Chương 3

    
rong khi tôi trút bỏ bộ đại lễ cứng chật để thay vào bộ kaki xanh mềm dễ chịu, Tâm hí hửng hỏi:
- Mày còn nhớ Tuyết không?
Tôi làm sao quên được Tuyết của tình đầu của tôi và cả của Tâm nhưng vẫn hỏi lại cho chắc:
- Tuyết nào? Tuyết người Huế?
- Đúng! Tuyết của tụi mình ở đệ tam B2 đấy mà!
Tôi linh cảm Tâm đã gặp lại Tuyết nên hồi hộp hỏi:
- Nhớ, rồi sao?
- Cách đây mấy tháng, tao đang ngồi uống cà phê ngoài lề nhà hàng Thanh Thế thì nàng phất phơ đi ngang qua. Tao gọi và nàng mừng rỡ sà vào ngồi sát bên. Nhưng rồi tao đau thấu trời khi đôi môi gợi cảm mở lời đầu tiên là để hỏi về mày!
Tôi cảm thấy toàn thân rung động nhẹ nhàng:
- Thật hả? Rồi mày bảo sao?
- Tao nói mày cũng đi Hải quân như tao nhưng chưa ra trường. Nghe thế nàng bảo thế nào nàng cũng đi thăm mày. Tao vội bảo là mày cũng sắp ra trường. Nếu muốn gặp mày, việc giản dị nhất là cho tao biết nhà, chừng mày ra trường tao sẽ dắt đến. Thế là nàng cho ngay địa chỉ. Không những thế nàng còn mời tao đi ăn tối và sau ăn tối, nàng còn mời tao về … nhà nàng!
Tôi trố mắt nhìn Tâm. Anh gục gặc ra vẻ thích thú. Tôi mường tượng sự việc diễn ra ở nhà Tuyết. Không. Chắc chắn là không có gì. Liều mạng như tôi mà suốt một năm quen Tuyết nhiều lắm cũng chỉ là những nụ hôn. Ngày còn học năm cuối trung học Võ Tánh, Tâm và tôi cùng đeo đuổi Tuyết học dưới chúng tôi hai lớp. Tâm bạo dạn hơn nên quen nàng và đưa nàng đi chơi trước tôi. Tôi chạm tự ái, nhất định không buông tha nàng. Tôi tiếp tục đưa ra những dấu hiệu cho Tuyết thấy là tôi vẫn dành cho nàng trọn cảm tình.  Một tối, Tuyết đến nhà nhà trọ của tôi tìm Tâm. Tâm ở chung với cha mẹ nhưng thường đến học chung với chúng tôi. Mọi người đi vắng đã khiến tôi không kềm nỗi trước nét đẹp tuyệt vời. Tôi ôm chặt Tuyết, hôn lấy hôn để. Tuyết chống cự kịch liệt nhưng tôi cứ ôm riết. Chừng nghe tiếng khóc nức nở của nàng tôi ngỡ ngàng nới lỏng vòng tay. Tôi nói tại tôi quá yêu nàng và tôi xin lỗi. Tuyết lặng lẽ bỏ ra về.
Tiếng của Hạm phó vang từ phòng ăn sĩ quan:
- Nhanh lên cụ Bằng ơi! Qua đây uống ly cà phê rồi lên gặp nhân viên.
Tâm cười:
- Đang hồi hộp muốn biết chuyện gì xảy ra trong đêm thúy kiều tái hồi kim trọng hả? Trưa mày ở lại tàu ăn cơm với tao, tao sẽ kể tiếp…
Tôi lúng túng đứng cạnh hạm phó trên cái sân rộng chạy dài suốt từ mũi đến lái của con tàu chuyển vận và đổ bộ. Trước mặt tôi là một thủy thủ đoàn có đến sáu mươi người đang xếp hàng ngay ngắn, chỉnh tề trong bộ quân phục làm việc. Một thượng sĩ đứng tách một bên, cánh tay mang phù hiệu ngành trọng pháo, chiếc mũ kết không che hết mớ tóc hoa râm và cái vành nón như làm tăng thêm nét nhăn ở trán. Da mặt ông xạm nắng nhưng không làm mờ vẻ tươi vui của một người hài lòng với biển khơi. Hàng đầu là bốn hạ sĩ quan, mang cầu vai đen có các vạch chéo vàng.
Ông thượng sĩ hô lớn:
- Tất cả! Nghiêm.
Toàn thể sáu mươi thủy thủ nhất loạt kéo gót chân sát nhau cùng với tư thế thẳng người. Ông hạm phó cất lời rắn rỏi và có phần trang trọng:
- Chiến hạm chúng ta vừa đón nhận thêm một sĩ quan. Tôi hân hạnh giới thiệu các anh Hải quân Thiếu úy Võ Bằng vừa tốt nghiệp khóa đệ nhất Bảo Bình trường sinh viên sĩ quan.
Ông im lặng một lúc, dường như để nhân viên có đủ thì giờ chiêm ngưỡng dung mạo của tôi rồi tiếp:
- Thiếu úy Bằng sẽ thay thiếu úy Tâm trong chức vụ sĩ quan ẩm thực và lệnh có hiệu lực kể từ hôm nay. Căn cứ vào truyền thống Hải quân và kỷ luật quân đội, tôi ra lệnh tất cả các anh phải tuân thủ mọi chỉ thị của Thiếu úy Bằng như đã tuân lệnh các sĩ quan khác.
Nén cơn xúc động với niềm vui tràn ngập, tôi chầm chậm quét tia nhìn suốt hàng quân. Không có khuôn mặt nào quen biết nhưng tôi đón nhận được những nụ cười và ánh mắt thân thiện. Bỗng dưng cái cảm giác hãnh diện len lỏi kéo về.  Tôi vừa nhận ra là bắt đầu từ hôm nay cái thời tôi phải đứng trong hàng quân ngày ngày trình diên… thượng cấp đã chấm dứt.  Mà hôm nay cũng là ngày tôi khởi đầu được làm “thượng cấp”. Niềm hãnh diện cũng giúp xóa mờ những nhọc nhằn, gian nan trong quãng đời huấn nhục học tập để được ngày hôm nay.
Hạm phó đưa tôi đi giới thiệu từng hạ sĩ quan. Khi tôi đến trước từng người, họ xưng cấp bậc, họ tên và ngành nghề. Người đầu tiên, đứng ngoài hàng, là thượng sĩ trọng pháo Ngô Tịnh, quản nội trưởng. Tôi cố nhớ tên từng người nhưng biết là chuyện không thể. Tôi chào đáp mà thấy lòng rộn vui. Từ nay, tôi thực sự đã là một sĩ quan chỉ huy và sẽ chia xẻ buồn vui với thủy thủ đoàn của tàu mình. Sáu chục người đứng kia là đại gia đình của tôi.
Khi trở về vị trí cũ, hạm phó hất hàm với thượng sĩ quản nội trưởng. Ông xoay người đối diện thủy thủ đoàn, hô to:
- Nghiêm! Tan hàng.
Mọi người tản mát về nhiệm sở. Tôi theo hạm phó đi một vòng quanh tàu. Thực tế, chiến hạm lớn hơn nhiều so với cái nhìn từ trên bờ. Ông hạm phó thao thao bất tuyệt các sự việc tôi cần biết đến bằng những lời lẽ cợt đùa tế nhị. Nhập học sau hạm trưởng hai khóa nhưng xem ra ông trẻ trung hơn hạm trưởng nhiều có lẽ nhờ còn độc thân vui tính?
Chúng tôi bắt đầu từ đài chỉ huy, có dáng hình trụ vươn cao từ bên hữu hạm. Ông dẫn giải về hệ thống âm thoại, la bàn điện, la bàn từ, hải đồ…. Ngay bên dưới đài chỉ huy là phòng lái điện, phòng truyền tin. Từ phòng truyền tin, chúng tôi xuống nhiều bậc thang, có cái đặt nghiêng có cái thẳng đứng, để đến hầm máy. Căn hầm rộng lớn, bít bùng được tỏa sáng bằng hàng chục bóng đèn. Các quạt máy to tướng đặt quanh đang thổi những luồn gió vù vù dư sức mạnh nhưng không đủ thổi tan hơi nóng. Hai khối máy chánh khổng lồ lổn ngổn cơ phận lộ ra bên ngoài, được thiết trí song song dọc hai bên hông tàu. Chúng tôi lần dò từng bước trên lối đi hẹp lót bằng vĩ sắt. Hàng chục các bảng điều khiển được gắn quanh các bức vách, mỗi bảng chi chít những chiếc đồng hồ đo đạc nhỏ to có màu khác nhau xanh vàng đỏ. Vách và trần hầm chằng chịt các đường ống, nhợ dây. Có những vòng đen quay tròn đóng mở. Có những tay cầm kéo lên xuống để khởi động. Có những núm nhấn đủ màu xanh đỏ trắng vàng. Một cơ phận gì đó ở máy chánh tả đang được toán thợ Hải quân Công xưởng hì hụt tháo mở. Hai máy phát điện nhỏ gọn được đặt ở một phần góc hầm. Cái mùi dầu mỡ thốc vào mũi gợi tôi nhớ một tháng thực tập hải nghiệp vào năm thứ hai của thời sinh viên sĩ quan. Quân trường chọn mùa biển động mạnh nhất để trắc nghiệm sức chịu đựng của chúng tôi hơn là huấn luyện hải nghiệp. Trong suốt một tuần thực tập, tôi chả học hỏi được gì. Từ giường ngủ lần mò mang cái mặt xanh như tàu lá đến tận hầm máy đã là đủ để được điểm tốt! Mùi dầu cặn trong cơn say sóng là cái mùi… quái dị và tàn bạo nhất.  Nó nồng nặc đến độ chừng như hóa thành chất nhờn dính vào cổ và trộn vào thức ăn. Rồi cứ thế mà nôn tháo và nằm liệm như chết.
Hạm phó dẫn giải chức năng của từng thiết bị. Tôi vốn giỏi về điện kỹ nghệ và động cơ máy nổ nhưng những gì ông nói đều ngoài hiểu biết của tôi. Chúng tôi đều xuất thân ngành chỉ huy nhưng tôi có cảm tưởng như đang đứng trước một sĩ quan kỳ cựu của ngành cơ khí. Thấy tôi trố mắt nhìn, ông cười:
- Tôi không bịp cụ đâu. Thật đấy! Phải biết hết, biết rành rẽ để khi sĩ quan cơ khí vắng mặt, mấy thằng em nó không qua mặt được mình.
Ông đưa tôi sang một chiếc máy điện đang được hai nhân viên cơ hữu loay hoay tháo một xi lanh. Họ mặc quần đùi, áo thun xanh, mình lem luốt. Thấy chúng tôi tất cả đứng vào thế nghiêm, đưa tay lên trân trọng chào. Tôi thấy vui vui trước động tác sai quân kỷ dễ thương đó. Hạm phó vỗ vai một nhân viên:
- Chừng nào xong, cậu?
- Thưa hạm phó sớm nhất là nửa đêm.
- Coi như xong! Mai các cậu được đi bờ trọn ngày!
Cả hai reo vui:
- Hoan hô hạm phó!
- Khi nào xong thì cho chạy ngay. Cái máy kia đã chạy liên tục trên bốn mươi tám giờ rồi.
- Đáp nhận, thưa hạm phó.
Tôi buộc miệng hỏi:
- Hư hỏng bộ phận nào vậy, thưa hạm phó?
- Piston bị bể. Việc thay thế thuộc phần nhiệm Hải quân Công xưởng nhưng tất cả nhân công của họ đều đang bận sửa chữa các công tác khẩn hơn. Mấy thằng em tình nguyện góp tay. Chắc cụ thấy là tụi nó rất chịu cực chịu khổ?
Tôi gật đầu, ông cười tiếp:
- Cũng có lý do cả thôi! Nếu hỏi tụi nó có muốn đổi nghề không, tất cả đều trả lời không! Cụ muốn biết tại sao?
Thấy tôi nhìn dò hỏi, ông nói nhanh:
- Cụ không nghĩ ra đâu. Tôi phải mất bốn năm đi tàu liên tục mới khám phá ra bí mật. Là tại vì nhiều khi mình không có nước rửa mặt mà tụi nó có nước tắm đều đều…
Dứt lời ông cười phá lên. Tôi không hiểu gì, cũng ráng nở nụ cười. Ông kề miệng nói nhỏ vào tai tôi:
- Tụi cơ điện khí giữ nhiệm vụ phân phối nước ngọt!
Chúng tôi trở lên lòng tàu và đi về phía sân lái. Ông xoay chốt mở một nấp tròn bằng sắt khá nặng, đường kính chừng nửa thước để lộ một cầu thang thẳng đứng dẫn xuống căn hầm khác có cùng vách với hầm máy. Đây là căn hầm nằm cuối con tàu dùng làm hầm lái tay khi lái điện bị hư hỏng.  Ông ra dấu tôi tụt xuống trước. Hầm chật hẹp, các góc cạnh lủng củng, vách và trần trơ trụi, được sơn màu nâu tươi như màu sơn lót. Độ nóng bức và mùi dầu mỡ còn nặng hơn ở hầm máy.  Một bánh vành tròn đường kính trên cả thước được quay vòng bằng sức của hai bàn tay. Nó được thiết trí kết hợp với nhiều bánh răng cưa khá lớn khác được phết đầy chất mở đặc còn mới.  Một sợi dây cáp bằng sắt chạy vòng qua các trục vững chắc và xuyên qua một vách ngăn. Hạm phó hướng dẫn sơ lược cách điều khiển lái tay thay cho lái điện. Ông nhấc một ống liên hợp ở vị trí vừa tầm tay cho biết đây là mối liên lạc duy nhất với đài chỉ huy, nơi ban lệnh vận chuyển. Cuối cùng, ông cười cười:
- Đây cũng là hầm kỷ luật. Khi tàu công tác, nhân viên phạm kỷ luật sẽ bị nhốt ở đây. Chỉ bị nhốt một lần là họ… tản thần! Ngoài nóng bức,hôi hám, nhớp nhúa còn phải chịu đựng tiếng rầm rập của hai máy tàu, cơn lắt lư của sóng gió. Cụ là sĩ quan nên không phải chịu phạt xuống đây mà sẽ được nhốt ở nơi khác… lịch sự hơn khi tàu về bến.
Tôi góp nụ cười đồng cảm với ông. Hạm phó lại tiếp:
- Vậy mà có một tay hạ sĩ của tàu này đã bị nhốt hai lần trong vòng ba tháng. Lần đầu một tuần, lần sau hai tuần. Tay này tỏ ra biết sợ rồi! Tuy vậy cụ cũng nên thận trọng với tay này. Hắn có nhiều quái chiêu nhằm vào sĩ quan…
- Ai vậy, thưa hạm phó?
- Tay này là một hạ sĩ vận chuyển tên Thành dưới quyền thiếu úy Được. Giỏi thì có giỏi. Hạm trưởng chỉ yên trí cặp bến, rời cầu khi có hắn … ngồi nắm tay lái. Nhưng với các công việc khác thì quên trước quên sau. Còn tới phiên trực gác thì gục lên gục xuống. Mà rầy rà nặng lời thì hắn… đánh! Thiếu úy trưởng ngành từng phải ra tay đỡ đòn của hắn.
Lòng tôi trĩu nặng khi bước theo hạm phó trở lên lòng tàu. Chúng tôi leo tiếp một cầu thang thẳng đứng nửa để lên thành tả hạm, từ đó lần lượt ngang qua bốn khẩu đại đại bác 20 ly đặt cách đều trên thành tàu. Ở thành tàu đối diện là bốn khẩu đại bác tương ứng. Các khẩu súng đều được bao phủ kín khi ở bến. Chúng tôi dừng trước khẩu đại bác 40 ly đôi đặt trước mũi. Đây là khẩu có hỏa lực mạnh nhất của chiến hạm. Nó đang được một nhân viên trọng pháo tu bổ vô dầu mở. Hai cái nòng kép của nó chỉa thẳng dọc dòng sông trông có vẻ dọa dẫm. Hạm phó cho biết phần nhiệm kế tiếp của tôi sau một thời gian làm sĩ quan ẩm thực sẽ là lãnh trách nhiệm trông coi vũ khí đạn dược. Ông muốn báo trước để tôi quan tâm sắp xếp thời gian học hỏi…
Khi chúng tôi trở lại phòng làm việc thì vừa lúc cơm trưa đã được dọn sẵn. Hạm trưởng, hạm phó và các sĩ quan lần lượt rời tàu, chỉ còn lại Tâm và tôi.  Đúng ra bữa ăn có cả trung úy Hào, là sĩ quan trực nhật, nhưng anh nhờ Tâm trực thế. Tâm quê quán Nha Trang, trở thành kẻ vô gia cư ở Sài Gòn, nên anh lấy chiến hạm làm biệt thự cho riêng mình. Cũng vì vậy, anh sẵn sàng trực hộ cho bất cứ sĩ quan nào với điều kiện vị đó “cung cấp” cho anh mỗi bữa trưa tối, một chai 33 và hai hột vịt lộn.  Như hôm nay chúng tôi mở đầu bữa ăn hội ngộ bằng “thực phẩm dịch vụ” của Hào.
Tâm cười ròn tan khi tiếp tục câu chuyện bỏ dỡ:
- Mày hẳn còn thắc mắc không biết chuyện gì xảy ra đêm đầu tiên Tuyết mời tao về nhà? Nhưng trước khi tao tiết lộ, tao muốn biết ngày xưa mày và Tuyết đã đi đến cái thế giới nào rồi?
Tôi cười, lắc đầu:
- Cái thế giới chả có gì nhưng tuyệt đẹp!
Tâm ngắm nghía tôi, ánh mắt dò hỏi:
- Mày vẫn còn yêu Tuyết?
Tôi không đáp, lập lại câu hỏi:
- Mày vẫn còn yêu Tuyết?
Tâm nhún vai:
- Bây giờ nó quá đẹp làm tao hoang mang! Mà tao cũng chỉ gặp lại mới bốn lần. Lần sau cùng cách nay hai tuần vì tuần rồi tàu đi công tác. Sau mỗi lần gặp thì có nhớ, có mong gặp lại. Mà nó cũng ác. Chỉ cho mỗi tuần gặp mỗi chiều tối thứ ba. Tức là chiều ngày mai, sau giờ làm việc, tắm rửa sạch sẽ rồi đi với tao. Mày mang cái mùi dầu mỡ đến nhà nàng sẽ làm “ô uế” cái mùi thơm tho thần thánh của nàng.
- Mỗi tối thứ ba? Không có tối nào khác?
- Tuyệt đối không! Nàng bảo chỉ rảnh tối thứ ba. Các tối khác bận kiếm sống.
- Tuyết làm gì?
- Nàng bảo làm việc tầm thường nên không muốn khoe! Rồi nó dùng đôi môi khêu gợi bịt mồm tao không cho hỏi tiếp….
Tôi hình dung đôi môi căng mộng ngọt ngào mà đã nhiều lần tôi tham lam ngấu nghiến. Và tôi chợt nhớ ra cả tháng nay tôi chưa có dịp gần đàn bà. Hai năm xa Sài Gòn, chắc gì cái  nơi từng lai vãng thời đại học còn đó. Mà chẳng lẽ ngay ngày đầu xuống tàu lại nhờ Tâm chỉ chỗ làm chuyện… tào lao!
Giọng Tâm vang lên sau tiếng cười:
- Hì, hì! Đừng có mơ màng vô ích. Cái đêm đầu tao đến nhà nàng, ngồi chưa nóng đít, đã bị nàng mời ra về. Tao khiếu nại thì nàng bảo rằng chẳng phải chính tao ngõ ý muốn biết nhà để sau này đưa mày đến thì giờ đã biết rồi, còn đòi gì hơn! Thấy tao dùng dằng, nàng nhẹ nhàng tặng tao nụ hôn vào má với lời êm ái: “Thôi về đi, thứ ba tuần tới cũng gặp anh ở nhà hàng Thanh Thế và cũng cùng giờ”.
- Và mày ra về!
Tâm thở dài:
- Thì phải về. Ở lại lạng quạng nàng bỏ cái hẹn thì khổ hơn!
- Cho đến hôm nay, mày và Tuyết đã đến… cái thế giới nào rồi?
Tâm nheo mắt:
- Ghen đấy à?
Tôi lắc đầu:
- Không! Hỏi cho biết để tao … tùy nghi.
- Cái thế giới không có thành công mà cũng chẳng thất bại. Cái thế giới êm ả như con tàu đi trong bể lặng gió im. Mày quá biết tính tao mà. Từ thuở nào, tao lúc nào cũng yêu chỉ để yêu cho vui. Được đáp lại càng tốt, không được thì cũng hay. Tao chưa muốn lấy vợ nên không thấy cô nào đáng phải nặng lòng. Vả lại, nếu tao có ý dính với Tuyết, tao đã dấu kín mày. Nói vậy để mày cứ tự nhiên mà tùy nghi.
- Ba mẹ Tuyết thế nào, đều mạnh khỏe?
- Khác với ngày xưa, lần này mày có thể yên chí. Chưa lần nào tao đụng độ hai bô lão đó. Dường như ông bà ở nơi khác.
Tôi ngạc nhiên:
- Tuyết ở một mình?
Tâm gục gặc đầu:
- Chả rõ, nhưng lần nào đến cũng chỉ thấy một mình nàng.
- Mày không hỏi han gì về hai bô lão?
Tâm cạn ly bia một cách khoái trá:
- Tao có hỏi và được nàng đáp “Anh hỏi ba má em làm chi! Ngày xưa anh ớn ông bà lắm mà! Bây giờ một mình em bên anh, anh không thích sao?” Tao nghe mà híp mắt, còn hỏi thêm làm gì…
Nghe cái lối Tâm kể “anh, anh, em, em” tự dưng tôi thấy nao buồn. Tôi nghĩ Tâm và Tuyết hẵn đã đi đến một thế giới nào đó, một thế giới không thể thiếu những nụ hôn nồng cháy. Đầu óc tôi lan man thêm… Nhưng tiếng còi báo giờ làm viêc buổi chiều vang lên giúp tôi làm một cử động vươn vai, nhẹ nhỏm