Chương 15

    
hi lái xe qua con đường quốc lộ đông xe cộ qua lại, tôi chợt nhận ra đây là chỗ rất gần nơi trước kia tôi đã sống. Tôi được người bác ruột đón về ở đó, và bác đã nuôi tôi ăn học hết cấp hai, cấp ba, rồi cả lên tận tới đại học. Nhưng, bác tôi đã mất từ ba năm trước. bác gái giờ đã già hiện đang sống vui vầy cùng vợ chồng người con trai (anh ấy hơn tôi ba tuổi, công tác ở một ngân hàng) và ba đứa cháu nội. Bác ấy là người buồn nhất trước việc tôi và em ly hôn. Tuy không phải là con ruột của bác, nhưng bác đã nuôi nấng tôi lớn khôn cũng như nuôi nấng người con đẻ của mình mà không có chút thiên vị nào. Bác ấy đang sống ở gần đây. Nghĩ đến đó, tôi thấy người mình nóng bừng. Tôi làm việc qua mấy công ty rồi cũng lụn bại. Bác tôi đã giấu mọi người và cho tôi vay khoản tiền gần sáu trăm nghìn yên. Từ đó đến nay, tôi vẫn chưa trả được cho bác khoản tiền đó, và cũng hơn hai năm rồi, tôi chẳng những không vác mặt mình đến gặp bác, mà cũng chẳng một lần gọi điện thoại liên lạc với bác. Đó là khoản tiền sáu trăm nghìn yên rất quan trọng với bác để bác sống những ngày tháng tuổi già. Tôi đã quịt mất khoản tiền sáu trăm nghìn yên đó và lặn mất tăm. Tôi nói với Reiko đây là nơi trước kia cô đã sống. Lần đầu tiên tôi nói với cô ấy về chuyện quá khứ của mình. Khi nói đến đó, tôi chợt nhớ ra là mình có một cô bạn học cùng cấp ba, hiện đang nối nghiệp bố mẹ quản lý một tiệm thẩm mỹ. Tôi nghĩ, rất có thể cô ấy sẽ nhận lời ký hợp đồng đặt hàng làm cuốn tạp chí PR nếu tôi cất lời nhờ. Thế nhưng, nếu tôi ló mặt ở đó, có thể cô ấy sẽ nói lại với bác tôi. Vì tiệm thẩm mỹ đó ở cùng một dãy phố với nhà bác tôi, chỉ đi bộ hết có mười phút là tới. Nhưng, Reiko cứ khăng khăng nhất định sẽ không về nếu chưa ký được hợp đồng với một cửa hàng, mà tôi thì muốn được giải phóng cho mau. Tâm trạng ấy cũng đan xen với tâm trạng muốn làm cho Reiko được vui, bởi cô ấy vẫn cứ mồ hôi ròng ròng đi cúi đầu chào hàng hết tiệm thẩm mỹ này đến tiệm thẩm mỹ khác. Khi đi qua cổng trường cấp ba trước kia tôi đã từng học, rồi dừng xe ngay phía trước khu phố buôn bán sầm uất, tôi lấy từ tay Reiko túi giấy đựng các tờ rơi quảng cáo làm vội, cuốn tạp chí mẫu, bản đăng ký, và bảo rằng, một người bạn cũ của tôi đang kinh doanh một tiệm thẩm mỹ ở gần đây, cũng không biết người ấy có ký giúp hợp đồng hay không, nhưng cứ để tôi thử đặt vấn đề xem sao. Thường thường, tiệm thẩm mỹ là nơi nam giới rất ngại đặt chân vào. Nhòm từ bên ngoài cửa sổ, cô bạn đó trông giờ đã khá nhiều tuổi đang đứng gần cửa ra vào và chỉ đạo nhân viên làm việc có vẻ rất bận rộn. Tôi cứ đi đi lại lại, lưỡng lự không biết có nên vào trong tiệm thẩm mỹ lớn đó hay không. Thế rồi, tôi chẳng đủ can đảm để bước vào trong đó, đành bỏ cuộc và quay về. Bỗng, có tiếng gọi: “Arima ơi!”. Tôi ngoái đầu lại. Bà chủ của tiệm thẩm mỹ đã xuất hiện bên cửa sổ kính và đứng nhìn tôi. Người đó hỏi, đúng là Arima rồi, có chuyện gì mà cậu cứ đi đi lại lại trước cửa hàng thế. Tôi bảo, tớ có việc muốn nhờ cậu, nhưng ngại bước vào trong tiệm thẩm mỹ quá. Tôi gặp cô bạn ấy lần cuối cùng là vào ngày họp lớp, cuối năm tôi và em cưới nhau. Cô bạn nói với giọng như nhớ lại thời xa xưa ấy rằng, vừa nhìn thấy mặt tôi là cô ấy đã nhận ra tôi ngay. Cô bạn mời tôi vào trong cửa hàng, rồi hỏi xem việc tôi định nhờ cô ấy là gì? Tôi vào trong tiệm, ngồi trên ghế sofa ở phòng tiếp khách, giở cuốn tạp chí mẫu và tờ rơi quảng cáo ra. Tôi nói dối với cô bạn là tôi đã làm công việc này từ ba năm trước đây. Bởi tôi e rằng, nếu mình nói đây là công việc chúng tôi vừa mới bắt tay vào làm, cô bạn tôi sẽ không có sự tin tưởng với công việc của chúng tôi. Cô ấy xem kỹ càng cuốn tạp chí mẫu, rồi hỏi tôi xem chúng tôi có chắc chắn sẽ giữ nguyên tắc là một khu vực chỉ ký với một cửa hàng hay không? Tôi cho cô ấy xem bản đồ, và hỏi xem có phải đến khu vực này là phạm vi kinh doanh của cửa hàng hay không? Tôi bảo, nếu hợp đồng được ký, chúng tôi nhất định sẽ không ký hợp đồng với bất kỳ tiệm thẩm mỹ nào khác trong phạm vi khu vực này. Cô ấy lẩm bẩm, một bản là hai mươi yên à, rồi có vẻ đăm chiêu. Thấy thế, tôi chỉ tay ra bảng giá đề ngoài cửa ra vào, và bảo. Cửa hàng nào cũng cố gắng có sự sáng tạo riêng trong các kỹ thuật làm đẹp, hay các dịch vụ chăm sóc khách hàng đúng không? Tuy nhiên, nếu cửa hàng của cậu có thêm một động tác nữa, đó là hằng tháng phát hành thêm cuốn tạp chí PR như thế này cho riêng cửa hàng của mình, chắc chắn khách hàng sẽ cảm nhận thấy tiệm thẩm mỹ này có sự nỗ lực hơn hẳn trong dịch vụ chăm sóc khách hàng. Chỉ với hai mươi yên cho mỗi cuốn, cậu sẽ hoàn vốn ngay với những khách sử dụng dịch vụ ở mức giá năm, sáu nghìn yên còn gì. Quả là bèo. Trong khung hình chữ nhật ở trang bìa, có in rất cẩn thận tên cửa hàng, tên người quản lý, nên khách hàng sẽ không nghĩ cuốn tạp chí mình được tặng là đồ ăn liền đâu, và họ sẽ thấy hứng thú đọc nó cho mà xem. Chính vì thế, công ty chúng tớ đã tuân thủ nguyên tắc là một khu vực chỉ ký hợp đồng với một cửa hàng, và ở vùng Kansai, chúng tớ đã có tới một trăm hai mươi cửa hàng vẫn cứ đều đặn hàng tháng lấy tạp chí của chúng tớ đây. Tôi liều mạng nói ba hoa chích chòe. Cô bạn hỏi tôi hằng tháng, cửa hàng sẽ nhận tạp chí như thế nào? Nếu gửi qua đường bưu điện thì ngoài khoản bốn nghìn yên ra, chúng tôi sẽ lại phải trả thêm chi phí vận chuyển nữa chứ. Tôi cứng họng không biết trả lời sao. Nếu giá đó có kèm thêm cả phí vận chuyển, lãi của chúng tôi sẽ bị giảm đi. Còn nếu bắt họ phải gánh cả chi phí đó, rất có thể họ sẽ không nhận ký hợp đồng nữa. Về vấn đề này thì Reiko hoàn toàn không bàn bạc gì với tôi cả. Ngay tức khắc, tôi buột miệng bảo, vào cuối các tháng, chúng tớ sẽ cho xe ô tô mang đến tận nơi. Chúng tớ có cả một hệ thống vận chuyển đến tận nơi trao hàng và nhận tiền. Cô bạn tôi nói luôn, nếu vậy thì tớ sẽ ký hợp đồng. Ngay lập tức, cô ấy điền địa chỉ, số điện thoại, tên mình vào bản đăng ký, đóng dấu rồi bảo, một bộ gồm hai trăm bản sẽ không thể đủ với cửa hàng chúng tớ. Chúng tớ cần sáu trăm bản cơ. Nhưng, lúc đầu, tớ cứ ký thử với số lượng bốn trăm bản đã. Cô bạn tôi hỏi rằng, nếu không hiệu quả thì dừng hợp đồng lúc nào cũng được chứ? Tôi bảo, đấy là quyền của đằng ấy. Nhưng, nếu cậu làm lâu dài, nó sẽ thành một thương hiệu của cửa tiệm cậu đấy. Chả thế mà chúng tớ đã có tới một trăm hai mươi cửa hàng đặt hàng trong suốt hai năm qua còn gì. Tôi lại tiếp tục nói phét. Trao đổi xong chuyện hợp đồng với tôi, cô ấy nhắc nhân viên lấy mời tôi một cốc nước ngọt, rồi kể đủ thứ chuyện về các bạn học cũ. Nào là cậu này ở tổ A đang làm cảnh sát hình sự ở một cơ quan công an nào đó. Nào là cô gì ở tổ B đã lấy chồng và sinh con rồi, nhưng năm ngoái đã mất vì căn bệnh ung thư vú. Cô bạn tôi kể mãi, kể mãi như không muốn dứt khỏi tôi. Tôi thì sốt ruột muốn báo tin ngay cho Reiko. Nhưng vì cô bạn tôi nói rằng, bước đầu sẽ ký với số lượng hợp đồng là bốn trăm bản, và nếu được khách hàng đánh giá cao, họ sẽ tăng số lượng ký hợp đồng lên sáu trăm bản, nên tôi không dám ngắt lời cô ấy để chào tạm biệt mà ra về được, đành ngồi tiếp chuyện cô ấy tới gần một giờ đồng hồ.
Tôi băng qua khu phố thương mại sầm uất để quay trở lại xe. Reiko đang chờ tôi về với nét mặt lo lắng. Tôi im lặng và chìa bản đăng ký ra trước mắt Reiko. “Bốn trăm bản kia ư?”. Cô ấy thầm thì như vậy rồi ôm chặt bản đăng ký đó vào ngực. “Này, giải phóng cho anh đi nhé”. Tôi nói vậy rồi lại tiếp tục cho chiếc xe ô tô cà tàng chạy về phía đường quốc lộ. Reiko mắt long lanh, hỏi đi hỏi lại tôi xem tôi đã nói với người ta những gì. Tôi kể lại cho cô ấy nghe toàn bộ từ đầu đến cuối những gì mình đã nói, những gì bà chủ cửa tiệm đã hỏi. “Anh siêu thật đấy. Tóm lại, em vẫn chỉ là đàn bà con gái. Em không thể nào linh hoạt được như anh đâu”. Cô ấy trầm trồ thán phục tôi, nên tôi nhắc lại việc tôi chỉ làm cho cô ấy duy nhất một lần này mà thôi. Vì tôi muốn được về sớm, nên tôi đã tự mình đi kiếm hợp đồng. Còn về sau này, tôi không biết đâu đấy nhé. “Đồng ý là thế rồi, nhưng việc giao hàng vào cuối tháng thì anh sẽ làm cho em chứ, đúng không?”. Ơ kìa, nói gì mà thản nhiên như không thế hử? Nghe Reiko bảo, lúc trước, cô ấy đã có ý định sẽ chuyển hàng đến cho các cửa tiệm thẩm mỹ bằng bưu điện. Khi hỏi bưu điện, họ trả lời rằng chi phí cho hai trăm cuốn tạp chí PR sẽ là ba trăm yên. “Các tiệm thẩm mỹ mà em đã ký hợp đồng nói sẽ thanh toán giúp em cả ba trăm yên phần chi phí vận chuyển này. Quả thực, giữa bốn nghìn yên và bốn nghìn ba trăm yên sẽ cho họ cảm giác khác hẳn. Tuy ba trăm yên là một số tiền nhỏ thôi, nhưng người phải trả khoản đó cũng sẽ cảm thấy nhiều nhiều thế nào ấy. Đúng là nếu chuyển đến tận nơi cho họ bằng ô tô là hay hơn cả. Ai cũng biết giá xăng rất cao, chính điều đó lại tạo ấn tượng tốt cho họ. Anh đúng là thông minh thật”. Thế là cái thằng tôi đã nằm gọn trong tay Reiko rồi. Kể từ hôm đó, tôi lái ô tô chở Reiko đi khắp nơi để chào hàng. Cho đến trước ngày chúng tôi phải thực hiện công đoạn tiếp theo, phải in chèn chữ nổi đề tên, số điện thoại của các tiệm thẩm mỹ vào phần để trống trên trang bìa, Reiko đã ký thêm được hợp đồng với bảy tiệm thẩm mỹ nữa. Tổng số lúc này đã tăng lên con số hai mươi sáu. Dù thế, chúng tôi vẫn cứ lỗ, nhưng Reiko thì mừng rỡ ra mặt. Vì mới chỉ vỏn vẹn có hai mươi sáu cửa tiệm, nên mặc dù các cửa tiệm đó nằm rải rác ở Kyoto và Kobe, nhưng mới tám giờ tối là chúng tôi đã hoàn thành việc giao hàng. Reiko cho tôi uống bia và ăn món thịt bò nướng ở một nhà hàng gần căn hộ của cô ấy. Cái cụm từ tôi dùng “cho tôi ăn” là cực kỳ thích hợp. Cứ như thể nàng thưởng cho đứa bé ngoan một viên kẹo ngọt vậy. Chúng tôi trở về căn hộ với nỗi niềm vui sướng của Reiko, còn tôi thì mỏi mệt rã rời.
Sau hôm đó, ba ngày liền, tôi không làm gì cả, chỉ quanh quẩn ở nhà. Đến tối ngày thứ tư, tôi và Reiko, hai người cùng nhau đi tắm nước nóng. Khu căn hộ chúng tôi ở là một dãy nhà cũ, không gắn bồn tắm trong nhà. Sau khi rời cửa hàng tắm nước nóng, chúng tôi vào quán cà phê uống cùng một ly nước mát, rồi trở về nhà. Một chiếc ô tô chở khách màu trắng đang đậu ở đó. Người đàn ông ngồi trên ghế vô lăng nhìn tôi chằm chằm. Khi mắt tôi chạm mắt người đàn ông đó, anh ta vội nhìn đi chỗ khác. Cách nhìn và dáng điệu của người đàn ông này bỗng khiến tôi chột dạ. Tôi vờ làm bộ không biết, mở cửa khu căn hộ rồi leo lên cầu thang, nhưng chẳng hiểu sao tôi có một linh tính rằng sẽ có chuyện không hay xảy đến. Một người đàn ông nữa cũng đang đứng trước cửa phòng của chúng tôi. Anh ta đội một chiếc mũ phớt với hoa văn là những đốm tròn. Cái kiểu cách ấy khiến tôi e rằng anh ta không phải là loại người tử tế. Bất giác, tôi nhớ ra một việc. Vào thời kỳ công chuyện làm ăn trước đây của tôi bị đổ bể, tôi đã bỏ ra toàn bộ sức lực hòng cố gắng giải quyết nốt các phần việc còn lại của công chuyện đó, sao cho không có chuyện rắc rối nào xảy ra. Nhưng, duy nhất còn một tờ giấy ghi nợ nặng lãi không hiểu biến đi đâu mất tăm. Đó là tờ giấy vay nợ trong ba tháng với khoản tiền chín trăm tám mươi sáu nghìn yên. Tôi đã có ý định sẽ trả hết khoản tiền đó, nhưng rốt cuộc tôi không sao tìm được. Vào giây phút tôi nhìn thấy có một người đàn ông đang đứng trước cửa phòng mình ấy, tôi chợt giật thót mình. Chắc là chuyện đó rồi. Người đàn ông hỏi: “Anh là Arima?”. Tôi trả lời rằng đúng vậy. Người đàn ông nói với tôi bằng cái giọng đặc trưng của riêng lũ người ấy. Bọn tao có chuyện muốn nói với mày, nên muốn mày cho vào nhà để nói chuyện. Đây không phải là nhà của tôi. Nó là của một người phụ nữ. Nếu có chuyện gì, chúng ta ra chỗ khác nói. Thấy tôi từ chối như vậy, anh ta nhẹ giọng. Chúng ta nói chuyện luôn ở đây cũng được, nhưng nếu thế sẽ làm phiền tới những người khác trong khu này. Nói rồi, anh ta dùng mũi giày đá mạnh vào cánh cửa căn phòng và bảo. Trời nóng thế này mà tao đã phải đứng chầu chực ở đây hai tiếng đồng hồ rồi đấy. Tao không muốn phải lớn tiếng đâu. Tôi bảo Reiko hãy tạm lánh đi đâu đó một lúc nhưng gã đó gằn giọng, lườm tôi bảo. Tao cũng muốn vợ mày nghe chuyện luôn. Tôi thuộc như lòng bàn tay những mánh khóe của dân đòi nợ này. Tôi để gã đàn ông vào nhà. Gã đó bỏ chiếc mũ phớt ra, điềm nhiên ngồi xuống chiếu, rồi lôi từ trong túi áo khoác ra tờ giấy ghi nợ có con dấu thực của tôi, với khoản nợ là chín trăm tám mươi sáu nghìn yên. Tôi nói luôn cho anh biết, cô này không phải vợ tôi, chẳng còn liên quan gì sất. “Ồ, vậy sao? Vậy mà đang sống cùng mày đấy thôi”. Gã đó vừa nói vậy vừa cởi chiếc áo vét màu đen gã đang mặc. Bên trong chiếc áo đó là manh áo sơ mi mỏng màu tím và trong suốt, nhìn thấu cả lớp da bên trong cơ thể. Khuy áo trễ tận xuống ngực, như cố tình để hở ra dúm lông ngực đang bóng nhẫy mồ hôi. Lưng hắn có một hình xăm. Hắn cố tình mặc chiếc áo sơ mi mỏng tang màu tím ấy hòng cho tôi thấy cái hình xăm đó. Tôi nghĩ, gã này cũng xoàng thôi. Loại du côn tỏ vẻ ý mà. Nhưng, tùy lúc tùy từng trường hợp mà lũ du côn tỏ vẻ này cũng đáng sợ lắm. Reiko nhìn hình xăm trên người gã đàn ông, mặt mày tái mét. “Mày còn nhớ tờ giấy ghi nợ này chứ?”. Gã đàn ông hỏi tôi như vậy, rồi bảo: “Tao cũng có công việc kinh doanh riêng của mình chứ. Tờ giấy ghi nợ này tao đã bị ép phải cầm khi đến chỗ một khách hàng để thu tiền. Tờ giấy người ta đưa cho là vật dùng làm tin, nhưng thật không may, ông khách hàng đó lại chết đi, và thứ ông ta để lại cho tao chỉ là một tấm giấy lộn. Đến nước này thì tao chỉ có thể đòi cái người có tên là Arima Yasuaki số tiền này mà thôi. Tao cũng phải mất nửa năm mới lần ra tung tích của mày đấy”. Giọng điệu quen thuộc của dân đòi nợ. Đã đến nước này thì không thể có lý do lý trấu gì được nữa rồi. Tôi trả lời hắn bằng một câu gọn lỏn, tôi không có tiền. “Không có á? Ở cái xã hội này mà mày bảo thế là xong à?”. Tôi từ chối thẳng thừng rằng, đã bảo không có là không có, đào đâu ra bây giờ. “Một là tiền, hai là mạng. Mày hiểu rõ chứ hở? Mà không chỉ có mạng mày đâu đấy”. Gã đàn ông dọa dẫm như thế, rồi đảo mắt sang phía Reiko sát bên cạnh tôi. Người Reiko run bần bật. Tôi bảo, anh nên kiện tôi ra tòa thì hơn. “Mày có vào tù thì tao cũng chẳng thể lấy lại nổi một xu. Mày biết rõ tao là thế nào rồi chứ hở? Cũng phải có đến năm, sáu đứa cũng đề nghị tao đi báo cảnh sát, để tống bọn chúng vào tù rồi đấy. Rốt cuộc thì cũng bị tao dìm xuống đáy sông, giờ thì chẳng bao giờ còn quay về được nữa đâu”.
Nhìn Reiko run rẩy, tím tái, tôi bảo hắn rằng, nếu vậy thì tôi chả còn cách nào khác, anh cứ lấy mạng tôi đi. Chẳng phải dọa nạt hắn hay làm thế để hắn chờn, lúc ấy tôi có cảm giác là thôi, mình có chết cũng chẳng sao. Tôi thấy chán ngán hết thảy. Mặt gã đàn ông tái đi. Reiko đứng dậy, lấy từ trong góc tủ quần áo ra một cái túi đựng một triệu yên cùng khoản tiền lãi bao nhiêu đó của số tiền ấy mà hôm trước, khi hết kỳ hạn, cô đã lấy về toàn bộ cả gốc lẫn lãi, rồi chìa trước mặt gã đàn ông. Tôi giật lấy cái túi đó trước khi gã đàn ông định vồ lấy, rồi đặt lên đùi Reiko, bảo: “Số tiền này là của em. Em không cần phải làm như vậy”. “Thôi được, hôm nay tao để cho chúng mày có thời gian suy nghĩ. Ai trả thì trả, tiền vẫn là tiền. Ngày mai tao sẽ lại đến. Ngày mai, tao sẽ lấy một trong hai thứ, tiền hoặc mạng về đấy”. Hắn đứng dậy, văng ra những lời thô lỗ ấy rồi đi khỏi.
Tôi nói với Reiko rằng, em đừng lo lắng. Ngày mai anh sẽ đi khỏi đây. Anh sẽ không về đây nữa. Nói gì thì nói, em đâu phải vợ anh, nên chúng chẳng thể lấy tiền của em được. Ngày mai khi chúng đến, nếu chúng có dọa dẫm thì em hãy báo cho cảnh sát ngay nhé. Điều bọn chúng sợ nhất là thái độ dửng dưng của chúng ta, và những việc có dính líu đến cảnh sát. Vì thế, tuy mở miệng dọa dẫm như thế, nhưng chúng không đời nào dám ra tay đâu. Chúng sẽ từng bước, từng bước uy hiếp ta về tinh thần thôi. Thông thường, bọn chúng sẽ đến vào lúc bốn giờ sáng, hoặc ngày nào cũng bám riết ở đây, rồi đột nhiên chẳng thấy xuất hiện nữa, rình rập khi nào thấy ta yên tâm thở phào thì lại liên tục mò đến. Đại khái như vậy. Ngay cả khi anh không còn ở đây nữa, rất có thể chúng sẽ làm phiền em một thời gian đấy. Nhưng bọn chúng sẽ không hành động gì với em đâu. Tuy tự nhủ như vậy, tôi vẫn thấy không yên tâm chút nào. Tôi chỉ lo mỗi việc chúng là lũ du côn tỏ vẻ. Một khi chúng đã biết Reiko có từng đấy tiền, thì cho dù tôi có biến mất, chắc chúng sẽ cứ uy hiếp Reiko. Tôi nghĩ như vậy. Tôi chán ngán cảnh cứ chui lủi lung tung lắm rồi. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết định phải ra đi, không thể khác. Làm sao có thể quẳng đi số tiền quý giá mà Reiko đã cần mẫn góp nhặt, nhịn ăn nhịn mặc, đứng rịt ở quầy thu ngân của gian hàng bán quần áo tại siêu thị trong suốt mười năm qua để vì một thằng đàn ông như tôi được chứ? Tôi đã nghĩ đến thời điểm tôi phải chia tay cô ấy rồi. Cả em, cả Yukako, cả Reiko, tất cả những người phụ nữ có liên đới đến tôi đều gặp tuốt những chuyện không hay. Thôi đành vậy, cứ kệ mọi thứ ra sao thì ra. Tôi tự nhủ. Nhớ lại tâm trạng của mình trong lần quyết định chia tay với em, không hiểu sao, khi ấy, thật lạ tôi lại thấy lòng mình thanh thản. Còn bây giờ thì lại khác, tôi cảm thấy lòng mình sao trống rỗng quá.
“Em sẽ trả số tiền đó. Một triệu yên chẳng là gì?”. Reiko vừa khóc vừa nói. Tôi yêu cầu cô ấy đừng làm việc chẳng đáng làm ấy. Cứ kệ nó ra sao thì ra. Cái số kiếp tôi thật chẳng ra gì. Em mà sống cùng tôi, thì cuối cùng đến em cũng tụt dốc mất. Tôi nói vậy rồi tự động trải chăn, tắt đèn, và nằm xuống giường. Và, tôi lại một lần nữa nhận ra rằng, câu nói khi nãy tôi nói với tên đòi nợ kia chính là câu nói thật lòng của tôi. Hãy lấy mạnh tôi đi. Chết cũng được. Tôi nhắm nghiền mắt và lại thì thầm điều ấy trong lòng. Đêm hôm ấy, tôi mơ thấy em. Một giấc mơ ngắn, nhưng nó còn lưu lại mãi trong lòng tôi. Em băng qua cánh đồng ở đầm Ddokko, thoăn thoắt leo lên con đường núi. Tôi có đuổi theo thế nào chăng nữa cũng không thể tới sát gần được bên em. Em mỉm cười và giơ tay vẫy tôi như thể muốn nói, mau đến đây bên em đi nào. Tôi đang dắt tay một bé gái có khuôn mặt giống hệt em. Một bé gái chừng bốn hoặc năm tuổi. Giấc mơ trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy chỉ có mỗi vậy.
Sáng hôm sau, khoảng mười giờ, tôi nhét đồ đạc của mình vào túi xách và rời khỏi căn hộ. Reiko không hề níu kéo tôi ở lại. Cô ấy ngồi im bất động trên chiếc bàn ở góc bếp, quay lưng lại phía tôi. Khi tôi bước đi khỏi, cô ấy cũng chẳng thèm ngoái đầu nhìn. Chia tay với Reiko, tôi hoàn toàn không định được mình sẽ đi đâu. Không thể đến chỗ bác gái ở quận Namano rồi. Tôi chưa trả bác ấy số tiền sáu trăm nghìn yên bác cho mượn tạm, thì làm sao còn dám trơ trẽn ló cái mặt này ra được chứ. Tôi nhớ ra mình còn một cậu bạn thân hồi cấp ba tên là Okuma. Sau khi tốt nghiệp khoa Y Đại học Kyoto, cậu ấy ở lại trường và theo đuổi đề tài nghiên cứu về căn bệnh ung thư từ đó đến nay. Hiện giờ cậu ta vẫn sống độc thân. Trước đây, cũng đã có lần tôi phải nhờ vả đến cậu ta sau khi chia tay với một cô khác, rồi cũng đã từng nương náu ở nhà cậu ấy để lẩn trốn những tên đòi nợ. Tôi ra bốt điện thoại công cộng gọi điện thoại đến trường đại học xin cho gặp Okuma. Khi nghe tôi nói nhờ cậu cho ở tạm một thời gian, cậu ta bảo: “Sao thế? Cậu lại bị cô nào truy lùng hả”, sau đó hẹn tôi sáu giờ đợi cậu ta ở cổng Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Kyoto, rồi vội vàng dập máy. Nếu gặp cậu ấy, thể nào cậu ấy cũng lôi tôi vào hết quán rượu này đến quán rượu khác, rồi cứ thế con cà con kê mãi chẳng để cho tôi về. Vậy mà bao giờ qua điện thoại, cậu ấy cũng chỉ nói gọn lỏn vài câu rồi cúp máy, đến mức tôi cứ tự hỏi người ở đầu dây bên kia có phải cậu ấy hay không nữa.