Chương 7
CHUYẾN THỨ HAI TRỞ RA CHIẾC TÀU BỊ NẠN -
CHIẾC BÈ MỚI - LẠI THÊM RẤT NHIỀU THỨ BỔ ÍCH -
CON RÙA KHỔNG LỒ - BỂ CHỨA NƯỚC -
ĐẤT SÉT VÀ CỦ SẮN - QUAY TRỞ RA TÀU -
CHIẾC XUỒNG LỚN - BÁNH BỘT SẮN.

    
áng hôm sau, cơm nước xong, tôi mới tuyên bố về chuyến đi đã dự định và tôi bảo Phrê-đê-rích chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Bà vợ đáng thương của tôi có vẻ băn khoăn, nhưng vẫn cố nén lại như thường lệ, biết rằng không thể ngăn nổi.
Chúng tôi đưa thuyền vào dòng nước suối đổ ra biển. Dòng nước chảy rất mạnh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã ra tới thân chiếc tàu bị nạn.
Sau khi neo thuyền, trước hết tôi trù tính một cách chuyên chở khác ngoài chiếc thuyền chậu. Coi chừng đây cũng là chuyến đi cuối cùng, chúng tôi sẽ đưa về rất nhiều thứ và chiếc thuyền chậu sẽ không đủ sức chứa tất cả những thứ đó. Phrê-đê-rích góp ý và tôi thấy tốt: nó nhắc cho tôi nhớ đến những người thổ dân các nơi thường đóng những bè đơn giản mà rất chắc chắn. Họ bắc những thân cây trên nhiều cái túi bằng da rất kín, phồng đầy không khí, buộc chặt lại với nhau thành một chiếc bè có thể chở nặng trên mặt nước. Chúng tôi không có túi da nhưng lại không thiếu những thùng rỗng khá lớn, bịt kín có thể thay thế được. Chúng tôi ném ngay hai chiếc thùng rỗng bịt thật kín xuống biển, nổi lềnh bềnh giữa thân tàu và thuyền, lát một số ván dài lên trên và ken lại với nhau bằng mấy thanh gỗ buộc thật chặt. Chung quanh bờ chạy một cái bờ ván cao độ hai bộ, thế là hoàn thành một chiếc bè vững chãi thừa sức chở mọi thứ.
Mất hết một ngày tròn vào chiếc bè, chúng tôi chỉ nghỉ tay một chút để ăn qua loa miếng thịt nguội mang theo sẵn trong túi dết. Mệt bã người, vừa chập tối, chúng tôi vào trong phòng thuyền trưởng nằm lăn trên đệm êm ấm, đánh một giấc ngủ ngon lành.
Tảng sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy, đã khỏe khoắn như trước và bắt tay vào việc chuyển đồ đạc xuống bè.
Trước hết là chuyển tất cả những thứ gì còn lại trong gian phòng riêng của chúng tôi ở trên tàu dạo nọ. Tôi nghĩ rằng vợ tôi sẽ rất vui được thấy lại những đồ vật thân yêu của chúng tôi hồi đó. Chúng tôi xem xét khắp mọi ngõ ngách trên tàu, tháo tất cả những thứ gì có thể tháo ra được: đồ gỗ, hòm xiểng, cho tới cửa sổ, cửa lớn gì cũng không từ. Mặc dù hành khách trên tàu đã mang theo họ những gì quý giá nhất, chúng tôi vẫn gặp những tài sản lớn, những rương nữ trang, những bao đầy tiền vàng tiền bạc. Thoạt đầu, chúng tôi cũng có ý định lấy đem về; nhưng rồi những thứ khác có công dụng thiết thực hơn đã làm tôi đẩy lùi ý đó. Tôi chỉ cho phép Phrê-đê-rích lấy về dăm chiếc đồng hồ, vừa để thay thế chiếc của nó vừa để làm quà tặng các em. Những cái hòm thợ mộc, thợ rèn, chứa đầy những dụng cụ mong ước bấy lâu, đối với chúng tôi lại muôn phần quý giá hơn những đồ vật choáng lộn ấy. Tôi thích nhất là một cái hòm nhỏ đựng những mầm cây đã đâm rễ bọc rất cẩn thận trong rêu mềm. Đó là mầm giống những loại cây ăn quả ở châu Âu, mang đi để trồng ở đất mới khai khẩn. Xem xét kỹ, tôi vui sướng vô cùng khi nhận ra trong đám mầm cây quý giá đó có những cây lê, táo, cam, hạnh đào, đào, mận, hạt dẻ, có cả vài nhánh nho nữa. Chúng tôi mang ngay cái hòm ấy xuống bè cùng với khá nhiều những bao hạt giống như ngô, lúa mạch, đậu quả, đậu hạt. Nhiều thứ máy móc lặt vặt cũng được chuyển xuống bè… - Chuyến tàu này trước kia định chở đồ đến một miền mới khai khẩn, cho nên giờ đây có nhiều thứ rất bổ ích và quý giá cho chúng tôi: Một hòn đá mài, toàn bộ một lò rèn đầy đủ, một chiếc cày và nhiều nông cụ; chì, sắt, đồng thì hằng hà sa số. Thêm vào đó, lại có một cái lưới đánh cá lớn, chiếc địa bàn (la bàn?) vẫn dùng trên tàu đựng trong hộp bảo vệ, một ngọn lao với hai cuộn dây lớn thường dùng để săn cá voi. Phrê-đê-rích xin phép được giữ ngọn dao và buộc một cuộn dây vào mũi thuyền để sẵn sàng phóng vào một con cá mập nào đó dám lai vãng đến trên đường về.
Trong tàu vẫn còn nhiều những thứ cần thiết đáng đem về nữa nhưng xem chừng thuyền và bè cũng đã chở khá nặng không nên liều lĩnh chất thêm nữa. Chúng tôi buộc chặt chiếc bè vào thuyền, giương buồm lên, quay lại chào chiếc tàu đã bị moi tận ruột, rồi khó nhọc chèo thuyền tiến dần dần về phía bờ biển.
Chẳng mấy chốc, gió nổi lên, thổi căng chiếc buồm và giúp chúng tôi nhẹ gánh. Tuy thế, chúng tôi vẫn chỉ tiến từ từ, vì kéo thêm chiếc bè nặng nề buộc ở đằng sau nên thuyền đi rất chậm. Phrê-đê-rích cúi về phía trước một lúc lâu, nhìn chăm chú một vật lạ đương nổi lên trên mặt nước. Nó gọi bảo tôi lái chếch một chút để nó có thể xem kỹ là cái gì. Tôi bẻ tay lái, hướng thuyền theo đúng ý nó. Ngay lúc đó, tôi nghe một tiếng dây ở cuộn dây kêu "vút", rồi chiếc thuyền bị giật mạnh một cái, tiếp theo đó lại thêm một lần giật nữa mạnh hơn.
- Trời ơi! - Tôi kêu lên - Cái gì thế? Khéo kẻo đắm thuyền!
- Trúng rồi! Ăn chắc rồi! - Đến lượt chàng thiếu niên kêu lên - Nó đừng hòng thoát khỏi tay chúng ta!
- Nhưng mà nó là cái gì chứ?
- Một con rùa, bố ạ, một con rùa khổng lồ. Con phóng cho nó một mũi lao và may quá lại trúng ngay vào cổ nó!
Quả thế, xa xa tôi thấy cán lao ánh lên dưới nắng và con rùa bị thương đang bơi rất mau, kéo theo chúng tôi sau sợi dây thừng đã buộc chặt ở mũi thuyền. Tôi vội hạ ngay buồm và chạy lên phía trước, định dùng búa chặt đứt sợi dây để cho con rùa muốn trốn đi đâu thì trốn, nhưng Phrê-đê-rích vội ngăn tôi lại, cam đoan không để xảy ra điều gì nguy hiểm và nó sẽ tự tay chặt đứt sợi dây khi cần thiết. Tôi bằng lòng tuy chưa yên tâm: chiếc thuyền bị con vật lôi đi rất nhanh vì vết thương đã làm nó hăng lên trong chốc lát. Nhưng thấy thuyền vẫn cứ lướt theo hướng vào bờ, tôi lại cố gắng nắm chắc tay lái để hướng thuyền chạy thẳng đường và giữ sao cho một sức giật mạnh ở mạn thuyền không thể làm cho thuyền nghiêng đi. Trong tư thế đó, tôi cũng đành lòng kiên nhẫn chờ đợi.
Vài phút sau, con vật bị thương đổi hướng bơi và như có ý muốn vòng ra phía ngoài khơi. Như thế không có lợi cho chúng tôi. Tôi bèn giương buồm lên; gió thổi vào bờ tăng thêm sức cản, con rùa không sao kéo nổi. Thế là nó quay về đường cũ, nhắm bờ mà bơi vào. Nhờ sức nó kéo, chúng tôi đi ngược dòng nước vùn vụt. Lái chếch một chút về tay trái, chúng tôi ghé vào một cái vũng gần Tổ chim ưng và may sao chẳng gặp phải một hòn đá ngầm nào. Con rùa đã mệt lử dừng lại trên bờ. Tôi nhảy ngay ra khỏi thuyền, xách cây búa chạy tới, kết liễu đời con vật.
Phê-đê-rích reo lên vui mừng và bắn một phát súng lên trời để báo tin. Nghe tín hiệu mừng, cả nhà ùa ra, rất ngạc nhiên thấy chúng tôi lại ghé vào bờ ở quãng này. Ai cũng rất sửng sốt chẳng những vì tất cả những tài sản đã đưa về được mà còn vì chiếc thuyền và chiếc bè được con rùa dòng về đây một cách kỳ lạ.
Chúng tôi cho đưa xe quẹt tới và nặng nhọc lắm mới khuân được con rùa lên xe. Con vật nặng tới ba trăm cân (cân cũ, khoảng nửa ki-lô) chứ không ít. Chúng tôi chất thêm vài thứ khác như là nệm, những hòm nhỏ… rồi cả nhà vui vẻ áp tải chuyến hàng thứ nhất ấy về Tổ chim ưng.
Tới nơi, tôi lóc ngay mai con rùa để lấy thịt ăn. Tôi xẻo một mảng thịt lớn đưa cho vợ tôi nấu ăn buổi chiều. Chẳng cần gia giảm gì ngoài một tí muối, thịt rùa cũng vẫn ngon.
Tôi hỏi lũ trẻ:
- Chúng ta dùng cái mai rùa này làm gì bây giờ?
- Ồ, bố ơi! - Ruýt-ly trả lời - Bố cho con nhá! Con sẽ làm một chiếc thuyền nhỏ để bơi trên dòng suối. Ồ, chắc là rất thú!
- Nếu bố cho con - Éc-nét nói - con sẽ làm một chiếc khiên để tự vệ khi bị tấn công.
- Và con sẽ làm một cái nhà nhỏ xinh đẹp - Đến lượt Phrít tỏ ý mình.
- Các bạn thân mến ơi! - Phrê-đê-rích dịu dàng nói - Các bạn quên rằng con mồi tất nhiên phải thuộc về người đã hạ nó hay sao?
- Đúng thế, cái mai rùa là của con, Phrê-đê-rích ạ! Vậy con định dùng nó làm gì?
- Bố ạ, con sẽ làm một cái bể nước. Con đặt nó ở đây, ngay trên bờ suối để mẹ con bao giờ cũng có nước sạch mà dùng cho thoải mái.
- Giỏi lắm! Sáng kiến rất tốt! Con đã biết nghĩ đến lợi ích chung chứ không theo thích thú riêng của mình. Chúng ta sẽ đặt ngay cái bể chứa nước này vào chỗ của nó sau khi tìm được đất sét để trát bên dưới mà gắn chặt nó vào bờ suối.
- Bố ạ, đất sét thì có sẵn rồi - Ruýt-ly nói - Trong khi bố đi vắng, con đã tìm thấy đất sét.
- Và cả con nữa, bộ ạ, con cũng tìm thấy một thứ có lẽ lại còn quan trọng hơn nhiều - Éc-nét nói tiếp - Con thấy những củ trông giống như củ cải nhưng cây thì lại thuộc loại mộc nhỏ chứ không phải rau cỏ. Tuy vậy con cũng vẫn chưa nếm thử cái thử củ có vẻ ngon lành ấy, mặc dầu con lợn của chúng ta đã ăn không biết chán.
- Như thế là khôn đấy, con ạ! Cũng có những cây cỏ không độc đối với lợn, nhưng rất có thể ít nhiều có hại cho người. Con hãy đem cho bố xem.
Thằng bé đem ngay ra chừng mười củ dài dài và màu vỏ cũng tựa như củ cải đường.
- Ồ, các con ơi! - Tôi reo lên - Nếu sự hiểu biết của bố quả là chắc chắn thì chúng ta sẽ thu được một nguồn lương thực khác rất quan trọng. Cùng với khoai tây hôm trước, thứ củ này sẽ vĩnh viển đuổi cái đói đi biệt khỏi gia đình ta. Éc-nét ạ, đây là một loại củ sắn, ở Viễn Đông người ta dùng để làm bột sắn. Bới ra mà nấu ăn ngay thì cũng dễ bị ngộ độc, nhưng thải hết nhựa độc thì sẽ trở thành một thứ lương thực vừa ngon vừa bổ. Rồi các con sẽ biết rõ điều đó, bây giờ thì ta hãy đem đồ đạc và thức ăn ngoài kia về đã.
Chúng tôi đem xe quẹt quay trở ra bờ biển và chở về một chuyến đồ đạc trước khi trời tối. Vợ tôi ở lại nhà để sửa soạn bữa chiều. Ra tới bè, chúng tôi chất lên xe quẹt những cái hòm đựng các đồ dùng trước kia của chúng tôi, những hòm dụng cụ, rồi những chiếc bánh xe, và cuối cùng là một cái cối xay quay tay nhỏ, nó trở nên rất cần thiết sau khi tìm ra củ sắn. Về đến nhà thì cơm nước đã sẵn sàng. Cả nhà ngồi đông đủ quanh bàn ăn có món thịt rùa áp chảo tưới mỡ rùa rất ngon và khoai tây luộc còn nóng thay cho bánh mì.
Tuy đã rất mệt, trước khi đi ngủ chúng tôi còn đưa lên nhà chòi tất cả những chiếc nệm đã chở về. Vợ tôi đem lót vào mấy cái võng. Đêm nay giấc ngủ quả là êm đềm vô cùng.
Tảng sáng, Phrê-đê-rích thức dậy trước tiên, Éc-nét sau cùng, như mọi lần. Khi cả nhà đã xuống đất, chúng tôi ăn qua loa vài miếng lót dạ rồi trở ran gay bờ biển để tiếp tục dở chiếc bè. Chúng tôi chở về hai chuyến nữa. Vừa hay thủy triều bắt đầu lên, tôi bèn bảo vợ tôi và hai đứa con trở về nhà cùng với xe đồ đạc. Tôi giữ Phrê-đê-rích và Ruýt-ly lại - chúng rất vui vẻ được giữ lại lúc đó - chờ cho thủy triều nâng nổi thuyền lên để đưa thuyền trở về bến cũ, trong Vịnh cứu sống. Chẳng mấy chốc thuyền đã nổi bềnh lên, nhưng đáng lẽ hướng về bến cũ thì nhân trời đẹp và biển lặng, chúng tôi lại quay trở ra tàu một chuyến nữa. Chúng tôi ra tới nơi khá nhanh. Nhưng trời đã về chiều, không còn thì giờ để làm một chuyến cho ra trò, chúng tôi đành vội vàng nhặt nhạnh những thứ dễ mang đi. Hai đứa nhỏ lùng khắp tàu. Thằng Ruýt-ly quay trở lại, đẩy ầm ầm một cái xe cút kít, sau này có thể dùng để tải khoai tây về Tổ chim ưng rất tiện lợi. Vừa lúc đó, tôi nghe tiếng Phrê-đê-rích gọi dồn. Thằng bé vừa gặp trong khoang sàn tàu một chiếc xuồng thật đẹp, loại xuồng mũi vuông, tháo ra từng mảng đầy đủ bộ sậu với hai khẩu đại bác cỡ nhỏ làm khí giới. Tôi bỏ tất cả, chạy lại xem cho chắc chắn. Quả nhiên tôi thấy một chồng những tấm gỗ đánh số hẳn hoi, đặt có thứ tự trên cái vỏ ngoài đã lắp xong, chẳng còn thiếu thứ gì cả. Tôi cảm thấy ngay là nếu có một chiếc xuống như thế thì lợi vô cùng. Nhưng làm thế nào đem nó về cho được? Chỉ việc dựng lại hoàn chỉnh cũng đã đòi hỏi bao công sức và thì giờ rồi! Lại còn hạ thủy nó nữa! Nhớ lại nỗi cực nhọc đổ ra để đóng chiếc thuyền chậu, tôi đành tạm dẹp việc đó lại, ít nhất cũng trong lúc này. Chúng tôi quay trở lại chuyển xuống thuyền một số đồ dùng nhà bếp, một cái nồi hơi lớn bằng đồng, những tấm sắt, dăm cái bàn xát thuốc lá, hai hòn đá mài, một thùng thuốc súng, một thùng đá kim hỏa. Tất nhiên Ruýt-ly không bỏ quên cái xe cút kít của nó; tôi cũng tìm thấy thêm hai cái xe nữa và đem về luôn. Chở đầy những "chiến lợi phẩm" mới, chúng tôi giương ngay buồm lên để trở về cho kịp trước khi gặp gió ngược từ trong đất liền thổi ra mỗi buổi chiều.
Tới gần nhà, tôi vui mừng thấy hai con chó trung thành sủa lên một hồi báo tin, và sau đó cả nhà chạy vội ra đón. Những thứ chúng tôi mang về đã kích thích óc tò mò làm mọi người vui vẻ xem xét rất kỹ. Cũng có vài câu chế giễu cái bàn xát thuốc lá, nhưng tôi đã có mục đích nên mặc ai cười cứ cười.
Vợ tôi chỉ cho tôi thấy một đống khoai tây và một đống củ sắn do bà và hai đứa trẻ đã bới về trong khi chúng tôi đi vắng. Tôi ngỏ lời ngợi khen ba mẹ con siêng năng. Trước khi đi ngủ, tôi dặn lũ trẻ:
- Sáng mai phải dậy thật sớm, các cậu ạ, tôi sẽ dạy cho các cậu một nghề mới.
- Ồ, nghề gì thế, bố ơi! - Chúng tranh nhau hỏi - Nghề gì thế?
- Đến mai sẽ biết, bây giờ thì cứ đi ngủ đã.
Sau một đêm ngủ ngon lành, trời vừa mờ sáng, vì nóng ruột, bọn trẻ đã vùng đậy, kể cả thằng Éc-nét vốn đã có thói dềnh dàng nổi tiếng trước đây.
- Bố ơi! Nghề gì mới thế? - Chúng gào ầm lên khi thấy tôi đã thức dậy.
- Nghề mới à? Rồi các con sẽ biết. Xuống đi, bố sẽ dạy cho.
Xong xuôi mọi việc vặt buổi sáng, lũ trẻ cứ lẽo đẽo bám theo tôi, nằng nặc đòi học nghề mới. Tôi bảo chúng:
- Nào, các thầy! Các thầy sẽ được học nghề làm bánh mì!
Chúng nó đứng ngớ cả người ra.
- Thế nào? Làm bánh mì? - Vợ tôi ngạc nhiên hỏi, bởi vì tôi cũng chưa nói gì cho bà biết trước - Này, ông ơi! Lấy đâu ra lò để nướng bánh, ra cối xay để xay bột? Và trước hết thì lúa mì của ông đâu?
- Tất cả những thứ đó đều sẽ có hết - Tôi trả lời - Bây giờ thì xin cứ bình tĩnh. Nhờ bà khâu cho chúng tôi hai cái bao tải hạng nhỡ bằng vải buồm, rồi cứ mặc tôi lo liệu tất cả.
Vợ tôi nghe theo lời tôi nhưng trước khi bắt tay vào may bao tải, bà ấy còn lấy nồi bỏ đầy khoai tây bắc lên bếp luộc, tỏ ra chưa có ý tin vào lời tôi hứa. Trong lúc đó, tôi bảo lũ trẻ đem ra tất cả những củ sắn đã rửa và bóc sạch vỏ ngoài. Tôi trải trên mặt đất một tấm vải lớn rồi chia cho mỗi đứa một cái bàn xát thuốc lá đã chùi rửa sạch sẽ và một mớ củ sắn. Tôi bắt tay vào việc và theo tôi, tất cả đều xát sắn. Trong chốc lát, trước mặt mỗi người đã có một đồng mùn trắng và ẩm ướt, nhìn chẳng có vẻ gì ngon lành, nhưng công việc cũng hợp với bọn trẻ cho nên chúng làm việc hăng say lắm.
Xát hết chỗ củ sắn, tôi bỏ đầy mùn vào hai cái bao tải vừa may xong và lèn thật chặt. Thế là nước nhựa sắn bắt đầu chảy ra tứ phía. Nhưng chưa đủ! Tôi lại làm một thứ bàn ép tạm thời để ép mạnh hơn nữa cho thật kiệt nước nhựa sắn đã xuyên qua các lỗ hở ở bao tải mà chảy xuống dòng dòng tứ phía. Coi chừng đã được rồi, tôi dọn cái máy ép thô sơ ấy lại, lấy chiếc bao tải, mở ra bốc một nắm sắn còn ẩm, trông giống như bột ngô giã dối.
- Đây này, khá không? - Tôi nói với cả nhà, mừng rỡ vì kết quả thu được - Bây giờ đã có bột đây rồi, hãy tải nó lên một tấm vải sạch phơi cho rút nước và khô hẳn. Sau đó, ta sẽ làm một thứ bánh khô, hình thức và hương vị không giống hẳn bột mì, nhưng ngon và bổ không kém. Tôi sẽ đắp thêm cái lò nữa.
Tôi cho đốt nhiều bếp lửa và đặt lên trên mỗi bếp nhưng tấm tôn đưa từ tàu về. Khi những tấm tôn đã đủ nóng, tôi lấy bột sắn rải lên trên cho nó thật khô ráo. Bột đóng thành mảng khá chắc và khô đều vì được trang trở luôn.
Trong bữa ăn, câu chuyện xoay quanh củ sắn và mọi cách chế biến bột sắn. Cơm nước xong, tôi cũng muốn cho lũ trẻ được hưởng cái thú làm bánh sắn để ăn. Lại đốt lửa, nung nóng những tấm tôn lên. Trong khi đó, tôi cho giã nhỏ những tấm bột sắn rồi hòa bột với một chút sữa cho dẻo. Mọi người hăm hở bắt tay vào việc. Mỗi người cầm một gáo dừa đầy bột sắn đã nhào với sữa và dùng thìa múc một ít bột ấy đổ lên tấm tôn nóng. Khi đám bột đã nở và khô vàng, tôi lấy cái nĩa trở nó lên như là trở bánh rán mỡ. Chỉ một lát sau chúng tôi đã nướng được khá nhiều bánh khô chín vàng, hương vị thơm tho và trông rất ngon lành, quả là tiệc lớn cho cả nhà! Chúng tôi kết luận rằng từ nay trở đi, sẽ rất chú ý trồng sắn để có thêm một thứ lương ăn vừa ngon vừa bổ như hôm nay.