Chương 19

    
ai năm liền Goldmund  bỏ công sức vào công trình ấy, và từ năm thứ hai Erich được phó thác hoàn toàn làm học trò của cậu. Trong khung trang trí trên bậc cấp, cậu thể hiện một thiên đàng nhỏ. Cực kỳ vui thú. Cậu chạm khắc những đám tuyệt đẹp các cây nhỏ, các tán lá, cành cây với những con chim đậu nhởn nhơ, và những đầu, thân hình súc vật nổi bật lên ở đây đó. Giữa các lớp thực bì ở ngôi vườn hoang dã và lặng lẽ ấy, cậu diễn đạt một số cảnh về cuộc sống của các vị trưởng lão. Hiếm khi cậu gián đoạn nhịp điệu làm việc cần mẫn của mình, ít có một ngày cậu không thể làm việc hoặc vì lo âu, mệt mỏi mà phải nghĩ ngơi. Những bữa như thế, cậu giao việc cho chú học trò, đi bộ hoặc đi ngựa băng qua các vùng đồng quê, hít thở lấy các hương vị trong rừng, nhớ lại các kỷ niệm về cuộc sống tự do và lãng tử tìm gặp một cô gái nông thôn nào đó, săn bắn hoặc nằm dài hết giờ này sang giờ khác giữa màu xanh các cây cỏ, đăm đăm nhìn lên các vòm cây hoặc ngắm các đám dương xỉ, đậu kém sum xê tươi tốt. Cậu vắng mặt không hề quá một hoặc hai ngày. Tiếp đó cậu lại làm việc với một niềm say sưa mới, vui thích chạm khắc các loại cây lá đang kỳ sinh sôi nẩy nở của chúng. Với những cử chỉ chậm rãi và trìu mến, từ chất liệu gỗ cậu cho ra đời những chiếc đầu người; từng nhát đục mạnh tay, cậu vẽ nên một khuôn miệng, một con mắt, một bộ râu óng mượt. Ngoài Erich ra, chỉ Narcisse được đến xem công trình cậu đang sáng tạo; anh bạn thường lại thăm, gian xưởng đối với anh nhiều lúc trở thành căn phòng thân mật nhất trong tu viện. Anh nhìn, vui vẻ và ngạc nhiên. Này đây đang nở rộ những gì bạn anh đang mang trong trái tim trẻ thơ, lo âu và bất trị ấy. Này đây sức sáng tạo của bạn đâm hoa kết trái, thế giới nội tâm của bạn trào tuôn như một dòng suối: Có lẽ chỉ là một trò chơi, nhưng một trò chơi, chắc hẳn cũng ngang giá trị với trò chơi về lôgic học, văn phạm, thần học.
Một hôm anh bạn nói với một giọng trầm ngâm:
- Goldmund, mình học được của bạn rất nhiều, mình bắt đầu hiểu thế nào là nghệ thuật. Trước đây, mình không nghĩ là người ta phải rất coi trọng nghệ thuật sánh với khoa học và tư tưởng. Mình đã tự bảo gần gần như thế này: Bởi lẽ con người là một hợp thể đáng ngờ về tinh thần và thể chất, bởi lẽ tinh thần mở ra cho con người sự hiểu biết về tính vĩnh hằng, trong khi đó thể chất kéo người ta xuống tầng dưới thấp của xã hội và cột họ vào với những sự vật sớm nở tối tàn, hẳn họ phải giải thoát khỏi các xúc cảm nhục dục và cố gắng vươn tới đời sống tinh thần để nâng cao cuộc sống của họ và trao cho nó một ý nghĩa. Mình ra vẻ có thói quen tôn vinh nghệ thuật, nhưng trong thâm tâm, mình nhìn nó từ trên cao với một cảm giác kiêu căng. Chỉ đến nay mình mới nhận biết rõ rằng có nhiều con đường dẫn đến sự hiểu biết và con đường của tư duy trừu tượng không phải là duy nhat, có lẽ cũng không hẳn tốt nhất. Quả thực đó là con đường của mình, và mình sẽ giữ vững con đường ấy. Nhưng mình thấy bằng con đường trái ngược lại, bạn cũng nắm được sâu sắc điều bí ẩn của sự tồn tại và diễn đạt nó một cách sống động hơn phần đông các nhà tư tưởng có thể làm được.
- Nay bạn hãy giải thích: Mình không sao hiểu được thế nào là suy tưởng không có hình ảnh.
- Đã lâu rồi mình hiểu điều ấy như vậy. Tư tưởng của chúng ta là sự trừu tượng có tính không đổi, nó từ bỏ cảm tính, thử xây dựng một thế giới thuần túy tinh thần. Nhưng về phía bạn, đúng là bạn quan tâm đến tính hay thay đổi và rồi cũng chết, và bạn tuyên bố ý nghĩa của cuộc sống đúng là ở những gì thoáng qua. Bạn không từ bỏ điều ấy, bạn dốc cả thể xác, tâm hồn và cả tình yêu say đắm của bạn vào đó, trao cho nó một giá trị tối cao, biến nó thành biểu tượng của sự vĩnh hằng. Còn chúng tôi, những nhà tư tưởng, chúng tôi cố đến gần với Chúa bằng cách tách Chúa khỏi thế tục. Về phần bạn, bạn đến gần với Chúa bằng cách sáng tạo và tái tạo sự sáng tạo ấy. Cả hai phương pháp đều có tính người, do đó không được hoàn hảo; nhưng trong nghệ thuật có nhiều hơn tính trong sáng.
- Mình không rõ, - Goldmund nói. Nhưng các nhà tư tưởng và thần học các bạn, các bạn có vẻ thực hiện cuộc sống trọn vẹn hơn, tự vệ tốt hơn đối với nỗi thất vọng. Đã lâu rồi, bạn thân mến ạ, mình không thèm muốn nữa cái khoa học của bạn, nhưng mình thèm muốn trạng thái bình tĩnh, cân bằng, yên bình của bạn.
- Goldmund, hẳn bạn không có gì để khát khao với mình. Không có sự yên bình như bạn hiểu. Sự yên bình là một thực tại, đương nhiên rồi, nhưng sự yên bình không ở trong chúng ta một cách thường xuyên để không bao giờ từ bỏ chúng ta. Chỉ có một sự bình yên là sự bình yên cần phải luôn luôn chiếm lĩnh lấy và mãi mãi bằng một cuộc chiến đấu không ngừng. Bạn không trông thấy cuộc đấu tranh của mình, bạn cũng không hay biết các cuộc chiến đấu của mình trong việc học hành cũng như trong căn phòng riêng của mình khi mình cầu nguyện. Bạn không biết, thật là may mắn. Bạn chỉ nên nhận biết rằng ít hơn bạn, mình tuân theo các tâm trạng của mình, đó là điều bạn tưởng mình được yên bình. Nhưng đó là một cuộc đấu tranh, một cuộc đấu tranh và một sự hy sinh trong bất cứ cuộc sống đích thực nào, cũng như cuộc sống của bản thân bạn.
- Chúng ta đừng tranh cãi về vấn đề ấy. Bạn cũng vậy, bạn không trông thấy mình trong mọi cuộc chiến đấu của mình. Mình không rõ bạn có thể hình dung được không trạng thái tâm hồn của mình khi mình nghĩ rằng công trình này sắp hoàn thành. Bấy giờ người ta sẽ mang nó đi, dựng nó lên, người ta sẽ nói với mình mấy lời khen ngợi, sau đó mình trở về trong một gian xưởng trần trụi và trống vắng, đau đớn với những gì không hoàn hảo trong công trình của mình; còn các bạn, các bạn không thể nào thấy được là tâm hồn mình cũng trống vắng, cũng trần trụi như gian xưởng của mình vậy.
- Có thể như vậy, - Narcisse nói, - và không ai trong hai chúng ta có khả năng hiểu được hoàn toàn người kia. Nhưng có một điểm chung cho mọi con người có thiện chí. Đó là điều xét cho cùng, mọi công trình của chúng ta đều làm cho chúng ta thấy xấu hổ, và chúng ta phải luôn luôn lại bắt đầu từ khởi đầu, và sự hy sinh của chúng ta phải luôn luôn đổi mới.
Mấy tuần lễ sau đó, tác phẩm lớn của Goldmund đã hoàn thành và được đem lắp dựng. Một lần nữa, đó là điều cậu đã sống. Công trình của cậu sẽ thuộc sở hữu của những người khác, người ta nhìn, đánh giá, khen ngợi nó ca tụng và tôn vinh vị nghệ sĩ; tâm tư và gian xưởng của cậu bấy giờ trống vắng, cậu tự hỏi mình liệu nó có đáng với các hy sinh cậu đã bằng lòng dốc vào đó không. Hôm khai mạc, cậu được mời ngồi ở bàn các cha. Có tiệc chiêu đãi; người ta đưa ra phục vụ loại rượu vang cũ nhất của tu viện. Goldmund nhấm nháp các món cá và thịt rừng, và còn hơn cả loại rượu vang ngon, cậu cảm thấy được sưởi ấm bởi cảm tình và niềm vui của Narcisse đã chào mừng tác phẩm của cậu, và bởi các vinh dự trao tặng cậu.
Cậu có thêm dự án về một công trình mới, được tu viện trưởng rất thích và chấp nhận: Một bàn thờ cho ngôi nhà thờ riêng của Đức Mẹ Đồng Trinh ở Neuzell, thuộc tu viện, nơi ấy một vị cha của Mariabronn trông nom các lễ. Goldmund muốn làm cho bàn thờ ấy một Đức Mẹ Đồng Trinh và vĩnh hằng ở Bà một trong các gương mặt không thể nào quên được từ thời thanh niên của cậu, nàng Lydia kiều diễm luôn luôn lo âu, con gái vị hiệp sĩ. Vả chăng, sự đặt hàng ấy cậu không tha thiết nhiều, dường như nó thuộc loại để tạo cho Erich cơ hội làm tác phẩm của chú ấy. Nếu Erich ngang tầm, mãi mãi chú ấy sẽ là một thợ bạn tốt có thể thay thế để cậu chỉ dành cho những công trình cậu gắn bó nhất. Với Erich, cậu bèn chọn gỗ cho chiếc bàn thờ và giao cho chú đẽo phác thảo. Thường thường để chú làm việc một mình, cậu đi chơi xa đường dài trong rừng; và mỗi khi cậu vắng mặt lâu ngày, Erich báo để tu viện trưởng biết, anh bạn hơi lo là cậu đi biệt luôn. Nhưng rồi cậu trở về, làm việc một tuần lễ bên pho tượng Lydia, rồi lại lang thang.
Cậu đang lo âu. Từ sau khi xong công trình lớn, trong cuộc sống của cậu nẩy sinh tình hình lộn xộn. Cậu bỏ dự lễ buổi sáng; trong lòng mất đi sự yên bình và vui sống. Cậu nghĩ nhiều đến Niklaus và tự hỏi mình liệu rồi đây có sớm trở nên giống thầy, cần mẫn, trung thực, tài nghệ, nhưng tổn hại mất tuổi trẻ và sự tự do. Trước đó ít lâu, có một điều tình cờ nhỏ khiến cậu suy nghĩ. Trong khi dạo chơi, cậu gặp một cô gái nông thôn trẻ tên là Franciska; cậu rất mến, muốn bỏ công sức chiếm lĩnh cô gái và vận dụng mọi khả năng quyến rũ của mình trước đây. Cô gái vui lòng nghe cậu chuyện trò, cười vui với các lời đùa nghịch của cậu, nhưng bác bỏ mọi đề nghị của cậu. Lần đầu tiên cậu nhận thấy mình tỏ ra già bên một phụ nữ trẻ. Cậu không đến thăm cô nữa nhưng không quên bất cứ điều gì. Franciska đúng. Cậu đã thay đổi; cậu biết điều đó, không phải chỉ qua mấy sợi tóc ngả màu muối tiêu cũng như mấy nếp nhăn ở quanh mắt, mà đúng hơn ở chiều sâu trong người cậu, trong tim cậu. Cậu cảm thấy già đi, cảm thấy mình giống thầy Nikhaus đến dễ sợ. So vai tự quan sát, cậu ghê tởm; cậu không còn tự do nữa, trở thành một kẻ sống ru rú tĩnh tại, không còn là một con chim đại bàng hoặc một con thỏ rừng nữa; nay cậu là một vật nuôi trong nhà. Cậu bỏ tu viện đi lang thang là để tìm lại hương vị của dĩ vãng, tìm lại kỷ niệm các cuộc phiêu bạt trước đây, hơn là để lao vào các cuộc du ngoạn mới trong một khung cảnh tự do mới; cậu đi tìm trong một tâm trạng sôi nổi và lo âu, như thể một con chó lần theo dấu vết nó bị lạc hướng. Và khi cậu đã thoát ra ngoài một vài hôm, khi đã lân la vui chơi một phần nào, bấy giờ một sức mạnh không sao có thể cưỡng lại được kéo cậu trở về tu viện. Cảm thấy hối hận, cậu biết gian xưởng đang chờ mong mình, cậu cảm nhận có trách nhiệm với chiếc bàn thờ đã khởi đầu, với các cây gỗ đã chuẩn bị, với chú thợ bạn Erich. Cậu quyết chí là sau khi tượng của Lydia - Marie hoàn thành, cậu sẽ tiến hành một chuyến đi, một lần nữa thử sống nay đây mai đó, chẳng đáng gì nữa cứ ở dài dài trong một tu viện và chỉ sống giữa một số người. Sống thế này chỉ hợp với các vị tu hành; với cậu, không hợp. Với những người này, cậu có thể trò chuyện thông tuệ và bổ ích; và họ có thể thông cảm, đánh giá đúng công trình của một nghệ sĩ. Nhưng những gì còn lại, trò chuyện, vui chơi, tình yêu, niềm vui đơn giản sống không suy tư, thì đâu có được! Muốn thế, phải có phụ nữ, các cuộc nhàn du lãng tử, các hình ảnh luôn luôn mới mẻ. Ở nơi đây, chung quanh cậu tất cả đều một màu xám với vẻ nghiêm khắc hơi nặng nề, toàn là đàn ông mà! Và cậu đã để mình lây nhiễm, để nếp sống ấy nhập vào trong máu.
Ý nghĩ về cuộc đi ấy khiến cậu thấy khuây khỏa. Cậu giữ đúng nhịp điệu làm việc để rồi đây sớm được tự do. Và dần dần bóng dáng Lydia hiện ra từ khối gỗ, có mặt với cậu; và trong khi dưới bàn tay cậu, các nếp áo khắc khổ từ các đầu gối nàng buông xuống đất, cậu bị chiếm lĩnh bởi một niềm vui xót xa và sâu lắng, một tình yêu u buồn do hình ảnh ấy, từ các cuộc phiêu lưu, các mối tình đầu, các cuộc du cư thời tuổi trẻ của cậu. Cậu làm việc chu tất cho cái bóng dáng tinh tế ấy, nhận ra nơi đó sự đồng nhất với những gì tốt đẹp hơn cả ở cậu, với bước trưởng thành, với các kỷ niệm thân thương của cậu. Với niềm vui kín đáo, cau khắc họa cổ nàng đang cúi xuống, khuôn miệng đáng yêu và buồn bã, hai bàn tay nhỏ nhắn, các ngón tay thon dài và các móng tay uốn cong. Mỗi lúc có thể được, Erich cũng nhìn pho tượng, mến mộ và sùng kính.
Khi pho tượng gần xong, cậu mời tu viện trưởng đến xem. Narcisse tuyên bố: - Bạn thân mến, đây là tác phẩm đẹp nhất của bạn; trong cả tu viện không có công trình nào bằng. Mình phải thu nhận là mấy tháng nay, mình có những lúc lo lắng vì tình hình của bạn. Mình thấy bạn trong tâm trạng lo âu và khó ở; và khi bạn đi đâu, vắng bóng chỉ một ngày đôi khi mình e ngại tự bảo: “Có lẽ bạn sẽ không về nữa”. Thế mà bạn đã làm nên pho tượng tuyệt diệu này! Bạn làm cho mình được hạnh phúc bao nhiêu; mình tự hào về bạn!
- Đúng- Goldmund đáp, - pho tượng hoàn toàn thành công. Nhưng bạn Narcisse, bạn nghe mình nói: Để pho tượng đạt đến vẻ đẹp này, mình đã phải trải qua cả thời tuổi trẻ với bao nhiêu chuyến đi phiêu bạt, các cuộc ân ái, chạy theo bao nhiêu phụ nữ. Mình đã chắt lọc từ nguồn suối ấy. Đáy nước không mấy nữa sẽ cạn kiệt. Con tim mình khô quánh. Mình hoàn thành pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh này, rồi xin từ biệt một thời gian dài - mình không biết bao lâu, mình đi tìm lại tuổi trẻ của mình, tìm lại tất cả những gì trước đây vốn thân thiết. Bạn có hiểu mình không? - Phải. Bạn biết đó, mình là khách ở đây của bạn, và mình không hề nhận tiền công cho công việc làm của mình.
- Đã có những bận mình mong bạn nhận, - Narcisse cắt lời.
- Bây giờ mình nhận. Mình sẽ may các trang phục mới; và khi đã chuẩn bị xong áo quần, mình sẽ xin bạn mấy đồng bạc, rồi ra đi trong thiên hạ. Đừng cản trở mình, Narcisse ạ. Và đừng buồn. Không phải mình có điều chi than phiền ở đây: Không nơi nào mình thấy vui lòng hơn ở đây; mình không thể ở đâu tốt bằng ở đây. Có một cái gì khác cuốn hút mình. Bạn có chấp nhận lời thỉnh cầu của mình không?
Giữa hai người không cần nói chi nhiều hơn. Goldmund đi may một bộ trang phục kỵ sĩ và sắm đôi giày tốt. Trong khi đó mùa hè đến gần, cậu hoàn thành pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh như là công trình cuối cùng của mình; với sự chăm chút thân thương, lần sau cuối, cậu mài nhẵn các bàn tay, khuôn mặt, làn tóc. Thậm chí người ta nghĩ rằng cậu hoãn lại ngày lên đường vì muốn nấn ná ở lại ít lâu để rà lại cho thật chu tất gương mặt của pho tượng. Ngày này sang ngày khác, cậu luôn có việc này việc kia để xếp đặt cho thật vừa ý. Trong khi cảm thấy xót xa vì ngày chia tay đến gần, đôi khi Narcisse mỉm cười trước thái độ Goldmund quyến luyến với pho tượng, không nỡ rời xa.
Tuy vậy, một hôm Goldmund bất thần đến gặp anh bạn để chào từ biệt. Cậu đã có quyết định trong đêm vừa qua. Mặc bộ  áo quần mới, đội chiếc mũ mới, cậu đến nơi Narcisse ở. Trước đó, cậu đã xưng tội và chịu lễ ban thánh thể. Nay đến lúc lên đường, cậu đến để yêu cầu anh bạn ban phép lành cho chuyến đi của mình. Cả hai người đều đau xót với cuộc chia ly giữa họ. Goldmund tỏ ra can trường và dửng dưng tuy trong lòng không phải thế.
- Có bao giờ mình còn gặp lại bạn, dù chỉ một lần nữa? - Narcisse hỏi.
- Ôi! Đương nhiên rồi, nếu như chú ngựa nhỏ của bạn đừng làm gãy cổ mình thì bạn lại sẽ gặp mình. Ngoài mình ra chẳng còn ai gọi bạn là Narcisse và khiến bạn phải lo lắng. Bạn có thể tin cậy mình. Xin bạn lưu ý đối với Erich. Và đừng để ai đụng chạm đến pho tượng của mình! Như mình đã nói với bạn, nó sẽ còn ở đó, trong căn phòng của mình, xin bạn đừng rời chiếc chìa khóa.
- Ra đi, bạn có vui không?
- Ôi chao! Mình vui chứ, đây là một sự kiện. Nhưng lúc này, khi bước lên yên ngựa, dù sao mình cũng thấy kém vui, đâu có như mình tưởng. Bạn sẽ chế giễu mình, nhưng sự chia ly đối với mình chẳng dễ dàng chút nào, và điều đó khiến mình không thích thú cứ gắn bó như vậy với một nơi nào đó. Nó như thể một thứ bệnh tật, những người trẻ tuổi và những người lành mạnh không biết điều ấy. Thầy Niklaus trước đây cũng thế. Úi dào! Đừng trò chuyện vô bổ nữa! Bạn thân mến, xin hãy ban phúc lành cho mình, mình muốn lên đường đây.
Con ngựa nhỏ đưa Goldmund đi.
Trong ý nghĩ, Narcisse rất bận tâm với chú bạn của mình. Anh lo cho bạn, anh thấy thiếu vắng bạn quá đỗi. “Con chim đã bay đi, chú em khờ khạo ấy có bao giờ trở lại? Chàng trai kỳ lạ và thân mến ấy thế là lại lăn lộn trên con đường quanh co của mình, trôi nổi theo dòng đời; chú bé to xác ấy, khát khao và hiếu kỳ, lại lang thang, bị thúc đẩy bởi bản năng, sự si mê và không biết đã thèm. Cầu xin Chúa cứu giúp bạn! Và bạn trở về bình yên vô sự! Thế là bạn lại bay đi tứ phương; là con bướm, bạn lại phạm tội lỗi, cám dỗ các phụ nữ, chiều theo các tính khí thất thường của bản thân có thể lại rơi vào hoàn cảnh phải giết hại một ai đó, bị bắt bỏ tù và nguy khốn. Chàng trai mắt hoe vàng với đôi mắt trẻ thơ cứ than trách mình trở nên già đi, đã làm cho bạn hữu xiết bao lo lắng! Làm sao có thể không lo cho bạn được!”. Tuy vậy, Narcisse cảm thấy rất sung sướng mỗi khi nghĩ đến bạn; trong thâm tâm anh rất hài lòng với con người gai ngạnh bất trị ấy, có những tính khí như thế, lại thoát đi để lao vào các chuyện ngông cuồng.
Bất cứ giờ nào trong ngày, các ý nghĩ của tu viện trưởng luôn vương vấn với người bạn vắng mặt, các ý nghĩ thương mến lưu luyến, hàm ân, lo lắng, đôi khi tu viện trưởng có cả những ái ngại và trách cứ bản thân. “Lẽ ra mình phải tỏ rõ là mình yêu quí bạn nhiều, mình không mấy thích thú bạn sống khác đi, bạn và nghệ thuật của bạn đã làm cho mình được phong phú bao nhiêu? Quả là mình khiếm lời, có lẽ quá khiếm lời với bạn, biết đâu lẽ ra có thể giữ bạn lại?”.
Goldmund đâu chỉ có làm cho anh bạn được phong phú hơn. Bởi tại cậu, anh bạn cũng trở nên nghèo nàn, nghèo nàn hơn và yếu đuối hơn; chắc hẳn là đúng, anh đã không nên để lộ cho bạn biết. Thế giới anh đang sống, và nơi anh đang ở là nhà mình, mọi người chung quanh anh, cuộc sống tu sĩ của anh, chức phận tôn giáo, vốn khoa học, các tư tương của anh, tất cả đã bị lay chuyển mạnh mẽ và bị nhà nghệ sĩ đặt lại vấn đề. Không nghi ngờ gì, trong triển vọng của tu viện, của lý trí và của đức độ, cuộc sống của anh, đối với anh tốt lành hơn, có căn cứ vững chắc hơn ở lẽ phải, ổn định, có trật tự, xứng đáng hơn để nêu gương. Đó là một đời sống trong ngăn nắp, khắc khổ phụng thờ Chúa, một lòng hy sinh, một nỗ lực không ngừng đổi mới hướng đến sự sáng suốt, công bằng, một cuộc sống trong sạch và tốt lành hơn nhiều so với cuộc sống một nghệ sĩ, một kẻ phiêu đãng, một kẻ quyến rũ đàn bà. Nhưng nhìn từ trên cao, theo quan điểm của Chúa - một cuộc sống gương mẫu trong trật tự và kỷ luật, từ chối thế tục và các lạc thú xác thịt, không một vết nhơ và không hề vấy máu, cố thủ trong triết học và sự trầm tư, có tốt lành hơn cuộc sống của Goldmund không? Có thật là con người được sáng tạo ra là để tuân theo một cuộc sống được đưa vào quy tắc bởi các hồi chuông và các cuộc cầu nguyện luôn phân chia thì giờ và cắt đặt các công việc? Con người sinh ra có phải để nghiên cứu Aristote và thánh Thomas ở Aquin, để giết chết các cảm quan của mình và lẩn tránh thế tục? Chẳng phải Chúa đã sáng tạo con người trên mặt đất với các giác quan và các bản năng, với một nhu cầu âm thầm về nòi giống, một khuynh hướng phạm tội; tìm lạc thú và chịu thất vọng? Quay xung quanh các câu hỏi ấy, Narcisse trầm lắng trong dòng suy tư về bạn.
Đúng, sống theo kiểu như Goldmund không chỉ là trẻ thơ và có tính người hơn; thực ra là dũng cảm và cao quí hơn, cứ buông mình theo ngọn sóng và sự mất trật tự tàn bạo, phạm các tội lỗi và chấp nhận các hậu quả chua chát hơn là sống bên lề thế sự với hai bàn tay rất sạch, sống một cuộc sống trong sáng, nuôi trồng một ngôi vườn đẹp đẽ những tư duy hài hòa và dạo chơi giữa các bồn hoa được bảo vệ chu đáo, không chút vướng bận với tội lỗi. Có lẽ là khó khăn hơn, can trường và cao quí hơn việc cứ đi dong ở các cánh rừng và trên các nẻo đường với đôi giày thủng, dãi dầu nắng mưa và các nỗi khốn cùng, chơi đùa với các lạc thú xác thịt và sau đó trả giá bằng các đau khổ.
Dù sao, Goldmund đã chỉ rõ với anh bạn rằng một con người được vời gọi theo những số mệnh cao cả có thể đắm mình rất thấp trong niềm say sưa và sự lộn xộn của cuộc sống, hứng lấy một lớp bụi và máu mà vẫn không trở nên tùy tiện và tầm thường, không diệt đi ở mình cảm quan về tính thiêng liêng, rằng người ta có thể đi lang thang trong bóng đêm dày đặc mà vẫn không tắt mất luồng ánh sáng thiêng liêng và sức mạnh sáng tạo trong cõi sâu thẳm của tâm hồn mình. Narcisse đã tuồn sâu trong cái nhìn của chú bạn, tình thương cũng như lòng quí mến của anh đối với bạn không vì thế mà suy giảm. Và từ những bàn tay không sạch sẽ của Goldmund, anh bạn thấy nảy sinh những hình ảnh sống kỳ diệu thầm lặng, chuyển biến bởi một cái nhìn và một trật tự sâu kín, những gương mặt ấy ánh lên cuộc sống nội tâm, nơi đó tâm hồn rực sáng, các cây cỏ và hoa lá trong sáng, các bàn tay ấy biểu hiện lời cầu nguyện hoặc ân phước của Chúa, tất cả các cử chỉ ấy thật bao dung và âu yếm, tự hào hoặc mộ đạo, từ bấy anh bạn đâu có biết là trong trái tim trái tính trái nết ấy của nhà nghệ sĩ và kẻ quyến rũ đàn bà, Chúa đã đặt vào những kho báu giàu có nhất về nguồn ánh sáng và ân phước của Người.
Trải qua các cậu chuyện giữa họ, Narcisse không hề tỏ ra có ưu thế hơn bạn, áp đặt kỷ luật và lôgic của mình đối với niềm say mê của Goldmund. Nhưng cử chỉ nhỏ nhất trên một  gương mặt do Goldmund sáng tạo, một con mắt, một khuôn miệng, tua cuốn một loài thảo, nếp gấp một chiếc áo chẳng phải là những sự vật thực tại, sống động, thiết yếu hơn đó sao so với tất cả những gì mà một nhà trí thức có thể sản sinh ra? Con người nghệ sĩ ấy với trái tim bùng lên các xung đột và nỗi cô quạnh khôn cùng, chẳng đã dựng lên cho vô số thế hệ hiện tại và tương lai các hình tượng ve tình trạng khốn khổ và nỗ lực của họ, những hình dạng với sự trầm tư và tôn phục, lo âu và khát vọng mà bao nhiêu người có thể vời gọi để tìm thấy ở đó sự tán dương và khích lệ?
Narcisse rầu rầu mỉm cười trong khi nhớ lại mọi cảnh mà thời tuổi trẻ của mình anh đã hướng dẫn và chỉ vẽ cho bạn. Về phần cậu, Goldmund ân tình tiếp nhận tất cả, luôn thừa nhận vai trò trên của người anh lớn của mình và để anh dìu dắt; sau đó cậu không nói không rằng, dựng lên các tác phẩm chắc lọc từ bão tố và các nỗi đau trong cuộc đời sóng gió của cậu. Không dài dòng, không học thuyết, không bình luận, không cổ vũ: Chỉ có sự sống ở trạng thái thuần tuý, thăng hoa. Cậu cảm thấy mình nghèo nàn bao nhiêu bên anh bạn, với vốn khoa học, nề nếp kỷ luật của tu viện, phép biện chứng của anh!
Đó là những vấn đề anh bạn đang suy ngẫm. Cũng như trước đây, qua nhiều năm rồi, anh bạn đã can thiệp trong thời tuổi trẻ của Goldmund  để định hướng cuộc sống cậu ấy theo những chân trời mới, cũng như từ khi cậu trở về, anh bạn đã đặt ra cho cậu những vấn đề mới, làm cho cậu lay chuyển, đâm ra nghi ngờ và tiến hành một cuộc tư vấn lự tâm sâu sắc. Cậu là người bạn ngang vai ngang vế, Narcisse chẳng trao tặng gì cho cậu mà cậu không gởi lại cho anh gấp trăm lần.
Bây giờ chú bạn đã ra đi, rong ruổi vó ngựa đó đây trong thiên hạ. Cậu tạo cho vị tu viện trưởng có tất cả thì giờ để suy nghĩ. Nhiều tuần lễ trôi qua. Đã lâu rồi cây dẻ ra hoa, đã lâu rồi tán lá xanh màu sữa của cây sồi rừng đã nhuộm sắc đỏ sẫm, trở nên chắc và cứng, đã lâu rồi trên ngọn tháp ở cổng chính lũ cò đã ấp và tập tành cho đám cò con biết bay. Cảnh thiếu vắng càng kéo dài, Narcisse càng nhận ra những gì anh đã có được ở chú bạn. Ở tu viện anh có các Cha, một số vị bác học: Một chuyên gia về Platon, một nhà văn phạm xuất sắc, vài nhà thần học uyên thâm. Trong các tu sĩ với tâm hồn trung thực và thẳng thắn luôn coi trọng cuộc sống đạo hạnh; nhưng quanh mình, anh không có ai tương đương để đọ sức để tâm tình. Chỉ mình Goldmund tạo cho anh cơ hội ấy mà không ai có thể thay thế được. Trong cảnh lại trống vắng ấy, anh thấy xót xa. Với cả tâm hồn mình, anh vời gọi người bạn vắng mặt trở về.
Anh thường ghé thăm gian xưởng, khuyến khích chú thợ bạn tiếp tục làm việc với chiếc bàn thờ và khát khao mong ước người thầy trở về. Đôi khi tu viện trưởng mở cửa phòng của Goldmund, trong đó dựng pho tượng Marie, thận trọng dở tấm vải che mặt, và đứng hồi lâu chiêm ngưỡng. Anh không biết gì về nguồn gốc của pho tượng: Goldmund không hề kể với anh bạn câu chuyện của Lydia. Nhưng anh bạn có trực cảm về tất cả, cảm thấy bóng dáng người phụ nữ này từ lâu đã ở trong con tim của chú bạn. Có lẽ chú bạn đã quyến rũ cô gái, có thể đã đánh lừa rồi bỏ rơi. Nhưng chú bạn của anh đã mang và ấp ủ cô gái trong tâm hồn chú còn thủy chung hơn bất cứ ông chồng nào tốt nhất, và rồi cuối cùng, có lẽ trải qua nhiều năm, chú bạn không được gặp lại, song đã tái tạo gương mặt cô gái kiều diễm và xúc động ấy, qua các bàn tay của mình khắc họa lên đó các đường nét, dáng vẻ, các bàn tay của nàng, với tất cả niềm âu yếm, mến mộ, ham muốn của một người tình. Trong các nhân vật ở giảng đài tại phòng ăn, anh cũng đọc được các thời kỳ về cuộc sống của chú bạn. Cuộc sống một lãng tử, một kẻ cuốn theo các bản năng, một người không nhà, một kẻ dị giáo, nhưng tất cả những gì sinh sôi từ đó lại tốt lành và trung thực, đầy tình âu yếm. Cuộc sống ấy bí ẩn, vơi nhưng làn sóng xáo động và chìm nổi, nhưng các kết quả của nó sao mà tuyệt vời và sáng chói!
Narcisse tiến hành cuộc chiến của mình. Anh quyết đeo đuổi cho đến thắng lợi. Anh không từ bỏ con đường vốn đã là của mình, không hề lơ là các chức phận tôn nghiêm. Nhưng anh đau khổ vì đã để mất, và anh vật vã nhận ra rằng con tim mình hẳn chỉ thuộc về Chúa và sự phụng thờ Chúa, vẫn rất gắn bó với chú bạn ấy.