Chương 9

Dịch giả: Phạm Văn Vịnh
Chương 7

6 tháng Mười
Mùa thu đã về. Ngoài vườn, những bông hoa cuối cùng đang tàn đi trong sương gió. Những bông thược dược cảnh héo đi như gặp lửa. Cả những bông hoa loa kèn cũng héo quăn, dây khô buông thông trước cửa bếp. Trên các luống đất trơ trọ chỉ còn sót lại mấy bông mỏ hạt gầy guộc và đây đó năm sáu bụi cúc sao cành lá rũ xuống trước khi tàn hẵn và thối rữa. Qua hàng rào nhìn sang vườn ông đại úy Manger, các luống hoa cũng tiêu điều, một màu xám xịt.
Ngoài đồng, cây cối vàng úa, lá lả tả rơi, da trời ảm đạm. Suốt bốn ngày liền, chúng tôi sống trong màn sương dày đặc, khét như mùi bồ hóng, quá trưa vẫn không tan… Đến lúc này trời lại đổ mưa, cứ như quất vào mặt, một luồng gió từ hướng tây bắc thổi về…
Ngồi trong phòng mà cứ rét run như cầy sấy. Gió lùa qua khe cửa; nước mưa từ nóc nhà đổ xuống, ánh sáng lợt lạt từ bên ngoài rọi vào chỉ đủ làm căn buồng mờ mờ ảo ảo. Những tấm đá lợp nhà rung lên bần bật, cả mái nhà chao đảo. Khung nhà kêu răng rắc, những tấm bản lề cót ca cót két… Việc sửa chửa khẩn cấp, nhưng nói mãi bà chủ mới chịu cho đi tìm thợ mà cũng mãi sáng ngày mai mới đến. Ấy là tôi chưa dám đòi một chiếc bếp lò tuy tôi thấy khó chịu nổi cái rét cắt da cắt thịt này… Tối nay tôi phải lấy quần áo cũ nhét vào các khe cửa để cho nước mưa và gió khỏi luồn vào trong phòng… Con quay gió trên đầu không ngớt quay quanh cái trục gỉ, thỉnh thoảng lại rít lên lảnh lót y như tiếng bà chủ rít lên trong các vụ việc diễn ra ở hành lang…
Sau những ngày sôi động của buổi ban đầu, cuộc sống trôi đi một cách đơn điệu, tôi cũng dần dần quen, không đến nỗi buồn phiền quá. Ngày nào cũng giống ngày nào, cũng những công việc ấy, cũng những con người ấy. Ngoài những sự việc lặt vặt trong nhà, không có việc gì khác. Lắm lúc buồn đến chết. Nhưng rồi tôi cũng thích nghi, coi như đấy là tự nhiên. Ngay việc thiếu tình cảm, tôi cũng thấy khó chịu lắm, vẫn chịu đựng được… và cũng phải chịu đựng thôi bởi vì tự tôi đã khước từ ông chủ… Nhưng phiền một điều là ông chủ vẫn xun xoe bên tôi, mắt cứ trợn tròn, miệng vẫn sùi nước bọt, ông vẫn dắt những con “lợn lòng” đến với cái “lải” của tôi, theo cách nói mà tôi đã có lần đọc thấy trong một quyển sách.
Dạo này ngày ngắn. Trước bữa ăn, ông thường ngồi trong phòng giở những giấy tờ cũ, đánh dấu những danh mục và quảng cáo thuốc, mở những quyển sách về săn bắn… Tôi vào phòng ông để đóng các cửa chớp và nhóm bếp lò. Thấy tôi, ông đứng dậy ho, hắt hơi, va chạm vào cái này cái kia để làm tôi chú ý. Nhưng tôi giả vờ như không nghe thấy gì, không hiểu biết gì về những trò khỉ của ông, và tôi đi thẳng, vẻ thản nhiên, cao quý, như không trông thấy ông ở đấy…
Nhưng chiều hôn qua, giữa ông và tôi có một cuộc đối thoại ngắn như sau:
- Cô Célestine này!
- Ông chủ muốn hỏi gì kia ạ?
- Cô Célestine cô ác với tôi! Sao cô lại thế?
- Ông chủ bảo tôi là đồ điếm.
- Ô hay!
- Là đồ nhơ nhớp.
- Ô hay!
- Là tôi đầy bệnh tật.
- Ô hay! Cô Célestine, hãy nghe tôi nói này!
- Thôi đi, ông.
Ở đây tôi chẳng có gì thích thú. Không khí bẩn thỉu, làng xóm đìu hiu, ăn uống bỗ bã, trong người lúc nào cũng uể oải, tính nhạy cảm bị trơ lỳ, không còn biết gì là mơ mộng. Buổi tối chỉ còn biết kéo dài cuộc trò chuyện với chị bếp Marianne và anh đánh xe Joseph. Anh Joseph cũng không muốn đi đâu nữa, cứ muốn ở nhà với chúng tôi. Tôi thấy như anh phải lòng tôi: Nghĩ vậy tôi cũng thấy phấn khởi… Tôi chỉ ở nhà chẳng đi đâu… Tối nào cũng đem tiểu thuyết ra đọc. Cứ quyển truyện của Paul Bourget đọc mãi. Tiểu thuyết của ông không làm tôi say mê như trước đây. Trái lại tôi thấy chán, sách không thật. Đọc không thấy xúc động. Tôi biết hơn ông những gì đã có đằng sau cánh cửa phòng khách và dưới tấm áo bô-đê…
Tôi cứ khắc khoải vì sao không nhận được thư ở Paris, sáng nào người đưa thư cũng đến nhưng chẳng có gì cho tôi, tôi thấy buồn lòng như bị mọi người bỏ rơi, thấy lẻ loi đơn độc quá. Tôi cứ viết hoài gửi đi, nhất là gửi cho anh Jean những lá thư khẩn cấp, đầy buồn tủi. Tôi cầu mong họ hãy quan tâm đến tôi, kéo tôi ra khỏi địa ngục, tìm cho tôi ở Paris một việc làm, tầm thường thôi cũng được… Nhưng không một ai trả lời, kể cả bạn trai lẫn bạn gái. Tôi không ngờ họ lại thờ ơ, lạnh nhạt, vô tình đến thế…
Trong tình trạng ấy tôi phải bấu víu lấy những gì còn đọng lại trong tôi. Tôi bấu víu lấy những kỷ niệm và quá khứ: dù sao những kỷ niệm vui cũng nhiều hơn buồn; quá khứ đem lại niềm hi vọng rằng không phải tôi đã mất tất cả, thất bại chỉ là nhất thời. Vì vậy, nằm một mình trong phòng, nghe chị Marianne ngáy sôi lên ở bên kia vách, những tiếng ngáy tượng trưng cho hiện tại ảm đạm của tôi, tôi lại nhặt nhạnh những mảnh rời rạc của quá khứ, những mảnh đẹp đẽ, chắp vá lại để có viễn tưởng huy hoàng của tương lai.
Hôm nay là ngày 6 tháng mười, một ngày đầy kỷ niệm… Đã qua năm năm nhưng kỷ niệm vẫn còn như mới, vẫn sống mãnh liệt trong tôi. Ngày của một hồn ma ít tuổi, xinh đẹp, hiền lành chết vì tôi đã muốn cho hưởng quá nhiều vui sướng. Nó chết đã năm năm, chết vì tôi. Hôm nay ngày 6 tháng mười, là lần đầu tiên, từ năm năm nay, tôi không đem hoa đến mộ nó, như thường lệ. Nhưng tôi làm một bó hoa bền hơn, ngát hơn là những bông hoa tôi thường đặt ở mộ nó trước đây. Bó hoa ấy tôi kết bằng những bông hái từ trong tim tôi, ở đó chỉ nở những bông huệ trắng của tình yêu…
Tôi còn nhớ hôm ấy là một ngày thứ bảy… liền trong tám ngày, hôm nào tôi cũng đến phòng xếp việc Colisée. Mãi đến sáng hôm ấy người ta mới giới thiệu tôi với một bà già vận đồ tang… Cho đến bây giờ tôi chưa hề gặp người nào có nét mặt dễ thương như thế, có mắt hiền hậu, có cử chỉ giản dị và lời nói hấp dẫn như thế… Bà già tiếp đón tôi rất lịch sự khiến tôi ấm lòng:
- Con gái ơi, - bà già nói, - bà xếp việc rất khen ngợi con. Con xứng đáng với những lời khen ấy vì trông nét mặt thông minh, chân thật, vui vẻ của con, ta thấy phấn khởi lắm… Ta cần một người tin cẩn và tận tâm… Nhất là tận tâm… Ta biết rằng yêu cầu ấy là khó khăn đấy, vì con không quen biết ta thì làm sao mà tận tâm với ta được… ta sẽ nói để con thông cảm ta đang ở trong tình cảnh thế nào… Nhưng đừng đứng vậy con, ngồi xuống đây với ta đi.
Chỉ cần người ta nói với tôi một cách dịu dàng, chỉ cần người ta đừng coi tôi là một thực thể ở ngoài xã hội, ở bên lề cuộc sống, như một vật trung gian giữa con chó và con vẹt, là tôi xúc động ngay, là sống dậy trong tôi tâm hồn một đứa trẻ… là tôi quên ngay tất cả những mối hận thù, những ác cảm, là tôi có ngay lòng hỉ xả và tình yêu thương đối với những ai nói năng với giọng nhân hậu.
Chỉ ngồi bên cạnh bà, tôi đã thấy quí mến, kính trọng bà ngay… quí mến kính trọng thật sự…
Bà nói thêm:
- Chỗ làm này không thích thú gì lắm đâu con ạ.
- Không sao bà ạ… tôi làm được. Bà yêu cầu gì tôi cũng sẵn sàng.
Bà nhìn tôi trìu mến, tỏ vẻ cảm ơn và nói tiếp:
- Con cháu ta lần lượt chết gần hết. Bây giờ ta chỉ còn mỗi thằng cháu cũng đang ốm nặng không biết có qua được không.
Ngại không muốn gọi tên căn bệnh ghê gớm ấy, bà già đặt bàn tay đeo găng đen lên ngực vẻ mặt đau khổ… Bà nói:
- Tội nghiệp cho thằng bé! Rất ngoan, thật là quí, ta đặt cả hi vọng vào nó… Sau nó ta không còn ai nữa. Ta sẽ trơ trọi. Chẳng biết làm sao được nữa…
Mắt đã nhòa đi ứa lệ, bà lấy mùi soa lau và nói tiếp:
- Thầy thuốc nói chắc chắn rằng nó có thể khỏi được, chưa nặng lắm… Họ đề ra một chế độ có nhiều triển vọng… Cứ chiều đến Georges phải đi tắm biển một lần, nói đúng ra là nhúng người xuống nước biển, sau đó lấy khăn lau khô sát mạnh khắp cơ thể cho máu lưu thông, xong rồi uống một cốc rượu vang lâu năm, rồi nằm duỗi thẳng ít nhất một tiếng trên giường ấm… Điều ta muốn yêu cầu con trước tiên là thế… Nhưng quan trọng hơn cả là tính nết vui vẻ, trẻ trung, yêu đời… Ở nhà ta, những điều ấy hoàn toàn thiếu… Hai người giúp việc ta rất tận tâm nhưng lại già quá, buồn rượi và mặc cảm… Georges không thích họ. Cả ta đây nữa, đầu trắng xóa, quần áo tang đen, ta chỉ làm cho nó buồn thêm… Tệ hơn nữa là nhiều lúc ta không giữ được sự lo ngại của mình… Ta cũng biết rằng đây không phải là công việc của một cô gái như con, phải trông nom một đứa trẻ như thằng Georges đã mười chín tuổi… Người ngoài có khi bàn tán đấy… Nhưng ta không quan tâm đến họ. Ta chỉ quan tâm đến thằng cháu đang ốm của ta thôi… Ta tin tưởng ở con… Con là một người lương thiện, ta chắc thế…
- Vâng, thưa bà, - tôi trả lời, tin rằng bà già cho tôi là bậc thánh bà vừa tìm được để đến cứu thằng cháu bà.
- Còn thằng bé, - bà nói tiếp, - hơn cả tắm biển, nó muốn không lúc nào bị lẻ loi, nó cần có một gương mặt vui vẻ, tươi cười, luôn ở cạnh nó để xua đi khỏi đầu óc hình ảnh chết chóc, nó cần một người gây cho nó lòng tin tưởng ở sự sống…
- Tôi chấp nhận, thưa bà, - tôi xúc động trả lời – Bà cứ tin là tôi sẽ chăm nom thật tốt cho cậu Georges.
Đã thống nhất là ngay chiều hôm ấy tôi vào nhận việc và hôm sau nữa sẽ đi Houlgate, bà già đã thuê ở đấy một biệt thự đẹp bên bờ biển.
Bà già đã nói đúng. Georges là một đứa trẻ xinh xắn, đáng quí. Mặt nhẵn nhịn, không có râu, trông như mặt đàn bà… Cả cử chỉ của nó cũng vậy, hai bàn tay trắng trẻo, mềm mại, nổi gân xanh… Đôi mắt sáng rực… mi mắt quầng xanh như bị ánh mắt làm cháy xém… hố mắt như đầy ắp suy tư, đam mê, nhạy cảm, thông minh, có đời sống nội tâm phong phú. Đôi gò má như đã bị những bông hoa đỏ của cái chết xâm chiếm. Cái chết đến không phải vì bệnh tật mà vì sự sung mãn của sức sống đang gặm nhấm cơ thể bị héo mòn da thịt. Trông thằng bé vừa xinh đẹp vừa tội nghiệp. Khi bà lão dẫn tôi lại gần nó thì thấy nó đang nằm trên tấm ghế dài, trong tay cầm một bông hoa không có hương thơm. Nó đón tôi không như đón một người đầy tớ mà như một người bạn thân nó đang mong chờ… Còn tôi, tôi cũng đến với nó với sự yêu thương hết mình.
Trong lúc đi đường cũng như khi về đến Houlgate mọi việc suôn sẻ. Chúng tôi về đến nơi thì ở đấy đã sắp xếp xong. Tòa lâu đài ở đây rộng, đẹp, sáng sủa, vui tươi, trước mặt có sân thoáng mát, có ghế mây, bên trên có tấm bạt nhiều màu che nắng, phía ngoài là bờ biển. Một cầu thang xây bằng đá dẫn từ bờ đê xuống biển. Mỗi khi nước thủy triều lên, sóng lại tràn lên các bậc trên cùng của cầu thang. Ở tầng trệt, phòng của Georges mở nhiều cửa nhìn ra biển. Đối diện phòng Georges là phòng của tôi, một phòng rộng, tường căng thảm màu nhạt, quay mặt xuống vạt vườn nhỏ trồng mấy luống hoa. Tôi cảm thấy sung sướng tự hào được bà cụ chủ coi như một mệnh phụ, được chia sẻ một cuộc sống phong lưu, sang trọng, lịch sự. Tôi thấy như có chiếc đũa thần đã làm tôi đổi đời từ cuộc sống gian truân tủi nhục, bỗng được hưởng hạnh phúc, được chiều chuộng, quí mến, chẳng những tôi có một diện mạo đẹp đẽ ra mà trong lòng cũng thấy có những cái đổi mới. Đáp lại sự đối xử đặc biệt, sự tin tưởng tuyệt đối của bà cụ chủ nhà, tôi sẽ đem hết khả năng, tài tháo vát, trí thông minh vào việc chăm sóc thằng cháu của cụ. Tôi sẽ cứu nó ra khỏi bệnh tật, thoát khỏi cái chết. Tôi sẽ nói với bà cụ như sau để bà yên tâm:
- Bà đừng buồn, đừng lo, tôi hứa sẽ cứu khỏi cho cậu Georges, bà cứ tin tưởng ở tôi.
Đúng như thế. Chỉ sau mười lăm ngày, tôi thấy Georges khá lên nhiều. Tình trạng sức khỏe có nhiều tiến bộ. Những cơn ho thưa ra, nhẹ đi. Ăn được, ngủ được. Đêm nằm không ra mồ hôi như trước. Sáng dậy không uể oải… Georges đã có thể ngồi xe đi chơi những chặng đường dài. Cũng có những lần đi bộ dạo quanh nơi ở, mà không mệt… Sức khỏe đã phục hồi, những hôm đẹp trời, không nóng bức quá, chúng tôi ra sân ngồi thật lâu để hóng mát, xem phong cảnh chung quanh và đợi giờ đi tắm biển. Georges thấy vui, không nói đến ốm đau bệnh tật nữa… Cũng không nói đến chết chóc… Georges thích nghe tôi nói chuyện. Nó luôn bảo tôi: Kể chuyện đi, chị Célestine. Thấy nó có vẻ tin tưởng nên tôi đã kể cho nó nghe mọi chuyện của tôi, cả những chuyện điên rồ, đú đởn của tôi. Tôi kể cho nó nghe cả những chuyện thời niên thiếu của tôi, những ước mơ, nhưng khao khát của tôi, những nỗi bất hạnh và những cuộc bùng lên của tôi, những chặng đường làm người hầu phòng tôi đã đi qua, những tủi nhục tôi đã phải chịu. Tôi đã kể tất cả không giấu diếm gì, vì tuy nó còn ít tuổi, nhưng vì có tri thức và tài đoán trước như những người ốm thường có nên nó hiểu biết tất cả. Tôi tin rằng giữa nó và tôi sẽ mua có sự gần gũi thân mật, vì nó là đứa tốt nết và cũng mong mỏi có người gần kề cho đỡ hiu quạnh… Phần tôi, tôi cũng rất sung sướng nhờ sự tiếp xúc với nó mà đầu óc tôi có thể mở mang thêm.
Georges thích thơ lắm. Nhiều ngày ngồi trên sân trước cửa trong tiếng dạt dào sóng vỗ, hay những buổi tối, trong tĩnh mịch của căn phòng, nó bảo tôi đọc thơ Victor Hugo, thơ Baudelaine, thơ Verlaine, thơ Macterlinck cho nó nghe. Nhiều lúc thấy nó nhắm hai mắt, ngồi im, vòng tay trước ngực, tôi tưởng nó ngủ, tôi thôi đọc. Nó mỉm cười bảo tôi:
- Đọc nữa đi, chị. Tôi không ngủ đâu… Nhắm mắt để nghe chị đọc cho rõ hơn. Giọng chị hay lắm…
Thỉnh thoảng nó cũng bảo tôi dừng lại. Nó đọc thong thả những vần thơ nó thấy thích thú và giải thích cho tôi thấy cái hay…
Một hôm nó bảo tôi – và tôi coi những lời nói ấy của nó như thánh tích:
- Cái tuyệt vời của thơ là không cần là một người thông thái mới hiểu và thích… mà trái lại… Những người thông thái lại không hiểu, nhiều khi họ coi khinh, vì họ tự kiêu… Muốn yêu thơ, cần phải có tâm hồn, một tâm hồn nhỏ bé trong trắng như bông hoa… Nhà thơ nói với tâm hồn những người giản dị, những người buồn phiền, những người đau ốm… Họ bất tử chính vì thế… Khi người ta nhạy cảm là người ta đã là thi sĩ một tí… Chị Célestine, chị đã nhiều lúc nói cho tôi nghe những cái đẹp của thơ đấy…
- Trời! Cậu Georges, cậu nói gì vậy?
- Thật đấy, chị Célestine ạ. Chị nói nhiều cái hay mà chị không biết đấy thôi… Tuyệt lắm chị ạ…
Đấy là những giờ phút có một không hai trong đời tôi được thấy con tim mình rộn lên. Tôi thấy mình đã trở thành một con người mới, đã phát hiện ra cái gì mới có trong con người mình mà thật ra lại vốn là của mình… Ngày nay nếu tôi còn giữ cái thú đọc sách để vươn lên cái cao đẹp là nhờ có cậu Georges. Và ngày nay tôi viết được tập nhật ký này cũng là nhờ có cậu Georges.
Tôi sung sướng quá, sung sướng vì thấy cậu chủ dần dần phục hồi, da dẻ căng mịn lại, nét mặt hồng hào ra, sung sướng vì thấy gia đình cậu phấn khởi, tin tưởng vào sự phục hồi chắc chắn và mau chóng của cậu mà tác nhân của những biến chuyển thần kỳ ấy là tôi, một nàng tiên, một nữ hoàng… Họ quy cái thành công kỳ diệu ấy vào tinh thần tận tụy vô song, vào trí thông minh mẫn tiệp của tôi nhất là vào thái độ vui tươi, vào tác phong trẻ trung của tôi. Người ta cảm ơn tôi, quí công trạng của tôi, chúc phúc cho tôi, cho tôi nhiều tặng phẩm, họ đối đãi với tôi như đối đãi với một nhũ mẫu đã có công bú mớm cho một đứa trẻ ốm yếu sài đẹn để đứa trẻ sống được, khỏe mạnh lên.
Đôi khi bà già đã quên đi sự cách biệt về đẳng cấp thân mật nắm lấy tay tôi hôn, sướt mướt khóc và nói:
- Ngay khi mới gặp con ta đã biết.
Rồi bà bàn tính những cuộc tham quan, những buổi đi dạo ở ngoài ruộng hoa.
- Con ở lại đây mãi nhé. Con đừng đi đâu! – Bà bảo tôi
Lắm lúc được khen ngợi tôi thấy ngượng; nhưng nghĩ cho cùng thì cũng phải thôi. Giá người khác làm được như thế tôi cũng phải khen.
Nhưng rủi thay! Tình hình đã không tốt đẹp mãi như tôi tưởng.
Hôm ấy trời nóng nực, không khí nặng trĩu, sắp gió bão gì đây. Trên mặt biển nước đục màu chì xám xịt, những tảng mây đen đuổi nhau như những đoàn xe lọc cọc lăn bánh. Georges không muốn đi đâu, cũng không muốn ra sân ngồi như mọi ngày, chỉ muốn ở lại trong phòng. Do thời tiết, Georges có vẻ bứt rứt hơn mọi ngày, ngay nghe đọc thơ như mọi khi cũng không muốn nữa.
- Nghe đọc mệt lắm, tôi không muốn. Mà chị đọc hôm nay cũng không hay…
Georges sang phòng khách định dạo đàn, nhưng được vài nhịp không thích, lại bỏ quay về. Nó lại lấy giấy bút ra vẽ một lúc. Trên giấy thấy mấy hình phụ nữ. Nhưng rồi cũng lại bỏ giấy bút, đứng dậy, miệng càu nhàu:
- Không vẽ được. Tay cứ run lên. Mà chị hôm nay cũng thế nào ấy. Chị không ngồi im một chỗ…
Cuối cùng Georges nằm dài lên ghế, cạnh cửa lớn nhìn ra biển. Xa xa những chiếc thuyền đánh cá đang hối hả chạy về cảng Trouville để tránh bão… Georges lơ đãng nhìn theo những con thuyền lướt nhanh trên mặt biển…
Georges nói đúng. Tôi cũng thấy trong người bứt rứt không yên, cứ muốn chạy đi chạy lại, tìm việc gì làm để khuây khỏa cho Georges, nhưng chẳng tìm ra việc gì…
- Sao chị cứ loay hoay như thế, - Georges hỏi tôi. - Ngồi im có được không nào? Lại đây ngồi với tôi đi.
Tôi hỏi Georges:
- Cậu có thích đi chơi trên những con thuyền kia không? Tôi thích đi lắm!
- Chị nói làm gì chuyện ấy! Nói chuyện ấy có ích gì! Chị lại đây ngồi với tôi!
Tôi đến ngồi cạnh Georges. Nó thấy không muốn xem cảnh biển nữa, bảo tôi hạ rèm xuống…
- Hôm nay tôi thấy bứt rứt thế nào ấy, - Georges nói. – Cảnh biển cũng không thấy thích. Trông sợ lắm. Tôi chỉ muốn nhìn chị thôi…
- Hôm nay cậu không ngoan rồi! – Tôi tỏ ý không bằng lòng. – Cậu làm vậy không tốt. Bà đến thấy cậu vậy bà lại khóc mất.
- Nhưng sao chị cứ gọi tôi là “cậu”? Tôi không thích thế đâu.
- Tôi không thể gọi khác được… không thể…
- Chị cứ gọi tôi là Georges ngắn gọn vậy thôi…
- Không được. Không được, cậu ạ…
Nghe tôi nói vậy, nó thở dài:
- Kỳ lạ nhỉ! Vậy ra chị cứ mãi là kẻ tôi đòi à.
Rồi Georges im lặng. Suốt cả buổi chiều hôm ấy nó lì xì, chẳng nói chẳng rằng.
Sau bữa ăn trưa, gió bão nổi lên. Sóng biển tràn vào mãi bờ đê, vỗ ầm ầm… Georges không muốn đi nằm. Nó không sao ngủ được. Đêm thấy dài quá… nó nằm trên ghế dài. Tôi ngồi cạnh một bàn nhỏ. Trên bàn một ngọn đèn dầu đỏ quạch. Chúng tôi không trò chuyện gì. Georges vẫn im lặng. Ánh đèn làm tăng thêm nét hồng hào trên khuôn mặt xinh xắn, tinh tế của nó. Trong lúc đó tôi vẫn ngôi khâu…
Bỗng nó bảo tôi:
- Chị đừng khâu nữa, Célestine. Chị lại gần đây với tôi…
Tôi chiều ý nó. Tôi thấy nó dạt dào hân hoan. Tôi cho là nó muốn tỏ ra biết ơn.
- Chị lại gần đây… gần nữa… Chị đưa tay cho tôi.
Tôi không chút nghi ngờ cứ đưa tay. Nó cầm lấy tay tôi vuốt ve và nói.
- Tay chị xinh lắm… Mắt chị cũng xinh lắm… cả người chị đều xinh… Tất cả đều xinh…
Nó luôn khen tôi tốt… Nhưng chưa bao giờ khen tôi xinh. Tôi thấy ngạc nhiên trước câu nói chưa một lần nghe. Giọng nó lại hổn hển, tôi bất giác ngồi lùi ra.
- Đừng đi chị Célestine! Ở lại đây với tôi! Lại gần đây! – Nó vội vàng bảo tôi. – Gần chị tôi thấy sung sướng lắm… - Rồi ôm lấy tôi, kéo tôi lại gần nó, trên ghế dài. Nó hỏi tôi: - Thế này có “sao” không?
Tôi thấy trong lòng không yên. Mắt Georges rực sáng. Giọng nói run run – giọng nói của những người đàn ông khi ham muốn. Tôi thấy ngại, đầu óc quay cuồng. Để đề phòng cho tôi và cho cả nó, tôi trả lời:
- “Sao” lắm! Cậu Georges ạ. Để cho tôi đứng dậy.
Georges vẫn ôm chặt lấy tôi.
- Đừng chị, đừng đi, ở lại đây. Chị sợ à? Có gì mà sợ?
Rồi nó áp mặt vào mặt tôi. Tôi cảm thấy hơi nóng phả vào mặt… có cái gì lạnh lẽo, như tử khí…
Tôi thấy lo sợ quá phải kêu lên:
- Cậu Georges! Bỏ tôi ra! Cậu đừng làm vậy mà ốm đấy! Tôi van cậu! Bỏ tôi ra!...
Tôi chỉ kêu, không dám vùng vẫy sợ chân tay Georges yếu quá lại sao. Tôi khẽ gỡ tay nó ra. Nó cứ bám chặt lấy tôi, luồn tay vào dưới yếm tôi và sờ vú… Tôi lại nhắc:
- Bỏ tôi ra, cậu Georges! Làm vậy không tốt. Bỏ tôi ra!...
Cứ ra sức giữ tôi nên Georges mệt. Nó thở hổn hển, rồi ho khan…
- Đấy, cậu thấy chưa? – Tôi dịu dàng nói với Georges – Tôi đã bảo mà cậu không chịu nghe. Vậy là cậu ốm lại đấy! Bây giờ cậu nghe tôi. Nằm xuống, ngủ đi!
Georges bỏ tôi ra… Nằm xuống ghế… Tôi đặt cái gối xuống đầu nó… Nó thở dài, buồn bã:
- Tôi xin lỗi chị.
- Không phải xin lỗi cậu Georges ạ… Cậu cứ nằm im ngủ đi.
- Vâng, - Georges nói và nhìn lên cái vòng tròn ngọn đèn in trên trần nhà – Tôi điên đấy chị ạ. Tôi cứ tưởng chị có thể yêu tôi. Tôi chưa bao giờ được yêu, chị ạ… Tôi thấy xót xa lắm… Giá chị yêu tôi nhỉ… Thì tôi sẽ khỏi… Từ ngày chị về đây… Được gần chị… sự trẻ trung của chị… sự dịu dàng của chị… Đôi mắt chị… Bàn tay chị… những bàn tay xinh đẹp, mềm mại như nhung… vuốt ve tôi… tôi thấy trong người tôi… trong tâm hồn tôi… những nguồn lực mới trào lên… Và tôi nghĩ đến cái ấy… và bây giờ… Tôi điên dại…
Nghe Georges nói, tôi thấy bối rối… Tôi không biết nói thế nào… không biết làm gì… Những ý nghĩ mãnh liệt và trái ngược giằng xé hai đầu. Một đằng muốn nhào lại với nó, một đằng vì nhiệm vụ thiêng liêng lại muốn lánh xa. Tôi không dám để lộ hết nỗi lòng của mình. Tôi nói với nó:
- Đừng nghĩ những chuyện xấu, cậu Georges. Như vậy ốm đấy. Đừng thế, cậu nhé…
Nhưng Georges bảo tôi:
- Chị nghĩ thế cũng đúng. Chị thấy tôi ốm. Chị sợ mồm tôi đầu độc sang mồm chị. Rồi chị ốm. Chị chết, vì cái hôn của tôi… Chị nghĩ thế cũng đúng!
Những lời nói không đúng với ý nghĩ của tôi mà Georges vừa than thở làm tôi xúc động quá.
- Cậu đừng nói như thế, cậu Georges! – Tôi kêu lên – Nói vậy không đúng đâu, cậu ạ! Nói vậy làm tôi buồn lắm…
Tôi nắm lấy bàn tay nó. Hai bàn tay nóng hầm hập, dính nhém nhép. Hơi thở của nó ồ ồ như bễ thợ rèn.
Sợ quá! Sợ lắm!
Nó nói tiếp:
- Được chị hôn, tôi sẽ hồi sức, tôi sẽ sống lại… Chị cứ tưởng tôi khỏe lại là nhờ tắm biển và rượu vang. Nhưng không phải đâu. Đấy là nhờ được tắm trong tình yêu của chị, được uống tình yêu của chị. Chính là tình yêu của chị đã động viên dòng máu của tôi lưu thông trở lại. Chính là cái hôn của chị - một cái hôn mà tôi vô cùng khao khát, vô cùng mong muốn, vô cùng hy vọng, vô cùng chờ đợi, sẽ làm cho tôi khỏe ra, sống lại… Nhưng không được chị hôn, tôi cũng không giận chị đâu. Chị làm thế là đúng… Tôi hiểu lắm. Chị là một con chim nhỏ đậu bên một cành rồi lại bay đi đến một cành khác, vù…
- Buồn lắm cậu Georges ạ. Những lời cậu nói làm tôi buồn lắm…
Georges vẫn còn nói nữa:
- Sao mà buồn, chị? Không có gì đáng buồn… Vậy là đúng thôi. Chị tưởng tôi ốm vì tôi khát khao yêu đương… Chị không biết rằng yêu là sống… là sống mãi mãi… Vâng tôi hiểu… Tôi biết rằng cái hôn của chị đem lại nguồn sống cho tôi, còn đối với chị là cái chết… Thôi chẳng nói làm gì nữa!...
Phải chăng đấy là những lời trách móc đay nghiến của Georges hay chỉ là sự điên cuồng của tình yêu đang bùng lên? Tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng sau những lời nói ấy của Georges, tôi đã đổ người xuống chiếc ghế dài cạnh nó…
Tôi gắn mồm tôi vào mồm nó, chạm răng tôi vào răng nó với một sự hăm hở chưa từng có. Georges giang hai tay ghì chặt lấy tôi.
Nhưng tôi đã không lường trước được hậu quả của cái hôn đầu tiên ấy. Khi đã nằm trong vòng tay Georges tôi không sao bứt ra được nữa… Khi phút say sưa qua đi thấy Georges thở hổn hển, nằm cuộn tròn trong lòng tôi, tôi đã thấy hối hận vô cùng, tôi thấy tôi đã phạm tội giết người…
Nhưng Georges chẳng hề tỏ ra lo lắng, vẫn cuộn tròn trong lòng tôi, với vẻ biết ơn, đôi mắt ngây ngất nó nỏi:
- Tôi sung sướng quá! Bây giờ chết đi cũng được.
Ngừng một tí nó nói thêm:
- Chị đừng đi! Chị cứ ở đây với tôi suốt đêm…
Rồi một cơn ho nổi lên… Tôi thấy trong lòng bị giày vò, không cầm được nước mắt.
- Chị đừng khóc! Đừng lo! Tôi sung sướng thế này kia mà…
Những đêm tiếp theo cũng giống như cái đêm không thể nào quên được ấy.
Georges sút đi trông thấy. Nó gầy tọp đi, hai mắt lồi thố… Nó ho ra máu, ngất nhiều lần. Người như một bộ xương trong phòng thí nghiệm. Cả nhà lo buồn. Bà nó suốt ngày ngồi trong phòng, khóc lóc, cầu kinh lắng nghe từng tiếng động, theo dõi từng phút từng giây cái “hy vọng cuối cùng” của bà. Mỗi khi thấy tôi đi ra, bà lại chạy theo hỏi:
- Thế nào rồi? Triển vọng ra sao?
Thầy thuốc tìm đến xem bệnh chỉ kê đơn cho uống thuốc giảm đau.
Nhưng Georges vẫn vui, vẫn dạt dào tình cảm. Có lúc nó bảo tôi:
- Việc gì chị buồn? Tôi vẫn vui, vẫn sung sướng thế này kia mà! Nếu tôi có chết cũng không phải là quá đắt giá so với niềm hạnh phúc chị đã đem lại. Cảm ơn chị…
Hôm ấy đúng vào ngày 6 tháng mười… Mùa thu êm ả và ấm áp. Thầy thuốc khuyên nên kéo dài thêm thời gian an dưỡng ở bờ biển để đợi lúc chuyển về phương nam. Cả ngày hôm ấy Georges bình tĩnh. Tôi mở rộng cửa phòng cho thoáng. Nó đắp chăn cho đỡ gió và nằm thở không khí có lẫn iôt suốt bốn tiếng, có vẻ khoan khoái thoải mái. Chưa bao giờ thấy nó vui như thế. Nhưng nét mặt nó võ vàng quá, da dán đến xương, trông thảm thương quá. Nhiều lúc tôi phải đi ra ngoài khóc thầm. Tôi muốn đọc thơ cho nó nghe, nhưng nó gạt đi bảo:
- Đừng chị! Chị là cả một bài thơ rồi. Chị còn đẹp hơn thơ kia…
Đêm ngày 6 tháng mười ấy, Georges như không còn đau đớn gì. Nằm duỗi dài trên giường, đầu đặt cao trên gối, nó lấy tay mân mê bức rèm, miệng mỉm cười, nhìn tôi đi đi lại lại, mắt sáng như hai ngọn đèn.
Người ra cũng đặt trong phòng chiếc giường đơn để tôi nằm coi người ốm. Nhưng tôi không mấy khi nằm đấy, vì Georges cứ muốn tôi nằm cạnh nó.
Ngủ được hai tiếng, Georges thức dậy. Mở mắt ra, nhìn thấy tôi, nó hỏi:
- Chị lại khóc rồi! Chị khóc làm tôi buồn đấy. Chị lại nằm cạnh tôi đi!
Tôi không muốn trái ý nó. Mỗi khi không vừa lòng nó lại lên cơn, lại ngất đi. Tôi vừa đặt lưng xuống giường nó đã ôm chầm lấy tôi, dán môi vào môi tôi… Nó rên rỉ… Tôi nghe tiếng xương nó kêu lắc rắc…
Bỗng tay nó rời khỏi người tôi, rơi phịch xuống giường, môi nó rời khỏi môi tôi, máu ộc từ mồm nó ra khắp mặt tôi… Tôi bật dậy định kêu cứu. Nhưng nghĩ lại thấy không được… Tôi vội mở cửa phòng khách, mở cửa phòng ngủ, rồi lắng nghe… Không thấy động tĩnh gì. Mọi người trong nhà đang ngủ… Tôi quay vào giường bế Georges lên. Người nó nhẹ tọp. Máu trong miệng nó vẫn chảy ra ồng ộc như nước chảy từ miệng chai. Hai mắt nó lạc đi… quầng mắt đỏ ngầu. Tôi gọi: “Cậu Georges! Cậu Georges!”
Không thấy trả lời.
Tôi lại đặt nó xuống giường, đặt tay lên ngực nó. Tim nó thôi đập. Tôi sợ hãi quá, ngất đi.
Sau bao nhiêu lâu không biết, tôi tỉnh lại. Chỉnh đốn lại quần áo, sắp xếp lại giường chiếu, tôi chạy đi đánh thức người nhà, báo tin dữ…
Ôi chao! Cái đêm ấy mới khủng khiếp làm sao!
Hôm nay, ngày 6 tháng mười, tôi lại nhớ đến cái đêm ấy. Nằm nghe tiếng gió gào, tôi lại như nghe thấy tiếng gió gào từ ngoài biển xô sóng ập vào con đê ở tòa biệt thự Houlgate.
Đám tang của Georges xong, tôi không muốn ở lại nữa, tuy bà cụ chủ nhà khẩn khoản giữ tôi ở lại giúp việc cho bà… Tôi muốn đi khỏi cho nhanh, để không phải nhìn nét mặt sướt mướt của bà, không phải nghe những lời nức nở xé ruột của bà… Tôi muốn đi khỏi nhất là để không phải nghe những lời bà cụ cảm ơn tôi về sự tận tâm, về lòng dũng cảm, những lời bà gọi tôi là “con gái yêu quí” và ôm hôn tôi với tình thương dạt dào… Trong mười lăm ngày còn ở nán lại theo yêu cầu của bà, tôi đã nhiều lần muốn tự thú, tự xưng tội, tự tố cáo những lỗi lầm đã đè nặng lòng tôi… Nhưng nghĩ lại có ích gì? Có làm cho bà cụ nhẹ đi được chút nào đâu? Hay lại làm cho bà đau đớn thêm, xót xa thêm… Hơn nữa tôi cũng không có đủ can đảm để thú thật. Tôi đành đi khỏi, mang theo bí mật của riêng mình cùng với nhiều món quà bà tặng tôi…
Trong nhiều tháng tiếp theo có lúc tôi đã tưởng chết. Tôi sợ bị lây qua những cái hôn của cậu Georges. Hơi ươn người một tí, hơi đau gì đấy một tí là tôi lại thấy lo sợ. Nhiều đêm, tôi bỗng thức dậy mồ hôi trút trát nghẹt thở.
Tôi sờ ngực thấy tưng tức, thấy đau đau, nhiều lúc khạc ra tôi nhìn như trông thấy những tia máu, sỡ vào huyết quản thấy nẩy nẩy tôi cho là mình bị sốt. Nhìn vào gương tôi thấy như mắt mình sâu trũng xuống, gò má mình nhô lên, má mình ửng đỏ như má cậu Georges. Một hôm ở sàn khiêu vũ ra, tôi bị cảm và ho suốt một tuần, đã tưởng là hết đời… Tôi đã phải xông, phải đánh cảm, phải uống mọi thứ thuốc và cả đi lễ, đi cầu ở nhà thờ Antoine de Padoue… Rồi tôi khỏi, tôi lại dẻo dai trong công việc. Mọi cái qua đi…
Ngày sáu tháng mười năm ngoái cũng như những năm trước, tôi đi viếng mộ cậu Georges. Trên đường đi, tôi nhìn thấy bà cụ chủ nhà năm trước. Bà cũng đi thăm mộ cháu. Tôi thấy bà già đi nhiều rồi, phải có hai người đầy tớ dìu hai bên. Hai người cũng già, cũng yếu như bà. Lưng bà đã còng, bước chân lảo đảo, hai người dìu bà cũng lưng còng, cũng đi lảo đảo như bà… Tôi lùi lại và ẩn sau một ngôi mộ sợ bà nhận ra tôi… Tôi đứng đấy đợi cho bà già tội nghiệp rắc hoa lên mộ, lần tràng hạt và tưới hết nước mắt lên phần mộ của đứa cháu. Xong mọi việc, cả ba người dìu nhau ra về, vẫn bước đi mệt nhọc lảo đảo, lưng rạp xuống sát đất… Thấy bà cụ lại gần tôi phải nép lùi vào để khỏi nhìn thấy bà. Tôi cứ thấy sờ sợ, như có những bóng ma ẩn hiện diễu qua trước mặt mình… Không biết các cụ có trông thấy tôi? Chắc là không vì cụ cứ cúi mặt xuống đi, không nhìn xung quanh, cũng chẳng trò chuyện nói năng gì. Người ta có cảm tưởng đấy là ba xác chết hay là ba linh hồn chết đang đi tìm phần mộ của mình.
Tôi lại nhớ đến cái đêm khủng khiếp ấy, mặt tôi be bết máu, máu từ miệng Georges ộc ra. Tim tôi bỗng lạnh toát.
Ba cái bóng ma ấy giờ đây đang ở đâu? Có lẽ đã chết, không nữa thì cũng đang chết… Sau khi lang thang mãi trong nghĩa địa, ba cái bóng ấy cuối cùng đã tìm thấy cái hố của mình, nơi yên nghỉ giấc ngủ cuối cùng.
Kỳ lạ thay! Sao bà cụ lại lựa chọn tôi làm người trông nom đứa cháu ốm đau của cụ, một đứa trai xinh đẹp, trẻ trung như cậu Georges… Cụ đã không biết gì, không thấy gì, đã quá tin tưởng. Tôi thật sự ngạc nhiên…
Tôi đã gặp lại ông Đại úy Manger, từ bên đây hàng rào nhìn sang. Ngồi trước một luống đất vừa xới xong, ông đang trồng hoa păng-xê và hoa mặt trời. Thấy tôi đến, ông ngừng tay đến nói chuyện, ông không giận tôi về chuyện con chồn hôm trước. Ông còn tỏ ra vui vẻ. Ông khoe với tôi sáng nay ông vừa bóp cổ con mèo trắng của ông Lanlaire. Chắc là để trả thù cho con chồn.
- Đấy là lần thứ mười tôi bóp cổ nó, - ông nói vẻ hể hả vỗ tay vào đùi đen đét.  – Vậy là nó hết đến cào cửa sổ nhà tôi… Không bới các luống hoa nhà tôi nữa…
Ông nói và cười ngất… Rồi ông hỏi:
- Cô có biết con chồn hôm trước tôi làm thế nào không. Rồi ông tự trả lời: - Tôi hầm, nhưng ăn chả ra thế nào cả.
Ông còn kể cho tôi nghe tuần trước ông thấy ở dưới đống củi một con nhím. Ông đang dạy nó. Ông gọi nó là Bourbaki. Một con vật thông minh, hay đùa nghịch và ăn tất cả.
- Trong một ngày nó ăn năm sáu thứ, bít tết, đậu Hà Lan, thịt mỡ, phó mát, mứt. Ăn không biết no. Ăn tất cả như tôi…
Giữa lúc này thằng bé giúp việc chở qua một xe gạch ngói vỡ và các vỏ đồ hộp để đổ ra hố rác.
- Đem lại đây! – ông gọi thằng bé
Thấy ông hỏi, tôi đã trả lời rằng ông chủ tôi đi săn, còn bà chủ thì ra thành phố, Joseph chạy rông. Ông đã nhặt trong xe những hòn đá và những vỏ hộp ném sang vườn nhà ông chủ tôi, vừa ném vừa kêu lên:
- Này đồ con lợn, này đồ chó!
Gạch đá ném đầy lên mặt luống Joseph vừa cuốc xong hôm trước và đã gieo đậu.
Ông Manger sung sướng múa tay lên. Rồi ông quay lại bảo tôi:
- Cô Célestine, cô xinh lắm! Hôm nào Rose đi vắng, cô sang đây nhé.