HẢI THỤY
- 4 -
Việc làm khó thành công

    
húng ta vẫn nên so sánh một chút về Hải Thuỵ và Trương Cư Chính.
Họ là rất khác nhau: Cư Chính hiểu chính trị, năng lực cao; Hải Thuỵ không hiểu chính trị, làm việc theo ý riêng. Nghe đâu Trương Cư Chính lẽ ra không đen đủi. Sở dĩ đen đủi vì Trương Cư Chính không chỉ muốn làm quan, mà còn muốn làm việc, muốn cống hiến nhiều cho đất nước, Hải Thuỵ cũng như vậy. Tiếc là đất nước không cần người làm việc, chỉ mong với tiêu chuẩn thấp, trình độ thấp của đông đảo người dân nghèo khổ, được bình yên mãi mãi. Vì vậy, bất kỳ là ai muốn làm việc thì sẽ chẳng có gì là hay ho, ngược lại những viên quan chỉ quanh quẩn tối ngày lại có nhiều vận may. Có điều bản thân Trương Cư Chính cũng có những nhược điểm chết người, trình độ đạo đức không được như Hải Thuỵ. Hải Thuỵ trước sau như một, Trương Cư Chính thì lòng dạ khác với lời nói và việc làm.
Điều này tuy chưa phải là nguyên nhân cơ bản, nhưng lại là nguyên nhân trực tiếp khiến Trương Cư Chính bị thanh toán sau khi đã qua đời.
Vạn Lịch, vị hoàng đế nhỏ tuổi rất tôn trọng và có phần nể sợ Trương Cư Chính. Một trong những lý do, đó là vì hoàng đế coi Trương Cư Chính là mẫu mực về mặt đạo đức. Nền giáo dục xưa của Trung Quốc coi giáo dục đạo đức là quan trọng nhất. Muốn trị lý đất nước phải dựa vào đạo đức, lễ nghĩa. Nếu bản thân hoàng đế làm những việc thất đức vô nghĩa thì thiên hạ lao đao, trăm họ rồi sẽ ra sao? Vì vậy, Trương tiên sinh mới dạy nhiều dạy kỹ về đạo đức cho vị hoàng đế nhỏ tuổi, muốn làm vua tất phải nhân ái, tiết kiệm, khoan dung, cần mẫn, không thể thích gì làm nấy, chơi bời thối chí. Dưới sự giám sát của Trương tiên sinh, tiểu hoàng đế ngày nào cũng phải hoàn thành bài vở. Không dám lười biếng, bừa bãi, thậm chí không dám thích thú với nghệ thuật, vì ngài Trương đã từng cho hay: Các vị vua chúa các thời đại xưa nay đều vì thích thú nghệ thuật, tinh thông nghệ thuật mà mất nước như Trần Hậu chủ, Tuỳ Dạng đế, Lý Hậu chủ và Tống Huỵ Tông. Những điều hướng dẫn trên đều có huấn thị của thánh hiền hoặc giáo huấn của lịch sử làm căn cứ, nên rõ ràng là chính xác tuỵệt đối. Nếu tiểu hoàng đế dám vi phạm thì lập tức bị thái hậu phạt tội, bắt quỳ trước bàn thờ tổ tiên, phải khấu đầu khóc lóc xin đảm bảo lần sau không dám vi phạm, hoặc bị Trương tiên sinh cho viết “chiếu trị tội mình” (thực chất đây là bản kiểm điểm được phát biểu công khai), tận khi mặt mũi vị tiểu hoàng đế đỏ lựng mới thôi. Vì vậy, đời sống lúc nhỏ của tiểu hoàng đế là vô vị, thậm chí là khổ sở?
Nhưng bản thân Trương Cư Chính thì thế nào? Người phát giác đã báo với hoàng đế: Nơi ở của Trương Cư Chính rất phô trương, đời sống thì cực kỳ xa xỉ. Mấy năm trước, nghe tin Trương tiên sinh đang lo việc sửa chữa nhà cửa, tiểu hoàng đế suy nghĩ thấy lương bổng của thầy giáo còn thấp, đã cho tặng một ngàn lạng bạc giúp đỡ, nào ngờ việc sửa chữa lần này đã chi tới một vạn lạng, vậy số tiền kia ở đâu ra? Hơn nữa, trong lầu các hào hoa đó còn bao nhiêu là trân châu bảo ngọc, thư hoạ quý hiếm, còn rất nhiều mỹ nữ tuyệt sắc, vậy, những thứ đó, những người đó ở đâu ra? Tiểu hoàng đế còn được biết: Năm Vạn Lịch thứ sáu (năm 1578) lúc về quê làm lễ chôn cất cha, Cư Chính đã ngồi kiệu có ba mươi hai người khiêng, bên trong còn có chỗ nằm, chỗ ăn uống, còn có hai tên tiểu đồng hầu hạ. Chi phí dọc đường tốn kém đến kinh người. Mỗi bữa ăn có hàng trăm món, nhưng Trương Cư Chính còn nói chẳng biết gắp gì, ăn gì.
Bản cáo trạng hết sức chính xác. Sự phẫn nộ của Vạn Lịch lại bùng phát. Vị hoàng đế trẻ tuổi lại nghĩ tới chuyện lúc trước: Trong chục năm Cư Chính là tướng quốc, mình tuy xưng hiệu là thiên tử, có cả bốn biển, nhưng thực tế là rất nghèo, không một xu dính túi, có lúc đến thưởng cho cung nữ mấy đồng tiền lẻ, cũng phải viết giấy ghi nợ, chẳng khác gì mấy anh cán bộ làng, xã mấy trăm năm sau ở Trung Quốc. Một lần Vạn Lịch cùng mấy tiểu thái giám vui chơi, để hai cung nữ hát tiểu khúc (thực tế chưa hát), suýt nữa đã bị phế truất, để hoàng đệ là Lộ vương lên thay. Để tỏ lòng hiếu kính với mẹ, Vạn Lịch muốn tu bổ lại cung thất của thái hậu cũng bị Trương Cư Chính ngăn lại, còn được giảng giải hàng loạt điều đạo lý thương dân tiếc vật. Trường hợp ông ngoại của Vạn Lịch là Lý Vĩ mới càng thê thảm: Vì bổng lộc quá thấp, đành nhận một chút tiền hoa hồng khi bán vật công, liền bị thẩm vấn công khai trước quần chúng. Nhưng vị quan đạo mạo Trương Cư Chính khéo biết hạn chế dục vọng riêng của hoàng đế để đồng thời bành trướng dục vọng riêng của mình, được hời về mọi mặt. Chỉ riêng điểm này thôi, đáng phải ngàn vạn lưỡi dao băm vằm!
Hoàng đế Vạn Lịch từ chỗ phẫn nộ bội phần lại cảm thấy đau lòng và từ chỗ đau lòng lại cảm thấy thất vọng. Hoàng đế thực không hiểu, nếu ngay cả một người như Trương tiên sinh cũng không giữ được phẩm chất đạo đức thì liệu trong thiên hạ còn ai đáng tin? Nếu phẩm hạnh đạo đức người thiên hạ đều không đáng tin, liệu có nên lấy đạo đức lễ nghĩa làm cơ sở để dựng nước không?
Trong bối cảnh đó, Hải Thuỵ được phục chức, là điều có ý nghĩa đặc biệt.
Vạn Lịch và Thẩm Thời Hành khẳng định là còn hy vọng nhiều, lần nữa Hải Thuỵ lại xuống núi. Thực tế thì trong cả nước liệu có mấy viên quan thanh liêm, chính trực như Hải Thuỵ? Vì vậy họ mong muốn Hải Thuỵ có thể trở thành một tấm gương, một mẫu mực, ít ra cũng là một tượng trưng, một điểm sáng, về điểm này, Thẩm Thời Hành tỏ ra rất tỉnh táo, Thời Hành liền có thư cho Hải Thuỵ: “Công Tổ ở quê lâu ngày, chưa nắm được mọi điều nơi thánh triều”. Ý tứ rõ ràng: Lão huynh ở dưới quê lâu ngày, chưa nắm được nhiều tình hình ở triều đình cũng như quan trường. Nhưng dù là thánh triều có nền chính trị rõ ràng, cũng không thể thiếu được các vị quan thanh liêm như lão huynh. Lời nói tuy bóng bẩy nhưng cũng rất rõ ràng: Là trang trí cũng được và đừng gây ra chuyện gì!
Với lần thứ ba được phục chức, Hải Thuỵ có những suy nghĩ của riêng mình. Hải Thuỵ tự hỏi: Sau khi xuất hiện ông có thể làm gì, nên làm gì? Chẳng nhẽ lại chỉ nói mấy câu không quan trọng như Nguỵ Hoàn triều Hán: “Hậu cung có cả ngàn, nên giảm đi chăng?”. Từng trải nhiều năm, lúc này Hải Thuỵ không mấy lạc quan với cảnh tượng trước mắt.
Nhưng Hải Thuỵ lại vẫn là Hải Thuỵ. Dù không có nhiều hỵ vọng, vẫn như trước, Hải Thuỵ lại làm bùng lên làn gió liêm chính. Ngoài việc sử dụng nhiều biện pháp liêm chính, Hải Thuỵ còn chĩa đầu mâu vào hoàng đế, Hải Thuỵ có thư đến Vạn Lịch: “Nếu tuần phủ đều tham ô, có thể cấm tham ô được chăng? Nếu các bộ ở trung ương luôn nhũng nhiễu, có thể loại bỏ được nhũng nhiễu chăng? Nếu không làm rõ được những điều đúng sai dưới chân thiên tử thì chống hủ bại kêu gọi liêm khiết, liệu còn hy vọng không?”. Trong tấu sớ, Hải Thuỵ còn nói, muốn có liêm chính thì hoàng đế phải làm trước, như nên có nhiều cung nữ, nhiều thái giám ở trong cung như vậy không. Đương nhiên, Hải Thuỵ cũng sẽ không bỏ qua cho số tham quan ô lại. Hải Thuỵ đề xuất, bản triều sở dĩ được thanh liêm trong những năm dựng nước, vì đã dùng trọng hình, tham ô bất pháp nhận hội lộ tám mươi quan liền bị lóc da, nhét cỏ vào bụng, nay lại muốn xoá sạch tham ô, thì nhất thiết phải dùng trọng hình.
Bản tấu sớ đụng tới việc đúng sai của Hải Thuỵ lại làm bùng lên một làn sóng lớn, sớ tấu hạch tội Hải Thuỵ lại tới tấp bay đến trước ngự tiền. Có điều, sự công kích lần này mang màu sắc mới: Chê trách Hải Thuỵ là nguỵ quân tử.
Tấm gương đạo đức mẫu mực Hải Thuỵ trong ngoài thống nhất, lời nói và hành động thống nhất đã bị bọn họ vu khống là nguỵ quân tử, vốn dĩ bản thân việc này là một vở hài kịch. Đồng thời cũng nói rõ, đạo đức lúc đó đã xuống cấp đến chừng nào.
Chu Nguyên Chương phải nhờ vào ba cột trụ chống đỡ mới dựng nên vương triều Đại Minh - ba cột trụ ấy là: Kinh tế tiểu nông, đạo Khổng Mạnh và tập đoàn quan văn. Kinh tê tiểu nông là cơ sở của kinh tế, đạo Khổng Mạnh là hình thái ý thức, tập đoàn quan văn là thành phần hạt nhân của thượng tầng kiến trúc. Trong đó, đạo Khổng Mạnh là quan trọng nhất, vì bất luận là trọng nông ức thương, hay là nhà nho trị nước đều bao hàm đạo Khổng Mạnh trong đó. Hạt nhân của đạo Khổng Mạnh là lễ nghĩa đạo đức. Vì vậy, đạo đức trở thành một sự kiện quan trọng nhất của đất nước. Đạo đức là vốn để dựng nước, là đạo để trị nước, không chỉ có thể chỉ đạo hành chính còn có thể thay cho hành chính.
Có rất nhiều chính sách và chế độ giúp có được một thời đại sáng sủa và tất cả được chế định theo nguyên tắc của đạo đức. Theo nguyên tắc đó, quan văn có hai vai trò hoặc là hai nhiệm vụ đối với dân chúng, một là trị lý họ, hai là giáo hoá họ. Cũng có nghĩa là, quan văn không chỉ là người quản lý mà còn là nhà giáo dục, không chỉ là người chấp hành pháp lệnh của nhà nước mà còn là người tuyên truyền tinh thần của đất nước. Điều đó đòi hỏi mọi quan văn phải là mẫu mực đạo đức về mặt lý luận, đủ để làm mẫu cho dân chúng, cảm hoá dân chúng. Như vậy, mọi quan văn chỉ có thể nhận được đồng lương bèo bọt, sống một cuộc sống đơn giản chất phác.
Một chính sách lý tưởng hoá như vậy, trong quá trình chấp hành thực tế thấy không thông. Vì dù các quan đều liêm khiết, nhưng vẫn phải duy trì được mức sống tối thiểu, duy trì được thể diện cần thiết. Huống hồ chế độ lương thấp và thể chế quan trị lại không dung hoà được. Thực rất khó hiểu, một chế độ lấy “quan” làm “bản vị”, mà quan lại phải sống trong cảnh bần hàn thiếu thốn.
Vậy cách làm tốt nhất là “lương cao để dưỡng liêm”, mặt khác phải tinh giảm phần lớn những nhân viên dư thừa, mạnh dạn nâng cao lương bổng của quan viên, đồng thời cấm tiệt mọi thứ gọi là “tiểu phí”, xoá bỏ lệ lấy xe công dùng vào việc riêng, chi phí cho việc ăn uống… Nhưng không thể thực hiện việc đó (ngay cả một hoàng đế hùng tài đại lược như Khang Hy cũng không làm được, nhưng hoàng đế Ung Chính lại làm được. Sẽ nói rõ ở chương sau “Tác giả). Trước hết, không ai dám đề xuất, vì phương án “lương cao” không phù hợp với nguyên tắc đạo đức đã nói ở trên, không ai muốn mình mang tội danh vi phạm đạo đức. Thứ nữa, rất nhiều quan viên không muốn thay đổi chế độ, vì lương bổng có cao đến mấy cũng không thể vượt qua mức thu nhập mờ ám từ các địa phương. Nên đành phải mắt nhắm mắt mở với các loại phí thường lệ đã nói ở phần trước, đồng thời cho phép các quan lại địa phương thực hiện phí sinh hoạt, phí chiêu đãi, phí mua bán lễ vật đưa đón cấp trên… Cũng có thể dùng danh nghĩa việc chung để các quan địa phương phải chi, hoặc báo tiêu cho việc công.
Căn cứ để có biện pháp biến thông là từ Khổng Tử. Trong học thuyết của Khổng Tử vốn có hai chữ “kinh” và “quyền”. Kinh tức là bình thường, quyền tức là quyền biến, cũng tức là cho phép được châm chước trong tình trạng chưa cải biến chính sách, như vậy là đã có “căn cứ lý luận”. Nhưng điều đó đã tạo nên hậu quả rất nghiêm trọng: Các quan viên đã nói một đường làm một nẻo, không còn là tấm gương của dân chúng, khó có thể giữ được tiết tháo của bản thân.
Kết quả, về mặt đại thể có thể chia các quan thành ba loại, một loại cực liêm khiết như Hải Thuỵ, là rất hiếm; một loại cực tham như Nghiêm Tung, loại này cũng không nhiều; nhiều nhất là loại người ở giữa hai loại kia. Từ nhỏ, bọn này đã đọc nhiều sách vở, hiểu đức biết lễ, biết một người quân tử sau khi làm quan phải liêm khiết vì việc chung, phải hy sinh bản thân, nhưng lại không có cách gì để chế ngự những “ham muốn không sao ngăn được”. Vì vậy, phần lớn trong số họ, mặc cho sóng nước đưa đẩy đã nhận một số “lợi lộc” giá trị không lớn lắm. Vào lúc đó, như vậy là đã khá tốt.
Có điều, đạo đức cao thượng cần phải được biểu dương và khích lệ. Nhất là trong tình trạng đạo đức đang xuống cấp. Điều đó không chỉ là nhu cầu chính trị mà còn là rấm lòng của không ít người. Thế là một số người lại phát hiện ra một biện pháp hay để mưu cầu danh lợi, đầu cơ kiếm chác, đó là buôn bán đạo đức.
Đạo đức của quan viên, ngoài trung ra còn có hai loại là liêm và trực. Bất kể là có loại nào đều luôn có được danh dự và trở thành vốn liếng chính trị của bản thân. Nhưng dựa vào “liêm khiết” để có được “thanh danh” không bằng tự tạo ra “tiếng trực”, như thế sung sướng hơn nhiều. Cách làm cụ thể là: Tìm ra vấn đề nào đó để phê bình hoàng đế, phạm tội đại bất kính, chịu đình trượng, giáng chức, bãi quan, lưu đầy… nhưng lại được tiếng là trực thần, tạo nên cơ sớ ghi tên vào sử sách, xuất hiện sau này. Loại “khổ nhục kế” này còn được gọi là “giễu vua bán trực” cũng tức là giễu cợt quan viên, buôn bán chính trực. Quan lại dựa vào phỉ báng vua cha để có được thanh danh. Đương nhiên đây tuyệt không phải là tâm nguyện ban đầu của những người thiết kế ra chế độ, nhưng lại là sản vật tất yếu của chế độ. Như trên đã nói, chế độ đế quốc đã ngầm cho phép quan viên có cuộc sống kép, nhưng đồng thời cũng kiên quyết lấy đạo đức trị nước, không chịu thừa nhận đạo đức đó chỉ là cái bề mặt.
Cách làm của Hải Thuỵ được coi là “giễu vua bán trực” đúng như lời vu cáo. Ngón nghề đó quả là rất độc. Nhưng Hải Thuỵ vẫn không đổ, trước hết vì Hải Thuỵ đạo đức cao thượng. Nhưng nếu bị vu khống và đúng là “giễu vua bán trực” thì không chỉ hết cả cao thượng để nói, mà còn là kẻ tiểu nhân ti tiện nhất, nham hiểm nhất, mang tiếng xấu muôn đời. Thứ nữa, Vạn Lịch ghét nhất là “giễu vua bán trực”. Từng có quan giám sát tên là Trâu Nguyên Tiêu cũng bị vu khống như vậy. Lần này, nếu có thể chụp chiếc mũ đó lên đầu Hải Thuỵ thì suốt đời Hải Thuỵ sẽ không ngóc đầu nổi. Vì vậy, lần này chúng còn chụp lên đầu Hải Thuỵ chiếc mũ lớn hơn, nào là “đoạt uy của chủ”, “tổn nhục quốc thể”, “huỷ diệt Khổng Mạnh” và “ưa thích giả dối”… Tóm lại, chúng muốn tô vẽ Hải Thuỵ thành kẻ xấu, bán chủ cầu vinh, vừa kiêu vừa dối. Rõ ràng, âm mưu của kẻ thù không chỉ là quật ngã Hải Thuỷ mà còn muốn Hải Thuỵ thành kẻ xấu xa.
May sao Hải Thuỵ vẫn vững vàng, khí thế ngời ngời, không gì đả kích nổi. Hoàng đế Vạn Lịch cũng được coi là còn tỉnh táo. Sau khi nghe hai bên, kẻ công kích và người bị hại tranh luận, Vạn Lịch đã tỏ thái độ: “Mấy lần tiến cử Hải Thuỵ, là do đặc chỉ lựa chọn để dùng. Gần đây có điều trần về trọng hình là trái với thể chế, liên quan tới trẫm, lời lẽ gàn dở và trẫm đã tha thứ”. Còn việc sắp đặt cho Hải Thuỵ, Vạn Lịch nghe theo ý của bộ Lại: Bảo lưu chức vụ, nhưng không cho phụ trách việc gì. Vạn Lịch phê chuẩn, nói: Hải Thuỵ “cầm quyền e không hợp với sở trường, nhưng để trấn áp tà tục, chấn hưng phong khí, là có lợi, có thể để Hải Thuỵ giữ chức như cũ”. Thực là vô cùng hoang đường và giảo hoạt: Một người cao thượng kiên trinh chỉ có thể “trấn áp tà ác, chấn hưng phong khí” (nói trắng ra chỉ là vật trang trí) và không thể “cầm quyền”, hoá ra chỉ những kẻ đạo đức đồi bại, tác phong bất chính mới xứng đáng được trọng dụng? Xem ra, bản thân hoàng đế bệ hạ đã mất hết lòng tin vào cái gọi là lấy đức để trị nước.
Đương nhiên, mấy lời đó cũng có thể hiểu là: Chỉ những người vừa đạo đức cao thượng vừa giỏi làm việc mới là rường cột của đất nước. Nhưng người tương đối có phẩm hạnh đã thuộc loại lông phượng vuốt lân, quý hiếm, vậy biết tìm người tài đức vẹn toàn ở đâu?
Nếu Hải Thuỵ đọc được lời phê của hoàng đế Vạn Lịch chắc sẽ hết sức đau lòng. Vì bản thân Hải Thuỵ đã trở thành đồ trang trí của đế quốc và ngay cả cái vốn để dựng nước trước đây là cương thường luân lý, nhân nghĩa đạo đức cũng trở thành vật trang trí. Sau đó, Hải Thuỵ bảy lần dâng tấu lên hoàng đế xin từ chức, nhưng mỗi lần đều bị ngự phê là không chuẩn y. Điều này ngang với giam hãm Hải Thuỵ ở địa vị đó. Đau xót không gì lớn hơn trái tim nguội lạnh, huống hồ lúc này Hải Thuỵ đã là ông già ở tuổi bảy mươi, không lâu nữa sẽ có thể vì u uất mà chết ở nhiệm sở.
Thực ra, Hải Thuỵ chẳng cần phải đau lòng đến như vậy. Vì việc mà Hải Thuỵ muốn làm vốn là việc chẳng đem lại hiệu quả gì. Vì vậy, đối với việc đó, Hải Thuỵ nên nói mấy câu cho có hồn. Giống như mười lăm năm trước, khi từ quan, Hải Thuỵ từng nói: “Thế giới này thì làm nên sự nghiệp gì!”. Đã thế thì làm mà làm gì!
Có thể Hải Thuỵ chết mà không nhắm được mắt.
Hải Thuỵ là người có lý tưởng - một lý tưởng rất thực tế. Xét về đại thể, đúng như Đỗ Phủ từng nói: “Làm vua phải như Nghiêu Thuấn, mới có thể thuần hoá phong tục”. Xét về tiểu thể, cũng tức là tiêu trừ hủ bại. Hủ bại chẳng lợi lộc gì cho dân cho nước, vì sao chính phủ vẫn để nó phát triển? Vì sao hoàng đế vẫn dung túng nó? Hải Thuỵ nghĩ mà không hiểu.
Đúng là nghĩ mà không hiểu. Hải Thuỵ không hề biết, chính quyền lực đã tạo ra hủ bại, nhất là thứ quyền lực không bị hạn chế, luôn tiềm ẩn nhiều khả năng dẫn tới hủ bại. Lý lẽ thật đơn giản: Người có quyền lực dễ dàng đổi lấy lợi ích của nhiều người khác (tiền bạc, gái đẹp), nhất là khi quyền lực không hề bị hạn chế và trừng phạt, thử hỏi, mấy ai kìm nén được trước sự cám dỗ, giữ mình cho trong sạch? Thực là khó hiểu, giống như cho ai đó một ngân phiếu cỡ bự và cấm họ không được mua bất cứ một thứ gì.
Sự trao đổi giữa quyền và tiền đã tồn tại phổ biến nhiều năm trước khi Hải Thuỵ xuống núi. Thời đó còn có một kiểu buôn bán như thế này: Một số quan kinh thành vốn là kẻ cho vay nặng lãi, đã cho nhiều người nghèo khổ vay tiền. Một khi viên quan đó bị gạt ra ngoài làm quan địa phương, thì lợi tức mà hắn thu về là cực kỳ khả quan. Còn có người cho kẻ đi vay tiền để mua quan, thu hoạch sau này của họ, thật khó nói hết. Vì sao kiểu buôn bán đó luôn tồn tại và phát triển, vẫn là quyền có thể đổi thành tiền.
Các chính trị gia qua nhiều triều đại không thể không hiểu được chân lý đó. Những đơn thuốc của họ chỉ là tố cáo những hành vi đó và kỳ vọng vào sự tu dưỡng đạo đức của quan viên các cấp. Logic của họ là: Đế quốc quỵ định, chỉ những người có đạo đức mới được làm quan, có nghĩa là quan lại tất không hủ bại, vì hủ bại là vô đạo đức. Cách suy nghĩ đó nếu không phải là dối mình dối người thì cũng là ngây thơ lãng mạn. Dùng đạo đức để chế ngự quyền lực là không thể. Trước hết, đạo đức là loại khống chế mềm, nó chỉ có thể tố cáo mặt lương tâm, và một người đã mất lương tâm, thì đạo đức còn là gì đâu. Thứ nữa, người ta có thể nguỵ trang đạo đức và phẩm hạnh, “miệng nói nhân nghĩa đạo đức, nhưng đầy bụng nam là đạo tặc nữ là gái điếm”. Loại người như vậy đâu có ít. Điều thứ ba, đạo đức phẩm hạnh của một người có thể thay đổi. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nếu bên cạnh một người toàn là tham quan ô lại thì rất khó để người đó giữ mình, không để nhuốm bẩn. Vậy, đế quốc có biện pháp gì để phân biệt đúng sai đây? Không có. Có biện pháp gì để phòng bị ngăn ngừa đây? Cũng không có.
Con đường duy nhất trừ tận gốc hủ bại lại là hạn chế quyền lực. Quyền lực có khuynh hướng tự khuếch trương. Nếu không tăng cường hạn chế thì ác tính sẽ bành trướng. Một khi quyền lực bành trướng tới mức không từ việc gì không làm thì hủ bại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng để trị lý đất nước, không thể không có quyền lực, tiêu diệt quyền lực là cách suy nghĩ của chủ nghĩa vô chính phủ. Quyền lực không thể tiêu diệt, chỉ có thể hạn chế! Hạn chế quyền lực một cách hiệu quả, là cách tốt nhất để ngăn ngừa hủ bại.
Hải Thuỵ ra sức duy trì chế độ, nhưng lại không thể hạn chế được quyền lực. Quyền lực là cái gốc của chế độ, là thứ mà chế độ phải ra sức, bằng bất cứ giá nào, bảo vệ cho bằng được, làm gì có chuyện hạn chế nó? Đương nhiên, có thể hạn chế từng phần, như hạn chế tướng quyền, mục đích hạn chế là để đảm bảo quyền vua được nguyên vẹn. Cũng tức là, chế độ hạn chế quyền lực là đảm bảo cho một thứ quyền lực không bị hạn chế. Quyền của vua chính là thứ quyền lực tối cao, hoàn toàn không bị hạn chế. Và đây chính là căn nguyên chung dẫn tới mọi sự hủ bại. Bởi vì thứ quyền lực tối cao, tuyệt đối không bị hạn chế này chỉ có thể thông qua việc làm của hệ thống quyền lực từng tầng lớp ở bên dưới mới có hiệu quả. Đất nước Đại Minh vô cùng rộng lớn, dân chúng đông đúc, chỉ lệnh quân vương không thể trực tiếp đến tay người dân, dân chúng cũng chẳng có cách gì thể hiện lòng trung với vua, quan lại các cấp không thể không có hoặc thiếu tầng lớp trung gian. Vì vậy, bất cứ một quân vương độc tài nào cũng phải cho quan lại cấp dưới một số quyền lực nhất định, ít ra cũng phải bằng số quyền lực mà dân chúng có. Số quyền lực đó là không bị hạn chế, hoặc ít ra là không bị hạn chế khi sử dụng với dân chúng. Dù cho bất kỳ triều đại nào cũng có chế độ giám sát hạch tội, nhưng dần dà chế độ đó diễn biến thành công đấu tranh quyền lực. Các quan lại công kích nhau, chỉ trích nhau, mục đích là muốn có thêm quyền lực. Để đảm bảo rằng mình có thể thâu tóm tất cả, các bậc đế vương luôn giữ thái độ ngồi xem hổ báo đấu nhau, kết quả quyền lực không chỉ bị hạn chế mà còn dẫn tới sự hủ bại mới! Đồng thời muốn được các quan hết lòng trung hiếu, hoàng đế thấy cần phải cho chúng một ít lợi lộc, vì vậy, với việc giao dịch quyền lực, dùng quyền, mưu lợi chung chung, hoàng đế đành phải mắt nhắm, mắt mở, nghe đấy bỏ đấy, chỉ khi nào đến mức “không còn ra thể thống gì” thì mới ra tay loại bỏ. Rõ ràng, không có sự giám sát của dân chúng, quyền lực không hề bị hạn chế. Riêng việc này, dù có không ít các bậc đế vương trong lịch sử có ý đồ muốn trừ tận gốc hoặc hạn chế hủ bại, nhưng cuối cùng thì không thể hoàn thành triệt để, vì cái gốc của nó đang ở chỗ các vị.
Thậm chí, bản thân chế độ chuyên chế là sự hủ bại lớn nhất, tội ác lớn nhất. Những việc như, tư nhân xâm phạm lợi ích công chúng, chiếm đoạt sức lao động của người khác, cưỡng gian dân ý, chà đạp nhân quyền, tuỳ ý chém giết… luôn được chế độ chuyên chế coi là hợp pháp. Một khi không vui hay bực tức, quân vương có thể lấy mạng hay tịch thu gia sản người khác, không có mặt nào là không bằng lũ cướp biển, đoạt tài hại mệnh. So ra, việc làm lớn bé của bọn tham quan ô lại có thấm vào đâu!
Với một chế độ như vậy mà muốn loại bỏ hủ bại bằng cái gọi là “Vận động chấn hưng đạo đức”, thì nhất định sẽ không có kết quả, hơn nữa rất có khả năng biến tướng thành sự hủ bại khác. Bản thân chế độ chuyên chế đã là vô đạo đức. Nói một người có đạo đức là nói người đó có ý thức cá nhân. Ý chí tự do và nhân cách độc lập được xây dựng trên cơ sở ý thức cá nhân, là tiền đề và đảm bảo cho hành vi đạo đức. Chúng ta đều biết thiện, chỉ khi nào xuất phát từ nội tâm, mới là thiện chân thực, bằng không chỉ là thiện giả mạo. Nhưng nếu một người không có nhân cách độc lập và ý chí tự do, thì làm gì có thiện xuất phát từ nội tâm. Lý lẽ rất đơn giản: Anh ta luôn phải phụ thuộc vào người khác, nghe theo lệnh người khác, không được tự chủ, thì thiện “xuất phát từ nội tâm” ở đâu ra?
Đây là điểm cơ bản nhất khiến chế độ chuyên chế và nguyên tắc đạo đức mỗi bên một ngả. Nguyên tắc đạo đức yêu cầu phải độc lập suy nghĩ, chế độ chuyên chế yêu cầu phải phục tùng tuyệt đối; nguyên tắc đạo đức yêu cầu tự do lựa chọn, chế độ chuyên chế yêu cầu phụ thuộc người khác. Một người chỉ biết phụ thuộc và phục tùng, tất sẽ không có cái gọi là lương tâm và trách nhiệm về đạo đức. Khi mà tất cả mọi người được yêu cầu phải phục tùng và phụ thuộc vào người khác thì cái gọi là sự phán đoán về đúng sai thiện ác, cuối cùng chỉ là sở thích của cấp trên, của quân vương. Và áp đặt ý chí của mình lên người khác, chà đạp nhân cách người khác, đều là những việc vô đạo đức.
Một chế độ xã hội vô đạo đức nhất muốn lấy đạo đức làm mẫu mực, còn coi đạo đức hoặc nói đạo đức là căn cứ tồn tại của chế độ, thử hỏi, dưới gầm trời này còn gì hoang đường, giả dối hơn thế không? Rõ ràng, một khi sự hoang đường và giả dối chưa bị tiêu trừ, thì mãi mãi sẽ chẳng có cách gì để trách đạo đức truỵ lạc, đời sống hủ bại. Với sức của mình Hải Thuỵ không thể tiêu trừ những tệ nạn đó. Vì nó là “thai độc”, cùng đến với đời, trọn cả cuộc đời, ngay cả một người như Hải Thuỵ cũng không thể không bị nó đầu độc và hãm hại đến sai lạc; để giữ vững nguyên tắc đạo đức của mình, Hải Thuỵ luôn có ý giữ vững lập trường độc lập, không thiên vị, không a dua, không lập bang kết phái, không vấy bẩn cùng họ, không dựa vào quyền quý, không bán rẻ lương tâm, thậm chí không tiếc mình chống lại hoàng thượng. Nhưng lập trường độc lập của Hải Thuỵ chỉ có thể lấy sự trung thành với chính quyền chuyên chế của đế quốc làm tiền đề. Thế là, Hải Thuỵ chỉ có thể rơi vào một kết cục như thế này: Toàn bộ hàm lượng đạo đức trên cơ thể bị hút sạch, trở thành một thương hiệu rỗng, là vật trang trí dưới mông của chính quyền.
Hải Thuỵ thật bất hạnh, vì mọi cô gắng đều mất trắng. Hải Thuỵ lại gặp may, vì mọi cố gắng chưa phải là mất trắng. Ít ra, đối với chúng ta là như vậy.
Hải Thuỵ sinh năm 1514, mất năm 1587, theo cách tính thời đó, Hải Thuỵ thọ bảy mươi tư tuổi.
Sau khi Hải Thuỵ qua đời, người dân Nam Kinh lũ lượt báo tin cho nhau, như người mất cha mất mẹ. Hôm đưa tang, không ít cửa hàng tự đóng cửa để biểu lộ lòng thương tiếc. Nhiều người dân bình thường không quen biết, không thân không sơ gì với Hải Thuỵ cũng kéo đến tham dự tang lễ. Những người theo chân đám tang đều vận tang phục mầu trắng, ai nấy đều khóc than không dứt, đoàn người kéo dài tới hơn trăm dặm. Ai nấy tỏ lòng cảm kích, thương tiếc vị quan lương thiện, cương nghị, chính trực, thanh liêm.
Mọi câu chuyện và truyền thuyết về Hải Thuỵ nhanh chóng được truyền tụng trong dân gian, và theo lệ, chúng đều bị thần thánh hoá. Câu chuyện thú vị nhất là thế này: Vào những năm Vạn Lịch, kinh thành bắt được yêu quái gây án. Lúc hoàng đế thẩm vấn, yêu quái vẫn ngạo nghễ, tỏ ra không sự bất kỳ một đại thần nào trong triều. Cuối cùng thì hoàng đế Vạn Lịch sốt ruột, liền nói, trẫm sẽ cho giải người đến Nam Kinh - chỗ của Hải Thuỵ! Lúc đó, tên yêu quái sợ đến vỡ mật, miệng im thin thít.
Xem ra, Hải Thuỵ đúng là quan thanh liêm, đấng trượng phu mạnh mẽ, tên ghi vào sử sách. Nhưng đó không phải đồng ý nguyện của Hải Thuỵ. Hải Thuỵ luôn muốn thanh trừ hủ bại, chấn hưng đạo đức, nhưng chế độ là căn nguyên phát sinh hủ bại, đạo đức suy đồi, dù có cả vạn Hải Thuỵ cũng không làm nổi điều đó. Huống hồ, trong một chế độ như vậy, không thể có một vạn người như Hải Thuỵ.