Chương 49

    
ử kín” là một khái niệm Danny còn chưa từng trải qua. Ông Munro giải thích một cách rất chi tiết tại sao ông cũng như Desmond Galbraith đã thống nhất sử dụng phương thức này để giải quyết tranh chấp giữa hai bên.
Cả hai bên đều đồng ý sẽ là không khôn ngoan khi để mối bất hòa bên trong gia đình bị trưng ra trước công chúng. Galbraith còn đi xa đến mức thừa nhận thân chủ của mình rất dị ứng với báo giới, còn Munro cũng đã cảnh báo Sir Nicholas nếu cuộc tranh chấp của họ bị đưa ra xử trong một phiên tòa công khai, thì kết cục sẽ là quãng thời gian ngồi tù của anh sẽ bị trưng lên các trang báo lá cải nhiều hơn bất cứ vụ tranh chấp nào liên quan tới di chúc của ông nội anh.
Cả hai bên cũng đã chấp nhận đưa tranh chấp ra phân xử trước một thẩm phán tòa án tối cao, và quyết định của vị thẩm phán này sẽ là phán quyết cuối cùng: một khi phán quyết đã được đưa ra, không bên nào có quyền kháng án. Sir Nicholas và ông Hugo Moncrieff đều ký một bản cam kết có giá trị ràng buộc pháp lý về việc này trước khi thẩm phán đồng ý tiến hành xét xử.
Danny ngồi bên cạnh ông Munro sau một chiếc bàn kê ở một phía của căn phòng, trong khi Hugo và Margaret Moncrieff ngồi cạnh Desmond Galbraith sau chiếc bàn kê ở phía bên kia phòng. Ngài thẩm phán Sanderson ngồi sau chiếc bàn của mình, đối diện với họ. Không ai trong số những người tham dự mặc trang phục chính thức của tòa án, vì vậy không khí trong phòng cũng bớt căng thẳng hơn. Ngài thẩm phán bắt đầu phiên tòa bằng cách nhắc lại cho cả hai bên rằng mặc dù vụ kiện được xét xử trong một phiên tòa kín, kết quả vẫn có toàn bộ giá trị pháp lý. Ông có vẻ hài lòng khi cả hai bên gật đầu.
Thẩm phán Sanderson đã không chỉ chứng tỏ ông là một người chấp nhận được với cả hai bên, mà, theo nhận xét của Munro, còn là “một con cú già khôn ngoan.”
“Thưa quý vị,” ngài thẩm phán bắt đầu. “Sau khi đã làm quen với các tình tiết của vụ tranh tụng này, tôi hiểu rõ nó có ý nghĩa như thế nào với cả hai bên. Trước khi tôi bắt đầu, tôi có trách nhiệm phải hỏi liệu hai bên đã tiến hành mọi nỗ lực có thể để đi đến một thỏa hiệp chưa?”
Desmond Galbraith đứng dậy tuyên bố Sir Alexander đã viết một bức thư không khoan nhượng, nói rõ ông muốn tước quyền thừa kế của cháu nội sau khi anh này đã bị đưa ra tòa án binh, và thân chủ của ông ta, ông Hugo Moncrieff, chỉ muốn thực hiện ước nguyện của bố mình.
Ông Munro đứng lên chỉ rõ thân chủ của mình không phải là người đâm đơn kiện đầu tiên, và cũng không phải là người khởi đầu tranh chấp pháp lý hiện tại, nhưng cũng như ông Hugo Moncrieff, thân chủ của ông cũng cảm thấy nhất thiết ước nguyện của ông nội anh phải được thực hiện. Ông dừng lại trước khi nói nốt, “đúng từng chữ.”
Ngài thẩm phán nhún vai, đành chấp nhận rằng ông không thể đạt được bất kỳ hình thức thỏa hiệp nào giữa hai bên. “Vậy chúng ta hãy bắt đầu từ điểm đó,” ông nói. “Tôi đã đọc tất cả các giấy tờ được trình lên và cũng đã cân nhắc tới bất cứ bằng chứng nào hai bên có thể đưa ra sau đây. Với ý thức như vậy, tôi dự định tuyên bố ngay từ đầu những gì tôi coi là có ý nghĩa trong vụ này, và những gì tôi coi là không có ý nghĩa. Không bên nào bàn cãi việc Sir Alexander Moncrieff đã thảo ra một di chúc vào ngày mười bảy tháng một năm 1997, trong đó ông để lại toàn bộ bất động sản của mình cho cháu nội Nicholas, lúc đó là sĩ quan đang phục vụ tại Kosovo.” Ông nhìn lên tìm kiếm sự xác nhận, và cả Galbraith lẫn Munro cùng gật đầu.
“Tuy nhiên, ông Galbraith, nhân danh thân chủ mình là ông Hugo Moncrieff, đã tuyên bố rằng đây không phải là di chúc và chúc thư cuối cùng của Sir Alexander, và rằng vào một thời điểm muộn hơn” - ngài thẩm phán cúi xuống xem lại các ghi chép của mình - “ngày một tháng mười một năm 1998, Sir Alexander đã thảo một bản di chúc thứ hai, để lại toàn bộ tài sản của cho con trai ông là Angus. Sir Angus đã qua đời ngày mười hai tháng năm năm 2002, và trong di chúc và chúc thư cuối cùng của mình đã để lại mọi thứ cho em trai mình, Hugo.”
“Ông Galbraith, nhân danh thân chủ của mình, cũng đã đưa ra bằng chứng là một bức thư do Sir Alexander ký tên, trong đó giải thích lý do ông thay đổi ước nguyện của mình. Ông Munro không bàn cãi về tính xác thực của chữ ký tại trang thứ hai của bức thư, nhưng cho rằng trang đầu tiên trên thực tế đã được tạo ra vào một thời điểm muộn hơn. Ông tuyên bố dù không thể đưa ra bằng chứng nào biện minh cho suy đoán này, sự thật đó sẽ trở thành hiển nhiên khi bản di chúc thứ hai bị chứng minh là không hợp pháp.”
“Ông Munro cũng đã cho tòa được biết ông không hề cho rằng Sir Alexander, nói theo thuật ngữ pháp lý, không ở trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo vào thời điểm chúng ta đang quan tâm đến. Ngược lại, hai người đã cùng ăn tối với nhau chỉ một tuần trước khi Sir Alexander qua đời, và sau bữa tối vị chủ nhà đã thắng ông một cách tuyệt đối khi hai người chơi cờ vua.”
“Như vậy tôi có trách nhiệm phải nói với hai bên rằng theo quan điểm của tôi câu hỏi duy nhất cần phán xét trong vụ tranh tụng này là giá trị pháp lý của bản di chúc thứ hai, mà ông Galbraith tuyên bố, nhân danh thân chủ của mình, là di chúc và chúc thư cuối cùng của Sir Alexander Moncrieff, trong khi ông Munro lại tuyên bố, mặc dù không thực sự nói ra một cách trực tiếp, rằng bản di chúc đó là giả mạo. Tôi hy vọng cả hai bên coi đây là một đánh giá khách quan vào thời điểm hiện tại. Nếu vậy, tôi sẽ yêu cầu ông Galbraith trình bày phần biện hộ của mình nhân danh ông Hugo Moncrieff.”
Desmond Galbraith đứng lên. “Thưa ngài thẩm phán, về phía mình, thân chủ của tôi và tôi chấp nhận rằng điểm bất đồng duy nhất giữa hai bên liên quan tới bản di chúc thứ hai, mà như ngài vừa nói chúng tôi hoàn toàn tin chắc là di chúc và chúc thư cuối cùng của Sir Alexander. Chúng tôi xin đưa ra đây bản di chúc cùng bức thư đính kèm làm bằng chứng cho tuyên bố của mình, và chúng tôi cũng muốn mời ra trước tòa một nhân chứng mà chúng tôi tin sẽ giúp phân xử dứt khoát vấn đề này.”
“Tòa chấp nhận,” thẩm phán Sanderson nói. “Hãy mời nhân chứng của ông vào.”
“Tôi xin mời giáo sư Nigel Fleming,” Galbraith nói, quay người nhìn ra phía cửa.
Danny quay sang hỏi Munro liệu ông có biết vị giáo sư này không. “Chỉ biết qua danh tiếng,” Munro đáp trong khi một người đàn ông cao ráo, dáng vẻ lịch lãm với mái tóc màu xám bước vào phòng. Khi vị giáo sư tuyên thệ, Danny chợt nghĩ ông ta làm anh nhớ tới những vị quan chức thường tới thăm Clement Attlee mỗi năm một lần để trao giải thưởng - dù không bao giờ cho anh.
“Giáo sư Fleming, xin mời ông ngồi,” ngài thẩm phán Sanderson nói.
Galbraith vẫn đứng như cũ. “Giáo sư, tôi cảm thấy được biết rõ hơn về năng lực chuyên môn và mức độ tin cậy ông có thể đem tới cho vụ tranh tụng này là rất quan trọng đối với tòa, vì vậy tôi hy vọng ông thứ lỗi nếu tôi hỏi ông một số câu hỏi có liên quan tới chuyên ngành của ông.”
Ông giáo sư khẽ cúi người.
“Vị trí hiện tại của ông?”
“Tôi là giáo sư hóa vô cơ tại Đại học Edinburgh.”
“Có phải ông đã viết một cuốn sách về mối liên hệ giữa chuyên ngành này với tội phạm, cuốn sách đã trở thành một công trình chuẩn mực về chủ đề kể trên và được đưa vào giảng dạy trong chương trình của các khóa học tư pháp tại hầu hết các trường đại học?”
“Tôi không thể khẳng định là ở hầu hết các trường đại học, ông Galbraith, nhưng tại Edinburgh thì đúng là như vậy.”
“Thưa giáo sư, có đúng là trong quá khứ đã có một số chính phủ tìm kiếm sự tư vấn của ông trong các vụ tranh chấp có tính chất tương tự như vụ này không?”
“Tôi không muốn cường điệu quá mức tín nhiệm của mình, ông Galbraith. Tôi từng ba lần được các chính phủ liên hệ để tư vấn cho họ về tính xác thực của các tài liệu khi có bất đồng xuất hiện giữa hai hay nhiều quốc gia.”
“Rất ấn tượng. Vậy cho phép tôi được hỏi, thưa giáo sư, đã bao giờ ông làm chứng trước tòa khi tính xác thực của một bản di chúc bị nghi ngờ chưa?”
“Có, thưa ngài, trong mười bảy trường hợp khác nhau.”
“Và ông hãy cho tòa biết, thưa giáo sư, bao nhiêu trường hợp trong số đó đã kết thúc với một phán quyết chứng tỏ tính chính xác của những gì ông tìm thấy.”
“Tôi chưa bao giờ cho rằng phán quyết được đưa ra trong những trường hợp đó chỉ hoàn toàn dựa vào lời chứng của mình.”
“Nói rất hay,” ngài thẩm phán lên tiếng với nụ cười châm biếm. “Tuy nhiên, thưa giáo sư, câu hỏi ở đây là bao nhiêu trong số mười bảy phán quyết phù hợp với quan điểm của ông?”
“Mười sáu, thưa ngài,” vị giáo sư trả lời.
“Xin mời tiếp tục, ông Galbraith,” ngài thẩm phán nói.
“Giáo sư, không biết ông đã có dịp nghiên cứu bản di chúc của Sir Alexander Moncrieff đã quá cố, điểm trung tâm của vụ tranh tụng này chưa?”
“Tôi đã xem qua cả hai bản di chúc.”
“Liệu tôi có thể hỏi ông một số câu hỏi về bản di chúc thứ hai được không?” Ông giáo sư gật đầu. “Thứ giấy được dùng để viết bản di chúc đó có phải là một loại giấy sẵn có vào thời gian đó không?”
“Chính xác là vào thời gian nào, ông Galbraith?” ngài thẩm phán hỏi.
“Tháng mười một năm 1998, thưa ngài thẩm phán.”
“Phải,” ông giáo sư trả lời. “Tôi tin tưởng, dựa trên các bằng chứng khoa học, rằng đó cũng chính là loại giấy được sử dụng cho bản di chúc đầu tiên, được viết vào năm 1997.”
Ngài thẩm phán hơi nhướng mày, nhưng không ngắt lời. “Có phải dải ruy băng đỏ được gắn vào bản di chúc thứ hai cũng thuộc cùng loại không?” Galbraith hỏi.
“Phải, tôi đã tiến hành các thí nghiệm trên cả hai dải ruy băng, và kết quả cho thấy chúng được sản xuất vào cùng thời gian.”
“Vậy ông có thể, thưa giáo sư, đi đến kết luận nào về chữ ký của Sir Alexander xuất hiện trên hai bản di chúc.”
“Trước khi tôi trả lời câu hỏi này, ông Galbraith, ông cần hiểu rằng tôi không phải là một chuyên gia về chữ viết, nhưng tôi có thể nói với ông rằng loại mực đen được dùng để ký tên được sản xuất trước năm 1990.”
“Có phải ông đang nói với tòa,” ngài thẩm phán lên tiếng, “rằng ông có thể xác định tuổi của một lọ mực với sai số chỉ trong vòng một năm so với thời điểm sản xuất?”
“Có những trường hợp, thậm chí là một tháng,” ông giáo sư nói. “Thực ra, tôi có thể cam đoan rằng loại mực được dùng để ký tên trong cả hai bản di chúc xuất phát từ cùng một lọ được Waterman sản xuất năm 1985.”
“Bây giờ tôi muốn xem xét tới chiếc máy chữ được sử dụng cho bản di chúc thứ hai,” Galbraith nói. “Chiếc máy chữ này thuộc về nhãn hiệu nào, và lần đầu tiên được đưa ra thị trường khi nào?”
“Đó là một chiếc Remington Envoy II, được tung ra thị trường năm 1965.”
“Như vậy có thể khẳng định,” Galbraith nói thêm, “giấy, mực, giải ruy băng và chiếc máy chữ đều có sẵn trước tháng mười một năm 1998.”
“Không nghi ngờ gì nữa, theo phán đoán của tôi,” ông giáo sư nói.
“Xin cảm ơn giáo sư. Nếu ông vui lòng đợi thêm một chút, tôi có cảm giác ông Munro sẽ có vài câu hỏi dành cho ông.”
Munro từ tốn đứng dậy. “Tôi không có câu hỏi nào cho nhân chứng, thưa ngài thẩm phán.”
Ngài thẩm phán không có phản ứng gì. Tuy thế, không thể nói tương tự về Galbraith, lúc này đang tròn mắt nhìn người đồng nghiệp của mình không tin nổi. Hugo Moncrieff hỏi vợ mình về ý nghĩa điều Munro vừa nói, trong khi Danny nhìn thẳng về phía trước, không thể hiện bất cứ cảm xúc nào, đúng như Munro đã chỉ đạo anh.
“Ông có triệu thêm nhân chứng nào không, ông Galbraith?” ngài thẩm phán hỏi.
“Không, thưa ngài. Tôi chỉ có thể hiểu rằng việc người bạn đồng nghiệp đầy hiểu biết của tôi không đối chất với giáo sư Fleming có nghĩa là ông đã chấp nhận lời chứng của giáo sư.” Ông ta dừng lại. “Mà không đặt câu hỏi.”
Munro không hề đứng dậy, theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.
“Ông Munro,” ngài thẩm phán nói, “ông có muốn bắt đầu phần biện hộ của mình không?”
“Một cách ngắn gọn, nếu ngài cho phép,”Munro nói. “Giáo sư Fleming đã khẳng định rằng bản di chúc và chúc thư đầu tiên của Sir Alexander, trong đó dành quyền thừa kế cho thân chủ của tôi, là hoàn toàn xác thực. Chúng tôi chấp nhận quan điểm này của giáo sư. Như ngài đã nói ở đầu phiên tranh tụng này, thưa ngài thẩm phán, câu hỏi duy nhất được đặt ra trước tòa hôm nay là giá trị pháp lý của bản di chúc thứ hai, mà...”
“Thưa ngài thẩm phán,” Galbraith đứng bật dậy. “Có phải ông Munro đang đề xuất với tòa rằng quan điểm chuyên môn của giáo sư dành cho bản di chúc thứ nhất có thể được loại bỏ, một cách rất thuận tiện cho ông, khi xem xét tới ý kiến của giáo sư với bản di chúc thứ hai?”
“Không, thưa ngài thẩm phán,” Munro nói. “Giá như người đồng nghiệp thông thái của tôi tỏ ra kiên nhẫn hơn một chút, ông sẽ thấy đó không phải là điều tôi muốn nói. Giáo sư đã nói với tòa rằng ông không phải là một chuyên gia về giám định chữ ký...”
“Nhưng thưa ngài thẩm phán, ông cũng đã xác nhận,” Galbraith lên tiếng, lại đứng dậy lần nữa, “rằng loại mực dùng để ký tên cho hai bản di chúc đều thuộc về một lọ.”
“Nhưng tôi dám cho rằng không phải từ cùng một bàn tay,” Munro nói.
“Vậy ông sẽ mời một chuyên gia giám định chữ viết?” ngài thẩm phán hỏi.
“Không, thưa ngài, tôi sẽ không làm vậy.”
“Ông có bằng chứng nào cho thấy chữ ký là giả mạo không?”
“Không, thưa ngài, tôi không có,” Munro lặp lại.
Lần này ngài thẩm phán thực sự nhướng mày lên. “Ông Munro, ông có định mời nhân chứng nào ra để hỗ trợ cho lời biện hộ của mình không?”
“Có, thưa ngài thẩm phán. Giống như người đồng nghiệp đáng kính của mình, tôi sẽ chỉ cho mời một nhân chứng duy nhất.” Munro dừng lại giây lát, ý thức được rằng ngoại trừ Danny, người thậm chí không nháy mắt, những người còn lại trong phòng đều tò mò muốn biết nhân chứng kia là ai. “Tôi muốn cho gọi ông Gene Hunsacker.”
Cánh cửa mở ra, và thân hình ngoại cỡ của người đàn ông Texas chậm chạp đi vào căn phòng. Danny cảm thấy có điều gì đó khác lạ, rồi nhận ra đây là lần đầu tiên anh thấy Hunsacker không mang theo điếu xì gà quen thuộc của mình.
Hunsacker đọc lời tuyên thệ, tiếng của ông ta vọng lại oang oang trong phòng.
“Xin mời ông ngồi, ông Hunsacker,” ngài thẩm phán nói. “Vì chúng ta chỉ có một nhóm tương đối nhỏ ở đây, có lẽ chúng ta nên trao đổi với nhau ở mức vừa đủ nghe hơn.”
“Tôi rất xin lỗi, thưa quý tòa,” Hunsacker nói.
“Không cần phải xin lỗi,” ngài thẩm phán nói. “Xin mời ông tiến hành, ông Munro.”
Munro đứng dậy mỉm cười với Hunsacker. “Để làm biên bản, ông có thể vui lòng nói rõ tên và nghề nghiệp của bản thân được không?”
“Tên tôi là Gene Hunsacker đời thứ ba, và tôi đã nghỉ hưu.”
“Vậy trước khi nghỉ hưu ông đã làm gì, ông Hunsacker?” ngài thẩm phán hỏi.
“Không nhiều lắm, thưa ngài. Ông cụ nhà tôi, giống như cụ thân sinh ra ông, là chủ trại chăn nuôi gia súc, nhưng tôi đã không bao giờ nối nghiệp cụ, nhất là từ khi người ta phát hiện ra dầu trên đất của tôi.”
“Vậy ông là người khai thác dầu mỏ,” ngài thẩm phán nói.
“Cũng không hẳn, thưa ngài, vì ở tuổi hai mươi bảy tôi đã bán tất cả cho một công ty Anh, BP, và từ đó trở đi tôi dành phần còn lại của đời mình theo đuổi sở thích cá nhân.”
“Thật lý thú. Tôi có thể hỏi sở thích đó là gì...” ngài thẩm phán định hỏi tiếp.
“Chúng ta sẽ bàn đến sở thích của ông trong giây lát nữa, ông Hunsacker,” Munro nghiêm chỉnh lên tiếng. Ngài thẩm phán ngồi thẳng người lên, khuôn mặt hiện vẻ xin lỗi. “Ông Hunsacker, ông vừa nói sau khi đã có được một tài sản đáng kể sau khi bán lại đất của mình cho BP, ông không tham gia kinh doanh dầu mỏ.”
“Đúng vậy, thưa ông.”
“Vì lợi ích của tòa, tôi cũng muốn xác định ông không phải là chuyên gia trong các lĩnh vực nào khác. Chẳng hạn, ông có phải là chuyên gia về giám định chúc thư không?”
“Không, thưa ông.”
“Ông có phải là chuyên gia về giấy và kỹ thuật sản xuất mực không?”
“Không, thưa ông.”
“Ông có phải là chuyên gia về ruy băng không?”
“Khi còn trẻ, tôi cũng từng cố gỡ vài cái khỏi mái tóc của các cô gái, nhưng quả thực tôi không khá lắm về khoản này,” Gene nói.
Munro đợi cho tiếng cười lắng xuống trước khi tiếp tục. “Vậy có lẽ ông là chuyên gia về máy chữ?”
“Không, thưa ông.”
“Hay về giám định chữ ký?”
“Không, thưa ông.”
“Tuy nhiên,” Munro nói, “tôi có đúng không khi cho rằng ông được coi là chuyên gia hàng đầu thế giới về tem thư?”
“Tôi nghĩ tôi có thể yên tâm nói rằng đó là tôi hoặc Tomoji Watanabe,” Hunsacker trả lời, “tùy thuộc vào việc ông hỏi ai trong hai chúng tôi.”
Ngài thẩm phán không còn nhẫn nại lâu hơn được nữa. “Ông có thể giải thích điều ông vừa nói được không, ông Hunsacker?”
“Cả hai chúng tôi đều trở thành nhà sưu tập từ hơn bốn chục năm nay, thưa ngài thẩm phán. Tôi có bộ sưu tập lớn hơn, nhưng nói một cách công bằng cho Tomoji, điều này có lẽ do tôi rủng rỉnh tiền nong hơn nhiều so với anh ta, và luôn đánh bại anh chàng tội nghiệp trong các cuộc đấu giá.” Thậm chí cả Margaret Moncrieff cũng không nhịn được cười. “Tôi tham gia vào hội đồng của Sotheby’s, còn Tomoji tư vấn cho Philips. Bộ sưu tập của tôi đã từng được trưng bày tại Học viện Smithsonian ở Washington DC, trong khi bộ sưu tập của anh ta được triển lãm tại Bảo tàng Hoàng gia Tokyo. Thế nên tôi không thể nói với quý vị ai là chuyên gia số một thế giới, nhưng cho dù ai trong chúng tôi là số một, thì gã kia chắc chắn là số hai.”
“Xin cảm ơn, ông Hunsacker,” ngài thẩm phán nói. “Tôi rất hài lòng được biết nhân chứng của ông là một chuyên gia trong lĩnh vực mà ông ta đã lựa chọn, ông Munro.”
“Xin cảm ơn ngài thẩm phán,”Munro nói. “Ông Hunsacker, ông đã từng nghiên cứu qua cả hai bản di chúc liên quan tới vụ tranh tụng này chưa?”
“Đã từng, thưa ông.”
“Vậy quan điểm của ông, quan điểm của một chuyên gia, về bản di chúc thứ hai, bản di chúc đã để lại tài sản của Sir Alexander cho người con trai Augus, là gì?”
“Đó là đồ giả mạo.”
Desmond Galbraith lập tức đứng bật dậy. “Được rồi, ông Galbraith,” ngài thẩm phán nói, ra hiệu cho ông ta ngồi xuống vị trí của mình. “Tôi thực sự hy vọng, thưa ông Hunsacker, là ông sắp đưa ra trước tòa một vài bằng chứng vững chắc ủng hộ cho nhận định vừa rồi. Nói tới “bằng chứng chắc chắn”, tôi không muốn có thêm một liều triết lý cây nhà lá vườn nữa của ông.”
Nụ cười hài hước của Hunsacker biến mất. Ông đợi một lát trước khi nói, “thưa ngài thẩm phán, tôi sẽ chứng minh, theo cách mà tôi tin tại đất nước này các ngài gọi là nằm ngoài mọi nghi ngờ có căn cứ, rằng bản di chúc thứ hai của Sir Alexander là giả mạo. Để làm được điều đó, tôi cần ngài có trong tay bản gốc của di chúc đó.” Ngài thẩm phán Sanderson quay về phía Galbraith, ông ta nhún vai, đứng dậy đưa bản di chúc thứ hai cho ngài thẩm phán. “Bây giờ, thưa ngài,” Hunsacker nói, “nếu ngài làm ơn lật sang trang thứ hai của tài liệu này, ngài sẽ thấy chữ ký của Sir Alexander được viết đè lên một con tem.”
“Có phải ông đang cho rằng con tem đó là giả mạo không?” ngài thẩm phán hỏi.
“Ồ không, thưa ngài, tôi không có ý đó.”
“Nhưng như ông vừa nói, ông Hunsacker, ông không phải là chuyên gia giám định chữ ký. Vậy chính xác là ông đang muốn nói gì?”
“Điều đó hoàn toàn rõ ràng với bất cứ ai, thưa ngài thẩm phán,” Hunsacker nói, “nếu ngài biết phải nhìn vào đâu.”
“Làm ơn hãy khai sáng cho tôi,” ngài thẩm phán nói, giọng đã có vẻ hơi bực bội.
“Nữ hoàng tại vị đã ngồi lên ngai vàng nước Anh vào ngày mồng hai tháng hai năm 1952,” Hunsacker nói, “và được làm lễ đăng quang tại Westminster Abbey vào ngày mồng hai tháng sáu năm 1953. Bưu điện Hoàng gia đã phát hành một con tem để đánh dấu sự kiện này - và quả thực tôi rất hãnh diện có được một tờ những con tem thuộc đợt phát hành đầu tiên. Con tem đó thể hiện chân dung nữ hoàng vẫn còn là một phụ nữ trẻ, nhưng do thời gian tại vị khá dài của nữ hoàng, Bưu điện Hoàng gia cứ vài năm lại phải phát hành một đợt tem mới để phản ánh đúng thực tế là nữ hoàng đã già đi vài tuổi. Con tem được dán vào bản di chúc này được phát hành tháng ba năm 1999.” Hunsacker quay sang bên, nhìn về phía Hugo Moncrieff, tự hỏi không biết ý nghĩa của những gì mình vừa nói đã được tiếp nhận chưa. Ông không dám chắc câu trả lời là có, mặc dù không thể áp dụng cùng câu trả lời với Margaret Moncrieff, vì đôi môi của bà ta đang tím ngắt lại trong khi khuôn mặt tái nhợt không còn giọt máu.
“Thưa ngài thẩm phán,” Hunsacker nói, “Sir Alexander đã qua đời ngày mười bảy tháng mười hai năm 1998 - ba tháng trước khi con tem đó được phát hành. Vì vậy một điều đã rõ ràng: chữ ký đè lên chân dung nữ hoàng trên con tem đó không phải là của ông.”