HẠNG VŨ
- 2 -
Sai sót của Hạng Vũ

    
ai sót của Hạng Vũ còn nhiều hơn thế này.
Sau khi Hàn Tín rời bỏ Hạng Vũ sang với Lưu Bang, đã có mấy buổi hai người trò chuyện với nhau, câu chuyện luôn nói về Hạng Vũ. Lưu Bang hỏi Hàn Tín, Tiêu thừa tướng nhiều lần tiến cử tướng quân với quả nhân, nay tướng quân có kế sách gì xin chỉ bảo cho quả nhân? Hàn Tín không trả lời thẳng mà lên tiếng hỏi lại, nay người đi về hướng đông tranh giành thiên hạ với đại vương phải chăng là Hạng Vũ? Lưu Bang nói đúng. Hàn Tín hỏi tiếp: Đại vương tính lại xem, về sự dũng mãnh của cá nhân, sự tinh nhuệ của quân lính, liệu có bằng Hạng Vũ không? Lưu Bang suy nghĩ hồi lâu rồi nói: Ta không bằng hắn. Hàn Tín đứng dậy, bái lạy, nói: Tất cả đều đúng. Bản thân Hàn Tín cũng thấy rõ, đại vương không bằng Hạng Vũ. Thực kỳ lạ. Thấy rõ Lưu Bang không bằng Hạng Vũ, lại bội phản Hạng Vũ sang với Lưu Bang, há chẳng phải là ngu ngốc sao? Đương nhiên, Hàn Tín không ngốc. Hàn Tín đã phân tích tỉ mỉ con người Hạng Vũ cho Lưu Bang nghe, phân tích tính cách, tâm lý của Hạng Vũ, cho đó là nguyên nhân thất bại của Hạng Vũ. Theo cách nói của Hàn Tín, ít ra Hạng Vũ đã có hai điểm yếu chết người, là “dũng mãnh của thất phu” và “lòng nhân của đàn bà”. Theo tôi, qua lần trao đổi này, bước đầu có thể thêm vào hai điểm, Hạng Vũ “ki bo kẹt xỉ” và “lòng dạ hẹp hòi”.
Nói “dũng mạnh của thất phu” trước.
Phải nói, Hạng Vũ rất dũng cảm, gần như Hạng Vũ không sợ một ai, chỉ có người khác sợ Hạng Vũ. Hạng Vũ cũng rất khỏe mạnh. Sách Sử ký viết, Hạng Vũ “thân cao hơn tám thước, có thể vác nổi chiếc đỉnh”, có thể thấy Hạng Vũ khôi ngô, anh tuấn, cơ bắp cuồn cuộn, mạnh mẽ hùng dũng, lũ thiếu nữ sùng bái, coi là thần tượng.
Năm 207 trước Công nguyên, có tin gấp bay đến báo, vua tôi Triệu vương bị quân Tần vây khốn ở Cự Lộc. Có hơn mười doanh quân chư hầu đến cứu Triệu, nhưng tất cả đều bất động, riêng Hạng Vũ cùng quân Sở quyết sống mái với quân Tần, lấy một chọi mười, trải chín cuộc huyết chiến với quân Tần, tiếng hô chém giết vang trời động đất, quân tướng lũ chư hầu sợ đến bạc mặt, sau này đại phá quân Tần, cứu được Triệu vương. Quân Sở can đảm, lại có sức mạnh, Hạng Vũ cảm thấy không cho họ có đất dụng võ là lãng phí, thật đáng tiếc. Vì vậy, Hạng Vũ luôn giễu võ giương oai. Tuy là thống soái, nhưng Hạng Vũ thích xông pha nơi hiểm trận. Mỗi lần chiến đấu, Hạng Vũ thường xông lên trước ba quân, tới đâu quét sạch tới đó. Thường là, Hạng Vũ chưa động rới binh khí, chỉ cần trừng mắt nhìn, đối phương đã hồn bay phách lạc, mắt không dám nhìn, tay chân cứng đờ, tè cả ra quần, tan rã hoàn toàn. Những chiến công như vậy không phải ít. Tôi tin rằng cứ mỗi lần như vậy, Hạng Vũ sẽ cảm thấy khoan khoái vô cùng.
Từ chỗ khoan khoái, Hạng Vũ luôn muốn quyết đấu với chủ soái đối phương, Hạng Vũ nói với Lưu Bang, bao năm nay thiên hạ không yên, chẩng phải là do hai ta sao? Hai ta dứt khoát phải đấu với nhau, ai thắng thiên hạ là của người đó, việc gì để người thiên hạ phải khổ theo! Đúng là khí khái của anh hùng, của phái quý tộc. Tiếc là Lưu Bàng không mắc bẫy, không bao giờ Lưu Bang chịu đơn thương độc mã tiếp chiêu Hạng Vũ. Thế rồi Lưu Bang cười khà khà nói, Lưu mỗ chỉ đấu trí không đấu sức. Tôi tin rằng lúc nói câu này, thể nào Lưu Bang cũng nở một nụ cười xỏ xiên.
Xét về góc độ thẩm mỹ, biểu hiện của Lưu Bang chẳng đẹp chút nào. Nhưng về góc độ quân sự, chính trị, Lưu Bang đều đúng. Chiến tranh là sự kế tục của chính trị, là bước cao nhất của đấu tranh chính trị. Thắng bại của chiến tranh, nói đến cùng là thắng bại của đấu tranh chính trị, ít ra cũng là thắng bại của chiến lược chiến thuật, không can hệ gì tới cơ thể lớn bé, tới sức lực của chủ soái. Hạng Vũ coi đánh trận như đánh nhau, coi chính trị như kịch hát, giản đơn như con trẻ. Mọi người đều rõ, “quân cần tinh không nhiều, tướng cần mưu không cần mạnh”. Hạng Vũ không phải không biết điều này, không thế đã chẳng phải học binh pháp, còn nói, không học cái “chỉ đánh được một người” mà đòi học cái “đánh được cả vạn người? Tiếc rằng khi gặp việc, Hạng Vũ không dùng tới cái “đánh cả vạn người”, mà chỉ dùng tới cái “đánh được một người”. Rõ ràng Hạng Vũ không phải soái tài, chỉ là thất phu có sức mạnh và rất dã man, ác bá.
Từ lâu đã có người so sánh “sức mạnh của kẻ thất phu” và “sức mạnh của người quân tử”. Giữa đường gặp chuyện bất bình, rút kiếm xông lên, không nói một lời, thượng cẩng chân hạ cẳng tay, đó là cái mạnh của thất phu, chỉ cần một ít máu hăng, một ít sức lực, không cần có chí hướng, có rèn luyện, bất kỳ người nào cũng có thể làm được, chính đó là cái mạnh của kẻ thất phu. Thế nào là cái mạnh của người quân tử? Núi Thái Sơn đổ mà sắc không đổi, hươu nai nhảy múa ơ bên cạnh mà mắt không chóp, nguy hiểm gần kề mà không hề sợ, không có cớ là không tức giận, đó là cái mạnh của người quân tử. Hiển nhiên cái mạnh của người quân tử biểu hiện ở sự trấn tĩnh, ở định lực. Tô Đông Pha nói, đó là vì “chí hướng càng lớn, mục đích càng xa”. Cũng tức là, vì lý tưởng cao cả có thể tạm thời chịu nhục, không tính tới sự được mất trước mắt. Vì vậy “địch tiến ta lui” không phải là nhu nhược, “đánh được thì đánh, không đánh được thì rút” cũng không phải là khiếp sợ. Đương nhiên, một mực ham đánh, vì sĩ diện quên mất lí tưởng cao cả, cũng không phải là dũng cảm, Lưu Bang bị mũi tên của Hạng Vũ bắn trúng ngực, eo lưng cong xuống, nhân đó cúi xuống sờ vào mấy ngón chân của mình, lên tiếng mắng luôn: Thằng nhãi thối tha, bắn phải chân ta rồi, sau đó quay đầu chạy thẳng. Phải là người mưu trí, có thêm giảo hoạt mới làm được như vậy. Không thể nói là nhát gan hoặc lúng túng.
Cái mạnh của thất phu là cái mạnh của một người, cái mạnh của tướng soái là cái mạnh của vạn người. Trên chiến trường không thể không có sức mạnh, “hai quân giao tranh, quân mạnh sẽ thắng”. Nhưng sức mạnh nói ở đây là sức mạnh của toàn quân, không phải sức mạnh của cá nhân. Đương nhiên trong một lúc nào đó, tướng lĩnh lên trước ba quân sẽ có tác dụng cổ vũ sĩ khí, trong thời đại binh khí lạnh lại càng như vậy. Nhưng Hạng Vũ xông vào hiểm trận lại không phải để cổ vũ sĩ khí mà hoàn toàn vì sự say mê cá nhân. Kết quả, do Hạng Vũ sống theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân, binh sĩ và các tướng sĩ khác thấy có mình cũng như không, làm gì còn sức mạnh và trí tuệ của tập thể? Tư Mã Thiên phê bình Hạng Vũ “dùng trí riêng” (chỉ dựa vào cá nhân), “đánh bằng lực” (chỉ dùng bạo lực), hai điều này nói rõ được điểm mấu chốt.
Nói về lòng nhân của đàn bà.
Lòng nhân của đàn bà và sức mạnh của thất phu dường như có mâu thuẫn? Thực ra con người Hạng Vũ vốn luôn mâu thuẫn. Tính cách Hạng Vũ có mặt dũng cảm, có mặt nhu nhược; có mặt tàn nhẫn, có mặt ôn hoà. Hạng Vũ tự xưng là Tây Sở bá vương, sự thực là rất dã man và bá đạo. Hạng Vũ thật bạo ngược, cậy mạnh cậy khỏe, giết người không run tay. Ân Thông quận thú Cối Kê không hề có thù oán gì với Hạng Vũ, hai bên còn có ý họp nhau phản Tần, nhưng nói giết là giết. Tống Nghĩa hay nói trời nói bể kỳ thực là một người chậm hiểu, tuy có chút sai sót nhỏ với Hạng Vũ, cũng nói giết là giết(1). Hoài Vương là Nghĩa đế vô tích sự, Hạng Vũ chỉ đông, y không dám chỉ tây, Hạng Vũ chỉ nam, y không dám chỉ bắc, muốn dọn nhà phải dọn nhà, muốn nhường đất phải nhường đất, không cản đường Hạng Vũ, nhưng vẫn bị Hạng Vũ sai người mưu sát. Thê thảm nhất, là, hai mươi vạn quân đầu hàng của triều Tần, Hạng Vũ chỉ trong một đêm đã tập kích chôn hết. Ôi, hai mươi vạn người! Hạng Vũ không nói lời nào, không hề chớp mắt, sai người giết sạch.
Nhưng trong Hồng Môn yến, mặt đối mặt với Lưu Bang, Hạng Vũ không xuống tay được.
Vì giữa hai người không thù không oán gì chăng? Ân Thông và Hạng Vũ cũng không thù oán gì. Vì Hạng Vũ nhận ân đức của Lưu Bang? Hạng Vũ giận đến nghiến răng nghiến lợi lúc Lưu Bang vào Hàm Dương trước. Vì không biết thế nào là lợi hại chăng? Phạm Tăng đã chỉ rõ: Lưu Bang “chí chẳng nhỏ” lại có “khí độ của thiên tử”, đó chính là cái hoạ trong lòng cần phải vứt bỏ. Không có khả năng giết chăng? Với võ công của mình Hạng Vũ bảo người phải chết canh ba thì người có dám sống đến canh năm? Huống hồ Lưu Bang, danh nghĩa là khách mời của Hạng Vũ, nhưng thực chất là tù binh, trong ngoài đều là người của Hạng Vũ. Ngay Phàn Khoái cũng đã nói với Lưu Bang, người ta là con dao cái thớt, chúng ta là con gà con cá. Hay không có cơ hội để xuống tay? Cơ hội có nhiều như trước lúc Phàn Khoái vào trướng hộ giá, không thành vấn đề. Như lúc Phạm Tăng đưa mắt ra hiệu, Hạng Vũ vẫn không có phản ứng, cuối cùng thì Lưu Bang như con ngan đã luộc chín lại bay mất. Phạm Tăng tức giận, chửi rủa: tré con, không đáng để bày mưu.
Từ lâu Phạm Tăng đã hiểu: “Quân vương đôi lúc không đành lòng”. “Không đành lòng” chính là “lòng nhân của đàn bà”.
Chẳng phải Hạng Vũ là người rất tàn nhẫn sao? Sao lại nói “không đành lòng?”.
Thực ra Hạng Vũ bề ngoài rất cứng rắn nhưng trong lòng lại rất yếu đuối. Hạng Vũ là người thích sĩ diện. Người thích sĩ diện thì nội tâm đều rất yếu đuối. Duy chỉ có người yếu đuối thì mới thích sĩ diện. Hạng Vũ vì không muốn có bất kỳ một thương tổn nào, nên mới liều mạng giữ cho được sĩ diện của mình. Luôn luôn nghĩ đến sĩ diện, nên Hạng Vũ mới tự vẫn ở Ô Giang: “Dẫu cho các phụ lão Giang Đông có thương mà phong vương cho ta, thì ta còn mặt mũi nào nhìn thấy họ” và đã lưu lại một câu danh ngôn về sĩ diện: “Còn mặt mũi nào nhìn phụ lão Giang Đông”. Vì sao không còn mặt mũi nào? Ngoài những ý nghĩ khác, còn vì muốn được sự thương xót. Đối với một người suốt đời chỉ muốn mạnh như Hạng Vũ thì thương xót là thương hại. Vì vậy Hạng Vũ mới nguyện chết. Tự giết mình thì sĩ diện mới còn, lòng dạ được thanh thản.
Tính cách, nội tâm Hạng Vũ luôn có mâu thuẫn và xung đột. Nói trắng ra, Hạng Vũ là một nhà nghệ thuật hành vi bất hạnh, như một đứa trẻ bị đẩy ra chiến trường, nơi chém giết. Hạng Vũ không nghĩ nhiều về giết người, nhưng lại không thể không giết người, không nghĩ nhiều về đánh trận nhưng lại không thể không đánh trận. Hạng Vũ còn có cách lựa chọn nào khác? Hạng Vũ không có cuộc sống khác, chẳng còn cách nào có thể thể hiện được giá trị sinh tồn, hoàn thành hành vi nghệ thuật của mình chỉ còn biết thông qua việc giết người mở đầu hành trình cuộc sống, chỉ biết thông qua chiến tranh để hoàn thành cuộc sống. Vì vậy, Hạng Vũ vừa thích giết người, vừa thích đánh trận. Nhưng đằng sau sự dũng cảm là nhu nhược, đằng sau sự tàn nhẫn là tình thương. Hạng Vũ giết người như ngóe, nhưng trong thâm tâm lại có chút khiếp sợ. Hạng Vũ đánh trận nào cũng thắng, nhưng trong tận đáy lòng lại có phần cảm giác thất bại. Chính vì nội tâm khiếp sợ, nên mới liên tục giết người. Chính vì sợ thất bại, nên mới gắng sức để thắng lợi. Chỉ có những dòng máu tươi không ngừng chảy mới rửa sạch được nỗi nhục nhã sinh ra từ sự yếu đuối, và cũng chỉ có thắng lợi liên tiếp thắng lợi mới an ủi được tâm trạng đau khổ bất an.
Vì vậy chúng ta mới thấy Hạng Vũ đã không còn giữ được bình tĩnh như lúc khiêu chiến với Lưu Bang. Không cần đưa nhiều người ra chiến trường, hai chúng ta đấu với nhau là xong! Điều đó, chứng tỏ Hạng Vũ đã quá mệt mỏi, mong chiến tranh sớm kết thúc, và cũng chứng tỏ, Hạng Vũ rất sợ thất bại, mong lần này lại chiến thắng với phương thức tiện nhất và đảm bảo nhất. Vì vậy khi nghe tiếng hát bài ca nước Sở vang lên khắp nơi, Hạng Vũ đã không điều tra, không nghiên cứu, cũng không nghĩ xem có phải là mưu kế của kẻ thù, mà nghĩ ngay rằng mình đã thất bại. Bởi vì từ nơi sâu thẳm trong tâm lý Hạng Vũ đã sẵn có “mầm của thất bại”. Thậm chí, tôi còn tin rằng trong lòng Hạng Vũ đang vang lên một giọng nói: “Ngày này đã đến! Cuối cùng đã kết thúc tất cả!”.
Trong lúc Hạng Vũ “thở phào” vì cuối cùng đã thất bại thì tự đáy lòng Hạng Vũ, sự uỷ mị đằng sau sự tàn nhẫn đã trỗi dậy. Thắng thua thành bại, sống hay chết liệu còn ý nghĩa gì? Cái duy nhất còn nhớ tới bây giờ là con tuấn mã và người đẹp. Đây cũng là mối chung tình duy nhất, là nơi “trong sạch” nhất của Hạng Vũ, sau cả đời chinh chiến, giết chóc. “Chuy không đi chừ, biết làm sao! Nàng Ngu hỡi, biết là làm sao?”. Thực thắm thiết, ấm áp biết bao, thực dịu dàng, tình cảm biết bao! Chẳng trách đã phải “hàng hàng lệ rơi”. Nghe nói con người Hạng Vũ cũng hay rơi lệ. Hàn Tín nói, ông đã thấy lệ mỗi khi tướng sĩ bị thương, ốm đau, Hạng Vũ đều rơi lệ, tự tay bưng cơm bưng cháo đến cho. Nhưng lần này là khóc cho mình.
Những tình cảm chân thực, thế giới nội tâm của nam nhi khí phách đều trong những dòng nước mắt này!
Ở Hạng Vũ còn có chút tình cảm nữ nhi thường tình, đó chính là một tố chất của nhà nghệ thuật. Thậm chí Hạng Vũ còn giống các bà các cô, Hàn Tín cho hay, Hạng Vũ nói năng tỉ mẩn, dây cà ra dây muống. Chẳng khó khăn gì, chúng ta đã tương tượng ra hình tượng Hạng Vũ trước quân doanh: Bưng mâm cơm, rơi nước mắt, cầm ray thương binh, bệnh binh hàn huyên hết chuyện nhà đến chuyện cửa. Nếu không phải Hàn Tín tự mắt nhìn thấy, tự miệng nói ra thì không thể tin nam tử bạt núi lấp sông, anh hùng cái thế này lại có những tình cảm dịu dàng, ấm áp đến như vậy.
“Lòng nhân” của Hạng Vũ đã được công nhận từ cả hai phía. Hàn Tín nói Hạng Vũ “biết cung kính yêu thương”; Trần Bình nói Hạng Vũ “cung kính thương người”; Cao Khởi, Vương Lăng đều nói Hạng Vũ có nhân có thương”. Đối với Lưu Bang, quan điểm của họ gần như nhất trí là: Ngạo mạn, vô lễ, còn thích làm nhục người khác. Một số người đã nhận xét như vậy ngay trước mặt Lưu Bang. Lưu Bang thích mắng người, mắng Tiêu Hà, mắng Hàn Tín, mắng tất cả lũ thuộc hạ. Vui cũng máng, buồn cũng mắng. Ngay cả khi phong quan tước cho người khác cũng kèm một câu “mẹ kiếp” thể hiện bộ mặt của lưu manh, thổ phỉ, lục lâm thảo khấu. Lưu Bang không hiểu các loại nghi lễ khi tiếp khách, nhận lễ vật, trị quốc an dân, thậm chí không hiểu lễ nghĩa là gì. Lưu Bang ghét cay ghét đắng loại nho sinh, mở miệng rao giảng lễ nghĩa; mỗi khi nhìn thấy chiếc mũ trên đầu họ, là chỉ muốn kéo xuống làm bô. Nho sinh Lịch Tự Cơ đến thăm, Lưu Bang vẫn chễm chệ ơ trên giường, hai cô gái hầu rửa chân. Lịch Tự Cơ nghiêm nghị nói: Túc hạ đang muốn diệt Tần bạo ngược vô đạo, thì không nên ngạo mạn, vô lễ khi thấy lão già này. Lưu Bang vội vàng đứng lên, chỉnh trang áo mũ, nói lời xin lỗi và mời Lịch Tự Cơ ngồi. Tiêu Hà tiến cử Hàn Tín với Lưu Bang, nói lý nói lẽ một hồi, Lưu Bang phẩy tay nói: được rồi để hắn làm tướng quân. Tiêu Hà nói, tướng quân thì Hàn Tín sẽ bỏ đi. Lưu Bang bèn nói: Làm đại tướng quân vậy, gọi hắn vào đây! Tiêu Hà nói: ngài vẫn luôn ngạo mạn, vô lễ như vậy. Một khi phong là đại tướng quân, sao lại như bảo ban một đứa trẻ vậy? Chẳng trách Hàn Tín lại muốn bỏ đi. Lúc này Lưu Bang mới đồng ý chọn ngày lành, trai giới, lập đàn làm lễ. Lưu Bang vô lễ, Hạng Vũ ôn hoà trọng lễ, hai tính cách đối ngược nhau.
Cũng không có gì là lạ. Hạng Vũ là quý tộc, mà lễ nghĩa là điều không thể không rèn luyện trong giới quý tộc. Hạng Vũ hiểu rõ phải dùng lễ đối đãi người và làm theo lễ nghi. Lưu Bang là lưu manh, đâu có được dạy dỗ như vậy. Sau khi là công, là vương, Lưu Bang đã biến đổi nhiều, nhưng đôi khi do không để ý lại để lộ chân tướng. Sau khi xây dựng xong cung Vị Ương, hoàng đế Lưu Bang mở tiệc khoản đãi quần thần. Lúc rượu đã say, Lưu Bang đã nói với ông Lưu, bây giờ đã là Thái thượng hoàng: “Cha à, lúc trước ông vẫn nói tôi lười biếng, không bằng anh hai, bây giờ ông xem, của cải tôi và anh hai ai nhiều hơn ai?”. Thế mà quần thần trên điện đều hương ứng, hô vang vạn tuế, nói cười thoải mái, chẳng ra thể thống gì!
Nhưng vì sao Hạng Vũ là quý tộc luôn cung kính thương người, lại không được lòng người như Lưu Bang - vốn là loại lưu manh ngạo mạn hay mắng người?
Bọn Hàn Tín đã giải đáp câu hỏi này. Lúc Cao Khởi, Vương Lăng tổng kết về thành bại, được mất của Lưu, Hạng đã nói với Lưu Bang, bệ hạ thường ngạo mạn và khinh người, Hạng Vũ có lòng nhân và thương người, nhưng bệ hạ cử người đi phá thành chiếm đất, chiếm xong thì ban thưởng cho họ, như vậy mọi người đều được lợi. Hạng Vũ thì sao? Thắng lợi thì không tính đến công lao của mọi người, không ai được hưởng lộc, đương nhiên là mất thiên hạ. Hàn Tín nói rất rõ: Hạng Vũ đối nhân không tồi, luôn hỏi han quan tâm. Nhưng khi một người có công nên ban tước phong đất, đằng này ấn tín cứ nắm trong tay, suốt ngày sờ mó vuốt ve, không muốn ban cho người khác, đó là lòng nhân của đàn bà. Đúng vậy, so với ban tước phong đất, thăng quan phát tài thì ân cần thăm hỏi, bưng cơm bê cháo có nghĩa lý gì? So với việc Lưu Bang ban tiền nhiều, thưởng đất rộng, phong nhiều quan thì Hạng Vũ chỉ như trẻ con.
Tính khí trẻ con của Hạng Vũ có lúc khiến người ta khó hiểu. Chiếm Hàm Dương, không lên làm hoàng đế, không ở trong cung điện, Hạng Vũ cho quân đốt phá cướp bóc, bao nhiêu vàng bạc châu báu, đàn bà con gái xinh đẹp, cho hết lên xe chạy về Bành Thành (nay là Từ Châu, Giang Tô), lên làm Tây Sở Bá Vương. Đúng như suy nghĩ của A.Q, chỉ lo khênh được chiếc giường kiểu mới của vợ tú tài về bên chùa Thổ Cốc, khống nghĩ rằng có thể ngủ ngay trong nhà tú tài. Có người khuyên Hạng Vũ, Quan Trung địa thế hiểm trở, đất đai mầu mỡ, dựng đô nơi đây, nghiệp bá sẽ thành. Hạng Vũ lại nói, phú quý mà không quay về thì khác gì áo gấm đi đêm. Ai có thể ngắm được? Rõ tính khí trẻ con! Người đương thời bàn rằng, người Sở giống như lũ vượn đội mũ người, quả nhiên là vậy!
Người nói câu đó, lập tức bị Hạng Vũ cho ném vào vạc dầu, nhưng Hạng Vũ cũng chẳng tiến bộ được, thì câu nói ấy đã trở thành sự thực. Vương Bá Tường cho rằng, áo gấm đi đêm chỉ là câu nói thác của Hạng Vũ. Thực tình Hạng Vũ đã nghĩ, căn cứ địa của quân Sở ở tận Giang Đông, quay về vừa yên tâm, vừa không sợ Hoài Vương. Kỳ thực, Sở vương chỉ là con rối hữu danh vô thực, từ một đứa trẻ chăn dê được Hạng Vũ dựng lên, có gì đáng nói? Đoạt thiên hạ đâu cần phải chọn căn cứ địa? Năm đó, nếu quân Thanh sau khi chiếm được Bắc Kinh cũng quay về Phụng Thiên thì làm gì có vương triều Đại Thanh?
Đó chính là lòng dạ hẹp hòi. Hẹp hòi nên Hạng Vũ đã mưu sát Hoài Vương, từ đó mà mất lòng dân. Hẹp hòi nên Hạng Vũ đã nghi ngờ Phạm Tăng, từ đó để mất đi cánh tay phải. Trẻ con nên mọi người xem thường, lòng dạ hẹp hòi nên chẳng ai thương. Những người có chí hướng, có năng lực bên cạnh Hạng Vũ như Trần Bình, Hàn Tín đều lần lượt ra đi, còn lại chỉ là một con tuấn mã, một người đẹp sát cánh không rời Hạng Vũ.
Cô độc, thất bại đều do Hạng Vũ tự chuốc lấy.
Phạm Tăng là người trung thành nhất bên cạnh Hạng Vũ.
Phạm Tăng người Cư Sào (nay là huyện Sào, An Huy). “Nhà nghèo mà kế hay lạ”, là nhân vật kiểu Gia Cát Lượng. Lúc Hạng Lương khởi nghĩa, ông đã bảy mươi tuổi, nhưng vẫn theo quân cùng Hạng Lương, Hạng Vũ nam chinh bắc chiến, xây dựng sự nghiệp. Ông luôn nhìn vấn đề ở một tầm cao hơn, trúng vào điểm mấu chốt. Ông thường nói với Hạng Lương, Trần Thắng thất bại là lẽ đương nhiên. Tần diệt sáu nước, nước Sở vô tội, nên mới có lời sấm truyền: “Sở tuy chỉ còn ba nhà, nhưng diệt Tần tất là Sở”. Trần Thắng cầm đầu nghĩa quân, không lập đời sau của Sở vương lại tự lập, tất sẽ không bền. Các hạ đời đời là tướng nước Sở, nếu lập đời sau của Sở để hiệu triệu thì quần chúng sẽ theo ngay. Lời nói rất có lý, Hạng Lương làm theo ngay, rõ ràng rất hiệu quả. Sau khi Lưu Bang vào Quan Trung trước, Phạm Tăng nói với Hạng Vũ, lúc ở quê Lưu Bang tham tài háo sắc thành tính, lần này vào Quan Trung đã không phạm một sai lầm nào, không tơ hào một cắc, không đụng tới gái, rõ ràng dã tâm không nhỏ. Lời nói tuy đơn giản nhưng thấy ngay được tầm suy nghĩ. Từ đó Hạng Vũ rất tôn trọng Phạm Tăng, tôn ông là “á phụ” (chỉ dưới cha mình) gọi ông là á thúc, giong như Tề Hoàn công gọi Quảng Trọng là “Trọng phụ”, Lưu A Đẩu gọi Gia Cát Lượng là “Tổ phụ”, Trần Bình cũng coi Phạm Tăng là số một trong mấy vị “thần cốt cán” của Hạng Vũ.
Nhưng vị á phụ đã bị Lưu Bang dễ dàng lỵ gián. Kế sách rất đơn giản: Sứ giả của Hạng Vũ đến chỗ Lưu Bang, Lưu Bang mở tiệc linh đình để khoản đãi. Khi sắp vào tiệc lại vờ như bàng hoàng lo lắng: Ngỡ là sứ giả của á phụ, đâu ngờ của Hạng vương. Thế rồi bày tiệc với những món ăn chẳng ra gì để đuổi khách, đúng là “trẻ con” hết mức, nhưng Hạng Vũ đã trúng kế, bắt đầu nghi ngờ và cho theo dõi Phạm Tăng. Phạm Tăng rất thông minh đã nói với Hạng Vũ: “Thiên hạ đã định, quân vương hãy tự lo liệu!”, rồi phẩy tay ra đi và đã chết trên đường về nhà.
Chút âm mưu quỷ kế của Lưu Bang, Trần Bình đá có tác dụng và chẳng bao lâu mọi người đã nhận ra và tất cả đều do tính ích kỷ hẹp hòi của Hạng Vũ.
Đường đường là quý tộc mà tính khí như trẻ con, một nam tử hán thân cao tám thước mà lòng dạ hẹp hòi, nhìn bề ngoài thực khó hiểu, nhưng xét kỹ thì cũng có lý. Thực ra, quý tộc rất dễ biến thành kẻ hẹp hòi (cho dù không nhất định). Bơi quý tộc nhờ vào cao quý, mà người cao quý lại là thiểu số. Như vậy cái khuôn của quý tộc rất nhỏ. Một người nếu từ bé cứ phải sống trong cái khuôn nhỏ bé đó thì tâm hồn khó lòng được rộng mở. Cho dù sau này có được sống trong khoảng trời bao la thì do cao quý và cao ngạo bẩm sinh, họ cũng khó lòng hoà hợp với mọi người. Hạng Vũ chẳng có cách gì xoá bỏ được cảm giác cao quý trong lòng mình, thường vô ý bộc lộ ra, thêm nửa, được sống trong cảnh giàu sang, nên không thấu hiểu được nỗi khốn khó của mọi người. Hạng Vũ dù có thực lòng quan tâm tới người khác, vẫn cho họ một cảm giác như vờ vĩnh, vì cái mà họ cần lại không được nhắc tới. Anh em tướng sĩ vào sinh ra tử, chiến đấu quên mình là vì cái gì? Há chẩng phải vì “phong thê ấm tử” rạng rỡ tổ tông! Cái đáng phong thì Hạng Vũ không phong, cái đáng thưởng thì Hạng Vũ không thưởng, chỉ có mấy giọt nước mắt, chỉ có mấy việc bưng cơm bê nước thì đáng kể gì?
Quý tộc còn một nhược điểm nữa là thanh cao. “Thanh” thì dễ bẩn, “cao” thì dễ gãy, vì vậy thế giới nội tâm của họ luôn luôn ỵếu đuối, dễ dàng biến thành hẹp hòi. Bản thân họ tự cho là trong sạch hoàn hảo, nên họ luôn đòi hỏi người khác phải đầy đủ chu toàn. Nếu như người đó là ẩn sĩ thì chẳng sao, nhưng là một thống soái thì khó tránh nghi thần nghi quỷ. Kết quả là cái khuôn kia ngày một nhỏ lại. Trần Bình từng nói, những người bên cạnh Hạng Vũ phải luôn trong sạch hoàn hảo, chú trọng cốt cách, giữ gìn tiết tháo, nho nhã thanh lịch, còn cạnh Lưu Bang toàn những kẻ tham tài háo sắc, trộm chó cướp gà. Nhưng người loại nào nhiều, loại người nào ít, loại người nào thì được việc, loại người nào chẳng làm được gì, chẳng phải đã rõ ràng sao?
Trên thực tế, do cao quý nên ở quý tộc sản sinh ra hai loại tính cách, hai loại tâm lý. Một loại rất khoan dung, một loại rất hẹp hòi. Người khoan dung lập luận thế này: Ta đã cao quý nhất thì không nên bài xích bất cứ thứ gì. Giống như biển cả mênh mông, mênh mông vì bao dung tất cả. Kẻ hẹp hòi lại nghĩ khác: Chỉ mình là cao quý, những kẻ khác chẳng là gì. Như ngọn núi tuyết cao ngất kia, chẳng chứa thêm được gì. Kẻ quý tộc hẹp hòi, một khi vào đời sẽ không có nơi thích họp; một khi sa sút lại được giàu sang quyền thế, thì tính khí chẳng khác gì trẻ con. Y sẽ coi mọi thứ có được là do năng lực phi phàm, khí chất cao quý của mình, không thừa nhận công sức của người khác. Y coi mọi thứ là của riêng, không để mọi người cùng hưởng. Y luôn coi người khác chẳng là gì cả. Với tâm lý đó, y tự cho mình là cao quý, người khác lại thấy y tầm thường. Hạng Vũ chính là loại người như vậy.
Cũng như vậy, do ti tiện con người trở thành lưu manh, lưu manh cũng chia ra hai loại. Một loại là tầm thường ti tiện, một loại là hào phóng rộng rãi. Loại trước chẩng lấy gì làm may mắn, suốt đời làm tay sai, ăn cắp vặt, không thể mở mày mở mặt. Loại sau có nhiều vận may, thường gây dựng thành đại nghiệp. Thứ nhất, họ chẳng có gì ngoài chiếc gậy và tờ giấy trắng, chẳng nghĩ ra được gì, đôi lúc lại muốn làm chuyện lớn, như “làm hoàng đế” chẳng hạn. Có ước muốn lại có thời cơ, đúng là “mong ước thành sự thật”. Thứ hai, họ vốn chẳng có gì, nếu có, thì phần lớn là của bất nghĩa hoặc là nhặt được, không phải là do lao động mà có, chẩng hề xót thương, dám “phân phát cả ngàn vàng”. Thứ ba, bản thân họ chẳng mấy trong sạch, làm gì còn chuyện đi bới móc thói hư tật xấu của người khác. Tự nhiên, họ sẽ biết bỏ qua cho người khác. Hơn nữa, họ là người cùng cực nhất, họ hiểu rõ nhân tình thế thái và nỗi khổ của con người, người ta sợ gì và muốn gì. Họ có nhiều cách để thu phục lòng người. Đã biết cách dùng người hiểu người, lại là người hào phóng rộng rãi, thì chẳng lo không mua được chó săn, không lo không có người yêu mến, phò trợ. Một khi thiên hạ đại loạn, khói lửa ngút trời, nhân đó mà ra tay dẹp loạn đoạt quyền. Lưu Bang chính là loại người đó.
Thắng lợi cuối cùng của Lưu Bang không phải là không có lý.
Xưa có câu “Được lòng người thì được thiên hạ, mất lòng người thì mất thiên hạ”. Việc được, mất của Lưu, Hạng đúng là phải xem xét từ chuyện “được lòng người”.
Vậy hai người họ đã đối xử với người khác như thế nào?
Vậy thì hai người đó đối đãi người khác như thế nào?
Đại thể là, Hạng Vũ quan tâm người, Lưu Bang tín nhiệm người.
Quan tâm hoặc tín nhiệm vốn đều có thể thu phục được lòng người. Nhưng vấn đề là, Hạng Vũ quan tâm người, nhưng quan tâm không đúng chỗ. Lưu Bang tín nhiệm người và tín nhiệm đến cực điểm. Như phần trên đã nói, Trần Bình vốn là người bị ngờ là “tư thông với chị dâu, chiếm đoạt tiền vàng, phản phúc vô thường”. Chí ít, Trần Bình từng nhận hối lộ là sự thật. Nhưng chỉ sau một lần trò chuyện, Lưu Bang đã hết sức tín nhiệm Trần Bình. Lưu Bang hỏi Trần Bình: Thoạt đầu tiên sinh ở Nguỵ, sau lại sang Sở, bây giờ thì đến với quả nhân, chẳng nhẽ một người trung thực thành tâm lại luôn đổi ý như vậy sao? Trần Bình đáp lời: Đúng vậy, trước sau tôi đã phụng sự Nguỵ vương rồi Hạng vương. Nhưng vì Nguỵ vương không biết dùng người nên đành phải sang với Hạng vương. Hạng vương không thể tín nhiệm người, tôi lại đành phải chạy đến với đại vương. Tôi ra khỏi đó với hai bàn tay trắng, không nhận sự giúp đỡ của người khác thì sống sao nổi? Nếu đại vương dùng được mưu kế của tôi thì xin nhận cho, bằng không, tôi xin được “thôi việc”. Số tiền người ta cho, tôi chưa đụng tới, xin trao hết cho ngài. Nghe xong, Lưu Bang đứng lên, có lời xin lỗi, còn trao chức quan lớn cho Trần Bình, về sau, Trần Bình bàn với Lưu Bang dùng kế phản gián bên quân Hạng Vũ bằng cách bắn đạn bằng bạc, lập tức Lưu Bang đã cho xuất bốn vạn cân hoàng kim (đồng) để Trần Bình tuỳ ý sử dụng, không cần phải báo lại. Kết quả, Trần Bình vừa dùng kế nhỏ, quả nhiên khiến Hạng Vũ sinh nghi, không còn tín nhiệm những viên quan tâm phúc như Phạm Tăng, Chung Ly Muội…
Không chỉ dùng người thì không nghi mà còn phải rộng rãi thoải mái, hoàn toàn tương phản với thái độ hẹp hòi của Hạng Vũ. Đối với người khác Lưu Bang thực rộng rãi. Lưu Bang đã học được tính rộng rãi từ người mẹ mỗi khi phải trả gấp bội số tiền nợ rượu của Lưu Bang, nhưng quan trọng hơn là “ý chí không nhỏ” của mình. Lưu Bang muốn giành lấy cả thiên hạ, đương nhiên không thể tính toán tới sự được mất của thành trì nào đó, càng không thể chi li với món tiền nhỏ đó. Vì “mục tiêu lớn lao”, Lưu Bang có thể nhẫn nhịn, ví dụ kìm nén dục vọng của mình. Năm 206 trước Công nguyên, Lưu Bang từ Vũ Quan vào Tần, vào thành Hàm Dương. Trước mặt là “cung thất, màn trướng, chó ngựa, của cải, hàng ngàn cô gái”, Lưu Bang không phải không động lòng. Lưu Bang không hề để ý tới lời khuyên ra khỏi cung của Phàn Khoái. Cũng thật dễ hiểu, làm gì có chuyện một anh nhà quê từ một nơi hẻo lánh tới, đứng trước bao nhiêu của quý kỳ lạ như hoa như ngọc, vàng xanh rực rỡ mà lại không hoa mắt ù tai, thần kinh hoảng loạn? Chỉ e từ trong cuống họng cũng giơ tay ra. Nhưng sau khi nghe những lời nghịch tai mà chân thành của Trương Lương, Lưu Bang ra khỏi cung Tần, đưa quân về Bá Thượng, kiên quyết làm mọi việc để giữ lòng dân, ngay cả rượu thịt, bò dê, người Tần dâng lên uý lạo quân sĩ, Lưu Bang cũng không nhận, còn nói quân sĩ đã có quân lương, không nỡ phung phí của dân, khiến người Tần không nén nổi mừng vui, chỉ sợ Lưu Bang không thể là Tần vương. Lưu Bang chơi nước cờ rất cao tay, sánh với lúc Hạng Vũ vào Hàm Dương đã cho quân sĩ cướp bóc giết người, đốt trụi thành trì trong suốt ba tháng, rõ ràng Lưu Bang càng được lòng dân.
Lưu Bang kìm nén dục vọng, kìm nén cả tình cảm. Năm 203 trước Công nguyên, Hàn Tín hạ xong hơn bảy mươi thành của nước Tề, có vùng đất rộng lớn như vậy, đô thành đều là địa bàn của Hàn Tín. Có một vốn liếng lớn như vậy, Hàn Tín muốn mặc cả với Lưu Bang. Hàn Tín cho người cầm thư tới chỗ Lưu Bang, nói người Tề hay mưu mẹo biến đổi, Tề là nước luôn luôn phản phúc, phía nam lại liền với nước Sở. Nếu không lập ngay một ông vua giả để trấn giữ thi e tình thế sẽ không yên. Lúc này Lưu Bang đang bị quân lính Hạng Vũ vây khốn ở Huỳnh Dương, Thái công và Lã thị đang trong tay Hạng Vũ, tức giận đầy bụng không biết xả đi đâu. Lưu Bang vừa thấy sứ giả mang thư đến, lửa giận lại bùng lên thành lời: Đồ khốn! Lão bị khốn ở đây, ngày ngày chờ người đến cứu, nay ngươi lại muốn làm Tề vương giả! Lưu Bang lớn tiếng mắng tiếp, Trương Lương và Trần Bình biết lúc này không nên đắc tội với Hàn Tín, liền đạp vào chân Lưu Bang làm ám hiệu Lưu Bang lại mắng: Rõ là một lũ chẳng ra gì! Nam tử hán đại trượng phu, lấy công dựng nghiệp, bình định chư hầu, vua thật phải như vậy, vì sao lại phải làm vua giả! Đó chính là công phu tuỳ cơ ứng biến, về điểm này Hạng Vũ không làm được. Hạng Vũ cũng không biết kìm nén bản thân. Nếu việc này rơi vào tay Hạng Vũ, chắc Hạng Vũ chẩng nói nửa lời, cho chém người luôn, hơn nữa còn tự tay đi giết Hàn Tín.
Đây không phải là vấn đề tính cách. Chẳng ai có sẵn tính “nhẫn”, do bức bách mà phải “nhẫn”. Có hai loại nhẫn. Một loại là không thể không nuốt giận vào trong khi đứng trước cường quyền bạo ngược, nói đó là nhẫn nại, chẳng thà nói đó là không biết làm sao. Đánh thì không đánh được, liều mạng thì không đủ sức, không nhẫn thì biết làm gì? Như vậy không thể coi là nhẫn. Nhẫn đúng nghĩa là muốn làm việc gì đó và có khả năng làm được nhưng nhẫn nhịn không làm. Như muốn chiếm của cải, cung nữ trong cung Tần và có thể chiếm được, nhưng đã tự động bỏ đi, làm được như vậy không phải dễ. Rõ ràng đây mới là nhẫn thực sự. Tức là, bản thân chiến thắng bản thân, tự mình xuống tay với chính mình. Phía trên chữ nhẫn là chữ đao, là cầm dao rạch vào tim mình! Một người có thể xuống tay với chính mình, chắc chắn không run tay khi đối phó với người khác. Vì vậy, người biết nhẫn nhịn là người có trái tim sắt. Lưu Bang có trái tim sắt. Một lần quân Sở truy kích Lưu Bang, để có thể thoát thân, Lưu Bang đã đẩy con trai, con gái của mình xuống xe. Người phu xe là Hạ Hầu Anh ba lần ôm chúng lên xe và lại ba lần Lưu Bang đẩy chúng xuống. Hạ Hầu Anh không chịu nổi, nói: Việc tuy gấp, nhưng vẫn có thể cho xe chạy nhanh hơn mà? Sao có thể bỏ mặc chúng? Lúc này Lưu Bang mới trốn chạy cùng với hai con. Người xưa nói, hổ dữ không ăn thịt con, hẳn phải là người quá độc ác, tàn nhẫn mới dám vứt bỏ con ruột của mình.
Vì vậy, lúc Phạm Tăng phát hiện thấy một kẻ ham tài hiếu sắc như Lưu Bang, khi vào Hàm Dương không tơ hào một thứ gì, Phạm Tăng mới hiểu đây là kẻ thù cực kỳ hung hãn tàn nhẫn, nếu không sớm trừ đi, tất sẽ mang hoạ nuôi hổ dữ. Đáng tiếc, lúc đó có nhiều người không nhìn ra điểm này, kể cả Hạng Vũ lẫn Hàn Tín.
Chú thích

(1) Tống Nghĩa: Lệnh doãn nước Sở cũ, thích bàn chuyện binh. Nghĩa từng dự đoán Hạng Lương thất bại, bất hạnh; điều đó chứng tỏ Tống Nghĩa biết quan sát, không hề chứng minh là Tống Nghĩa biết chỉ huy. Sau khi làm thống soái, Tống Nghĩa có sai lầm về chiến lược, còn tự cho là đúng, còn dán bố cáo nói: “Mạnh như hổ, ác như sói, tham như dê, ai không nghe sẽ bị chém đầu”, kết quả đã bị Hạng Vũ chém.