Chương 4

    
inh vội vàng đứng dậy nói với Liên bằng một giọng cố làm ra vẻ khôi hài:
- Đừng có giết nhau ở đây nhé. Muốn gì thì về nhà đóng cửa bảo nhau.
Liên mỉm cười, song nàng xoay người bỏ đi trước, Phi nháy mắt cho Minh, Loan và Phượng rồi lững thững đi theo Liên ra ngoài thành lanh. Bao nhiêu đau đớn hờn giận Liên từ chiều tối, bây giờ tiêu tan hết cả.
Phi mang cái tâm trạng của một kẻ vượt ngục vừa thoát khỏi một thời gian dài quằn quại, nhìn thấy trời cao gió lộng trong đêm tối. Chàng không biết cái gì đón đợi chàng ở cuối đường kia, nhưng chàng đã chiến thắng những ray rứt tàn phá, chàng đã được cái mà chàng đòi hỏi, chàng ao ước.
Liên dừng lại dưới khoảng tối của một cành xoan tây rậm lá phủ trùm xuống mái hiên.
Phi muốn ghì lấy người yêu, hôn thật nhiều lên má nàng du là trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhất. Phi mang cái vinh dự của một kẻ được yêu, chàng sẵn sàng đón đợi “trận lốc” ghen tuông mà người yêu mang đến, chàng dừng lại bên Liên, nụ cười gượng gạo.
Tiếng Liên sắc lạnh:
- Sao anh không đón em lúc 9 giờ?
- Anh có ghé qua nhưng không thấy em ở nhà.
- Anh ghé qua lấy lệ để tỏ ra rằng anh có đến, kỳ thật anh mong em đừng có nhà vào giờ đó, phải không? Đi với bao nhiêu người đẹp, anh cần gì sự có mặt của em. Anh hèn lắm, anh muốn chiếm đoạt rồi thôi, đàn ông các anh giản dị thật, tâm hồn các anh trống rỗng, em nhìn rõ như ban ngày.
Bị nghi oan, Phi đứng chết lặng, chàng tròn mắt lên nhìn Liên. Mặc dầu chàng đã sửa soạn từ trước để sẵn sàng chịu đựng “trận lốc” quyết liệt sẽ xảy ra, song chàng vẫn cảm thấy nhói buốt đến độ tưởng như mình không chịu nổi. Chàng tưởng rằng mình sẽ cãi với Liên được nhiều lắm, chàng sẽ minh oan được tất cả những điều Liên vừa nói, nhưng chàng không làm được gì cả. Chàng lắp bắp:
- Em không hiểu anh.
Liên cười gằn:
- Có gì mà không hiểu! Đáng lẽ em không gặp anh làm gì, nhưng em muốn nói cho anh rõ là dù biết ý định của anh từ trước, em vẫn không cần, em nghĩ rằng em đã làm một việc tốt, an ủi được một người bạn vừa bị thất tình, cho anh như vậy không có gì là nhiều cả. Anh đừng tưởng lầm là em si mê anh.
Phi biết rõ là Liên nói dối, Liên hiểu chàng và yêu chàng từ lâu, nhưng không hiểu tại sao Phi vẫn thấy đau đớn lạ lùng, chàng cười nhạt:
- Chỉ có mình anh si mê em thôi.
- Anh đã nói thế với bao nhiêu người rồi? Kể cả hai cô đi với anh và anh Minh hôm nay?
- Hai cô đó là bạn anh Minh, con gái ông Trung tá mà anh làm việc với ông ấy.
Liên nhún vai:
- Kể ra tài xế đi chơi với con gái một Trung tá thì... mừng hết lớn rồi còn gì! Anh hãnh diện lắm à?
Ngây thơ như một đứa trẻ con, Phi lắc đầu:
- Không, anh không hề vinh dự trong chuyện đó, anh đi với anh Minh vì lịch sự, vì đã trót hẹn với Minh từ tuần trước, anh kiếm em từ buổi chiều hai lần mà không gặp. Anh biết làm sao hơn bây giờ! Em đừng nghi ngờ oan cho anh, tội nghiệp!
Nghe hai tiếng “tội nghiệp” từ của miệng Phi thốt ra và cái vẻ nhăn nhó đến thảm hại của Phi, bỗng dưng lòng Liên dịu xuống. Nàng nhìn chàng đăm đăm. Tuy vậy Liên sợ cơn giận qua quá mau để rồi lần sau Phi có thể bắt nạt được mình nên Liên cố tình làm già:
- Thôi, giữa chúng mình không còn chuyện gì để nói nữa cả, anh vào đi, em cũng có “kép” của em. Đêm nay anh đừng gõ cửa nhà em, em không có nhà đâu.
Nói rồi Liên phăng phăng bỏ đi. Phi nhào theo Liên ghì lấy vai nàng. Thật tình Phi muốn tát cho Liên vài cái thật mạnh cho nàng ngã chúi xuống đất không thể đứng dậy được nữa, nhưng không hiểu tại sao Phi không thể làm được như vậy, chàng âm thầm hôn lên mái tóc Liên. Từ trong đáy thâm tâm Phi cảm thấy mình yếu đuối, mình gục ngã trước Liên. Phi muốn thu hết nghị lực cuối cùng để buông lỏng hai tay cho Liên rời xa chàng. Nhưng sự đau xót sợ mất Liên và cái hình ảnh hiện ở trong tay kẻ khác đêm nay, cũng như ở trong vòng tay chàng đêm qua đã tàn phá dữ dội tâm hồn chàng. Phi rít lên như một đứa trẻ sợ đêm tối:
- Đừng đi đâu cả, Liên! Đừng đi! Em mà cũng bỏ anh nữa sao!
Liên co cao đôi vai, lắc đầu và thở dài.
Tiếng Phi vẫn văng vẳng bên tai nàng:
- Tình yêu của chúng mình ngắn ngủi đến thế sao! Ngày mai trở về đơn vị, anh sẽ làm gì! Nếu anh được chiến đấu như các bạn anh, có lẽ anh sẽ có việc làm để quên và quên hết khi anh ngã xuống.
Liên dùng dằng gỡ tay Phi ra:
- Tùy anh, sau đây anh có thể làm bất cứ cái gì anh thích. Ngay từ bây giờ, từ phút này, em thuộc về người khác, quên hay nhớ, đó là quyền của anh. Mong rằng sau này có dịp gặp nhau mình sẽ vẫn quý mến nhau, em không muốn nhìn người yêu cũ bằng đôi mắt lạnh lùng thản nhiên như những người khác.
Giọng nói bình tĩnh. Thái độ tỉnh táo của Liên cho Phi cái cảm giác là chàng sẽ mất Liên thật, chàng sẽ trở lại với những bước đi hoang, với những ngày tháng dài không một chút xao động, không một chút cảm giác. Phi rùng mình ghê sợ cái cảnh đó. Chàng thấy không còn gì để nói với Liên nữa cả, nhưng tại sao chàng không dám buông tay ra, chàng không dám để cho Liên bước khỏi vùng bóng tối này. Chỉ một khoảng hành lang nhỏ “tất cả sẽ đổi khác, tất cả sẽ gục đổ, tất cả sẽ rời rã”, Phi nói một tiếng nói... cuối cùng:
- Không... bao giờ... không bao giờ chúng mình xa được, anh biết thế! Anh không đủ can đảm và em cũng không đủ sức chịu đựng đâu.
- Anh đừng tự tin quá.
- Anh không tự tin, anh nói tiếng nói của tình yêu. Hãy thành thật xét kỹ lại tâm tư chúng mình đi. Mình xa nhau được bao nhiêu ngày! Một giờ dài như cả một đêm dầy đặc, một buổi dài như cả tháng mưa buồn. Làm sao chịu đựng được khi biết là mình có thể tìm đến nhau.
Liên xúc động trước câu nói ấy. Nàng dụi đầu vào cánh tay Phi và từ từ ngước mặt lên tìm khuôn mặt Phi trong bóng đêm... Tiếng Liên lạc đi:
- Anh về trước, em về đến nhay ngay bây giờ!
Phi sung sướng như điên, chàng ghì lấy thân hình Liên. Những cánh tay quằn quại tìm nhau, những hơi thở nóng bỏng trao đổi.
Có một điều chắc chắn Phi nhận thấy là từ bữa đi chơi với nhau về đến giờ, Minh coi Phi như kẻ thù. Gặp Phi, Minh lạnh lùng giơ tay chào như bất cứ một người lính nào trong trại chào chàng. Mặc dầu Phi đã có lần giải thích rõ lý do cho Minh hiểu là tại sao bữa đó Phi bắt buộc về trước. Minh chỉ nghiêm nghị nói một câu gọn lõn:
- Anh làm mất mặt tôi, không ai chơi với bạn bè như anh cả.
Phi cố nói, nhưng Minh không nghe nữa. Từ đó Minh lầm lầm lì lì với Phi. Phi không có cách nào khác, chàng đành tặc lưỡi: “Muốn tới đâu thì tới...” Phi không hề nghĩ rằng sẽ bị Minh trả thù.
Nhưng sáng nay thì Phi thấy rõ, Minh cố ý dìm đơn của Phi, không cho chàng trở lại đơn vị chiến đấu. Mặc dầu Phi đã được Trung tá Lạc chấp thuận, nhưng chẳng lẽ mỗi chuyện chuyển đơn lên Phi cũng đem nói lại. Phi suy tính mãi, sau cùng chàng thấy còn mỗi cách là nên gặp thẳng Minh cho tiện, Phi muốn gặp Minh trước khi nói lại với Trung tá Lạc.
Từ sáng Phi cứ băn khoăn mãi,chàng đăm đăm nhìn ngón tay trỏ mình đã hoạt động được tương đối dễ dàng. Phi nhảy xuống xe, sửa lại quần áo, đội lại mũ và nhất định gõ cửa phòng Minh. Đã đến lúc cần, Phi nhất định liều, chàng muốn xem Minh xử trí với chàng ra sao. Chàng dõng dạc gõ cửa, tiếng Minh vọng ra:
- Cứ vào.
Phi nhanh nhẹn đẩy cửa bước vào. Minh ngửng đầu lên và chàng vừa sửng sốt vừa tỏ vẻ bất mãn khi nhận ra Phi đang đứng trước mặt chàng. Minh cau có hỏi bằng một giọng rất hách:
- Có việc gì? Sao anh không hỏi ở văn phòng?
Câu hỏi khiến Phi lúng túng, chàng đã sửa soạn cả mọi câu trả lời, nhưng chàng không nghĩ đến câu trả lời trong tường hợp này. Phi ấp úng:
- Tôi có việc muốn nói riêng với Đại úy.
- Tôi không làm việc riêng vào giờ này.
Phi mỉm cười, song vẫn đứng cứng người:
- Thưa Đại úy, không phải việc riêng mà là công vụ.
Nghe giọng nói có vẻ ngang tàng của Phi, Minh ngửa người ra chiếc ghế gỗ, chàng bình thản châm thuốc lá hút, đưa nửa người trên ghế rồi hất hàm:
- Chuyện gì đó?
- Chuyện đơn từ của tôi xin trở lại đơn vị cũ.
Phi thừa hiểu là Minh biết rõ chuyện của mình, nhưng Minh lại làm bộ nhíu đôi lông mày lại, lừng khừng:
- Anh xin đổi về đơn vị chiến đấu à?
- Dạ.
- Tại sao lại phải cứ về đơn vị cũ mới chiến đấu được? Các đơn vị khác không biết chiến đấu sao? Anh nên nhớ trong quân đội không có vấn đề xin đổi tới chỗ nào mình thích.
Phi đứng lặng, chàng lúng túng vài giây, rồi trả lời bừa:
- Thừa Đại úy, tôi nghĩ không phải là vấn đề xin đổi tơi chỗ tôi thích mà chỉ là vấn đề tôi trở lại đơn vị sau một thời gian nằm nhà thương.
- Anh biết quân số của anh thuộc đơn vị nào rồi chứ?
- Thưa biết, tôi thuộc đơn vị quản trị.
- Vậy thì không phải là vấn đề trở lại đơn vị cũ. Nếu cần, vẫn phải làm lệnh thuyên chuyển nhường. Nhưng anh là tài xế của Trung tá, ít nhất tôi phải xin ý kiến của Trung tá đã, rồi chuyển đơn của anh sau.
Phi bỗng mỉm cười, chàng thấy lối làm việc của Minh quả là “mềm dẻo, khôn ngoan”. Không có nguyên tắc nào cho phép hỏi ý kiến thượng cấp trước khi chuyển đơn cả. Bây giờ thì Phi hiểu rõ tại sao Minh lại “phây phây” ở Bộ chỉ huy hoài trong khi những sĩ quan khác luôn luôn thuyên chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác, mà thật ra Minh cũng không hơn gì những người bạn đồng ngũ khác của anh. Phi muốn nói “xin Đại úy cứ việc làm theo ý của Đại úy, nhưng đừng làm ngăn trở nguyện vọng của tôi”. Câu nói đã sắp sẵn như vậy nhưng chưa kịp thoát ra thì Phi đã lại có một ý kiến khác:
- Tôi đã thưa chuyện với Trung tá trước khi làm đơn và Trung tá đã thuận.
Minh lấy làm bất mãn vì Phi tỏ vẻ muốn qua mặt mình chàng lật chồng hồ sơ bên chiếc bàn nhỏ kề bên điện thoại, vứt lá đơn lại cho Phi:
- Vậy anh đưa thẳng lên Trung tá ký cho anh chứ còn chuyển qua tôi làm gì?
Lá đơn của Phi từ mặt bàn lại bị gió thổi tung xuống đất, Phi hằn học nhìn Minh, bàn tay chàng nắm chặt lại. Sự tức giận khiến mặt chàng đỏ lên, chàng cười, chính Phi cũng không hiểu tại sao mình lại cười được, tiếng Phi lạc đi:
- Tôi có bổn phận phải chuyển theo hệ thống quân giai và tôi nghĩ rằng văn phòng của Đại úy có trách nhiệm chuyển hoặc xét những đơn từ đó. Đại úy có thể đề nghị không nên chấp nhận nều xét thấy tôi không đủ yếu tố xin trở lại đơn vị cũ.
Nhận thấy đường máu... ba gai trong người lính ngang tàng của chiến trận đã nổi dậy, Minh hơi nhỏm người dậy nhìn Phi, nhưng cái nhìn nghiêm khắc đó không khuất phục nổi đôi mắt bướng bỉnh của Phi, Minh đấu dịu bằng cách gật gù nhìn ra ngoài khung cửa:
- Nếu anh muốn, tôi sẽ làm theo đề nghị của anh. Tôi thân muốn yêu cầu anh xuất trình giấy chứng nhận của bác sĩ là vết thương đã lành.
Phi nghĩ ngay đến Thành một bác sĩ quân y là bạn thân với gia đình Phi và quen Phi từ hồi chàng đổi về đơn vị này, Phi trả lời với một vẻ đầy tin tưởng:
- Thưa Đại úy, tôi nghĩ điều đó không khó lắm.
- Anh cho tôi cái giấy đó trước và anh nhớ làm lại hộ tôi lá đơn kia cho đúng luật lệ. Đối với anh như vậy là quá dễ dàng rồi. Trên nguyên tắc, phải làm giấy tờ trả lại đơn vị cho anh, chỉ dẫn cách thức để anh làm theo và anh phải ký vào phiếu gửi, lỡ ra sao này có chuyện gì anh kiện tôi không chuyển đơn cho anh thì sao!
Dù ngu đến đâu Phi cũng biết ngay là Minh vừa vuốt đuôi vừa xỏ lá mình. Phi thấy đối với Minh, chàng cần tỏ ra hiên ngang một chút, chàng nói ngay:
- Tôi quen ở đơn vị chiến đấu, chúng tôi ghét cái gì kêu là “thủ tục”. Nếu quân đội mình bớt đi chút ít thủ tục thì hay biết mấy. Đôi khi thủ tục thì ít mà người thi hành khắc khe thì nhiều.
Minh làm bộ cười hực lên:
- Tôi thông cảm với các anh, nhưng ở trường hợp của chúng tôi, không có cách nào làm khác được. Nếu làm khác, chúng tôi vào ngồi tù một cách dễ dàng. Anh ở đây, làm công việc này cũng đến vậy mà thôi. Anh cũng sẽ bị anh em bên dưới coi là khắc nghiệt, hậm hực và cấp trên luôn luôn đòi hỏi nguyên tắc hành chánh. Làm thế nào hơn!
Phi đứng im, chàng hiểu là Minh đang viện mọi lý do để bào chữa cho sự khắc nghiệt hoặc hống hách của mình. Chàng định xoay người bước ra thì Minh đã đứng lên tiến lại vỗ vai chàng:
- Tôi sẽ cố gắng giúp anh để anh có thể trở lại chiến đấu. Tuy nhiên được hay không là còn do thượng cấp quyết định, anh biết tôi không có quyền hành gì cả. Tôi chỉ là con số không, một cái hộp chuyển thư. Tôi tin rằng anh xin ra đơn vị chiến đấu là một việc thật dễ dàng, song trở về đơn vị cũ thì không bảo đảm. Tiểu đoàn anh vừa được bổ sung hai mươi sáu người, trong khi đó Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 11, chưa được thêm một tên. Anh cũng nên hiểu nguyên tắc bổ sung nhân viên chúng tôi.
Phi lạnh người, chàng xòe tay bắt tay Minh mà trong lòng rã rời. Chàng biết Minh cố tình “chơi” mình. Chàng không muốn nhìn thấy bộ mặt đẹp trai, trắng trẻo, khôn ngoan của Minh nữa. Chàng nghĩ đến cách cuối cùng mà chàng phải cầu cứu tới. Chàng sẽ phải nói với Trung tá Lạc về việc này một lần nữa. Chàng lặng lẽ bước khỏi khuôn cửa. Mưa bụi vẫn rơi đều giữa khoảng sân đất đỏ như một tấm màn mỏng. Phi buồn cái buồn lớn rộng, chàng bỗng nhớ Liên, nếu có Liên ở bên chàng giờ này chắc chắn chàng sẽ nói với nàng thật nhiều. Chàng sẽ kể hết tâm trạng mình ở đơn vị, để rồi Liên sẽ hiểu vì sao chàng lại nói với nàng những chuyện vẩn vơ không phải của những người yêu nhau.
Phi thở dài rất nhẹ, chàng cúi nhìn bộ đồ trận là thẳng nếp, đôi giày cao cổ đen bóng mà bỗng thấy tủi thẹn. Chàng đá mạnh mũi giầy làm bắn tung một viên gạch nhỏ nằm vô tội trên lối đi. Sau cái hành động đó, Phi cảm thấy mình cáu kỉnh vô lý, thực ra trong khi chàng rất có ý, chàng nhảy lên xe mở rộng trang báo Quân Đội. Tin chiến thắng cửa một đơn vị nhảy dù khiến Phi náo nức. Phi nhớ đến Thắng, một người bạn đồng ngũ của chàng ngày xưa đã thuyên chuyển về đơn vị nhảy dù. Phi tự hỏi:
- Tại sao mình không làm như vậy?
Ý nghĩ lóe lên như một lằn chớp, Phi ngẩn người suy nghĩ một vài phút, những ý tưởng lộn xộn chạy rần rật. Phi nhìn thấy rõ một cuộc đổi thay chắc chắn sẽ mang đến cho đời chàng những cảm giác mới, những biến chuyển mới. Chàng hình dung ra một chiếc mũ đỏ trên đầu, một bộ đồ trận rằn ri trên người và những lần từ trời cao bay lơ lửng xuống trận địa oai dũng như những thiên thần...
Đôi mắt Phi mờ đi, trang báo vẫn mở rộng trên lòng, Phi có cái háo hức của một cậu con trai mười tám sắp được cưới người yêu làm vợ.
Phi tưởng mình có thể thực hiện được ngay ý định.
Một chiếc xe “đốt cát” chạy ngang và một tiếng gọi vang lên:
- Phi!
Chiếc xe thắng lại cách Phi vài thước. Phi giật mình nhoài người ra khỏi xe. Chàng vui mừng nhận ra người kêu mình là Thiếu úy Tấn, một sĩ quan Trung đội trưởng nhưng lại có máu văn sĩ kiêm thi sĩ trong người. Tấn là bạn học cũ của Phi, vì vậy nên hai người thường kêu nhau là “mày tao chi tớ” cho thân. Tuy vậy lâu lâu không gặp. Phi nhảy ra khỏi xe rồi mà không biết có nên kêu Tấn là mày hay kêu Tấn là Thiếu úy. Chàng tủm tỉm khẽ hỏi:
- Đi đâu đó?
Tấn xòe tay ôm chầm lấy Phi:
- Đi lãnh ít quân trang. Nghe nói hồi này cậu lái xe cho Trung tá phải không?
Phi ngượng ngập gật đầu:
- Ừ, nhưng có lẽ mình sắp đổi.
- Sao vậy?
- Mình không phải là tài sế chuyên nghiệp. Mình thích đi giang hồ hơn ngồi xoay “vô lăng” chán chết.
Tấn vỗ mạnh lên vai Phi:
- Ý kiến rất hay. Định xin đổi đi đâu?
Phi nhún vai:
- Một là trở về đơn vị cũ, hai là thuyên chuyển qua nhảy dù.
- Nhảy dù? Hăng nhỉ.
- Không phải là hăng hay không hăng mà là vấn đề có thích hợp hay không?
- Cậu muốn thay đổi không khí à?
- Có lẽ thế.
Tấn cười ha hả. chàng có vẻ hiểu biết tâm trạng Phi, chàng kéo vai Phi:
- Chúng mình xuống câu lạc bộ uống cái gì. Có đến mấy tháng mới gặp lại đấy nhỉ.
Phi liếc về phía văn phòng Trung tá, chàng biết là Trung tá Lạc sắp đi, nhưng chàng tặc lưỡi nghĩ thầm “lâu lâu cho ông ấy đợi một mách cho ông ấy chán cái mặt mình đi”. Rồi Phi gật đầu:
- Đi thì đi, đã chết thằng tây đen nào đâu mà sợ.
Tấn bỗng thấy gần gụi Phi hơn lên, yêu thích Phi hơn lên bởi cái tính tình phóng khoáng đó. Ngày xưa, còn đi học với nhau mỗi lần gặp giờ toán hay lý hóa, Tấn không thuộc bài sợ bị giáo sư “truy”, Tấn thường rủ Phi “bát” học đi chơi, mặc dầu rất gỏi toán, Phi cũng trốn học với Tấn và Phi thường nói “bát thì bát, sợ gì thằng tây đen”. Tấn khoát chặt tay Phi:
- Mày vẫn thế, không có gì thay đổi cả.
Phi hiểu Tấn muốn nói gì, chàng quay sang nhìn khuôn mặt gầy và xanh của bạn:
- Còn mày?
- Tao chắc thay đổi nhiều.
- Còn viết báo làm thơ không?
- Tất nhiên là phải còn. Tao vừa được một giải nhì về cuộc thi thơ của quân đội.
- Tao biết, mày tiến bộ lắm.
- Tao đang để dành tiền xuất bản một tập thơ. Chừng nào in xong, tao cho mày bản quý số 1.
Hai người bước vào câu lạc bộ. Đây là một căn nhà tôn ba gian, nửa gian đầu được xây một cái quầy hàng bằng xi măng, có đủ các thứ nước ngọt, la de đặt trên những cái kệ trên tường. Hơn hai gian sau kê rải rác năm bảy chiếc bàn mặt vuông và những chiếc ghế đẩu.
Phi kêu hai chai la de 33.
Tấn hất hàm hỏi Phi:
- Độ này tình duyên thế nào?
- Cũng lằng nhằng thôi. Đang yêu và được yêu.
- Đời lính thế là đủ, còn đòi hỏi gì nữa?
- Còn em Tuyết Hằng của mày ra sao?
Đôi mắt Tấn chợt buồn, chàng ngước nhìn tấm lịch treo trên tường trả lời nho nhỏ:
- Không có gì thay đổi cả. Hằng sắp lấy chồng.
- Sắp lấy chồng thật à?
Tấn gật đầu nhè nhẹ. Phi nhớ đến người bạn gái học cùng lớp với chàng ngày xưa. Hằng có khuôn mặt trái soan khá xinh, nước da trắng, mái tóc dài, lúc nào khuôn mặt cũng thoáng buồn. Đặc biệt nhất là dáng đi của Hằng. Thân hình mảnh mai, nàng bước từng bước chậm, đầu hơi cúi nghiêng, cặp sách trên tay. Hồi đó Phi đã từng chứng kiến cảnh Tấn tán Hằng rồi cảnh hai người yêu tuổi học trò đi chơi với nhau, cảnh hai người giận nhau để rồi lại huề, lại yêu nhau. Khi Phi nhập ngũ cũng là thời gian Hằng và Tấn bắt đầu xa nhau. Câu chuyện thật giản dị nhà Hằng giầu và nhà Tấn nghèo, có thể kêu là quá nghèo. Gia đình Hằng tỏ vẻ khó chịu mỗi lần Tấn đến thăm Hằng, họ đã dùng mọi cách để phá vỡ cuộc tình duyên của hai người. Tấn đành chịu mất Hằng, mặc dù chàng biết chính chàng còn yêu Hằng vô kể, chàng sẽ khổ vô cùng. Và, Hằng thì liều lĩnh hơn, Hằng bằng lòng bỏ đi theo Tấn, bất cứ là tới đâu.
Nhưng Tấn đã từ chối sự liều lĩnh đó của Hằng. Tấn cố quen với một người con gái khác. Hằng giận dỗi xa Tấn.
Phi chỉ biết cuộc tình duyên của Tấn và Hằng đến đấy, nhưng chàng biết chắc rằng hai người còn yêu nhau. Một lần gặp Hằng ở Thủ Đức, Hằng hỏi nhiều về Tấn, Hằng nồng nhiệt kể lại kỷ niệm xưa. Phi chỉ còn biết cúi đầu kính phục.
Tiếng Tấn lại bật lên, có lẽ Tấn cố tránh để khỏi phải nhắc tới kỷ niệm cũ.
- Mày định qua nhảy dù thật đấy à?
Phi ngơ ngác nhìn Tấn vài giây rồi gật đầu:
- Có lẽ thế. Tao xin về đơn vị cũ không được thì thà đi binh chủng khác còn thú hơn. Ở nhảy dù đi đánh trận khoái hơn nhiều.
Rồi Phi mở rộng tờ báo Quân Đội đưa ra cho Tấn:
- Mày thấy không, mấy anh mũ đỏ thắng hoài.
Tấn liếc qua trang báo rồi lắc đầu:
- Bộ mày tính lấy chiến thắng của người khác làm hãnh diện cho cá nhân mình sao?
- Tao không có ý nghĩ đó.
- Mày nên cố xin trở lại đơn vị cũ bằng bất cứ cách nào. Nếu không, mày hãy vui vẻ đón nhận lệnh thuyên chuyển bất cứ là đi đâu. Mày phải tạm quan niệm rằng đi tới đâu mình cũng làm vẻ vang cho đơn vị đó. Đừng bao giờ vì chiến thắng của kẻ khác mà mình nhào tới. Tao biết mày không nghĩ như vậy, nhưng bạn bè mày ở đơn vị cũ sẽ nghĩ như vậy.
Phi cười và nhún vai nhưng trong khi đó, chàng thấy Tấn có lý. Chàng không thể xin qua nhảy dù để đứng vào hàng ngũ chiến thắng, chàng phải ở lại đơn vị này và chính chàng phải tạo nên chiến thắng cho đơn vị, cho đồng đội. Đôi mắt Phi đăm đăm nhìn qua khuôn cửa hẹp, khung trời đầy mây xám. Phi bỗng có cái lạnh của những ngày mùa đông.
Tấn vỗ vai Phi:
- Tao nói vậy, nhưng tùy mày. Cuộc đời nhà binh chúng mình không bao giờ nên ép uổng nhau phải làm điều gì cả. Biết đâu sang nhảy dù mày sẽ chẳng là một anh hùng để tao làm thơ ca tụng mày đời đời và biết đâu ở lại đây mày chẳng làm nên sự nghiệp. Ở đâu thì cũng phải có can đảm, có ý chí nhưng cũng phải có may rủi. Đó là tất cả kinh nghiệm của tao.
Phi nâng ly la de nhìn Tấn:
- Tao cũng thấy như vậy và tao ở lại đơn vị này. Trở về được Tiểu đoàn cũ thì vui hơn, nhưng nếu không trở về được đổi qua Tiểu đoàn khác cũng vậy, tao cóc cần.
- Mày lại sẽ có bạn mới, hay là nếu mày thích, tao xin mày về làm ban chiến tranh tâm lý Tiểu đoàn với tao?
- Thôi! Tao xin mày, cho tao đi đánh trận. Đánh nhau bằng chân tay mãi bây giờ phải đánh nhau bằng mồm chắc tao chịu không nổi.
Tấn cười:
- Đôi lúc nghĩ về mày, tao vẫn thấy chúng mình có những điểm hợp nhau và tao nhớ mày vô kể.
Phi gật gù:
- Tao cũng vậy.
Giữa lúc đó tiếng kèn xe jeep kêu vang, Phi đứng lên bắt tay Tấn:
- Ông già kêu tao rồi đó, nghe tiếng kêu tao cũng biết bố già “sê-nẹc”.
- Mày đi đi, mình sẽ gặp nhau sau.
Phi đội mũ, chạy như biến giữa khoảng sân đất đỏ trơn ướt. Tấn mỉm cười nhìn theo cái bóng dáng khỏe mạnh của Phi, lòng rưng rưng.
Sau một cuộc hành quân kéo dài suốt ba ngày. Trung tá Lạc và Phi trở về Trung đoàn bộ với một niềm hân hoan mãn nguyện. Trung tá Lạc vốn là người thận trọng sau mỗi trận đánh, thế mà lần này ông không giấu nổi nỗi vui mừng, ông thân mật cười với Phi:
- Đánh thế là nhất, không thể hơn được nữa.
Phi cũng sung sướng mỉm cười nói đùa:
- “Cọp Gấm” chỉ huy mà không nhất sao được!
Trung tá Lạc cảm động, tròn xoe mắt nhìn Phi. Ông không ngờ Phi lại biết danh từ “Cọp Gấm” mà cách đây trên mười năm, khi còn chiến đấu ở những đơn vị lưu động ngoài miền Bắc, anh em đã tặng cho ông. Hồi đó Trung tá Lạc còn là Đại úy chỉ huy một đoàn com-măng-đô mũ đen. Đoàn này đã có những chiến công hiển hách như đi sâu vào nội địa địch ban đêm để đột kích một vài cơ sở quan trọng, rồi lại mở rộng chiến trường, tấn công địch giữa ban ngày. Tự trong thâm tâm Trung tá Lạc vẫn còn quyến luyến thời kỳ vàng son oanh liệt đó. Đã lâu người ta quên không gọi ông là “Cọp Gấm”, đến bây giờ Phi đã làm sống lại trong ông những cảm giác của thời kỳ lẫy lừng ngang dọc đó. Ông nắm chặt cánh tay Phi:
- Ai nói với cậu tôi là Cọp Gấm?
- Một người bạn của Trung tá, Thượng sĩ Bách.
Đôi mắt Trung tá Lạc hơi mờ đi, vừng trán ông cau lại để nhớ đến tên Bách, nhưng hình như ông nhớ mãi không ra. Bây giờ trí nhớ ông đã suy giảm đi nhiều. Ông cau có, khẽ hỏi:
- Bách nào nhỉ?
- Thượng sĩ Bách bây giờ ở Tiểu đoàn 10, hồi xưa ông ấy là Tiểu đội trưởng của Trung tá.
Quả thật Trung tá Lạc quên khuấy đi mất người bạn đồng ngũ ngày xưa, có thể gặp mặt chắc ông sẽ nhớ ra ngay. Cuộc đời binh nghiệp của Trung tá Lạc đã qua khá nhiều đơn vị, có quá nhiều bạn đồng ngũ nên gọi tên ông không thể nào nhớ hết, nhưng nếu đã từng chiến đấu vào sanh ra tử với nhau trong một thời gian thì không bao giờ ông quên.
Tuy vậy Trung tá Lạc cũng thấy hổ thẹn ngấm ngầm vì đã trót quên một người bạn trong khi người đó nhớ mình, ông lắc đầu:
- Độ này trí nhớ của tôi hỏng hết rồi. Cậu cho tôi xin một điếu thuốc lá đen.
Phi móc túi áo ngực rút ra một bao thuốc lép kẹp:
- Tôi hết thuốc lá từ chiêu hôm qua, may gặp thằng bạn, tôi “bắt địa” của nó mấy điếu.
Trung tá Lạc rất thích thú giọng nói hồn nhiên và một danh từ trẻ trung mà Phi hay dùng, nhất là nói với ông trong trường hợp này. Ông cảm thấy gần gũi Phi hơn lên và ông mang một chút hãnh diện kín đáo bởi chính ông đã xích lại bên thuộc cấp để họ có thể dễ dàng cảm thông với ông. Ông mỉm cười, vừa rút một điếu thuốc lá mềm nhũn vừa đùa:
- Cậu “bắt địa” của nó, bây giờ tôi “bắt địa” lại của cậu.
Phi biết là bị trêu, chàng hơi ngượng vì đã dùng một danh từ đáng lẽ không được phép và không nên dùng với cấp trên. Mặt Phi hơi đỏ lên, chàng lảng nhìn ra ngoài chân trời vừa hửng nắng.
Trung tá Lạc xếp tấm bản đồ lại để trên lòng, ông trầm ngâm vài phút rồi gật gù:
- Mình đã trả thù trận phục kích bữa nọ. Phá vỡ cơ sở tiếp tế của nó, chắc còn lâu lắm chúng nó mới gây được cơ sở mới, trong khi đó mình cho các lực lượng chính quy và địa phương hành quân phá rối liên miên, chúng sẽ lúng túng to. Thế nào tôi cũng đề nghị một cuộc hành quân quy mô hơn, làm tê liệt hết lực lượng địch trong vùng này.
Bây giờ Phi mơi có dịp thấy rõ kết quả lớn rộng của cuộc hành quân vừa qua. Bởi vì theo chàng, suốt ba ngày hành quân cấp tốc và liên miên chỉ đụng có hai trận nhỏ mà cả hai trận đụng độ đều chỉ tầm thường như tất cả những trận chiến nhỏ khác. Địch phục kích chừng một hai Trung đội rồi vội vàng rút lui ngay để lại chừng dă, ba khẩu súng, vài trái mìn, một số chòi lá trống rỗng. Bên mình thiệt hại rất ít, cùng lắm là hai ba người bị thương. Theo ý Phi, một cuộc chiến đấu như thế không thể gọi được là một cuộc chiến thắng. Nhưng Phi thấy Trung tá Lạc luôn luôn tỏ vẻ hoan hỉ nên Phi cũng... hoan hỉ theo, chứ sự thật trong thâm tâm Phi chưa khoái lắm. Phi mong một trận đánh lớn hơn, một cuộc đụng độ ác liệt, trên chiến trường ít lắm cũng phải để lại gần trăm xác địch. Vài khẩu đại liên, năm bảy khẩu súng không giật... Nếu cần, Phi thích một cuốc “a la xô” hăng say, gay cấn như trên màn ảnh.
Nhưng lúc này, Phi có dịp thấy rõ, một cuộc chiến thắng như vậy chưa chắc đã quan trọng bằng một cuộc chiến thắng như lần này của Trung đoàn chàng. Phi liếc nhìn Trung tá Lạc, ông đang ngoẹo đầu sang một bên thành ghế ngủ một cách ngon lành.. Trông ông ngủ thật đáng thương. Mái tóc hoa râm, khuôn mặt xạm đen, đôi chân mày rậm. Ông lại có cái dáng hồn nhiên của một trẻ nỏ ngủ say sau khi bú bầu sữa mẹ.
Phi cũng đứng dậy, vươn vai, ngáp dài, cơn buồn ngủ kéo đến, đè ập lên mí mắt. Phi thoáng nghĩ đến Liên, giờ này, có lẽ Liên đã dậy để sửa soạn đi phố, này hay đi phố vào những buổi chiều sắp hết như chiều nay. Nàng sẽ đi một mình trên những con đường quen thuộc, trên những con đường mà chàng đã đưa nàng đi. Nhất định Liên sẽ không đi với ai, kể cả bạn gái. Liên hầu như không có bạn, bởi bạn nàng không thể hiểu nàng, bởi bạn nàng không thể có một cuộc sống nội tâm như nàng. Số bạn bè thân thuộc của nàng chẳng qua chỉ là số bạn phải có, số bạn để mà sống một vài giờ tìm chút ít quên lãng, chút ít tâm sự mua vui. Phi biết rõ là chỉ có mình chàng hiểu nàng thôi. Nàng sẽ đi một mình chiều nay và khi thành phố bắt đầu lên đèn, nàng cũng sẽ trở về một mình, nàng sẽ nhớ chàng và nàng sẽ nói thầm “em nhớ anh, em yêu anh!”.
Chỉ cần tưởng tượng như vậy, lòng Phi cũng đã ấm lại, chàng muốn tìm giấc ngủ trong cái hình ảnh thắm thiết đó. Chàng ngả lưng trên chiếc bàn dài. Chàng lại hình dung ra trong ao ước đêm nay chàng sẽ trở về tìm Liên vào một giờ khuya khuất nhất. Liên sẽ không ngờ và hai người sẽ ôm chầm lấy nhau đưa nhau ra khỏi vùng bóng tối.
Những nụ hôn và những cánh tay!... Phi thấy lòng mình nhói lên, rung động không khác gì khi ở bên người yêu. Đôi mắt chàng ngơ ngác mở rộng nhìn thẳng lên mái tôn bụi đỏ bám đầy. Giấc ngủ không đến. Phi rút điếu thuốc lá cuối cùng, khói thuốc đậm đặc đi vào tâm linh với nỗi nhớ nhung, mỏi mệt nữa vời. Một phần thân thể Phi như đã bay mất. Một cảm giác nhẹ lâng lâng thoáng hiện rồi thoáng biến. Phi nhắm mắt, dụ đầu vào cánh tay mình mà tưởng như mùi tóc Liên phảng phất.
Có tiếng giầy nhẹ nhẹ đi vào phòng, Phi hé mắt nhìn và choàng dậy khi nhận ra người vừa đi vào là Minh.
Minh mỉm cười đầy thân thiện:
- Đi mấy ngày, chắc là mệt lắm?
- Dạ, cũng thường thôi, có điều hơi đói.
- Trung tá và cậu nhớ cơm câu lạc bộ phải không?
- Dạ vừa chờ cơm vừa chờ các đơn vị trở về căn cứ, báo cáo đầy đủ rồi ông mới chịu về nhà.
Minh ngồi ghé lên mặt bàn:
- Như vậy thì cầu đến đêm chưa chắc đã xong. Cậu lại mất một dịp gặp em đêm nay rồi.
Phi cười, lắc đầu:
- Không hôm nay thì hôm khác, lo gì.
- Tôi sợ cậu không có thì giờ nữa.
Phi linh cảm rằng có một chuyện gì vừa xảy ra chăng, nhìn Minh bằng đôi mắt nghi ngờ, dò xét:
- Tại sao vậy?
Minh vẫn mỉm cười thân thiện, thích thú:
- Tôi đã giúp được cậu trở về đơn vị chiến đấu. Trung tá kỹ trước khi đi hành quân, cậu đi vội quá nên tôi không kịp báo.
Phi sung sướng như muốn reo lên:
- Thật sao? Cảm ơn Đại úy nhiều...
- Nhưng có điêu tôi rất tiếc không thể đề nghị cho cậu trở về đơn vị cũ được. Tiểu đoàn 10 đã được bổ sung đầy đủ.
Lòng Phi dại đi, chàng quắc mắt nhìn Minh song chỉ vài giây sau chàng cúi xuống, chàng không muốn nhìn thấy bộ mặt đó nữa, một bộ mặt không thể là bạn chàng. Tiếng chàng nhỏ lại:
- Tôi đi đâu?
- Cậu trở về Tiểu đoàn 12.
Phi điếng người, chàng dư biết Tiểu đoàn 12 ở đâu và làm những nhiệm vụ gì? Trong cuộc hành quân vừa qua, Phi đã có dịp đáp máy bay trực thăng xuống một Trung đội của Tiểu đoàn này đóng trên một ngọn đồi nằm sát trục giao thông, nhưng xung quanh toàn là rừng rậm, Phi đã có dịp tìm hiểu về những cực khổ, khó khăn của những người lính ở đây. Phi đã nghĩ rằng cho chàng ở đó, chắc là chàng “chịu” không nổi. Mỗi tuần chỉ có một chuyến xe thư, muốn về thành phố phải qua một đoạn đường vô cùng nguy hiểm và trên nửa ngày đường.
Tuy nhiên, sự đau đớn và chán chường của Phi không hẳn là vì những khổ cực đó, chàng mang cái cảm nghĩ là bị phản bội, bị trả thù. Hơn thế nữa chàng thấy rõ là mình không thể trở lại đơn vị cũ được nữa. Nỗi buồn tỏa rộng, chụp kín lấy tâm hồn Phi, chàng thấy mất mát và thiếu thốn một cái gì... chính chàng cũng không hiểu.
Bàn tay Minh vỗ mạnh lên vai Phi:
- Cậu được toại nguyện rồi nhé? Có thắc mắc gì không?
Phi muốn vung tay đấm mạnh vào giữa mặt Minh một cái như hồi xưa chàng đã đấm một tên “sẹt đăng” tây nạt nộ chàng. Nhưng... cuộc đời quân ngũ đã dạy chàng cách chịu đựng, cách sống phục tòng và cách làm nhiệm vụ. Khi chỉ có mười đầu ngón tay lại rồi đứng im. Những ngạc nhiên đau đớn quá độ đã khiến chàng tê lịm, chàng tỉnh táo rất nhanh, một sự tỉnh táo cần thiết trong trường hợp này, chàng cười lắc đầu:
- Không có thắc mắc gì cả, cảm ơn Đại úy.
Minh cũng cười ha hả:
- Đời chiến binh phải như vậy.
- Bài học đó phải biết ngay từ ngày thứ nhất trên bãi tập, tôi còn nhớ.
- Cậu qua bên phòng tôi đưa lệnh thuyên chuyển cho cậu.
Phi thản nhiên đi theo Minh:
- Bao giờ tôi đi?
- Giấy tờ hôm nay, nhưng sáng mai cậu đi cũng chẳng sao. Chín giờ sáng mai có chuyến cong-voa đi Tiểu đoàn 12, cậu nên đi chuyến đó.
- Có thể trễ hơn được không?
- Cái đó tùy cậu, tôi không có trách nhiệm gì trong chuyện đó cả. Tôi báo cho cậu ngày đi, phương tiện di chuyển là đủ rồi. Tuy nhiên, tôi cũng mong cậu lưu ý là mỗi tuần chỉ có một chuyến công-voa thôi. Đi như vậy bảo đảm hơn là đi xe đò.
Nói rồi Minh lật một xấp giấy bìa xanh, rút một tờ giấy ronéo khổ 21x27 đưa cho Phi:
- Chúc cậu thành công để trở thành một anh hùng xuất chúng trong quân đội.
Phi cầm tờ giấy di chuyển, gấp tư lại nhét vào túi áo:
- Kể ra làm anh hùng cũng thú nhưng chưa chắc đã thú bằng những thằng khôn.
Phi ngừng lại cho Minh có thì giờ hiểu thấm thía câu nói đó rồi chàng lừng khừng lắc đầu:
- Tuy vậy tôi cóc thích những thằng “làm anh hùng”, tôi thích những thằng bạn tầm thường nhưng tốt và biết chiến đấu.
Minh hiểu là mình bị chửi xỏ, chàng hất hàm:
- Biết chiến đấu nghĩa là thế nào?
Phi móc túi tìm thuốc lá, song bao thuốc đã hết, chàng ngước mắt nhìn ra khung cửa:
- Xin lỗi, tôi định nói là dám chiến đấu đúng hơn. Đời quân nhân mà không dám chiến đấu thì làm gì! Chiến đấu cũng không phải để làm anh hùng.
- Vậy để làm gì?
- Tôi tưởng Đại úy biết rõ điều đó.
Tiếng cười của Minh thật ngắn và lạnh:
- Tôi hiểu theo ý tôi nên tôi ở lại đây.
Phi nhún vai:
- Nếu cứ phải nghĩ đến sự hiểu biết đó của Đại úy, không hiểu còn những ai chiếu đấu nữa
- Anh tưởng tôi hèn à?
- Đại úy không hèn, chắc Đại úy khôn hơn tôi và những người bạn đồng đội của tôi, chắc Đại úy vẫn nghĩ như thế?
- Anh lầm, tôi cũng biết như anh, nhưng... không còn cách nào khác nữa. Anh khinh tôi, anh có lý, còn tôi, tôi có lý do riêng của tôi. Bây giờ không thể nói với anh những điều tôi nghĩ, sau này nếu mình có dịp gặp nhau, mình sẽ hiểu nhau hơn.
Đôi mắt Phi đăm đăm nhìn Minh, chàng không tin là Minh có một lý do nào khác ngoài sự yếu đuối, lý do mà Minh viện ra chỉ là một cái cớ. Phi thọc tay vào túi quần, chàng gật gù:
- Hy vọng sau này có dịp gặp lại Đại úy.
Minh tủm tỉm cười, xòe tay bắt tay Phi:
- Cơm dọn lên rồi đấy, cậu sang ăn đi kẻo “ông ấy” đợi. Chúc cậu đi mạnh giỏi.
Phi nắm bàn tay Minh:
- Cảm ơn Đại úy.
Rồi chàng trở lại phòng Trung tá Lạc. Mâm cơm đã được dọn sẵn trên bàn. Đã ba hôm nay Phi mới lại được ngửi thấy mùi cơm bốc khói, đĩa thịt gà luộc đầy và béo ngậy trông thật hấp dẫn.
Trung tá Lạc buông máy điện thoại, vươn vai tươi cười tiến ra salon:
- Công việc xong rồi, đáng lẽ mình nên về Saigon ăn uống cho khỏe.
Phi chỉ cười, và Trung tá Lạc nói vậy song vẫn ngồi vào bàn ăn. Trung tá Lạc vừa rung đùi, vừa phơi trải nỗi hân hoan của ông qua những mẫu chuyện trẻ trung, ông hỏi Phi:
- Bao giờ định cưới vợ?
Phi nâng bát:
- Tôi chưa định gì cả, nhưng trước sau gì rồi cũng phải lấy vợ.
- Nghe nói cậu chơi bời lãng mạng lắm phải không? Hôm nào tôi phải theo cậu đi một hôm mới được. Hay là hôm nay về Saigon mình tổ chức một cuộc đi chơi chung?
- Nếu Trung tá cho phép.
- Như vậy là cậu nhận lời?
- Dạ.
Trung tá Lạc cười khanh khách:
- Cậu muốn đi với gia đình tôi, hay là mình đi chơi riêng với nhau?
Phi nghĩ đến Liên và sự ghen tuông của nàng với Loan và Phượng, Phi nói ngay:
- Có lẽ đi riêng tiện cho Trung tá hơn. Đi với gia đình sợ Trung tá không được tự nhiên, mất vui đi.
- Cậu yên tâm, mấy đứa con tôi hiểu tôi lắm. Nhưng đi chơi riêng với cậu có lẽ thú hơn thật. Lâu rồi, toàn đi với mấy anh bạn già, chán quá. Cậu có hứa giúp cho tôi một bữa thật vui không?
- Tôi không dám hứa. Vui hay không là còn tùy Trung tá một phần. Tuy nhiên tôi cố.
- Đừng cố! Đi chơi với nhau mà phải cố chiều nhau thì còn vui nỗi gì! Cậu hãy đi chơi với tôi như thường đi với tất cả những người bạn khác. Tôi không thích gì kêu là gắng gượng.
Bữa cơm kéo dài chừng... mười phút, Trung tá Lạc dặn người sĩ quan trực đơn vị một vài công việc cần thiết rồi ra xe. Ông có vẻ thấm mệt, ngả dài người trên nệm, nhưng nét mặt luôn luôn tươi vui.
Phi trù trừ mãi, không biết có nên nói với Trung tá Lạc về lệnh thuyên chuyển của mình không. Chàng thấy ngượng nếu Trung tá Lạc nghĩ rằng chàng nói như vậy để xin xỏ một ân huệ. Có thể, tự Trung tá Lạc sẽ hủy bỏ lệnh thuyên chuyển chàng về Tiểu đoàn 12, chàng sẽ được trở về đơn vị cũ.
Bây giờ, việc trở về đơn vị cũ với Phi, bỗng dưng không còn cần thiết nữa. Tiểu đoàn 12 cực khổ hơn đơn vị của Phi nhiều, Phi không thể trốn tránh sự cục khổ đó, trong khi có những người bạn chàng đã và đang chịu cực khổ. Không phải là Phi không biết tìm đến chỗ sung sướng, nhưng nếu chỉ có thế thì Phi đã không ở lại quân đội và không xin ra đơn vị chiến đấu. Số người như Phi quả là hiếm có, nhưng cùng tâm trạng Phi thì nhiều. Phi không muốn làm mất cái ý nghĩa của việc mình xin ra đơn vị chiến đấu.
Vả lại, bỗng dưng Phi thấy cần thiết có một sự đổi thay, một sự thử thách lớn, chàng tin rằng ở những nơi khổ cực đó, người ta thương yêu nhau hơn, gần gụi nhau hơn.
Phi phải đi tìm những cảm giác đó.
Suốt con đừơng dài Phi phải cố gắng lắm mới giữ được yên lặng không nói với Trung tá Lạc về việc thuyên chuyển của mình, Trung tá Lạc ngồi lim dim ngủ gật trên nệm xe.
Về tới nhà, Trung tá Lạc vừa bước xuống đã thấy Phượng và Loan ngồi trước cửa. Cả hai người con gái cùng đứng dậy một lần, và cùng cất tiếng reo vui hồn nhiên. Họ có cái sung sướng của những đứa trẻ thơ ngồi trước ngưỡng cửa mong mẹ về chợ. Bỗng nhiên Phi cũng thấy cảm động chàng ngồi lặng với nụ cười nửa miệng.
Tiếng Phượng cất lên thật vui:
- Anh Phi có đi với ba tôi không?
Phi gật đầu, Trung tá Lạc và Loan cùng quay lại nhìn Phi. Trung tá Lạc vẫy tay:
- Vô đây uống một ly cà phê đi Phi.
Phi rời “vô lăng” chàng bắt gặp đôi mắt Loan nhìn mình như một lời chào hỏi, như một cử chỉ ân cần mời đón.
Loan cười nhẹ:
- Anh Phi đen và khỏe ra nhiều đấy.
Phượng cũng cười:
- Tại đen nên khỏe. “Típ” người của anh Phi phải đen đủi một chút coi mới hùng.
- Thật à? Vậy từ ngày mai, tôi sẽ dầm mưa dãi nắng thật nhiều cho “đen đủi” như Phượng nói nhé?
Cả ba người cùng cười, và vào trong nhà. Loan nhí nhảnh tiến sẽ phía tủ buffet:
- Để Loan đi pha cà phê cho.
Phượng nói với Phi:
- Chị Loan pha cà phê thì nhất, ba tôi chỉ chịu cà phê của chị Loan pha, ba tôi nói là chị ấy pha giống má tôi ngày xưa như hệt, uống có mùi... mái tóc.
Phi ngồi trên chiếc ghế nylon đan, chàng cười, nhưng sự thật chàng muốn cúi đầu tôn kính kỷ niệm cùng những nhớ thương đó của Trung tá Lạc. Chàng hiểu tình yêu giữa đôi vợ chồng già, mặc dù xa cách nghìn năm cũng vẫn còn thắm thiết. Chàng nhìn Trung tá Lạc trong khi ông bỏ dây đeo súng lục, đặt trên chiếc bàn con và ông đã nhìn lên tấm hình vợ treo trên một góc tường. Phi ngậm ngùi, nửa thương xót, nửa yêu mến người sĩ quan trên đầu mang hai thứ tóc với những suy nghĩ lo lắng của quân ngũ, và nỗi buồn sâu kín cô độc riêng tư mà ít ai hiểu nổi.
Tiếng Phượng cắt ngang ý nghĩ của Phi:
- Lúc nãy Đại tá Hoan có gọi dây nói cho ba.
Trung tá Lạc cởi chiếc áo trận:
- Lúc nào?
- Thưa, cách đây mươi lăm, hai mươi phút.
- Ông ta nói là chút nữa ba về thì gọi điện thoại ngay cho ông ta ở nhà riêng hoặc ở Sư đoàn.
Trung tá Lạc cười với Phi:
- Có lẽ Đại tá Tư lệnh Sư đoàn muốn chia vui với bọn mình về tin chiến thắng.
Phi cảm thấy hãnh diện:
- Tôi cũng hy vọng thế.
Trung tá vừa tiến ra bàn điện thoại kê bên tủ buffet vừa nói:
- Trước khi về đây tôi có gọi điện thoại cho Đại tá, song ông ấy đi họp ở Bộ Tư lệnh chưa về. Tôi chắc ông ta vui vì kế hoạch hành quân tôi đã bàn với ông ta thật tỉ mỉ, và được ông ta giúp đỡ ý kiến nhiều.
Sau đó Trung tá Lạc cúi xuống máy điện thoại. Phượng và Loan cùng nhìn Phi những đôi mắt sáng rực. Loan bưng phin cà phê lại đặt trước bàn Phi:
- Sao? Các anh đại thắng à?
Phi khẽ gật:
- Ừ, đại thắng!
Bàn tay Phượng xòe ra nắm chắt lấy bàn tay “đen đủi” của Phi:
- Hay lắm! Tôi vẫn có linh cảm là ba tôi và các anh đại thắng trận này. Ba tôi có vẻ tính toán, cân nhắc cẩn thận, “nuôi chí phục thù” từ mấy bữa nay. Có đêm ông bô ngồi trước tấm bản đồ, con bé đi chơi về ông già cũng không thiết hỏi han lôi thôi, không thèm gây sự, là đủ biết ông già bận tâm khổ trí đến như thế nào. Lắm lúc thấy ông lầm lầm lì lì, tội ghê, mình không muốn đi chơi nữa cho ống ấy khỏi lo nghĩ cho mình.
Loan cười, nàng biết là Phượng nói thật. Nàng yêu thương Phượng hơn, bởi ý nghĩ của nàng và Phượng giống hệt như nhau. Nhưng Loan lại nói một câu khác, một câu đầy vẻ hối hận trong một giọng nói ấm cúng, vui đùa:
- Tuy nó nghĩ như vậy, biết như vậy mà khi nó khoái, nó vẫn đi như thường. Nó chỉ chịu nghĩ mà ít chịu làm theo ý nghĩ.
Phượng hồn nhiên thú nhận:
- Tại... không làm được chứ không phải không chịu làm. Hai đứa này giận nhau hoài vì vậy đó anh Phi. Anh thấy khôi hài không. Thường thường là Phượng đã đi, thì thế nào chị Loan cũng bị “quyến rũ” đi theo, nhưng mỗi lần như thế chị Loan hành hạ Phượng ghê lắm. Chị ấy cứ thắc mắc mà đòi về hoài. Mà Phượng có tính kỳ lạ lắm, đã đi là đi luôn một lèo, không cần thắc mắc gì hết, muốn hối hận, hay muốn... khóc nữa về nhà hãy hay.
Loan lắc đầu cười khanh khách:
- Con nhỏ này bướng ghê anh a.
Bây giờ Phi mới xen vào:
- Tôi cũng thường có cái ân hận như vậy, mỗi lần về đến nhà là năm phút sau xách xe đi, tuy biết bà cụ tôi buồn lắm, cả nhà đều mong tôi về, tôi cũng hối hận, cũng bị ray rứt, nhưng tôi vẫn đi luôn, có bao giờ chịu quay về quá sớm đâu. Bọn trẻ chúng mình thường là như vậy, không có gì vượt nỗi đam mê. Sau cùng tôi cho rằng chỉ cần nghĩ đến là đủ.