Chương 11

    
GƯỜI TA LẤY VỢ thế nào thì tôi cũng đã lấy vợ như thế đó. Bắt đầu tuần trăng mật vẫn được người ta tán tụng đến tận mây xanh. Cái tên gọi nghe mới đáng tởm làm sao cơ chứ! - Anh ta tức giận rít lên. - Có lần tôi đi dạo ở Paris, thăm thú mọi nơi và ghé vào chỗ người ta trưng bày một người phụ nữ có râu và một con chó sống dưới nước. Hóa ra đó chẳng có cái gì ngoài một người đàn ông mặc váy phụ nữ và con chó bị nhét vào bộ da hải cẩu và cho bơi trong bể nước. Chẳng có gì hay ho cả, nhưng khi tôi bước ra, người giới thiệu kính cẩn đưa tiễn tôi, rồi vừa chỉ vào tôi vừa nói với đám đông đang bu quanh lối vào: “Hãy hỏi quý ngài đây xem có đáng vào coi không? Xin mời vào, xin mời vào, một franc một người!”. Tôi cảm thấy áy náy nếu nói với họ là chẳng có gì đáng xem, và người giới thiệu hẳn đã tính trước điều đó. Trạng thái này cũng giống như trạng thái của những người trải qua những điều kinh tởm trong tuần trăng mật, nhưng không kể về chúng vì không muốn làm người khác thất vọng. Tôi cũng không làm ai thất vọng, nhưng bây giờ tôi thấy không việc gì phải che dấu sự thật. Thậm chí tôi cho rằng cần phải nói sự thật. Tuần trăng mật thật khó chịu, ghê tởm, đáng hổ thẹn, và nhất là rất buồn chán, buồn chán đến độ không chịu nổi! Cũng kiểu như những gì tôi trải qua khi mới tập hút thuốc, thuốc làm tôi muốn ói và chảy nước miếng, song tôi cố nuốt khói và làm bộ như là cảm thấy ngon lắm. Khoái lạc do hút thuốc, cũng như trong chuyện ấy, nếu như có được thì chỉ có sau đó: vợ chồng phải được giáo dục cho quen với chuyện tội lỗi đó thì mới có được khoái lạc với nó.
- Sao lại tội lỗi? Ngài đang nói đến cái hoạt động tự nhiên nhất của loài người cơ mà.
- Tự nhiên ư? - Anh ta nói. - Thế mà tự nhiên ư? Không, ngược lại, tôi đã đi đến kết luận là chuyện đó là không tự nhiên. Vâng, hoàn toàn không tự nhiên. Hãy thử hỏi lũ trẻ con, hỏi thử cô gái còn trong trắng xem. Em gái tôi khi còn rất ít tuổi đã lấy một người gấp đôi tuổi nó và là một kẻ phóng đãng làm chồng. Tôi còn nhớ chúng tôi đã ngạc nhiên khi nó tái xanh và ràn rụa nước mắt chạy khỏi chồng nó vào đêm tân hôn, toàn thân run rẩy, nó nói rằng không đời nào, không đời nào..., thậm chí nó không nói ra nổi cái điều mà chồng nó muốn ở nó.
Thế mà ngài nói là tự nhiên! Từ một phía thì có đấy. Nào là vui sướng, nhẹ nhõm, dễ chịu và không có gì đáng xấu hổ ngay từ lúc ban đầu; còn phía bên kia thì nào là ghê tởm, hổ thẹn, đau đớn. Không, đó không thể nào tự nhiên được. Tôi tin rằng một thiếu nữ trinh nguyên luôn căm thù chuyện đó.
- Thế thì làm sao, thế thì làm sao tiếp tục được nòi giống loài người?
- Giá như loài người có thể bị tiêu diệt đi được. - Anh ta nói với vẻ chế giễu đầy căm tức, dường như đã chờ sẵn cái câu phản đối không thiện chí đã quen thuộc đó. - Cổ xúy cho chuyện tránh thai để cho các ngài quý tộc người Anh luôn có thể béo phì ra thì được, cổ xúy cho chuyện tránh thai để tăng thêm khoái cảm cũng không bị phản đối; còn vừa mở mồm ra nói tránh thai là vì đạo đức thì lập tức người ta hét lên: nòi giống loài người sẽ tiệt mất nếu vài chục kẻ nào đó không muốn làm thân con heo nữa. Xin lỗi ngài, cái ánh sáng này làm tôi khó chịu, có thể che đi được không ạ?
Tôi nói sao cũng được, anh ta nhanh nhẹn đứng lên ghế và phủ tấm rèm bằng nỉ che chiếc đèn.
- Nhưng dù sao thì, - tôi nói, - nếu như tất cả mọi người đều công nhận điều đó như pháp lệnh đối với mình thì loài người hẳn sẽ tiệt chủng thật.
Anh ta không trả lời ngay.
- Theo ngài thì nòi giống loài người sẽ tiếp tục như thế nào? - Anh ta nói, ngồi lại chỗ đối diện tôi, hai chân dang rộng và cúi thấp người tì khuỷu tay lên đầu gối. - Loài người phải tiếp tục nòi giống để làm gì?
- Sao lại để làm gì? Nếu không thì làm sao có chúng ta.
- Thế chúng ta tồn tại để làm gì?
- Lại còn làm gì ư? Để mà sống chứ còn gì nữa.
- Thế sống để làm gì? Nếu như sống chẳng có một mục đích nào, nếu như sống chỉ để sống, thì sống làm gì. Nếu thế thì những người theo triết lý của Schopenhauer(8) và Hartmann(9) cũng như tất cả những người theo Phật giáo hoàn toàn có lý. Còn nếu như có mục đích của cuộc sống, thì rõ ràng là cuộc sống đó phải chấm dứt khi mục đích đã được đạt tới. Nó là như thế đấy. - Anh ta nói với vẻ xúc động lộ rõ, hẳn là anh ta rất coi trọng ý tưởng đó. - Nó là như thế đấy. Ngài có nhận thấy rằng nếu như mục đích sống của loài người là hạnh phúc, là tốt lành, là tình yêu, nếu như mục đích sống của loài người là cái được nói trong lời sấm truyền: tất cả mọi người sẽ hòa hợp với nhau trong tình yêu, rằng gươm giáo sẽ được rèn thành liềm hái, vân vân và vân vân, thì cái gì cản trở việc đạt đến mục đích đó? Dục vọng cản trở đấy. Trong số những dục vọng thì mạnh mẽ, dữ dội nhất và cũng kiên cố nhất là tình cảm giới tính, tình yêu xác thịt; vì thế, nếu tiêu diệt được mọi dục vọng và tiêu diệt được cái dục vọng mạnh mẽ kiên cố nhất đó, thì lời sấm truyền sẽ thành hiện thực: loài người sẽ đươc hòa hợp với nhau trong tình yêu, mục đích của loài người lúc đó đã được đạt tới và loài người chẳng cần sống để làm gì nữa. Trong khi loài người còn đang sống, trước mắt con người là lý tưởng, tất nhiên không phải lý tưởng của lũ thỏ và lũ heo là sinh đẻ cho thật nhiều hơn, cũng không phải lý tưởng của lũ khỉ và bọn người Paris làm sao thụ hưởng sành sỏi hơn những khoái lạc tình dục, mà là lý tưởng về điều thiện đạt được nhờ vào sự trai giới và giữ mình trong sạch. Người ta đã và đang luôn luôn vươn tới điều đó. Và ngài hãy nhìn xem sẽ có chuyện gì.
Chuyện đó là: tình yêu xác thịt là cái van bảo hiểm. Nếu thế hệ hôm nay chưa đạt được mục đích của loài người, thì đó chỉ là do họ còn có nhiều dục vọng, mà mạnh nhất là tình dục. Mà nếu có tình dục thì có thế hệ mới, có nghĩa là có khả năng đạt được mục đích vào thế hệ sau. Thế hệ sau đó mà không đạt được thì lại có thế hệ sau nữa, và cứ thế, trong khi chưa đạt được mục đích của loài người thì lời sấm truyền còn chưa thành hiện thực, loài người còn chưa hòa hợp trong tình yêu được. Giả sử Chúa Trời tạo ra con người để đạt tới một mục đích nào đó và làm cho con người hoặc không bất tử nhưng không có tình dục, hoặc là bất tử. Nếu con người không bất tử nhưng cũng không có tình dục thì chuyện gì xảy ra? Thì họ sẽ sống một thời gian và chưa kịp đạt được mục đích thì đã chết mất rồi, thế là để đạt được mục đích thì Chúa lại phải tạo ra những con người mới. Còn nếu như con người bất tử, thì giả sử là (mặc dù nếu trước sau chỉ có một loại người mà không phải là những thế hệ khác nhau thì rất khó mà sửa chữa những lỗi lầm và đi đến hoàn thiện), giả sử là họ đạt được đến mục đích sau rất nhiều nghìn năm, thì lúc đó họ còn làm gì nữa? Họ biết chui đi đâu nữa? Thành ra chính như cái đang có hiện nay là tốt hơn cả... Nhưng có thể ngài không thích cách nói như thế, và ngài là người theo thuyết tiến hóa phải không? Thế thì cũng diễn ra như vậy thôi. Loài động vật cao cấp nhất là loài người, để đấu tranh sinh tồn với các loài khác thì phải hợp nhất với nhau như đàn ong chứ không phải sinh sôi bất tận, và cũng như lũ ong phải giáo dưỡng những con vô tính là ong thợ, có nghĩa là lại phải hướng tới việc kiềm chế sinh dục, chứ không phải khêu thêm chuyện dâm dục như cả cái xã hội ta đang hướng tới. Nòi giống loài người sẽ bị tiêu diệt ư? Chẳng lẽ lại có người nào đó còn nghi ngờ điều đó ư? Đó là điều không còn gì để nghi ngờ, như chuyện cái chết vậy. Tất cả các thuyết lý của nhà thờ đều nói là sẽ có ngày tận thế, và các thuyết lý khoa học cũng khẳng định điều đó. Thế thì có gì là lạ nếu lý thuyết của đạo đức cũng đi đến kết luận giống như thế đâu?
Pozdnyshev im lặng một lúc lâu sau đó, uống thêm trà, hút hết điếu thuốc rồi lại móc trong túi ra ít thuốc khác bỏ vào một cái hộp đựng cũ kỹ đã hoen ố.
- Tôi hiểu ý ngài. - Tôi nói. - Nó giống điều mà những người Shakers(10) vẫn khẳng định.
- Vâng vâng, họ có lý đấy. - Anh ta nói. - Ham muốn nhục dục dù nói cách nào thì cũng là tội ác, tội ác tày đình cần phải chống lại chứ không phải được cổ xúy như ở xã hội ta. Trong sách Phúc âm có nói kẻ nào chỉ nhìn vào người đàn bà mà thèm muốn thì đã phạm tội ngoại tình với bà ta trong tâm trí rồi, người đàn bà ở đây không chỉ là vợ của người khác, mà chủ yếu còn là vợ của chính mình.
Chú thích

8. Arthur Schopenhauer (1788-1860) nhà triết học người Đức theo thuyết phi lý. Bản chất thế giới theo ông là vô ý thức, dòng chảy của cuộc sống là vô ý thức, vô mục đích (ND).
9. Eduard Hartmann (1842-1906) nhà triết học duy tâm người Đức, đề cao trạng thái vô ý thức, tác giả cuốn “Triết lý vô ý thức”. Trong lĩnh vực đạo đức học, ông là người kế tục Schopenhauer phát triển chủ nghĩa bi quan (ND).
10. Shaker - thành viên của một giáo phái, chủ trương sống cộng đồng, chung sở hữu tài sản và không quan hệ giới tính. Tên gọi là do động tác rung lắc trong điệu múa nghi lễ của giáo phái này (shake tiếng Anh có nghĩa là rung lắc) (ND).