Chương 8

    
ÔI LÁI CON XE Cadillac của mẹ dọc theo đại lộ Gessum. Phía trước, một thằng bé da màu còi dí mặc quần yếm nhìn tôi trân trối, mắt mở to, tay nó siết chặt lấy trái bóng mu đỏ. Tôi liếc gương chiếu hậu. Aibileen vẫn ngồi trên bậc cửa trong bộ đồng phục màu trắng. Lúc nói câu Không được đâu, thưa cô, bác ấy còn chẳng thèm nhìn tôi. Mắt bác ấy chỉ dán vào mảng cỏ vàng khè dưới sân nhà
Tôi cứ nghĩ rằng chuyến đi của mình sẽ giống những lúc đến chơi nhà Constantine hồi xưa, được thấy những người da màu thân thiện vẫy tay chào, miệng luôn nở nụ cười nồng hậu với đứa bé gái da trắng có ông bố là chủ một trang trại lớn. Nhưng ở đây, chỉ có những đôi mắt nheo nheo nhìn tôi dò xét. Khi chiếc xe tiến lại gần, thằng bé lập tức cắm đầu chạy biến đi rồi nấp sau một ngôi nhà cách nhà Aibileen mấy căn. Chừng năm, sáu người da màu đứng túm tụm ở mảnh sân trước nhà, tay cầm khay, tay xách túi. Tôi day day thái dương, cố nghĩ xem còn cách nào khác để thuyết phục Aibileen không.
MỘt tuẦn trưỚc, Pascagoula gõ cửa phòng tôi.
“Cô Skeeter ơi, cô có một cuộc điện thoại đường dài đấy. Của bà... Stern nào đó, bà ấy nói thế?”
“Stern á?” Tôi buột miệng nói thành tiếng và đột nhiên giật bắn mình. “Hay là... Stein?”
“Tôi... tôi nghĩ có khi là Stein thật. Giọng bà ấy khó nghe lắm ạ.”
Tôi vội len qua Pascagoula, chạy bổ xuống cầu thang. Vì một lý do ngớ ngẩn nào đó, tôi cứ đưa tay lên vuốt mãi mớ tóc bù xù, làm như đó là một buổi gặp mặt chứ không phải một cuộc điện thoại vậy. Vào đến bếp, tôi vồ lấy chiếc ống nghe đang treo lủng lẳng trên tường.
Ba tuần trước, tôi đã gửi đi một lá thư đánh máy trên nền giấy Strathmore trắng tinh. Những ba trang liền phác thảo sơ qua ý tưởng của tôi, các chi tiết liên quan, và cả lời nói dối. Rằng một bà giúp việc da màu đáng kính, hay lam hay làm, đã đồng ý cho tôi phỏng vấn và hứa sẽ tường thuật tỉ mỉ mọi điều mắt thấy tai nghe khi giúp việc cho phụ nữ da trắng ở vùng này. Nếu đem so với thực tế, rằng tôi mới chỉ tính cách nhờ một phụ nữ da màu giúp mình, thì việc khẳng định bà ta đã chấp thuận lời đề nghị nghe có vẻ thuyết phục hơn gấp vạn lần.
Tôi kéo ống nghe vào kho chứa thức ăn, giật công tắc bật chiếc bóng đèn duy nhất lên. Bốn phía kê những chiếc tủ chạn cao chạm trần xếp đầy các lọ dưa muối, súp, đường mật, rau quả, và đồ khô. Hồi còn học trung học tôi vẫn dùng mẹo này để tìm cho mình chút không gian riêng tư. “Xin chào? Eugenia nghe đây.”
“Xin giữ máy, tôi sẽ nối máy cho cô ngay đây.” Tôi nghe thấy một loạt tiếng bấm phím, rồi một giọng nói xa xăm, khàn như tiếng đàn ông c“Elaine Stein nghe.”
“Chào chị? Tôi là Skeet... Eugenia Phelan ở Mississippi đây ạ?”
“Cô Phelan, tôi biết rồi. Chính tôi gọi cho cô mà.” Tôi nghe tiếng bật diêm, tiếng rít thuốc ngắn, đanh. “Tôi vừa nhận được thư của cô tuần trước. Tôi có vài nhận xét.”
“Vâng.” Tôi ngồi thụp xuống chiếc hộp thiếc đựng bột mý King Biscuit. Tai tôi căng ra nghe từng lời bà ta nói, tim đập thình thịch. Âm thanh của cuộc gọi từ New York nghe lạo xạo như nó vốn phải thế sau khi đã băng qua hàng ngàn dặm đường.
“Từ đâu mà cô có được ý tưởng này? Phồng vấn những người giúp việc trong vùng ấy. Tôi rất tò mò.”
Tôi ngồi xuội đơ mất một giây. Bà ta không chào hỏi, không tán gẫu, cũng chẳng giới thiệu về bản thân mình, dù chỉ một câu. Tôi nhận ra rằng tốt nhất cứ trả lời câu hỏi của bà ta. “Tôi... ừm, tôi được một phụ nữ da màu nuôi từ bé. Tới đã thấy hết mối quan hệ vừa giản đơn vừa... vừa phức tạp giữa nhà chủ và người giúp việc.” Tôi hắng giọng. Tiếng tôi khô khốc, như đang trả bài cho cô giáo.
“Tiếp đi.”
“Thế nên,” tôi hít một hơi thật sâu, “tôi muốn viết để bày tỏ quan điểm của người giúp việc. Tức là những phụ nữ da màu sống ở đây.” Tôi cô hình dung ra khuôn mặt của Constantine, Aibileen. “Họ nuôi một đứa trẻ da trắng khôn lớn, và hai mươi năm sau, đứa trẻ trở thành ông bà chủ. Chẳng phải trớ trêu lắm sao, khi chúng tôi yêu họ và họ cũng yêu chúng tôi, vậy mà...” Tôi nuốt nước bọt, giọng run run. “Chúng tôi còn không cho phép họ dùng phòng vệ sinh trong nhà mình.”
Lại im lặng.
“Và,” tôi đành nói tiếp, “ai cũng biết người da trắng chúng ta nghĩ gì, ta có nhân vật bà vú Mammy tuyệt vời, người đã dành trọn cả cuộc đời mình hầu hạ nhà chủ da trắng. Margaret Mitchell đã khắc họa được khía cạnh đó. Song chưa có một ai hỏi Mammy xem bà ta nghĩ gì.” Mồ hôi chảy ròng ròng xuống ngực tôi, nhuộm ướt cả mặt trước áo sơ mi.
“Thế nên cô muốn hé mở một khía cạnh trước nay chưa từng được khai phá phải không,” bà Stein nói.
“Vâng. Vì chưa một ai từng đề cập đến chuyện đó. Không có một người nào ở đây dám đả động tí gì.”
Elaine Stein cười khùng khục. Tông giọng bà ta gằn, rất đậm chất Yankee. “Thưa cô Phelan, chính tôi đã từng sống ở Atlanta. Sáu năm trời, với ông chồng đầu tiên.”
Tôi vội vồ lấy mối dây liên hệ mỏng mảnh ấy. “Vậy... chắc chị cũng hiểu tình hình dưới này.”
“Đủ để buộc tôi phải bỏ xứ mà đi,” bà ta nói, tôi lại nghe thấy tiếng bà ta nhả một hơi thuốc khác. “Tôi đã đọc bản phác thảo của cô rồi. Đúng là rất... độc đáo, nhưng không thực tế. Nếu đầu óc còn bình thường, liệu có người giúp việc nào chịu nói thật với cô không?”
Tôi nhác thấy đôi dép hồng của mẹ lướt qua cửa. Tôi cố lờ đi. Không thể tin nổi, mới thế mà bà Stein đã bắt thớp được trò dối trá của tôi rồi. “Đối tượng đầu tiên đang... rất sốt sắng bộc bạch tâm sự của bà ta.”
“Cô Phelan,” bà Elaine Stein nói, và tôi biết, đó không phải là một câu hỏi, “có thực người phụ nữ da màu này đồng ý kể lể với cô một cách hoàn toàn vô tư không? Về việc làm công cho một gia đình da trắng? Vì xem ra đó là một hành động quá ư liều lĩnh, nhất là ở một nơi như Jackson, Mississippi.”
Tôi chớp mắt liên hồi. Tôi bắt đầu nhận thấy những tia lo lắng mơ hồ, có lẽ Aibileen không dễ thuyết phục như tôi tưởng. Thêm nữa, tôi cũng chẳng có chút ý niệm gì về những điều bác ấy sẽ nói với tôi trước cửa nhà vào tuần sau đó.
“Tôi đã xem bản tin, thấy họ đang cố gắng nhập hai bến xe buýt làm một,” bà Stein tiếp. “Họ nhồi tới năm nhăm người da màu vào một cái ô tù bé tí vốn chỉ xây cho bốn tù nhân.”
Tôi mím môi. “Bác ấy đã đồng ý rồi. Thật đấy.”
“Chà. Ấn tượng lắm. Nhưng sau bà ta, cô nghĩ rằng những người khác cũng sẽ nói với cô ư? Nhỡ chủ của họ phát hiện ra thì sao?”
“Các buổi phỏng vấn sẽ được thực hiện bí mật. Cũng vì, chị biết rồi đấy, dưới đây tình hình đang hơi nhạy cảm.” Thật ra, tôi nào biết tình hình nhạy cảm đến đâu. Bốn năm vừa qua tôi chỉ giam mình trong bốn bức tường của trường đại học, đọc sách của Keats và Eudora Welty và vò đầu bứt tai trước các bài thi học kỳ.
“Hơi nhạy cảm thôi sao?” Bà ta cười phá lên. “Biểu tình ở Birmingham, Martin Luther King. Chó tấn công trẻ con da màu. Cô bé ơi, đấy là đề tài nóng nhất trên cả nước. Nhưng, cô bỏ quá cho, chẳng nước non gì đâu. Dưới dạng bài báo thì không được, vì chẳng có tờ báo miền Nam nào dám đăng cả. Và sách thì lại càng không. Loại sách phỏng vấn nhân vật thì ai thèm mua cơ chứ.”
“Ôi,” tôi nghe thấy mình thốt lên. Tôi nhắm mắt, bao nhiêu hứng khởi đã bay biến đi đâu hết. Tôi lại thấy mình nói “Ôi.”
“Tôi gọi cho cô vì, thành thực mà nói, đó là một ý tưởng hay. Nhưng... chẳng có cách nào khả dĩ để xuất bản nó cả.
“Nhưng... nếu như...” Mắt tôi lướt khắp các giá chạn, cố nghĩ ra một điều gì đó có thể kéo lại sự chú ý của bà ta. Có lẽ tôi nên đề xuất viết thành một bài báo, biết đâu một tờ tạp chí, nhưng bà ta chẳng đã nói không rồi còn gì...
“Eugenia, con nói chuyện với ai ở trong đấy thế?” Tiếng mẹ nói vọng qua khe cửa. Mẹ khẽ đẩy cánh cửa hé ra, tôi bèn đóng tịt lại như cũ. Tôi lấy tay che ống nghe, rít lên, “Mẹ, con đang nói chuyện với Hilly...”
“Trong kho chứa thức ăn sao? Làm như con còn bé lắm đấy...”
“Có lẽ...” Bà Stein chặc lưỡi. “Tôi nghĩ mình có thể đọc những gì cô viết. Ai mà biết được, nhỡ đâu ngành xuất bản lại kiếm được thứ gì mới mẻ thì sao.”
“Chị sẽ làm ư? Ôi chị Stein...”
“Tôi không hứa sẽ xem xét trường hợp của cô. Nhưng... cô cứ phỏng vấn đi đã, rồi tôi sẽ cho cô biết nó có đáng theo đuổi không.”
Tôi lắp bắp mấy tiếng ngớ ngẩn, rồi mãi sau mới nói được câu, “Cảm ơn chị. Chị Stein, tôi không biết nói sao để bày tỏ hết sự biết ơn của mình.”
“Đừng vội cảm ơn tôi. Nếu cô cần liên hệ, cứ gọi cho Ruth, thư ký của tôi, nhé.” Và bà ta gác máy.
TÔI THA CHIẾC TÚI DA cũ đi dự hội chơi bài ở nhà Elizabeth ngày thứ Tư. Nó đỏ. Nó xấu. Nhưng ít ra nó cũng có ích cho hôm nay.
Đó là chiếc túi duy nhất tôi tìm thấy trong ngôi nhà của mẹ, đủ lớn để chứa hết những lá thư gửi cô Myrna. Lớp da đã nứt nẻ và tróc tả tơi, chiếc quai đeo vai dày bự in hằn cả một vệt nâu trên áo tôi vì da thôi màu. Nó vốn là chiếc túi làm vườn của bà ngoại Claire. Hồi xưa bà thường lê nó khắp vườn với đủ loại dụng cụ làm vườn bên trong, dưới đáy túi vẫn còn sót lại nhiều hạt hướng dương. Chiếc túi hoàn toàn chẳng ăn nhập với bất cứ tôi có, nhưng tôi không quan tâm.
“Hai tuần nữa,” Hilly giơ hai ngón tay lên. “Chú ấy sẽ đến.” Cô cười và tôi cũng cười đáp lại. “Tớ sẽ quay lại ngay đây,” tôi nói rồi ôm chiếc túi chuồn biến xuống bếp.
Aibileen đang đứng trước bồn rửa. “Chào cô,” bác ấy khẽ nói. Đã một tuần kể từ hôm tôi đến tìm bác ấv ở nhà.
Tôi đứng đó một lúc, nhìn bác pha trà đá, cảm thấy sự bất an trong dáng đứng của bác, cùng nỗi lo sợ rằng tôi sẽ lại nhờ bác giúp thực hiện cuốn sách kia. Tôi bèn rút mấy lá thư ra, nhìn thấy thế, bờ vai Aibileen giãn ra chút ít. Trong khi tôi đọc câu hỏi về cách tẩy vết nấm mốc, bác rót một ít trà ra cốc để nếm, đoạn cho thêm đường vào bình.
“Ôi, suýt nữa thì quên khuấy đi mất, tôi có câu trả lời cho vụ vòng nước đọng rồi. Minny bảo chỉ cần phết ít mayonnaise lên rồi chùi là sạch.” Aibileen vắt nửa quả chanh vào bình trà. “Sau đó tống cổ lão chồng vô tích sự ra khỏi cửa, thế là xong.” Bác ấy khuấy đều trà, rồi lại nếm. “Minny không kiên nhẫn với các đức ông chồng lắm.”
“Cảm ơn vú, để tôi ghi vào,” tôi đáp. Làm ra vẻ tự nhiên hết mức có thể, tôi rút một phong bì khác trong túi ra. “Còn đây. Tôi đã định đưa vú cái này từ lâu rồi.”
Aibileen lập tức co lại trong tư thế phòng bị trước đó, cái dáng đứng tôi đã thấy khi mới bước vào bếp. “Cái gì vậy?” Bác ấy chỉ hỏi chứ không hề đưa tay ra nhận.
“Để cảm ơn sự giúp đỡ của vú đó mà,” tôi khẽ đáp. “Cứ sau mỗi bài viết tôi lại cất riêng năm đô-la. Đến giờ đã được tổng cộng năm mươi lăm đô-la rồi.”
Thoắt cái, mắt Aibileen lại trở về với bình trà. “Tôi không lấy đâu, cảm ơn cô.”
“Vú cầm đi mà, công lao của vú cả đấy.”
Tôi nghe ngoài phòng ăn có tiếng ghế cà vào mặt gỗ, rồi tiếng Elizabeth.
“Cô Skeeter, tôi xin cô. Cô Leefolt mà biết cô đưa tiền cho tôi, cô ấy sẽ nổi điên lên mất,” Aibileen van vỉ.
“Cô ấy không cần biết chuyện này.”
Aibileen ngước mắt lên nhìn tôi. Phần lòng trắng trong mắt bác ấy hơi ngả vàng, nom mệt mỏi quá. Tôi biết bác ấy đang nghĩ gì
“Cô Skeeter, tôi đã nói rồi, tôi rất tiếc, nhưng tôi không thể giúp cô vụ cuốn sách kia được.”
Tôi đặt chiếc phong bì xuống mặt quầy, tôi biết mình vừa mắc một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.
“Tôi xin cô. Cô hãy tìm một người giúp việc khác. Một người trẻ hơn. Ai... cũng được.”
“Nhưng tôi chẳng quen ai cả.” Tôi muốn dùng chữ bạn, nhưng tôi cũng chẳng đến nỗi ngây thơ như thế. Chúng tôi không phải là bạn.
Bỗng nhiên Hilly thò đầu vào. “Ra đi, Skeeter, tớ chia bài đây,” và cô biến mất.
“Tôi van cô,” Aibileen nói, “cô cất tiền đi, kẻo cô Leefolt nhìn thấy bây giờ.”
Tôi sượng sùng gật đầu và đút chiếc phong bì vào túi, hiểu rằng mối quan hệ giữa hai chúng tôi đã xấu đi chưa từng thấy. Chắc bác ấy sẽ nghĩ đó là một trò mua chuộc, để lôi bác ấy vào cuộc phỏng vấn. Một món hối lộ được ngụy trang bằng thiện chí và những lời cảm tạ. Dẫu rằng tôi đã tính từ lâu, rằng khi nào tích lũy đủ số tiền cho ra tấm ra món sẽ mang biếu bác ấy, nhưng quả thật, thời điểm mà tôi chọn hôm nay đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Thế là giờ tôi đã dọa cho bác ấy sợ vỡ mật ra rồi.
“Kìa, con gái, cứ thử một tí xem nào. Cả bộ này giá những mười một đô-la cơ đấy. Chắc phải tốt lắm.”
Mẹ dồn tịt tôi vào góc bếp. Tôi nháo nhác liếc cửa dẫn ra hành lang, cửa dẫn ra hiên bên hông nhà. Mẹ bước đến gần hơn, tay lăm lăm món đồ, tôi bỗng sững người, cổ tay mẹ gầy nhom, cánh tay yếu ớt cố giữ chiếc máy xám xịt nặng nề. Mẹ ấn tôi ngồi xuống ghế, xem ra chẳng yếu ớt cho lắm, và cầm tuýp kem bóp lấy bóp để xuống đầu tôi. Suốt hai ngày nay mẹ đã đuổi tôi chạy khắp nơi cùng chốn với bộ máy Ép tóc siêu mềm mượt này.
Mẹ huy động cả hai tay để vuốt kem lên tóc tôi. Nói chẳng ngoa tí nào, tôi có thể cảm nhận niềm hy vọng dạt dào trên từng đầu ngón tay của mẹ. Một chút kem sẽ chẳng giúp kéo thẳng cái mũi tôi ra hay xén bớt vài chục centimet chiều cao của tôi. Nó cũng chẳng thể tô đậm thêm hàng lông mày gần như trong suốt, hay đắp thêm da thịt lên cái khung xương lỏng không của tôi. Còn răng tôi thì vốn đã đều tăm tắp rồi. Vậy là chỉ còn lại một điểm duy nhất mẹ có thể can thiệp, mái tóc.
Mẹ lấy một chiếc mũ nhựa bao hết mớ tóc ướt nhẹp của tôi. Sau đó mẹ nối đường ống gắn liền với chiếc mũ vào một cái máy vuông vuông.
“Mất bao lâu hả mẹ?”
Mẹ xỉa ngón tay nhờn nhẫy lên quyển sách hướng dẫn. “Trong này nói là, ‘trùm Mũ duỗi thẳng thần kỳ lên tóc, rồi bật máy và chờ điều thần kỳ...”’
“Mười phút ạ? Hay mười lăm?”
Tôi nghe có tiếng cạch, rồi tiếng ù ù càng lúc càng lớn dần, và cảm thấy một làn hơi nóng rất mạnh chầm chậm lan tỏa khắp đầu. Nhưng đột nhiên bộp! Chiếc ống dẫn tuột khỏi máy và giật đùng đùng như một cái vòi nước cứu hỏa mất kiểm soát. Mẹ rú rít ầm ĩ, cố chộp lấy nhưng lại trượt. Cuối cùng mẹ cũng tóm được và cắm lại chỗ cũ.
Mẹ hít một hơi thật sâu và cầm quyển sách hướng dẫn lên. “Chiếc Mũ thần kỳ phải được giữ nguyên trên đầu trong hai tiếng liên tục, nếu không kết quả sẽ...”
“Những hai tiếng”
“Để mẹ bảo Pascagoula pha cho con một cốc trà nhé.” Mẹ vỗ vỗ vai tôi rồi tíu tít chạy ra cửa bếp.
Suốt hai tiếng, tôi ngồi hút thuốc và đọc tạp chí Life.
Tôi còn đọc xong cả cuốn Giết con chim nhại. Cuối cùng, tôi cầm tờ Thời báo Jackson lên xem xét. Hôm nay là thứ Sáu nên không có chuyên mục của cô Myrna. Ở trang bốn, tôi đọc được dòng tin: Một chàng trai bị đánh mù mắt do dùng nhầm nhà vệ sinh, các nghi can hiện đang được thẩm vấn. Nghe... quen quen. Tôi bỗng nhớ ra. Chắc là hàng xóm của Aibileen.
Chỉ riêng trong tuần này tôi đã ghé qua nhà Elizabeth tới hai bận với hy vọng cô không có ở nhà, có thế tôi mới nói chuyện được với Aibileen và tìm cách nào đó thuyết phục bác ấy giúp tôi. Elizabeth suốt ngày còng lưng bên máy khâu, miệt mài may chiếc váy mới cho dịp Giáng sinh, và lần này lại là một chiếc váy màu xanh lục, loại vải mỏng tang rẻ tiền. Chắc hẳn cô ấy đã kiếm được cả lố vải xanh rẻ như cho ở gian hàng giảm giá. Tôi ước sao mình có thể đến tiệm Kennington mua cho cô ấy một bộ cánh mới, song chỉ riêng lời đề nghị đó cũng đủ làm cô xấu hổ đến chết mất.
“Thế cậu đã tính sẽ mặcgì cho cuộc hẹn chưa?” Hilly hỏi trong lần thứ hai tôi ghé qua. “Thứ Bảy tuần sau ấy?”
Tôi nhún vai. “Chắc tớ phải đi sắm đồ mới.
Đúng lúc đó Aibileen bưng ra một khay cà phê và đặt lên bàn.
“Cảm ơn vú.” Elizabeth gật đầu với bác ấy.
“Ồ, Aibileen, cảm ơn nhé,” Hilly xuýt xoa, rồi bỏ đường vào tách của mình. “Tôi nói thật, trong số những người da màu ở cái thị trấn này, chỉ có vú là pha cà phê ngon nhất.”
“Cám ơn cô.”
“Aibileen,” Hilly lại nói, “Vú thích cái nhà vệ sinh ngoài kia chứ hả? Có một chỗ cho riêng mình vẫn hơn, phải không? ’
Aibileen chỉ nhìn chằm chằm vết nứt trên bàn ăn. “Vâng, thưa cô.”
“Vú biết không, Aibileen, anh Holbrook nhà tôi cắt đặt hết mọi thứ để xây cái nhà vệ sinh ấy đấy nhé. Thoqj thuyền, rồi vật liệu, toàn anh ấy lo thôi.” Hilly cười.
Aibileen chỉ đứng đó, tôi ước sao mình không có mặt trong căn phòng. Xin vú đấy, tôi thầm nghĩ, xin vú đừng nói cảm ơn.
“Vâng, thưa cô.” Aibileen mở một cái ngăn kéo ra và thò tay vào trong, nhưng Hilly vẫn không rời mắt khỏi bác ấy. Ai cũng hiểu Hilly muốn gì.
Một giây nữa trôi qua, vẫn không có động tĩnh gì. Hilly hắng giọng, rốt cuộc Aibileen cũng khẽ cúi đầu xuống. “Cảm ơn cô,” bác ấy lí nhí trong miệng rồi bỏ xuống bếp. Chẳng trách Aibileen không muốn nói chuyện với tôi.
Đến trưa, mẹ tháo chiếc mũ ra khỏi đầu tôi, gội sạch kem trên tóc tôi trong khi tôi ngửa cổ trên bồn rửa. Mẹ nhanh nhẹn cuốn cả chục cái lô lên tóc tôi, rồi bắt tôi ngồi dưới chiếc lồng sấy tóc đặt trong nhà tắm của mẹ.
Một tiếng sau tôi mới thoát ra được, mặt đỏ gay, đầu đau nhức và khát cháy cổ. Mẹ đẩy tôi ra đứng trước gương và bắt đầu gỡ từng chiếc lô cuốn xuống. Mẹ chải ra được cả một mớ tóc lồng bồng khổng lồ trên đầu tôi.
Hai mẹ con giương mắt nhìn, sững sờ.
“Tiên sư,” tôi buột miệng. Trong đầu tôi chỉ còn một ý nghĩ duy nhất, Buổi hẹn. Buổi hẹn xem mặt vào cuối tuần sau.
Mẹ cười rạng rỡ, vẻ bàng hoàng đến độ không thèm quở tôi vì tội chửi thề. Mái tóc tôi trông quá tuyệt. Cái máy ép thế mà được việc.