Phần III

    
nh Nhật Long, sao hôm nay cho em nhiều hoa thế này?
Nhật Long nhìn nàng bằng ánh mắt pha chút trìu mến lẫn đắm say:
- Mấy nụ hoa quỳnh hôm qua chưa thấy gì hôm nay đã thấy nở. Anh ngủ dậy thấy đẹp nên hái đm qua cho em.
Bảo Phượng mân mê những cánh hoa quỳnh tươi mơn mởn còn ngậm no sương, nàng nghe lòng sung sướng như vừa được tặng một món quà lớn lao:
- Em cám ơn anh Nhật Long. Em rất quí hoa quỳnh nhưng chưa lần nào hái được. Bởi tại Bảo Trân cũng thích hoa quỳnh nên nó chuyên phỗng trước em.
Nhật Long cũng đưa tay vuốt ve cánh hoa mềm mại trên tay người con gái xinh xắn dễ thương:
- Em biết không hoa quỳnh tuy đẹp nhưng rất tội nghiệp. Nó nỡ lẻ loi cô độc giữa đem dài trong giá lạnh.
Bảo Phượng xúc cảm theo lời than thở của anh Nhật Long, nàng chắc lưỡi đồng tình:
- Tội nghiệp hoa quỳnh anh nhỉ?
- Ừ tội nghiệp.
Nhận thấy Nhật Long có sắc buồn, Bảo Phượng ngây thơ hỏi:
- Nhưng mà nó chỉ là loài cây không tri giá, sao anh Nhật Long buồn quá vậy?
Nhật Long lại nhìn nàng, cái nhìn thật thiết tha. Giọng nói của chàng bao hàm nhiều ý nghĩa:
- Ai dám chắc là hoa quỳnh không thể có trái tim.
Trước thái độ của chàng, Bảo Phượng thấy khó hiểu nàng lắc đầu biểu lộ chịu thua:
- Thôi anh, em không hiểu hết ý nghĩ của hoa quỳnh đâu. Anh vô đây cùng ăn điểm tâm với mẹ con em nhé!
Bảo Phượng rất tự nhiên nắm tay Nhật Long mời vào phòng ăn. Nàng đã cùng sống với Nhật Long từ thưở nhỏ, đã nhận của chàng biết bao là nhường nhịn trìu mến từ những miếng ăn cho đế những trò chơi. Nàng hiển nhiên coi N. Long như một người anh trai kính mến và đối xử thân mật với chàng không khác một đứa em gái. Bảo Phượng không bao giờ hay biết và ngờ vực trong ánh mắt của người con trai điềm đạm là một ngọn lử nhỏ ấm áp của ái tình, một ái tình mọng mơ, đơn phương. Ái tình nhóm lên ngọn lửa lửa xuất phát từ con tim nhưng còn e ấp chỉ hiển hiện trong đôi mắt. Bảo Phượng không ngờ được. Không phát hiện được nơi tâm hồn của người con trái ấy là tất cả những hy sinh và gởi gắm về nàng
Bảo Phượng ấn Nhật Long ngồi xuống ghế nàng quay qua khoe với Dương Đan những đóa hoa quỳnh nàng cầm trên tay:
- Má thấy đẹp không?
- Đẹp lắm, hoa quỳnh mà, tất nhiên là phải đẹp. Nhật Long đem qua cho con đó hả?
- Dạ. Anh Nhật Long cho con đó. Má ơi Nhật Long ở lại ăn đểm tâm với má con mình, má làm thêm thứ ăn giùm con để con đi cắm hoa đây.
Nói rồi, nàng nhí nhảnh chạy đi kiếm bình cắm hoa. Dương Đan âu yếm nhìn theo dáng con gái, bà nói với Nhật Long:
- Cháu coi, sắp về làm dâu chị Thủy Tiên bên đó mà nó cứ như con nít ấy.
Một thoáng mây buồn lướt qua trong mắt Nhật Long, nhưng chàng cố bình thản lại ngay:
- Cháu thấy Bảo Phượng ngây thơ, đó là tất cả sự kiều diễm nhất của người con gái, nói lên một con người có tánh tình chất phác và tâm hồn rộng lượng
Bà Dương Đan nở một nụ cười kiêu hãnh:
- Cháu nói tốt cho nó quá. Thôi cháu cứ tự nhiên nghe Nhật Long! hãy coi nhà dì cũng như nhà cô Thủy Tiên của cháu vậy
Nhật Long đỡ lời bà:
- Dạ cháu tự nhiên mà
Bà Dương Đan đẩy về phía chàng đĩa bánh mì nóng dòn với trứng ốp la. Ba đứng lên đi pha một ly cà phê sữa nhưng không quên trò chuyện với Nhật Long:
- Sao cháu không lấy vợ đi Nhật Long?
Nhật Long bị chựng lại một phút trước câu hỏi của Bà Dương Đan. Nhưng rồi chàng cố cười cười đáp:
- Cháu cũng muốn nhưng không ai thương cháu dì ơi!
Bà Dương Đan vui vẻ đùa:
- Nếu cháu muốn dì sẽ làm mai cho
- Cháu nghèo quá. Từ nhỏ đến lớn nhờ có cô Thủy Tiên bảo bọc nên mới sống đến ngày hôm nay. Sự nghiệp thì chưa có gì nên tuy lòng muốn nhưng không dám làm phiền cô Thủy Tiên thêm nữa đó dì
- Cháu cứ nghĩ thế nên đến bây giờ cũng cứ còn độc thân hoài.
Nhật Long cười buồn:
- Biết làm sao hở dì! Tại cái số cháu nó vậy mà.
Bà Dương Đan không đồng ý với lời thố lộ tâm sự của Nhật Long:
- Số gì mà số! tại cháu không chịu cưới vợ chứ đâu phải tại số mà đổ Thừa tại cái số!
Bảo Phượng trở Xuống với bình cao cổ cắm những đóa hoa quỳnh, nàng đặt giữa bàn ăn và nói:
- Hoa đẹp quá. Con để đây mình vừa ăn vừa ngắm hoa chắc là má phải mua thêm bánh mì quá!
- Bà Dương Đan cười hiền hậu:
- Được rồi má sẵn sàng đi mua ngay.
Ba nhướng người định bước đi thật thì Nhật Long vội vàng ngăn:
- Thôi dì đừng đi mua thêm. Cháu biết Bảo Phượng chỉ đùa thôi.
Bánh nóng dòn, trứng ốp la béo ngậy làm tăng thêm cảm giác ngon miện cho cả ba người. Bữa ănd diểm tâm càng thêm vui vẻ, thân mật bởi sự có mặt của Nhật Long và có giọng cười tươi trẻ của Bảo Phượng. Dương Đan thấy vui trong khung cảnh ấm áp của gia đình. Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Long đến với gia đình này, chàng vẫn thường xuyên luôn thăm hỏi bà và Bảo Phượng. Và cũng thường xuyên giúp đỡ bà những việc lặt vặt trong nhà. mà khi cần đến bàn tay đàn ông. Dương Đan coi Nhật Long như con cháu trong nhà, bà quí mến chàng với tình cảm của người làm mẹ, Bảo Phượng cũng vậy, nàng mết Nhật Long vì chàng là người tốt, đứng đắn và tế nhị. Nàng kính trọng Nhật Long như anh ruột của nàng, Bảo Phượng ngây thơ quá, vô tình quá, không làm sao hiểu được bên trong tâm hồn của Nhật Long là một nổi buồn của những người không có phần số để hưởng niềm hạnh phúc mà mình mơ ước. Bảo Phượng ăn nhẹ, đó là thói quen của nàng. Nhật Long nhìn thấy trong ánh mắt nàng thấp thoáng bóng hình của Bảo Thiện. Tiếng của Bảo Phượng trong thanh bên tai của Nhật Long:
- Anh Nhật Long nghĩ gì mà có vẻ mông lung lắm vậy?
Nhật Long nói dối:
- Anh có nghĩ gì đâu
- Em thấy anh thẫn thờ
- Nhỏ này ghê quá, anh thẫn thờ hồi nào! Anh đang thưởng thức món bánh mì kẹp hột gà ốp la ngon miệng quá chừng
Bảo Phượng cười mím miệng:
- Nếu anh hạp món ấy thì mỗi sáng qua đây em để dành phần cho nhé!
Nhật Long lấy làm sung sướng, ánh mắt kèm theo một nụ cười:
- Anh chỉ sợ Bảo Phượng quên phần anh là anh đói meo đấy.
Nàng nũng nịu dễ thương:
- Đời nào em quên phần sáng cho anh trai của em...
“Anh trai của em..” Nhật Long nuốt trôi câu nói vô tình của nàng mà chàng có cảm tưởng nhu tim chàng ứa lê.
Tiếng nàng ríu rít như chim:
- Anh Nhật Long sao anh không ăn nữa!
Chàng gượng gạo:
- À ừ.. anh đang ăn nè. Mà thôi anh no lắm rồi
Bà Dương Đan đẩy càphê sữa đá đến gần chàng:
- Cháu không được bỏ thừa lại món gì đâu nhé!
- Cháu ở nhà chơi với Bảo Phượng để dì đi chơ.
Nhật Long không biết nói gì hơn là im lặng thay cho sự đồng ý. Bà Dương Đan uống xong nốt ly cà phê sữa là bà vội vàng về phòng riêng thay đồ chuẩn bị đi chợ. Nhật Long và Bảo Phượng ăn xong hai người ra ngồi dưới giàn hoa thiên lý. Cái giàn hoa mà Dương Đan tốn bao công phu để đi trồng lại nhiều lần cho khỏi mất dấu tích giàn hoa thân thương mà ngày trước Quỳnh Phong rất thích nên đã tạo dựng đầu tiên. Nơi đây, chính dước cái giàn hoa này, đã từng là kỷ niệm thơ ấu của bốn đứa trẻ Ngày xưa. Những bữa ăn được bày dọn nơi đây, những buổi trưa nắng gắt lũ trẻ bị nhốt dưới giàn hoa này không cho chạy lông rông ngoài phố. Những lần đùa chán lũ trẻ thấm mệt và năm lăn bên nhau vòng tay ôm nhau ngủ ngon lành. Tất cả những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu ấy may ra chỉ còn có một mình Nhật Long còn nhớ rõ vì Nhật Long là đứa trẻ lớn hơn hết. Ngồi dưới giàn hoa bên cạnh Bảo Phượng, lòng Nhật Long càng xao xuyến. Chàng nhó ngày còn nhỏ có lần chơi năm mười, Bảo Trân thì bị nhưng nó rất khôn lanh không bao giờ chịu bị đừ. Nó bắt được một lượt cả Bảo Thiện và Bảo Phượng, còn Nhật Long thì may mắn “tùng” được nên còn “sống”. Btrân la toáng lên hỏi:
- Anh Nhật Long cứu bồ đi, anh cứu chị Bảo Phượng hay anh Bảo Thiện!
Bảo Thiện lắc mạnh tay Long, cho nhỏ Phượng “bị” nghen!
Bảo Phượng không vồ vập Nhật Long như Bảo Thiện, song đôi mắt nó mở to nhìn Nhật Long không chớp xem thái độ của chàng. Không hiểu sao ánh mắt non nớt ngây thơ của con bé làm cho Nhật Long thấy thương lạ. Sợ Bảo Phượng bị dừ tội nghiệp nên Nhật Long không suy nghĩ lâu bèn lên tiếng quyết định cứu bồ Bảo Phượng. Lúc ấy Bảo Thiện giận dữ dậm chân ầm ầm:
- Tại sao anh Long không cứu em! Anh Long khoái nhỏ Phượng nên mói cứu nó phải không?
Nhật Long đâm ra lúng túng trước cái giọng “moi gan móc ruột” của Bảo Thiện, nên vội vàng la lên:
- Bảo Thiện nói tầm bậy. Còn nhỏ mà nói tầm bậy không tốt. Cô Thủy Tiên nghe đước chắc là Bảo Thiện ăn đòn.
Bảo Thiện không phải là đứa bé lì lợm và ngang tàng, nó phụng phịu:
- Ai biểu anh Nhật Long cứu nhỏ Phượng để em bị làm chi
Nhật Long vỗ về nó ngọt ngào:
- Bảo Phượng là con gái. Mình phải chơi quân tử với con gái mới đáng làm con trai chứ!
Bảo Thiện nghe nói có lý nên nó mới chịu để yên cho Nhật Long cứu bồ Bảo Phượng. Chiều hôm ấy, Bảo Phượng được mẹ cho một trái bắp nướng thoa mỡ hành và quét nước mắm thơm phức, nó chạy tìm Nhật Long và cho chàng trái bắp ấy:
- Em cho anh Nhật Long đó.
Nhật Long ngạc nhiên:
- Sao em không ăn?
- Em không ăn. Em đem đến để tạ ơn anh Nhật Long.
Nhật Long trợn mắt:
- Tạ ơn cái gì?
- Cái ơn anh cứu bồ em đó!
Nhật Long phì cười trước tấm lòng chất phác của cô bé Bảo Phượng. Chàng đã nhận phân nửa phần đuôi trái bắp để phần đầu cho Bảo Phượng, hai đứa nắm tay nhau ra vườn vừa ăn vừa nhìn nhau cười hợp ý. Những ngày ấy đã trôi xa trong dĩ vãng ấu thơ, những ngày ấu thơ là những ngày vô tư và trong sáng. Nó như ngọn đèn soi lối cho tuổi đời mai sau. Nhưng rồi thời gian không giữ lại được kỷ niệm và tuổi ấu thơ. Khi đã đến tuổi biết suy tư và mơ mộng thì Bảo Phượng lại thân thiện với Bảo Thiện hơn Nhật Long. Nàng biết yêu và yêu Bảo Thiện với thứ tình yêu đã có sẵn từ mẹ cha se định. Bảo Phượng đã bỏ quên hay vô tình quên đi những ngày xưa thân ái mà Nhật Long thường nhường nhịn và hy sinh cho nàng.
Tự nhiên mà Nhật Long buồn da diết:
- Bảo Phượng nè... có khi nào em nghĩ là giàn thiên lý cũng biết buồn không?
Bảo Phượng tròn mắt, nét ngỡ ngàng của nàng thật đáng yêu:
- Giàn thiên lý mà biết buồn ư?
Nhật Long mỉm cười thật buồn:
- Mai mốt em lấy chồng giàn thiên lý sẽ buồn biết bao nhiêu.
Nàng hồn nhiên:
- Mỗi ngày em về nhà ba lần, giàn thiên lý sẽ không buồn đâu anh.
Biết là Bảo Phượng chẳng bao giờ hiểu hết ẩn ý của mình. Nhật Long thở dài não ruột:
- Ừ, em nhớ về thăm giàn thiên lý mỗi ngày kẻo nó nhớ em nó buồn mà héo rủ tội nghiệp.
Đôi lông mày của nàng khẽ cau lại, nàng nhỏ nhẹ:
- Anh Nhật Long hôm nay lạ quá, nói toàn những gì đâu không mà nghe thật buồn.
Nhật Long buột miệng:
- Anh buồn thật đấy Bảo Phượng ơi.
- Anh buồn! Anh buồn gì vậy anh Nhật Long! Anh nói cho em nghe với được không hả anh!
Bờ môi Nhật Long vương chút đắng cay, lòng chàng thì say đắm quá trong khi nàng lại quá hững hờ. Bảo Phương ơi, em không biết nỗi buồn của anh thật sao! Ờ nhưng làm sao em biết được, em ngây thơ và trong sáng quá chỉ biết có một mình Bảo Thiện trong đời em thôi. Em đơn sơ và hiền dịu quá, giống như đóa hoa tỏa hương nhè nhẹ. Anh thấy em đẹp cái đẹp hiền dịu tinh khiết. Giữa vườn hoa với đủ hồng, mai, cúc, huệ, em vẫn đẹp bởi dáng mộc mạc hiền hòa nhưng khả ái đoan trang, không đòi chưng diện trong khi nhiều thanh niên đang ồ ạt chạy theo mốt thời trang, em bình dị đáng yêu khiến lòng anh không còn đứng vững. Nhưng Bảo Phượng ơi, trái ngang cho anh quá! Em là cô gái mà cô Thủy Tiên đã chấm chọn để làm dâu. Anh chỉ là đứa cháu sống nép mình dưới lòng tốt của cô, sự nghiệp của anh vẫn chưa có gì nhiều. Anh luôn mang ơn cô Thủy Tiên cho đến bây giờ vẫn chưa đền đáp được Anh làm sao khi yêu em mà m thì là “vợ” của Bảo Thiện. Anh có cảm giác tình yêu của em với Bảo Thiện hơi vô lý nhưng anh biết làm sao khi chính em đã trao hết trái tim yêu đương cho Bảo Thiện! Em chỉ coi anh như một người anh trai! Chua xót cho anh quá.
Bảo Phượng nắm tay chàng lắc lắc:
- Anh Nhật Long buồn gì? Hay anh buồn em hả?
Nhật Long chớp chớp mắt, không hiểu sao chàng lại tiếp tục nói dối cả mình:
- Sao anh lại có thể buồn em! Em gái ngoan hiền của anh ạ!
Nàng nũng nịu:
- Thế thì hãy nói cho em biết, điều gì đã làm cho anh trai của em u buồn?
Nhật Long cúi mặt tránh ánh mắt của Bảo Phượng, chàng bóp nhẹ bàn tay ấm áp của nàng:
- Anh nói dối em vậy chứ anh có buồn gì đâu.
Bảo Phượng nhõng nhẽo:
- Em không biết đâu, anh nói dối em phải bắt đền em đi!
- Em muốn anh đền gì?
- Đền... đền...
Bảo Phượng ấp úng và nàng nhìn quanh tìm một thứ bắt đền đích đáng song không biết phải bắt đền Nhật Long thứ gì. Nàng nhoẻn miệng cười:
- Thôi tha cho anh trai đó!
Nhật Long chàng đưa tay vuốt nhẹ tóc Bảo Phượng. Bảo Phượng không chút bận tâm, nàng cho đó là cử chỉ thân thiết của một người anh trai dành cho em gái, rất bình thường, tự nhiên. Nhưng Nhật Long cứ mỗi một cử chỉ thân thiết của chàng đối với Bảo Phượng đem đến cho chàng cái cảm giác sung sướng rung cảm lẫn tái tê. Chàng làm sao biết được ngày mai cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời này sẽ ra sao!
° ° ° ° °
Người đàn ông gầy đét chỉ còn da bọc xương nằm mẹp trên chiếc giường nhỏ tồi tàn. Căn nhà ẩm thấp, tối tăm thiếu ánh sáng của mặt trời (cả ánh sáng từ dòng điện nữa). Mùi ẩm mốc của đất xông lên nồng nặc, mùi bệnh hoạn của người bệnh càng làm không khí tanh lợm khó thở. Bảo Thiện đứng khoanh tay bên giường bệnh, chàng thinh lặng lắng nghe những tiếng nói yếu ớt thều thào của người đàn ông lẫn trong tiếng khò khè khàn đặc của căn bệnh lao ghê gớm:
- Bảo Thiện, cháu đừng có lại gần bác làm chi không tốt. Bác bị bệnh hiểm nghèo. Bác tự thấy mình không thể qua khỏi nên muốn nói chuyện với cháu, cháu cứ đứng xa xa mà nghe bác nói nhé! Đừng có lại gần lỡ lây bệnh thì bác sẽ ân hận.
Bảo Thiện ngán bệnh lao nhưng chàng vẫn bước thêm một bước rút ngắn khoảng cách giữa chàng với ông già:
- Bác đừng nói thế Mi Ni nghe được sẽ khóc. Bác sẽ được bác sĩ chuyên khoa cứu chữa thôi.
Người đàn ông già nua cố gượng cười, giọng đầy bi quan:
- Các bác sĩ đã chịu thua, bác chỉ còn chờ chết. Bác tự thấy chết được là có phúc. Bác sống ngày nào là còn làm khổ con gái bác ngày ấy. Tội nghiệp con Mi Ni, bác bệnh tật đã mấy năm mà nó chẳng hề hé miệng thở than vất vả khốn khổ vì bệnh tật của bác...
Người bệnh ngừng lại một giây để cố nén tiếng thở khò khè của mình, ông lại tiếp tục cất giọng trầm buồn:
- Bác chỉ có một mình con Mi Ni nên thương nó không sao tả xiết. Nó là thân gái, sớm mồ côi mẹ lại bôn ba từng trải quá sớm với đời. Tất cả cũng chỉ vì bệnh tình của bác...
Bảo Thiện thấy ông mệt nhọc khi nói, chàng khuyên ông:
- Xin bác hãy yên tâm nghỉ dưỡng. Đừng để ý đến việc gì khác mà hao tổn đến sức khỏe.
- Không sao. Cháu đừng quá lo cho bác. Bác muốn nói với cháu một chuyện, cháu... cháu có thể nghe không?
Bảo Thiện vội đỡ lời ông:
- Thưa bác, cháu sẵn sàng nghe bác nói.
Ông nói như ra lệnh cho đứa con của mình:
- Cháu nhắc ghế lại ngồi ngay cửa phòng cách ly nghe bác nói chuyện. Cháu không được đến gần nơi nằm của bác! Bác... bác bị bệnh lao mà.
Bảo Thiện vâng lời ông. Chàng thương ông nhưng không đủ can đảm đến gần người mang chứng bệnh trầm kha. Thấy chàng yên vị, ông mới cất giọng dịu dàng trìu mến:
- Cháu đối xử thật tốt với cha con bác. Bác còn sống cầm cự được đến hôm nay là nhờ bạc tiền thuốc thang của cháu...
Bảo Thiện ngắt lời ông:
- Cháu xin bác đừng nói như vậy, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn là lẽ thường tình thôi bác à!
- Cháu đã nói thế thì bác xin cám ơn tấm lòng của cháu. Nhưng bác xin đường đột hỏi cháu... có phải cháu yêu thương con gái bác không?
Bảo Thiện lúng túng trước câu hỏi bất ngờ của cha Mi Ni, chàng ấp úng:
- Bác... à... cháu... cháu...
Người bệnh mở to đôi mắt nhìn chàng như chờ mong hồi hộp ở câu trả lời của chàng:
- Cháu hãy nói. Bác muốn được nghe chính miệng cháu nói, cháu đừng e ngại gì hết.
Bảo Thiện bỗng nhiên có linh cảm như câu hỏi bất thần của người bệnh bao làm một điều gì quan trọng lắm. Chàng cúi mặt nhưng đáp rất rõ ràng:
- Vâng, thưa bác... cháu thành thật yêu em Mi Ni.
Đôi mắt người bệnh sáng rực lạ thường, ngay trong giọng nói của ông cũng pha lẫn cả sự vui mừng. Ông hồi hộp hỏi lại:
- Cháu Bảo Thiện, cháu nói thật chứ! Cháu yêu con Mi Ni thật chứ!
- Cháu không dám nói dối chuyện tình cảm riêng của mình.
Bảo Thiện thấy rõ trong đôi mắt không còn mấy tinh anh của người già có niềm vui thấp thoáng. Ông run run giọng có lẽ vì ông quá xúc động:
- Cháu... cháu thật tâm muốn cưới con Mi Ni không?
- Cháu yêu Mi Ni và rất muốn cùng nàng nên đôi lứa. Nhưng...
Cha Mi Ni ngắt lời chàng, giọng ông hồi hộp lẫn lo âu:
- Nhưng sao hả cháu?
Giọng nói và ánh mắt của ông như có thể reo vui hoặc có thể lịm tắt tùy thuộc vào câu nói từ làn môi chàng báo tin lành hay nói lời bẽ bàng. Vì yêu Mi Ni, Bảo Thiện đã quên mất một điều là Bảo Phượng rất yêu chàng và chờ đợi ở chàng một tương lai sáng lạng đầy ắp tiếng cười. Chàng cũng không còn nhớ là chàng đã được cha mẹ “đính ước” chuyện trăm năm với Bảo Phượng từ ngày hai đứa còn là hai cái thai nhi trong bụng hai người mẹ Dương Đan và Thủy Tiên. Bảo Thiện cũng biết là mẹ chàng yêu quí Bảo Phượng biết là ngần nào. Ngoài tình cảm bạn bè của hai gia đình ngày xưa, Thủy Tiên còn mang trong lòng cái ơn của Quỳnh Phong đã dũng cảm giữ gìn sản nghiệp của bà. Thủy Tiên vẫn thầm nguyện suốt đời là Quỳnh Phong đã chết vì bảo vệ sản nghiệp cho bà thì cái sản nghiệp ấy con gái của Quỳnh Phong xứng đáng được hưởng thụ. Bà nghĩ sản nghiệp Đại Hiệp để lại và bà đã khuếch trương trong bao năm, khi Bảo Trân khôn lớn và lấy chồng bà sẽ cho con gái một số của hồi môn lớn. Còn lại bao nhiêu bà trao tất cho vợ chồng Bảo Thiện và Bảo Phượng. Mặc dù ước muốn của mẹ là như thế, song từ khi khôn lớn và lần đầu biết yêu với mối tình đầu, Bảo Thiện chẳng hề rung động ái tình đối với Bảo Phượng. Chàng thấy nàng cũng đẹp cũng dễ thương, nét ngây thơ luôn vương vấn trên gương mặt nàng, vẻ thật thà bình dị tiềm ẩn trong đôi mắt to tròn của nàng. Song Bảo Thiện trước và sau chỉ coi nàng như một đứa em gái, như chàng từng coi Bảo Trân là em gái vậy. Chưa bao giờ Bảo Thiện thấy rạo rực yêu đương khi chàng ở bên cạnh Bảo Phượng, mà hình như cái cảm giác ấy chỉ đến với chàng khi chàng ở bên cạnh Mi Ni thôi. Yêu Mi Ni chàng không chút khinh thường vì nàng chỉ là một ca sĩ quèn nghèo hèn, đang gặp cảnh túng bấn, cha già đang bạo bệnh. Chàng đã ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ nàng biết bao bạc tiền để chạy chữa thuốc thang cho cha. Yêu nàng, chàng cứ yêu nhưng chuyện người ta yêu nhau là nhất thiết phải là đám cưới đàng hoàng rồi mới chính thức thành chồng thành vợ thì chàng chưa nghĩ tới. Nay nghe cha của Mi Ni thình lình hỏi về điều ấy làm sao chàng tránh khỏi ngỡ ngàng. Còn thêm một điều đáng lo ngại cho tình yêu của chàng nữa là mẹ chàng đã chịu Bảo Phượng, đã tính cho chàng cưới Bảo Phượng làm vợ thì rồi không biết bà sẽ có thái độ nào khi chàng về thưa là sẽ cưới Mi Ni chớ không phải Bảo Phượng!
Thấy Bảo Thiện im nét mặt đăm chiêu, cha Mi Ni hỏi thúc:
- Nhưng sao hả cháu, bỗng dưng cháu ngừng ngang không nói?
Bảo Thiện đành nói dối bừa:
- Nhưng cháu e sợ ý bác...
Chỉ nghe bấy nhiêu đó thôi là người bệnh đã sáng mắt, ông thấy như mình vừa được truyền thêm sức khỏe. Ông vồn vã ân cần:
- Không. Không. Cháu đừng e sợ như vậy, bác mong muốn con Mi Ni nhà bác được nương nhờ cháu, bác đâu có ý cản ngăn.
Bảo Thiện đã trót nói dối, chàng đành phải nói luôn mặc dù trong bụng rất lấy làm hổ thẹn và ngượng ngùng:
- Nếu bác đã cho phép, cháu về nói lại với gia đình xin “cưới” em Mi Ni...
Đôi môi bệnh hoạn héo hắt của người bệnh nở một nụ cười sung sướng:
- Bác mãn nguyện lắm rồi. Nếu có chết đi cũng yên lòng cho phần số may mắn của con Mi Ni.
Bảo Thiện có cảm tưởng như đó là những lời của người sắp lìa đời. Chàng thấy rùng rợn hơn là ghê sợ.
- Xin bác đừng nói thế! Đừng quá bi quan với bệnh của mình. Cháu và Mi Ni sẽ cố gắng chạy chữa cho bác mau bình phục.
Cha Mi Ni lắc đầu, vẻ thất vọng lồ lộ hiện ra:
- Con người ta sống chết đều có số. Có muốn chết mau cũng không được, mà có níu kéo sự sống cũng không xong.
Bảo Thiện nài nỉ ông như ông chính là người ban bố sự sống hay gieo sự chết chóc vậy:
- Nhưng bác cần phải sống vì Mi Ni chỉ còn có mình bác là máu thịt trên đời.
Tiếng nói của ông nghe buồn rũ rượi:
- Chính điều đó đã làm cho bác chết đi sống lại nhiều lần. Bởi vậy bác muốn cháu hứa với bác một điều, cháu có vui lòng hay không!
- Cháu rất vui lòng được thực hiện lời hứa với bác, xin bác hãy tin cháu đi.
Cha của Mi Ni bỗng kéo cơn ho dài, ông gập người trên giường để ho, thân thể gầy đét như phơi những chiếc xương nhìn thật thảm hại. Cơn ho đã làm cho ông trào nước mắt nước mũi và tiếng thở phát ra thứ âm thanh ồ ồ nghe đáng sợ. Bảo Thiện lấy làm ái ngại và thấy thương tâm, chàng nhấp nhổm muốn làm một cái gì đó để giúp ông qua cơn đau đớn nhưng chàng không biết làm gì. Cha của Mi Ni giơ tay lên ra dấu cho chàng đừng bận tâm rồi ông ngồi gắng gượng thở một lúc lâu mới nói được bằng giọng thều thào:
- Cháu có dám hứa với bác là cháu sẽ không bao giờ bỏ rơi con Mi Ni không?
Không đắn đo suy nghĩ nhiều Bảo Thiện vội đáp:
- Vâng. Cháu hứa, dù trong hoàn cảnh nào cháu cũng không bỏ rơi em Mi Ni đâu.
Đôi mắt người bệnh lờ đờ nhưng đầy mãn nguyện:
- Cám ơn cháu. Thôi đủ rồi, cháu ráng mà giữ lời hứa. Thôi cháu ra ngoài chơi đợi Mi Ni về, để bác nằm nghỉ một lát.
Bảo Thiện ra trước nhà chờ Mi Ni. Lòng chàng nhẹ nhàng thanh thản vì vừa đem đến niềm vui cho người bệnh. Hơn nữa chàng cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng vì đã chính thức nói lời yêu Mi Ni và được đáp trả tình yêu. Bảo Thiện đâu biết rằng cũng chính từ hôm nay, từ sau cái lời hứa thiêng liêng với người sắp chết, chàng đã gây nên cả một thiên tình sử đầy nước mắt cho chàng, cho Mi Ni và cả cho Bảo Phượng nữa!
° ° ° ° °
Cả gia đình ngồi quây quần trên bộ sa lông sơn mài đen nhánh. Nhật Long và Bảo Trân ngồi chung chiếc ghế dài, Bảo Thiện và bà Thủy Tiên ngồi trên hai chiếc ghế. Tướng bà uy nghiêm và giọng nói tuy nhẹ nhàng nhân hậu nhưng đầy quyền lực:
- Bảo Thiện con giao tất cả công việc của xí nghiệp cho Nhật Long và Bảo Trân trông coi. Má rút số tiền này để con đưa Bảo Phượng đi may sắm đồ cưới theo ý thích.
Bảo Thiện thinh lặng rất lâu, chàng nghĩ đến Mi Ni. Từ buổi cha nàng mất, ở trên đời này, nàng không còn ai thân thiết ngoài chàng. Mi Ni đau buồn vì không làm sao cứu cha qua căn bệnh hiểm nghèo, nàng thương cha nhiều nên sầu héo hắt. May mà Mi Ni còn có Bảo Thiện bên cạnh an ủi, động viên nàng vơi bớt đau buồn. Người con gái mồ côi như mất chỗ dựa cuối cùng. Hoàn cảnh nàng chỉ một mình Bảo Thiện biết mà thôi. Sau đau thương mất mát Mi Ni mới thực sự cảm thấy yêu Bảo Thiện tha thiết và nàng tự thấy cần chàng trong đời như cần hơi thở để sống. Và Mi Ni đã bám vào chàng như bám víu lấy tất cả những gì nàng gởi gắm tin cậy. Đời nàng đã là những đau khổ trùng điệp, mà Bảo Thiện chính là niềm vui và hy vọng của nàng thì lẽ nào giờ đây chàng lại bỏ rơi nàng mà đi cưới vợ cho đành lòng. Thấy Bảo Thiện mông lung nghĩ ngợi, Thủy Tiên khẽ châu mày:
- Con có nghe má nói không Bảo Thiện?
- Dạ, con nghe.
Thủy Tiên tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Con không vui à!
Bảo Thiện nhìn mẹ, mặt chàng đăm chiêu:
- Con không hiểu tại sao má “bắt” con phải làm đám cưới với Bảo Phượng!
- Vậy chứ hai đứa đã lớn rồi, không làm đám cưới thì chừng nào má có cháu nội bồng!
- Nhưng mà... nhưng mà...
Bảo Thiện cảm thấy khó mở lời mở miệng. Chàng biết tánh mẹ rất thương yêu con cái luôn luôn uy tín, tự trọng. Chàng biết không thể đem chuyện của Mi Ni và chàng ra nói trong lúc này nó chỉ làm cho mẹ chàng nổi giận thêm.
Thủy Tiên nhìn Bảo Thiện đăm đăm:
- Con muốn nói gì phải không?
Bảo Thiện ấp úng, thái độ đó, thường ngày, chưa bao giờ có ở chàng trai phong độ láu lỉnh như chàng.
Bảo Thiện ấp úng:
- Má... má à... con muốn nói với má là...
Sốt ruột nhưng bà Thủy Tiên không chút cáu kỉnh bực dọc với con, bà dịu dàng:
- Con nói tự nhiên.
Bảo Thiện thu hết can đảm nói nhưng không dám nhìn mẹ:
- Con coi Bảo Phượng như em gái, làm sao con cưới Bảo Phượng được má ơi!
Bảo Thiện dứt lời có hai đôi mắt tròn xoe nhìn sững chàng. Bà Thủy Tiên và Nhật Long!
Bà Thủy Tiên hỏi lớn:
- con nói thế nghĩa là sao?
Bảo Thiện nuốt nước miếng và cắn môi nhè nhẹ như để cũng cố thêm lòng can đảm:
- Ý con muốn nói là con coi Bảo Phượng cũng như Bảo Trân vậy...
- Sao lại như vậy được! Con đùa hay sao ấy mà ăn nói thật lạ lùng. Bảo Trân là em gái mà Bảo Phượng rồi sẽ là vợ con, hai người làm sao có thể... như nhau được kìa!
- Thưa má, con không biết nói sao cho má hiểu...
Thủy Tiên chưa hết ngạc nhiên, bà chau cặp lông mày vẫn còn nét kiều diễm của một thời xa xưa:
- Con nói sao mà má không hiểu gì hết!
- Con muốn nói với má là con không thể cưới Bảo Phượng.
- Hả?
Bà Thủy Tiên trợn tròn đôi mắt, lòng đen như muốn chựng lại vì ngạc nhiên:
- Con nói cái gì Bảo Thiện?
Bảo Thiện hít một hơi thật căng lồng ngực, đó là động tác quen thuộc của chàng mỗi khi gặp trường hợp phức tạp:
- Má tha lỗi cho con...
Giọng bà Thủy Tiên hơi gay gắt:
- Nhưng mà tha lỗi chuyện gì?
- Con không thể cưới Bảo Phượng theo ý muốn của má.
- Tại sao vậy?
- Tại vì con chỉ coi Bảo Phượng như em gái của con.
Bà Thủy Tiên quá bất ngờ trước tình huống này, bà lâm vào tình trạng khó xử. Bà không hiểu vì sao Bảo Thiện và Bảo Phượng từng sống và lớn lên thân ái bên nhau mà tình yêu không thể nảy nở trong lòng Bảo Thiện! Bà nhắm hờ mắt để định thần cho tâm trí được sáng suốt hơn. một lát sau, bà mở trừng mắt nhìn thẳng thằng con trai của mình và hỏi:
- Con hãy nói thật, tình cảm của con đối với Bảo Phượng ra sao?
- Con rất thương Bảo Phượng và quí mến nàng rất nhiều.
- Con đã thương và quí mến, tại sao con từ chối hôn nhân!
Bảo Thiện đáp nhỏ vừa đủ một mình bà Thủy Tiên nghe:
- Má hiểu cho con... tình thương và lòng quí mến đâu có phải là tình yêu.
Cố gằn một cơn sóng cuồn cuộn trong lòng, bà Thủy Thiên hỏi gặng:
- Vậy tình yêu của con là ở đâu?
Bảo Thiện nghe giọng nói của mẹ vẫn dịu dàng gần gũi, nhưng chàng chợt nhìn thấy trong mắt mẹ là những xáo trộn bối rối không nhỏ. Chẳng hiểu sao chàng lại không thể thú nhận trước những thành viên trong gia đình là chàng đã yêu đắm say một cô gái khác nên không thể nào đáp lại tình yêu của Bảo Phượng. Chàng nói dối trơn tru:
- Con chưa yêu, chưa đặt tình yêu.
- Con có biết má thương con Bảo Phượng như con ruột không?
- Con biết.
- con có biết con Bảo Phượng nó thương yêu và đặt niềm tin cậy ở con không?
Bảo Thiện cúi mặt:
- Thưa má... điều đó thì con chỉ nhận biết mơ hồ...
Giọng bà Thủy Tiên trở nên nghiêm nghị khác thường:
- Con cũng quá biết là gia đình mình vừa mang nặng tình nghĩa thâm giao với gia đình dì Dương Đan, vừa thọ ơn chú Quỳnh Phong lớn lao. Dì Dương Đan thương con và đặt hy vọng ở con biết là bao nhiêu. Bây giờ con từ chối hôn nhân, má mặt mũi nào mà nhìn mặt bạn!
Bảo Thiện hiểu tầm quan trọng trong giọng nói của mẹ, nhỏ nhẹ, thở than nhưng chàng không sao cãi được. Bảo Thiện trở nên thống khổ:
- Nhưng má ơi, má có thể nhận em Bảo Phượng là con gái mà cũng là một cách để trả ơn mà.
Bà Thủy Tiên buồn bã nhìn Bảo Thiện:
- Ngay chính cái tên con mang cũng là do dì Dương Đan con đặt. Và tất cả những gì con được thừa hưởng hôm nay là do sự dũng cảm đến quên mạng của chú Quỳnh Phong. Con đã lớn khôn rồi, đủ trí khôn để tự suy nghĩ phải sống sao và làm cách nào để khỏi hổ thẹn với lương tâm và vẹn tình vẹn nghĩa. Ép dầu ép mở không ai nỡ ép duyên con cái. Con có thể nhận lời hay từ chối hôn nhân hệ trọng giữa con và Bảo Phượng. Nhưng riêng phần má thì nếu thất hứa lời đính ước thâm giao với bạn bè năm xưa, thì chắc má không mặt mũi nào ở đây ra vô gặp mặt dì Dương Đan được
Nói xong, bà Thủy Tiên lầm lũi cất bước về phòng. Bảo Thiện đưa mắt nhìn theo từng bước chân nặng nề của mẹ, chàng biết mẹ buồn và giận chàng. Từ nhỏ Bảo Thiện đã có tánh ngồ nghịch ngang tàng song chàng rất kiêng dè ánh mắt nghiêm khắc và giọng nói lúc nào cũng dịu dàng nhưng dứt khoát của me.
Bây giờ, ở trong tình cảnh này, Bảo Thiện thật là khổ sở khó nghĩ. Con người có đầy đủ trí thức và nhân cách thì không thể quên cái ân, không thể làm thất vọng những ân nhân của mình. Nhưng còn tình yêu thì... đó là thứ tình cảm riêng tư, thiêng liêng, liên quan đến cuộc đời chàng. Lẽ nào chàng vì chữ ân mà phá hủy cả trái tim của chàng!
Bảo Thiện làm sao quên hình bóng của Mi Ni bé nhỏ và đơn côi như một cánh chim lẻ đàn.
Nàng nép vào ngực chàng như chờ đợi ở người yêu thứ hơi ấm tình yêu. Chàng đã yêu Mi Ni với tất cả tấm lòng. Đêm đêm, Mi Ni trong những bộ đồ mô đen phải nghiêng ngả giữa ánh đèn đem tiếng hát lời ca để đánh đổi chén cơm manh áo. Nàng xem cái nghề đi hát như cái nghề kiếm cơm, nhưng nàng đàng hoàng không sa ngã. Điều đó khiến Bảo Thiện yêu nàng thắm thiết, hơn nữa chàng đã hứa với cha nàng là chàng không bao giờ bỏ rơi nàng. Bảo Thiện thầm nghĩ dù sao Mi Ni cũng bất hạnh hơn Bảo Phượng nhiều. Bảo Phượng còn có mẹ Ở bên cạnh còn Mi Ni mồ côi cô độc. Bảo Phượng được sung sướng vô tư trên chăn êm nệm ấm, không phải nghĩ về cuộc sống cơm áo. Mi Ni chỉ có hai bàn tay trắng với cuộc sống tự lập đầy lo âu và thiếu thốn. Nghĩ thế, chàng muốn thẳng thắn quyết định là chàng không thể cưới Bảo Phượng để vĩnh viễn xa cách và mất Mi Ni
Nhưng rồi, Bảo Thiện lại thở dài khi nghĩ đến mẹ. Chàng không thể trách mẹ, mẹ chàng xử xự như vậy là đúng. Bà sống có tình, có nghĩa, bà yêu thương Bảo Phượng là điều hiển nhiên dễ hiểu. Ngoài tình bạn tuyệt vời giữa bốn người là Đại Hiệp, Quỳnh Phong, Thủy Tiên và Dương Đan ra, ngoài cả cái lời “đính hôn” từ trước mẹ chàng dành tình thương cho Bảo Phượng là vì nàng đã sống cạnh bà như đứa con ruột, từng bú bầu sữa bà, được bà chăm chút lúc còn thơ
Bảo Thiện rất thương mẹ, chàng không bao giờ dám làm mẹ buồn. Chàng có nghe nói nhiều về sự hy sinh cao cả của mẹ dành cho mấy anh em chàng. Mẹ Ở góa khi tuổi còn rất trẻ và nhan sắc đang ở độ ngan ngát hương thơm, hy sinh hạnh phúc riêng tư để đảm đang gánh vác trọng trach gia đình con cái. Mẹ đã một mình gầy nên sự nghiệp mà người sau này thừa kế và hưởng thụ chính là chàng. Mặt khác hình bóng ngây thơ trong trắng của Bảo Phượng hiện lên trong chàng. Một cô gái giản dị hiền lành mà lúc nào chàng cũng thấy thương. Dì Dương Đan luôn luôn âu yếm nhìn chàng bằng ánh mắt trìu mến và tin tưởng. Từ chối cuộc hôn nhân, chàng sẽ làm gãy đổ hết tất cả những tình cảm trìu mến xung quanh chàng. Nhưng nếu chàng nhận thì sao! Chàng sẽ thành kẻ đầu môi chót lưỡi, kẻ phản bội và lừa dối người tình của mình. Rồi thì Mi Ni sẽ ra sao! Nàng chắc sẽ khóc nhiều lắm, không ai lau mắ6 cho nàng! Và chàng có dễ dàng quên được Mi Ni không! Chàng có thể biến tình thương từ một đứa em gái trở thành tình cảm vợ chồng đối với Bảo Phượng được không? Không biết! Không biết! Bảo Thiện vò đầu và cảm thấy tâm tư nặng trĩu những buồn lo. Chàng không màng đến sự có mặt của Nhật Long và Bảo Trân. Vừa đứng lên, chàng vừa lẩm bẩm thở than:
- Thật khổ! Khổ quá! Bây giờ biết tính sao đây?
Bảo Thiện thẫn thờ tiến đến cầu thang để về phòng chàng ở lầu hai ngôi biệt thự, Bảo Trân nhìn theo anh, lầm bầm:
- Rồi đây chị Bảo Phượng sẽ khổ cho mà coi. Đàn ông các người đều na ná giống nhau ở cái khoản làm khổ cho đàn bà con gái
Nhật Long, suốt từ nãy giờ, vẫn im lặng theo dõi câu chuyện của Bảo Thiện. Tâm tư chàng bỗNg nhiên mà mâu thuẫn lạ lùng, dường như chàng nữa muốn cho hôn nhân của Bảo Thiện và Bảo Phượng được vẹn toàn hạnh phúc. Nửa lại như muốn van vái cho hai người tan vỡ dở dang. Nhật Long không có ác ý cũng không phải là kẻ xấu bụng, bởi mối tình đơn phương từ lâu nay của chàng bỗng nhiên le lói một chút hy vọng ở sự từ chối lễ thành hôn của Bảo Thiện và Bảo Phượng.
Bảo Trân quay qua khều Nhật Long:
- Anh Nhật Long nghĩ sao?
Nhật Long giật mình đứt đoạn dòng suy tư:
- Em hỏi về chuyện gì?
- Còn chuyện gì ngoài chuyện của “ông” Bảo Thiện nhà mình?
Nhật Long ý tứ đáp:
- Anh đâu biết nghĩ sao, đó là chuyện riêng tư của Bảo Thiện mà
Bảo Trân cãi:
- Đành rằng chuyện riêng tư của anh ấy. Nhưng mình cũng có ý kiến chứ
Nhật Long nhìn cô em gái họ:
- Vậy ý kiến của em ra sao?
Bảo Trân nói một cách tỉnh khô:
- Em thấy anh Bảo Thiện “ngu” ghê gớm.
Nhật Long tròn mắt:
- Sao ngu?
Cái lườm của Bảo Trân sắc lẻm:
- Ông ấy chê chị Bảo Phượng không phải là ngu hả?
Nhật Long nhận xét:
- Sao em lại vội cho là như thế, lỡ Bảo Thiện nó có lý do riêng thì sao?
- Chẳng có lý do quái quỉ gì hết. Em biết ảnh chê chị Phượng tầm thường không đẹp sắc sảo kiều diễm như những cô gái khác
Nhật Long nhăn đuôi mày, nghĩ ngợi:
- Em căn cứ vào cái gì mà dám nói?
Bảo Trân nhún vai:
- KHông căn cứ vào cái gì hết
- Ít ra em cũng phải căn cứ vào cái gì chứ!
Bảo Trân thản nhiên:
- Em cũng có đôi mắt, em biết nhìn và tự nhận xét
Nhật Long cãi:
- Nhưng em làm sao nhìn vào đáy lòng và suy nghĩ của người khác!
- Sao lại không. Anh Bảo Thiện là anh trai em mà em không biết tánh ảnh hay sao? Ảnh là người chuộng hình thức nhưng nhẹ dạ, song ảnh không phải là người không biết liều lĩnh
Nhật Long thấy hoang mang, chàng cũng không hiểu tình cảm của những người trong gia đình cô Thủy Tiên. Ngay chính cả Bảo Trân bây giờ cũng thật là khó hiểu, nó đã lớn khoang còn bé nhỏ như những ngày xưa. Bảo Thiện thì chàng càng không hiểu, chàng trai lúc nào cũng bận rộn với công việc làm ăn. Nhật Long không làm sao hiểu nỗi bên trong con người của Bảo Thiện là những gì!
Tiếng của Bảo Trân vẫn đều đặn trong trẻo:
- Em thấy chị Bảo Phượng được. Em muốn chị thành chị dâu của em. Tại anh Bảo Thiện nông nổi không suy nghĩ cho kỹ càng. Chị Phượng hiền lành thật thà, chị lại đẹp mà không cần se sua ăn diện mốt này mốt nọ. Mai mốt, chị về làm dâu sẽ biết giữ của cãi, không xích mích gây gỗ với những ngưo8`i trong gia đình vì tranh giành của cải. Không biết anh Bảo Thiện nghĩ làm sao mà chê chị Bảo Phượng. Mai kia mà léng phéng rước một “bà” miệng rộng bằng cái tô về nhà thì chỉ ba bữa là tan hoang cửa nhà. Lúc đó cho ra đứng đầu đường mà trắng mắt biết thân.
Nhật Long không có ý kiến gì với tràng nói một hơi dài của cô em họ. Chàng còng đang bận kiểm tra lại lòng chàng, tại sao nó lại diễn biến phức tạp thế nhỉ! Chàng tưởng tượng ra cái đám cưới linh đình trọng thể của Bảo Thiện và Bảo Phượng, đồng thời là đám cưới vui vẻ của chàng và Bảo Phượng. Trời ơi, tại sao chàng lại nghĩ lung tung lộn xộn thế này! Ôi, ai biết được người on gái yêu kiều kia trời sẽ trao tặng cho ai!
Nhật Long đang miên man suy nghĩ thì bà Thủy Tiên trở ra, đôi mắt đỏ hoe, bà ngồi xuống ghế và căn dặn Bảo Trân với Nhật Long:
- Các con đừng để lộ chuyện của Bảo Thiên ra ngoài. Nhất là phải giấu kín đối với dì Dương Đang và Bảo Phượng. Tội nghiêp con Bảo Phượng, nghe được nó sẽ buồn biết chừng nào. Còn dì Dương Đan mà biết lòng dạ thằng Bảo Thiện như vậy chắc dì buồn và giận lắm. Ta thật không mặt mũi nào mà nhìn ai, nếu như nó không nghe lời mà cứ khăng khăng từ chối thì ta chắc phải bỏ nhà mà đi trốn bạn bè quá!
Bảo Trân lên tiếng trách mẹ:
- Má nuống chiều anh ấy quá nên anh ấy mới vậy
Bà Thủy Tiên buồn bã:
- Nếu nói nuông chiều thì má nuông chiều bốn đứa chớ đâu chỉ riêng mình Bảo Thiện. Má thương con Bảo Phượng cũng như Bảo Trân vậy. Nếu Bảo Phượng mà không về làm dâu má thì má sẽ ân hận suốt đời.
Thấy bà Thủy Tiên quá lo lắng sầu khổ, Nhật Long lên tiếng trấn an bà:
- Cô đừng quá lo lăng mà hao tổn đến sức khỏe. Cháu nghĩ là em Bảo Thiện thương em Bảo Phượng thì tất không thể từ chối hôn nhân. Với lại em Bảo Thiện xưa nay rất mực thương mẹ và kính trọng dì Dương Đan, em không muốn làm cô và dì Dương Đan buồn đâu. Rồi em Bảo Thiện sẽ suy nghĩ lại thôi cô ạ!
Bà Thủy Tiên cũng không biết làm sao hơn là nhìn Nhật Long như cầu cứu:
- Cháu Nhật Long lựa lời mà khuyên nhủ điều hay điều dở cho em nó nghe giùm cô nghen cháu!
Nhật Long bối rối nhìn lảng đi nới khác, miệng chàng ấm ới nho nhỏ trong cổ họng:
- Dạ... dạ... da...
Bà Thủy Tiên vẫn gịng trầm buồn:
- Cháuu là con trai lại lớn hơn Bảo Thiện nên có thể cháu nói nó nghe. Nhưng cháu hãy nghĩ xem con Bảo Phượng nó có xấu xa gì cho cam. Không biết vì sai mà nó không thích con nhỏ!
Nhật Long điếng lòng. Thật là trớ trêu cho chàng quá sức! Cô Thủy Tiên ơi làm sao mà cô hiểu được nỗi lòng tái tê của cháu. Làm sao mà cháu mở miệng khuyên nhủ Bảo Thiện hãy vui lòng cưới cô gái mà cháu yêu tha thiết!
Nhận thấy nét mặt của đứa cháu ẩn hiện nồi đau khổ thầm lặng, bà Thủy Tiên vội hỏi:
- Cháu Nhật Long! Cháu làm sao vậy?
Nhật Long gượng bình thản nên trong giọng nói của chàng pha lẫn sự giả tạo:
- Thưa cô, cháu đang nghĩ sẽ làm cách nào để khuyên em Bảo Thiện...
Bà Thủy Tiên nhìn chàng tin tưởng:
- Ồ, cháu ráng giúp cô, cô không quên ơn cháu
Nhật Long đỡ bàn tay của bà Thủy Tiên, chàng có cảm giác lạnh nhưng không biết cái lạnh từ bàn tay bà Thủy Tiên hay chinh từ bàn tay chàng. Chàng mấp máy môi:
- Cô ơ, cô đừng nói như thế!
- Cô thấy hình như cháu không được khỏe phải không?
Nhật Long chối bay biến:
- Cháu vẫn khỏe... như voi mà cô
- Cô thấy cháu không được tươi vui cho lắm
Nhật Long nở một nụ cười trên làn môi mỏng đỏ hồng như môi con gái, chàng khéo đùa:
- Cháu tươi như hoa chớ có héo rũ hồi nào đâu cô
Bảo Trân xen vào tinh nghịch:
- Đúng đó má ơi, anh Nhật Long như hoa thiệt nhưng mà là hoa... thiếu nước ấy!
Nhật Long chồm qua tính cốc đầu Bảo Trân
- Nhỏ này chọc ghẹo anh hoài!
Bảo Trân ôm đầu rụt cổ và ré lên:
- Thôi thôi.. em xin đầu hàng...
Bà Thủy Tiên mỉm cười trước tình cảm anh em của Nhật Long và Bảo Trân. Bà bỗng nghĩ:
“Mỗi đứa là một thế giới khác nhau. Mà những người mẹ cũng không sao hiểu nổi!”