CHƯƠNG 8
BÁO ĐỘNG LÚC NỬA ĐÊM

    
hật khó sắp xếp lại các sự việc xẩy ra trong tuần lễ đầu tôi ở Tell Yarimjah.
Nay có một chút thời gian lùi xa và dưới ánh sáng những điều biết được từ đó, tôi mới hiểu được một số tiểu tiết mà hồi ấy tôi không để ý.
Nhưng để cho chuyện kể chính xác hơn, tôi thấy cần trở lại đắm mình vào bầu không khí đầy nghi kỵ, bất ổn bao trùm lên tôi hồi đó.
Một điều chắc chắn: sự căng thẳng, ngượng ngập trong đó chúng tôi đang sống là có thật; không do ai tưởng tượng ra. Ngay Bill Coleman, con người lì lợm cũng thường xuyên ám chỉ điều đó. Tôi thấy anh ta nói nhiều lần:
- Tất cả họ làm tôi đứng ngồi không yên. Lúc nào họ cũng lầm lũi như thế sao?
Đó là lời anh ta nói với David Emmott, người đồng nghiệp. Tay Emmott này trông rất có cảm tình, ít nói nhưng không khó chịu. Giữa những con rối suốt ngày nghi kỵ lẫn nhau, thì vẻ trung thực điềm đạm của anh làm ta yên tâm.
- Không - Emmott đáp lời Coleman - Năm ngoái, không khí hoàn toàn khác.
Nhưng anh ta không nói gì thêm nữa. Coleman vẫn càu nhàu:
- Tôi thật không hiểu có chuyện gì.
Emmott chỉ nhún vai, không đáp.
Tôi có một cuộc nói chuyện khá bổ ích với cô Johnson. Tôi rất quý cô, một con người có khả năng, thông minh và thực tế. Hiển nhiên dưới mắt cô, giáo sư Leldner là một thần tượng.
Dịp chuyện trò đó, cô kể cuộc đời của giáo sư cho tôi nghe. Cô biết rõ những nơi ông đã khai quật, và kết quả ra sao. Tôi đồ là cô có thể đọc thuộc lòng nhiều đoạn trong các công trình của ông. Cô nói, ông là nhà khảo cổ lỗi lạc nhất thời đại.
- Và tính tình ông giản dị biết bao, không màng gì những chuyện vặt trên đời! Không một chút kiêu ngạo. Chỉ là người không tầm thường mới khiêm tốn đến thế.
- Đúng vậy, người có chân giá trị càng không cần tự đề cao.
- Và tính ông rất vui vẻ nữa! Những hồi đầu về đây, Richard Carey và tôi rất thích. Chúng tôi hợp thành một bọn rất vô tư. Richard Carey đã từng làm việc với ông Leidner ở Palestine, hai người thân nhau từ chục năm nay. Còn tôi, tôi biết ông được bảy năm.
- Ông Carey trông thật tuấn tú! - tôi nói.
- Phải, không tồi - cô Johnson đáp gọn.
- Nhưng theo tôi, ông ấy ít nói quá.
- Trước đây không thế đâu - cô Johnson vội đáp - Chỉ từ khi…
Cô ngừng bặt-.
- Từ khi làm sao?
- Ồ! Ngày nay nhiều thứ đã thay đổi - cô nhún vai nói tiếp.
Tôi không gặng hỏi thêm, hy vọng cô sẽ kể tiếp. Và cô nói tiếp thật, hơi cười cười như để làm giảm nhẹ những nhận xét của mình:
- Có lẽ tôi hơi cổ hủ, nhưng tôi cho rằng khi vợ một nhà khảo cổ không say mê với công việc của chồng thì tốt nhất là đừng theo chồng đi đến nơi làm việc. Có mặt chỉ gây va chạm, rắc rối.
- Bà Mercado... - tôi gợi ý.
Cô Johnson giơ tay gạt như dẹp ý tôi sang một bên:
- Ồ! Mụ ấy! Tôi nghĩ, là nghĩ về bà Leidner. Bà ấy dễ thương nên ta hiểu vì sao ông rất chiều bà. Nhưng chỗ của bà không phải ở đây. Bà chỉ gây mâu thuẫn.
Vậy là cô Johnson, giống bà Kelsey, cũng quy trách nhiệm cho bà Leidner đã gây nên bầu không khí căng thẳng giữa các thành viên của đoàn khảo cổ. Nhưng, thế thì giải thích làm sao những cơn hoảng loạn thần kinh của bà Leidner?
Cô Johnson tiếp:
- Giáo sư mất quá nhiều tâm trí vì vợ. Có thể nói, cứ như một con chó trung thành và ghen tuông. Tôi thật buồn thấy ông ngày càng mệt mỏi, rầu rĩ. Lẽ ra phải toàn tâm toàn ý vào khoa học, đừng để bị phân tâm vì vợ và những nỗi lo sợ vớ vẩn của bà ta! Nếu sợ cái xứ khỉ ho cò gáy này, sao bà không cứ ở bên Mỹ? Tôi không chịu nổi những người đã tự nguyện đi xa, nhưng ra đến nước ngoài là đủ toàn kêu ca, phàn nàn.
Như sợ đã quá lời, cô vội nói rút lại:
- Tất nhiên, tôi thực lòng kính phục bà ấy. Một phụ nữ cực kỳ xinh đẹp, nếu để ý xử sự sẽ khiến ai cũng phải yêu quí.
Cuộc trò chuyện chấm dứt ở đây.
Tôi nghĩ bụng, vẫn là câu chuyện muôn thuở: hễ phụ nữ sống với nhau là sự ganh ghét luôn len vào. Hiển nhiên là cô Johnson ganh ghét với vợ thủ trưởng (điều này nằm trong quy luật tự nhiên), và tôi không nhầm khi khẳng định là bà Mercado cũng rất ghét bà Leidner.
Sheila Reilly cũng không ưa gì bà Leidner. Cô ta đến công trường nhiều lần: một lần đi ô tô, hai lần khác cưỡi ngựa, có một kỵ sĩ trẻ đi cùng. Thâm tâm tôi lại cứ nghĩ cô có cảm tình với Emmott, chàng trai Mỹ ít nói. Khi anh làm việc ở hiện trường, cô thường đứng bên chuyện trò có vẻ mê say.
Một hôm, lúc ăn trưa, bà Leidner buông ra một nhận xét, theo tôi, không hợp lúc. Bà vừa cười gằn vừa nói:
- Cái cô Reilly cứ chạy theo David hoài, đuổi theo đến tận công trường. Con gái hiện đại thời này đến là ngốc!
David Emmott làm như không nghe thấy, nhưng hai má anh ta đỏ ửng. Anh ngước mắt nhìn thẳng vào bà Leidner như thách thức. Bà mỉm cười, quay mặt đi.
Cha Lavigny lí nhí mấy tiếng, nhưng khi tôi đề nghị ông nhắc lại, ông lắc đầu, im lặng.
Chiều hôm đó, Coleman bảo tôi:
- Sự thật là lúc đầu tôi không ưa bà Leidner lắm. Mỗi lần tôi mở miệng nói gì đều bị bà ta chẹn họng. Bây giờ hiểu tính bà hơn, tôi phải công nhận không có phụ nữ nào tốt hơn bà. Có thể tâm sự cởi mở với bà, ngồi với bà là mình tuôn ra đủ mọi chuyện. Bà ghét cay ghét đẳng con bé Sheila Reilly. Nên không lạ là Sheila cũng chẳng vừa, đối xử thô lỗ với bà. Con bé ấy không biết gì là lịch sự, tính tình khó chịu!
Tôi tin lời Coleman. Bác sĩ Reilly quá nuông chiều con gái.
- Tất nhiên, con bé hơi giương giương tự đắc, vì nó là đứa con gái trẻ nhất ở đây, nhưng không vì thế mà được phép coi bà Leidner như bà già. Bà Leidner không còn trẻ, đành thế, nhưng, vẫn cực kỳ duyên dáng! Có thể ví như nữ thần xuất hiện từ đồng lầy giữa ma trơi và làm ai nấy mê mệt. Con bé Sheila còn lâu mới bén gót!
Tôi chỉ nhớ thêm hai sự việc khác đáng chú ý.
Một hôm tôi đến phòng thí nghiệm để lấy a-xê-tôn rửa tay cho khỏi chất đất dính khi tôi dán đồ gốm. Ông Mercado ngồi ở một góc, ngả đầu lên tay, tựa như ngủ. Tôi cầm lọ hóa chất, mang đi.
Ngay tối hôm ấy, bà Mercado vớ lấy tôi, hỏi:
- Cô lấy lọ a-xê-tôn trong phòng thí nghiệm, phải không?
Tôi rất ngạc nhiên, song cũng đáp:
- Phải, tôi lấy.
- Chắc cô phải biết là trong phòng cổ vật, bao giờ cũng có một lọ như thế!
Giọng nói bà ta có vẻ giận dữ.
- Thế à? Bây giờ tôi mới biết.
- Cô mà lại không biết. Cô đến đây chỉ để dò xét mọi người. Còn lạ gì y tá bệnh viện!
Tôi nhìn thẳng bà ta, đàng hoàng nói lại:
- Thưa bà Mercado, không hiểu bà định ám chỉ cái gì. Tôi đến đây không phải để dò xét ai hết.
- Ồ! Không, tất nhiên! Vậy cô tưởng tôi không biết lý do sự có mặt của cô trong cái nhà này?
Trong chốc lát, tôi nghĩ bà này say rượu. Tôi bỏ đi không nói nữa, nhưng dù sao đó cũng là một việc lạ lùng.
Một chuyện khác xảy ra, có vẻ vặt vãnh hơn. Tôi cầm một mẩu bánh nhử con chó con. Chó Ả rập vốn hiền lành, nó tưởng tôi muốn làm gì hại nó, nó bỏ đi và tôi chạy theo ra ngoài. Tôi vừa qua cửa vòm thì đụng đầu với cha Lavigny đang đứng nói chuyện với một người. Nhác nhìn qua, tôi nhận ngay ra đó là người mà bà Leidner và tôi đã bắt gặp định nhòm vào cửa sổ.
Tôi xin lỗi, và cha Lavigny mỉm cười, từ biệt người nọ rồi cùng tôi về nhà.
- Cô có biết tôi chán thế nào không? Tôi chuyên nghiên cứu ngôn ngữ phương đông, vậy mà ở đây không người thợ nào hiểu tôi cả. Vì thế, tôi tập nói tiếng Ả rập với người mà cô vừa gặp. Hắn là người thành phố, hy vọng hắn sẽ nghe được tôi nói. Tiếc thay, kết quả không có gì khích lệ. Ông Leidner cho là tại tôi dùng tiếng Ả rập quá cổ điển.
Chuyện có thế. Nhưng suy nghĩ lại, tôi thấy lạ là vẫn cái người Irắc ấy lởn vởn quanh nhà.
Và đêm hôm đó, chúng tôi bị một mẻ sợ chết khiếp.
Lúc đó khoảng hai giờ sáng. Như mọi y tá chính cống, tôi rất tỉnh ngủ. Tôi vừa thức giấc và ngồi dậy trên giường, thì cửa mở.
- Y tá! Cô y tá!
Giọng bà Leidner, khẽ khàng, hối hả.
Tôi đánh que diêm, thắp nến. Bà Leidner trong bộ quần áo ngủ, đứng giữa khung cửa, nét mặt kinh hoàng.
- Có người, có người trong phòng cạnh phòng tôi. Tôi nghe tiếng nó gãi gãi lên tường.
Tôi nhẩy xuống giường, đến bên bà:
- Bà đừng sợ, có tôi đây.
- Gọi ông Eric cho tôi! - bà thều thào.
Tôi chạy ra gõ cửa phòng ông Leidner. Một phút sau, ông tới. Bà Leidner đang ngồi trên giường tôi, hổn hển vì xúc động.
- Tôi nghe thấy - bà lặp lại- Tôi nghe thấy... tiếng gãi lên tường.
- Người nào trong phòng cổ vật ư? - ông Leidner hỏi.
Ông chạy lao ra ngoài. Trong một loáng, tôi thấy hai cách phản ứng khác nhau của hai người: sự hốt hoảng của bà Leidner hoàn toàn có tính cá nhân, còn giáo sư nghĩ ngay đến những vật báu của mình.
- Phòng cổ vật! - bà Leidner thốt lên - Đúng rồi... Thế mà tôi không nghĩ ra!
Bà đứng lên, bảo tôi đi theo. Mọi dấu hiệu hoảng sợ tan biến.
Vào phòng cổ vật, đã thấy giáo sư Leidner và cha Lavigny ở đó. Cha Lavigny cũng nghe thấy tiếng động, đã dậy xem và nói hình như có ánh sáng trong phòng cổ vật. Ông xỏ giầy, vớ chiếc đèn bấm, nhưng không thấy ai, vả lại, cửa phòng này ban đêm luôn khóa kỹ. Trong lúc ông đang soát xem có mất cái gì, thì giáo sư tới.
Cửa bên ngoài cũng khóa. Anh bảo vệ cam đoan không ai từ ngoài có thể đột nhập; nhưng biết đâu anh chẳng có lúc ngủ gật, nên lời nói đó chẳng chứng minh điều gì. Tuy nhiên, không tìm thấy dấu chân, cũng như dấu vết gì khác, và mọi vật đều y nguyên, không suy xuyển.
Có thể bà Leidner đã hốt hoảng khi nghe tiếng động do cha Lavigny gây ra khi xê xích các hộp trên giá để kiểm tra, vì cha nói nghe tiếng chân sau cửa sổ phòng ông, rồi lại thấy có ánh sáng trong phòng cổ vật.
Những người khác thì không ai nghe gì, thấy gì.
Sự việc này với tôi có hệ quả quan trọng, vì nó thúc đẩy bà Leidner dốc bầu tâm sự.