Chương 9

Dịch giả: Phạm Văn Vịnh
Chương 12

13 tháng Mười một
Tôi trở lại Neuilly với các bà xơ của “nhà thờ Đức mẹ ba mươi sáu nỗi bất hạnh”, một ẩn cư kiêm sở xếp việc cho các bà vú. Đấy là một ngôi nhà xinh xắn, mặt tiền quét vôi trắng xây ở cuối một khu vườn rộng. Trong vườn cứ năm chục bước lại dựng một tượng Đức mẹ đồng trinh, có một gác chuông lộng lẫy xây bằng tiền công đức. Chung quanh là những gốc cây to. Cứ mỗi giờ chuông lại gióng lên, nghe thật vui, khô, dậy trong lòng người những ký ức xa xăm,cổ kính. Mỗi khi tiếng chuông vang lên, tôi lại nhắm mắt để nghe và hình dung ra những phong cảnh đẹp đẽ, êm đềm từ tuổi ấu thơ và niên thiếu những cảnh ngày lễ hội và những đám rước!Binh boong… binh boong… Tiếng chuông không vui mà buồn, nhưng tôi vẫn thấy thích. Ở Paris chỉ được nghe tiếng tù và của những thợ máy nước và tiếng leng keng của tàu điện.
Ở nhà thờ “Đức mẹ ba mươi sáu nỗi bất hạnh” với các bà xơ, ngủ thì ở các gác xép sát mái nhà, ăn thì cá ươn rau già, vậy mà phải trả mỗi ngày hai mươi nhăm xu. Ngoài ra còn phải làm việc từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối như những người tù khổ sai… Không bao giờ được ra ngoài. Bữa ăn và hành lễ thay cho giải lao.
Khi tôi đến đây thì đã có bốn chục chị đang đợi xin việc. Họ từ xa đến, có người từ Bretagne, Alsace, có người từ các tỉnh miền Nam. Có người chưa làm ở đâu, cử chỉ còn vụng về, mặt mũi còn ngơ ngác, chân tay da dẻ còn xạm nắng. Cũng có người đang làm muốn đổi chỗ như tôi.
Các bà xơ hỏi tôi từ đâu đến, biết làm gì, có chứng chỉ tốt không, trong người còn tiền không. Tôi đã kể sự mình để các bà nghe. Các bà không hỏi thêm gì nữa và nói:
Ta sẽ tìm cho con bé này một chỗ làm tốt.
Với chị vú nào các bà xơ cũng bảo “ta sẽ tìm cho con bé này chỗ làm tốt”. Trong khi chờ đợi, mỗi người được giao làm một việc tùy theo sở trường của mình. Người này làm bếp, dọn dẹp nhà cửa, người kia làm vườn, cuốc đất tưới cây. Tôi được phân công khâu vá, bà xơ bảo tôi có những ngón tay mềm mại, người thanh tao nhỏ nhắn. Tôi bắt đầu vá quần dài cho một giáo sĩ và quần đùi cho một tu sĩ. Quần áo của họ mới chán làm sao! Kém xa quần áo của cậu Xavier. Sau đấy họ lại giao cho tôi may những quần áo không phải của giới tu hành, mà quần áo dân thường như quần áo cưới, quần áo trẻ sơ sinh của các nhà từ thiện đặt các bà xơ may.
Tuy ăn uống kham khổ, làm lụng vất vả, nhưng tôi thấy cuộc sống yên ổn, phẳng lặng… Rồi tôi thấy nảy ra ý muốn cầu khấn và xưng tội. Một hôm tôi đã xưng tội với giáo sĩ, chính là người tôi đã vá quần giúp. Đó là một người béo tròn, mặt đỏ lựng, cử chỉ và ngôn ngữ thô kệch, sặc mùi cừu già. Ông ta hỏi tôi nhiều về các sách tôi thường đọc.
Tôi đã kể tên một số quyển. Ông câng câng bảo:
Armand Silvestre à? Loại sách con lợn đấy, nhưng không nguy hiểm. Tránh đọc những sách báng bổ, chống lại tôn giáo, như sách của Voltaire, của Renan, của Anatole France. Những sách này nguy hiểm.
Thế còn sách của Paul Bourget thì sao, thưa cha?
Paul Bourget à? Cũng được. Nhưng Paul Bourget thì lộn xộn. Sách của Paul Bourget như một chậu nước người ta giặt mọi thứ vào đấy.
Công việc ở đây làm tôi chán ngán. Nhiều lúc tôi nhớ nghề cũ của tôi. Tôi muốn thoát mau ra cái nhà giam này quay về với các phòng trang điểm thân quen… Cũng đã nhiều lúc tôi phải thở dài sau cái tủ chất đầy quần áo sặc mùi nước hoa, những cái mắc áo treo đầy áo nhung quần lụa sờ vào mát cả tay, những cuộc tắm gội trên da thịt đầy bọt xà phòng nhờn nhụa. Rồi những vụ việc không ngờ xảy đến trong nhà, những lần gặp không hẹn trước trên cầu thang gác và trong phòng ngủ… Nghĩ cũng lạ… Khi đang làm những công việc ấy thì cảm thấy chán ngán, nhưng khi xa thì lại nhớ… Tôi cũng chán những món ăn ở đây do các bà xơ mua mớ ở chợ về, những thứ có thể vất đi được.
Tôi ngán nhất là cái mưu mẹo ở đây người ta bóc lột chúng tôi. Người ta chỉ xếp việc cho những người kém khả năng, không lợi gì cho họ. Còn người nào có thể lợi dụng được như những người có tài, có sức khỏe thì họ giữ lại, không giới thiệu đi đâu. Họ giả danh làm việc từ thiện, nhưng thật ra là để cho có người giúp việc mà còn được thu lợi nữa.
Tôi cũng đã có lần phàn nàn thì họ khuyên khéo:
Hãy kiên tâm chờ đợi, con ạ. Ta vẫn chú ý đến con. Vẫn đang tìm cho con một chỗ xứng đáng, một chỗ đặc biệt. Cứ yên tâm.
Ngày tháng trôi qua. Chỗ đặc biệt, chỗ xứng đáng chẳng thấy đâu… Họ vẫn thu lợi.
Ở tu viện tuy có một bà giám thị, nhưng tối đến hễ bà đi hết một vòng quay về là lập tức các bóng đen lẻn vào các giường. Rồi những tiếng thì thầm, những tiếng cười, tiếng hôn nhau, lại nổi lên từ giường nọ đến giường kia. Các bà xơ cũng biết nhưng phải bịt tai vì nếu phát giác ra thì lại mất nguồn lợi.
Không thể nói hết được những nỗi lầm than, cực nhọc mà những người đi ở phải chịu đựng. Họ bị bóc lột có khi là bởi nhà chủ, có khi là do những người xếp việc, có khi là những “bạn bè” (bọn này nhiều khi cũng bớt xén). Nhiều kẻ sống trên sự đau khổ của họ: Màn kịch tuy có thay đổi tùy theo môi trường xã hội, song vẫn là bóc lột, vẫn là gọt đẽo. Dù trong lâu đài nguy nga của các lãnh chúa, hay trong biệt thự huy hoàng của đám thị dân, thủ đoạn bóc lột vẫn là một. Kết quả là một người con gái như tôi vẫn là thua bất kể làm việc gì, bất kể là làm ở đâu.
Có lần chủ nhà nơi tôi ở làm đám cưới con gái. Khách đến cho nhiều tặng phẩm chở đầy một ôtô. Tôi đùa hỏi anh bếp:
Này anh Batiste, tặng phẩm của anh là cái gì?
Tặng phẩm của tôi à? Một can dầu đốt dưới gầm giường chúng nó. Còn tặng phẩm của cô? – Anh Batiste hỏi tôi.
Tôi giơ hai bàn tay quằm quằm nói:
Tôi móc mắt chúng.
Ông quản gia cũng đang có mặt ở đấy đủng đỉnh tham gia:
Còn tôi, tôi cho một lọ axit đặc.
Nói vậy thì nói thôi chứ thực ra cũng chẳng ai làm thế. Căm thù thì có căm thù thật đấy, nhưng không ai nở làm chuyện vô nhân đạo như thế.
Một chị nấu bếp nắm trong tay tính mạng của cả một gia đình. Chị ấy chỉ cần bỏ vào nồi thức ăn một thìa thuốc chuột là cả nhà đi đời nhà ma. Nhưng thực tế có ai làm thế đâu.
Tôi báo cho bà xơ trưởng biết ý định tôi muốn thôi và đi chỗ khác.
Sao lại đi chỗ khác, con? Ta sắp tìm được cho con một chỗ làm đặc biệt, chỉ riêng con thôi.
Tôi biết thừa là bà ta chỉ dỗ tôi thôi chứ đến sang năm cũng chẳng có.
Tôi đi thôi, - tôi cương quyết trả lời – tôi đi ngay.
Đi ngay thế nào được! – bà xơ nói
Sao lại không? – tôi hỏi
Cô còn nợ bảy mươi france, trả đã rồi mới đi được.
Tôi làm gì có tiền! Bà khám xem!
Bà xơ nhìn tôi hằn học:
Vậy là ăn cắp, - bà xơ quát tiếng, - ăn cắp của những người nghèo như chúng tôi là hèn hạ.
Tôi tức quá:
Ai ăn cắp? Tôi hay là bà?
Tôi cấm cô không được nói như thế!
Người ta làm việc quần quật cho bà suốt ngày đem lại cho bà nguồn lợi lớn, bà cho người ta ăn như cho chó ăn. Thế mà lại còn phải trả tiền cho bà… Bà đã thấy chưa?
Bà xơ mặt xám ngoét. Tôi đã tưởng bà sẽ lao vào tôi mà cấu xé hay ít ra cũng văng ra mọi thứ tục tĩu. Nhưng không. Bà chỉ ấp úng:
Cô im đi! Cô không biết xấu hổ, cô vô đạo. Chúa sẽ trừng trị cô. Cô đi đi. Tôi giữ lại cái hòm.
Tôi đứng thẳng trước mặt bà và với giọng thách thức, tôi nói:
Tôi thách bà đấy. Nếu bà giữ hòm tôi, tôi báo cảnh sát đến ngay. Đêm nào cũng có những cảnh con lợn diễn ra ở khu phòng ngủ. Bà có biết những chuyện ấy không? Bà khuyến khích những việc làm đồi bại để chia lợi. Bà nói đến đạo. Thế là đạo à? Đạo gì đạo thế? Đưa trả hòm tôi ngay, không thì bảo?
Bà xơ sợ
Tôi không thèm nói với con người bỏ đi. Cô đi đi.
Hòm tôi đâu?
Đấy.
Tôi đi khỏi ngay chiều hôm ấy.