Dịch giả : PHƯỚC LỘC
Chương XII
Địch công trò chuyện với viên cố vấn
Ông đề nghị được điều tra vụ án của ông Cao

    
rong lúc này Địch công đã đi vào tòa án bằng cổng chính. Ông đưa tấm danh thiếp của mình trên đó ghi “ Trần Mô, môi giới buôn bán” cho một trong những lính gác kèm theo vài đồng và yêu cầu anh ta phải đưa nó cho cố vấn Phan. Ngay sau đó một gia nhân đi đến và đưa ông qua sân chính của tòa án đến văn phòng của cố vấn Phan.
Phan đẩy đống tài liệu trên bàn sang một bên và mời Địch công ngồi xuống đối diện với ông ta. Ông rót một tách trà lớn từ bình trà trên bàn sau đó bắt đầu nói với vẻ mặt đầy buồn phiền:
- Ngài chắc đã có nghe những tin tức khủng khiếp, ông Trần! Thẩm phán gần như bị bấn loạn tâm thần vì những đau buồn. Tôi thực sự lo lắng cho ông ấy. Sáng nay đột nhiên ông ấy ra lệnh bắt giữ chủ ngân hàng Lăng Chiến, ông biết đấy. Và Lăng là một người nổi tiếng tại thị trấn này. Bây giờ cả thị trấn đang bàn tán về việc này! Tôi hy vọng rằng thẩm phán không mắc phải sai lầm… Tất cả mọi việc ngày hôm nay đều sai lầm! Tử thi không được khám nghiệm vì nhân viên pháp y đã rời khỏi thị trấn mà không hề thông báo cho chúng tôi biết. Và người đàn ông luôn luôn chú ý đến những tiểu tiết như thế! – ông chợt nhớ đến cách cư xử của mình và nhanh chóng hỏi – Tôi tin rằng ngài đã có một ngày dễ chịu, ông Trần? Ông đã đến thăm đền thờ quan công trong thị trấn? Chiều nay tiết trời khá nóng, tôi lo sợ nhưng tôi hy vọng …
- Tôi đã đến thăm một nơi rất kỳ lạ - quan án ngắt lời ông ta – trên con phố thứ hai bên trái cổng thành phía tây.
Ông quan sát kỹ lưỡng khuôn mặt của Phan nhưng nó hoàn toàn dửng dưng.
- Con phố thứ hai? – Phan lặp đi lặp lại - Ồ, bây giờ tôi đã hiểu! Ngài đã có chút sai lầm ở đây. Ý ngài muốn nói là con phố thứ ba, chắc chắn là thế! Phải, đó là một ngôi chùa phật giáo cũng đáng chú ý, nó rất cũ, ngài biết đấy. Nó được xây dựng ba trăm năm trước đây bởi một nhà sư người Ấn độ…
Địch công để cho ông ta nói toàn bộ câu chuyện mà không ngắt lời ông ta. Ông nghĩ rằng nếu Phan là người đã theo dõi cặp đôi kia thì ông ta đúng là một kịch sĩ đại tài. Khi Phan kết thúc bài thuyết trình về lịch sử của mình, quan án nói:
- Tôi sẽ không làm mất thời gian của ông thêm nữa. Vụ án giết bà Đặng chắc làm ông rất bận rộn, tất nhiên. Có bất kỳ manh mối nào về kẻ giết người chưa?
- Tôi không biết gì nhiều – Phan trả lời – nhưng quan huyện biết nhiều hơn. Ông nắm giữ các manh mối trong tay mình, điều này cũng dễ hiểu vì nạn nhân chính là vợ ông ta! Một bi kịch, một bi kịch thật khủng khiếp, ông Trần!
- Đây sẽ là một tin rất buồn đối với những bạn bè của họ - Địch công nhận xét – Bởi vì bà Đặng là một nữ thi sĩ, tôi cho rằng bà ta có quen biết rất nhiều với giới văn học tại đây.
- Tôi thấy rằng – Phan trả lời với một nụ cười – ngài không biết nhiều về gia đình họ Đặng! Họ rất ít khi ra ngoài, ngài biết đấy. Ngài thẩm phán nắm giữ rất nhiều công việc, tất nhiên, nhưng bên cạnh đó ông rất giữ kẻ. Ông không có bất kỳ người bạn nào trong thị trấn này. Ông có quan điểm rằng một thẩm phán phải hoàn toàn vô tư không có mối quan hệ nào với người địa phương. Và bà Đặng hầu như không bao giờ đi ra ngoài. Bà chỉ sử dụng một vài ngày để đến thăm người em gái goá bụa của mình. Chồng cô ta là một chủ đất giàu có, ông ta chết trẻ lúc mới được ba mươi lăm tuổi và cô ấy ba mươi. Ông để lại cho cô ta một căn nhà lộng lẫy bên ngoài cổng thành phía bắc. Không khí nơi đó có lẽ rất thích hợp với bà Đặng. Người giúp việc cho tôi biết bà ta rất vui vẻ và thoải mái khi bà ta trở về từ nơi đó. Và bà ta có lẽ cần điều đó trong khoảng thời gian này, trong vài tuần gần đây sức khỏe bà xấu đi, trông bà rất xanh xao và buồn bã… Và bây giờ bà ấy đã chết!
Sau một lúc ngưng lại, Địch công quyết định đây là lúc thích hợp nhất để tấn công trực tiếp. Ông làm như tình cờ nói:
- Hôm nay tôi tình cờ nhìn thấy trong một cửa tiệm một bức tranh của một trong những họa sĩ địa phương tên là Lăng Tề. Họ nói rằng anh ta rất thân thiết với bà Đặng.
 Ông già Phan có vẻ ngạc nhiên một chút. Nhưng sau đó ông nói:
- Tôi không biết điều đó, nhưng rất có thể, để tôi nghĩ xem. Người họa sĩ là họ hàng xa với người chủ đất đã chết, ông cũng thường xuyên đến thăm người em gái của bà Đặng. Đúng, anh ta chắc chắn có gặp bà Đặng, tất nhiên. Một điều đáng tiếc là anh ta mất sớm, anh ta là một họa sĩ tài năng. Những hình vẽ của anh ta về hoa và các loài chim rất tuyệt vời. Anh ta là chuyên gia trong việc vẽ hoa sen, một phong cách rất là độc đáo.
Quan án nghĩ rằng những điều này chẳng dẫn ông đi đến đâu cả. Ông đã biết được nơi những người tình hò hẹn với nhau nhưng ông không đến được gần hơn vấn đề chính, danh tính của người bí ẩn thứ ba liên quan đến vụ này. Và mô tả của người đàn bà trong nhà chứa dường như ám chỉ đến Phan: gầy và cao, có phong cách quan lại, đi khập khiểng… Ông quyết định thực hiện một cố gắng cuối cùng. Nghiêng người về phía trước ông nói với giọng thì thầm và bí mật:
- Hôm qua ông nói với tôi rất nhiều về các di tích lịch sử tại thị trấn này, ông Phan. Điều đó rất thú vị vào ban ngày. Nhưng sau khi trời tối những suy nghĩ của một khách du lịch cô đơn tự nhiên chuyển sang, à... một nghệ thuật gần gũi hơn, một vẻ đẹp hữu hình như ta có thể nói. Không nghi ngờ rằng có một vài nơi ở đây, nơi có những cô gái quyến rũ…
- Tôi không quan tâm cũng như không để ý đến các việc vui chơi phù phiếm đó – Phan ngắt lời ông một cách cứng nhắc – vì vậy tôi không thể cung cấp cho ngài bất kỳ thông tin nào mà ngài yêu cầu.
Sau đó, khi ông chợt nhớ ra người khách thô tục này đã được quận trưởng giới thiệu đến đây, ông nói thêm với nụ cười miễn cưỡng:
- Tôi lập gia đình lúc còn trẻ, ngài thấy đó, và tôi có hai người vợ, tám đứa con trai và bốn đứa con gái.
Địch công ngẫm nghĩ một cách buồn bã rằng kỷ lục thật sự ấn tượng này chắc chắn làm cho ông già Phan hết “xí quách”. Người khách bí ẩn có lẽ là một người nào đó còn chưa biết. Có lẽ bài thơ của bà Đặng sẽ cung cấp một đầu mối. Ông uống hết tách trà của mình sau đó nói tiếp:
- Mặc dù là một người buôn bán bình thường không cần phải hiểu biết về văn học nhưng tôi luôn đọc thơ của thẩm phán với lòng ngưỡng mộ. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một ấn bản thơ nào của vợ ông ta. Ngài có thể cho tôi biết tôi có thể tìm thấy chúng ở đâu không?
Phan mím môi.
- Thật là khó khăn! – ông trả lời – Bà Đặng là một người phụ nữ rất nhạy cảm và vô cùng khiêm tốn. Ngài thẩm phán thường nói với tôi rằng ông cố gắng thuyết phục cô ấy xuất bản thơ của mình nhưng cô luôn kiên quyết từ chối. Vì vậy ông phải từ bỏ ý định trong tuyệt vọng.
- Thật là đáng tiếc – Địch công nói – tôi muốn đọc thơ của cô ta để tôi có thể nói một vài điều đồng cảm với thẩm phán về những bài thơ ấy, để chia buồn với ông ta trước khi tôi rời khỏi đây.
- Được – Phan nói – có lẽ tôi có thể giúp ngài. Tuần trước, bà Đặng gởi cho tôi bản sao cuốn sách chép những bài thơ của bà ta, do chính tay bà ta viết lại. Cô ấy muốn nhờ tôi xác minh xem có sai lầm nào trong số các tài liệu tham khảo về các di tích lịch sử tại Hòa Bình. Tôi phải trả lại bản thảo này cho thẩm phán nhưng nếu ngài muốn ngài có thể xem nó tại đây ngay bây giờ.
- Tuyệt vời – Địch công kêu lên – tôi sẽ ngồi xem nó kế bên cửa sổ kia, ngài có thể tiếp tục công việc của ngài!
Phan mở ngăn kéo và lấy ra một gói giấy khá to được bọc bằng một mảnh giấy xanh. Quan án đi đến chiếc ghế bành đặt cạnh cửa sổ.
Đầu tiên, ông đọc lướt qua chúng. Nó được viết bằng nét chữ gọn gàng giống như hai câu thơ cuối của bài thơ ông nhìn thấy trong nhà chứa, chỉ có một vài khác biệt nhỏ. Điều này có thể lý giải là bản sao cuốn sách được viết ra một cách cẩn thận trong một thư viện yên tĩnh trong khi hai câu thơ kia được ghi một cách vội vàng trong cuộc gặp gỡ bí mật.
 Sau đó, ông bắt đầu đọc những bài thơ, từ những bài đầu tiên. Lập tức ông thấy mình đã bị quyến rũ bởi những vần thơ tuyệt vời này. Địch công có quan điểm hẹp hòi về thơ theo tinh thần của Nho giáo, theo đó thơ chỉ xứng đáng được gọi là thơ nếu phục vụ cho mục đích đạo đức hay giáo khoa. Thời trẻ bản thân ông từng viết một bài thơ dài về tầm quan trọng của nông nghiệp. Ông ít quan tâm đến những câu thơ trữ tình hoặc ghi lại tâm trạng của người viết. Nhưng ông phải thừa nhận rằng bà Đặng quả là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh, nó làm cho thơ của bà có một sự hấp dẫn đặc biệt. Bà có năng khiếu trong việc sử dụng từ ngữ, như một quy luật, bà chỉ cần sử dụng một từ để miêu tả tâm trạng hay hoàn cảnh, chỉ cần một từ là đã đủ để nói lên những điều cần thiết. Một số ví von nổi bật ông nhớ đã từng gặp trong những bài thơ của quan huyện Đặng đã xuất bản, rõ ràng hai người này đã hợp tác với nhau rất chặt chẽ.
Ông đặt gói giấy vào lòng mình và nhìn chằm chằm về phía trước với cái nhìn trống rỗng, trầm ngâm vuốt râu của mình. Phan nhìn ông một cách kinh ngạc nhưng ông không nhận thấy điều đó. Ông tự hỏi làm thế nào mà một nữ thi sĩ lớn, một người phụ nữ nhạy cảm và tinh tế, một người phụ nữ có gia đình hạnh phúc cùng người chồng cùng chung sở thích lại trở thành một người đàn bà ngoại tình. Đó là một phụ nữ mà những tình cảm tinh tế đã được thể hiện trong thơ của bà lại có thể ghi lại những câu thơ bẩn thỉu trong một cuộc gặp gỡ bí mật tại một nhà chứa, điều này hoàn toàn không thể tin được. Thật bất ngờ, một mối tình say đắm với một người thanh niên trẻ là điều hoàn toàn không thể. Nhưng người họa sĩ trẻ cũng thuộc loại người như chồng bà, có cùng chung sở thích. Ông giận dữ giật mạnh ria mép của mình. Nó hoàn toàn không phù hợp ở mọi mặt.
Đột nhiên ông nhớ ra có những khác biệt nhỏ trong nét chữ viết tay. Có thể người phụ nữ bí mật gặp gỡ họa sĩ không phải là bà Đặng mà đó là đứa em gái của bà, người góa phụ trẻ? Cô ta đã đeo bông tai và vòng đeo tay của bà Đặng, nhưng chị em có thể cho mượn đồ trang sức của nhau. Người họa sĩ có họ hàng xa với người chồng quá cố, vì vậy góa phụ trẻ có nhiều cơ hội gặp gỡ anh ta hơn là bà Đặng. Hơn nữa, họ là hai chị em. Ông hỏi Phan:
- Hãy nói cho tôi biết, người em của bà Đặng có phải sống ở ngôi nhà bên ngoài cổng thành phía bắc?
- Theo như tôi biết – Phan trả lời – chỉ có một người em, ông Trần, và đó là góa phụ của chủ đất.
Quan án trả lại tập thơ cho ông ta.
- Những bài thơ tuyệt vời! – ông nhận xét.
Bây giờ ông cảm thấy chắc chắn rằng người góa phụ trẻ chính là nhân tình của Lăng Tề. Tất nhiên là chữ viết tay của cô ta sẽ gần giống chữ của bà Đặng bởi vì lúc còn trẻ họ đã cùng học chung một gia sư. Có lẽ cô ta đã lên kế hoạch kết hôn với người họa sĩ ngay sau khi mãn tang chồng. Các cuộc gặp gỡ bí mật của họ tất nhiên là hoàn toàn sai nhưng đó không phải là mối quan tâm của ông. Do đó ông cũng chẳng cần quan tâm đến gã đàn ông đồi truỵ bí ẩn đã lén lút theo dõi cặp đôi này. Ông đã sai lầm. Ông đứng lên với một tiếng thở dài và nhờ Phan thông báo để ông gặp quan huyện.
Khi Địch công ngồi cùng với quan huyện Đặng tại bàn trong thư viện của ông ta, ông nói:
- Ngày mai chúng tôi sẽ rời khỏi thị trấn này, ông Đặng. Tôi đã làm hết sức mình nhưng đã thất bại khi không phát hiện ra một dấu hiệu nhỏ nào trong giả thuyết của tôi về một kẻ đột nhập liên quan đến cái chết của vợ ngài. Ngài nói đúng, có quá nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tối nay tôi sẽ cố gắng tìm một giải thích hợp lý về việc thi thể của bà Đặng được phát hiện trong đầm lầy và tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự chậm trễ trong việc báo cáo bi kịch này cho quận trưởng.
Đặng gật đầu. Ông nói:
- Tôi đánh giá rất cao những việc ngài đã làm cho tôi, Địch. Chính tôi mới là người phải xin lỗi vì đã lôi ngài vào những rắc rối này và phá hỏng kỳ nghĩ của ngài! Sự hiện diện của ngài trong sự việc này là một niềm an ủi lớn lao đối với tôi. Sự hiểu biết, thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ của ngài tôi sẽ không bao giờ quên, Địch.
Quan án xúc động. Đặng hoàn toàn có quyền trách móc ông vì ông đã giả mạo bằng chứng và làm chậm tiến trình điều tra vụ giết người. Hơn nữa, ông đã làm cho Đặng nuôi hy vọng. Ông chợt cảm thấy vui mừng vì đã điều nhân viên pháp y đi nơi khác với một tin nhắn giả mạo. Trong thời tiết nắng nóng như thế này thì thi thể sẽ phân huỷ nhanh chóng và một cuộc khám nghiệm tử thi chi tiết là một điều không thể. Do đó Đặng sẽ may mắn khi không hề biết ông ta đã làm những gì trước khi giết chết vợ mình. Địch công nghĩ rằng đó là một việc rất lạ nhưng ai mà biết được những gì diễn ra trong đầu một người mắc bệnh tâm thần. Ông nói:
- Tôi hy vọng ngài sẽ cho tôi một cơ hội để có thể cố gắng làm cho bản thân mình hữu ích ở một khía cạnh khác, Đặng. Cụ thể là trong vụ án về cái chết của Cao Chí Nguyên. Tôi hy vọng rằng ngài nói rằng mình đang bệnh và quá mệt mỏi với các giả thuyết của tôi nhưng thực tế là tôi đã tìm ra một số bằng chứng thú vị đối với vụ án đó. Ông chủ ngân hàng Lăng Chiến đã nhúng tay vào vụ đó. Ông ta thú nhận với tôi là ông ta đã lừa đảo Cao một số tiền lớn. Đó là lý do tại sao tôi đã gửi một thông báo yêu cầu ngài bắt giữ ông ta. Tôi nghe nói rằng ngài đã tuân thủ các yêu cầu của tôi ngay lập tức. Tôi thực sự rất xấu hổ bởi sự tin tưởng của ngài đối với khả năng ít ỏi của tôi, Đặng! Nhưng tôi tin tưởng rằng trong vụ án này ít nhất tôi sẽ không làm cho ngài thất vọng!
Quan huyện đưa hai tay lên che mặt với một cử chỉ mệt mỏi.
- Đó là sự thật! – ông nói – tôi hoàn toàn quên mất vụ án đó!
- Hôm nay ngài sẽ không cần phải đi sâu vào vụ án đó hơn nữa, tôi nghĩ thế. Ngài sẽ giúp ích rất nhiều cho tôi nếu cho phép tôi thực hiện cuộc điều tra này cùng với viên cố vấn của ngài.
- Chắc chắn rồi – Đặng trả lời – ngài hoàn toàn đúng khi cho rằng tôi không thể điều tra về vụ án phức tạp này. Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì nhưng chúng ta còn một cuộc nói chuyện với quận trưởng vào ngày mai. Ngài suy nghĩ rất thấu đáo, Địch!
Quan án cảm thấy xấu hổ. Đặng bề ngoài có vẻ là một người đàn ông lạnh lùng nhưng sâu bên trong lại là một con người đầy tình cảm ấm áp. Ông thật là kẻ ngốc khi cho rằng vợ của ông ta lại lừa dối ông ta. Ông nói:
- Cảm ơn ngài, Đặng! Tôi đề nghị ngài cho Phan biết danh tính thật sự của tôi để tôi có thể chính thức điều tra vụ án cùng với ông ta.
Quan huyện vỗ tay. Khi người quản gia già xuất hiện, ông bảo ông ta đi gọi Phan Vũ Tề.
Viên cố vấn già đã sửng sốt khi biết được danh tính thực sự của Địch công. Ông ta ngay lập tức bắt đầu một lời xin lỗi dài cho thái độ của mình trước đây đối với quan án. Nhưng Địch công ngắt lời ông và bảo ông đừng quan tâm đến chuyện trước đây.
Khi Phan vẫn còn đang bối rối dẫn quan án đến văn phòng của ông ta, quan án nhận thấy rằng bên ngoài trời đã tối. Ông nói với Phan:
- Tôi nghĩ rằng cả hai chúng ta nên đi ra ngoài để tìm kiếm chút không khí trong lành! Tôi sẽ rất hài lòng nếu ngài cùng ăn tối với tôi tại một nhà hàng và giới thiệu một số món đặc sản của địa phương cho tôi.
Phan phản đối rằng ông không thể nào chấp nhận vinh dự này; nhưng quan án nhấn mạnh rằng đối với mọi người xung quanh, ông, sau tất cả mọi việc, vẫn là ông Trần, một người môi giới mua bán. Cuối cùng viên cố vấn già đành phải đồng ý và họ rời khỏi tòa án cùng với nhau.