Chương 15

    
hi Hồng còn là của tôi, sau ngày tôi ra trường, phải mất sáu tháng tôi mới có cơ hội gặp lại nàng lần đầu và phải mất trọn năm để gặp lại nàng lần hai! Gặp lần hai để nhận con nàng làm dưỡng tử! Và buồn thay, khi nàng đã thuộc về người khác, chỉ chưa đầy hai tháng là tôi đã có dịp quay về nơi từng để lại một vài luyến tiếc. Hai tuần sau Tết Ất Tỵ, giữa tháng hai năm 1965, tàu tôi nhận công tác chở tiếp liệu cho Quân đoàn 2 và chở hàng triệt thối về Sài Gòn. Thật tình lòng tôi cũng có ít nhiều mong muốn nhìn lại người xưa nhưng cái động lực chính vẫn là từ bổn phận của một dưỡng phụ. Khi mua hai bộ áo quần cho trẻ con ba tháng, cô bán hàng vốn từng lựa dùm tôi hai bộ thời trang cho Hồng trước đây đã ngõ lời chúc mừng chúng tôi có con trai đầu lòng. Tôi chỉ đau xót mỉm cười, nói lời cám ơn cho xuôi chuyện. Lúc đó, nếu không có ý nghi cô nàng cũng đã lập gia đình, tôi hẳn đã bắt đầu tán tỉnh bằng cách bắt chước Hiền thú nhận với cô nàng là tôi đang… thua không còn manh giáp!
Tàu ủi bãi Nha Trang từ sáng sớm và tuy không nhằm ngày trực, tôi vẫn chờ đến sau cơm trưa mới tà tà đến thăm ba mạ Hồng. Và ráng ngồi nghe ông thuyết trình tình hình Việt Nam, tình hình thế giới để canh đúng 6 giờ là xuất hiện ở cửa nhà vợ chồng nàng. Tôi muốn chắc chắn rằng giờ đó Luận đã về nhà. Gặp lại, cả hai vui mừng ra mặt. Luận mời tôi cơm tối. Tôi nhận lời với điều kiện có gì ăn nấy, không mua gì thêm. Tôi muốn tỏ cho Luận thấy rằng tôi hiểu cái cớ bỏ đi lần trước của Luận cốt là để tôi và Hồng có được những phút riêng tư cuối cùng. Chúng tôi đã nói hết, và nay Hồng và tôi chỉ còn là bạn.
Trong bữa ăn, cả ba chúng tôi cợt đùa tự nhiên một cách đầm ấm thân tình. Trả lời một câu hỏi, tôi thành thật cho Luận biết tàu tôi sẽ lưu lại ba ngày. Luận mời tôi mỗi chiều đến dùng cơm. Còn Hồng thì tự nhiên như thời chưa chồng, mời tôi ở lại qua đêm. Tôi biết nàng chân chất, chỉ tại cái đầu tôi lúc nào cũng mang ý đen tối. Tôi không đáp thành lời, chỉ cười cười…
Khi Hồng đang rửa chén thì cậu dưỡng tử khóc ré lên. Luận bồng con, nâng niu vỗ về. Hồng ngoảnh lui, nhỏ nhẹ bảo Luận đưa con tôi bồng cho quen hơi. Luận nồng nhiệt dạy tôi cách ẵm, cách ru ngủ. Tôi có hơi lúng túng lúc đầu nhưng cậu dưỡng tử lại có vẻ chịu tôi. Nó nín thinh! Lạ chưa, ngay từ đầu mà nó đã quen hơi rồi! Da nó không còn ửng đỏ non nớt như lần gặp trước mà trắng ửng mịn màng. Mắt mở to, lòng đen tròn và lớn đưa qua đưa lại, có lúc nhìn thẳng vào tôi. Tôi tự hỏi không lẽ ở cái tuổi mới gần ba tháng, nó muốn hỏi tôi là ai? Tôi mỉm cười thầm trả lời: “Nếu mạ mi chịu khó đợi thêm một năm, tao đã là… tía mày!” Tôi nhẹ bước, tới lui từ cửa đến bếp. Nhìn khuôn mặt bé bỏng dễ thương, bỗng dưng tôi có cảm tưởng nó là con tôi thật. Một sức mạnh thương yêu dồn vào hai cánh tay nâng nó lên và một sức mạnh khác đẩy đầu tôi cúi xuống. Một mùi thơm lạ thường làm tôi sảng khoái. Lúc đó, tai tôi như nghe tiếng Hồng gọi tên tôi đang khi nàng sinh khó.
Khi đi ngang Hồng, tôi ngẩn mặt. Vẫn mái tóc đen huyền phủ lưng chừng chiếc lưng thon thả. Vẫn cái dáng đứng ung dung thư thái pha trà cho ba nàng và tôi trà đạo ngày nào. Bất chợt nàng quay lại, thấy tôi nhìn và nàng mỉm cười. Vẫn gương mặt kiêu sa. Vẫn nụ cười e ấp trước khi trao tôi những nụ hôn nồng nàn. Tim tôi như sững lại. Mắt tôi như không chịu rời cái thân thể gái một con. Chính vì vậy tôi không muốn ở lại lâu hơn. Đúng tám giờ, tôi ngõ lời cáo biệt. Luận và Hồng ngạc nhiên, cố lưu giữ nhưng tôi nhất định ra về. Hồng chịu lùi bước, bảo chiều mai tôi phải đến. Tôi cười buồn lắc đầu và thầm nhủ từ nay mỗi lần tàu ghé Nha Trang, tôi chỉ có thể dành ra nhiều nhất là hai tiếng để thăm cậu dưỡng tử. Quá hai tiếng e rằng lòng tôi lại hướng về … mạ nó!
Tôi đi xe Lam về Chụtt, vào lòng chợ gọi một tô lớn phở gà danh trấn giang hồ. Đa số khóa sinh của Không quân và Hải quân, trước khi vào lại quân trường sau cuối tuần đi bờ, thường dành bụng trống ghé vào quán này. Thưởng thức để giữ hương vị cho tuần kham khổ kế tiếp…
Khi đứng đón xe đi trở ngược về tàu, tôi chợt có ý muốn thả bộ để có nhiều thời giờ ngắm lại chốn xưa, nơi một thời đổ mồ hôi lẫn nước mắt. Đêm nay tàu đang ủi bãi cách quân trường không xa. Tôi lững thững bước. Hàng quán đều còn mở cửa, tiếng ồn, tiếng nhạc tuôn ra đường. Tiếp đến là một đoạn tối tăm hoang vắng. Tôi đã quá quen đoạn này. Thuở đó, đã biết bao lần tôi “nhảy rào” đi ăn phở và cuốc bộ trở về! Qua đoạn tối là một vùng ánh sáng bên trái. Cái lô cốt đầu tiên xuất hiện, nơi tôi lãnh nhiệm vụ canh gác hoặc tự ý nhảy rào. Bên trong là bệnh xá. Kế tiếp là nhà ăn sinh viên. Ngay lề đường là cổng trung tâm. Sâu bên trong là hai tòa nhà hai tầng đối xứng qua một sân bóng chuyền. Học viên ở bên trái. Sinh viên bên phải. Phía ngoài, ngang tòa nhà sinh viên, là khu hành chánh, nơi tập trung các huấn luyện viên từng tốt nghiệp các trường Hải quân nổi tiếng nước ngoài. Cho tới nay, sau gần hai năm, đầu óc tôi vẫn còn chứa đầy các bài học hải nghiệp mới lạ đến không ngờ. Khi qua lô cốt cuối cùng, tôi mới sực nhớ rằng tôi sắp sửa tiến thẳng đến một ngôi miễu mà nhiều tài xế xe lam, xích lô đồn rằng, ngay nơi đó thỉnh thoảng có một cô gái rất đẹp đứng đón xe. Lúc thì cô lên xe về hướng Chụtt, lúc cô lên xe ra chợ Đầm. Nhưng không một tài xế nào thấy cô xuống xe! Vì vậy họ xây miễu thờ và thường xuyên nhang khói cúng vái cầu mong cô siêu thăng tịnh độ. Tôi vừa bước vừa lo ngại. Bộ cô chưa siêu thoát hay sao mà ngôi miễu còn lờ mờ phía trước?
Tôi bước tạt qua trái, đi bên kia lề đường. Người tôi bắt đầu nổi da gà từng cơn. Bước được mấy bước, tôi lại muốn đổi hướng đi thẳng xuống bãi biển và nương theo ven nước về thẳng tàu. Nhưng vùng bãi biển sau miễu quá tối. Đi trên đường, tuy phải qua gần ngôi miễu nhưng thỉnh thoảng còn nhờ được ánh đèn xe. Tôi quyết định bước thẳng, bước nhanh hơn, lưng buốt lạnh, người rởn gai ốc. Khi gần đến ngôi miễu thì người tôi bắt đầu rịn mồ hôi rồi chảy thành dòng. Tôi không còn can đảm bước thêm. Tôi bắt đầu chạy, mắt nhắm, mắt mở…
Khó mà tin rằng, nhờ chạy mà tôi về tàu đúng lúc để khởi hành tham dự cuộc hành quân khẩn cấp. Vào xế trưa, một chiếc tàu khá lớn được nghi ngờ từ Bắc Việt xâm nhập vịnh Vũng Rô bị Không quân dội bom đánh chìm. Chiến hạm sẽ đến Tuy Hòa nhận hai tiểu đoàn bộ binh và đổ vào Vũng Rô lục soát. Vì vậy việc dở hàng khỏi tàu đã được đôn đốc cấp tốc. Ba giờ sáng, chiến hạm nhắm ngọn đèn đỏ của đỉnh núi Chóp Chài để quay mũi hướng vào bãi. Bãi hoang vắng, chỉ tiếng sóng xạc xào. Chúng tôi chờ, chờ mãi đến gần trưa thì được công điện hủy bỏ việc… chờ! Thay vào đó, chiến hạm được yêu cầu đơn thương độc mã thám sát tàu chìm. Hạm trưởng đã lầu bầu bộ giỡn sao chớ!
Gần hai giờ chiều, chiến hạm đi sát cù lao Nưa, cao 102 mét trông như một pháo đài phòng thủ cửa vịnh Vũng Rô. Từ tọa độ này nhìn lên đỉnh núi cao nhất của ngọn Đèo Cả, một khối đá khổng lồ mang tên hòn Đá Bia, cao trên bảy trăm mét, đứng sừng sững, chơi vơi, thoạt nhìn có dạng mẹ bồng con. Tuy nhiên, khi đã vào trong vịnh, hòn Đá Bia không còn mang chút gì hòn Vọng Phu vùng Phù Mỹ mà thành một khối trụ hoa cương nổi bật giữa nền trời xanh. Hạm trưởng cho biết, theo lời dân gian đồn đại, trên các vách đá có khắc ghi chiến công Nam tiến của tiền nhân. Tôi tự hứa là khi đất nước thanh bình thế nào cũng đến tận nơi để biết thực hư.
Nhìn bao quát, Vũng Rô hoàn toàn khác biệt với vịnh Cam Ranh. Cam Ranh rộng lớn nên mọi thứ mờ nhạt. Cam Ranh đang đô thị hóa với thương thuyền, tàu chiến, nhà cửa, phi trường…. Bãi biển chạy vòng mênh mông trắng xóa. Núi thì thấp hơn với rừng thưa khô cằn. Ở Vũng Rô, mọi thứ còn nguyên vẹn nét thiên nhiên. Trừ vài khoảnh nhỏ có phần trơ trụi, rừng xanh bao quanh dày đặc trải lớp nắng vàng từ vòng cung mép nước lên tới các đỉnh núi nối tiếp hình dợn sóng. Nhìn rộng hơn, toàn cảnh là một bức tranh cùng màu -màu xanh trong của nền trời, màu xanh tươi của lá rừng, màu xanh thẳm của mặt vịnh nhưng lại vừa hài hòa vừa nổi bật. Vịnh có dạng nửa hình bầu dục với bán kính ngắn trên hai cây số và mỗi bờ hình cung dài gấp ba lần. Nhiều bãi cát nhỏ nằm rải rác dọc ven mép nước đầy những tảng đá lớn nhỏ có màu trắng hếu hoặc rong rêu chen lẫn. Xa trong cùng là bãi cát trắng dài và rộng hơn. Gió mùa Xuân mát rười rượi, mơn man. Nếu hạm trưởng Hảo hiện diện lúc này, thế nào ông cũng khen khung cảnh hữu tình và làm vài bài thơ ca ngợi nhưng với hạm trưởng đương nhiệm, tâm trí ông hẳn chỉ bận rộn với câu hỏi nơi nào nước cạn, nơi đâu có đá ngầm.
Vào đến giữa vịnh, hạm trưởng cho nhận còi nhiệm sở tác chiến. Cái tiếng đôi “tích tích, tích tích” dồn đập, thúc bách như có ma lực đẩy mọi người chạy nhanh đến vị trí chỉ định. Từ đài chỉ huy, tôi lướt bay xuống phòng truyền tin, vừa kiểm soát nhân viên vô tuyến thuộc quyền, vừa mặc áo giáp và đội mũ sắt. Sau khi chắc chắn máy móc hoạt động tốt, tôi bước ra khẩu đại bác 20 ly gần đó. Khi tác chiến, tôi kiêm nhiệm luôn chức trưởng khẩu gồm khẩu đại bác này và khẩu gần lái tàu. Mỗi khẩu có một xạ thủ và một tiếp đạn. Hạ sĩ nhất Vận chuyển Thành là xạ thủ khẩu gần phòng truyền tin. Trung sĩ phòng tai Đạt phụ trách khẩu còn lại. Từ ngày Trung úy Được nhận quyền hạm phó, Thành bỗng dưng bị thất sủng. Anh không còn được giao tay lái trong các nhiệm sở đòi hỏi phản ứng nhanh, chính xác như tác chiến, ủi bãi, cặp cầu. Theo nhân viên xì xầm thì chỉ vì hạm phó không ưa Thành.
Tôi kéo cao cổ áo. Gió khá mạnh và lành lạnh bất kể cái áo giáp dày và nặng. Tôi đứng sát vào Thành cho bớt gió. Anh quay sang tôi, nói nhỏ:
- Gió mát quá hả thiếu úy!
Tôi lắc đầu:
- Với tôi thì không mát quá mà là… quá mát!
Thành ngập ngừng:
- Cả tháng nay tôi có ý gặp thiếu úy mà ngại. Tôi muốn gặp để xin lỗi lần rồi về tàu trễ  khiến thiếu úy lãnh củ!
Tôi cười khỏa lấp:
- Chuyện lẻ tẻ, cho qua! Nhân dịp, tôi có một thắc mắc muốn hỏi. Nếu anh không thích, không cần trả lời. Cái “cơ duyên” nào đưa anh làm chủ căn nhà đang ở?
Thành phì cười:
- Làm chủ được cái chòi đó cũng đã là có phước! Phải trả ba trăm một tháng đó thiếu úy! Mà ngẫm nghĩ cũng còn hên. Đó là cái giá rẽ nhất trong số những nơi tôi tìm mướn. Trước đó, tụi tôi sống chung nhà cha mẹ, chị em. Rồi con đông dần, quá chật hẹp. Một cái hên khác là cái chòi đó gần trường học nên vợ tôi đã có thể trổ tài nấu xôi bán cho học trò, bù đắp thiếu hụt.
Tôi thấy thêm một lý do đã khiến vợ Thành quá khẳng khiu. Tôi đồ chừng có thể chính nhờ nụ cười lúc nào cũng tươi tắn mà đến nay các con chị vẫn còn mẹ để mà nương tựa. Thành lại tiếp:
- Bây giờ đến lượt tôi có một thắc mắc với thiếu úy. Chỉ e…
Tôi ngạc nhiên:
- Cứ nói!
- Tôi chỉ hỏi cho có chuyện, thiếu úy không cần trả lời!
- Nói!
- Lúc thiếu úy mới đổi xuống tàu, có một cô rất đẹp xuống thăm. Từ đó không thấy cô đó nữa. Tụi này chấm điểm mười trên mười cho cô đó với thiếu úy. Hai người thật đẹp đôi. Và bởi vậy mới thắc mắc…
Tôi cười to:
- Các anh cũng nhiều chuyện dữ! Lẽ ra thì tôi làm thinh nhưng đã trót nợ anh một giải đáp nên đành trả nợ. So với cái điểm rộng lượng các anh vừa cho thì cô ấy khe khắt hơn nhiều. Cô ấy cho tôi điểm zéro!
Thành trợn mắt:
- Nghĩa là…
- Nghĩa là tôi được… zéro điểm!
Thành cười ha hả:
- Thậm vô lý! Khó tin quá thiếu úy ơi! Thiếu úy đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu…
Tôi cũng cười to:
- Anh Thành ơi! Xấu đẹp tùy người đối diện mà!
Thành bất chợt hướng mắt lên đài chỉ huy, nơi phát ra tiếng lát chát bất thường. Tiếp liền theo là nhiều tràng nổ từ hai bên bờ như để giải thích. Tôi bỗng nghe tiếng hét trong vi âm nội thoại:
- Địch bắn đó! Tất cả bắn! Tất cả bắn!
Tôi thét to:
- Khẩu 23, 24 bắn!
Thành đặt vội mắt vào ổ nhắm. Tám khẩu 20 ly quanh tàu phát ra những tiếng nổ chát chúa hòa vào tiếng rầm rầm làm rung rinh cả thân tàu của khẩu 40 ly đôi. Tôi nhìn theo lằn đạn của Thành. Bờ trước mặt còn khá xa và chiếc tàu khá dài bị đánh chìm nằm khoảng giữa. Nó không chìm hẳn, nửa thân còn phơi trên mặt nước với đài chỉ huy vỡ toang. Tôi chờ đến gần hơn, nhìn kỹ hơn nhưng tiếng tiểu liên, đại liên lại rộ lên từ ba mặt núi rừng. Tôi hốt hoảng đứng sát vào Thành, là nơi có hai tấm sắt chắn đạn che chở xạ thủ của khẩu đại bác. Đúng lúc đó đạn va lốp bốp vào tấm sắt. Tôi hú hồn và bắt đầu ớn sợ. Tôi nghe tiếng hét của Hạm trưởng vang xuống:
- Hai máy ngưng! Tay lái số không! Hai máy lùi một. Hai máy lùi hai! Tiếp tục bắn!
Thành tiếp tục siết cò. Đạn bay tua tủa hướng về khu rừng cánh phải. Tiếng đại bác 40 ly mũi và 20 ly quanh tàu đè bẹp tiếng tiểu liên của địch. Con tàu run rẩy dữ dội khi tuân hành lệnh hai máy lùi ba! Nước bên hông cuộn ào ào tuôn về phía mũi. Tàu xa bờ dần, xa tầm đại liên và thả trôi ở khoảng cách gần bờ nhất cũng trên một ngàn mét. Ở tầm xa này, súng cối địch có thể chơi tới nhưng rơi trúng ngay tàu thì coi như họ ngáp phải ruồi! Tôi theo hạm trưởng vào phòng truyền tin. Ông báo cáo thẩm quyền diễn tiến sự việc. Kết quả có hai thủy thủ bị thương nhẹ và tàu bị đạn nhiều chỗ. Ông cũng ước lượng tình hình địch và đề nghị cho tiếp viện.
Trời tối hẳn, Hạm trưởng cho neo tàu nhưng vẫn chia phiên như khi hải hành. Tiêu lệnh đặc biệt của ông là bắn quấy rối khu tàu chìm suốt đêm, bắn cảnh cáo các ghe đến gần và bắn tiêu diệt nếu ghe tiếp tục đâm vào tàu. Tôi đi phiên đầu đến nửa đêm và sau đó vì mệt và căng thẳng tôi phè cánh nhạn tới sáng bạch.
Chín giờ ngày 18, chúng tôi được lệnh đến Đại Ngãi gần đó rước một đại đội biệt kích. Trong khi nhận quân, hai chiến thuyền cùng hai người nhái từ Sông Cầu cặp vào trình diện. Hạm trưởng, hạm phó, đại đội trưởng biệt kích, sĩ quan trưởng toán chiến đỉnh họp bàn kế hoạch đổ bộ và thám sát. Sau cơm trưa, khi các khách mời rời bàn ăn, hạm trưởng bắt đầu lèm bèm đưa nhận xét không mấy hài lòng. Ông tỏ ý không hiểu “thiên hạ” đã nghĩ gì khi thay hai tiểu đoàn bằng một đại đội, dù là đại đội biệt kích. Sự chênh lệch xem ra quá xa bất kể biệt kích nổi danh thiện chiến. Theo ông, địch chơi tới tiểu liên và trung liên thì quân số không phải là ít! Ông chỉ cầu mong là ông đoán sai…
Một giờ chiều, từ giữa vịnh, Hạm trưởng cho lệnh hai chiến thuyền kèm hai bên chiến hạm tiến về bãi cát trong cùng, nơi duy nhất có thể ủi bãi mà cũng là nơi duy nhất địch có ưu thế tấn công cả ba mặt. Theo ghi chú trên hải đồ, suốt hai bờ cánh cung dài mười bốn cây số không nơi nào là không có đá ngầm. Hạm trưởng cho khai hỏa khẩu 40 ly đôi khi bờ trong tầm đạn. Rồi đến lượt 8 khẩu 20 ly. Cuối cùng thêm các khẩu đại liên 50 từ đài chỉ huy và từ các chiến thuyền. Nhưng chỉ năm phút sau, bất chấp mọi khẩu súng phe ta còn nổ rền, đạn địch vẫn tập trung vào khối trụ lêu nghêu làm bắn sơn tung tóe. Như hôm qua, hạm trưởng cho thu quân về giữa vịnh. Ông và đại đội trưởng biệt kích mỗi người tường trình cho thẩm quyền của mình kèm theo đề nghị riêng. Hạm trưởng cho rằng có thể ủi bãi với một cái giá chấp nhận được sau khi tăng cường hải pháo và phi pháo. Còn ông đại đội trưởng thì từ chối đổ bộ nếu bãi ủi không được bảo vệ tương đối an toàn. Chỉ cần vài khẩu tiểu liên tập trung vào cửa đổ bộ là không ai còn lành lặn…
Mười giờ sáng ngày 19, từ giữa vịnh, ba chiến hạm gồm một hải vận hạm, hai hộ tống hạm tăng cường dàn đội hình hàng ngang tiến vào bãi ủi. Chiếc hải vận hạm đi giữa, kèm sát hai bên hông, mỗi bên là một chiến thuyền và một chiếc Zodiac chở trung đội người nhái đổ bộ lập đầu cầu bảo vệ cho đại đội biệt kích xung phong. Lực lượng trông rầm rộ nhưng không phá tan được sự tĩnh lặng đầy vẻ đe dọa bao trùm khắp vùng vịnh. Khi đoàn tàu đến giữa vịnh thì trên bầu trời xuất hiện các phóng pháo cơ ào tới dội bom. Bây giờ thì cả thung lũng vang dội tiếng ầm ì. Từng cụm khói bùng lên nhuộm bạc cả màu lá cây trước bãi ủi. Rồi đến lượt các trực thăng võ trang. Ba chiếc đảo vòng thi nhau nhả từng tràng đại liên giòn giã. Tôi say sưa theo dõi cảnh tượng mà tưởng như đang xem một bộ phim chiến tranh sôi động.
Không yểm đã xong đợt đầu. Giờ đến lượt hải pháo. Các hộ tống hạm nả đì đùng loại đạn trái phá 76ly, 40 và 20 vào hai triền núi. Chừng một giờ sau, các phóng pháo cơ tái xuất hiện chúc mũi oanh kích. Rồi lại đến lượt các trực thăng võ trang.
Một tiếng sau, gần giữa trưa, tàu tôi đã đến vị trí từng bị bắn. Các khẩu 40 ly đôi và 20 ly cày nát khu bổ bộ. Mùi khói súng khét nghẹt đến khó chịu. Bãi cát trắng phía trước mũi phơi mình lồ lộ, ngon lành. Cường độ nước chạy lùi dọc theo hông cho thấy tàu đã giảm tốc, nhưng ngược lại hai chiến thuyền và chiếc Zodiac phóng nhanh tới, vượt qua mũi chiến hạm. Tất cả cúi rạp người nhưng trong tư thế sẵn sàng phản công.  Tôi chợt hiểu là đã đến thời điểm người nhái đổ bộ và chẳng bao lâu nữa sẽ đến lượt đại đội biệt kích. Tôi cảm thấy ê người khi nghĩ đến khoảng thời gian đăng đẳng chiếc hải vận hạm phơi mình trên cát, lồ lộ làm mục tiêu lý tưởng cho địch nhả đạn.
Đột nhiên nhiều loạt đạn vang lên thật dòn tiếp theo là nhiều tiếng lớp bớp phát từ  khối tháp hình trụ. Các mảnh sơn lại túa bay vung vẩy. Tôi hét vào âm thoại:
- Báo cáo địch bắn trúng phòng lái.
- Nghe 5. Tiếp tục phản pháo cho đến lúc người nhái đổ bộ.
Chiếc hải vận hạm vẫn lầm lì tiến tới. Một số đạn khác lại ghim vào thành đài chỉ huy màu xám sậm để lại thêm nhiều đóm trắng lỗ chỗ. Chắc chắn là hàng chục viên đạn đã… né tôi. Cầu mong chúng tiếp tục lánh xa. Tôi nghe rờn rợn chạy theo cột xương sống. Tôi mắng thầm mày phải gan lì như Thành, như anh tiếp đạn. Mày mà tỏ ra sợ hãi thì chẳng bao giờ mày còn có cơ hội chỉ huy.
Nhưng tôi chưa kịp bớt sợ thì nhiều loạt đạn khác dồn đập bay tới. Đạn rít nghe thật gần, tách biệt hẳn tiếng nổ đinh tai điếc óc của các khẩu đại bác. Những mảnh bấc bắn tóe từ chiếc bè nổi cứu cấp đặt cạnh phòng vô tuyến và một dáng người từ đó chạy vụt vào trong. Tôi không kịp nhận ra là ai nhưng hẳn là một nhân viên vô tuyến tò mò ra đứng xem. Mong anh không bị thương. Tôi lại la to vào âm thoại:
- Báo cáo đạn trúng phòng truyền tin. Không rõ thiệt hại.
- Nghe 5.
Tiếng đạn càng lúc càng ghê rợn. Đột nhiên chiến hạm bị rung mạnh, đong đưa dữ dội sau một tiếng nổ long trời. Nước từ trên cao ập xuống người tôi như thác đổ. Tôi bước lùi sát vào ổ súng hy vọng tấm sắt chắn đạn cứu mạng mình nhưng bị vấp phải thùng đạn và ngã xuống. Tôi cố định thần xem mình bị thương nơi nào. Thủy thủ Hoài tiếp đạn quỳ xuống, cúi thấp hỏi:
- Thiếu úy bị thương?
Tôi lắc đầu không trả lời, dành sức lòm còm đứng lên. Tôi sửa lại âm thoại để nghe rõ hơn tiếng hạm phó từ đài chỉ huy:
- Địch vừa pháo kích. Các nơi báo cáo thiệt hại…
Tôi nhìn Thành đang say sưa bóp cò. Tôi nhìn sang khẩu phía sau cũng đang nhả đạn ngon lành rồi mạnh dạn lên tiếng:
- Khẩu 23 và 24 vô sự.
- Tất cả ngưng bắn! Lập lại, tất cả ngưng bắn và ở nguyên tại chỗ!
Tôi ra dấu với Thành và với trưởng khẩu phía lái. Cùng lúc tiếng còi nhiệm sở thả neo vang lên. Một số nhân viên chạy dồn về sân lái. Tôi hiểu là tàu chuẩn bị ủi bãi. Tôi quay nhìn về mũi tàu. Người nhái đang túa khỏi chiếc Zodiac, chạy vội vào khu rừng. Bên tả hạm, hai ghe Yabuta cũng đang thả người. Dưới lòng tàu, đại đội biệt kích đang dạt thành hai hàng, mỗi hàng một bên thành tàu. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng máy tàu tắt hẳn và tiếng thả neo. Nhưng con tàu vẫn còn trớn phăng phăng lướt tới. Lướt tới, lướt tới rồi sựng lại. Mũi tàu đã trườn lên bãi cát.
Cùng lúc nhiều tiếng súng vang lên trong khu rừng trước mặt. Thành kê miệng sát tai tôi thì thầm: “Người nhái chạm địch”. Tôi gật đầu, lòng nôn nao lo lắng. Tôi cố trấn an bằng cách đặt nhiều kỳ vọng vào kinh nghiệm thiện chiến của đơn vị đặc biệt này. Lần thứ nhì trở lại Năm Căn, tôi gặp người bạn cùng khóa nay là một trong những trưởng toán người nhái. Anh kể về một năm thụ huấn vô vàn gian khổ, cam go. Anh kể về những cuộc đột kích tưởng chừng bất khả thi vào lòng địch ở Năm Căn,  Rừng Sát…Tôi tin lần này họ cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn bãi đổ bộ.
Tiếng súng dồn dập nổ chừng năm phút rồi giảm dần và im hẳn. Tôi nghe lệnh của hạm trưởng vang lên từ đài chỉ huy:
- Sân mũi! Mở cửa đổ bộ!
Hai cánh cửa mũi tàu từ từ hé ra, rộng dần, rồi mở tung. Tấm ramp đổ bộ nặng nề, chậm chạp hạ xuống. Rõ ràng đây là thời điểm hiểm nguy nhất cho đại đội biệt kích dù. Địch chỉ cần sót lại mỗi một khẩu tiểu liên nhắm vào ngay cửa đổ bộ là đủ để gây tổn thất nặng. Với băng đạn choàng đầy người, với lựu đạn đeo lủng lẳng, với súng cá nhân gọn nhẹ, không một tiếng hô kích động, hai hàng biệt kích nhanh nhẹn vọt lên tấm ramp vừa chạm mặt cát. Mỗi hàng rẽ sang một phía. Tôi đang ngưỡng mộ theo dõi thì nghe tiếng hạm phó sắc lạnh trong âm thoại:
- Thiếu úy Bằng lên đài chỉ huy gặp hạm trưởng!
Tôi lột âm thoại giao cho Thành, vừa lo không biết đã phạm lỗi gì vừa sợ đoạn đường thăm thẳm lên đài chỉ huy. Tôi phải vượt hai cầu thang chơi vơi, một từ bên ngoài phòng truyền tin và một từ bên ngoài phòng lái. Cả hai đều hoàn toàn lộ thiên, hoàn toàn ngon xơi cho các tay bắn sẻ. Hoặc chỉ cần một tràng đạn vô tình. Tôi loạng choạng bước đi và cố trấn tĩnh bằng ý nghĩ nếu tới số thì ở đâu cũng chết. Từ đầu cầu thang, tôi bắt đầu chạy thật nhanh trong cảm giác của một kẻ đang đứng trước muôn ngàn mũi súng. Vừa thấy tôi, hạm trưởng quát:
- Sao không đội mũ sắt? Muốn chết hả?
Tôi đưa tay lên đầu. Chiếc mũ đã rời khỏi đầu khi tôi bị trợt ngã. Anh giám lộ đưa tôi chiếc khác gần đó. Tôi vừa đội vừa nhìn anh y tá băng cánh tay đẫm máu của hạm phó. Mặt ông tỉnh bơ như người nào khác bị trúng đạn, không phải ông. Còn hạm trưởng thì cũng hết lè nhè trong bầu không khí đầy khói súng. Lệnh ông ban ra luôn luôn sắc gọn, rõ ràng, không cà kê, lèm bèm như ngày thường:
- Hạm phó đi kiểm điểm tổn thất. Thiếu úy Bằng tạm phụ tá tôi.
Phụ tá hạm trưởng? Phụ tá trong thời điểm ngặt nghèo, chỉ sơ sẩy là hết sống!
- Đeo âm thoại vào! Khi địch bắn, anh trả đũa bằng khẩu đại liên 50. Nhớ là nhắm đúng hướng 2 giờ hoặc hơn. Đừng quên có quân ta lẫn quân bạn trước mũi, trong rừng.
Tôi nghiêm giọng đáp:
- Nhận rõ, thưa hạm trưởng.
Hạm phó trao tôi bộ âm thoại. Tôi đeo vào nhưng tai vẫn nghe được diễn tiến hành quân giữa giữa các đơn vị tham dự phát từ chiếc loa truyền tin liên quân. Các trực thăng đang đổ quân tăng cường trên quốc lộ 1. Hai tiểu đoàn khác sắp lên đường.  Giữa tiếng hải pháo đì đùng vào các sườn núi từ hai hộ tống hạm, giọng trưởng toán Người nhái vang lên:
- Trình Hải Âu, Hai lần November đã hạ ba tên địch, bắt sống 2 và đã chiếm giữ một kho vũ khí và đạn dược khá lớn. Xin tăng cường nhân viên để chuyển xuống tàu. Hạm trưởng gật đầu, nói vào máy liên hợp:
- Nhận 5. Trong khi chờ đợi, anh cho mấy thằng em thám sát… con mồi.
- Đáp nhận hành!
Ngay tiếp theo là tiếng Đại đội trưởng biệt kích:
- Báo cáo Hải Âu, Thiên Sứ khám phá một kho súng đạn rất lớn. Có thể đến hàng ngàn khẩu súng đủ loại và hàng trăm ngàn tấn đạn cũng đủ loại. Có cả chất nổ. Năm xác địch nằm rải rác. Bắt sống tám…
Lần đầu tiên tôi nghe Hạm trưởng chửi thề:
- Tiên sư lũ giặc cộng! Thế mà cứ bai bải chối là không dính dáng gì đến Mặt trận Giải phóng!
Một loạt đạn nổ giòn từ cánh phải. Tôi hoảng hốt hụp đầu xuống khỏi thành đài chỉ huy. Hạm trưởng đứng yên, cười:
- Thay vì né, anh phải phóng đến khẩu đại liên. Rồi anh sẽ quen. Nào, đứng thẳng lên.
Tôi ngượng nghịu làm theo lệnh ông nhưng thâm tâm thì nhất định không để ông còn có dịp ra lệnh tương tự. Tôi đã từng tỉnh bơ khi bị bắn trong các lần vào ra sông Bồ Đề mà lần này xệ quá. Nhưng quả là lần này khác xa và dữ dội. Lần này địch chơi toàn cỡ tiểu liên thượng liên chớ không cá nhân lẻ tẻ. Vừa thẳng người, tai tôi vẳng nghe giọng hốt hoảng:
- Báo cáo đài chỉ huy, Hạ sĩ nhất Thành bị thương nặng.
Quên cả việc lập lại cho hạm trưởng, tôi chạy đến đầu cầu thang nhìn xuống. Thành đang nằm đúng ngay chỗ tôi vấp ngã. Tiếng quát của Hạm trưởng từ phía sau:
- Việc gì thế?
Tôi lắp bắp:
- Xin lỗi hạm trưởng! Hạ Sĩ 1 Thành bị thương nặng…
- Bảo toán cứu thương đến ngay và báo cáo tình trạng thương tích.
Tôi lập lại lệnh vào máy. Lại thêm một tràng đạn tiểu liên. Tôi phóng tới khẩu đại liên đáp trả vào sườn núi chỉ định. Hạm trưởng la to:
- Tốt lắm! Anh giao âm thoại cho sĩ quan đương phiên rồi tiếp tục bắn từng loạt nếu địch còn tiếp tục!
Tôi lắng nghe lời báo cáo của y tá rồi lập lại cho hạm trưởng bằng giọng run run:
- Trình hạm trưởng, y tá báo cáo Thành bị viên đạn vào đầu, e khó sống!
Giọng ông trầm xuống:
- Bảo hạm phó lên gặp tôi ngay.
Nói xong, ông chộp lấy tờ đặc lệnh truyền tin. Tôi chuyển lời ông mà có cảm tưởng như đài chỉ huy bị chao đi và đổ ập. Tôi nắm chặt thanh sắt để nén xúc động. Tiếng “khó sống” đập vào tâm não tôi như nhát búa. Lẽ nào…
Tôi lột máy âm thoại trao cho thiếu úy Danh. Tiếng hạm trưởng vang lên:
- Hải Âu gọi Đại Bàng. Xin cho trực thăng tải thương khẩn cấp.
- Đồng ý. Nhận tải thương tại bãi Đại Lãnh.
- Đáp nhận. Cám ơn.
Ông quay sang Danh:
- Gọi ghe Yabuta sẵn sàng ở cửa đổ bộ.
Hạm phó trình diện. Hạm trưởng ưu tư nhìn cánh tay băng bó của hạm phó:
- Anh cần tản thương?
Hạm phó lắc đầu, giọng cương quyết:
- Không cần, thưa hạm trưởng. Chỉ bị sớt mất chút ít thịt thôi mà!
- Vậy anh ở đây. Tôi đi xem thằng Thành ra sao. Nếu địch bắn rát quá, anh cho đóng cửa đổ bộ.
Hạm trưởng chạy bay xuống thang. Tôi cũng vội bước theo ông.
Thành đang nằm ngửa giữa một số nhân viên đứng vây quanh, đầu tựa trên vũng máu tươi nhầy nhụa óc màu ngà tràn ra từ lỗ đạn. Da mặt trắng nhợt như người đã chết. Mắt lờ đờ trừng mở, miệng liên tục hớp không khí. Thân anh có lúc vặn vẹo, giật từng cơn. Anh y tá lặng lẽ bôm ống thuốc vào cánh tay. Hạm trưởng khom người nhìn vết thương với dáng vẻ tuyệt vọng. Những vệt máu chạy dài từ đầu Thành đến khẩu 20 ly. Chiếc băng ca được đưa đến. Mọi người dạt ra nhường chỗ để chuyển anh sang và sau đó xúm lại tiếp tay đưa anh xuống lòng tàu. Tôi lặng người trước hình ảnh khủng khiếp lần đầu trông thấy.
Hạm trưởng nhặt chiếc mũ sắt còn đầy máu xem xét. Viên đạn đến từ phía sau lưng, xuyên qua lớp sắt, phá vở ót bên trái. Đó cũng là viên đạn duy nhất trúng Thành. Nếu tôi không được gọi lên đài chỉ huy, hẳn tôi lãnh trọn viên đạn đó. Quả là cái số anh quá đen! Cả đến chiếc mũ sắt cũng không cứu nỗi cuộc đời lận đận. Tôi đứng ngẩn ngơ một lúc rồi lắc đầu bước trở lên đài chỉ huy.
- Hạ sĩ nhất Thành đã tắt thở.
Dù biết chắc là Thành không thể sống nhưng tiếng la thất thanh của một nhân viên vẫn nghe não nuột đến rợn người. Tôi chạy vội ra cầu thang. Hạm trưởng đang đi lên nửa chừng, xoay người bước nhanh trở xuống. Tôi vội vàng theo ông. Mắt Thành còn mở trừng trừng, như người còn sống. Hạm trưởng đặt tay lên trán Thành chầm chậm vuốt xuống. Như một phép lạ, mắt anh khép chặt lại khi bàn tay vừa qua khỏi. Khuôn mặt xương xẩu với những đường nét du đảng cũng trở nên thanh thản yên bình như người đang ngủ. Một nhân viên đưa hạm trưởng tấm drap trắng mới tinh. Ông xổ ra chuẩn bị đắp kín người Thành. Mọi người đứng quanh cúi đầu nhìn khuôn mặt Thành lần cuối trước khi bị che khuất, trước khi vĩnh viễn khuất xa. Nhiều tiếng khóc tiễn đưa anh. Tôi cũng rơi tuôn nước mắt. Khi chiếc Yabuta đến kè bên cửa đổ bộ, hạm trưởng ra dấu khiêng Thành đi. Hai bạn thân của Thành nhấc cao chiếc băng ca. Mọi người dạt sang hai bên nhường lối. Tiếng Hạm trưởng trầm buồn:
- Tất cả! Nghiêm!
Ông đưa tay lên chào vĩnh biệt. Chúng tôi cùng đứng nghiêm chỉnh, bàn tay phải giữ thẳng ngang mày cho tới khi thân xác Thành yên vị trên chiến thuyền. Nước mắt tôi lại ứa ra. Sức tôi như đã cạn. Tôi đứng tựa vào vách tàu để mặc nước mắt tuôn rơi. Một vài ngày tới, trong lễ tang quân cách, Thành sẽ được truy thăng Trung sĩ và được biểu dương hy sinh vì Tổ Quốc. Anh có hay biết để hãnh diện không? Và cái lương trung sĩ có giúp thêm được gì cho vợ con nheo nhóc của anh. Tôi hình dung căn chòi không còn bóng dáng Thành. Tôi hình dung người đàn bà khẳng khiu ôm mặt khóc ngất và ngã xỉu khi được báo tin người chồng chẳng bao giờ trở lại. Tôi lắc đầu xua đuổi hình ảnh quá bi thương, không dám tưởng tượng tiếp.
Tiếng ầm ầm của các khẩu 76 ly liên tục vang đều. Thỉnh thoảng một tràng tiểu liên vọng đến. Rồi thật bất ngờ một tiếng nổ kinh thiên động địa rung động cả vùng vịnh phát từ triền núi phía tả và kéo dài bằng vô số tiếng nổ nhỏ. Tôi cảm nhận được là tôi đang sợ. Tôi cố xua đuổi nó nhưng nó cứ bám. Và tôi ngạc nhiên biết bao khi khám phá ra lần sợ này tôi không ớn lạnh và đổ mồ hôi như lần sợ ma. Chỉ thiếu tự chủ, mất bình tâm…
Tiếng hạm phó vọng xuống:
- Thiếu úy Bằng về ngay khẩu 23.
Tôi bừng tĩnh nhìn quanh. Cửa đổ bộ đã đóng lại tự bao giờ. Sân sau đang chạy máy kéo neo. Tôi leo bậc thang thẳng đứng gần đó. Vũng máu đã được rửa sạch. Thủy thủ Kính phụ trách tiếp đạn đưa tôi bộ nội đàm. Tôi đeo áp vào tai, sửa ngay ngắn chiếc nón sắt rồi đứng vào vị trí tác xạ, thay thế Thành. Liệu có viên đạn vô tình nào đi đúng đường viên đạn giết chết Thành? Tôi vẫn còn may. Các họng súng trên bờ bắt đầu im tiếng.
Tàu bắt đầu chạy máy lùi rồi quay đầu ra giữa vịnh, cặp vào chiếc Dương vận hạm vừa nhập vùng. Nhiệm vụ của nó là tiếp đạn và cứu thương. Hạm phó và hai nhân viên được hướng dẫn đi gặp bác sĩ. Tôi không rõ hai chiếc hộ tống có ai bị thương không. Chắc là không vì không chiếc nào cặp khẩn bên hông còn lại. Chúng tôi tập họp phân công chuyển đạn về tàu và đến các ụ súng. Đến 8 giờ tối, chiếc hải vậm hạm tách ra neo gần cửa vịnh nhường chỗ cho chiếc hộ tống.
Sau bữa cơm tối lặng lẽ và nhanh chóng dù bữa trưa bỏ ăn vì tác chiến lu bu, tôi leo lên sân thượng ngồi lên một trụ sắt quấn dây cột tàu gần nơi Thành ngã gục. Gió lồng lộng mang theo ít nhiều giá lạnh. Tôi mở rộng áo choàng, cố châm điếu thuốc đầu tiên trong ngày. Khói thuốc chạy rần khắp vùng ngực và lưng. Tôi hít lấy hít để rồi búng mẩu thuốc lá còn hơn phân nửa. Mẩu thuốc va vào thanh an toàn, bắn lửa tóe lên. Trời rất trong và sao rất tỏ. Chếch đỉnh đầu là chòm sao Orion với ba sao thẳng hàng như thắt lưng hiệp sĩ. Cạnh đó là ngôi sao sáng rực Procyon được lấy đặt tên cho chiến hạm mà tôi từng lên đó thực tập hải vụ. Từ sao Procyon, tôi dõi mắt ngược chiều kim đồng hồ. Tôi đếm đủ sáu vì sao sáng nhất trong vòm trời nhỏ đầy thiên thể. Sáu ngôi sao sáng đó tạo thành một hình lục giác mà ở đầu của một trong hai cạnh phát xuất từ sao Procyon là ngôi sao Sirius rực rỡ nhất. Ánh sáng huyền diệu nên thơ của chúng đang tỏa tràn khu vịnh chưa tan mùi khói súng. Mặt nước nhấp nhánh chập chùng muôn sóng gợn. Dãy rừng đã ngã màu đen tang tóc vây quanh. Trên đỉnh của ngọn núi ngay mũi Varella tại cửa vịnh, ngọn hải đăng vươn cao đều đặn quét ba vệt sáng mỗi chu kỳ.
Một loạt đạn nổ dồn đâu đó. Tôi chợt nhớ tới trung đội Người Nhái và đại đội Biệt Kích còn trong bờ. Ngày mai, ngày mốt hay ngày nào chậm hơn, tàu tôi cũng không thể tránh khỏi ủi bãi lần nữa để đón họ ra cùng với chiến lợi phẩm. Tôi cảm phục họ và thấy mình đáng xấu hổ. Chính họ mới ở chỗ đáng sợ hơn, suốt đêm ngày trực diện kẻ thù, trong khi tôi chỉ phải chịu gian nguy trong dăm ba giờ ngắn ngủi! Can đảm lên, thiếu úy Bằng! Đừng sợ nữa, thiếu úy Bằng! Có lỡ… xui xẻo như Thành thì cũng nhanh chóng đi về một thế giới khác, một thế giới có người bạn tên Thành dễ thương và có người đẹp nào đó biết đợi chờ!
Nhưng thực tại thì tôi vẫn hiện diện trên dương thế và vợ con Thành chẳng bao giờ còn được thêm một lần gặp lại anh. Cái trụ cột của gia đình đã bị đốn quỵ. Vợ Thành có nấu thêm sôi buổi trưa, buổi tối cũng không cách nào nuôi nổi năm miệng ăn và trang trải tiền nhà. Tiền tử tuất thì nhiều lắm cũng chỉ là một phần của lương cũ vốn đã thiếu trước hụt sau. Chiến hạm có thể giúp được gì? Một số tiền ủy lạo thì cũng chỉ đỡ đần thời gian ngắn. Hải quân giúp được gì? Phòng địa ốc đã hứa cấp nhà trong năm tới. Năm tới đồng nghĩa với suốt cả năm dài vợ Thành và lũ con ngày thêm nheo nhóc.
Còn phần tôi, tôi giúp được gì? Tôi dành cho Thành nhiều cảm tình ngay từ ngày mới xuống tàu và Thành cũng dành cho tôi nhiều quý mến. Lẽ nào tôi làm ngơ trước khó khăn của vợ con người bạn cùng tàu, cùng đời thủy thủ? Mỗi tháng “ủy lạo” một số tiền? Cũng nên lắm và cũng dễ dàng. Chỉ cần tôi không… xài bậy. Và việc này tôi cũng đã nhiều kinh nghiệm. Hơn thế nữa tôi còn đang giữ số tiền “lèo” khá lớn Tuyết để lại, muốn cưới vợ lúc nào chả được. Lại còn thêm căn nhà. Hơn một năm qua tôi chỉ về căn nhà đó không quá mười lần, mỗi lần một buổi, chỉ cốt mở cửa, ra ngồi đọc sách ở bao lơn cho hàng xóm thấy là nhà có chủ. Tôi chưa hề ở lại ngủ qua đêm. Một là ngủ một mình sợ ma. Hai là sợ… nhớ Tuyết. Chắc chắn là sẽ nhớ đến điên người.
Xét lại lòng mình, quả thật là tôi chưa muốn lấy vợ. Ít nhất cũng năm ba năm nữa, ở cái tuổi chính chắn hơn. Vậy thì tôi sẽ cho vợ con Thành về ở căn nhà đó. Tôi sẽ nói là nhờ coi nhà giùm vì tôi đi công tác liên miên. Tôi sẽ nói là tôi sẽ không bao giờ đòi lại cho tới khi Hải quân chính thức cấp nhà.
Trường hợp tôi cưới Hiền khẩn cấp?  Giả sử rằng Hiền thực sự có mang với tôi và lại dùng Thanh làm “vật xúc tác” kích động tôi thương yêu nàng. Và giả sử rằng chúng tôi rốt cuộc sẽ thành chồng thành vợ thì hậu sự vẫn không có gì thay đổi. Chúng tôi sẽ ở căn phòng hiện tại của Hiền mà tôi tin rằng nó luôn luôn khoáng đãng cho tới khi đứa con thứ hai chào đời. Trước lúc đó hẳn vợ con Thành cũng đã được cấp nhà riêng.
Tôi ngẩng mặt hít chầm chậm một hơi dài. Luồng hơi lạnh lan nhanh đến tận cùng mọi ngõ ngách. Trong niềm sảng khoái chưa từng được hưởng, tôi chợt bắt gặp một chòm sao nằm phía trên rặng núi chếch trái ngọn hải đăng. Chòm sao trông rất quen mà nhất thời không sao nhớ ra tên…