Đánh máy : Shin Chi
Chương 8

Thoạt đầu, nghe Văn Châu xin vào phục vụ trong quán, dì thằng Bò Lục tưởng nó nói chơi. Dì thằng Bò Lục biết Văn Châu là con nhà khá giả, xưa nay nó vẫn giúp đỡ dì trong những lúc khó khăn. Vì vậy, nghe nó đòi đi làm, dì ngỡ nó pha trò. Đến khi thấy nó cứ khăng khăng, dì lại lấy làm kỳ quái. Rồi đến lúc nghe nó xin thêm cho một đứa bạn vào làm chung thì dì lại nghĩ chắc là nó đi làm cốt vui bạn vui bè. Có tài thánh dì mới biết đó là cách Văn Châu động viên Lam Trường. Nó muốn lấy chính mình ra để làm gương cho bạn.
Dì thằng Bò Lục không biết nhưng thằng Bò Lục biết. Lúc đầu Văn Châu định giấu cả Bò Lục nhưng rồi sợ thằng này ngứa mồm làm lộ béng hết bí mật nên nó đành phải tỉ tê kể cho Bò Lục rõ ngọn ngành mọi chuyện.
Lam Trường tới quán bún mắm của dì thằng Bò Lục theo địa chỉ Văn Châu ghi trên giấy.
Lam Trường ở quận Tám, mà cầu Nhị Thiên Đường lại nối liền quận Tám cùa nó với quận Năm của thằng Bò Lục nên nó không phải đi xa. Nó đổ dốc cầu, quẹo phải một quãng ngắn đã thấy ngay mảnh các-tông ghi hai chữ "Bún mắm" treo lơ lửng trên thân cây điệp trước nhà Bò Lục.
Lam Trường xuống xe nhưng không vào ngay. Nó đứng thập thò trước cổng, đảo mắt nhìn vào trong. Và nó nhận ngay ra Văn Châu.
Văn Châu đang len lỏi giữa các dãy bàn, lượn lờ trước mặt khách vừa hỏi han vừa gật đầu lia lịa.
Văn Châu không thấy Lam Trường. Chỉ đến khi một thằng nhãi chạy bàn khác thấy khách lấp ló như muốn vào, liền bước ra đon đả:
- Dạ, mời anh vào! Trong nhà còn rộng lắm!
Thì Văn Châu mới ngoảnh cổ ngó ra.
- Ê, không phải khách ăn đâu! - Văn Châu lật đật chạy ra đón bạn, tay xua xua về phía thằng nhóc chạy bàn - "Nhân viên" mới của "công ty" đấy!
Vừa cười hì hì Văn Châu vừa cầm tay Lam Trường kéo tuột vào trong sân.
Đợi Lam Trường dựng xe vào vách, nó hối hả dẫn bạn đi ra mắt dì thằng Bò Lục:
- Thằng bạn cháu đây dì!
Dì Bò Lục nhìn Lam Turờng, mỉm cười thân mật:
- Cháu tới giúp dì phải không?
- Dạ.
- Công việc của cháu, lát nữa Văn Châu sẽ chỉ cho! Bây giờ cháu đi rửa mặt cho mát!
Công việc của Lam Trường cũng chẳng có gì nặng nhọc. Theo lời Văn Châu thì nó là "tiếp viên", nghĩa là chỉ quanh quẩn chỗ cửa bếp, đợi bún ra tô xong là đặt lên mâm và bưng ra cho khách.
Tuy vậy, những ngày đầu Lam Trường rất lúng túng. Nó chưa quen việc, lại cứ thấy ngường ngượng nên liên tục nhầm bàn này với bàn nọ. Khách ngồi bàn bên phải gọi cả buổi, ngóc cổ đợi đến đói meo vẫn chẳng thấy tô bún đâu, trong khi khách ngồi bàn bên trái vừa chén đầy hai tô, bụng căng như trống chầu, thở hết muốn nổi bỗng thấy một tô thứ ba đặt lù lù ngay trước mặt khiến khách muốn khóc thét.
Nhưng đó là nói ba ngày đầu. Từ ngày thứ tư trở đi. Lam Trường đã bắt đầu thuần thục. Và sau một tuần, "tác phong phục vụ" của nó có thể gọi là tiến bộ vượt bậc, dì thằng Bò Lục rất hài lòng.
Lam Trường đi làm từ ba giờ chiều đến chín giờ tối. Buổi sáng quán vắng khách nên nó không cần phải đến. Như vậy tiện cho nó hơn. Nếu đi làm nguyên ngày, mai mốt nhập học, nó buộc phải bỏ dở công việc.
Trong quán, ngoài Lam Trường, còn một thằng nhãi khác phụ trách việc bưng bê. Riêng Văn Châu lo việc "đối ngoại". Mỗi khi có khách bước vô quán, nó tiến lại hỏi khách muốn dùng thức ăn thức uống gì, xong bước ra sau bếp báo cho dì thằng Bò Lục. Dì thằng Bò Lục căn cứ vào đó mà sửa soạn mâm bát. Gặp lúc đông khách, Văn Châu chả có thì giờ chạy tới chạy lui, cứ đứng giữa nhà ngoảnh cổ ra sau bếp hét tướng: "Bàn số 1: hai bún, hai trà đá... Bàn số 5: ba bún không bỏ ớt, ba sữa đậu nành...".
Tất nhiên Văn Châu không thể "đi làm" hằng ngày. Nó chỉ xuất hiện ở quán vào mỗi chiều chủ nhật. Đó là thời điểm nó có thể trốn ra ngoài mà ba mẹ nó không hay biết.
Thỉnh thoảng, vào những ngày khác trong tuần, nếu sự canh gác của gia đình lỏng lẻo, nó tót ra quán chơi với Lam Trường và Bò Lục một lúc rồi lại chạy về.
Ngày đầu tiên, Lam Trường cứ đinh ninh Văn Châu cũng đi làm giống như mình. Nhưng qua ngày thứ hai, chờ dài cổ không thấy Văn Châu xuất hiện, nó thấp thỏm hỏi Bò Lục:
- Hôm nay Văn Châu xin nghỉ hở mày?
- Đâu có! - Bò Lục nhướn lông mày - Văn Châu chỉ đi làm ngày chủ nhật thôi!
Lam Trường ngẩn tò te:
- Sao thế? Một tuần chỉ đi làm có một ngày thôi ư?
Bò Lục tủm tỉm:
- Ừ, nó bận lắm!
- Lạ thật!
Lam Trường chép miệng, bụng rất đỗi ngạc nhiên. Nó đi làm hằng ngày, mỗi tháng được bốn trăm ngàn, lại được bao ăn bữa tối. Như vậy kể cũng khấm khá. Nhưng đó là phải đi làm hằng ngày kia. Còn đi làm tài tử như Văn Châu, lâu lâu mới ló mặt đến quán một lần, chắc chả kiếm được bao lăm. Càng nghĩ ngợi Lam Trường càng thắc mắc. Nhưng nó không hỏi Bò Lục. Nó nghĩ nếu nó hỏi tới, Bò Lục chắc cũng không trả lời được.
- Này, đi làm chơi chơi như thế thì đâu có được mấy đồng hở mày? - Chủ nhật, Văn Châu vừa bước vô quán, Lam Trường đã xáp lại hỏi ngay.
- Dạo này tao bận việc nhà lắm! - Văn Châu liếm môi đáp - Hơn nữa, tao khác mày. Tao đi làm là để kiếm tiền xài thêm thôi. Chứ mọi thứ ba mẹ tao đã sắm đủ.
Trước lý lẽ quá xá xác đáng của Văn Châu, Lam Trường không nghi ngờ gì. Nó từng thấy Văn Châu có từng xấp, từng xấp tiền. Vì vậy, nó chỉ nhìn bạn, tấm tắc:
- Mày sướng ghê!
Văn Châu mỉm cười hỏi sang chuyện khác:
- Này, hôm nay mày đã quen việc chưa đấy?
- Quen rồi.
- Mày hết mắc cỡ rồi chứ?
- Ừ, lúc đầu thì tao hơi ngường ngượng, nhưng bây giờ thì hết rồi. Mai mốt khai giảng, tao định sẽ đi học buổi sáng và đến đây làm vào buổi chiều.
Văn Châu nheo mắt:
- Bây giờ thì mày tự may sắm quần áo thừa sức rồi đấy.
Mắt Lam Trường long lanh:
- Ừ, ít hôm nữa lãnh lương, tao sẽ đi mua vải. Hì hì, tao còn mua được khối thứ khác nữa!
Văn Châu nhún vai:
- Nhưng dù sao mày vẫn chưa thể sắm cho mày một cái máy vi tính được?
Nghe nhắc đến chuyện đó, giọng Lam Trường thoắt bâng khuâng:
- Ừ, máy vi tính đắt lắm, không biết chừng nào tao mới sắm nổi!
Văn Châu bỗng nói:
- Tao có một đứa bạn đang định bán một cái máy cũ. Máy 486 đàng hoàng, nhưng là máy "lên đời"...
- Máy "lên đời" cũng không sao! - Lam Trường nuốt nước bọt, giọng háo hức - Nó định bán bao nhiêu?
- Một triệu hai trăm ngàn.
Giá tiền Văn Châu nêu lên làm Lam Trường xuôi xị:
- Một triệu hai không phải là đắt. Nhưng tao biết đào đâu ra ngần ấy tiền.
Văn Châu nhìn lom lom vào mặt bạn:
- Mày sẽ để dành dần.
Lam Trường buồn bã:
- Nhưng như vậy phải mất đến bốn năm tháng. Lúc đó có thể thằng bạn mày đã bán cái máy cho người khác rồi.
Chỉ đợi có vậy, Văn Châu đập tay lên túi áo, hùng hồn:
- Tao sẽ cho mày mượn năm trăm ngàn trả trước cho nó để rinh cái máy về. Khoàn tiền còn lại tao sẽ bảo nó cho mày trả từ từ. Khi nào trả xong cho nó, mày sẽ trả cho tao.
Lần trước, Văn Châu muốn giúp bạn bằng cách đề nghị cho Lam Trường vay tiền. Nhưng Lam Trường không chịu. Nó viện lý do nó không có tiền trả. Bây giờ, Lam Trường đã đi làm, đã có tiền lương hàng tháng. Vì vậy, nó không biết làm sao từ chối lòng tốt của bạn, đành nhe răng cười:
- Ừ, thế cũng được! Cảm ơn mày nhiều nhé!
Văn Châu cho Lam Trường mượn tiền mua máy, lại còn cho bạn mượn tiền đăng ký vào mạng.
Lam Trường sướng rơn. Mê vi tính nhưng xưa nay nó chỉ toàn đi thuê, đi mượn. Nhờ Văn Châu, lần đầu tiên nó mới sở hữu được một cái máy riêng cho mình.
Người đầu tiên nó muốn khoe cái hạnh phúc đó là Se Sẻ:
- Chào bạn Se Sẻ!
Văn Châu biết thừa người bên kia đầu giây là Lam Trường, nhưng vẫn cảnh giác cao độ:
- Bạn là ai vậy?
Thoạt đầu Lam Trường không hiểu tại sao Se Sẻ lại hỏi một câu "dễ xa nhau" như vậy. Nhưng sau một thoáng ngẩn người, nó sực nhớ ra tên nó bây giờ không còn là Rái Cá. RAICA là tên của thằng bạn nó. Còn nó, đăng ký vào mạng bằng tên SONCA. Sơn Ca dù sao cũng gần gũi với Se Sẻ hơn là Rái Cá.
- Tôi là Rái Cá đây mà!
Văn Châu vờ kinh ngạc:
- Ôi, bạn Rái Cá đấy ư? Lâu nay bạn biến đi đâu thế? Sao bây giờ bạn lại hóa thành Sơn Ca?
- À, thật ra thì... từ trước đến giờ tôi vẫn dùng máy của một đứa bạn. Hôm nay tôi mới có được một cái máy riêng.
Chà, bây giờ thì mới chịu "thật thà khai báo" đây? Văn Châu mỉm cười:
- Thế bây giờ tôi phải gọi bạn là Rái Cá hay Sơn Ca?
- Bạn cứ gọi bằng cái tên cũ đi! Tôi quen nghe gọi là Rái Cá rồi.
- Thế mấy hôm nay bạn Rái Cá làm gì mà mất biệt vậy?
- Tôi đi làm thêm.
- Bạn làm gì vậy?
- Tôi đi dạy kèm.
Văn Châu cười thầm. Tưởng Lam Trường thôi trò dóc tổ, nào ngờ đối phương vẫn chứng nào tật nấy. Chắc là Lam Trường mắc cỡ. Văn Châu nghĩ bụng và tinh quái hỏi:
- Bạn dạy kèm học sinh lớp chín hở?
- Ai bảo bạn vậy?
- Cần gì ai bảo! Thường học sinh sắp thi chuyển cấp mới cần tìm thầy học thêm thôi.
- Ờ, bạn đoán đúng ghê!
Văn Châu tiếp tục trêu:
- Thế chương trình lớp chín có khó lắm không?
Hôm nọ bị Se Sẻ truy chuyên học hành một lần, Lam Trường đã phát sốt. Bây giờ thấy Se Sẻ cao hứng quay về đề tài cũ, Lam Trường đâm hoảng:
- Khó, khó lắm! - Và Lam Trường vội vã lái sang chuyện khác - Se Sẻ này, hôm nào bạn đến quán kem nhé!
- Quán kem Không Có Gió ấy hở?
- Ừ, tôi sẽ đưa cuộn băng Owen cho bạn. Và tôi sẽ giới thiệu bạn với Văn Châu. Bạn nhất dịnh phải gặp anh ta. Đó là một người bạn tuyệt vời!
- Tôi biết rồi! Anh ta đá bóng không thua gì Owen chứ gì!
- Không phải chuyện đó.
- Còn chuyện gì nữa? Sao mà lắm chuyện thế!
Lam Trường bỗng ngần ngừ. Nó không biết phải mô tả cái "tuyệt vời" của người bạn mới như thế nào. Có đến mấy phút nó mới gõ được câu trả lời. Câu trả lời rất đỗi mơ hồ:
- Anh ta tốt lắm!
- Tốt lắm là sao?
Khi nãy Lam Trường không giải thích được thế nào là "tuyệt vời", bây giờ nó cũng không cắt nghĩa được thế nào là "tốt lắm". Vì vậy, nó làm thinh lâu thật lâu. Nói đúng ra, chỉ tại nó không tiện nói thật. Nó không muốn kể chuyện nó đi làm trong quán bún mắm của dì thằng Bò Lục. Nó không muốn tiết lộ chuyện Văn Châu cho nó mượn tiền sắm máy vi tính. Tóm lại, nó sợ Se Sẻ chê nó nghèo mạt rệp. Còn tại sao nó lại sợ như vậy thì chính nó cũng không rõ.
Đợi cả buổi chẳng thấy Lam Trường trả lời, biết bạn đang lúng túng ghê lắm, Văn Châu bèn mở lòng từ bi:
- Làm gì bạn Rái Cá nghĩ ngợi lâu thế? Có phải chính anh chàng Văn Châu giới thiệu chỗ dạy kèm cho bạn không?
Lam Trường mừng rơn, không biết Văn Châu cố ý giúp mình thoát hiểm:
- Ờ, đúng rồi đó! Bạn thông minh ghê!
Nhưng Văn Châu không để đối phương mừng quá một phút:
- Nếu anh chàng Văn Châu chỉ giúp bạn có vậy thì chẳng có gì để gọi là "tuyệt vời" hay "tốt lắm". Giới thiệu đi dạy kèm thì ai chẳng giới thiệu được!
Nghe Se Sẻ bình phẩm về Văn Châu bằng những lời lẽ coi thường, Lam Trường tức anh ách. Những tình cảm dành cho con nhỏ chưa rõ mặt mày kia bỗng giảm sút quá nửa. Nó mím môi gõ mạnh bàn phím:
- Bạn đừng nói vậy. Thế bạn đã bao giờ giới thiệu ai đi dạy kèm chưa? Có bao giờ bạn tự hỏi bạn đã từng giúp đỡ một người nào đó trong đời chưa?
- Chưa.
- Thế thì bạn không nên xem thường lòng tốt của họ.
- Tôi không xem thường lòng tốt của anh chàng Văn Châu kia. Nhưng nếu bạn cho những hành động như vậy là "tốt lắm", là "tuyệt vời" thì hơi quá. Đối với tôi, tìm giúp việc làm cho bạn bè là chuyện bình thường.
Rõ ràng Văn Châu không muốn Lam Trường xem những giúp đỡ của mình là chuyện gì ghê gớm, đáng phải bận tâm. Nhưng Lam Trường lại nghĩ con nhỏ Se Sẻ này khinh người. Nó nổi điên, bàn phím nảy lóc cóc:
- Có thể bạn là con nhà giàu, bạn không thích giúp đỡ ai và xem chuyện đó là bình thường.
Đang ấm ức, Lam Trường nghiến răng tuôn thêm một lèo "Còn tôi là con nhà nghèo, tôi quanh năm túng quẫn nên tôi luôn biết ơn những người giúp đỡ mình...". Nhưng trước khi gửi đi, nó đã kịp trấn tĩnh và nhanh tay xóa dòng chữ viết thêm đó khỏi câu trả lời của mình.
Văn Châu không đọc được những dòng chữ đã bị xóa nhưng vẫn mường tượng ra tâm sự trong lòng bạn. Người nhiều mặc cảm và tự ái như thế, chắc từ bé đến giờ thường xuyên sống trong cảnh thiếu thốn! Văn Châu xao xuyến nghĩ bụng, chẳng để ý gì đến những lời cạnh khóe của Lam Trường.
Nó tìm cách xoa dịu nỗi bực tức của bạn bằng cách reo lên mừng rỡ:
- A, tối hôm qua bạn có xem ti-vi không? Arsenal vừa thắng Chelsea 3-0. Một mình Dennis Bergkamp ghi hai bàn. Tuần trước, Real Madrid cũng đã lọt vào bán kết cúp Tây Ban Nha.
Nhưng sự mừng rỡ của Văn Châu như hòn sỏi rơi tõm xuống hồ, chẳng một tiếng vang. Lam Trường không hưởng ứng, cũng chẳng buồn trả lời lấy một chữ.
Nghi ngờ, Văn Châu mở hộp Users Online. Quả nhiên cái tên SONCA biến mất tự đời nảo đời nào.