Chương 14
LŨ KHỈ TAI ÁC - BẪY CHIM RI BẰNG NHỰA DÍNH -
TRỪNG TRỊ LŨ KHỈ LẦN THỨ NHẤT - CHUỒNG BỒ CÂU -
RUÝT-LY SUÝT CHẾT ĐUỐI - CON LỪA RỪNG MỚI ĐẺ -
CHUẨN BỊ MÙA MƯA - GIEO HẠT THÓC GIỐNG -
MÙA MƯA - SẮP ĐẶT TRONG ĐỘNG - ĐÈN TREO -
ĐẶT TÊN NHÀ TRONG ĐỘNG

    
húng tôi cũng kịp thời nhớ lại kinh nghiệm năm trước săn bắt chim ri, vào dạo này chúng kéo về đây hàng đàn đậu trên cây to ở Tổ chim ưng. Chúng tôi bèn tạm rời cái nhà động bấy lâu nay vẫn được coi là nơi ở chính để về Tổ chim ưng. Nghĩ tới số thuốc đạn tiêu phí năm ngoái về việc này quá nhiều mà sợ, tôi bèn tìm cách khác tiết kiệm hơn. Nhớ lại phương pháp dùng nhựa bắt chim đọc được trong một cuốn du ký, tôi bèn nghĩ cách chế biến nhựa cao su trộn với dầu thông để bẫy chim thay thuốc đạn.
Nhựa cao su lấy lần trước đã dùng hết để làm ủng cho cả nhà, bây giờ phải lấy thứ khác. Tôi bèn cử Phrê-đê-rích và Ruýt-ly vào rừng cao su và đến chiều thì chúng đưa về mấy bầu đầy nhựa. Nhưng đáng lẽ phấn khởi chúng lại có vẻ hốt hoảng. Phrê-đê-rích nói ngay không chờ hỏi:
- Nguy to rồi, bố ạ! Trong khi chờ lấy nhựa cao su, chúng con bàn nhau ghé thăm trại chăn nuôi xem tình hình gia súc. Tới nơi thì thấy hàng rào sập đổ, phân chuồng tung ra và ván vứt lung tung khắp nơi. Gà bị vặn cổ chết, dê cừu chạy trốn vì kinh khiếp. Đâu đâu cũng là phá phách và hủy hoại. Dinh cơ đẹp đẽ của chúng ta đã bị một bầy thú hung hãn, tàn ác đảo lộn tan hoang, và lũ kẻ thù ấy là bọn khỉ. Chúng con thật bàng hoàng và bực tức cứ tiếc không thể chạy theo để đuổi chúng, giết chết vài con, trừng phạt cái tội đã phá hoại tài sản của chúng ta. Một số lớn những gia súc đã tản ra xung quanh, nghe chúng con gọi thì chạy về. Chúng con cố gắng dồn chúng vào chuồng rồi sửa tạm lại những lỗ hổng ở hàng rào đổ. Trước cảnh tan hoang, chúng con không muốn ngồi nghỉ lại và ăn cơm trưa ở đó nữa mà lại đi thẳng đến Hồ thiên nga. Chúng con trở về, vui mừng vì đã làm tròn nhiệm vụ, nhưng đau xót nghĩ tới sự tàn phá ác hại ở trại chăn nuôi và nỗi buồn của cả nhà khi biết cái tin không hay ấy.
Phrê-đê-rích dừng lại. Tin buồn đó quả đã làm cho chúng tôi mất vui. Tôi nhận thấy ngay là phải "sửa" cho lũ giặc khốn kiếp kia một trận ra trò, khiến chúng phải bán xới đi nơi khác. Nếu không tìm cách làm cho chúng khiếp đảm thì sớm muộn sẽ không còn gì nguyên vẹn trên hòn đảo này nữa. Tôi an ủi bọn trẻ rằng chỉ trong một vài hôm sẽ sửa chữa xong những chỗ hư hỏng. Tôi lại nói cho chúng biết là để chấm dứt sự phá hoại do một kẻ thù như thế gây ra, tôi sẽ bố trí bắt lũ khỉ và bọn trẻ sẽ được tha hồ thi thố tài năng.
Sau bữa cơm chiều, nỗi buồn vì lũ khỉ ôn vật cũng nguôi dần và chúng tôi đi ngủ sau khi quyết định ngày mai sẽ chế biến nhựa cao su thành nhựa bẫy chim. Đây lại là một việc mới mẻ! Bọn trẻ con còn rất ngây thơ, nghĩa là còn hay thích cái mới, tất nhiên chúng sẽ lao vào công việc này với tất cả hứng thú của lứa tuổi.
Sáng hôm sau, vừa xong mọi việc vặt buổi sớm như là dọn dẹp, ăn lót dạ, cho gia súc ăn… bọn trẻ con đã nhắc ngay lời hứa hôm trước. Chúng rất nóng lòng được biết công dụng của nhựa bẫy và đồng thời cũng sốt ruột muốn làm thử cái kiểu săn bắt mới ấy. Tôi bắt tay vào việc ngay: trộn một ít nhựa cao su với nhựa thông, đem nấu lên. Hai thứ nhựa hòa lẫn với nhau và đặc lại dần. Trong khi chờ đợi, lũ trẻ đua nhau tìm các bụi cây, bẻ những cành nhỏ, đem về một bó to tướng và chúng tôi nhúng từng que vào trong nồi nhựa cho nhựa bám dày xung quanh.
Khi số que nhựa coi chừng đã thừa thãi, tôi giao cho Phrê-đê-rích và Ruýt-ly đem lên cây đặt rải rác khắp nơi, càng nhiều càng tốt. Chẳng mấy chốc lũ chim ri đã rơi đồm độp xuống chân chúng tôi, cẳng và cánh dính nhựa lại đeo theo cả cái que tai ác mà chúng vô phúc đậu lên trên. Cuộc săn bắt dần dần mở rộng ra nhiều nơi, số chim bị bắt cũng theo đó mà tăng lên rất nhiều, đến nỗi Prít, Éc-nét và mẹ chúng không kịp nhặt nữa. Trong khi đó, hai đứa kia lại trèo lên cây đặt lại những que nhựa vừa mới gỡ ở chim ra. Một que nhựa như thế dùng được đến ba, bốn lần. Cả ngày hôm sau phải lo nhổ lông, mổ và chế biến món thực phẩm đó. Cả nhà đều phải bắt tay vào cái công việc ít lý thú nhưng cần thiết ấy. Kết quả được hai thùng lớn đầy chim ri quay tái ngâm bơ.
Trong khi vùi đầu vào công việc bếp núc ấy, tôi vẫn suy nghĩ đến sự trừng phạt lũ khỉ quái ác và tôi nhất quyết sẽ tiến hành. Hôm sau, cả nhà dậy rất sớm. Vợ tôi soạn đủ thức ăn cho chúng tôi trong hai ngày rồi bốn cha con lên đường. Phrê-đê-rích cưỡi con lừa rừng, tôi cưỡi con lừa nhà, Ruýt-ly và Éc-nét cùng ngồi trên lưng con trâu bên cạnh lương ăn, chiếu lều vải và mọi thứ khác cần thiết. Mấy con chó cũng được đi theo. Chúng tôi cũng đem theo cả khí giới nhưng không định dùng để tiêu diệt kẻ thù; nhựa thông trộn nhựa cao su sẽ làm việc ấy gọn và có hiệu quả. Tôi đem theo một túi da, đựng đầy nhựa, dễ mang đi hơn tất cả mọi thứ hũ, bình.
Tới bờ hồ, chúng tôi tìm chỗ thuận tiện để hạ lều rồi cùng xuống ngựa. Dựng lều lên, ràng chân mấy con vật không cho chúng đi xa, buộc chó lại, rồi chúng tôi đi tìm kẻ thù. Trại chăn nuôi trông thật hoang vắng. Lũ khỉ đã rời bỏ cảnh hoang tàn này. Trông thấy cảnh hỗn độn, rào đổ, nhà cửa bị phá, tôi nao cả ruột và tất cả những điều đó lại tăng thêm quyết tâm trừng trị thật nghiêm khắc bọn phá hoại. Phrê-đê-rích đi thăm dò tình hình và trở về ngay, báo tin lũ kẻ cướp vẫn ở gần đây, đương bình thản đùa giỡn và nô nghịch ở bìa cánh rừng nhỏ. Chúng tôi sửa soạn ngay kế hoạch đã định: Khắp xung quanh trại chăn nuôi, chúng tôi cắm hờ nhiều cọc nhỏ xuống đất rải rác từng khoảng cách không đều nhau, dòng từ cọc này đến cọc kia những sợi dây kéo dài và dẻo. Đây đó lại đặt những quả dừa bổ đôi, những vỏ bầu đựng đầy cơm hoặc ngô nấu, các thứ quả và cả rượu cọ mà kinh nghiệm cho tôi biết là lũ khỉ rất thích. Xong xuôi, chúng tôi lấy nhựa bẫy đem bôi khắp lượt các thứ đó: cọc, dây chằng, quả dừa, vỏ bầu. Dưới gốc cây lại cắm những cành gai móc đầy những quả thông và các loại quả khác. Như vậy, một khi lọt vào còn đường ngoắt ngoéo đã bố trí, tất nhiên lũ khỉ phải dính vào từng cái cọc, hay là sờ vào những quả đựng thức ăn và rượu để rồi cũng dính chặt vào đó. Lũ trẻ lại được tôi cho phép cắm một ít que nhựa trên những cây xung quanh nữa. Khi toàn bộ cái bẫy lớn đã sắp xếp xong, chúng tôi rút lui vào trong lều vải để cho kẻ thù mò tới không chút nghi hoặc. Suốt ngày không xảy ra chuyện gì cả! Tôi đồ rằng những con vật ranh mãnh này đã thấy bóng chúng tôi và có đôi chút nghi ngờ. Tối đến, chúng tôi ăn đồ nguội đem theo rồi đi ngủ. Suốt đêm, chẳng có gì đến quấy rầy giấc ngủ của mấy bố con.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy rất sớm. Nhưng bọn khỉ đã dậy sớm hơn và khiến chúng tôi phải chú ý ngay đến cả bầy đang từ xa nhằm hướng chiếc lều cỏ tiến lại. Cái đạo quân gớm ghiếc ấy trông đến buồn cười: con thì đi bốn chân, con thì đứng thẳng và bước đi bệ vệ như người. Có những con khỉ chuyền cành trên cây, mặt mày nhăn nhó đến ngộ. Chúng tôi đứng im lặng, sợ có thể làm cho chúng kinh sợ mà bỏ chạy. Chẳng mấy chốc, chúng đã lọt vào con đường hóc hiểm bố trí hôm qua. Thế là những điều tôi dự đoán đã thành sự thật. Chỉ chớp mắt, cả đàn khỉ quây thành một khối, dính chặt vào nhau vì những dây leo có bôi nhựa, những cái cọc và những vỏ bầu đã bết nhựa vào lông chúng. Chúng hết sức vùng vẫy để gỡ ra khỏi những thứ rối ren đó, tạo thành một cảnh kỳ quặc và khôi hài vô cùng. Nhưng mọi cố gắng đều vô ích, và thế là khắp nơi vang lên những tiếng la thét giận dữ điên cuồng. Chưa bao giờ tôi thấy những bộ mặt nhăn nhó ghê tởm hơn, những tư thế vặn vẹo khủng khiếp hơn. Những con tham ăn uống, mò lại định ăn gạo, ngô hoặc uống rượu cọ đều bị một mảnh bầu dính úp vào mặt rất chặt. Những con khác thì cõng những cái cọc cứ đập vào lưng chúng bực bội vô cùng. Cuối cùng, khi sự hỗn loạn đã tới cao độ, chúng tôi thả mấy con chó ra. Chúng tôi cũng vác gậy ra nện lấy nện để, không chút thương hại. Chúng tôi đào một cái hố sâu để vùi tất cả những xác khỉ chết, lấp kín và kỹ, dựng một hàng rào xung quanh không cho gia súc bén mảng tới. Chúng tôi nghỉ ngơi một lúc, nói chuyện vui đùa cho khuây cuộc giết chóc bất đắc dĩ mới rồi. Chúng tôi lo sửa chữa lại những chỗ hư hỏng ở trại chăn nuôi, tập hợp được gần hết những gia súc thất lạc. sau khi đã tạm thời thu xếp cho có trật tự trong trại, chúng tôi nhổ lều và trở về nhà. Phrê-đê-rích đặt một bát gạo có dính nhựa lên trên một cây cọ và trước khi lên đường đã bắt được một đôi chim lớn hơn loại bồ câu bình thường. Tôi nhận ra đó là loại bồ câu xứ Mô-huých-cơ (1), lông nó là một sự hòa hợp rất đẹp giữa các màu xanh, lục, tía và tím.
Chúng tôi vội vã quay về Tổ chim ưng. Cả nhà vui mừng ra đón. Vợ tôi đặc biệt chú ý đến đôi chim mới mang về và tán thành dự kiến của tôi trong khi đi đường là định đặt một chuồng bồ câu ở Nhà dưới lều. Thế là lại đem chất lên xe bò đủ lương thực và mọi thứ cần thiết cho vài ngày đi xa rồi lên đường sang Nhà dưới lều. Vừa tới nơi, tôi chọn trong hòn núi đá bên cạnh động một chỗ thuận tiện để đặt chuồng bồ câu. Qua lớp đá cứng bên ngoài và lớp đá mềm bên trong, chúng tôi đục được một cái hốc lõm sâu vào núi, cao hơn mặt đất độ mươi bộ, khá rộng, đủ nuôi hai chục đôi bồ câu. Cũng phải mất mấy tuần lễ làm việc mệt nhọc mới xong hẳng cái chuồng chim
Một sự việc bất ngờ trong đó chú bé Ruýt-ly đóng vai chính chợt xảy ra và cũng đem lại vài phút vui cười cho chuỗi ngày sống hơi đơn điệu. Một hôm, thằng bé tự dưng đi ra ngoài một mình., chẳng nói cho ai biết ý định. Nhưng nó vắng mặt không lâu! Chỉ chốc lát đã thấy nó trở về, từ đầu đến chân lấm vùi một thứ bùn đen và đặc sệt, lôi theo một bó cây sậy cũng đẫm bùn. Thằng bé rân rấn nước mắt, bước đi có vẻ gượng gạo chứng tỏ đã bị mất đôi giày.
Nó thẹn thùng thú nhận với chúng tôi rằng suýt nữa thì chết đuối ở Đầm hồng hạc trong khi đi tìm sậy để đan rổ. Mẹ nó vội đem nó đi tắm rửa kỳ cọ, còn áo quần thì phải ngâm kỹ ở Suối chó núi, bùn đen thôi ra chảy dài mãi theo dòng nước. Chúng tôi cũng đem sậy rửa sạch. Tôi có ý định dùng những cây sậy ấy để đóng cái khung cửi mà bấy lâu nay vợ tôi thường ao ước. Tôi làm dần từng bộ phận, quyết giữ bí mật không cho ai biết, với ý định lúc hoàn thành lắp xong mới đưa ra cho cả nhà ngạc nhiên. Vợ tôi luôn luôn hỏi tôi định làm cái gì bằng những cái que tre và những ống sậy nhỏ đó. Tôi chỉ trả lời qua loa rằng khi làm xong thì chắc chắn vợ tôi sẽ là người hoan hỉ nhất và sẽ là người nhảy múa đầu tiên theo tiếng nhạc êm đềm…
Trong thời gian ấy, con lừa rừng đẻ được một chú lừa con cũng giống nó. Cả nhà vui mừng chào đón con vật bé nhỏ ấy. không những rồi đây nó có thể chở đồ, kéo xe mà còn là một con vật thượng hạng một ngày kia sẽ dẫn đầu trong nhiều cuộc chạy đua. Chúng tôi đặt cho nó cái tên "Chân nhanh". Tôi muốn dùng nó để cưỡi và rất vui mừng thấy hình dáng nó càng lớn lên càng thích ứng với ý định đó.
Mùa mưa sắp tới. Mỗi buổi chiều cứ phải đi dồn về những con gia súc thả đi lang thang, thật là khó nhọc. Chúng tôi bèn nghĩ ra một cách thuận tiện hơn tức là tập cho chúng quen trở về chuồng khi nghe tiếng tù và nổi lên mỗi buổi chiều. Trong khi tập luyện, chúng tôi kèm với tiếng tù và một ít thức ăn trộn muối, thế là chúng nó quen dần. Chỉ có lũ lợn là tỏ ra ương ngạnh và thích đi lang thang. Chúng tôi cũng để mặc kệ chúng, vả lại chỉ cần thả chó ra là dồn được chúng về ngay.
Mùa mưa áp tới rồi. Chúng tôi vội vàng thu xếp mọi việc để khỏi bị lúng túng bất ngờ. Phải gặt hái ngay và đem về cắt đặt chu đáo các thứ hạt, các loại quả ở quanh nhà, sắn, khoai tây, lúa, ổi, quả sồi ngọt, quả thông, hồi, dứa mà bọn trẻ con rất thích, không bỏ sót thứ gì. Chúng tôi lại gieo các thứ lúa như năm ngoái và hy vọng rằng những thứ hạt châu Âu, bây giờ gieo xuống đất mới được cuốc xới, nhờ hơi ẩm mùa mưa, sẽ nẩy mầm và lớn nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Thỉnh thoảng trời đã đổ mưa rào, bắt buộc chúng tôi phải làm thật nhanh những việc còn lại. Dần dần, chân trời đầy mây đen nặng trĩu. Biển động, những con gió hung hãn thổi từ bờ biển vào. Suốt mười lăm tới hai mươi ngày, chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng rất oai hùng, nhưng cũng vô cùng khủng khiếp. Cảnh vật bị hoàn toàn đảo lộn. Những cây lớn bị gió đánh cúi gập xuống giữa những tiếng hú kinh khủng, dữ dội; sấm gào, chớp giật lẫn với gió và mưa. Nhưng rồi gió cũng dịu đi dần, mưa bắt đầu rơi theo một điệu đều đều, dầm dề chán ngắt suốt trong khoảng thời gian hai tuần lễ. Thời kỳ đầu phải giam chân trong nhà quả là buồn tẻ. Tuy vậy chúng tôi coi đó là một hoàn cảnh bắt buộc phải chịu đựng nên cũng yên tâm mà vui vẻ bắt tay vào việc xếp đặt trong động.
Trước hết, chúng tôi lo làm một số việc không tính trước, nhưng bây giờ thì thấy vô cùng cần thiết. Đó là làm sao cho cái động thật thích hợp với cuộc sống lâu dài của chúng tôi ở đây. Thoạt đầu phải san lại nền nhà còn gồ ghề chỉ mới xới đất qua loa lúc ban đầu, lấp kỹ tất cả hốc hố để khỏi sẩy chân ngã gãy cổ. Cái máng nước đã đặt thì lại không thích hợp với công việc bếp núc. Thế là phải dời cái bể cạn ở ngoài bờ suối vào trong bếp. Rồi lại còn phải đóng ghế dài và bàn. Nói chung, chúng tôi tìm cách giải quyết đầy đủ tất cả những nhu cầu của cuộc sống trong hoàn cảnh này, trong cái động này suốt cả thời gian dài đằng đẵng mùa đông mưa gió. Nhưng vẫn còn một khó khăn mà chúng tôi chưa hề nghĩ tới được đầy đủ: đó là vấn đề ánh sáng. Cái động chỉ có bốn cửa: cửa ra vào, cửa sổ bếp, cửa sổ trên phòng làm việc, cửa sổ phòng ngủ. Những gian phòng của bọn trẻ và phía trong thì suốt ngày chìm trong bóng tối khá dày. Thực ra giữa những bức vách ngăn các phòng đều có trổ cửa hoặc để trống hoặc căng vải thưa, nhưng ánh sáng từ ngoài vào quá yếu, không thể rọi tới mé trong cùng được. Cần phải trổ thêm vài ba cửa sổ nữa nhưng chưa thể bắt tay vào việc đó trước mùa nắng ráo. Trong khi chờ đợi, tôi đã bố trí tạm thời để có ánh sáng vào thấu buồng trong. Trong số tre dùng làm máng dẫn nước vào bể còn lại một cây lớn và tình cờ lại cao vừa chấm vòm động. Tôi bèn trồng đứng nó lên giữa động rồi lấy một sợi dây thừng dài kéo nó lên đầu cây tre một cái đèn lớn lấy từ dưới tàu lên. Phrít và mẹ nó được phân công bảo đảm chất đốt cho cái đèn. Nhờ có hàng ngàn mặt "pha lê" khắp trong động phản chiếu ánh đèn, dinh cơ chúng tôi cũng trở nên sáng sủa như có ánh mặt trời chiếu vào vậy.
Ánh sáng đã đem lại một niềm vui khó tả cho chúng tôi.
Từ nay, tất cả những công việc sắp đặt nhà cửa đều tiến hành một cách linh hoạt khác thường. Éc-nét và Phrít nhận trách nhiệm sắp xếp tủ sách và cất đặt gọn gàng vào ngăn tủ tất cả những tác phẩm lấy được dưới tàu lên. Ruýt-ly giúp mẹ tổ chức nhà bếp. Phrê-đê-rích thì cùng tôi soạn lại phòng làm việc cho ra vẻ; công việc này nặng nhọc hơn những công việc của các em nó.
Chúng tôi dựng ngay bên cửa sổ một cái bàn tiện rất đẹp với đầy đủ dụng cụ tìm thấy trong phòng thuyền trưởng chiếc tàu đắm. Hồi xưa, tôi cũng có học nghề tiện - vì vui mà học - bây giờ tôi sẽ có thể hướng dẫn ít nhiều cho lũ trẻ trong công việc này. Cạnh bàn tiện là một lò rèn có đủ đe, búa, bễ; mọi dụng cụ sửa sang xe cộ, thùng sắt, v.v… đều sắp đặt có thứ tự trên ván hoặc trên giá gỗ đóng ở tường. Đinh dài, đinh ốc, kìm búa đâu vào đó hết. Xưởng thợ sắp xếp rất ngăn nắp khiến tôi cũng tự hào về cánh tay, khối óc của mình và của thằng bé. Tôi lại càng thú vị một cách rất thành thực là thuở nhỏ mình đã có ít nhiều sở thích về máy móc. Nhờ đó, nếu tôi chưa đủ trình độ sử dụng thành thạo tất cả những bộ máy hiện có ở đây, ít nhất cũng không có gì xa lạ đến nỗi tôi không hiểu về những bộ máy ấy.
Dần dần, trong động đã có một nề nếp ngăn nắp đầy đủ và từ đó chúng tôi có thể yên lòng chờ ánh nắng đến phát tan xiềng xích mùa đông. Chúng tôi đã có xưởng thợ, phòng ăn, lại thêm tủ sách để giải trí sau những buổi lao động mệt nhọc. Cũng may mà chúng tôi đã đem ở tàu về được nhiều hòm chứa đầy sách tốt đủ các loại.
Đồ dùng hàng ngày càng đầy đủ, tự làm thêm hoặc đưa ở tàu về. Càng ngày cái nhà ở của chúng tôi càng được trang bị và trang hoàng tốt đẹp đến nỗi lũ trẻ phân vân không biết nên đặt tên là gì cho xứng. Đứa thì muốn gọi là "Lâu đài thần tiên", lại có ý kiến đặt là "Động huy hoàng". Nhân dịp này đã nảy ra một cuộc bàn cãi khá sôi nổi và kéo dài, cuối cùng mọi người đều nhất trí chọn cho nó cái tên "Nhà trong động" vừa giản dị vừa đúng ý nghĩa. Vùi đầu vào những việc đó, tôi thấy thời gian trôi qua khá nhanh. Mùa đông đã kéo dài hai tháng rồi mà tôi vẫn chưa có thì giờ đẽo vài cái ách cho mấy con trâu bò, đóng thêm một đôi khổ chuốt sợi cho vợ tôi vì bà cứ mong có dụng cụ để dệt vải bông.
Hạ tuần tháng tám, tình hình thời tiết xấu thêm nhiều. Mưa, gió, sấm, chớp lại ầm ầm kéo đến hung hãn khác thường.
Thế rồi trời quang dần. Mây tan, mưa tạnh, gió dịu dần. Chúng tôi đã có thể ra ngoài động, đi đây đi đó để xem cảnh vật có thay đổi gì không.