứa con.
- Nếu anh không muốn thì thôi, chúng ta cứ lê la quán này sang quán khác cho tới giới nghiêm thì chia tay.
Đồng hồ của rạp Vĩnh Lợi chỉ gần sáu giờ. Còn ba tiếng nữa. Tôi nói:
- Mình kiếm cái gì dằn bụng rồi tính!
Tôi nhìn quanh tìm một nhà hàng. Xéo bên kia là Thanh Thế, cạnh đó là Kim Sơn. Thanh Thế thì không mấy sang. Kim Sơn thì chưa vô lần nào. Tuyết lại lên tiếng:
- Trở lại chỗ em làm. Có một nhà hàng tây gần đó rất ngon và ấm cúng.
Tôi bước cạnh Tuyết như một người máy. Mặt tiền nhà hàng Catina khiêm tốn mà khang trang. Người tiếp viên đưa chúng tôi đến chiếc bàn hai chỗ ngồi đặt sát khung kính nhìn ra đường. Hollywood Snack Bar nhắp nháy bên lề đối diện. Từ trang bìa tờ thực đơn tôi đọc tên nhà hàng Catina Hotel. Vẻ sang trọng, cách bày trí và cách phục vụ như rập khuôn nhà hàng La Frégate. Các món ăn cũng không khác là bao. Tự dưng tôi nhớ Hồng tha thiết và cúi mặt xấu hổ cho lòng dạ bạc tình của mình…
- Anh răng rứa?
Lâu lắm tôi mới nghe giọng Huế của Tuyết. Tôi ráng một câu nhại đùa:
- Có chi mô!
- Anh ăn chi?
Tôi ngước nhìn anh bồi, nói như máy:
- Chateaubiand, hơi chín với khoai tán. Một ly rượu chát pinot noir.
- Tôi giống như vậy.
Tuyết có vẻ hạnh phúc với việc chọn cùng món ăn thức uống. Còn tôi thì… nát cả ruột gan. Tôi nhẫn tâm với Tuyết quá. Tôi đang sống lại những phút giây lãng mạn tuyệt vời bên Hồng. Rượu chát tôi biết uống nhờ quen Hồng và chỉ uống với Hồng.
- Anh có tin rằng em đã … có chồng không?
Tôi tỉnh táo tức thời:
- Hả? Em có chồng?
Tuyết cười mỉm:
- Bộ anh tưởng em không lấy được ông chồng nào sao?
Tôi xoa tay phản đối thì nàng tiếp:
- Sau khi vớ nhầm ông có vợ, em ở hẳn trong nhà. Phần thì sợ, phần xấu hổ. Chừng dăm ba tháng em nguôi ngoai. Một hôm ra ban công, em gặp một bà đang ngồi ở ban công nhà kế. Em chào hỏi, gợi chuyện. Mỗi ngày tâm sự một ít. Khi nghe em than đang thất nghiệp thì bà cho biết chỗ con gái bà làm đang cần người. Em gặp con gái bà. Thế là chúng em đi làm chung.
- Ở Hollywood Snackbar?
- Dạ. Chính ở đó em gặp một thằng Mỹ rất tử tế. Sau vài tháng quen biết nó ngõ ý muốn cưới em mang về Mỹ.  Em OK liền! Anh biết vì răng không?
Tôi cười tủm. Tuyết nâng chiếc dao giá giá:
- Nghĩ bậy, em giết anh. Vì những lý do này. Thứ nhất là em vẫn nhớ anh. Thứ hai, em vẫn sợ bị tạt á xít. Thứ ba, em muốn rời xa cái đất nước mang cho em toàn chuyện đau đớn!
Tôi không dám lên tiếng đùa cợt. Việc Tuyết còn ngồi ở đây và cái lối kể chuyện  dường như sẽ đưa đến một kết cuộc không vui. Tôi buông dao nĩa, nghiêng người tới gần nàng, chờ đợi, lắng nghe. Giọng Tuyết cười cợt mà như có âm rền rĩ:
- Phải mất gần một năm thủ tục mới hoàn tất. Rồi khi chỉ còn một tuần nữa là lên đường thì nó… chết!
Có lẽ mắt tôi mở to lắm nên lại làm Tuyết hiểu lầm. Nàng lại giá giá con dao:
- Lại nghĩ bậy! Nó chết vì rớt trực thăng!
Tôi vói nắm tay Tuyết:
- Anh thành thật chia buồn.
Tuyết cười:
- Em hết buồn rồi, chỉ sợ. Những người thân yêu của em đều chết vì máy bay.
Tôi xoa tay:
- Thật may! Anh chỉ đi tàu thủy.
- Anh dị òm!
Chúng tôi lặng lẽ ăn. Rượu làm gương mặt Tuyết ửng hồng tuyệt sắc. Tôi chợt nhớ đến đôi má của Hồng khi chiều ý tôi uống cả lon bia đêm dạ hội trên tàu. Tôi đang đắm say nhìn ngắm đôi má của ai đây? Tôi hỏi Tuyết có muốn thêm rượu. Nàng lắc đầu. Tôi gọi thêm một ly cho tôi. Tuyết nói:
- Gần đây, có một thằng Mỹ khác, bạn thân của chồng em, bảo rằng nó cũng thương em từ lâu, nay muốn cưới em và đưa em về Mỹ. Em sợ quá, đành từ chối. Nó vẫn còn đang “dụ dỗ” em…
- Thì cùng lắm là thằng đó chết chứ đâu phải em! Bằng êm xuôi, em qua được xứ Mỹ, hết buồn.
Tuyết nhăn mặt, tỏ vẻ không ưa cách ăn nói của tôi. Bất chợt nàng xoay chiều đột ngột bằng giọng nôn nả:
- Đời em khi xa anh là rứa. Còn anh thì răng?
Câu hỏi bất ngờ làm tôi sựng người. Tôi tìm kế hoãn binh:
- Lần gặp lại em, em nói toàn giọng Sài Gòn. Tối nay em pha nửa Huế nửa Sài Gòn nghe hay dễ sợ! Tiếp tục…
- Đoạn cuối anh đã biết, là sau đó em gặp lại anh Tâm, rồi gặp lại anh. Mà không hiểu sao chuyện em có chồng Mỹ, em dấu không kể với anh Tâm mà bữa ni lại kể với anh. Có thể tại vì em yêu anh Tâm chưa đến cái mức em tuôn hết mọi chuyện…
Người bồi lịch sự nhắc chúng tôi là nhà hàng đóng cửa lúc tám giờ. Chúng tôi còn mười lăm phút để chấm dứt bữa ăn. Tôi nâng ly rượu chát, quét mắt nhìn quanh, chầm chậm đi một hơi cạn ly. Chỉ còn hai chúng tôi là thực khách. Ngoài đường cũng vắng bóng người, chỉ thỉnh thoảng có ánh đèn xe lướt qua. Cũng không thấy chiếc xích lô đạp nào mà mới một tiếng trước đó còn đậu vài chiếc. Trong lúc chờ tính tiền, tôi đề nghị:
- Để anh đưa Tuyết về nhà.
- Quá muộn rồi anh ạ! Em để ý, chả còn thấy chiếc xe tắc xi nào.
Nàng nghiêng mặt về quày tiếp tân:
- Nhờ anh đến mướn cho em một phòng. Rồi anh về tàu. Tàu anh đậu gần đây mà, anh đi bộ về được.
Tôi tự mắng mình thiếu cảnh giác. Tôi đã quá thơ ngây để bị Tuyết dẫn dắt ngay từ đầu. Tuyết thừa biết tôi không thể bỏ Tuyết một mình trong phòng ngủ. Tôi nói thầm với Hồng: “Anh sẽ cố hết sức để giữ thủy chung với em, Hồng thương yêu!”
Nhận phòng xong, Tuyết khóa cửa và đứng tại chỗ ôm tôi, tặng tôi chiếc hôn nồng cháy. Tôi không phản ứng và cố không hưởng ứng. Tuyết buông tôi ra, mỉm cười:
- Em đi tắm trước.
Nàng nhún nhảy về phía buồng tắm, mở toan cửa và không đóng lại. Căn phòng nhỏ, bịt bùng nhưng sạch sẽ, bày biện đẹp mắt và mát rượi. Làn hơi lạnh từ máy điều hòa gắn trên vách sát trần nhà thổi ngang qua chiếc giường đôi cỡ nhỏ trải drap trắng tinh. Hai chiếc đèn chụp ở hai bên đầu giường đang tỏa ánh sáng được tăng cường từ chiếc gương lớn gắn trên vách. Đối diện là một bức tranh hoa huệ  màu vàng tươi trông như thật. Có tên tác giả ký ở góc nhưng tôi đứng xa không đọc được. Hẳn cũng phải là một họa sĩ nổi danh nên tranh mới được chụp lại bán ra thị trường. Tôi chợt nhớ tới bức Starry Night của Vincent Van Gogh treo ở căn phòng của “chỗ quen biết”. Tôi lắc đầu cố xua đuổi những động tác của Lưu Ngọc Anh hiện về mồn một…
Tiếng nước xối xả trong nhà tắm vọng ra át cả tiếng máy đều hòa. Tự dưng tôi nảy ra cái ý so sánh đáng phiền trách. Lưu Ngọc Anh và Tuyết có điểm giống nhau. Cả hai đều để cửa mở toang khi tắm. Nhưng lại có điểm trái ngược. Lưu Ngọc Anh xong việc mới tắm, còn Tuyết thì tắm rồi mới…Tôi lại lắc đầu xua đuổi các động tác tưởng tượng đầy quyến rũ của Tuyết. Có thể tôi đang thèm muốn và quá chủ quan. Không khéo tôi bị tát tai như Tâm…
Tuyết hiện ra, tóc xỏa man dại rơi trên chiếc khăn tắm choàng quanh bộ ngực nở nang. Nàng cười bảo:
- Anh đi tắm đi.
Độ mát của căn phòng khiến tôi lười tắm. Tôi đứng lặng ngắm Tuyết. Mắt tôi như nhìn thấu qua lớp khăn choàng dày. Tuyết hờn dỗi:
- Đi tắm đi. Em không chịu nổi mùi mồ hôi…
Tôi cỡi đôi giày rồi ngoan ngoãn lê bước. Tôi trút bỏ quần áo. Hy vọng độ lạnh của nước giúp tôi hạ nhiệt. Tôi đứng thật lâu mặc cho nước xối xả lên mình. Tôi cảm thấy nhớ thương Hồng vô hạn. Tôi ngạc nhiên với chính mình. Đây là lần đầu, tôi gần một người và nhớ một người…
Lau mình xong tôi ngó quanh tìm cái gì đó che thân. Chỉ có bộ đồ vừa cỡi ra, không lẽ lại mặc vào. Và chắc chắn sẽ bị phản đối mùi mồ hôi. Tôi mở tủ, kéo chiếc khăn khô choàng quanh như Tuyết. Ngọn đèn đầu giường bên Tuyết đã tắt.  Căn phòng như thêm mát mẻ. Tuyết đang trùm tấm chăn lên tận cổ. Chiếc khăn tắm nằm vắt góc chân giường. Tuyết ra lệnh:
- Bỏ cái khăn đi và chui vào cạnh em.
Tôi thở dài, tuân theo lệnh của nàng. “Hồng ơi, anh sẽ cố gắng chống đỡ. Nếu anh đại bại, hãy thông cảm cho anh một lần, lần này thôi”.  Tôi nằm không chạm vào thân thể trần truồng của Tuyết. Nhưng tôi không ngăn được bộ óc đang mở toang thân thể nàng. Tôi từng vượt qua cơn bão tố mà giờ đành bị đắm chìm chỉ vì nhan sắc?  Tuyết nghiêng người qua tôi, cười mỉm:
- Em còn trẻ quá, phải không anh, mới hơn hai mươi mốt tuổi. Anh cũng còn quá trẻ, mới hơn hăm hai. Em sẵn sàng chờ anh vài năm nữa.
Tôi lặng thinh. Có ngu lắm thì tôi cũng hiểu Tuyết đang muốn gì! Trời ơi! Phải chi ngày xưa tôi đừng ôm đại Tuyết! Ôm làm gì để bây giờ người ta đòi ôm lại không dám ôm. Giọng Tuyết nồng nàn:
- Nhưng có cần chi phải chờ đợi anh Bằng? Hãy làm chồng em, ngay từ hôm nay! Em hứa là em sẽ mang hạnh phúc cho anh. Hãy sống với em vô điều kiện. Anh không cần cưới hỏi. Nhà đã có sẵn. Em có thể tự nuôi thân với một chỗ làm khác đàng hoàng hơn. Em chỉ cần có anh. Thậm chí giả sử một ngày nào đó anh muốn ra đi, em hứa sẽ không buồn phiền. Hiện tại không có anh, đã là quá sức buồn phiền. Thà có anh một thời gian ngắn vẫn hơn!
Tôi vẫn lặng thinh. Nếu không vì lời trót hứa với Hồng, chắc chắn là tôi đã ôm ghì thân thể Tuyết và chúng tôi trở thành là một. Tôi phải nói gì cho Tuyết cảm thông?  Tuyết đã rất chân tình thì sao tôi lại dối trá. Tôi phải nói sự thật. Giọng Tuyết vẫn hăm hở, nhiệt thành:
- Cho dù anh có đang yêu ai khác cũng không làm em buồn phiền hơn. Điều em cần là sự hiện diện thực sự của anh trong đời em và cho dù là sự hiện diện không thường trực.
Tôi xoay người nằm nghiêng, nhìn sâu vào đôi mắt mở to của Tuyết. Khi yêu, người ta có thể khùng đến thế sao? Bằng lòng làm vợ vô điều kiện! Nhưng với tôi, tôi không thể làm chồng kiểu này. Tôi không muốn thiếu thủy chung với Hồng. Tôi muốn sống cuộc đời chồng vợ trong sáng minh bạch và tận tình cho nhau.
- Hay là anh đã có vợ?
Tôi đã ngờ rằng Tuyết sẽ hỏi câu đó. Điều kiện làm chồng quá dễ dãi mà tôi cứ ngậm miệng ăn tiền thì không thể có kết luận khác hơn. Tôi nằm ngửa trở lại, mắt nhìn trần nhà vàng ố. Có cái gì động đậy ở cuối trần, góc bên phía Tuyết. Con thằn lằn. Phòng ngủ của Tây, lại ở ngay thủ đô mà vẫn có thằn lằn…
- Anh Bằng, anh có vợ rồi hả?
Phải nói một lần cho xong. Phải sống thật thà với chính mình. Phải tạo một bức tường giữa hai thân xác đang quá gần gụi. Tôi lựa từng chữ:
- Nói cho đúng thì chưa nhưng rồi sẽ có…
Tuyết buông một tràng cười ròn rã. Mãi một lúc Tuyết mới nói được:
- Anh đùa có duyên ghê! Sống với anh, chắc không bao giờ biết buồn…
- Sự việc không giản dị như em… cười! Hiện tại anh chưa có vợ nhưng mà như đã có…
Tuyết ngưng ngay nụ cười:
- Nghĩa là cô nào đó đang mang trong bụng đứa con của anh?
- Không! Hoàn toàn không. Mà là do một lời hứa.
Tôi thư thả kể hết cho Tuyết nghe sự việc diễn ra giữa tôi và Hồng, trường hợp nào tôi quen nàng và chuyện hứa hẹn trong chuyến công tác Nha Trang vừa rồi. Tuyết chăm chú nghe một cách say sưa. Tôi dứt lời, đúng lúc nước mắt nàng cũng bắt đầu tuôn ra. Rồi nàng khóc nức nở, mặt vùi trong gối, đôi vai rung động. Tôi lại xoay nghiêng, chồm lên hôn nhẹ lên tóc nàng, thì thầm:
- Đừng khóc! Em khóc làm anh muốn khóc theo. Anh tin mọi sự đều do định mệnh. Nếu hôm trước anh đừng tránh né em, được nghe em tỏ ý sớm hơn thì chắc anh đã không tìm gặp lại Hồng. Có thể nói, cho tới mới đây trở lại Nha Trang gặp lại Hồng, anh gần như hoàn toàn quên Hồng. Anh hứa cưới Hồng vì lúc đó anh nghĩ em đã là của Tâm,  và vì cái tình của Hồng dành cho anh quá thủy chung. Anh đã hứa bằng tất cả tấm lòng…
Tuyết vẫn tức tưởi. Tôi cố tìm lời lẽ để xoa dịu nỗi đau của nàng. Tôi úp mặt tôi vào má nàng. Nhữn ngọn tóc bay vào mũi nhồn nhột. Mùi da thịt thơm lừng. Tay tôi choàng ngang lưng nàng xoa nhè nhẹ bờ vai. Sự tiếp xúc giữa hai làn da trần trụi xóa sạch mọi lời an ủi vừa hình thành trong trí. Tuyết sửa thế nằm nghiêng, mặt nàng gần chạm mặt tôi, cất giọng rầu rĩ, tủi thân:
- Cám ơn anh đã thố lộ chân tình. Đúng cái số em là số… ăn mày. Em cam phận. Chỉ xin một đặc ân cuối cùng. Nếu số mệnh đẩy đưa anh gặp lại Hồng thì số mệnh cũng đây đưa em kề cạnh anh đến mức thế này. Hồng được may mắn suốt đời có anh. Hãy cho em tận hưởng giây phút còn được bên anh như một may mắn cuối cùng.
Nói dứt, không cần tôi ừ hữ, Tuyết tung chăn, áp nguyên thân nàng lên thân tôi. Nàng hôn tôi tới tấp. Tôi trân người chịu trận. Nhưng tôi không phải là một ông thánh sống. Có là thánh sống thì cũng đầu hàng. Tôi cố nghĩ đến Hồng như một thành trì cuối cùng. Mắt tôi mở to như muốn thấy nàng hiển hiện trước mặt. Nhưng tôi chỉ thấy con thằn lằn lúc này đang rình con thiêu thân. Nó nhích tới thật chậm, nhẹ nhàng.
Tôi cảm thấy hai tay tôi đã vòng ôm lưng Tuyết. Chắc rồi tôi sẽ chẳng còn hơi sức mà chống trả cuộc tấn công đang đến hồi quyết liệt. Thôi thì hãy để cho rũi may định đoạt. Nếu con thiêu thân thoát khỏi con thằn lằn, tôi sẽ tung mình chạy khỏi Tuyết.
Con thằn lằn lại nhích tới, nhích tới. Con thiêu thân vẫn nằm yên như tôi đang nằm. Rồi con thằn lằn cũng nằm yên. Nhưng thế nằm của nó cho thấy nó sắp sửa tung đòn quyết định. Thân hình nó cong lại, cái đầu ngóc cao rình rập, thèm khát. Chợt vụt như tia chớp, con thằn lằn phóng tới. Con thiêu thân biến mất trên nền vôi ngà, chỉ còn cái đuôi ngoe ngoảy đôi lần trước khi mất dạng ở chóp mỏm con vật tấn công…
Tôi lật Tuyết nằm ngửa và đứng thẳng người nhìn chầm chập vào thân thể trần truồng. Tuyết mỉm cười, mời mọc. Người tôi hừng hực nóng. Rồi tôi như con thằn lằn phóng tới con mồi….Tuyết thật cuồng nhiệt, tuyệt dịu, tận tình buông thả. Tôi đã có lúc nghĩ rằng có được một người vợ như Tuyết thì không còn gì ngon lành hơn!
Khi cả hai chúng tôi nằm thở dốc, tôi sực nhớ cái bẫy Tuyết giăng ra. Tôi đùa cợt thăm dò:
- Nhớ ngày xưa mới ôm ấp sơ sơ, em đã hớt ha hớt hãi lo sợ có mang. Bây giờ em dữ hơn sư tử, bất kể trời đất…
Tuyết cười, tràn trề hạnh phúc:
- Xưa khác, chừ khác. Chừ có mang em càng mừng…
Tôi trợn mắt nhìn Tuyết, kêu khổ thầm. Giờ đây chính tôi lại là người lo sợ. Nhỡ ra…
- Đừng sợ mất vui, anh Bằng! Có mang, em cũng dấu cả anh lẫn Hồng. Em thừa sức nuôi con em.
Thật tình, đến thời điểm này có sợ cũng đã quá trễ tràng. Đã trót thì trét. Chúng tôi quần nhau, quấn quít nhau đến gần sáng thì cùng thiếp đi.
Khi tỉnh dậy, tay tôi quờ quạng tìm Tuyết nhưng chỗ nằm của Tuyết trống không. Tôi nhảy khỏi giường lục lạo mọi chỗ. Quả là Tuyết đã biến mất. Trên tấm gương ở bồn rửa mặt hai chữ “Vĩnh biệt” đỏ chói viết bằng thẻ son môi. Tôi nghe đắng ở miệng. Sao lại vĩnh biệt? Tuyết đã chẳng cho tôi những điều kiện dễ dãi để làm chồng nàng. Chẳng lẽ tôi chỉ được làm chồng nàng vỏn vẹn một đêm? Tôi thèm một điếu thuốc lá. Một mảnh giấy đặt đưới gói thuốc. Tôi hối hả mở đọc:
“Anh sẽ chẳng bao giờ gặp lại em và đừng tìm em vô ích. Cám ơn anh đã yêu em hết mình và đã cho em những giờ phút thần tiên. Em đành lòng trả anh về với Hồng vì quả Hồng xứng đáng được như thế. Em từ bỏ ý định tham lam chiếm giữ một phần đời của anh. Em sẽ rất hạnh phúc nhưng anh không hoàn toàn hạnh phúc. Mà nếu anh có phần nào đau khổ thì lại là điều em không muốn thấy. Em có biết Hồng và gia đình Hồng. Đó là một gia đình thế tộc, đạo đức. Bản thân Hồng cũng không có một lời ra tiếng vào từ lũ con trai trời ơi đất hởi của trường chúng mình. Hồng xứng đáng hưởng anh trọn vẹn! Và em ước mong anh cưới Hồng càng sớm càng hay. Em từng chờ đợi nên rất hiểu cái khổ đợi chờ… Một đêm với anh là đủ cho em hạnh phúc suốt đời. Một đêm với anh cũng là mở đường cho tương lai của em. Vĩnh biệt!”
Tuyết không còn khùng mà đã hóa điên. Khi yêu người ta có thể điên đến thế sao? Yêu như điên rồi hoan hỉ nhường trọn người mình yêu cho kẻ khác? Tôi đọc mảnh giấy lần nữa và thở dài. Dù còn ham hố nuối tiếc, tôi cũng đành thầm cám ơn Tuyết đã cư xử quá đẹp.  Có lẽ trong đời tôi, tôi cũng không bao giờ quên được Tuyết. Tôi mặc lại quần áo rồi xuống trả phòng, vừa kịp hạn chót 10 giờ. Tôi cuốc bộ đến rã rời về đến tàu nửa giờ sau. Vì còn giờ phép, tôi chui thẳng vào giường và mê man ngủ.
Tiếng còi điện rền vang giật ngược khiến tôi thức giấc. Tôi nhìn đồng hồ trên vách: 13:30. Nhận ra còi nhiệm sở tác chiến nhịp đôi “tích tích, tích tích”, tôi tỉnh hẳn người. Rồi tiếng chân chạy rầm rập. Tôi bật khỏi giường, cùng với Hạm phó, Hải, Tâm mặc vội bộ quân phục. Chúng tôi chạy nhanh vào nhiệm sở. Nhiệm sở của tôi là hai khẩu đại bác 20 ly hữu hạm sân lái. Tôi đeo điện thoại nội bộ. Lệnh từ đài chỉ huy chỉ thị tác xạ hai chiếc phi cơ đang quần trên không trung. Tôi ra lệnh hai khẩu súng khai hỏa. Cùng lúc toàn bộ các khẩu khác của các tàu đang hiện diện nổ đồng loạt. Tiếng nổ ầm ầm dòn tan hòa cùng tiếng nổ lớn hơn nhưng thưa hơn của khẩu 40 ly đôi trước mũi. Vô số đám khói bùng vỡ quanh hai chiếc phóng pháo cơ do các đầu đạn tự hủy khi không trúng mục tiêu. Hai phi cơ càng lúc càng lên cao nhưng không rời khu vực. Các nhân viên còn lại hăng hái chuyển đạn từ hầm đạn lên các ụ súng. Sau chừng mười lăm phút tôi được lệnh ngưng tác xạ. Tất cả các chiến hạm khác cùng đồng loạt tuân hành. Từ phía thành cộng hòa và đâu đó không xa, tiếng đại liên và súng nhỏ vọng về từng loạt. Nửa giờ sau, dù súng trên bờ vẫn nổ, hạm trưởng cho lệnh giải tán, các khẩu súng được bao bọc lại cẩn thận.
Trong bữa cơm chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, hạm trưởng thông báo diễn tiến đảo chánh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Hải quân thoạt tiên chống đối nhưng sau ủng hộ. Các lực lượng đảo chánh vẫn đang chạm súng với lực lượng phòng vệ phủ Tổng thống. Khoảng chín giờ tối hạm trưởng rời phòng họp sĩ quan vào buồng riêng. Tôi vội vã thót ngay lên giường tiếp tục giấc ngủ bỏ dỡ.
Khi tôi thức đậy, có tin vị Tư lệnh Hải quân đã bị hạ sát vì lòng trung thành với Tổng Thống. Sau đó tôi được thêm tin là chính Tổng Thống cũng bị giết sau khi đầu hàng.
Sau hơn sáu tháng làm người lính biển, tôi ngẩn ngơ trước sự mất mát quá bất ngờ, quá to lớn và quá lạ lùng. Tôi viết thư cho Hồng, nói lên cảm nghĩ của tôi và tôi báo cho nàng là sau lá  thư này cho tới chưa biết đến bao giờ tôi không còn lòng dạ nào viết được những lời yêu thương …