Chương 9

Dịch giả: Phạm Văn Vịnh
Chương 15

24 tháng Mười một
Từ hôm đi, anh Joseph chưa có một bức thư nào gửi về. Biết rằng anh ấy là người chín chắn nên tôi không lấy gì làm ngạc nhiên nhưng cũng hơi lo. Chắc là anh ấy cũng biết rằng thư đâu gửi về, bà chủ cũng cứ xem trước, nên anh ấy không muốn để cho bà biết công việc riêng của chúng tôi, bà ấy biết sẽ phiền ra. Nhưng tôi nghĩ anh ấy cũng phải có cách nào báo tin cho tôi biết chứ… Ngày mai anh ấy phải về rồi đây… Mà không biết thế nào… Tôi cứ thấy băn khoăn. Lòng dạ không yên… Mà cũng không hiểu tại sao anh ấy không cho tôi biết địa chỉ của anh ấy ở Cherbourg… Nhưng cũng chẳng muốn nghĩ nhiều về chuyện này cho thêm bận tâm.
Còn ở đây cũng vẫn như thế, không có việc gì mới. Người thủ thư lấy tình bè bạn, thay việc cho anh Joseph. Ngày nào cũng đến lau chải cho ngựa một lần. Nhưng anh chẳng trò chuyện gì cả, tôi cũng không nói, giống hệt như Joseph. Tôi không mấy khi nhìn thấy anh ta trừ khi phải nói việc gì. Thật là một người kỳ quặc. Chị hàng tạp hóa kể với tôi rằng lúc trẻ anh này đã được học để làm tu sĩ, nhưng bị đuổi khỏi chủng viện vì tội thiếu tế nhị và phi đạo đức – Không biết có phải không? – Từ ngày ra khỏi chủng viện, anh ta đã làm nhiều nghề: làm bánh, hát rong, đánh trống, đi ở, bán hàng, nhân viên mõ tòa, thư ký văn phòng luật sư và bốn năm gần đây thì làm người giữ đồ thánh trong giáo đường. Làm việc này thì cũng gần như cha xứ. Tuy vậy cũng không loại trừ anh ta làm việc sằng bậy. Như vậy mà anh Joseph lại kết bạn với anh ta là sai lầm. Nhưng có hẳn chỉ là bạn, hay là đồng lõa?
Bà chủ bị đau đầu. Cứ ba tháng lại đau một lần. Hai hôm nay bà phải nằm một chỗ, đóng cửa kín, buông rèm, chỉ mình chị Marianne được vào. Bà không ưng tôi. Những ngày bà ốm là thời cơ thuận tiện để ông chủ lợi dụng. Nhiều lúc tôi thấy ông ở trong bếp ra, mặt đỏ lựng, quần không cài cúc, chả biết ông mò vào đấy làm gì?
Ông đại úy không muốn nói chuyện gì với tôi nữa. Nhiều lúc ông đứng bên kia rào nhìn tôi hằn học. Chuyện gia đình của ông tạm ổn. Một cô “cháu gái” về đấy ở. Một cô gái không xấu, da hung, mũi dài, tươi tắn đầy đặn… theo người ngoài nói thì cô gái này trông nom việc nhà cửa, thay cô Rose trên giường ông đại úy. Như vậy kín đáo, những việc linh tinh khỏi lọt ra ngoài…
Còn đối với bà Gouin, cái chết của cô Rose làm cho bà thua thiệt, thiếu hẳn người hỗ trợ bà trong công việc sáng chủ nhật. Nhưng không thể không có một người như thế, nên chị hàng tạp hóa đảm nhiệm việc quảng cáo tài nghệ làm vườn của bà hàng hương liệu chữa trị cho các cô gái ở Mesnil Roy. Bây giờ không mấy ai nhắc đến cô Rose nữa, có nói đến người ta lại cười ồ. Ông đại úy nói cái gì cũng có thể thay thế được là có lý.
Tôi mong anh Joseph về quá để xem tình hình thế nào, số phận của tôi sẽ ra sao, có triển vọng gì không? Tôi thấy cực lòng phải sống mãi với những người chủ thế này, ở môi trường thế này làm tôi mỗi ngày đần độn thêm. Dù Joseph thành công hay không tôi cũng không ở lại đây nữa. Chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa, chỉ đêm nay nữa thôi, là tương lai của tôi được quyết định…
Đêm nay là lần cuối cùng tôi nằm để nhớ lại những kỷ niệm cũ. Đây là cách duy nhất để khỏi phải nghĩ đến những nỗi buồn hôm nay và những lo lắng ngày mai. Trong những năm tháng đi làm hầu phòng tôi đã gặp nhiều bộ mặt xa lạ. Nhưng khi hồi tưởng lại tôi chỉ nhớ đó là những con người đầy thói hư tật xấu. Nếu loại bỏ những thói hư tật xấu ấy đi, thì không còn đọng lại gì nữa. Không còn lại những bóng ma. Không còn lại tro bụi, cũng không còn lại thần chết…
Sau khi tôi từ chối không đến làm cho ông chủ già ở tỉnh lẻ, bà Paulhat Durand đã giới thiệu cho tôi đến làm tại nhà một đôi vợ chồng trẻ, không có con, nhà rất luộm thuộm, tuy trang bị toàn đồ xịn… Mới bước chân vào tôi đã biết ngay chủ nhà là người thế nào… Về đây tôi sẽ được sống yên ổn, công việc không có gì khó khăn. Tôi tự nhủ mình phải chín chắn, đừng bồng bột để có thể sống ở đây lâu lâu, thật lâu. Nghĩ vậy, tất cả những tật xấu thói hư của tôi biến đi hết, ngay cả nỗi căm thù đối với những ông bà chủ tệ bạc cũng bay đi cả. Tôi thấy vui thích, yêu đời, chủ nào cũng có cái tốt của họ.
Người làm ở nhà này không nhiều: một chị nấu bếp, một anh hầu phòng, một ông đầu bếp và tôi… Nhà không có người đánh xe, chủ nhà cũng không nuôi ngựa nữa, đi xe ngoài. Tôi mau trở nên thân quen. Ngay tối hôm mới đến tôi được đãi một tiệc rượu sâm banh.
- Ở đây vui lắm! – tôi vỗ tay nói
Anh hầu phòng rung chùm chìa khóa như đánh nhạc. Anh có chìa khóa mọi phòng, mọi hầm. Anh là người được chủ nhà tin cẩn.
- Lúc nào anh cho tôi mượn nhé! – tôi nói đùa.
- Sẵn sàng, - anh hầu phòng nói, - cứ nộp mười cái hôn. Anh chàng William này thật lém lỉnh. Nói chuyện thật có duyên.
Còn ông bếp trưởng già thì suốt cả bữa ăn không nói một câu. Ông ăn nhiều, uống nhiều, chẳng ai để ý đến ông. Anh William thì tỏ ra dễ thương, nhiệt tình, lẳng lơ, tiếp tôi cà phê, thuốc lá… Rồi kéo tôi vào lòng, để ngồi lên đầu gối, thủ thỉ vào tai tôi những chuyện gì gì… làm xổ cả tóc tôi. Anh này xem ra thật táo tợn.
Chị bếp Eugénie không để ý gì đến những câu chuyện và những trò đùa chung quanh. Chị cứ nhấp nhỏm không yên, luôn thò đầu ra cửa sổ, như có ý chờ đợi ai, mắt lơ đãng, dốc từng cốc rượu vào miệng. Người thiếu phụ này chừng bốn mươi nhăm tuổi, có bộ ngực nở nang, cái miệng rộng, đôi môi dầy, mắt lờ đờ, đam mê, u buồn. Cuối cùng bên ngoài có tiếng gõ cửa kín đáo. Nét mặt Eugénie rạng lên, chị đứng phắt dậy ra mở cửa… Tôi muốn ngồi lại cho dễ coi, nhưng William ôm chặt tôi vào người anh.
- Cứ ngồi yên, không sao – anh nói
Giữa lúc này, một người nhỏ bé bước vào. Anh ta người nhỏ nhắn, da hung, mặt nhẵn nhụi, chừng mười tám tuổi, xinh như tình yêu. Anh mặt chiếc áo vét mới tinh, lịch sự, thắt ca vát màu hồng. Anh là con trai người gác cổng nhà bên cạnh. Tối nào anh cũng đến. Eugénie rất mê anh này. Ngày nào chị cũng để dành cho anh nào thịt, nào rượu, nào canh để tất cả trong một cái giỏ để anh đem về cho bố mẹ.
- Sao hôm nay anh lại muộn? – Eugénie hỏi.
Anh thanh niên nói:
- Tôi phải coi nhà cho mẹ tôi đi có việc
- Có thật thế không?
Chị thở dài, đặt hai tay lên vai anh thanh niên và nói giọng uể oải:
- Thấy anh chậm đến, tôi cứ sợ có chuyện gì xảy ra. Anh đừng đến muộn thế. Anh nói với mẹ nếu cứ đến muộn thế, tôi không cho gì nữa.
Rồi mũi phập phồng, toàn thân run lên, chị nói:
- Anh đẹp quá, tình yêu của tôi! Tôi không muốn chung với người khác đâu! Sao hôm nay anh không đi giày da giôn? Tôi muốn đi đâu anh cũng phải ăn mặc đẹp. Mắt anh như mắt chim cắt! Chắc là còn nhìn người khác nữa! Lại cái mồm nữa! Hôn hít người khác phải không?
Anh kia mỉm cười lúc lắc cái đầu, nói để yên lòng người thiếu phụ:
- Không đâu, Nini ơi! Mẹ tôi đi có việc thật đấy.
Eugénie vẫn cham chảm:
 , mặt anh là của tôi. Anh chỉ yêu tôi thôi nhé! Anh nói đi!
- Nhất trí.
- Nói nữa…
- Nhất trí.
Eugénie ôm xô lấy cổ anh thanh niên, ấp úng những lời âu yếm và kéo anh ta sang phòng bên cạnh.
William bảo tôi:
- Nó bao cho thằng bé ấy nhiều lắm. Tuần trước nó còn may cho thằng ấy một bộ đồ mới. Cô có yêu tôi như thế không?
Cảnh tượng ấy làm tôi xúc động vô cùng. Tôi có cảm tình ngay với Eugénie. Anh thanh niên ấy giống như Xavier. So sánh như vậy tôi thấy buồn quá, rồi tôi nhớ lại những ngày tôi ở trong phòng Xavier, nhớ lại cái đêm tôi đưa cho anh ta chín mươi francs. Cả hai đều có những con mắt lạnh như thế, cái miệng chum chúm như thế và cả những tật xấu như thế.
Tôi cố vuột khỏi tay William:
- Bỏ ra, tối nay không đâu!
- Cô đã hứa chiều tôi kia mà!
- Tối nay không được!
Tôi không muốn xáo trộn nếp sống của gia đình. William quét dọn khuếnh khoáng. Đây một nhát, kia một nhát, thế là xong. Rồi ngồi chuyện gẩu, hết mở tủ lại mở ngăn kéo, nhặt nhạnh xem có cái thư nào thì đọc. Tôi cũng làm như anh ta. Để bụi chồng đống trên bàn ghế, không đụng gì đến đồ đạc ở các phòng. Nếu tôi là chủ nhà tôi cũng xấu hổ khi phải ở cái nhà như thế. Nhưng chủ nhà ở đây không biết sai bảo, sợ va chạm không dám nói gì. Chỉ khi nào quá lắm mới rủ rỉ một vài câu: Hình như cô chưa quét chỗ này, hay hình như anh chưa dọn chỗ kia. Nếu người ở trả lời: ông nhầm đấy, tôi đã quét rồi… tôi đã dọn rồi, thì ông cũng yên, không nói gì thêm. Suốt đời tôi chưa gặp nhà chủ nào lành quá như thế. Chả trách William làm như thế cũng phải.
Cũng như nhiều người đi ở khác, William thích chạy dông. Anh quen biết nhiều người: giô-kề, huấn luyện viên, và cả những nhà quí phái, bá tước, tử tước, vì họ biết anh có những chuy-ô đặc biệt. Do đó anh phải đi luôn, đi nhiều. Cái đó không hợp với nghề làm hầu phòng là một nghề không được tự do và phải ở cố định. Cho nên anh đã sắp xếp giờ giấc như thế này: cứ sau bữa ăn, anh mặc quần áo, và ra đi. Anh ăn mặc rất diện: cái quần bằng vải kẻ vừa trắng vừa đen, giấy bốt tin đánh bóng, áo ba-đờ-xuy nhựa, mũ chóp nhọn. Cái mũ mới diện làm sao chứ! Vải dạ màu nước biển, cúp đằng trước, cong đằng sau, lúc anh bước đi trên mũ nhấp nhánh như một đàn súc vật và cây cối, sông ngòi rung rung chuyển động. Anh đi mãi đến tối, lúc chuẩn bị quần áo cho ông chủ mặc anh mới về. Về rồi sau bữa ăn, anh lại đi nữa vì có những cuộc hẹn gặp với mấy người Anh. Rồi mãi đến đêm thật khuya mới lại về, thường thường là say khướt… Tuần nào anh cũng đãi cơm bạn bè, khách dự là hầu phòng, người đánh xe, nấu bếp, bồi bàn. Họ vừa nhấm nháp vừa cười nói rôm rả. Họ trò chuyện về ngựa, về đàn bà, về chủ nhân, về cả chuyện chính trị xã hội.
Eugénie đang ngủ nghe tiếng xô cửa bật dậy. Chị trông thấy anh thanh niên bước vào. Chị đã dành cho cậu ta một cốc sâm banh và một đĩa kẹo. Rồi cả hai tiến sang phòng bên.
- Giỏ thực phẩm đem về cho bố mẹ hôm nay có nhiều thứ đặc biệt. Ông bà chắc thích lắm đây!
Ông bà chủ tôi thuộc tầng lớp quý tộc kiệt xác, có nghĩa là quý tộc đấy nhưng trong túi đồng xu không có. Bà chủ nguồn gốc thế nào không rõ. William thì nói rằng bà chủ là con một người đánh xe và một nữ hầu phòng, do chí thú làm ăn họ có một số vốn cho vay nặng lãi ở Paris và mau chóng giàu lên.
Trong thực tế thấy bà chủ tuy hình dáng lịch sự, nét mặt xinh xắn, nhưng cử chỉ có nhiều điểm không hay. Bà thích món thịt bò hầm và bắp cải xào, thích rượu vang đỏ pha vào xúp. Nhiều lúc tôi thấy xấu hỗ thay cho bà. Bà cãi nhau với ông mà hay dùng những lời lẽ tôi chỉ là một hầu phòng thôi nhưng cũng không dám nói. Cũng lấy làm lạ có những bà mặt hoa da phấn, ăn mặc thật lịch sự nhưng không hề thấy ngượng mồm khi tuôn ra những lời lẽ tục tĩu ngoa ngoắt.
Nhưng những lời nói nặng nề của bà chủ chỉ là để mạt sát ông chủ, còn đối với chúng tôi bà lại rất dè dặt.
Ông bà lấy nhau đã năm năm. Thời gian đầu ông bà thường hay đi các nơi người ta mời và cũng hay mời bạn bè đến ăn. Nhưng dần dần ông bà thu hẹp việc thù tiếp, ít khách khứa ít đi lại. Bà kêu ông cứ hay ve vãn phụ nữ, còn ông kêu bà cứ hay nhìn đàn ông. Hai ông bà cãi nhau suốt ngày. Ông bà chủ ít thành đạt trong cuộc sống và gặp nhiều điều không may. Bà đổ cho ông không khéo. Ông đổ tại bà không khôn.
Hàng năm cứ giữa tháng sáu ông bà lại đưa nhau về nghỉ hè ở Touraine. Ở đây bà chủ có một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ. Trong thời gian về nông thôn nghỉ mát, họ lại đem theo gia nhân để giúp việc. Anh William không thích cảnh nông thôn. Anh chán những cánh đồng cỏ, những vườn tược, hoa lá. Đối với anh, thiên nhiên chỉ đẹp khi có sân vận động, trường đua ngựa, sân khiêu vũ. Anh là dân Paris chính cống.
- Hoa lá, chim muông, cỏ cây cũng thích lắm chứ, - tôi bảo anh.
- Hoa chỉ để cắm lên mũ phụ nữ thôi, anh William trả lời. – Còn chim! Sáng sớm bảnh mắt đã ra rả làm mất ngủ. Tôi không thích nông thôn. Nông thôn chỉ hợp với người nhà quê thôi.
Nhưng tôi thì tôi lại mong mau đến tháng sáu. Những khóm hoa mác-gơ-rít trong vườn, những con đường nhỏ uốn lượn dưới vòm cây, những tổ chim ríu rít trên cành… Những con họa mi líu lo dưới ánh trăng, những cuộc dạo chơi, tay nắm tay quanh bờ giếng… Những vò sữa nóng bốc hơi… những chiếc mũ rơm… những đàn gà con chiếp chiếp… những buổi lễ trong nhà thờ, tất cả những cái đó làm tôi xúc động như những bài hát dạo trước ở quán cà phê… những lão mục đồng lặng lẽ giữa đàn cừu, những đống cỏ khô tỏa hương thoang thoảng, những chú chim bé nhỏ truyền từ cành nọ sang cành kia, tiếng suối róc rách dưới ánh nắng hồng, những cây nho rừng đu đu trên cành cây, những chàng trai, ngực nở nang, vai vạm vỡ, tất cả như những giấc mơ vui… nghĩ đến những cảnh đó, tôi như sống lại những ngày tháng thơ ấu, trong trắng, hồn nhiên, như bông hoa héo dưới nắng mặt trời được cơn mưa mát tưới tắm.
Những cuộc va chạm giữa ông bà thường bắt đầu từ phòng trang điểm của bà và vì một chuyện không đâu… Sau khi đã trút ra tất cả những nỗi bất bình đã chất chứa từ lâu, hai ông bà giận nhau hàng tuần lễ. Ông rút vào phòng, suốt ngày mân mê bộ sưu tập tẩu hút thuốc của mình. Bà cũng không ra khỏi phòng riêng nằm dài trên tràng kỷ để đọc tiểu thuyết tình cảm… để xếp lại tủ áo… chỉ đến bữa ăn mới cùng ngồi… Tôi cứ tưởng giận nhau như vậy mà ngồi cùng mâm có khi tức lên họ sẽ ném bát đĩa vào mặt nhau. Nhưng không. Chính trong lúc này họ tỏ ra biết điều nhất, bà tỏ ra là người phải chăng, ông bà nói chuyện với nhau ôn tồn hơn bao giờ hết. Sau bữa ăn, họ lại như mặt giời, mặt giăng, lại ai về phòng ấy. Ông lại giơ cái tẩu hút thuốc ra ngắm, bà lại lôi tiểu thuyết ra đọc… Chỉ có từ phòng ông đến phòng bà, ba bước chân thôi mà họ phải gửi thư. Tôi cứ phải suốt ngày làm nhiệm vụ bưu tá chạy như con thoi, từ phòng ông sang phòng bà, mang những tối hậu thư lời lẽ rất quyết liệt, có lúc thì đe dọa, có lúc xin lỗi, có lúc khóc lóc… Buồn cười đến chết được.
Rồi sau mấy ngày họ lại làm lành cũng nhanh chóng như khi họ giận nhau. Họ đưa nhau đi khách sạn, đêm về đến phòng nhau, sáng hôm sau, nữa buổi mới thức dậy…
Ở nhà ông bà chủ trẻ này có một chuyện nữa cũng rất buồn cười.
Một buổi sáng, ông chủ vào phòng trang điểm giữa lúc bà chủ đang thử chiếc coóc xê mới, một chiếc coóc xê satanh màu đỏ hoa vàng, dây thắt màu xanh.
- Sao anh vào phòng phụ nữ mà không gõ cửa?
Bà chủ nửa đùa nửa thật hỏi ông chủ:
- Em là phụ nữ đâu chứ?
- Tôi không là phụ nữ thì là gì?
Ông chủ chúm miệng, dịu dàng nói:
- Em là vợ anh, vợ yêu quý của anh. Anh vào buồng vợ anh thì có sao?
- Có chắc em là vợ yêu quý của anh thật không?
- Chả thật thì sao!
- Đàn ông, tin làm sao được!
- Em là vợ yêu quý của anh… là duy nhất của đời anh, em ạ.
- Còn anh, anh là chồng yêu quý duy nhất của đời em, anh ạ.
Tôi nghĩ mà buồn cười quá! Anh yêu quý duy nhất của đời em! Em yêu quý duy nhất của đời anh!...
Vào phòng rồi, ông chủ nhấc áo, nhấc quần, cầm lọ, cầm hộp, rồi cầm tờ báo mới ngồi xuống ghế đọc. Bỗng ông hỏi:
- Báo hôm nay có mục câu đố không?
- Hình như có đấy.
- Em có đoán được chưa?
- Chưa, em chưa đoán.
- Thử xem nào!
Nói rồi, ông chủ cắm cúi vào tờ báo, suy nghĩ nghiền ngẫm để tìm ra lời giải của câu đố. Thấy vậy bà chủ đủng đỉnh hỏi:
- Anh Robert này!
- Em bảo sao?
- Anh không nhận thấy gì à?
- Nhận thấy gì? Ở trong câu đố ấy à?
Bà chủ nhún vai, cong môi nói:
- Câu đố thì nói làm gì! Anh có để ý đến cái gì đâu.
Ông chủ đưa mắt nhìn hết nền nhà đến trần nhà, từ trong phòng ra cửa.
- Có thấy gì đâu, em? Anh không nhận thấy có gì mới cả.
Bà chủ rên rỉ:
- Anh chả quan tâm gì đến tôi cả, anh Robert ạ. Anh có quý hóa gì tôi đâu?
- Anh không yêu em à! Sao em lại nói thế! – Ông chủ cau trán, khỏa tờ báo xoàn xoạt – Không yêu, nói thế mà nói được!
- Anh có yêu quý gì tôi! Nếu anh yêu quý thì anh phải nhận thấy.
- Nhận thấy cái gì chứ?
- Vậy anh không thấy cái coóc xê của tôi à?
- Coóc xê nào? Coóc xê nào? Anh không thấy thật đấy! Cái coóc xê em đang mặc đấy phải không? Ừ đẹp đấy… Đẹp thật đấy! Đẹp quá!
- Bây giờ anh nói vậy, chứ anh có thiết gì! Tôi ra sức làm đẹp để anh vui lòng, mà anh thì phớt lờ, chả thèm để ý gì. Anh chỉ chú ý đến tờ báo, đến câu đố. Để làm gì? Đời tôi thật là khổ! Chả được đi đến đâu, chỉ chúi vào một xó.
- Thôi em! Anh xin! Đừng làm anh bực!
Ông chủ định mon men lại ôm hôn bà chủ nhưng bà đẩy ông ra.
- Thôi anh để tôi yên, đừng trêu trọc tôi nữa!
- Em yêu! Người vợ yêu quý duy nhất đời anh!
- Đừng trêu tức tôi! Đã bảo thế mà! Anh đứng xa ra. Anh ích kỷ lắm… Anh không quan tâm đến tôi…
- Sao em nói thế! Đúng là anh có lỗi. Đáng lẽ anh phải thấy sớm hơn! Đẹp lắm. Đẹp lắm em ạ! Cười với anh đi nào!
Bà chủ giậm chân bồ bồ:
- Thôi đi anh! Đừng làm tôi bực nữa! Anh cút đi! Cút đi!
Ông chủ lúc này đã bực lắm, ông nói:
- Em yêu! Như thế là không đúng đâu. Làm gì cái coóc xê mà em làm to chuyện như thế!
- Anh đừng nói! Anh cút đi! Cút đi
Ông chủ không nhịn được, vò nhàu tờ báo vứt vào góc nhà.
- Cái coóc xê ấy là cái quái gì mà quan trọng! Thứ coóc xê của gái điếm! – Ông giận dữ nói.
Bà chủ mắt đỏ ngầu, hai tay nắm lại, miệng sùi bọt, vừa nói vừa thở:
- Đồ khốn nạn! Dám mở mồm nói thế à? Anh quên là tôi đã lôi anh từ vũng bùn lên à? Nợ đìa, khách nợ đến, còn thiếu phá nhà anh? Không có tôi thì danh tiếng tên tuổi anh cũng tiêu ma rồi.
Ông chủ vội vàng bỏ chạy không ngoái lại. Ra đến cửa gặp tôi, ông cũng chẳng hỏi han gì cứ cắm cổ chạy miết.
Bà chủ ngồi rũ xuống ghế, ngất xỉu. Tôi phải can khuyên và cho ngửi cả ête bà mới tỉnh. Bà mở ngăn kéo lấy quyển tiểu thuyết vừa đọc vừa lơ mơ. Ông chủ về phòng lôi bộ sưu tập tẩu hút thuốc ra ngắm, nhặt cái nọ bỏ cái kia.
Ba ngày sau khi xảy ra vụ việc này, bà chủ nhận được bức thư ông chủ gửi. Bà tái mặt hỏi tôi:
- Célestine? Ông ấy định tự tử thật à? Chị có thấy ông ấy cầm vũ khí trong tay không?
Tôi không nhịn được cười. Bà chủ hỏi:
- Sao lại cười? Có thôi không nào?
Tôi cố gắng mãi mới nói được mấy câu.
- Không đâu bà ạ. Chắc là ông chủ dọa thôi.
Ngay chiều hôm ấy tôi ra khỏi nhà này, lại lang thang trên vỉa hè. Chả biết kiếp số tôi nó thế nào!
Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi thấy tiếc. Chỗ làm thật là nhàn, lại nhiều lương, nhiều lộc, mà tự do thoải mái. Giá cứ yên phận ở đấy mà làm thì thế nào chả có được số vốn, rồi may mặc, rồi lấy chồng, có cuộc sống ổn định. Bây giờ lại phải sống với mọi thứ khổ cực. Tôi giận mình, giận William, giận Eugénie, giận bà chủ, giận mọi người. Có điều lạ, không sao giải thích được là đáng lẽ tôi phải bám lấy bà chủ, bấu víu lại, thì tôi lại đi đến mức dại dột, liều lĩnh cãi nhau với bà, xỉ vả bà, nói cả bố mẹ bà. Tôi thật quá ngu ngốc. Nếu tôi không dại dột như vậy thì bây giờ tôi sung sướng, đời tôi không phải lênh đênh thế này.
Sau cuộc cãi nhau với bà chủ, tôi xuống gặp William. Anh đang nằm khểnh hút thuốc. Thấy tôi anh hỏi:
- Cô sao thế?
- Tôi đi chỗ khác.
- Sao lại đi?
Tôi kể tóm tắt sự việc vừa xảy ra. William thản nhiên nói:
- Cô dở hơi! Ai lại vậy!
- Anh không nói gì thêm nữa à?
- Chả có gì nói thêm nữa, tôi chỉ nói là cô dở hơi.
- Thế còn anh?
- Cô hỏi thế nào?
- Tôi hỏi bây giờ anh sao?
- Tôi chả sao cả. Tôi vẫn làm ở đây. Chỉ có cô dở hơi mới bỏ đi.
- Tôi đi mà anh vẫn ở đây được à?
- Được chứ sao chả được. Tôi có phải là chồng cô đâu. Cô dở hơi thì cô chịu, tôi có trách nhiệm gì? Ai dại thì người ấy chịu. Đời là thế.
Ngừng một lát, William nói thêm:
- Ở đời phải chín chắn, cô ạ. Cô không chín chắn cứ bốc lên thì làm. Nghề nghiệp của chúng ta cứ vậy thì hỏng. Đời là thế!
Nghe William nói mà tôi thấy lộn ruột, muốn cào mặt anh ta ra.
William động viên tư tưởng tôi. Anh ấy đã dùng hết lý lẽ phân tích cho tôi hiểu. Trong lúc nói, anh ấy cứ luôn luôn nhắc mấy tiếng “Đời là thế!”
Phải thừa nhận là anh ấy nói đúng. Từ bấy giờ đến tối anh ấy còn nói nhiều nữa. Càng nghĩ càng thấy là phải. Tối đến, anh ấy bê hòm tôi để lên xe, anh ấy bỏ tiền thuê cho tôi, dẫn tôi đến một nhà trọ quen và trả tiền hộ tôi. Trước khi quay về anh ấy dặn chủ trọ chú ý giúp đỡ tôi. Chia tay tôi, anh ấy dặn:
- Mai tôi sẽ đến. Cô phải tử tế, đừng làm chuyện gì dại dột. Không ích gì, chỉ có hại. Đời là thế.
Hôm sau tôi mong mãi mà không thấy anh ấy đến. Đời là thế! Tôi tự nhủ.
Nhưng rồi tôi lại đến chỗ William. Vào nhà bếp tôi gặp một chị người to lớn, xinh hơn tôi.
- Eugénie có ở nhà không chị?
- Không.
- Thế anh William?
- William cũng không.
- Anh ấy đi đâu?
- Tôi biết sao được?
- Tôi muốn gặp, chị đi tìm giúp.
Chị ta nhìn tôi, vẻ khinh khỉnh nói:
- Tôi có phải con ở của cô đâu!
Chẳng muốn đôi co, tôi bước ra.
Câu nói “Đời là thế” luôn ám ảnh tôi.
Vừa bước đi tôi vừa hồi tưởng lại cái hôm mới đến nhà này được đón tiếp vui vẻ, được mời uống rượu, lại được William bế ngồi lên đùi.
Tôi nhớ cả lần Eugénie đón anh thanh niên. Cũng những lời nói, những cử chỉ, cũng những cái nhìn như thế.
Tôi uể oải bước đi, bên tai vẫn như nghe điệp khúc “Đời là thế!”
Suốt một tiếng đồng hồ tôi đi đi lại lại trên vỉa hè đợi xem có gặp William: Nhưng đợi mãi chẳng thấy, tôi phải đi, điệp khúc “Đời là thế” vẫn theo mãi.
Đường phố buồn không chịu được. Khách bộ hành lùi lũi như những bóng ma. Một dáng người cao cao, mũ óng ánh như ngọn đèn pha ban đêm, làm tôi giật mình, đã tưởng hay là William. Nhưng không phải. Trời đầy mây. Chẳng có một tia hy vọng!
“Đời là thế!”
Tôi quay về nhà trọ. Chà! Những người đàn ông? Dù họ là người đánh xe, hầu phòng, giáo sĩ, thi sĩ, họ đều thế cả. Những đồ dâm đãng!
Đây là những hoài niệm cuối cùng của tôi. Thật ra thì cũng chưa hết. Nhưng tất cả những bộ mặt ấy đều giống nhau, viết mãi cũng mệt vì cũng vẫn những bộ mặt ấy, những tâm hồn ấy, những bóng ma ấy. Vả lại tôi cũng chẳng còn bụng dạ nào nghĩ về những chuyện ấy, còn phải lo cho những chuyện tương lai.
Đã hai giờ sáng. Đèn hết dầu, bất đã lụi, tôi lên giường đi ngủ. Nhưng trằn trọc mãi không sao ngủ được. Tôi còn nghĩ đến cái người đang trên đường về với tôi. Tôi tưởng tượng những gì sẽ đến trong ngày mai…
Ngoài trời, đêm yên tĩnh.
Rét làm nứt cả mặt đất. Những ngôi sao nhấp nháy trên trời cao soi sáng Joseph đang trên đường. Tôi hình dung nét mặt nghiêm nghị, suy tư, đang trên một toa tàu. Anh đang về với tôi, đang đi gần lại. Liệu anh có đem đến cho tôi niềm hạnh phúc, sự tự do và yên ổn như tôi đang mong đợi? Mong chóng qua đêm nay!