Chương 17
Đại Sứ Mỹ, Luân Đôn

    
ăm giờ 19 phút chiều thứ sáu
Có một chiếc điện thoại ở trung tâm Tác nghiệp không bao giờ được sử dụng để gọi ra ngoài. Chiếc điện thoại này được nối với một thiết bị thu âm kỹ thuật số tinh vi và nối với mạng lưới dò tìm cuộc gọi thuộc cảnh sát thành phố. Ống nghe màu đỏ, âm thanh chuông reo được điều chỉnh ở mức thấp. Chỉ một người được phép chạm đến chiếc điện thoại này. Đặc vụ giám sát, John O’Donnell, Trưởng nhóm tiếp ứng khẩn cấp của FBI và là người đàm phán con tin chính của cơ quan này.
Điện thoại đã reng 47 lần kể từ khi Elizabeth Halton biến mất. Đến giờ không cuộc điện thoại nào được O’Donnell hoặc những đồng nghiệp của anh ở sở cảnh sát thành phố cho là đáng tin cậy, dù yêu cầu của một số người gọi lại là tìm cách cung cấp vài trò vui nho nhỏ trong những ngày đen tối u buồn đó. Một người gọi điện thoại nói anh ta sẽ thả Elizabeth để đổi lấy khoản tiền 100.000 bảng Anh. O’Donnell đồng ý với yêu cầu đó và người đàn ông này bị bắt ngay buổi tối đó trong bãi đỗ xe của một quán rượu ở khu West Sussex. Có người yêu cầu một cuộc hẹn với một nữ nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ. Có người nói anh ta sẽ thả con tin người mỹ đổi lấy vé xem trận bóng cuối tuần giữa Arsenal và Chelsea. Có người gọi vì bị trầm cảm và cần người nói chuyện. O’Donnell trò chuyện với anh ta trong năm phút để hứa hẹ cho anh ta một buổi tối vui vẻ trong khi các sĩ quan cảnh sát ập đến bắt.
Cuộc gọi đến tổng đài chính của Đại sứ quán sau sáu giờ tối đó rất khác với những cuộc gọi trước. Giọng nói của đàn ông và được biến đổi bằng kỹ thuât điện tử, đây là người đầu tiên sử dụng một thiết bị như vậy. “Tôi có thông tin về Elizabeth Halton”, anh ta bình tĩnh nói cho nhân viên trực tổng đài. “Hãy chuyển máy cho tôi nói chuyện với người phụ trách. Nếu trễ hơn năm giây, tôi sẽ gác máy và cô ấy sẽ chết. Cô có hiểu không?”.
Cô gái trực tổng đài nói rõ là cô ta thực sự hiểu rồi lịch sự yêu cầu người gọi chờ. Hai giây sau, điện thoại của O’Donnell reo lên ở Trung tâm Tác nghiệp. Anh giật lấy chiếc ống nghe màu đỏ trên giá đỡ điện thoại rồi để nhanh lên tai nghe. “Đây là John O’Donnell thuộc phòng điều tra Liên bang”, anh nói ngắn gọn. “Tôi có thể giúp gì cho anh?”
“Bãi biển ở Bacon Point”, giọng nói được biến đổi bằng điện tử vang lên. “Hãy tìm dưới chiếc thuyền chèo bị lật úp. Đây sẽ là dấu hiệu liên lạc đầu tiên và duy nhất của chúng tôi”.
Đường dây im bặt.
O’Donnell gác điện thoại rồi lắng nghe cuộc gọi một lần nữa trên máy ghi âm, rồi nhấc ống nghe của một đường dây riêng gọi tự động cho Sở cảnh sát Luân Đôn.
“Cuộc gọi này nghe có vẻ đúng là của bọn bắt cóc đấy”, O’Donnell nói.
Ở đầu dây bên kia, sĩ quan ở Sở cảnh sát nói.
“Tôi đồng ý. Anh có dấu vết gì không?”.
“Giọng này là từ điện thoại di động. Có điều gì đó mách bảo cho tôi là chúng ta sẽ không bắt được kẻ này. Hắn là dân chuyên nghiệp đấy”.
“Thế Bacon Point nằm ở đâu?”.
“Bờ biển phía nam, cách Plymouth khoảng 10 dặm”.
“Cách trung tâm Luân Đôn bao xa?”
“Khoảng 150 dặm”.
“Tôi muốn có mặt ở hiện trường để ứng cứu – cho dù có chuyện gì”.
“Hải quân Hoàng gia đã để lại một Se King (Một loại máy bay trực thăng đặc biệt) ở sân bay Luân Đôn để sẵn sàng cho loại tình huống này”.
“Thế sân bay máy bay lên thẳng nằm ở đâu?”
“Bờ Nam sông Thames, giữa cầu Battersea và Wandsworth”.
“Hãy bảo họ làm nóng động cơ đi. Thế anh có thể cho tôi đi nhờ qua thành phố không?”
“Tôi có hai chiếc xe tuần tiễu bên ngoài Đại sứ quán trong hai phút nữa”.
“Hãy cử họ đến đường Upper Brook”, O’Donnell nói. “Và không được có phóng viên ở đó”.
“Rõ”.
Chuyến bay đến bờ biển nam dài 90 phút và hoàn toàn không dễ chịu chút nào do gió lớn trước cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương. Khi máy bay sà xuống Beacon Point, O’Donnell nhìn ra cửa sổ. Những cái đèn vòng đang loé trên bãi cát và những ánh đèn màu xanh của cảnh sát đang loé lên dọc theo những con đường nối những ngôi làng xung quanh Kingston, Houghton và Ringmore. Bãi đáp là một dải đất hoang phía sau bãi cát. O’Donnell gặp người sĩ quan phụ trách, một Phó trưởng đốc quân mập mạp từ Sở cảnh sát Devon và Cornwal có cái tên cũng rất hợp: Blunt (Cùn). Anh ta kể vắn tắt cho người sĩ quan của FBI này nghe khi họ bước xuống một lối đi đầy cát dẫn đến bờ biển.
“Chúng tôi xác định là bãi biến và những khu vực xung quanh không có bom hay bất kỳ vũ khí nào khác”, anh ta nói. “Cách đây khoảng 20 phút, chúng tôi sử dụng thiết bị robot được điều khiển từ xa để rà soát dưới chiếc thuyền bị lật úp”.
“Có gì ở đó?”, O’Donnell hỏi.
“Camera không phát hiện thấy gì, nhưng có thể có cái gì đó được chôn phía dưới. Chúng tôi quyết định chờ ông đến trước khi di chuyển con thuyền”.
Họ leo qua những đụn cát rồi dừng lại cách chiếc thuyền khoảng 20 thước Anh. Một chiếc xuồng dài khoảng 8 thước Anh, nước sơn xám trắng tróc vỏ, có khoảng gần chục cảnh sát trang bị quần áo chống bom và kính che mặt bao quanh. Với một cái gật đầu đầy hàm ý, Blunt ra hiệu cho họ hành động, chiếc thuyền chẳng mấy chốc đã nằm ngửa ra. Một chiếc đĩa DVD bọc trong bao nhựa trong được dán vào chiếc ghế ngồi ở đuôi thuyền. Blunt lấy và đưa ngay cho O”Donnell, anh mang nó trở lại máy bay và đặt vào máy tính xách tay. Khi hình ảnh nhập nhoà rồi sáng lên trên màn hình, O”Donnell chửi thề trong hơi thở rồi nhìn vị quan chức cảnh sát người Anh.
“Tôi cần anh giúp”.
“Việc gì cũng đươc”, Blunt nói với giọng dứt khoát.
“Hãy cho người của anh biết đây chỉ là trò lừa đảo. Hãy xin lỗi họ vì chuyện này rồi cám ơn họ nhân danh người Mỹ và đại sứ Halton vì công việc hoàn hảo của họ tối nay”.
“Tôi e là mình không hiểu, ông O’Donnell”.
O’Donnell liếc nhìn màn hình. “Đĩa DVD này không có hình. Giờ anh hiểu chưa?”.
Blunt gật đầu. Anh ta đã hiểu.