Chương 9-10

    
ấy ngày liền mẹ không về nhà và chỉ gọi cho anh em tôi đúng một lần. Mặc dù mẹ chẳng nói gì, nhưng tôi với Ning cũng có thể đoán ra là mẹ đang ở với một người đàn ông tên là Amorn. Tôi chưa từng trách mẹ. Nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm về chuyện này, người ấy ắt hẳn là bố. Nhưng dẫu vậy, sự việc vẫn khiến tôi mất lòng tin ở mẹ, ở cả khả năng phân biệt phải trái đúng sai của chính tôi, và tồi hơn cả, tôi mất lòng tin vào bản thân mình.
Tôi vẫn có thể mường tượng ra dáng mẹ ngồi đó gà gật đợi bố suốt đêm, và nếu Ning có vô tình về muộn thì lập tức bà phạt con bé thật nặng mà không nghe bất cứ lời biện giải nào của nó.
Không có tâm trạng tới trường, tôi bỏ học nhiều hơn, giả chứ kí của mẹ trên giấy báo ốm. Nhiều lần tôi đeo cặp, leo lên xe buýt đi một mạch tới bến cuối, để rồi lại đi ngược trở về, như con chuột thí nghiệm mê mải chạy vòng quanh trong mê cung.
Tôi bắt đầu biết đến cần sa - Chai là đứa dẫn dắt tôi và Porm đến với thứ ma túy ấy vào một tối. Chúng tôi bắt xe buýt từ trường đi qua cầu Sang Hee tới Bang Phlat, rồi đi bộ sâu vào một nông trường. Căn nhà mà chúng tôi đến để thử cỏ nằm giữa một nông trường trồng roi. Chúng tôi phải nhảy qua những rãnh nước. Porm bị nhảy hụt một lần và ngã xuống nước. Đến lúc chúng tôi lôi được nó ra, người nó lấm bùn tới mức nó phải cởi quần áo ra giặt.
Đến giờ tôi vẫn còn thấy hình ảnh cô bạn gái, quấn một tấm vải kẻ ca rô và bơi trong chiếc áo đồng phục trắng rộng thùng thình của tôi, vừa ngồi hút cỏ vừa cười khúc khích như bị cù.
“Quân đội bảo vệ nước Thái ta
Quân địch là ai ta cũng chẳng nề hà
Đây dòng máu ta nguyện lòng đổ xuống…”
Khi Chai phê thuốc, nó đứng bật dậy, thẳng tưng như cây sào, hát vang một hành khúc, còn tôi, Porm và những đứa khác ngồi quây thành vòng tròn vỗ tay và giậm chân đánh nhịp.
“Quốc gia - Phẩm giá - Kỷ luật - Can đảm...” Chai gào khản cổ và giơ tay chào, nhưng rồi nó ngã đập ngực xuống sàn rên rỉ: “Nhưng giờ mình què rồi. Không làm lính được nữa. Không ai cần một thằng lính què cả...”
“Này, làm kỵ binh được không?” Porm cười hí hí. “Khi cậu cưỡi ngựa, chẳng kẻ nào biết cậu què đâu.”
“Béo này, mình muốn trở thành người lính. Mình thương mẹ lắm. Mẹ muốn mình trở thành một người lính...” Chai lao vào ôm tôi thật chặt và khóc thút thít như một đứa con nít.
“Đừng trầm trọng thế, ông bạn, còn khối việc cho cậu làm,” tôi an ủi nó. “Hút thêm ít nữa đi.”
Chẳng phải chỉ có Chai: chính tôi cũng lên chín tầng mây sau tăng thứ hai. Sau này Porm kể lại rằng tôi đã trèo lên bậu cửa sổ, ngồi đó thút thít và định lao từ tầng hai xuống sân xi măng bên dưới và bọn nó phải vật lộn mãi mới kéo được tôi vào. Tôi cũng không nhớ rõ lắm. Hình như lúc đó tôi tưởng tượng mình là một tờ giấy trắng và muốn bay ra ngoài, tự gấp thành một cái máy bay, một con thuyền nhỏ hay cái thủ lợn, nhưng hi tôi nhận ra mình không phải tờ giấy, lại càng không phải tờ giấy trắng, tôi liền thấy mình tội nghiệp quá chừng và liền bật khóc.
Ngay khi tỉnh lại, khói cần sa khiến họng chúng tôi bỏng rát còn mùi mồ hôi thì khiến người ta phát buồn nôn. Tôi đến ngôi nhà đó khoảng hai ba lần, rồi thôi, sợ có ngày mình sẽ lao ra khỏi cửa sổ thật. Porm cũng không đến nữa, thế là chỉ còn Chai vẫn tới đó thường xuyên. Và tôi thật sự tin rằng cần sa đã thay đổi nó quá nhiều. Sau này, nó không những không trở thành người lính như ước nguyện, mà cũng chẳng bao giờ làm cái gì ra hồn.
Mặc dù bố ít khi đến thăm chúng tôi, ông cũng sớm biết chuyện mẹ và bác Amorn.
Một tối thứ Sáu, khi về tới nhà, tôi bắt gặp bố mẹ đang ầm ĩ về chuyện đó.
“Cô có nhận ra mình đã làm gì không?” Giọng bố căng như dây đàn, cố kiềm chế cảm xúc. “Dù cô không quan tâm đến bản thân mình thì ít nhất cô cũng nên nghĩ tới bọn trẻ.”
“Tôi thì có cái gì để mà quan tâm chứ?” Giọng mẹ run rẩy. “Chồng tồi à? Lão còn mải bận với người tình. Lão bỏ tôi lại đây làm nô lệ cho con cái, và anh tưởng lão sẽ có chút thông cảm chắc?”
“Đừng có lôi bọn trẻ vào chuyện này,” bố vặc lại. “Nếu cô không nuôi được hai đứa, tôi sẽ rất vui lòng được nuôi chúng. Đừng quên chính cô là người sống chết giành lấy chúng.”
“À thế hả? Tôi mà để Nat và Ning cho anh, thì một là chết đói, hai là thành lũ hư hỏng ngay. Ít nhất tôi không có ai sai bảo chúng ở đây.”
“Chuyện này cũng không dính gì đến cô ấy!” Bố đanh giọng.
“Dĩ nhiên là có! Con đó là đứa phá nát cái nhà này.”
“Cô đừng bắt đầu tua lại cái bài ấy nữa đi.” Bố thở dài. “Cô định tính sao với người đàn ông đó?”
Mẹ bối rối. Mọi chuyện có lẽ xảy ra quá chóng vánh đối với mẹ.
Bố im lặng một lúc, rồi chậm rãi nói: “Nếu cô định sống với anh ta, vậy thì ký giấy li hôn đi, rồi cô có thể cưới anh ta, thế thôi.”
“Tất nhiên là anh chỉ chờ có thế thôi mà...” Giọng mẹ khinh bỉ. “Cho con điếm đó danh phận đầy đủ.”
“Này, thực tình...” Bố thở hắt ra nặng nhọc. “Chuyện này không hề liên quan tí gì đến Waeo cả. Điều tôi muốn nói là cô hãy nghĩ cho bọn trẻ.”
“Anh còn dám lấy con cái ra làm bình phong!” mẹ cao giọng. “Sao anh cứ phải bảo vệ cái con đó? Nó thì có gì chúa thế?”
“Có thể cô ấy chẳng tuyệt vời gì, nhưng cô ấy có rất nhiều thứ mà cô không có,” bố gay gắt. “Cô ấy không bao giờ chửi mắng tôi.”
“Anh…” Mẹ bật dậy, người bà run rẩy, rồi bà lao tới chiếc bình gốm đặt trên đôn bên cửa sổ mà ném xuống đất. Mảnh vỡ tung tóe khắp nơi. Mẹ ngập ngừng quay lại, cơn phẫn nộ vẫn chưa nguôi, liền túm lấy cây vĩ cầm tôi để trên ghế mây mà siết chặt.
“Mẹ ơi, đừng!” tôi hét lên lao về phía mẹ.
“Tránh ra, Nat!” Mẹ gào lên.
Bố bước đến đối mặt mẹ, tôi đứng đó, giữa hai người. Tôi nghe thấy tiếng bố mẹ thở mạnh, nhìn thấy đau đớn và thống khổ rực cháy trong mắt họ.
Mẹ giơ cao cây đàn. Bà siết chặt cần đàn đến nỗi cánh tay bà run lên thấy rõ. Bố vẫn đứng chôn chân xuống đất, miệng mím chặt. Mẹ trừng mắt nhìn bố một lần nữa rồi quay người dùng tất cả sức lực giáng cây vĩ cầm vào góc tủ kính. Những mảnh đàn vỡ vương vãi khắp nơi. Mẹ lại quay về phía bố và, ngay trước đôi mắt không tin nổi của tôi, quật những gì còn lại của cây đàn ngang mặt bố. Máu đỏ sậm lập tức ộc ra từ vết thương. Mẹ lúc này sợ đến mất hết thần sắc, thả rơi cây đàn, chực lao tới chỗ bố, nhưng rồi vội vã quay lưng lại ngồi sụp xuống ghế mây bưng mặt khóc mà không quay lại nhìn bố lấy một lần.
Tôi chậm chạp khuỵu xuống sàn. Khắp xung quanh tôi là những mảnh đàn vỡ. Tôi không biết chuyện gì vừa xảy ra ở đây hay đầu óc mình đang nghĩ gì, nhưng có một thứ đã tan nát không bao giờ còn có thể hàn gắn lại.
Bố đứng trơ ra như tượng, rồi từ từ quay lại nhìn tôi. Chỉ còn đau đớn sâu sắc và tuyệt vọng trong đôi mắt ấy. “Bố sẽ mua cho con cái mới.” Giọng bố nghe như trôi từ nơi nào xa xôi.
“Không cần,” tôi làm bầm cúi đầu để che dòng lệ đang dâng lên. “Con không cần cái nào khác.”
“Nat...” Bố bước tới chỗ tôi siết chặt vai tôi cố an ủi.
“Nat...” mẹ nói mà không nhìn cả bố lẫn tôi. “Thu dọn những gì mày cần rồi đến ở với bố mày...” Giọng mẹ lạc đi như đang cố nén tiếng khóc, rồi dịu lại: “... một thời gian.”
“Mẹ,” tôi gọi, nhưng mẹ không nói thêm gì cả.
Tôi hất tay bố ra rồi chạy khỏi phòng.
Chúng tôi đến nhà bố lúc gần mười giờ đêm. Waeo trông có vẻ rất hào hứng với sự xuất hiện của tôi trong nhà. Cô lập tức biến phòng kho bên cạnh cầu thang thành phòng ngủ cho tôi, đầy đủ giường gấp, chăn màn.
“Cháu có thích ăn giá không?” cô hỏi trong lúc đẩy một cái tủ con vào góc phòng ngủ. “Cô sẽ xào ít giá và nấu canh đậu phụ cho cháu nhé. Tối nay cho cô để ít đồ của cô ở lại đây được không? Mai cô sẽ dọn tủ này để cháu dùng. Ning có đến không? Nếu con bé cũng đến thì tốt quá, nó sẽ bầu bạn với cháu, nhưng cô sẽ cho con bé ở phòng này và sắp xếp phòng mới cho cháu.”
“Cháu ở đâu cũng được,” tôi uể oải nói. “Cháu không đói. Cháu muốn ngủ.”
“Thế à?” Waeo ngừng kê dọn và liếc nhanh tôi. “Thế cô sẽ đi lấy cho cháu một cốc Ovaltine để đêm cháu không bị đói.”
“Cảm ơn cô.” Tôi đến bên giường, ngồi xuống nhìn ra ngoài cửa sổ - ô cửa sổ duy nhất trong phòng - ra điều rằng tôi sẽ không nói thêm câu nào nữa.
Waeo gật đầu hiểu ý. Cô gượng cười rồi yên lặng ra khỏi căn phòng, để tôi một mình đám chìm trong sầu muộn và nhưng suy nghĩ rối ren.
Nghĩ ngợi quá nhiều và khó ngủ khiến sáng hôm sau tôi tỉnh dậy thấy đầu đau như búa bổ và cơ thể rã rời. Tôi gượng rời khỏi giường, tắm rửa, thay đồ rồi lục tìm những quyển tạp chí cũ của bố để giết thời gian trong khi đợi bố và Waeo, nhưng chẳng chữ nào lọt vào đầu. Tôi nghĩ về mẹ và Ning. Họ đang làm gì giờ này? Ning đã dậy chưa hay còn ngủ nướng? Mẹ đã thôi khóc chưa? Không biết chừng mẹ đang ngồi cười hỉ hả với người đàn ông đó...
Bố không nhắc đến chuyện xảy ra tối qua. Ông băng quanh mặt nhưng trông khá hơn nhiều rồi. “Sáng nay con có đi đâu không?” bố vừa nhấp cà phê vừa hỏi tôi.
“Chắc con đi gặp bạn,” tôi lầm bầm.
“Ừ, được rồi.” Bố gật gù. “Đừng có về muộn quá là được. Ban đêm chỗ này vắng lắm. Con đủ tiền tiêu chưa?”
“Con đủ rồi.” Tôi phết bơ lên bánh mì.
“Tốt.” Bố im lặng một lúc, rồi quay sang Waeo. “Em chăm sóc nó nhé. Nat, nếu con cần gì, cứ bảo với Waeo. Bố đã bảo cô ấy cho con tiền tiêu vặt và trả cho tất cả những gì con cần.”
Tôi liếc trộm Waeo nhưng cô vờ như không liên quan gì đến cuộc hội thoại của chúng tôi.
“Bố đi nghỉ chút đây,” bố nói rồi lùi ghế ra đứng dậy. “Nếu con rỗi thì đi thăm cả Ning nữa.”
“Vâng,” tôi nói khẽ và nhìn theo dáng lưng bố khuất dần vào phòng ngủ.
“Cháu đi được rồi đấy. Không phải lo dọn dẹp đâu. Để đấy cô làm.” Waeo cười bảo tôi.
Tôi đẩy cốc Ovaltine qua bên rồi đứng dậy. Dù tôi cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng tôi nghĩ mình nên đi đâu đó hơn là cô độc một mình ở ngôi nhà này.

Chương 10
ôi gọi về nhà, nhưng không ai nghe máy. Tôi muốn đi gặp Chai hoặc Porm nhưng lại không muốn lên xe buýt. Cuối cùng, tôi quyết định đến nhà Eik ở Sarm Yarn. Nhà Eik ở trước chợ, một cửa hàng đứng lẻ loi một mình bán đồ tạp hóa. Hàng chồng xô và những thứ đồ nhựa khác chất đống ra cả vỉa hè.
Eik mặc độc chiếc quần đùi đang bận bán hàng. “Gì thế này?” Nó ngạc nhiên khi thấy tôi. “Đợi chút! Để mình bán nốt cái này đã. Bố ơi, mình còn túi ni lông to không nhỉ?” Eik quay về phía trong nhà mà hét.
“Hết rồi. Chỉ còn loại nhỡ thôi,” bố nó vừa ho vừa đáp. “Đạp xe ra Sampheing lấy một ít về đi, à, nhớ mua thêm cả bảng xổ số để bán cho bọn trẻ con nữa đấy.”
Tôi lặng thinh ngồi lên một cái thùng các tông xem Eik bán hàng.
“Có chuyện gì à?” Eik quay ra hỏi tôi, quyệt mồ hôi trên mặt.
“Chẳng gì cả.” Tôi định nói thêm, nhưng rồi lại lắc đầu. “Thôi mình đi đây. Thứ Hai gặp nhé.”
“Này, đợi đã!” Eik gọi với, nhưng tôi vờ không nghe thấy và nhanh chóng biến mất vào đám đông.
Tôi lang thang một lúc lâu, cảm thấy cô độc và bơ vơ khôn tả. Tôi chỉ biết là tôi cần ai đó để nói chuyện. Đột nhiên, tôi nghĩ về Jom. Chị lúc nào cũng khiến tôi cảm thấy ấm áp và vui vẻ mỗi khi ở bên. Chúng tôi có thể nói với nhau về hầu hết mọi chuyện và hiểu nhau kể cả những lúc chẳng ai nói câu nào.
Tôi lục ví tìm mẩu giấy ghi số điện thoại của Jom, ngần ngừ một lúc mới nhét đồng xu vào điện thoại công cộng. Người giúp việc trẻ tuổi nghe điện bảo tôi giữ máy, và mấy giây sau bên tai tôi vang lên giọng nói trong trẻo quen thuộc.
“Jom à, là em, Béo đây,” tôi nói vào ống nghe, cảm thấy giọng mình có phần xa lạ với chính tai mình.
“Chào, Béo!” Giọng nói từ đầu dây bên kia có vẻ phấn khởi. “Chị vừa mới nghĩ đến cậu xong. Chị vừa mới mua băng mới nhất của Jim Croce đấy.”
“‘Chai thời gian’ à?” tôi thì thầm hỏi.
“Ừ,” chị đáp, “và cả những bài khác nữa. Chị đảm bảo là bài nào cậu cũng sẽ mê. Cậu đang ở đâu đấy? Đến đây nghe nhạc đi? Cậu có biết đường đến nhà chị không?”
“Cũng được.” Tôi bóp gáy cho đỡ cơn đau đầu vừa trỗi dậy. “Chỉ đường cho em đi.”
“Không đơn giản vậy đâu. Cậu cứ đợi ở đấy đi.” Jom cười. “Chị kêu chú Maen đến đón cậu. Chị không muốn phải báo với cảnh sát là có trẻ lạc đâu.”
Nhà Jom ở tận vùng Yarnnarwa và quả là khó tìm nếu không có ai giúp, bởi nó nằm trong cả một mê cung những con đường nhỏ. Nhưng ngay khi chiếc xe đi qua cổng, tôi thấy mình đang ở trong một công viên xanh mát dễ chịu. Một con đường sạch sẽ, rải sỏi trắng cắt ngang qua một bãi cỏ xanh rì tươi tốt, hai bên đường cơ man là những loài cây cảnh thẳng hàng ngay lối, dẫn tới một dinh thự lớn ở vị trí tuyệt đẹp, nơi mà những thoải bao quanh phủ đầy những bụi hồng muôn sắc thi nhau đua nở.
Jom đang đợi tôi trước tòa nhà. Chị bận quần bò tím và áo sơ mi hồng nhạt mềm mại, một hình ảnh mới mẻ với tôi vì tôi quen nhìn chị mặc đồng phục. Ăn vận như thế này, trông chị giống một người con gái đã trưởng thành.
“Ăn trưa chưa?” Jom hỏi ngay khi tôi bước xuống xe.
“Kệ em.” Tôi đến bên chị. “Đừng lo chuyện đó.”
“Nghe cậu ta xem!” Jom chống nạnh nhìn tôi ngờ vực. “Đừng có làm khó tôi với mấy câu trả lời nhạt như nước ốc ấy. Nào, đi ăn trưa thôi. Bố mẹ tôi đang đợi.”
Không thèm nghe tôi nói, chị cứ đi, dẫn tôi vào nhà thẳng tiến tới phòng ăn. Bố mẹ chị đang đợi bên bàn. Tôi vẫn thường thấy ảnh bố của Jom trên báo nhưng bây giờ thấy ông bằng xương bằng thịt ngoài đời, tôi có cảm giác ông trẻ và gầy hơn trong ảnh. Mẹ Jom thì trông mỏng manh và tốt bụng.
“Đây là Béo. Con đã kể với bố mẹ rồi đấy.” Jom giới thiệu tôi.
“Cháu chào hai bác ạ.” Tôi lần lượt cúi chào từng người.
“Cháu cứ tự nhiên nhé.” Bố Jom chào lại tôi và đẩy chiếc ghế bên cạnh ông về phía tôi. “Ngồi đây nào. Cùng ăn trưa với nhà bác.”
“Jom hay kể về cháu lắm.” Mẹ Jom lên tiếng, giọng bà thật dịu dàng. “Trông cháu mập mạp hơn là bác tưởng.”
“Béo ăn tốt lắm ạ.” Jom đặt thìa xuống và lại líu lo. “Vậy nên cậu ta mới béo quay thế này.”
“Con nói thế làm sao cậu ấy còn ăn được nữa.” Mẹ Jom khẽ bật cười.
“Không phải đâu ạ.” Jom nói. “Càng xấu hổ, Béo càng ăn nhiều. Để đỡ ngượng ấy ạ.”
“Thôi nào.” Bố Jom xua tay. “Đàn ông mập mạp cũng tốt, nhưng nên tập tành một chút, nếu không khi về già sẽ xấu xí như bác đây.”
“Bố mà xấu ấy hả?” Jom kêu lên. “Mẹ, mẹ có nghĩ là bố xấu không?”
“Làm sao mẹ biết được? Lâu lắm rồi mẹ không có buồn nhìn bố con đâu,” mẹ Jom tủm tỉm đáp, ánh mắt họ gặp nhau. Tôi đọc thấy tình yêu và cả sự sùng kính trong mắt bà.
“Muốn đọc sách không?” Jom chỉ tay vào cái giá sách đầy ắp sừng sững ở góc phòng khách.
Tôi bước tới đó. “Nhiều truyện cổ tích thế.” Tôi rút ra một quyển. “Chị làm gì có em gái nhỉ?”
“Của chị hết đấy!” Jom cười. “Chị thấy truyện cổ tích rất vui và ngây thơ kỳ lạ.”
Tôi gật gù rồi đặt quyển sách lại chỗ cũ.
“Cậu muốn xem ti vi hay nghe nhạc?” Jom ngồi bệt xuống thảm, nhìn tôi dò hỏi.
“Không phải chị bảo em là muốn nghe ‘Chai thời gian’ sao?” tôi nhắc.
“Ừ nhỉ.” Jom đứng dậy bước đến bên đài. “Lâu rồi chúng mình không cùng ra quán cóc, Béo nhỉ.”
“Ồ, chị vẫn còn nhớ cơ đấy?” Tôi hờn dỗi.
“Sao cậu lại nghĩ là chị có thể quên được nhỉ?” Jom đáp và ấn nút “Start”.
Tôi lặng thinh đưa mắt qua ô kính cửa sổ nhìn ra những khóm hoa bên ngoài.
“Một thời hai ta đã từng yêu
Nhưng vì đâu vật đổi sao dời
Giờ chỉ còn là những kẻ đơn côi
Cố quên đi tên nhau mà thôi.”
“Bài ‘Những giấc mơ này’,” Jom bảo tôi.
Tôi gật đầu, nỗi cô độc dâng trong lòng.
“Điều gì đã cách ngăn hai ta
Anh và em còn quá trẻ để nhận ra
Cảm giác ấy đôi khi còn nguyên trong lòng
Thảng hoặc trong những đêm mơ mòng
Anh vẫn hằng nghe tiếng em gọi tên
Ư hư hư những giấc mơ này
Giúp anh đi qua bao ngày nay
Một thời hai ta đã từng yêu
Nhưng tháng năm ấy đã xa xôi phương nào
Một thời chúng ta cùng chung sống
Giờ gặp nhau quên cả một câu chào.”
“Buồn quá nhỉ?” Jom lẩm bẩm. “Chị không nghĩ là những người yêu nhau lại có thể đến kết cục ấy. Chị mà có người yêu, chị sẽ không bao giờ để chuyện ấy xảy ra.”
“Nhiều người cũng nghĩ như thế.” Tôi nhìn chị. “Nhưng ai biết được chính xác chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.”
Tôi nghĩ về cuộc ẩu đả của bố mẹ tối hôm qua và niềm vui cùng tiếng cười thời thơ ấu khi tôi còn có cả bố và mẹ bên mình.
“Nghe cậu kìa, cậu nói cứ như đã trải qua hết rồi vậy.” Jom chọc, mặt thoáng nét mỉa mai. “Thứ Ba, sau giờ học đàn, mình lại ra quán cóc nhé?”
“Em không đi tập đàn nữa,” tôi đáp, giọng thoảng như hơi gió.
“Hả?” chị kêu lên kinh ngạc. “Sao lại không?”
“Chả biết.” Tôi cúi đầu tránh ánh mắt chị. “Do chán thôi.”
“Có chuyện gì phải không?” Jom gặng hỏi. “Kể chị nghe đi?”
“Chẳng có gì cả.” Tôi lắc đầu. Hình ảnh mẹ đập cây vĩ cầm vào tủ kính rồi quay lại quật phần còn lại của cây đàn vào mặt bố không sao biến khỏi tâm trí tôi.
“Thôi được rồi.” Jom thở dài vặn nhỏ tiếng nhạc. “Thế thứ Hai đi vậy, nhé.”
Tôi cố ép mình gật đầu và lại nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ.
Khi tôi về nhà tối hôm đó, Waeo vẫn chưa đi ngủ.
“Cháu ăn tối chưa?” Cô bỏ cuốn sách đang đọc xuống, ra tủ lạnh lấy một chai nước đưa cho tôi. “Thức ăn ở trên bàn đấy cháu.”
“Bố cháu đâu ạ?” tôi vừa hỏi vừa ngồi xuống rót nước.
“Ông ấy ra ngoài rồi.” Waeo trở lại ngồi trên chiếc ghế dài ở góc phòng dưới ánh sáng của ngọn đèn bàn cũ. “Bạn của ông ấy tới chơi và hai người cùng ra ngoài từ chiều rồi.”
Tôi gật đầu đứng dậy.
“Cháu muốn đọc sách không?” Waeo hỏi, đoạn đưa tôi hai cuốn sách.
Tôi nhận lấy xem lướt qua. Chúng đều là truyện dịch, một là của Chekov, cuốn kia, tôi nghĩ, của Mishima.
“Thôi ạ.” Tôi trả lại cô hai cuốn sách. “Cháu buồn ngủ rồi.”
“Vậy cháu đi nghỉ đi. Tắt giùm cô cái đèn nhé.”
Tôi tắt đèn rồi bước về phòng mình, không nén lòng được bèn liếc nhìn Waeo. Cô ngồi khom lưng ở mép ghế, đầu cúi xuống, mắt chăm chú hướng vào cuốn sách đang cầm trên tay dưới chiếc đèn bàn mà ánh sáng yếu ớt bị vây bọc trong bóng tối và tĩnh mịch.
Tôi uể oải đóng cửa khóa mình trong bóng tối của một căn phòng khác.