Chương XI
BÌNH ĐỊNH HÁN TRUNG

    
ào Tháo trong hội nghị quân sự đã ví Hán Trung như gân gà. “Gân gà ăn thì vô vị, vứt đi thì tiếc”.
Về tình cảm tuy không đành lòng, song theo suy nghĩ lý tính, Tào Tháo vẫn hạ lệnh nhổ trại rút quân, khoanh tay đưa Hán Trung cho Lưu Bị.
 
1. Vùng đất ít xung đột Quan Trung và Thục Trung.
Hán Trung liền với vùng Quan Trung và Thục Trung, ít xung đột, được Lưu Yên có kế hoạch tác động và ổn định, là vùng đất mà Trương Lỗ, lãnh tụ quân đoàn đạo giáo chiếm cứ khi Tào Tháo bình định Quan Trung, Lưu Bị đã chiếm được Ích Châu, tầm quan trọng của vùng Hán Trung lại càng tăng thêm.
Đối với Lưu Bị mà nói, Hán Trung là đất ắt phải tranh chiến. Trong Long Trung Sách, Gia Cát Lượng đã nhắc đến Lưu Chương nhu nhược, Trương Lỗ chiếm cứ ở phía bắc, cũng là nói Hán Trung đối với sự an toàn của Ích Châu, có sự uy hiếp rất lớn. Huống chi sau này nếu muốn bắc chinh thống nhất Trung Nguyên, Hán Trung lại là đất cửa ngõ.
Lại chẳng may đương khi Lưu Bị và Gia Cát Lượng còn bận chỉnh đốn Ích Châu, năm Kiến An thứ 20, Tào Tháo đã đánh bại được Trương Lỗ, giành được toàn bộ vùng Hán Trung.
Chiến dịch Hán Trung của Tào Tháo, phai khá vất vả mới thắng được, từ mùa đông năm Kiến An thứ 19, bắt đầu sắp xếp quân viễn chinh, đánh kéo dài đến mùa đông năm 20, suốt một năm mới giành được thắng lợi then chốt. Sở dĩ như thế, chính là vùng Hán Trung địa hình hiểm trở, dễ giữ mà khó đánh vào, đối với quân đội bên ngoài mà nói, chẳng thể nắm ưu thế địa hình có lợi, nên phải hãm vào trận chiến gian khổ.
Tháng 12 năm Kiến An thứ 20, Tào Tháo sau khi khôi phục được trật tự chính trị ở Hán Trung, dự định ca khúc khải hoàn dẫn quân về Nghiệp Thành. Tổng tham mưu trưởng Lưu Diệp và tham mưu Tư Mã Ý đề nghị với Tào Tháo, nên thừa thắng truy kích, đánh vào Ích Châu, diệt gọn thế lực của Lưu Bị.
Tư Mã Ý nói: “Lưu Bị vẫn âm mưu đoạt lấy cơ nghiệp của Lưu Chương, không ít đại thần ở Thục Trung bất bình. Hơn nữa phòng tuyến của Lưu Bị hiện nay rất xa Giang Lăng, quân lực phân tán, chính là cơ hội tốt nhất để tấn công. Đại quân chúng ta vừa chiến thắng ở Hán Trung, Ích Châu ắt bị chấn động mạnh, khi quân ta kéo đên, lòng dân, quân ở đây dễ dàng tan rã, xưa nay thánh nhân tạo ra đại sự nhờ thời cơ bột phát, xin thừa tướng lập tức xuống lệnh hành động”.
Tào Tháo thấy lớp trẻ xuất sắc như vậy, lại có ý chí tranh hùng tranh bá, rất là vừa ý. Nhưng ông ta biết rõ trận đánh Hán Trung thắng được cũng nhờ may mắn, mà Ích Châu hiểm trở phải gian khổ gấp trăm lần, lại nữa Lưu Bị ở đấy cũng chẳng phải tay vừa.
Bởi thế Tào Tháo cười mà rằng: “Sự thống khổ của người ta, đều ở chỗ không biết thế nào là đủ, nay đã được voi sao còn muốn được tiên nhỉ?”.
Lưu Diệp cũng đề nghị với Tào Tháo rằng: “Lưu Bị là người hào kiệt, có lý tưởng, có nghị lực, chẳng qua thời vận lúc đầu chưa đến, nay đã tạm thời ổn định, không thể không đề phòng. Ông ta mới giành được đất Thục, lòng người chưa theo về, tấm bình phong Hán Trung ở phía bắc bị chúng ta đoạt mất, tin rằng đất Thục hiện nay đang bị chấn động rất lớn, thế lực ắt suy giảm, nay lấy đội quân hùng mạnh của chúa công, thuận đà mà đánh, không thể không thành công. Nếu như cứ trì hoãn, để Gia Cát Lượng có thời gian trị quốc, Quan Vũ, Trương Phi luyện quân thành thục, lòng dân đất Thục không lâu nữa sẽ mau chóng ổn định, lại thêm đất Thục hiểm yếu khó đánh, thiết nghĩ muốn tấn công họ sẽ càng khó khăn hơn. Hôm nay không trừ ngay đi, ắt là hậu hoạ về sau”.
Tào Tháo cười mà không đáp, chỉ yêu cầu Lưu Diệp xem xét kỹ tình báo trong đất Thục.
Bảy ngày sau, có người ở Thục đến đầu hàng, báo cáo với Tào Tháo: “Thục Trung lan truyền tin tức, quân dân toàn Ích Châu bởi sự kiện Hán Trung mà rất chấn động, chỉ trong một ngày, thậm chí có đến mấy chục sự biến, tuy nhà cầm quyền đã trấn áp nghiêm khắc, song cơ hồ vẫn chẳng thể ổn định được”.
Tào Tháo sau một lúc trầm tư, nói rằng: “Thục Trung đã ổn định, không thể tiến đánh được”.
Tin tức tình báo ở chiến trường thực hư khó phán đoán, phải dựa vào kinh nghiệm mà trực tiếp phán đoán. Nếu đối phương có nhược điểm mà chưa nhìn ra thì ta phải hoàn toàn chiếm lợi thế. Những tin tức tình báo lạc quan, thường có nhân tố ẩn tàng phía sau. Tào Tháo chỉ trong một thời gian ngắn, đối với tình hình thực lực hai bên có đánh giá hoàn chỉnh không bị mông lung, có thể nói là đã “biết mình, biết người, trăm trận chẳng thua” vậy.
2. Mãnh tướng Trương Phi khéo dùng kế chiếm thế thượng phong.
Đối với điều kiện địa lý mà nói, Hán Trung giáp với phía đông bắc Ích Châu, núi non vây bọc, ở giữa là bồn địa Hán Trung, đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú, bất luận là quân sự, kinh tế, chính trị đều có vị trí đặc biệt quan trọng. Trong cuốn “Quận quốc huyện đạo ký”, danh tướng Nam Tống là Trương Tuấn có viết:
“Hán Miện là đất có hình thế đặc biệt, phía trước khống chế quân sáu ngả đường, phía sau có thóc gạo Tây Thục, bên trái thông với Kinh Tương giàu có, bên phải liền với Tây Lương lắm ngựa, đấy là đất binh gia tranh chiến vậy!”. Bởi thế về tấn công và phòng thủ, Hán Trung đối với Tào Tháo và Lưu Bị đều quan trọng như nhau.
Để tăng cường phòng thủ Hán Trung, Tào Tháo phái Hạ Hầu Uyên vốn cùng họ với ông ta và đã được quan tâm bồi dưỡng làm Đô hộ tướng quân (Tào Tháo vốn họ Hạ Hầu), dẫn theo Trương Cáp và Từ Hoảng đã có kinh nghiệm tác chiến phong phú đến đó trấn giữ, lại lấy trưởng sử Tập Tuy làm quan hành chính để đôn đốc công việc ở Hán Trung.
Tập Tuy trông coi việc bình ổn dân tình ở Hán Trung, ông ta lấy phương thức nửa tự nguyện nửa cưỡng bức, đưa hơn 8 vạn người, ở Hán Trung có thế lực, dời đến vùng Lạc Dương và Nghiệp Thành, khiến cho việc cai quản ở Hán Trung mau chóng ổn định lại.
Lưu Bị và Gia Cát Lượng đã thấy rất rõ ràng, phải đoạt lấy Hán Trung trong tay Tào Tháo, so với Trương Lỗ lúc trước khó khăn gấp trăm nghìn lần, bởi thế chẳng thể xem thường, chỉ cần có một chút cơ hội cũng phải dốc sức nắm lấy.
Vì vậy khi Hoàng Quyền đến Ba Trung đón Trương Lỗ đang thất bại, Lưu Bị đã chỉ thị ông ta nhân cơ hội tiến đánh bộ lạc Phác Hồ, đoạt lấy cả vùng đất Ba Sơn.
Hạ Hầu Uyên không chịu nằm yên, ông ta hạ lệnh cho Trương Cáp khẩn cấp dẫn quân đến đóng ở vùng Ba Sơn. Ông ta tích cực động viên dân ở đấy dời vào Hán Trung, có ý biến nơi ấy thành bãi chiến trường lớn. Hành động của Trương Cáp lại thuận lợi ngoài ý muốn đến cả vùng đất quân sự quan trọng như Trá Cừ, Đãng Thạch của Ích Châu cũng đều bị sát nhập. Lưu Bị cũng lập tức ngả bài, ông ta phái Trương Phi đang làm Thái thú Ba Tây đến giao tranh với Trương Cáp. Trương Phi vẻ ngoài thô bạo, thực ra trong lòng rất tốt, trong trận Đương Dương Trường Bản, nếu như chẳng có ông ta can đảm dùng nghi binh chặn hậu, Lưu Bị phải chăng đã có được hôm nay, sợ rằng vẫn còn chưa có đất đứng chân.
Đối diện với binh lực của Trương Cáp hùng mạnh, Trương Phi cậy hiểm cố thủ lại, dùng quân sỹ quen thuộc địa hình Ba Trung, lấy chiến thuật du kích để quấy nhiễu đối phương.
Trương Cáp cũng là tay đối thủ đáng gờm, hai bên giao tranh kéo dài hơn 50 ngày, bất phân thắng bại. Do đường vận chuyển của quân Trương Cáp rất dài, lương thực mau chóng tiêu hao hết, nóng lòng không yên, tự nhiên mong ngóng đánh nhanh thắng nhanh. Ông ta phái không ít gián điệp, giám sát kỹ mọi hành động quân sự của Trương Phi.
Sau khi biết được tình thế của Trương Cáp, Trương Phi lại dùng sách lược đối phó với Nghiêm Nhan năm nào, cố ý dẫn hơn một vạn binh mã, giả vờ theo đường mòn đến đánh lén Trương Cáp.
Sau khi nghe thám mã nói rõ như thế, Trương Cáp phán đoán rằng Trương Phi muốn nhân cơ hội quân địch thiếu lương, lòng quân không yên mà đánh tập kích, lập tức dẫn quân chủ lực đuổi theo, cứ lối đường mòn mà bám theo phía sau Trương Phi, chuẩn bị thời cơ phản kích.
Chẳng ngờ quân đuổi theo khi đến Ngoã Ải Khẩu thì mất hút dấu vết của Trương Phi. Trương Cáp biết đã trúng kế, song đường núi nhỏ hẹp, quân trước sau không cứu giúp nhau được, trong khi đó quân mai phục của Trương Phi từ hai bên vách núi lấy đá lớn và mưa tên mà tiến đánh, chỉ trong chớp mắt quân sĩ tinh nhuệ của Trương Cáp cơ hồ đều bị chết cả.
Trương Cáp vốn không ít từng trải phải vứt ngựa leo lên vách núi, thoát được sự săn đuổi của Trương Phi, mấy vạn binh mã chỉ còn lại vài chục người chạy được. Thất bại rất nặng nề, cũng là kỷ lục thất bại đầu tiên của Tào Tháo ở Hán Trung.
3. Hai bên như kiến vỡ tổ, Hán Trung khói lửa mịt mờ
Năm Kiến An thứ 22, Đô đốc Đông Ngô là Lỗ Túc ngã bệnh từ trần, tin tức truyền lan, như một đám mây đen tức thì trùm lên Ích Châu, Gia Cát Lượng một mặt rất thương tiếc chiến hữu tâm đầu ý hợp ngày nào, một mặt cũng bởi thế mà lo lắng, cái chết của chính trị gia có ảnh hưởng với đại cục, sẽ dẫn đến tác động ít với mối liên minh Tôn - Lưu.
Quan Vũ ở Kinh Châu, chỉ có võ lược, thiêu nhãn quan chính trị, nếu chẳng được Lỗ Túc cố gắng sắp xếp, quan hệ Tôn - Lưu sớm đã rắc rối. Lã Mông tiếp thu công việc ấy là người thao lược, song thái độ chính trị lại khác, tình thế Kinh Châu sẽ phát triển như thế nào là mối lo lắng của Gia Cát Lượng.
Bởi thế sau khi Lỗ Túc tạ thế, sợ sau này chiến tuyến phía đông có biến, Gia Cát Lượng và Lưu Bị nhận định rằng phải rất mau chóng đoạt lấy Hán Trung, củng cố phòng tuyến Ba Thục, mới có thể cướp được thời gian, xử lý tốt quan hệ Tôn - Lưu.
Pháp Chính cũng đề nghị với Lưu Bị: “Năm ngoái mối đánh được Trương Lỗ, bình định được Hán Trung chẳng thừa thế đánh lấy Ba Thục, chỉ để lại Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp trấn giữ, còn mình lập tức rút quân về phía bắc, xét ra như không trí lược, thực bởi có chỗ bất cập! Đương nhiên cũng bởi liên quan với Hứa Đô (Hán Hiến đế) và Nghiệp Thành (Tào Tháo) ở gần đó, quan hệ ngày mỗi xấu đi, mới phải vội vàng rút về. Hạ Hầu Uyên và Trương Cáp thao lược không bằng chúa công, nếu ta mang quân tây chinh tháo phạt, ắt sẽ thành công. Sau khi có được Hán Trung, mới có thể trồng nhiều lương thực, tích trữ quân nhu, đợi đến thời cơ. Thứ nhất có thể diệt sạch kẻ địch, phục hưng nhà Hán. Thứ hai có thêm hai châu Ung, Lương mở rộng được lãnh thổ. Thứ ba có thể củng cố hiểm yếu, với kẻ địch đối đầu lâu dài. Đây là cơ hội tốt mà ông trời cho chúng ta, dứt khoát không thể để mất!”.
Đúng mùa xuân năm Kiến An thứ 23, Lưu Bị theo đề nghị của Pháp Chính qua hơn một năm tích cực bố trí đã hoàn toàn chuẩn bị tốt việc tiến đánh Hán Trung.
Mặt khác, Hạ Hầu Uyên cũng dốc toàn lực tăng cường phòng ngự suốt một dải Dương Bình Quan. Tạm thời đám mây chiến tranh phủ khắp Hán Trung, chỉ đợi bùng nổ không biết lúc nào.
Lưu Bị lưu Gia Cát Lượng trông coi Thành Đô, tự mình dẫn đại quân Ích Châu đông như đàn kiến, khí thế rất hùng dũng.
Đội quân của Lưu Bị bắc phạt Hán Trung được sắp xếp như sau:
Thống soái: Lưu Bị
Tổng tham mưu trưởng: Pháp Chính
Đạo quân thứ nhất: Quân đoàn Hoàng Trung
Đạo quân thứ hai: Quân đoàn Trương Phi
Đạo quân thứ ba: Quân đoàn Mã Siêu
Đạo quân thứ tư: Quân đoàn Ngô Lan
Đạo quân dự bị: Quân đoàn Triệu Vân
Lưu Bị phái Trương Phi, Mã Siêu, Ngô Lan lên phía bắc đánh quân Vũ Đô, đóng đồn ở Hạ Biện, có ý cắt đứt liên hệ giữa quân Tào Tháo ở Hán Trung với vùng Quan Trung. Tự mình dẫn quân Hoàng Trung đi trước, trực tiếp đánh vào vùng then chốt Hán Trung. Triệu Vân thì tạm thời ở lại Ích Châu, tùy thời đợi lệnh.
Tào Tháo sau khi được tin báo, lập tức hạ lệnh cho Tào Hồng đang làm Đô hộ tướng quân trấn thủ Tràng An, cùng với quân Tào Hưu đến ngăn chặn đường tiến của Trương Phi.
Trung tuần tháng 3, quân Tào Hồng đã đến đóng ở quận Vũ Đô, dự định đánh quân Ngô Lan đang ở Hạ Biện, nhưng quân Trương Phi và Mã Siêu ở vùng Cố Sơn hợp với quân Ngô Lan theo thế ỷ giốc, hiển nhiên nếu Tào Hồng mang quân đến, họ sẽ có ý đồ chặt đứt đường tiếp viện của Tào Hồng; trước việc uy hiếp ấy Tào Hồng rất đau đầu, bởi thế vội triệu tập hội nghị quân sự để thảo luận đối sách. Các tướng lĩnh tham dự hội nghị đều cho rằng nên dừng lại để tránh rơi vào thế giáp kích của Trương Phi và Ngô Lan, hơn nữa còn có quân Tây Lương của Mã Siêu, vẫn dũng mãnh có tiếng, với quân Tào lại có oán thù sâu sắc, dứt khoát chẳng thể xem thường. Tào Hưu một mình đứng ra nói rằng - Quân địch nếu thực có ý cắt đứt đường vận chuyển của chúng ta, xét về lý phải bí mật hành động mới có hiệu quả. Nay khoa trương thanh thế biểu lộ họ không đủ binh lực, mới phải làm thế. Bởi vậy tôi cho rằng, trước lúc họ chưa ổn định, trực tiếp tập kích quân Ngô Lan, chỉ cần quân Ngô Lan tan vỡ, Trương Phi và Mã Siêu ắt sẽ chẳng thể giữ được Cố Sơn.
Tào Hồng nghe theo ý kiến Tào Hưu tự mình dẫn quân chủ lực tập kích quân Ngô Lan, Ngô Lan không địch nổi, phó tướng Nhậm Quỳ bỏ mình tại trận. Ngô Lan chạy đến Âm Bình, cũng bị người Đê ở đây giết chết. Trương Phi và Mã Siêu muốn đến chi viện, song Tào Hưu tự mình chỉ huy đại quân cố thủ quận Vũ Đô, khiến Trương Phi vô kế khả thi, đội quân thứ tư của Lưu Bị trước lúc vào được Hán Trung đã bị đánh tan.
Cuối tháng 3, quân Trương Phi và Mã Siêu, quả nhiên không thể chịu đựng áp lực của Tào Hồng có ưu thế về quân lực, lại thêm lương thực bổ sung rất khó khăn phải nhằm hướng nam rút về vùng Hán Trung.
4. Phản bại thành thắng, Pháp Chính dùng mưu
Tháng 4 quân chủ lực Lưu Bị đã hạ trại ở gần Dương Bình Quan. Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp, Từ Hoảng, cũng không chịu nằm yên rối rít kéo ra giao tranh.
Lưu Bị phái đại tướng Trần Thức vội đánh chiếm đường Mã Minh Các, lấy thế ở trên cao mà nắm ưu thế. Quân Từ Hoảng tập kích Trần Thức, do thiếu chuẩn bị nên Từ Thức bị thua to, khiến quân Lưu Bị mới xuất trận, về địa lợi và thanh thế đều xuống thấp.
Trương Cáp nhân cơ hội đến đóng đồn ở Quảng Thạch, đối đầu chính diện với quân chủ lực của Lưu Bị, Lưu Bị đã mấy lần lệnh cho Hoàng Trung tấn công mạnh mẽ, song đều phải rút quân, đạo quân thứ nhất cũng phải chịu không ít tổn thất, Lưu Bị đành phải điều động đạo quân Triệu Vân đang ở Ích Châu đến chi viện.
Tháng 7, Tào Tháo xét thấy tình thế chiến cục ở Hán Trung, Lưu Bị đang ở thế rất cố gắng cũng không thể xem thường, nếu như mình không tự xuất binh, phải chăng không dễ ngăn cản được cuộc tiến công ấy. Thế rồi có kế hoạch sắp xếp lại toàn bộ, đầu tiên điều động quân Từ Hoảng trở về, để hiệp trợ Trương Liêu đối phó với Tôn Quyền ở phía đông. Tự mình thì điều động Hạ Hầu Đôn đang trấn thủ ở Dự Cổn, và Tào Chân đang độ sung sức, cùng với Tào Hưu mới ở Vũ Đô trở về lập tức tiến hành cuộc tây chinh.
Tháng 9 đại quân của Tào Tháo đến Tràng An lập tức cho người triệu hồi Tào Hồng đang ở Vũ Đô, để hiểu rõ hơn quân tình ở Hán Trung.
Tổng chỉ huy Hạ Hầu Uyên là người nổi tiếng bởi dũng mãnh, trách nhiệm và thấu đáo, bởi thế được Tào Tháo cân nhắc, ở trong quân đội của Tào Tháo, uy danh còn hơn cả người anh là đại tướng Hạ Hầu Đôn. Hơn nữa sau khi được bổ nhiệm làm thống soái quân Hán Trung, lại độc lập đối kháng với Lưu Bị từng nổi tiếng hào kiệt ở đời, đã mấy lần đánh bại được quân Lưu Bị mà thêm nổi tiếng, cũng đã bộc lộ ra sắc thái kiêu ngạo ít thấy.
Khẩu khí của Hạ Hầu Uyên rất ghê gớm, khiến Tào Tháo cũng phải lo hộ ông ta. Trong thời gian đối đầu ở Dương Bình Quan, Tào Tháo đã đặc biệt viết thư nhắc nhở ông ta: “Kẻ làm đại tướng phải hiểu rõ lâm trận là đáng sợ, hiểu được chỗ yếu của mình, chẳng thể quá dựa vào võ dũng. Đã rõ là bản chất của Tướng quân là vậy, song hành động phải có trí tuệ. Nếu chỉ hoàn toàn vũ dũng, chỉ có thể địch nổi kẻ thất phu mà thôi”.
Hạ Hầu Uyên sau khi được thư, lại cho rằng Tào Tháo đánh giá Lưu Bị quá cao, nay quân Hán Trung đang có khí thế, nếu quân tiếp viện của Lưu Bị có đến thêm nữa, cũng chẳng thể làm được gì.
Tháng giêng năm Kiến An thứ 24, Lưu Bị ở Dương Bình Quan đã kéo dài cuộc chiến đấu với Hạ Hầu Uyên gần một năm. Gia Cát Lượng từ Thành Đô vội đến tiền tuyến, cùng với Pháp Chính bàn bạc đối sách, theo đề nghị của hai người, Lưu Bị dự định sẽ vận dụng chiến thuật dụ địch.
Lưu Bị cũng thấy Hạ Hầu Uyên kiêu căng khinh địch, lại xem thường quân Ích Châu, bởi thế quyết định làm cho ông ta càng thêm kiêu ngạo. Đầu tiên Lưu Bị giao quyền chỉ huy đạo quân tiền tuyến cho lão tướng Hoàng Trung vốn có kinh nghiệm phong phú lại dũng cảm, tự mình dẫn quân chủ lực, Pháp Chính cùng quân sĩ dưới trướng rút về phía nam, để biểu thị ý đồ, vứt bỏ Hán Trung, khiến Hạ Hầu Uyên càng thêm kiêu ngạo. Tiếp theo, Lưu Bị lệnh cho Hoàng Trung đến Đông Thành đánh Trương Cáp bằng một trận hoả công mãnh liệt. Hạ Hầu Uyên nghe tin, lập tức lệnh cho Hạ Hầu Thượng và Hàn Hạo dẫn quân chi viện, quân Hoàng Trung rút chạy, Hạ Hầu Thượng thừa thắng truy kích, Trương Cáp khuyên mãi không được đành phải theo sau tiếp ứng.
Quân Hoàng Trung mỗi ngày rút một chặng, mau chóng đến được Đãng Sơn. Hàn Hạo và Hạ Hầu Thượng đuổi đến, Hoàng Trung mãnh liệt quay lại phản kích, quân mai phục 2 bên đều đổ ra, Hàn Hạo, Hạ Hầu Thượng bị đánh bất ngờ, toàn quân hỗn loạn, hai viên tướng đều bị chết. Trương Cáp thấy Hoàng Trung dũng mãnh hơn người, không dám ham chiến, phải rút về Đông Thành để thủ thế.
Hoàng Trung thừa thắng đánh đến tận đại bản doanh của Hạ Hầu Uyên ở Nam Thành, Hạ Hầu Uyên cả giận, dốc tổ mà ra, muốn diệt sạch quân Hoàng Trung để trả thù cho Hạ Hầu Thượng.
Lưu Bị vội phái sứ giả báo cho Hoàng Trung không nên quyết chiến, mau chóng rút về phía Miện Thủy, cùng với quân chủ lực của Lưu Bị hợp quân đóng trại ở trên núi, từ trên cao nhìn xuống, cậy hiểm mà giữ. Do liên tục điều động mau chóng, quân Hoàng Trung lộ rõ thứ tự hỗn loạn, Hạ Hầu Uyên thấy thế, tưởng có thể đánh tan bèn dẫn một số ít quân cận vệ đuổi theo, muốn giết chết Hoàng Trung. Trương Cáp nghe tin, sợ có mưu kế lập tức cũng dẫn quân đuổi theo.
Song Hạ Hầu Uyên muốn lập công lớn, hành động vội vàng, dẫn quân đến dưới núi. Pháp Chính ở trên núi đốc chiến thấy quân Hạ Hầu Uyên cờ xí rối loạn, quân đội không chỉnh tề, bố trí sơ hở nhiều chỗ, cho rằng thời cơ đã đến, bèn nói với Lưu Bị: “Có thể đánh được rồi”.
Lưu Bị hạ lệnh cho Hoàng Trung từ bên trên tràn xuống đánh vào quân Hạ Hầu Uyên, quân Hạ Hầu Uyên chẳng hề chuẩn bị lại không ngờ bị đối phương tập kích. Bị quân Ích Châu dốc sức xung sát, rơi vào thế hỗn loạn kêu trời kêu đất mà chạy mỗi người một ngả, chủ soái Hạ Hầu Uyên và phó tướng Triệu Ngưng bị giết hại tại trận, 5000 quân vệ binh cơ hồ hoàn toàn bị tiêu diệt.
5. Trương Cáp nhận lệnh lúc lâm nguy.
Quân chi viện của Trương Cáp chạy đến hiện trường, nghe thấy sự tình như thế, lập tức hoả tốc rút về Dương Bình Quan cố thủ. Bởi Thống soái đột nhiên bỏ mạng, như rắn không đầu, lòng quân hoang mang, chẳng biết làm gì, tham mưu trưởng Quách Hoài đứng ra lo liệu, ông ta tiến cử Trương Cáp thay mặt nguyên soái, được các tướng lĩnh đồng ý. Trương Cáp nhận sứ mệnh lúc lâm nguy, sớm lo phòng thủ vững chắc Dương Bình Quan, lại phái sứ giả cấp báo cho Tào Tháo đang ở Tràng An ngay đêm Hạ Hầu Uyên bỏ mạng, quân chủ lực của Lưu Bị lại đến trước ải Dương Bình, đối trận với doanh trại của Trương Cáp ở bên kia sông Hán Thủy.
Dương Bình Quan im lặng cố thủ trong bóng đêm. Chỉ thấy bờ bên kia đèn lửa sáng trưng, chắc hẳn sáng mai quân địch sẽ vượt sông sang đánh. Trong không khí rầu rĩ và khẩn trương, Trương Cáp triệu tập hội nghị quân sự, không ít tướng lĩnh cho rằng hãy tạm thời cậy hiểm mà giữ để ngăn cản những đợt tấn công của Lưu Bị.
Nhưng Quách Hoài lại cực lực phản đối, ông ta cho rằng đấy là chiến thuật bị động, nếu như hiện nay quân Tào tinh thần đang suy sút mà Lưu Bị dốc sức tấn công, thì Dương Bình Quan chẳng thể giữ được. Chẳng bằng bố trí trận địa ở cách xa bờ sông Hán Thủy, biểu thị thái độ quân ta không sợ đánh nhau, nếu quân địch vượt sông sang bên này, ắt sẽ bị đánh giữa chừng. Bởi Lưu Bị tính cách tác chiến vốn cẩn thận, lại thấy có chỗ nghi kỵ không dám trực tiếp tiến đánh. Trương Cáp mạnh dạn làm theo ý kiến ấy dẫn quân chủ lực bầy trận bên sông Hán Thủy. Đến khi trời sáng, Lưu Bị đến trước trận tiền, quan sát cách bố trận của Trương Cáp, phán đoán đối phương có dũng khí quyết chiến, sợ có phục binh, không dám tràn qua sông, bởi thế rút quân đi.
Trương Cáp lúc bấy giờ mới thở phào lại theo kế hoạch của Quách Hoài, tăng cường việc phòng ngự, biểu thị quyết tâm tử thủ đến cùng.
6. Tào Tháo dẫu có đến, cũng chẳng thể làm gì.
Tào Tháo sau khi tiếp được báo cáo của Quách Hoài, rất khen ngợi sự ứng biến của ông ta, lại lập tức chính thức bổ nhiệm Trương Cáp làm Thống soái quân Hán Trung. Tháng 3 Tào Tháo tự mình dẫn quân từ Trương An kéo ra Tà Cốc, dẫn đại quân đến Dương Bình Quan, quân ở đấy tung hô như sấm, sĩ khí rất hăng hái.
Lưu Bị ở phía bên kia sông nhìn thấy lại nói một cách rất tự tin: “Tào Tháo dẫu có lại, cũng chẳng thể làm gì, ta ắt sẽ có cả hai đất Hán Xuyên”.
Rồi hạ lệnh dựa vào chỗ cao cậy hiểm mà giữ, không tiến hành giao chiến lớn với Tào Tháo.
Bởi kho lương ở Thiên Đãng Sơn đã mất, quân Tào càng thêm khó khăn về vận chuyển lương thực, khiến đến như Tào Tháo có thiên tài quân sự, cũng phải rất đau đầu.
Tào Tháo không thể không sửa sang đường vận chuyển lương thực, song thiếu điều kiện thuận lợi thường phải dùng một số quân lớn để hộ tống.
Khéo thay Lưu Bị tóm ngay được chỗ yếu ấy lại thường xuyên nghĩ cách cướp lương thực, làm cho Tào Tháo đau đầu không thôi, cố gắng suy nghĩ tìm tòi đối sách ứng phó.
Có một lần, quân lương của Tào Tháo chuyển qua Bắc Sơn, Hoàng Trung lập tức dẫn quân chủ lực quân đoàn số một đến cướp lấy lại rơi vào sự mai phục của quân Tào, phải chiến đấu ác liệt mà không thể thoát thân. Tướng quân Triệu Vân thấy Hoàng Trung mãi không về lại sợ đem quân đi sẽ tạo thành lỗ hổng phòng ngự, bèn lệnh cho phó tướng Trương Duệ giữ trại, tự mình dẫn vài chục quân kỵ đến nơi xem xét. Đúng lúc quân Tào đang đuổi sát Hoàng Trung, tình hình rất cấp bách cả tướng lẫn quân đang hoảng hốt rối rít tìm đường rút chạy. Triệu Vân lệnh cho bầy trận một mình một ngựa ra trước đợi quân Tào đang kéo đến, tiếp ứng cho quân Hoàng Trung đang tán loạn. Bởi quân Tào có ưu thế áp đảo, Triệu Vân vừa đánh vừa chạy, rút về doanh trại của mình ở bờ bắc sông Hán Thủy.
Đại quân Tào Tháo kéo đến, Trương Duệ muốn đóng cửa trại cự địch. Chẳng ngờ Triệu Vân chạy về, lại hạ lệnh mở cửa trại, sau đó toàn doanh trại hạ cờ im trống, giữ yên lặng hoàn toàn, tự mình dẫn mấy chục kỵ binh ra trước trại, chuẩn bị giáng trả quân xung kích của Tào Tháo. Thấy doanh trại Triệu Vân đứng dựa bên sông, quân Tào kéo đến trước trại lại ngờ có phục binh, không dám liều lĩnh xông lên. Triệu Vân thấy khí thế quân Tào đã mất lệnh cho nổi trống ầm ĩ, tự mình dẫn quân sung sát, lại lệnh cho Trương Duệ dẫn quân cung nỏ, lấy một trận mưa tên mà nhằm vào quân Tào đang rút chạy. Chỉ trong một thời gian mà quân Tào mất cả ý định ban đầu, kinh hãi dẫm đạp lên nhau, ngã xuống sông Hán Thủy chết không biết bao nhiêu mà kể.
Hôm sau Lưu Bị đích thân đến thăm doanh trại của Triệu Vân, thị sát tình hình, sau khi biết rõ tình thế lúc ấy không khỏi cảm thán rằng: “Triệu Tử Long thực là người rất can đảm”.
7. Tào Tháo phải than thở, Hán Trung như gân gà.
Quân Tào để mất cơ hội đánh bại quân Ích Châu lại còn bị đại bại, tính thần trong quân sút kém, lại thêm tình hình lương thực không đủ, ngày mỗi nghiêm trọng, tuy đã nghĩ mọi cách, vẫn rất khó triệt để giải quyết vấn đê vận chuyển, thậm chí không ít quân đoàn bắt đầu có binh lính bỏ trốn, Tào Tháo cảm thấy sâu sắc tình hình tiến thoái lưỡng nan.
Tháng 5 đang mùa hè thì mùa mưa Hán Trung lại đến, đội quân Tào với số lượng rất lớn lại càng thêm khó khăn về cung cấp lương thực, đến như Vương Bình phụ trách hướng đạo cũng đã bỏ trốn đầu hàng Lưu Bị. Tào Tháo bất đắc dĩ, trong hội nghị quân sự, đã ví Hán Trung là “kê cân” (gân gà): “Kê cân lại kê cân, ăn thì vô vị vứt đi thì tiếc”.
Về tình cảm tuy chẳng muốn song suy nghĩ theo lý tính, Tào Tháo vẫn hạ lệnh nhổ trại rút quân, đành khoanh tay đưa Hán Trung cho Lưu Bị.
Khi Tào Tháo rút khỏi Hán Trung vẫn để lại hai quân đoàn của Trương Cáp và Tào Hồng chia ra đóng đồn ở Trần Thương và Vũ Đô, để ngăn chặn Lưu Bị sẽ từ Vũ Đô mà tiến vào Quan Trung; mặt khác lại hạ lệnh cho Trương Ký đang làm Thứ sử Ung Châu tăng cường phòng thủ ở biên giới, hạ lệnh cho Tào Chân là người em trai tài giỏi yểm hộ Tào Hồng dần dần rút khỏi Vũ Đô, kết thúc chiến dịch Hán Trung đã kéo dài hơn một năm.
Về điều này sự miêu tả của Tam quốc diễn nghĩa có chỗ bất đồng, chiến dịch Hán Trung lần này từ đầu đến cuối chỉ có Lưu Bị và Pháp Chính chỉ huy tác chiến, Gia Cát Lượng sau này tuy có đến tiền tuyên bàn bạc việc quân, song đại bộ phận thời gian vẫn ở Thành Đô. Dứt khoát chẳng có những chuyện như trong Tam quốc diễn nghĩa, như Gia Cát Lượng khéo nói khích Hoàng Trung, giết chết Hạ Hầu Uyên, điều khiển Triệu Vân đánh trận Hán Thủy, cuối cùng lại dùng nghi binh bắt Tào Tháo phải rút quân.
Theo lịch sử ghi chép, Tào Tháo sau này biết âm mưu lấy Hán Trung đều do Pháp Chính, còn trào lộng rằng: “Ta đã biết rằng Lưu Bị chẳng thể có được năng lực như thế”, thực ra, thân làm đại tướng, âm mưu hà tất đều phải tự mình nghĩ ra; Ngô khởi đã từng phải than rằng: “Chỉ lo quần thần không ai theo kịp”.
Lưu Bị có thể dùng kế sách của Gia Cát Lượng đế lấy Kinh Châu, dùng hoạch định của Bàng Thống để lấy Tây Xuyên, lại dùng mưu lược của Pháp Chính để đoạt lấy Hán Trung, biểu thị rõ ràng ông ta là người hiểu được việc cân nhắc nhân tài, vận dụng được sự nổi trội của những người ấy!
Sau đại chiến Xích Bích, Tào Tháo lại bị thua Lưu Bị, đấy là hai địch thủ truyền kiếp cuối cùng đã trực tiếp giao đấu với nhau. Từ cuộc chiến tranh này, chúng ta có thể thấy, Lưu Bị sau nhiều năm bôn ba đã định hình được, lời tiên đoán “thiên hạ anh hùng chỉ có Sứ quân và Tháo vậy” đã ứng nghiệm.
Kể từ trận đánh Hợp Phì trước đó không lâu với Tôn Quyền, đến chiến dịch Hán Trung lần này, Tào Tháo cơ hồ đã đánh mất nhuệ khí chiến đấu đến cùng. Ban đầu, có thể trong thâm tâm ông ta, đã thấy việc thống nhất là vô vọng, thiên hạ chia ba theo thế chân vạc là điều không thể tránh khỏi.
8. Có được hai Châu Kinh, Ích, vương triều mới đã hình thành.
Cùng thời gian giành được Hán Trung, Lưu Bị đã lệnh cho Mạnh Đạt đang là Thái thú Nghi Đô, từ Tỉ Quy đánh lên Phòng Lăng phía bắc. Mạnh Đạt sau khi đánh được Phòng Lăng, giết được Thái thú Khoái Kỳ, lại còn tiến lên phía bắc, đến tận Thượng Dong.
Lưu Bị lo Mạnh Đạt có sơ xuất, phái con nuôi là Trung lang tướng Lưu Phong từ Hán Trung dong thuyền theo Miện Thủy xuôi xuống, cùng Mạnh Đạt tấn công Thượng Dong, Thái thú ở Thượng Dong là Thân Đam do Tào Tháo bổ nhiệm phải vứt thành mà đầu hàng, còn vợ con và họ hàng đều bị bắt về Thành Đô làm con tin. Lưu Bị lại phong Thân Đam làm Chinh bắc tướng quân vẫn làm Thái thú ở Thượng Dong, lại lấy người em trai là Thân Nghi làm Kiến tín tướng quân, lĩnh chức Thái thú Tây Thành. Lưu Phong thì xin làm phó quân tướng quân ở lại giữ Thượng Dong, để làm bình phong che chở cho phía đông nam Hán Trung.
Tháng 7 đang mùa thu, Lưu Bị tự xưng là Hán Trung Vương, chính thức cai quản đại bộ phận Kinh Châu và toàn bộ Ích Châu (gồm cả Hán Trung) kể từ trận đánh Đương Dương năm Kiến An thứ 13, một cơ sở luôn bị phá sản, sau mười năm được Gia Cát Lượng với vai trò một tổng quản lý chuyên nghiệp qui hoạch lại đã thoát khỏi khó khăn, trở thành một trong ba chân đỉnh lớn của toàn quốc.

Lời bình của Trần Văn
Phất cờ gióng trống giữa chừng trận đánh, thời cơ thắng bại thường xảy ra trong chớp mắt.
Binh pháp Tôn Tử từng chỉ ra rằng khi rơi vào trận chiến gay go nếu duy trì được sức tác chiến, của mình kiên trì đến cùng, thường phản bại thành thắng.
Bởi thế nếu kẻ địch binh lực ít hơn ta, thì quân ta chia thành mấy đội mà luân phiên công kích. Nếu kẻ địch binh lực nhiều mà ta thì ít, nên vận dụng thế trận ngưng kết nội bộ, mới có thể phòng được sự khiêu chiến từ bên ngoài, ấy là “dĩ dật đãi lao” vậy.
Trận đánh Hán Trung, có ba lần đánh lớn, đều bởi kiên trì phòng thủ đến cùng, mới phản bại thành thắng được.
Lúc mới đầu, quân Hạ Hầu Uyên của Tào Tháo, có binh lực và thanh thế chiếm ưu thế, ví như Tào Hồng đánh bại được Ngô Lan, bắt Mã Siêu và Trương Phi rút chạy, Trương Cáp chém được Trần Thức. Có thể nói lúc ấy, quân viễn chinh của Lưu Bị, tựa hồ ở thế yếu hoàn toàn.
Song theo qui hoạch của Pháp Chính, được Hoàng Trung dũng mãnh và rất có trách nhiệm, đã ra mặt dẫn dụ được Hạ Hầu Uyên. Chiến thuật được Hoàng Trung vận dụng khá khéo léo, trước dụ giết được Hàn Hạo và Hạ Hầu Thượng, đến khi Hạ Hầu Uyên đã rất giận dữ, lại vờ thua dẫn dụ ông ta đến đóng quân dưới núi, lợi dụng địa hình mà giết được Hạ Hầu Uyên.
Đại tướng quân biết quên mình, tinh thần binh sĩ rất hăng hái chiến đấu, Tào Tháo cuối cùng không thể không nhường Hán Trung, Hạ Hầu Uyên phải bỏ mình, nhân tố then chốt chính là ở đấy.
Sau khi Hạ Hầu Uyên bỏ mạng tại trận, thanh thế quân Tào suy sụp, Lưu Bị thừa thắng bao vây Dương Bình Quan tình thế rất nguy cấp. Theo đề nghị của Quách Hoài, Trương Cáp tạm thời thay mặt thống soái giữa lúc nguy cấp ở trước cửa, Trương Cáp cổ động dũng khí, bầy trận ở ngoài thành tích cực chuẩn bị chiến đâu, lại khiến Lưu Bị không dám qua sông đánh thành.
Ở giai đoạn này, dũng khí của tướng sĩ quân Tào, khiến họ tạm thời vãn hồi được thế yếu.
Trận đánh Hán Thủy là một việc phát sinh ngẫu nhiên, song nếu như chẳng phải Triệu Vân dựa vào bờ sông bầy trận, Lưu Bị bố trí quân ở phòng tuyến Hán Thủy khả năng chỉ một trận phá tan, sẽ không ảnh hưởng đến đại cục cuối cùng, ít ra sẽ kéo dài chiến tranh thêm mấy tháng nữa.
Đại tướng có tài có thể chống đỡ được khi nguy cấp, là báu vật của quốc gia.