Chương 9

    
hông có gì bịn rịn nhưng cũng mãi đến hơn 7 giờ sáng tôi mới rời được cô gái. Rất may, khi về đến tàu, tôi vẫn còn vài phút để thay vào bộ quân phục trước giờ điểm danh. Tôi cùng trung úy Hải lên lòng tàu đứng đối diện hàng quân. Ông quản nội trưởng báo cáo quân số hiện diện, số người vắng mặt có lý do. Trung úy Hải chìa tay ra thay cho lời bàn giao phiên trực. Tôi chào trước khi nắm bắt như một biểu lộ tiếp nhận trách nhiệm.
Phần vụ của sĩ quan trực là giải quyết các sự việc xảy ra bất thường trong ngày và khẩn thiết trong đêm, vì vậy khó mà biết trước ngày đó sĩ quan trực khỏe hay mệt. Nhưng hôm nay tôi biết trước là tôi sẽ có một ngày rất mệt. Suốt tối qua tôi đã nổ lực vượt bực, chỉ còn hy vọng đủ sức cho công việc bình thường. Phải làm thêm việc bất thường với khẩn thiết thì khó mà kham nổi cho đến giờ… leo lên giường.
Tôi cố giữ bước đi tự nhiên vào nhà bếp xem qua việc dọn dẹp chùi rửa. Trở ra lòng tàu, tôi “làm một vòng” từ lái ra mũi, quan sát việc làm từng nhân viên. Công việc thì vẫn như lệ thường khi tàu về bến: Tu bổ súng, gõ sét, sơn lót, làm vệ sinh…  Gần chín giờ tôi leo lên hạm kiều chờ đón hạm trưởng về tàu. Chào đón xong, tôi theo ông xuống phòng làm việc để tề tựu cùng các sĩ quan khác báo cáo nhật vụ và nhận chỉ thị mới. Thật là may, không có việc đặc biệt cho tôi. Càng may mắn hơn là đêm qua ông không làm thơ, hay có mà ông quên đọc. Nghe ông bàn công việc tôi đã cứ phải chống mi mắt lên. Ông mà đọc thêm thơ nữa thì chắc chắn tôi không thể tránh khỏi thất lễ với ông.
Thông thường, có hai nơi cần sự hiện diện của sĩ quan trực. Đó là hạm kiều và phòng làm việc. Nhưng hôm nay tôi muốn lánh xa phòng làm việc. Ông hạm trưởng vừa bước vào buồng riêng là tôi đứng lên ngay. Tôi mà tiếp tục ngồi thì đố khỏi tiếng ngáy sẽ phát ra trước khi tròn một phút. Tôi lên đứng cạnh hạm kiều. Đây là nơi thích hợp nhất cho sĩ quan trực,vừa có thể kiểm soát bao quát việc làm, vừa có người trò chuyện, lại vừa có thể tiễn hạm trưởng rời tàu bất kỳ giờ phút nào. Chào tiễn hạm trưởng cũng là phần nhiệm của sĩ quan trực có ghi trong huấn thị điều hành. Vì vậy sơ sót có thể lãnh củ. Việc đón hạm trưởng “về tàu” tương đối dễ hơn là việc tiễn ông “rời tàu”. Khi ông đến, vừa lúc ông quẹo chiếc Vespa vào cầu tàu, người hạ sĩ quan hoặc nhân viên trực hạm kiều nhấc ngay ống liên hợp thông báo qua hệ thống phóng thanh: “Hạm trưởng sắp về tàu”. Sĩ quan trực, dù đang ở nơi nào, cũng nghe được và có đủ thì giờ có mặt chào ông. Nhưng khi ông rời tàu, sĩ quan trực có nghe lời thông báo thì cũng đành chào thua! Ông lên hạm kiều, không thấy sĩ quan trực, ông vẫn rời tàu. Hạ sĩ quan trực thay mặt chào tiễn ông. Khi ông hạ sĩ quan trực cầm được máy để thông báo thì có nghĩa Hạm trưởng đã rời tàu, khuất dạng. Thành thử để chắc ăn, sĩ quan trực thường lảng vảng ở hạm kiều khi cờ hạm trưởng còn bay phất phới. Với Hạm trưởng dễ tánh, sĩ quan trực chỉ bị cảnh cáo. Với vị thích nguyên tắc, quân kỷ được áp dụng.
Tôi đang đứng nói ba điều bốn chuyện với nhân viên trực thì hạm trưởng xuất hiện. Tôi chào tiễn chân ông và ghi vào sổ hạm kiều: “1100H: Hạm trưởng rời tàu, liên lạc Hải quân công xưởng”. Ghi xong, tôi lại vào nhà bếp coi qua việc nấu nướng rồi đến phòng ăn đoàn viên kiểm soát mức độ sạch sẽ. Sau đó lại trở ra lòng tàu làm nhiệm vụ sĩ quan trực. Đúng ngọ, anh chiêu đãi viên mời tôi xuống dùng cơm. Tôi quá rã rời, chỉ muốn nằm ngủ nhưng thấy hạm phó và Tâm có vẻ đang chờ nên tôi miễn cưỡng vào ngồi. Hào nói ngay:
- Từ sáng đến giờ hạm phó cứ mong đến giờ ăn để được nghe báo cáo kết quả … ủi bãi!
Tâm cũng hí hửng ra mặt:
- Tôi cũng thế! Ông Bằng ơi, bãi thế nào?
Hỏi gì mà cắt cớ! Ba cái vụ này làm sao mà tả! Phải tự ủi bãi mà khám phá chứ! Nhưng chợt hai câu thơ hiện cùng một lúc. Tôi tuôn ra luôn không chọn lựa:
- Cỏ non xanh rợn chân trời. Và cỏ gà lún phún leo quanh mép!
Tâm cười ngất:
- Hấp dẫn thật!
Hào trố mắt, phản đối:
- Hấp dẫn cái con khỉ! Khó hiểu thì có. Không thể “xanh rợn” mà lại “lún phún”!
Tôi cười, cơn buồn ngủ tiêu tan:
- Hạm phó thay chữ “xanh rợn” bằng chữ “cỏ non” xem sao!
- Cỏ non, lún phún! A, hấp dẫn thiệt chứ! Còn việc… an toàn?
- Phải đợi vài bữa không… uống cà phê đen đái ra cà phê sữa, mới biết!
Giọng Hào nôn nóng:
- Tối nay tôi có ý định đến đó. Nhờ cụ mô tả … nội vụ rõ hơn!
Hào dùng từ “cụ” của ông phó Đắc thay vì dùng “anh” với tôi như trước đây. Tôi cảm nhận cái thân tình Hào dành cho nhưng tôi nghĩ không nên nói hết “nội vụ” diễn ra suốt hôm qua. Dù “đối tác” không dặn dò gì nhưng tôi vẫn nghĩ đó là những thố lộ riêng tư cần giữ kín.
- Sao? Bắt đầu đi chứ!
Tôi chầm chậm kể lại mọi chuyện từ lúc tôi “đột nhập” ngôi biệt thự cho đến khi về, trừ phần hẹn nhau buổi tối. Tâm có lúc vổ bàn khoái chí, có lúc cười rộ, có lúc mặt nghệch ra. Hào thỉnh thoảng chỉ mỉm cười. Tôi vừa kể dứt là hạm phó phán ngay:
- Có thể là “em mới”. Mới từ quê lên chứ nữ sinh cái quái gì! Mánh lới của bà chủ để lấy cao giá thôi.
Tôi định phản đối nhưng biết là mình khó thuyết phục. Phần có thể thuyết phục được lại nằm ở phần qua đêm. Đêm qua nàng thổ lộ đó là lần đầu nàng đến ngôi biệt thự và gặp tôi là người đầu tiên. Bà chủ đã “dặn dò” các tình huống xấu mà nàng có thể gặp phải ở mỗi người khách và dạy luôn cách ứng xử. Trong mọi trường hợp nàng có quyền… chạy làng! Nàng gặp tôi trong bao nỗi lo âu. Nhưng buổi đầu của nàng đã diễn ra ngoài mong ước. Theo dạy dỗ, nàng phải cưỡng lại mê đắm nhưng nàng không thể không buông xuôi… Cũng vì vậy nàng muốn tặng không cho tôi một đêm để đền ơn. Và giữa những yêu đương cuồng nhiệt, nàng thố lộ về gia cảnh của mình. Nàng kể một cách tự nhiên như tôi đã là người thân thương nhất đời nàng.
Vài tháng trước nàng gặp hai cái rủi gần như đồng thời. Đầu tiên, nàng bị người tình sinh viên bỏ rơi. Kế đến ba nàng bị bắt trong đêm chính quyền bố ráp chùa Xá Lợi và đến nay vẫn chưa thấy về. Mẹ thì không việc làm và ba đứa em thì còn đi học. Nàng thì không còn trinh trắng nhưng tương lai thì thênh thang. Cho nên nàng không thấy con đường nào thuận lợi hơn con đường nàng chọn. Nó giúp nàng vừa có tiền vừa có thì giờ tiếp tục y khoa. Nàng hy vọng cha được thả sớm để nàng quay về cuộc sống bình thường. Tôi im lặng nghe, sự im lặng chìm lắng đến độ nàng ngờ là tôi không tin. Thế là nàng cho tôi xem thẻ sinh viên. Tấm thẻ cho thấy nàng thực sự đang theo học y khoa năm thứ nhất. Tôi nổi máu anh hùng móc bóp chia hai số tiền tôi đang có nhưng nàng quyết liệt từ chối. Nàng bảo lấy làm gì cho tôi phải túng thiếu mà nàng cũng không sao thoát khỏi con đường định mệnh. Nàng nói thời trung học nàng rất mê truyện Kiều và tin rằng vì nàng không đẹp nên kiếp đoạn trường sẽ chẳng bao lâu. Tôi bảo tôi tin cơn hoạn nạn của nàng sẽ chóng qua nhưng lại chỉ dám nghĩ thầm là nàng còn “sắc sảo” hơn cả Kiều.
Giọng Hào nóng nảy:
- Nếu tối nay tôi đến, muốn gặp cô đó, hỏi tên gì?
Tôi moi óc. Bà chủ không giới thiệu. Nàng cũng chẳng bao giờ xưng tên. Tôi còn nhớ tên trong thẻ sinh viên là Lưu Ngọc Anh nhưng chắc chắn nàng không dùng tên thật để “hành nghề”. Tôi nói:
- Tôi quên hỏi. Hạm phó cứ bảo bà chủ cho gặp cô hôm qua giới thiệu cho Vĩnh Bằng. Bà có hỏi thêm Vĩnh Bằng là ai thì bảo là bạn của Vĩnh Tường Hải quân.
- Còn nhiều cô khác?
- Có thể lắm. Riêng trên lầu đã thấy bốn cửa buồng. Chỗ này vắng vẻ, yên tịnh và chơi đẹp. Hạm phó không thích cô này bà chủ thay cô khác. Riêng cá nhân tôi, khi đến, ngay phút đầu tôi đã chọn bà chủ nhưng bà cứ nhất định… bán cái!
- Bà chủ ngon lắm hả!
- Hơn cả ngon, rất tuyệt! Nhưng có vẻ như chỉ “dành riêng” cho cựu hạm phó!
Hào cười hỉ hả:
- Cựu hạm phó lấy vợ thì có tân hạm phó độc thân. Hạm phó nào cũng ngon như nhau thôi!
Chúng tôi cùng cười vang. Tôi cầm đũa gắp miếng rau muống xào. Hương vị nhạt phèo gợi tôi thèm hương vị tô phở ban sáng trước khi chia tay. Và đồng thời gợi nhớ thân thể thơm tho của nàng…
Sau cơm tối, từ 8 giờ, tôi ngủ vùi cho tới giờ cơm trưa kế tiếp. Bàn ăn hiện diện đủ năm sĩ quan là Hào, Hải, Được, Tâm và tôi. Hào kể chuyện hôm qua đến “chỗ quen biết”. Cả bốn bàn qua tán lại, nói cười vang rân. Khi biết Hào gặp một cô gái khác, tôi không còn quan tâm lắng nghe. Người còn nhiều mỏi mệt, tôi lặng thinh nhai và nuốt. Nhưng đầu thì tính toán hướng xuất hành. Hạm trưởng tiếp tục thông cảm cho chia phân đội đi bờ. Tôi lại được tự do nửa ngày với trọn một đêm. Tôi sẽ làm gì cho hết quãng thời gian quý báu từ giờ phút này? Trở lại “chỗ quen biết” và gặp lại Lưu Ngọc Anh? Hay đòi cho được … bà chủ? Không, tôi không còn thấy hứng thú. Trở lại không chỉ phí phạm thêm nhân lực mà còn phí phạm thêm cả tài lực! Bà chủ vẫn còn đó, dăm ba bữa tính tới! Hay đi ăn kem, uống cà phê? Rồi về tàu ngủ tiếp? Không tệ!
Tâm đột ngột quay sang tôi:
- Tuyết nói mày đến chơi. Tối nay!
- Tối nay? Tối nay là thứ năm, đâu phải thứ ba!
Tâm hất mặt:
- Dành riêng cho mày!
Tôi nhìn Tâm không chớp mắt. Gương mặt Tâm tươi vui, không nét biểu lộ trêu chọc hay đùa cợt. Anh cười hồn nhiên:
- Ê, tao vô tội! Tuyết không thấy mày, yêu cầu tao nhắn mày. Và tao làm theo. Chấm hết!
- Mày không nói là tao không muốn gặp lại nàng?
- Hoàn toàn không!
Tôi khoát tay, ậm ừ:
- Mà có nói hay không, cũng vậy thôi. Tao đã nói không đến là không đến!
Tâm nhìn đĩa thức ăn:
- Tại sao mày không đích thân nói với Tuyết, tối nay?
Tâm nói đúng. Tại sao tôi không nói thẳng lời chia tay với Tuyết như đã nói với Hiền? Tâm đã thổ lộ ý muốn cưới Tuyết. Tuyết không che dấu tình yêu của nàng dành cho tôi. Tại sao tôi không có lời dứt khoát để Tuyết khỏi phải ray rứt làm người phụ bạc? Tại sao không minh bạch một lần với sự hiện diện của cả ba? Tôi nói:
- Tao đến với điều kiện là mày cùng đi.
- Tao nghĩ là mày nên đến một mình.
- Tuyết có nói rõ ràng là chỉ muốn gặp riêng tao?
- Không! Tuyết chỉ nói nếu mày có thể đi được, tối nay. Tuyết sẽ chờ.
- Vậy thì mày phải đi với tao. Tao muốn nói lời dứt khoát với Tuyết trước mặt mày.
- Để làm gì? Cũng chả giúp ích được gì! Hôm kia tao có gợi ý muốn cưới Tuyết thì nàng bảo rất cám ơn. Nàng đã hết còn ao ước được làm vợ hoặc tao hoặc mày. Người đẹp chỉ còn muốn được làm bạn cả hai.
Tôi không ngăn được tiếng cười. Thói thường, khi không còn yêu một người nào đó, người ta chuyển thành bạn. Đàng này Tuyết yêu cùng lúc cả hai và cùng lúc chuyển cả hai thành bạn. Một điều bất bình thường. Tâm bịa chuyện để đùa cho vui chăng? Nhưng Tâm không có cái tài này. Và nếu thật vậy thì có gì phải gấp gáp. Tình bạn chớ có phải tình yêu đâu mà cần liền tối nay. Hơn nữa, nếu quả thật Tuyết muốn coi tôi như bạn thì tôi lại càng không nên đến. Tôi biết chắc rằng khi gần Tuyết, gần mùi hương da thịt từng đã dính vào tế bào của tôi, tôi không tài nào đáp ứng bằng tình bạn.
Tình bạn! Tình bạn! Cái từ gợi tôi một tình bạn chân thành. Một tình bạn mà lâu nay tôi bỏ quên. Tệ hại hơn, tôi cũng… bỏ quên cả ba mẹ người bạn đó mà lúc nào cũng dành cho tôi đầy thương yêu chăm sóc. Phải rồi, thay vì đến Tuyết, thay vì ra quán cà phê, tôi nên dành một buổi để trở về mái nhà xưa. Ngẫm nghĩ, tôi ngạc nhiên biết bao khi thấy cái ý muốn về lại nhà Dũng không mảy may bị thúc đẩy bởi lòng nhớ thương Hiền. Tôi vui mừng đã không nghĩ tới Hiền trong mấy ngày qua. Nhưng khi nói với Tâm, tôi mượn Hiền như một cái cớ chính đáng:
- Tao nhất định không đến nhà Tuyết tối nay chỉ vì tình bạn. Mày có đồng ý với tao là thăm bạn không quan trọng bằng thăm người yêu? Vậy tao lấy làm tiếc mà nói rằng, trọn buổi chiều và tối nay tao sẽ dành cho Hiền. Tối nay mày hãy đến với Tuyết và nói dùm rằng tao sẽ gặp người bạn mới vào một ngày khác.
Tôi nhấn chuông nhà Hiền. Nhà Hiền trước đây từng cũng là nhà tôi, nơi tôi trọ học. Vậy mà giờ đây trở về căn nhà xưa tôi lại băn khoăn hồi hộp. Tôi mong người mở cửa không phải là Hiền. Nếu là Hiền, có thể tôi không ngăn được ước muốn ôm lấy nàng. Người ra mở cửa là mẹ Hiền. Vừa thấy tôi bà mừng rỡ mà trách móc:
- Sao lâu quá con không về? Cứ vài ngày là Dũng hỏi thăm con có về không. Còn Hiền thì giận con từ ngày nó nấu cơm rồi chờ con mãi. Tôi nói lấp liếm:
- Con cũng muốn về nhưng bữa đó tàu đi công tác bất thường. Rồi lại bị cấm trại liên miên. Con cũng nhớ hai bác lắm.
Bà thở dài:
- Thời cuộc lộn xộn quá. Vào chùa nghe sư giảng thì thấy chính quyền không thỏa mãn yêu sách của Phật giáo. Về nhà nghe radio thì ông Diệm bảo là ông đã thỏa mãn cho Phật giáo treo cờ. Nhưng các Thầy là người tu hành, bác tin ở các Thầy.
Tôi không nắm vững tình hình nên chỉ biết lặng thinh. Bà cụ tiếp:
- Thằng Dũng đang đi biểu tình. Hiền thì chở ba nó đi bác sĩ.
- Thưa bác trai đau gì thế, thưa bác?
- Ông ấy kêu đau ở ngực, khó thở, ho nhiều. Con ở lại ăn tối nghe.
Tôi liếm môi ra vẻ thèm thuồng:
- Con rất nhớ các món bác nấu.
Bà bảo:
- Con lên lầu nghỉ đi. Trông con gầy và đen nhiều.
Tôi lột giày đi thẳng đến thang lầu được nối kết góc vuông bằng các đoạn nghiêng tựa sát bốn vách của một hình khối thẳng đứng. Đỉnh của khối nằm trên sân thượng được che mưa bằng một mái mica trong suốt. Khối vuông chia mỗi tầng tòa nhà thành hai phần. Phần trước rộng gấp đôi phần sau và mỗi phần nối nhau bằng một hành lang. Tầng trệt, phía trước là phòng khách và phòng ăn, phía sau là nhà bếp.
Màu xanh nhạt bóng láng của các miếng gạch xôn xao khi tôi bước như chạy lên sân thượng. Từng hai dành cho ba mẹ Hiền. Phần trước là nơi ông bà thù tiếp bạn bè. Phần sau là buồng ngủ. Tầng ba, Hiền chiếm phần sau. Một cửa sổ khá lớn được mở ra nhận ánh sáng ban ngày từ khối vuông hình trụ. Nhưng dù ngày hay đêm –nhờ ánh đèn- từ sân thượng nhìn xuống tôi có thể bắt gặp nàng đang học bài hay đang âu yếm với Thanh. Phần trước dành cho Dũng nhưng Dũng thường lên sân thượng học bài với tôi và có khi ngủ lại. Toàn bộ sân thượng là giang sơn riêng của tôi. Ngay giữa là căn nhà tiền chế đủ rộng cho một bộ phản đôi và một bàn học cho bốn người.
Tôi bước vào thế giới học trò của tôi ngày nào. Chiếc chiếu vàng úa nhưng sạch sẽ. Hai chiếc gối có bao trắng kẻ ô nâu chữ nhật. Bàn viết của tôi vẫn y nguyên sách vở cũ trừ quyển tiểu thuyết Z 28 đang mở đôi để úp là mới lạ.
Tôi ngồi lên bộ phản. Mãi đến bây giờ tôi mới để ý đến độ cứng của nó sau khi quen với chiếc giường nệm êm ái dưới tàu. Như có một lực nào đó kéo tôi nằm xuống. Lưng tôi lấn cấn khó chịu. Mình chọn Hải quân xem ra rất hợp lý hợp tình và đúng lúc. Nếu tiếp tục ở đây học, cho tới hôm nay tôi vẫn ngủ trên bộ phản gỗ cứng như sắt này và tôi vẫn chưa nghề chưa nghiệp. Bây giờ tôi đã là một thiếu úy Hải quân, không chỉ là một người chịu đựng được sóng gió mà còn có khả năng đưa con tàu vượt qua sóng gió. Tôi cũng đã một lần vào sinh ra tử mà cái chết đúng là nhẹ tựa lông hồng. Tôi hãnh diện thấy tôi lớn hơn, dày dạn hơn hẳn Dũng và Thanh. Tôi mỉm cười và chìm vào giấc ngủ.
- Hê Bằng, đi đâu biệt tích?
Tiếng Dũng vang lên, mừng rở. Tôi ngồi bật dậy. Chúng tôi ôm choàng lấy nhau. Dũng buông tôi ra, lắc đầu nói:
- Mày xuống tàu như mang theo cái êm ả của Sài Gòn. Ngày nào cũng rầm rộ biểu tình, ngày nào cũng dùi cui vung xích chó. Tao mới về từ chùa Xá Lợi. Cảnh sát dã chiến vẫn vây kín chùa. Nhưng họ sẽ không bao giờ ngăn được các cuộc biểu tình, không bao giờ chận được các Thầy tự thiêu. Tổng số các Thầy tự thiêu đã lên cả chục rồi mày biết không?
Tôi biết có những vụ tự thiêu nhưng không ngờ là nhiều như vậy. Tôi lặng thinh và Dũng lại tiếp:
- Các trường đại học và trung học đều bãi khóa. Các giáo sư từ chức. Vậy mà ông Diệm vẫn dửng dưng, tiếp tục cho đàn áp, bắt bớ, giết hại. Mấy lần tao suýt bị bắt. Mà mày đi tàu thì biết cái gì! Suốt ngày chỉ biết trời trăng mây nước…
Tôi phản đối:
- Dù không theo sát nhưng có biết vụ lộn xộn này.
Dũng cao giọng:
- Ai bảo đây là vụ lộn xộn? Mày nhìn sự việc thế nào mà ăn nói lơ mơ vậy?
Trước đây thỉnh thoảng tôi và Dũng vẫn tranh luận về bất cứ vấn đề gì không cùng một ý. Tranh luận có khi dữ dội cho đến khi vấn đề được sáng tỏ hoặc sau khi nhiều góc cạnh được xét tới mà chưa hề đi đến giận nhau. Tôi nói:
- Tao dùng cái từ lộn xộn là ý thế này. Tuần đầu tháng năm, Huế biểu tình đòi ông Diệm hủy bỏ lịnh cấm treo cờ Phật giáo. Một biến cố xảy ra làm nhiều người chết. Phật giáo bảo chính quyền bắn vào đám đông. Chính quyền bảo Việt cộng ném lựu đạn gây chia rẽ. Thế rồi tháng sáu biểu tình lan đến Sài Gòn và càng lan rộng sau vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức. Chính quyền bảo đã cho treo cờ. Phật giáo bảo nói vậy mà không phải vậy. Tháng bảy dùi cui giải tán biểu tình. Tháng tám, tháng chín thêm nhiều nhà sư tự thiêu. Chùa chiền bị lục soát, sư sãi bị bắt giam. Học sinh, sinh viên bãi khóa. Hàng loạt giáo sư từ chức. Tháng mười, cảnh sát bắn chết một nữ sinh dự biểu tình ở chợ Bến Thành. Và thêm một nhà sư tự thiệu cũng tại nơi này. Thời cuộc tùm lum như vậy không gọi lộn xộn thì gọi là gì?
Tiếng Dũng bực bội:
- Phải dùng từ nghiêm túc cho một chuyện nghiêm trọng. Đây là cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo, chống bắt bớ, bắn giết sư sãi của chính quyền. Một việc làm chính đáng chớ không phải một vụ lộn xộn.
Tôi thành thật:
- Tao nghe nói Phật giáo bị Cộng sản giật dây.
- Thì luận điệu của chính quyền. Họ chỉ muốn viện cớ tiêu diệt Phật giáo.
- Tiêu diệt Phật giáo? Để làm gì?
Dũng tỏ ra thêm bực bội, to tiếng:
- Mày chả biết gì hết! Ông Diệm theo đạo Thiên Chúa và muốn đạo này trở thành quốc giáo. Vì vậy phải tiêu diệt Phật giáo.
Tôi mới nghe lần đầu. Tôi hỏi Dũng tin này xuất phát từ đâu. Dũng bảo ai cũng biết… trừ tôi. Tôi bảo khó tin và cũng khó hiểu. Dũng bảo tôi bênh chính quyền. Tôi khẳng định:
- Dân mình có đến chín mươi phần trăm không theo Phật giáo thì cũng theo Hòa Hảo, Cao Đài và đạo thờ cúng tổ tiên. Ông Diệm có gan trời cũng không dám đưa đạo Thiên Chúa lên quốc giáo.
Bị cấm bàn chính trị dưới tàu, tôi nhân dịp này khích tướng cho Dũng huỵch tẹt để hiểu thêm tình hình. Chúng tôi còn lời qua tiếng lại thì Hiền xuất hiện. Tôi nói với Dũng quả tình là tôi không theo sát thời cuộc vì công tác liên miên. Nhưng bất kể ai đúng ai sai tôi cũng mong… vụ lộn xộn này sớm chấm dứt. Dũng đưa nắm tay lên trước mặt tôi rồi cười khì xuống lầu.
Hiền đứng yên ở đầu cầu thang, khoanh tay nghinh tôi. Cặp mắt mí đôi mở to trên khuôn mặt sáng rỡ dỗi hờn. Hiền có vẻ gầy hơn trong chiếc pullover tay ngắn và chiếc quần jean bó sát. Tôi nói khẻ:
- Chào Hiền.
Hiền thong thả tiến đến tôi, hôn nhẹ vào má tôi và cất giọng êm đềm:
- Mừng anh trở về. Hiền luôn luôn tin là anh sẽ trở về.
Tôi không muốn vướng sâu vào những lời kế tiếp có thể là đầy tình cảm. Tôi hỏi:
- Nghe Hiền đưa bác đi bác sĩ, kết quả ra sao?
- Cảm thường thôi anh ạ. Hú vía!
- Để anh xuống chào bác.
- Hiền thấy mẹ đang nấu các món anh thích. Anh ở lại qua đêm nghe? Khuya khuya Hiền sẽ hát tặng anh những bản nhạc anh thích. Vắng anh,  Hiền thường hát gửi theo mây gió tới anh. Anh Dũng khen Hiền hát bản Tình Nhớ hay hơn cả…
- Thanh là người đàn?
Hiền giẫy nẩy:
- Thanh! Lúc nào cũng Thanh! Phải chi anh hiểu cho rằng Hiền đã học được bài học đắng cay về cái cách trả thù ngu dại của mình. Và Hiền đã chấm dứt việc lợi dụng anh Thanh. Anh Dũng đàn cho Hiền hát.
Tôi không ngăn được lời xỉa xói:
- Chấm dứt bằng cách nào? Đang nồng nàn mà cúp ngang xương dễ dàng vậy được sao?
- Hiền nói là Hiền bận học thi, Hiền nói là Hiền bận nhớ anh…
Tôi kêu lên:
- Đừng làm thế, Hiền. Coi chừng lại phải học thêm bài học đắng cay. Cái kiểu chọc anh cho tức để anh gần Hiền và rồi chọc cho Thanh giận để Thanh xa Hiền đều đưa đến kết quả trái ngược. Thanh lại càng muốn gần Hiền cũng như anh càng muốn xa Hiền! Hãy thật lòng với nhau…
- Hiền lập lại lời đã nói. Rất thật lòng: Hiền yêu anh!
Tôi xua tay:
- Gần nửa năm xa Hiền, thoạt đầu anh nhớ da diết nhưng rồi cũng quên dần. Hôm nay anh trở về như là một người thân trong gia đình. Hãy coi anh là … anh!
- Hiền hứa sẽ chuộc sai lầm của mình. Hiền sẽ không còn làm anh khổ! Hiền sẽ mang hạnh phúc đến cho anh.
Tôi nhìn ánh mặt trời tỏa sáng sau một tòa nhà vươn cao:
- Như đã có lần anh nói, anh không thể vui khi thấy Thanh buồn khổ. Anh từng trải qua buồn khổ…
Hiền nhăn mặt:
- Còn Hiền buồn khổ thì anh thấy vui?
- Hiện tại lòng anh thấy rất bình yên và anh muốn được mãi như vậy!
- Hay là anh đang yêu ai khác? Sáu tháng qua anh ghé bao nhiêu bến bao nhiêu bờ! Dễ gì Hiền được cái hân hạnh anh dùng toàn thời gian đó để nhớ Hiền như Hiền nhớ anh!
Tôi cười buồn:
- Đúng ra anh đã dùng toàn thời gian đó để tập… quên Hiền. Và anh đã thành công.
Hiền vồ lấy tôi, hôn vào môi tôi. Tôi đẩy Hiền ra nhưng nhỏ nhẹ nói:
- Hiền ẩu quá! Dũng có thể thấy.
- Anh Dũng biết Hiền yêu anh. Ba mẹ biết Hiền yêu anh. Tất cả hài lòng khi thấy em chọn anh…
Tôi lững thững bước lại cầu thang rồi ngoái lại nói:
- Anh xuống chào hỏi bác…