Chương 8

    
hượng bỏ lửng câu nói ở đấy, Liên lại cho rằng “con nhỏ” này có ý mỉa mai mình nên nàng quay phắt lại nhìn thẳng vào mắt Phượng, cái nhìn vừa có vẻ ngang bướng thách đố vừa có vẻ dò xét. Nhưng khi nhận thấy Phượng không có ác ý gì trong câu nói đó nên Liên chỉ nhếch môi cười. Nàng nói với Minh:
- Thôi, để em về một mình cũng được. Anh ở lại chơi với anh Phi một lát đi.
Minh thừa biết là Liên đã nổi “sùng” vì sự có mặt của Loan và Phượng ở đây nên Minh làm bộ săn đón:
- Anh đưa em về kẻo ra kia đựng xe thì mệt quá.
Liên cương quyết từ chối:
- Không sao đâu, em về bằng taxi được rồi, em ghé nhà mấy con bạn có việc một chút.
Minh vẫn lẳng nhẳng theo Liên:
- Đừng có nóng, để anh đưa em về, lại ghen tuông vớ vẩn gì rồi phải không?
- Chẳng có chuyện gì cả, anh để em về một mình.
- Sao vậy?
Liên nổi khùng:
- Sao trên trời, em đã nói là em thích về một mình. Có anh đi không tiện.
- Chừng nào rảnh anh đến chơi nhé?
- Dạ, bao giờ anh đến cũng được.
Nói rồi Liên đi thật nhanh. Minh ngượng ngập trở lại. Loan và Phượng vẫn còn đứng trên hàng hiên nhìn theo với những nụ cười thích thú.
Minh nói ngay:
- Người đẹp ghen rồi.
Phượng tròn mắt:
- Ghen vì sao?
Loan chín chắn hơn, nàng gạt phăng ngay câu hỏi của Phượng:
- Biết đâu chuyện của người ta mà hỏi.
Rồi Loan quay ngay vào buồng Phi, Phượng lững thững theo sau. Minh hóm hỉnh cười một mình.
Người Trung sĩ thuộc binh chủng nhảy dù thao thao kể về trận đánh ngoài miền Trung đã làm hắn bị thương. Hắn có giọng nói hùng hồn, khuôn mặt hơi cục mịch chất phác, cánh tay đen sạm gân guốc và đôi môi đỏ mọng. Hắn cười ông ổng, thỉnh thoảng pha một câu chửi thề, một tiếng nói tục. Nhưng tất cả chỉ làm người nghe chuyện có cảm tình với hắn hơn. Hắn nói hơn một giờ đồng hồ rồi, năm người khác ngồi nghe cứ tròn mắt và há hốc mồm ra theo rõi từng chi tiết mà không biết nản.
Người Trung sĩ nhảy dù đó ở cách Phi một phòng. Phi chú ý đến hắn ngay từ buổi chiều chủ nhật có Liên vào thăm rồi gặp Loan và Phượng. Khi Loan và Phượng ra về, người Trung sĩ nhảy dù lần sang phòng Phi, đứng chống tay lên thành cửa, hắn cười hì hì một cách thân thiện, nói một giọng lửng lơ làm quen:
- Nhiều người đẹp đến thăm quá ha?
Phi chỉ cười mời anh ta vào chơi, biếu một bao thuốc lá và hai trái cam. Hắn gật gù bóc thuốc lá hút và gọt cam ăn ngay tại chỗ.
Buổi tối Phi không thấy bóng dáng anh ta đâu cả. Sáng sớm hôm sau, trước giờ khám bệnh, đã lại thấy tiếng anh ta oang oang. Cô y tá chăm sóc mấy căn phòng gần đó nói với Phi:
- Ông Trung sĩ Tinh là vua nhảy rào.
Phi hiểu ngay tại sao mỗi tối thường vắng tiếng Trung sĩ Tinh. Danh từ “nhảy rào” ở đây có nghĩa là trốn khỏi bệnh viện đi chơi, không cần nghĩ ngợi suy tính lôi thôi. Phi có ngay một ý định là khi nào có thể được, chàng sẽ... theo chân Tinh “dọt” ra ngoài ăn chơi một bữa cho đã đời.
Hai ngay liền, Phi đợi hoài mà không thấy bóng dáng Liên đâu, kể cả Điền cũng “mất tích” nốt. Trong khi đó thì Loan và Phượng hành ngày vẫn vào thăm Phi.
Đến ngày thứ ba, bả vai Phi đã bớt đau nhiều, chàng có cảm tưởng là vết thương sắp lành hẳn, và như vậy tối ngay hay tối mai, Phi “có quyền” nhảy rào. Phi vui vẻ suốt ngày với cái ý nghĩ đó. Buổi chiều, Phi đã hỏi Loan:
- Cô Loan thấy anh có xanh lắm không?
Loan cười vui vẻ:
- Anh khỏe nhiều rồi, lại sắp có thể ra trận được.
Phi mỉm cười bí mật:
- Chưa biết chừng tối nay hay tối may anh “ra trận” cũng nên. Nằm đây chán quá và nhớ “trận mạc” kinh khủng.
Loan tròn mắt, không hiểu Phi nói thật hay nói chơi. Phi giảng nghĩa ngay:
- Ra trận có nghĩa là duyệt binh trên thành phố Saigon, kiểm soát lại xem Saigon có gì lạ?
Nói rồi Phi cười khanh khách. Loan cũng cười, nhưng tự trong thâm tâm, Loan cảm thấy buồn ray rứt. Phượng thản nhiên như không, nàng còn khuyến khích:
- Nên lắm, ở trong này buồn thật đấy.
Phi vô tình nháy mắt cho Phượng. Sau đó Phi nhớ ra rằng chàng không có bộ quần áo nào ngoài một bộ đồ trận đã rách tung. Chàng nói với hai chị em Loan:
- Anh nhờ Loan và Phượng ghé nhà lấy giúp hộ anh bộ quần áo “xi vin”.
- Nhà anh vẫn chưa biết anh nằm đây sao?
- Chưa. Nếu bà cụ có hỏi, cứ nói là anh vận đồ trận không vào trong thành phố được sợ quân cảnh hốt lên xe.
Phượng cười tinh quái:
- Có cần dặn ở nhà sửa soạn xe Simca cho công tử về đi dạo nữa không.
- Cần chứ sao không.
- Em sẽ giúp.
Từ nãy giờ Loan vẫn đứng im, không tỏ thái độ hưởng ứng hay phản đối. Mãi một lúc sau nàng mới lên tiếng:
- Anh nên chữa cho khỏi đã rồi hãy đi chơi.
Phi nhìn Loan, nét mặt Loan buồn buồn, Phi không hiểu tại sao, chàng chân thật lắc đầu:
- Anh cũng không muốn thế nhưng... nhớ thành phố quá rồi chịu không nổi. Thà là ở xa Saigon hẳn đi thì không có gì đáng ân hận cả, đằng này nằm ngay ở Saigon, sau một trận chiến thắng mà không được đi chơi thì... vô lý quá.
Loan cười nhẹ, tiếng thở dài của Loan lẫn trong tiếng nói dịu dàng gần như một khuất phục.
- Dù sao thì anh cũng nên gắng tĩnh dưỡng cho khỏi đã rồi hãy hay.
Phi không biết phải trả lời thế nào trước nhiệt tình đó của Loan, chàng ngồi im, cau mặt, hút một hơi thuốc lá dài, Phượng cứu Phi thoát khỏi cái tình trạng lúng túng đó, nàng kéo tay áo Loan:
- Thôi mà, để anh ấy đi, nằm ở đây buồn quá chịu sao nổi!
Loan cũng đứng im và nàng bỗng chợt cảm thấy le lói một chút thích thú. Má nàng đỏ lên, nàng vừa nghĩ rằng ít nhất thì nàng cũng có một chút quyền hành đối với Phi. Nàng mỉm cười, nụ cười bâng quơ gượng gạo và Phi cũng cười.
Ngay sau khi Loan và Phượng ra về, Phi chạy sang kiếm Trung sĩ Tinh, gặp đúng lúc Tinh đang ba hoa kể chuyện về cuộc đời chiến đấu của hắn, Phi nghe câu chuyện này lần thứ hai. Chàng xách ghế ngồi xát cửa sổ hút thuốc lá vặt chờ cho Tinh kể song. Chàng biết rằng Tinh giở trò kể chuyện như vậy tức là Tinh sắp tính đến chuyện nhảy rào. Tinh ba hoa để mọi người biết là mình có mặt, nhưng tới giờ ăn cơm chiều rồi là Tinh chuồn thật lẹ. Tất cả anh em ở dẫy bệnh viện này không ai hiểu Tinh chuồn bằng đường nào.
Nửa giờ sau - nghĩa là gần hai tiếng đồng hồ - câu chuyện của Tinh mới chấm dứt. Lại còn phải đợi cho các vị “chầu rìa” nghe chuyện về hết rồi Phi mới lân la đến gần Tinh, chàng đi thẳng vào vấn đề:
- Đi đâu bây giờ đấy ông nội?
Tinh quắc mắc lên nhìn Phi:
- Đi cóc đâu, đi ăn cơm.
Nói rồi Tinh định bỏ đi nhưng Phi đã giữ tay Tinh lại:
- Anh em với nhau, giấu làm gì.
- Giấu cái mốc khô gì.
- Cậu nhảy rào phải không? Cho...
Tinh cắt ngang và gây gổ ngay:
- Nhảy rào đi đâu. Ấm ớ vừa chứ. Chuyện thằng nào làm thằng ấy chịu, tao đếch cần thằng nào khuyên tao cả. Tao sống để đi đánh giặc, bị thường thì vào bệnh viện quân đội, chừng nào xét rằng mình khỏe rồi thì kiếm cách leo tường ra đi chơi, đi chơi chán rồi nhà thương đuổi về đơn vị lại xách súng đi uýnh giặc. Mẹ kiếp! Bộ chúng mày là thánh con cả đấy à?
- Ý kiến ấy hay lắm!
- Kệ cha tôi. Thôi ông bạn bước đi cho khuất mắt, chẳng lẽ ông bắt tôi phải đập lộn với một... thằng què sao?
Mặt Phi đỏ gay lên phần thì bị chửi oan, phần thì vì tiếng “thằng què” thật tàn nhẫn mà Tinh vừa dùng để chỉ chàng. Phi đứng lặng trong khi Tinh trút vội bộ pi-da-ma xanh của nhà thương để khoác lên người bộ đồ trận rằn ri. Tinh đi thẳng ra cửa. Phi cũng ra theo với một dáng điệu thật buồn nản. Không hiểu nghĩ ngợi thế nào trong khi khép cửa Tinh nhìn Phi đăm đăm, giọng Tinh trầm xuống:
- Mày muốn cái gì?
Phi biết là Tinh đã dịu cơn bốc đồng bất tử, chàng cười ngay được:
- Muốn theo mày.
Tinh tròn mắt:
- Muốn theo tao nhảy rào à?
- Ừ.
- Thằng này liều thật. Mới nằm có mấy ngày mà đã không chịu nổi rồi à?
- Tao đi đóng đồn cả mấy tháng rồi. Đồn tao bị đánh, tao bị thương...
Chỉ cần một câu ngắn ngủi ấy, Tinh thông cảm với Phi một cách dễ dàng. Tinh bộp chộp vỗ mạnh lên vai Phi khiến Phi đau đớn la làng lên ùm sùm. Tinh kéo vội Phi vào buồng mình đóng cửa lại:
- Xin lỗi! Có sao không? Bố khỉ, mày lại làm chậm giờ của tao rồi.
Mặt Phi méo xệch đi nhưng chàng vẫn lắc đầu:
- Không sao...
Tinh cười tủm:
- Ừ, thằng này gan lắm, đi lính được đấy. Không sao, nhưng hơi đau khổ một tí thôi phải không?
Phi cũng cố tạo một nụ cười:
- Đau quá ấy chứ lỵ. Tao nói “không sao” có nghĩa là dù đau vẫn có thể theo mày leo tường được như thường.
Tinh lắc đầu, xoay xoay chiếc mũ đỏ trên tay:
- Tường bệnh viện cao lắm, tao leo còn không nổi nữa là mày. Tao ra bằng cổng chính.
- Ra bằng cổng chính? Nói dóc!
- Tao nói dóc cho giặc bắn vào giữa rốn tao đi. Mày có muốn theo tao hay không, có thế thôi?
- Muốn chứ sao lại không?
- Bao giờ?
- Mai.
Tinh gật gù:
- Được rồi, ngày mai nhé, tao ưỡn ngực ra bằng cổng chính cho mày coi. Bây giờ tao đi, mày về nhà nhờ cô y tá mặt như cái “phuy” sang băng lại vết thương đi, tao mới đùa khẽ một tí mà đã ra máu rồi đây.
Nói rồi Tinh lại lôi Phi ra khỏi cửa phòng mình. Tinh nắm chặt bàn tay Phi:
- Yên trí lớn, ngày mai cứ đi với tao, ra bằng cổng chính, có lính gác đàng hoàng.
Bóng Tinh vụt ra khỏi hàng lang, tiếng giày lạo sạo trên lối đi của dẫy nhà kế tiếp. Nhìn dáng Tinh đi, Phi thấy Tinh rất đàng hoàng không có vẻ gì là cần phải trốn tránh cả. Phi không hiểu Tinh sẽ lo liệu việc nhảy rào ra khỏi trại bằng cách nào. Chàng mỉm cười một mình nhìn lên khung cửa vừa hết nắng.
Buổi chiều hôm sau, mới bốn giờ Tinh đã sang phòng Phi. Tinh hất hàm:
- Vết thương đỡ nhiều chưa?
- Rồi! Có thể theo mày được.
- Nhất định à?
- Ừ.
Tinh cười ha hả:
- Mày vận quần áo gì?
- Chút nữa hai cô em mang đồ xi vin vào đây, được không?
- Như vậy càng tiện, có ai hỏi, mày cứ nói là lao công ở đây. Tao đi xoay cho mày cái thẻ lao công đeo tòn teng trược ngực là xong.
- Còn mày?
Tinh bĩu môi, ưởn ngực:
- Yên trí, tao đi phây phây. Mày nên nhớ một nguyên tắc ở đời là mình đàng hoàng thì không đứa nào dám đụng tới mình cả. Thằng nào trốn ra trại mà mắt trước mắt sau, chưa bị hỏi đã rung thì vỡ mật. Phải hiên ngang mới được. Mày mà run là vỡ đồ cổ đấy.
- Tao cũng không đến nỗi nào đâu.
Tiếng Tinh cười oang oang:
- Cùng lắm là ăn mấy ngày trọng cấm hoặc họ xét ra có thể đuổi mình về đơn vị thì cũng đến huề cả làng, lại xách súng đi uýnh giặc chứ mắc mớ gì! Mày cứ nghĩ thế là hết run.
Phi gật gù đầy tin tưởng, để cho Tinh tin tưởng vào mình. Nhưng sự thật từ trong thâm tâm Phi cũng cảm thấy một chút băn khoăn. Chàng quay mặt đi để che giấu, chàng nói cứng:
- Sợ bắn tao đi tao còn chưa chịu run nữa ạ.
- Khá lắm, nhìn cái tướng mày, tao biết là mày dư sức đi cổng chính. Thằng khác thì tao khuyên nó kiếm cái lỗ nào chui, nếu không được thì tao phá giúp.
Phi cười hề hề, chàng nói khẽ:
- Nếu đêm họ đi kiểm soát thì sao?
- Thì lãnh đủ. Hoặc cùng lắm đi một câu năn nỉ với sĩ quan trực là hết đất. Tuy nhiên trước khi đi mày cũng nên xếp đồ lên giường, đắp chăn lại cho nó cẩn thận, coi như mình đang ngủ. Có điều cần thiết là phải nghiên cứu cách xếp đồ, cách đắp chăn làm sao cho nó giống cái kiểu ngủ bình thường của mình, xếp đồ cong cong như cái dáng con tôm, đừng có xếp thẳng đuỗn như thằng chết, mấy ông kiểm xoát tưởng mình “đi dứt” luôn một lèo thì phiền lắm đó.
Phi gật đầu cười hinh hích, chàng thầm phục kinh nghiệm dầy dạn của người bạn đồng ngũ này. Chàng nhìn Tinh đăm đăm:
- Mày nằm nhà thương mấy lần rồi?
Tinh xòe đủ bàn tay với một vẻ hãnh diện:
- Năm.
- Ít thế thôi à?
- Mày nên nhớ đơn vị tao có thằng tám lần.
- Hèn chi, mày “nhảy” hay lắm.
- Ở đây, tao có cảm tưởng là người ta biết mặt tao hết, người ta thuộc cả giờ đi giờ về của tao, nhưng người ta lờ đi. Thôi, để tao đi mượn cho mày cái thẻ lao công. Tao có một anh làm bếp ở dưới kia chìu tao lắm, khoái nghe chuyện úynh giặc, xin dây dù và vải dù, mỗi lần tao cho cả đống. Tao mượn thẻ chắc là được. Ban đêm anh ta ngủ trong này. Hồi xưa tao vẫn mượn.
Nói xong Tinh xoay người bước nhanh ra cửa. Nhưng vừa đi được vài bước. Tinh đã dừng lại:
- Mày sửa soạn đi, đúng 7 giờ tao với mày lất phất ra cổng là vừa. Nói là đi cổng chính nhưng là cổng phía nhà xác. Giờ đó lính đổi toán gác đêm, gia đình tử sĩ ra vô thong thả, mình cũng ra vô thong thả. Nếu cần thì làm ra cái điều mải mong lắm, cứ làm như nhà có anh em chết ngoài trận mới mang về đây.
Tinh nháy một bên mắt, bước ra ngoài hành lang, Phi loay hoay nhìn lại chiếc giường, chàng nghĩ đến cách trùm chăn cho mấy thứ đồ đạc như Tinh vừa nói, hình ảnh đó mang cho Phi một chút thích thú. Chàng mang bộ đồ trận, chiếc mũ sắt, đôi giầy cao cổ đặt lên giường. Nhưng khi chàng vừa trùm được chiếc chăn lên thì có bóng người ngoài cửa.
Phi quay ra, chàng sững người khi nhìn thấy mẹ chàng lễ mễ ôm một gói lớn. Vài giây sau, Phi chạy ra đỡ gói đồ cho bà già:
- Sao má biết con ở đây?
Bà già mếu máo:
- Con... bạc lắm.
Rồi bà òa lên khóc nức nở, bà ôm chầm lấy cánh tay Phi, hai bàn tay gầy guộc nhăn nheo nắm mạnh trên bắp thịt Phi để kiểm điểm lại xem con trai bà có gầy đi nhiều không. Bà khóc mỗi lúc một lớn, cứ làm như Phi gần chết đến nơi. Bà kể kể dài dòng:
- Con... bạc lắm, sao con không cho má biết con bị thương... Má thường cầu Trời khẩn Phật cho con hàng đêm được khỏe mạnh. Không ngờ con... bị thương... con nằm đây mà nhà không hề hay biết gì cả.
Tiếng nói của má Phi như rứt từ trong ruột ra không có tiếng nói nào thắm thiết hơn, không có tiếng khóc nào như từ trong huyết quản chảy ra bằng tiếng khóc này. Phi bùi ngùi cảm động. Chàng đứng im như pho tượng, đôi mắt chàng chăm chăm nhìn vào mái tóc hoa râm của mẹ; chàng chú ý đến miếng vá nhỏ trên vai chiếc áo dài cũ. Phi không biết chiếc áo dài màu nâu xẫm này của mẹ chàng đã may từ bao giờ? Chàng biết là màu áo quen thuộc lắm như đã có từ lâu, từ khi chàng mới biết thế nào là màu áo đàn bà. Sự tằn tiện về may mặc là một đặc tính cố hữu của mẹ Phi đã khiến nhiều lần Phi khó chịu, Phi cau có với bà, nhưng rồi đâu cũng vào đó, bà vẫn mặc những chiếc áo cũ. Bây giờ Phi không thấy khó chịu mà chàng chỉ thấy thương bà vô cùng.
Tiếng Phi nghèn nghẹn:
- Má mang gì cho con đó?
Bà cụ lau nước mắt, tiếng bà vẫn còn tấm tức:
- Má có mang cho con ít đồ ăn.
- Má có mang quần áo vào cho con không?
- Có. Mà mang đủ cả.
Chiếc bọc lớn được dở ra, nào đồ ăn, cam, nho, quần áo lót, quần áo lạnh, bít tất, khăn mặt, thắt lưng, thậm chí đến cả dép, đôi giầy mũi nhọn mà Phi vẫn thích bà cụ cũng không quên. Phi cảm động bởi chính Phi quên những thứ này, nếu bà cụ không mang vào có lẽ Phi phải đi giầy cao cổ. Bao giờ những bà mẹ Việt nam cũng chăm sóc cho con hơn là chính người con chăm sóc cho mình. Phi nhận rõ thấy điều đó hơn bao giờ hết và Phi biết tại sao Phi chiến đấu, chiến đấu để bảo vệ cái gì. Chàng thấy vết thương của mình hầu như đã lành hẳn. Chàng vui mừng nói với mẹ:
- Chiều nay con về, má mang vào nhiều thứ quá. Ba con thế nào?
- Ba mày đi lục tỉnh xem hàng họ ra sao, có lẽ một hai hôm nữa ông ấy về.
Phi mỉm cười, chàng biết là bà già nói vậy nhưng bà biết ông già đi đâu. Nghe mong manh rằng ông già chàng từ vài năm nay có một bà vợ hai giấy ở dưới Mỹ Tho. Ông thường về thăm luôn. Phi hiểu tâm trạng của mẹ chàng, bà buồn khổ nhiều nhưng bà giấu cả chàng, có khi bà trốn tránh sự thực đó ngay chính với bà.
Phi chớp mau mắt bỏ qua chuyện đó ngay:
- Xe con còn đi được chứ má?
- Má biết đâu, con về coi xem sao. Mấy hôm trước ba con còn đi mà.
- Như vậy chắc còn đi dược?
Bà cụ im lặng, bà nhìn Phi đăm đăm:
- Người ta cho con về à?
Phi gặt bừa:
- Dạ. Buổi tối người ta cho về đi chơi cho thoải mái rồi sáng mai lại vào sớm. Con cũng sắp khỏi hẳn rồi.
- Con bị thương vào vai à? Có nặng lắm không?
- Đâu có ăn thua gì. Lúc bị thương con còn chạy như ngựa, con muốn nghỉ ít hôm nên vào đây nằm, vả lại con cũng muốn có dịp về thăm Saigon, thăm nhà. Mấy hôm nay người ta chưa cho về.
Có lẽ bà già cũng hiểu là Phi nói dối cho bà bớt lo. Chính vì thế mà bà càng lo ngại hơn, bà chấm nước mắt, hỏi Phi:
- Khỏi rồi con có phải đi nữa không?
- Thưa không. Đồn con đóng bỏ rồi, có toán lính khác làm đồn khác đóng thay.
Đôi mắt kèm nhèm của bà cụ sáng rực lên:
- Như vậy là con được trở về chỗ cũ à, không đi mặt trận nữa chứ?
Phi cũng dạ bừa cho bà cụ vừa ý. Bà cụ tười cười ngay được, sự tin tưởng dễ dãi đó khiến Phi quay vội đi nơi khác.
- Nếu con ở chỗ nào yên ổn, má phải tính đến chuyện cưới vợ cho con. Có đám này đẹp lắm, vừa đẹp vừa là con gia thế, má chắc thế nào con cũng bằng lòng.
Nói rồi bà cụ tiến gần đến bên Phi, bà cụ nói tiếp:
- Cô ta xinh đẹp, có học chứ không như con nhỏ cháu bà Đức Thành đâu.
Phi cười, chàng nghĩ đến người con gái gầy như con sào hồi nào ở cách nhà chàng một ngõ, bà cụ định hỏi làm vợ cho chàng, nhưng chàng nhất định không chịu. Sau này người con gái đó lấy một anh chồng giàu, góa vợ. Bỗng dưng Phi cũng thấy thương hại mặc dầu cô ta không có gì đáng thương cả.
Phi vâng dạ bừa cho qua chuyện:
- Để rồi con xem ở đâu đã. Có lẽ con sẽ vào học trường võ bị.
- Trường võ bị là trường nào?
- Trường võ bị ở Đà Lạt. Học vài năm ra Thiếu úy. Ông Trung tá Lạc đề nghị cho con đi, nhưng chưa biết sao.
Đôi mắt bà cụ thoáng một niềm vui:
- Có phải hai cô đến nhà mình sáng nay là con gái ông Trung tá đó phải không?
- Dạ, đúng rồi, gia đình ông ấy tử tế lắm, thương con như người trong nhà.
Bà cụ mỉm cười, nhưng chỉ giờ phút sau bà đã lại có thể thở dài ngay được. Có lẽ bà nghĩ rằng gia đình “người ta” sang trọng không thể nào chấp nhận được tình thương đó lâu dài. Rồi hai người con gái đó cũng sẽ đi lấy chồng và ông Trung tá cũng sẽ quên Phi.
Một hồi còi hụ lên báo hiệu giờ thăm viếng bệnh nhân đã hết. Phi nói với mẹ:
- Má cứ về đi, tối nay chắc con được về.
Bà cụ vội vàng thu xếp chiếc giỏ:
- Con ăn cơm ở nhà nhé!
- Dạ.
- Má về bảo nó dọn cơm chờ con.
Phi tiễn bà cụ ra tận cửa. Bà cụ tất tả bước vội trên con đường sỏi. Phi đứng lặng nhìn theo. Chàng chợt để ý đến chiếc xe 403 đen từ dãy phòng sĩ quan cấp tá trong bệnh viện tiến lại. Chàng biết ngay là Loan và Phượng.
Khi bà cụ khuất sau dãy nhà dùng làm văn phòng thì chiếc 403 cũng vừa đậu lại trước cửa phòng Phi. Loan và Phượng nhanh nhẹn bước xuống. Phượng cười hinh hích:
- Bọn em thấy bà cụ vào nên lên thăm một ông bạn của bà nằm trên kia. Bây giờ mới dám đến với anh.
- Cám ơn các cô nhé, các cô khai hết tất cả với bà cụ là tôi bị thương, bà cụ khóc bù lu bù loa, cằn nhằn quá xá.
Phượng chỉ Loan:
- Tại chị Loan đó. Vào nhà anh, Phượng không nói một lời nào hết.
Loan cười, tiếng nàng dịu dàng:
- Em tính nói dối như anh dặn, nhưng khi thấy bà cụ... dễ thương quá. Em nói dối không được. Bà cụ hỏi quanh hỏi quẩn, cuối cùng em phải nói thật hết cả. Bà cụ khóc một hồi làm tụi em hết hồn, rút lui ngay. Bà cụ có giận tụi em không?
Phi lắc đầu:
- Không, giận thế nào được, bà cụ còn cảm ơn là khác.
Phượng láu táu hỏi oang oang:
- Anh vẫn giữ ý định chuồn ra khỏi bệnh viện hôm nay đấy chứ?
- Xuỵt. Khẽ chứ. Cô định tố cáo anh trước giờ lên đường đánh du kích hay sao đó?
Hai bàn tay Phượng đưa lên bịt miệng thật ngây thơ tiếng nàng cười hinh hích:
- Chết! Xin lỗi anh. Anh vẫn nhất định...?
Phi gật đầu, chàng nhìn Loan:
- Nhất định.
Loan hỏi khẽ:
- Mấy giờ anh ra?
- Chút nữa.
Loan cúi đầu rồi lảng nhìn ra phía mũi xe, im lặng vài giây rồi tiếng nàng ngần ngại:
- Anh về nhà à?
- Có lẽ thế. Về nhà một chút rồi đi chơi chứ chuồn khỏi đây để về nhà nằm thì thà ở luôn trong này cho tiện.
Phượng bộp chộp nói ngay:
- Anh có đến Phượng không? Nếu anh đến, tụi này đi chơi với anh.
Phi lặng người, chàng không ngờ đến trường hợp bị dồn vào thế bí này và từ hôm qua tới nay, từ khi có ý chuồn ra khỏi bệnh viện cũng chưa bao giờ Phi có ý nghĩ là sẽ dành thì giờ đi chơi với Loan và Phượng. Chàng trả lời ấp úng:
- Có lẽ... anh... đi thăm mấy người bạn. Nếu... có thể đến được anh sẽ đến.
Phượng cười tít:
- Bọn em ở nhà chứ chẳng đi đâu hết.
Loan thở dài rất nhẹ, nàng hiểu thấm thía rằng vì sao Phi chuồn ra khỏi đây, nhất định không phải vì muốn đi chơi với nàng và Phượng. Tiếng nàng đầy trách móc, nàng nói với Phượng:
- Anh ra khỏi đây còn nhiều chuyện phải làm lắm, anh ấy đến thế nào được. Thôi để lần sau hãy mời.
Phi cười ngượng ngập:
- Để thứ bảy này mình đi chơi với nhau. Thứ bảy chắc có Đại úy Minh và Toàn?
Loan và Phượng cùng hiểu tại sao Phi muốn nhắc đến Minh và Toàn. Phi muốn nói với Loan và Phượng gần như thuộc về hẳn Minh và Toàn rồi sao? Hay ít nhất Phi cũng muốn phân chia tình cảm rành mạch? Hoặc giả Phi có ý... tức tối nào trong vụ phân chia minh bạch như vậy?
Loan lắc đầu thẳng thắn:
- Có anh Minh và anh Toàn hay không cũng chẳng hơn được gì. Anh muốn đi chơi thứ bảy thì chúng em đợi anh, thế thôi.
Phi cười nhẹ, trêu thêm:
- Nhưng dù sao có Minh và có Toàn vẫn vui hơn.
Loan trở nên bực tức, nàng nhìn Phi, giọng nàng sắc lạnh:
- Thế nào Loan cứ nghĩ là anh không thích anh Minh và anh Toàn lắm.
- Tất nhiên là tôi không thích lắm. Loan nghĩ đúng.
- Vậy anh nghĩ là Loan thích à?
- Làm sao tôi biết được.
Trả lời câu đó xong, Phi cảm thấy ngượng ngùng ngay bởi câu đó có một ý nghĩ ghen tuông mà sự ghen tuông đó hoàn toàn giả dối, hoàn toàn ngược ý muốn của Phi. Phi chỉ muốn làm cho Loan vui lòng. Chàng cúi đầu trốn tránh cái nhìn nóng bỏng của Loan.
Tiếng Loan dịu ấm như một tiếng nói thầm:
- Nếu anh nghĩ vậy là anh lầm. Đối với anh Toàn hay anh Minh, chúng em chỉ là những người bạn quen với gia đình, đi chơi với các anh ấy đứng đắn nhưng... thật ra không hợp với chúng em lắm đâu.
- Xin lỗi Loan, anh không có ý nghĩ xấu xa đâu. Anh nói một cách... vô tư, thế thôi, đừng để ý.
Loan và Phượng cùng cười.
Giữa lúc đó, tiếng giầy của Tinh chạy huỳnh huỵch từ hành lang. Tinh dừng lại trước cửa phòng mình rồi trừng trừng nhìn Phi, Phi biết là Tinh có chuyện muốn nói, chàng khẽ gật đầu vẫy Tinh lại:
- Có chuyện gì đó? Xong chưa?
Tinh nghiêng đầu chào Loan và Phượng:
- Xong rồi, phải thuê nó mấy cái giây đó, mày sửa soạn đi, gần bảy giờ rồi.
Phi giới thiệu. Tinh cho Loan và Phượng:
- Vua nhảy rào của bệnh viện đấy, năm lần bị thương, phá kỷ lục về trốn trại.
Phượng cười thú vị:
- Hân hạnh gặp vua nhảy rào.
Tinh cũng khoái chí toét miệng ra cười, mặt Tinh đỏ lên. Chàng kéo tai Phi lại gần mình:
- Mày ngồi sau xe gắn máy của tao ra đến ngã tư gần đây thôi rồi chịu khó đi bộ một quãng mới có taxi, đường này khó kiếm xe lắm, nhất là phía sau bệnh viện vào bảy giờ tối.
- Sao không đèo tao ra tới chỗ có taxi?
Tinh cười hì hì:
- Bồ tao đón ở ngay ngã tư, đèo mày thì vứt bồ cho ai?
Phi đành chịu thua. Khi một người lính chuồn khỏi trại, nhắc đến bồ thì không có gì cản được. Phi hiểu rõ như vậy, chàng gật đầu:
- Được rồi, đi bộ có xa lắm không?
- Độ hơn một cây số thôi.
Phi lè lưỡi:
- Hơn một cây số cơ à?
Tinh thụi nhẹ cho Phi một cái vào mạng sườn:
- Muốn đi chơi mà không muốn vất vả một tí thì mày... cha chú thật. Thôi đi sửa soạn đi, thẻ lao công đây, đeo vào túi ngực. Mười lăm phút nữa tao kêu mày.
Nói rồi Tinh phăng phăng trở lại phòng mình quên cả chào Loan và Phượng. Đi được một đoạn rồi Tinh mới nhớ ra, chàng xoay người lại:
- Chào các cô.
Loan và Phượng cùng bật cười về cái cử chỉ khôi hài nhưng đầy chân thật đó, họ cùng vẫy tay chào lại. Tiếng Phượng nhí nhảnh đuổi theo:
- Kính chào vua nhảy rào.
Tinh cũng có vẻ khoái chí lắm, chàng lật chiếc mũ đỏ giơ lên khỏi đỉnh đầu vẫy chào lại.
Loan cười nói với Phi:
- Anh có người bạn mới dễ thương lắm.
Phi gật gù:
- Trong quân đội có nhiều con người kỳ lạ mà không ai khám phá ra được ngoài những người bạn đồng ngũ cùng chung một hoàn cảnh. Tôi yêu quân đội một phần lớn vì những lý do đó, những lý do nhỏ nhưng sâu và thấm.
- Loan cũng tin như vậy, anh giống hệt ba Loan.
Hai người nhìn nhau, trong một giây họ cùng có cảm tưởng là xích lại gần nhau. Tiếng Phi chân thật:
- Tôi vẫn tin rằng người quân nhân già hay trẻ đều gặp nhau ở điểm là tình thương yêu trong quân ngũ, tuy nhiên những quân nhân nhiêu tuổi lính tất phải có những lý do khác nữa mà người lính trẻ chưa thể đạt tới được.
- Nếu Loan là đàn ông, Loan cũng thích sống như các anh. Không có gì buồn hơn là người đàn ông mà không có đồng đội hoặc sống tách rời đồng đội.
- Chính vì thế mà khi đã nhập ngũ rồi tôi không muốn trở về sống tách rời ra nữa.
Loan im lặng cúi đầu, mũi giầy di nhẹ trên một ngọn cỏ khô nằm trên sàn gạch hoa. Tiếng Phượng giục giã:
- Về đi chị Loan, hết giờ từ lâu rồi.
Loan ngước lên nhìn Phi:
- Ừ, đi về.
Nhưng Loan không nhúc nhích, nàng ngần ngại một chút rồi mỉm cười hỏi Phi:
- Chút nữa anh phải đi bộ một quãng khá dài phải không? Nếu cần Loan lái xe đón anh.
Phượng cũng hùa vào:
- Phải đấy, mình đón anh Phi đi. Coi xem nghệ thuật nhảy rào của các anh ấy ra sao.
Phi trở nên lưỡng lự:
- Sợ các cô chờ lâu.
- Không sao, chúng em cũng chẳng có việc gì. Hôm nay “ông bô” không ăn cơm nhà mà.
- Được rồi, các cô chờ ở con đường phía sau bệnh viện, gần nhà xác nhé. Mười phút nữa anh bắt đầu cuộc “vượt ngục”.
Phượng vừa bước xuống những bực thềm vừa cười khanh khách:
- Chơi cái trò “găng tơ” vượt ngục này hại tim lắm, nhưng cũng hay hay. Bọn em là đồng lõa, nếu đem ra tòa án, tội cũng khá lắm chứ không nhỏ đâu.
Phi cười:
- Ngày mai có báo đăng là hai “nữ đảng viên” mưu toan cho một người lính bị thương trốn khỏi bệnh viện, bị bắt và bị treo giò tám ngày không được đi chơi.
Hai chị em Loan cùng cất tiếng cười và cùng mở cửa xe. Loan ngồi vào tay lái, Phượng giơ một ngón tay nháy mắt cho Phi hẹn hò:
- Mười phút nữa nhé!
Phi gật đầu quay vào. Chàng nhanh nhẹn rút bộ pi-da-ma màu xanh, mặc vội chiếc sơ mi trắng ngắn tay và chiếc quần màu thẩm có những ô kẻ đen đâm lớn, chiếc quần mà Liên đã chỉ cho chàng may. Chàng nghĩ lan man những ý nghĩ chớp nhoáng về những ngày hai người mới yêu nhau. Phi bỗng thấy chân tay mình luống cuống vì cái hy vọng chói sáng là sau đây vài tiếng đồng hồ nữa chàng sẽ được gặp Liên, sẽ được ôm Liên trong vòng tay. Bả vai chàng còn nhức nhối, nhưng chàng cứ tưởng tượng rằng mình đã khỏi hẳn.
- Mày ngồi im, mặt tỉnh bơ, coi như mọi ngày mày vẫn ra khỏi trại, cóc cần nhìn thằng nào cả. Coi như mình có quyền ra khỏi trại cái cổng này. Nếu xét thấy lúng túng thì cứ việc nhìn vào lưng cái áo tao cho được việc. Mày làm đổ bể thì chết cha tao đó, con bồ tao đợi đến tối chắc nó khóc, nó bỏ tao quá.
Phi nhảy lên đệm sau chiếc xe gắn máy, chàng nhìn lại tấm thẻ lao công đeo trước ngực. Chàng hơi lo, quả thật đến giờ chàng mới thấy lo. Chàng nghĩ thầm rằng giá chàng không đeo tấm thẻ lao công này chắc còn đỡ lo hơn, bởi tấm thẻ đó có tấm hình của chủ nó mà tấm hình đó thì không hề giống chàng một chút nào. Chàng đã cẩn thận xoay mặt thẻ có dáng hình vào phía trong, chỉ trưng ra cái dấu đỏ chói của bệnh viện và chữ ký của vị chỉ huy trưởng bằng bút chì nguyên tử xanh lè. Chàng cố gắng giữ một vẻ mặt thật hồn nhiên ngay từ khi Tinh đạp bàn đạp cho chiếc xe gắn máy nổ phành phạch. Tinh lái xe thật nhanh trên con đường nhựa loang lổ cũ mốc. Đoàn người làm trong bệnh viện lũ lượt kéo nhau ra về. Tinh và Phi lẫn lộn trong đám người đó, nhưng tách rời ra một số ít những người quẹo về phía con đường dọn ra lối cổng nhà xác.
Tinh đi chậm lại một chút, đôi mắt chàng đăm đăm để ý đến một người lính gác có bổn phận canh chừng phía cổng này. Tinh chỉ đợi anh này lơ là một chút hoặc hỏi chuyện một người nào đó là Tinh lao xe ra khỏi chiếc chắn ngang đã chờ sẵn mỗi giờ tan sở.
Cơ hội đã đến, Tinh rú ga lao xe đi khiến xuýt nửa Phi bật ngửa lại phía sau. Phi cố bám chắc lấy yên xe, nín cả thở cho đến khi Tinh vượt ra khỏi chiếc chắn ngang. Phi quay đầu lại nhìn, chàng để ý thấy người lính gác nhìn theo Tinh rồi lắc đầu cười, không biết người lính đó nói gì với người điểm trưởng, Phi thở ra một hơi dài nói với lên:
- Nó nhìn theo mày ghê quá.
- Nó biết tao nhưng nó lờ đi, mấy thằng đó tốt bụng với anh em lắm. Mỗi lần thấy thoáng bóng tao ở đầu đường là chúng nó giả vờ quay đi rồi. Tao biết thế nhưng chẳng lẽ mình ra vô thong thả thì kỳ cục quá, thành ra lần nào tao cũng làm ra vẻ trốn chúng nó. Các anh ấy khoái lắm, coi như một trò tiêu khiển. Vả lại để một thằng lính nằm trong bệnh viện “dù” ra ngoài với bồ cũng chẳng chết chóc gì.
Nói rồi Tinh thích thú cười oang oang. Khi quẹo ra con đường phía sau bệnh viện. Tinh từ từ đổ lại cho Phi xuống:
- Bồ tao đứng kia rồi, mày xuống đây nhé?
- Được rồi, cảm ơn mày.
- Hơi sức đâu mà cám ơn lắm thế. Ngày mai mày có đi với tao nữa không?
Phi gật đầu:
- Có chứ. Hôm nào bồ mày cũng đón à?
- Ừ. Nó làm thợ may ở gần đây, tiện đường ô tô buýt nó tà tà thả bộ đón tao.
- Chúc mày vui suốt đêm nay.
Tinh nháy mắt rồi rồ máy phóng xe đi. Phi còn đang ngẩn ngơ tìm chiếc xe phía trước mặt thì Loan và Phượng rên chiếc 403 đã từ từ tiến đến sau lưng. Phi giật nẩy mình vì tiếng xe do Phượng nghịch ngợm vừa bóp kèn trêu chọc.
Cánh cử xe mở ra, Phi nhanh nhẹn nhảy lên. Phượng cười khúc khích:
- Các anh nhảy rào tuyệt lắm, cứ phớt như Ăng lê. Nhất các anh rồi.
- Thú thật là anh hơi hoảng.
- Ra trận. Anh có hoảng như nhảy rào không?
Phi ngẫm nghĩ một chút rồi gật gù:
- Cũng có đôi khi hơi sợ chứ, nhưng hai cảm giác đó hoàn toàn khác nhau. Một đằng hốt hoảng vì một cái gì bất ngờ hoặc vì chờ đợi một cái gì bất ngờ, nếu nó đến thì không gỡ được, một đằng thì hồi hộp vì một sự việc trước mắt có thể xảy ra nhưng nếu có cũng không đến nỗi nào.
Loan cười thú vị:
- Thấy anh nhảy rào, Loan ở ngoài này vừa thích thú vừa hồi hộp. Đến khi thấy anh ra khỏi cổng rồi người lính gác nhìn theo chỉ trỏ, Loan vẫn còn lo.
Phượng thêm vào:
- Đến nỗi em dục chị ấy lái xe theo hai ba lần chị ấy mới đủ bình tĩnh lái xe qua cổng cơ mà!
Loan đỏ mặt thú nhận thêm:
- Bỗng dưng Loan có cảm tưởng như Loan sợ sợ người lính gác cổng mới lạ chứ.
Phi nhớ rằng Điền đã từng theo học ở bên Pháp, có bằng cử nhân. Khi về nước, Điền sắp sửa làm cho công ty dầu xăng thì được lệnh động viên. Điền đón nhận nếp sống mới này với một vẻ bình thản không giống như bất cứ một cậu công tử con nhà giầu nào. Điền đã hòa mình trong nếp sống quân ngũ như những người lính chuyên nghiệp, không một chút mặc cảm. Đó là điều ít tìm thấy ở những sĩ quan như Điền và Phi cũng yêu Điền hơn vì cái lối sống bình thản đó. Điền không hề chứng tỏ một điều gì khác với các bạn đồng đội. Đến ngay chính Phi chơi thân với Điền chàng cũng không ngờ được rằng nhà Điền lại có thể giầu sang được đến thế này.
Phi dừng xe lại dưới một mái hiên dành riêng cho xe hơi. Qua khuôn cửa kính đục, một thứ ánh sáng màu xanh dịu của đèn ngủ mát dịu tỏa ra mơ màng. “Chẳng lẽ giờ này đã ngủ” Phi nghĩ thầm như vậy, chàng định bóp kèn làm vang động cả tới những nhà xung quanh. Phi nhẹ nhàng đẩy cửa xe bước xuống. Chàng đứng kiễng chân nhìn vào trong nhà, song tấm kính đục và ánh sáng màu xanh yếu đuối quá làm Phi không nhìn gì ngoài màu vải đỏ mờ mờ của bộ salon. Căn nhà không có cả một tiếng động nhỏ. Phi đưa tay gõ cửa, chàng phải gõ đến lần thứ ba mới có tiếng dép khua lẹp xẹp từ trong nhà tiến ra.
Cánh cửa hé mở, Điền lụng thụng trong chiếc áo ngủ dài, đầu tóc bơ phờ, đôi mắt Điền hấp háy nhìn Phi, mãi một lúc sau Điền mới nhận ra Phi, tiếng Điền mừng rỡ:
- Ủa! Sao lại ra đây?
Phi mỉm cười:
- Tôi nhảy rào.
Điền kéo Phi vào trong nhà, chàng cười hồn nhiên:
- Lính Tiểu đoàn 12 đánh nhau đã hay mà “nhảy dù” cũng hay nữa. Moa đoán trước là toa sẽ leo tường, không thể nào tránh được. Nhưng thú thực moa không ngờ toa lại “nhảy” sớm thế đấy nhé, sao tối nay có mục gì không?
Phi lắc đầu:
- Không, đang định hỏi Thiếu úy...
- Thiếu úy gì! Kêu moa bằng anh hay “ti toay ê” cho thân. Chừng nào moa chỉ huy lại toa hoặc đứng trong quân ngũ hãy hay.
- Cảm ơn.
Điền chỉ ghế cho Phi ngồi rồi vịn một tay lên thành ghế, đôi mắt hóm hỉnh:
- Không có mục gì mà cậu lại leo tường ra thì lạ thật, chẳng lẽ cậu lại đi kiếm tôi? Tôi không dám tin đấy, đừng làm cho tôi cảm động.
- Anh sẽ không có dịp cảm động đâu, tất nhiên là phải có mục gì mới chịu khó leo qua tường bệnh viện ra đây nhưng... mọi mục đều hư hết.
Đôi mắt Điền tròn lên:
- Hư thế nào?
- Em cho “dọt”.
- Vô lý. Hôm moa tìm em muốn khóc vì tin cậu bị thương mà. Em có vào thăm cậu không?
- Có. Nhưng lại gặp hai cô con gái Trung tá Lạc.
Điền vỗ đùi cười ha hả:
- Cuộc chạm trán nẩy lửa phải không? Rồi em có cho hai cô “con nhà lành” ăn gót giày hay ăn ly tách gì không?
- Không đến nỗi. Em bỏ về.
- Thế mới nguy ạ. Cậu tới năn nỉ mà em không chịu à?
Tiếng thở dài của Phi thoát lên thật nhẹ, nhưng Điền nghe rõ và hiểu rõ tâm trạng Phi lúc này. Điền ngồi xuống một chiếc ghế đối diện chờ nghe tâm sự Phi. Tiếng Phi chán nản:
- Tôi vừa đến, chưa kịp năn nỉ thì em đã đuổi đi. Có một thằng mắc dịch nào ngồi lù lù trong nhà...
Điền hơi nhổm người lên một chút:
- Có “kép” ăn vạ trong nhà em à? Đau nhỉ!
Phi cúi đầu vừa đau xót vừa ngượng ngập.
Vài phút sau, tiếng Điền cũng trở nên bực bội:
- Sao cậu không xô cửa nhào vào cho “kép” đó biết cậu là ai? Lính Tiểu đoàn 12 chứ đùa sao!
Phi nhún vai:
- Để làm gì!
- Ít nhất cậu cũng cho em một cái tát để chứng tỏ cậu còn yêu em chứ. Cậu bỏ đi luôn sao?
- Khi người ta xua đuổi mình, tôi không bao giờ ở lại trong tường hợp đó cả.
- Cậu ngu! Đồ ngốc!
Mặt Phi ngẩn ra vì câu sỉ mắng đó của Điền, chàng không ngờ Điền lại có thể sỉ mắng mình một câu tàn nhẫn đến như vậy. Nhưng chàng lại hiểu ngay rằng sở dĩ Điền sỉ mắng chàng như vậy là vì Điền thương mình. Chàng chớp mau mắt tránh cái nhìn cáu kỉnh của Điền.
Điền giảng giải:
- Tự ái của cậu đáng ném vào xọt rác, tự ái với một người đàn bà trong giận hờn, đang ghen tuông là ngu.
- Tôi biết thế mà không chịu được. Tôi vẫn ghét tôi bởi cái tính đó, tôi nghĩ cần phải tỏ ra mình không hèn, mình là thằng đàn ông.
Điễn bĩu môi:
- Muốn vậy thì trong tường hợp đó cậu tát trái cho “nó” một cái có phải hách bao nhiêu không? Sao cậu vẫn nói là lôi thôi cậu “trị” thẳng cánh ngay?
Bạt người ra thế, Phi rút thuốc lá hút rồi mỉm cười:
- Nhà có gì uống không?
- Có rượu
- Tốt lắm, whisky hả?
- Ừ, tôi biết cậu đang cần rượu. Chúng tôi cũng vừa uống với nhau một trận kinh khủng, nằm suốt từ chiều tới giờ.
Nói rồi Điền đứng dậy đi vào phía tủ rượu. Chàng rót một ly nước lạnh cho mình và mang chai rượu còn một nửa tới để trước mặt Phi:
- Cậu rót lấy uống cho tự nhiên. Bác sĩ có cấm uống rượu không?
Phi nhún vai:
- Chắc là cấm, nhưng ông ấy không nói gì mình cứ uống, vả lại nghe các ông ấy thì mình chỉ nên ăn cơm với muối.
Tiếng rượu chảy ra ly ồng ộc nghe thật buồn, thật thảm. Phi nốc một hơi rồi giơ cùi tay quệt ngang mép:
- Thú thật với anh là lúc “nó” đuổi tôi, tôi muốn tát “nó” quá. Nhất là lúc tôi biết có “kép” ở trong nhà, nhưng không hiểu tại sao tôi không tát được. Có lẽ tôi lầm con người tôi.
- Không phải, tại chưa đến lúc hay là cái gì đến đột ngột qua sức tưởng tượng của mình thì phản ứng không đúng như mình thường nghĩ ra. Đó là sự thường không riêng gì cho mình cậu.
- Như thế cũng xong.
Điền cười hực lên:
- Chưa chắc đã là xong, không giản dị như cậu tưởng đâu. Khi người ta yêu nhau, nhất là khi “người lính yêu...”
- Anh muốn bắt tôi đến tìm “nó” à?
- Nếu xét thấy còn yêu và xét thấy cần có nhau.
Phi hớp một ngụm rượu nữa, môi chàng hơi nhếch lên một cách mỉa mai:
- Tất nhiên là còn yêu nhưng thà là để có thể chết được chứ “đầu hàng” thì không. Anh cũng đừng nghĩ là tôi anh hùng hão, tự ái rởm...
Điền xua cắt ngang:
- Tôi không nhận xét như vậy mà tôi chỉ thấy cậu không thành thực với cậu.
- Tôi nghĩ đến điều đó rồi, xong không phải là vấn đề thành thực hay không mà là vấn đề danh dự. Tôi thành thực dám thú nhận là tôi còn yêu, còn đau, tôi dám nói với chính tôi, với anh và ngay cả với Liên. Nhưng đi tìm thì không. Tôi trốn một hình ảnh không đẹp, tỷ dụ như bây giờ tôi đến tìm để gặp Liên ôm người khác, Liên xua đuổi tôi một lần nữa thì... bao nhiêu kỷ niệm đẹp những ngày tháng đẹp đẽ không còn gì nữa cả.