Chương 16

    

Thứ Năm ngày 16 tháng Hai năm 2006
uyết rơi, những bông tuyết bay phấp phới qua những khung cửa sổ lớn. Trong chiếc váy đen hiệu Wolford và chiếc quần tất mỏng tang mà sau ngày mặc đầu tiên đã thủng lỗ chỗ, tôi chui vào một chiếc xe lạ. Với kiểu trang điểm lấp lánh dành cho sàn nhảy và các bộ tóc giả dành cho buổi tiệc. Khó có thể nhận ra mái tóc dài vàng óng của tôi. Để hợp với không khí tiệc tùng, nhiều người phải nhờ sự trợ giúp của tóc giả. Trong lòng hồ hởi bởi những sáng tạo táo bạo xung quanh mình, tôi thay đổi kiểu tóc liên tục. Những lọn tóc hồng, rồi mái tóc xoăn trắng, cả kiểu tóc đen châu Phi. Hôm nay tôi hẹn hò với Cà Vạt, anh độn mình trong bộ com lê nhung kẻ.
Giữa những cơ thể toát đẫm mồ hôi trên bục, anh đứng sát bên tôi. Cơ thể tôi được một lớp da mềm mại bao bọc tạo nên nét đầy đặn tròn trịa. Mái tóc của Bebé nhảy điên loạn tứ phía, đôi môi tôi cũng mấp máy theo tiếng nhạc. Bàn tay của Cà Vạt vuốt ngang lưng tôi rồi cũng nhanh chóng rụt lại. Động tác đó còn lập lại vài lần cho đến khi tôi ngẩng mặt lên và nhìn thẳng vào đôi mắt xanh to của anh. Lúc này là đêm, là khoảnh khắc mà từng ánh mắt được sống, và chúng tôi đã khiến nó tồn tại. Tại đây và lúc này. Trong những phút giây mờ tối và vụng trộm này. Cái ôm ghì siết của anh ngày càng chặt hơn, bàn tay anh nằm gọn trên ngực tôi rồi khéo léo tìm đường tới chiếc rốn. Chỉ có một động chạm mà người tôi nổi gai ốc. Chỉ thêm một động chạm nữa thôi là nó sẽ làm ham muốn đó không cưỡng lại được. Chúng tôi nhìn nhau và chỉ muốn một điều. Bàn tay ướt mồ hôi mang đầy hứa hẹn của anh đan vào tay tôi, chúng tôi biến mất cùng nhau. Biến mất khỏi bục, khỏi những cơ thể đẫm mồ hôi để chạy về phía chiếc xe. Lúc đến đây tôi là Bebé, còn giờ khi đã là Cicciolina - đó là mái tóc màu bạch kim đầy gợi cảm mà tôi được tặng - tôi mất hút vào trong bóng tối.
“Em lên chỗ anh chứ?” Lúc này đã là một giờ đêm.
“Chắc anh không còn hứng nấu nước pha trà cho em nữa đâu nhỉ”, tôi hứng khởi trả lời bởi ý nghĩ mình vẫn chưa phải chia tay anh. Chúng tôi bước lên một cầu thang dài và dốc khiến tôi vấp ngã liên tục rồi đi qua phòng ngủ, phòng tắm và nhà bếp cũng chìm trong bóng tối. Chúng tôi ngồi nghỉ giữa chừng.
“Anh chỉ có trà tầm xuân Rooibos thôi.” Cà Vạt có vẻ không phải là một tín đồ của trà. Những ánh mắt chứa đầy ham muốn của chúng tôi vồ vập lấy nhau trong lúc anh đun nước. Đôi môi anh đậu vào thái dương tôi, sau đó xuống má rồi nhẹ nhàng kéo xuống miệng tôi. Sau hàng giờ chờ đợi hồi hộp, cuối cùng đôi môi của chúng tôi cũng tìm thấy nhau và không muốn rời khỏi nhau nữa. Tôi muốn nhiều, nhiều hơn nữa từ đôi môi của anh, từ bàn tay của anh và hơn hết là từ đôi cánh tay anh. Chúng tôi biến mất vào căn phòng chìm trong bóng tối cạnh đó.
Đôi môi anh tiếp tục rong chơi xuống phía dưới. Miệng tôi phát ra một loại âm thanh dồn dập, lưng tôi ưỡn lên. Chúng tôi quan hệ và tôi muốn làm điều đó hết mình song tôi không thể.
Những suy nghĩ miên man cứ vởn quanh trong đầu. Tôi trông thấy những chiếc bờ lu trắng, những mũi tiêm, bác sĩ L rồi cả Rob. Một giọt nước mắt đã trào ra. Lăn dọc gò má, bờ vai rồi xuống chân. Tôi nghĩ tới mình, tới Rob và những lần mặn nồng của chúng tôi. Đó là điều mà lúc này tôi không cảm nhận được. Tôi nhớ Rob.
Tôi lại phải nghĩ tới câu chuyện của mình. Tôi muốn vứt bỏ nó, muốn bỏ lại nó đằng sau để dành không gian cho những điều mới mẻ khác. Song tôi không thể bởi ở nơi đó tôi cảm thấy mình được che chở. Được che chở trong chính câu chuyện của mình.
Tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng nức nở nhẹ nhàng và cũng bằng những nức nở nhẹ nhàng, tôi choàng tỉnh. Trời vẫn tối, tôi phải chớp chớp mắt vài lần mới có thể phân biệt được những đường nét đầy lạ lẫm xung quanh mình. Tôi nằm nghiêng bên phải, quay lưng lại tấm thân đang nằm đâu đó trên cùng chiếc giường với mình. Chỉ có bàn chân anh chạm vào chân tôi, còn thân thể chúng tôi thì không. Tôi xoay mình và rúc người vào thân hình ấm áp đang ngủ kia để quên đi sự trống trải đột ngột vừa xâm chiếm lấy mình. Càng cố lại gần anh, tôi càng cảm thấy xa dần chính mình. Bóng dáng Rob thấp thoáng trong suy nghĩ của tôi, trong tim tôi. Thật đau đớn! Thân hình mà tôi vừa rúc vào bỗng trở nên lạ lẫm, lạnh lùng và xa lạ.
Thứ Sáu ngày 17 tháng Hai năm 2006
Buổi sáng tôi gặp Jan ở quán Smalle Amsterdam. Liệu anh có biết rằng tôi vừa khóc? Rằng sáng nay khi phố phường vẫn còn chìm trong giấc ngủ tôi đã thắp một ngọn nến trong phòng tắm và tắm rửa sạch khỏi những âu lo?
Chắc hẳn là không rồi. Tương tự vậy, chính tôi cũng đã quên. Tôi chỉ nhớ lại nó khi màn đêm buông xuống. Trong tôi vẫn còn những điều chưa lộ mặt. Không chỉ đối với những người xung quanh, mà ngay cả đối với chính mình, trong từng ngày mới mà tôi bắt đầu.
Song chúng đã lộ mặt. Những trạng thái tình cảm bất ngờ. Những giọt nước mắt bất chợt. Những tiếng nức nở tự phát. Tôi cắt một củ hành và nước mắt bắt đầu tuôn chảy tràn trề. Tôi dùng lưỡi liếm rồi đưa vào miệng. Mặn. Tôi tiếp tục thái hành theo nhịp hơi thở, đồng thời cố gắng tìm kiếm sự thanh thản trong mình. Đó là một cuộc tìm kiếm căng thẳng. Một cuộc tìm kiếm rất căng thẳng trên quãng đường từ cuộc đối thoại về chẩn đoán trong bệnh viện OLVG tới bữa tiệc sinh nhật và rượu vang trong quán bar. Tôi chạy trốn vào bóng đêm khỏi những giọt nước mắt đầy sợ hãi.
Thứ Năm ngày 23 tháng Hai năm 2006
Nhưng còn vài điều anh vẫn chưa rõ. Tất nhiên anh lo lắng cho tình hình sức khỏe của em. Có chắc là em sẽ khỏe lại không?
Cái mớ hóa trị chắc hẳn là không có lợi cho khía cạnh thể chất của em. Hy vọng rằng em hiểu và không cảm thấy tệ khi anh không khoái mấy mái tóc giả, miếng mút trong ngực và những điều ngạc nhiên khác.
Thật đau đớn. Những lời đó là dành cho tôi. Có phải đó là sự cân nhắc? Có phải đó là sự bác bỏ? Vậy là chấm hết cho Cà Vạt và Oema. Ôi những gã trai vũ trường! Mà tôi cũng đâu đã đi quá xa với họ. Tất nhiên rồi, việc tôi bị ung thư, có thể sẽ chết, luôn mang theo mình những gánh nặng và sở hữu những chiếc sẹo nực cười đâu nhất thiết phải gây phiền hà cho ai đó.
Vậy mà đã có người cảm thấy phiền hà. Đàn ông sợ chạy mất dép. Những người mà bản thân họ cũng đã có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Cả những người dễ bị rùng mình vì sợ hãi, sợ bệnh ung thư. Chỉ cần nhìn vào mũi tiêm đã làm họ muốn ói mửa.
“Để được lưu ý đến thì một cô gái bị ung thư phải nỗ lực nhiều hơn một cô gái bình thường đúng không?” Những cuộc nói chuyện kiểu đó thường diễn ra ở các quán bar khi tôi ngồi nhâm nhi tách trà nóng trong lúc gã ngồi cùng bàn miệng không ngừng nhả khỏi và nốc cồn. Điều đó làm tôi mệt mỏi. Cứ như thể tôi lúc nào cũng phải tìm cách san bằng tỉ số. Tất nhiên không hẳn là vậy, tôi biết điều đó và tôi vẫn tiếp tục tán tỉnh bọn đàn ông. Bằng cả những lần khẽ chạm gối dưới gầm bàn và những nụ cười. Chỉ có một khác biệt duy nhất: Tôi biết trước rằng mình sẽ không theo gã đó về nhà. Tối nay không và tối mai cũng không. Chẳng đẹp đẽ gì khi phải mang một cái đầu bị ung thư. Cần phải có một kế hoạch chia cấp độ, từ ly nước đầu tiên tới tận lúc lên giường ngủ.
Nếu đàn ông nhìn tôi một hồi như thể họ làm việc đó vì lịch sự, có thể có ba ý nghĩa: Họ thấy có gì đó đẹp ở tôi, họ thấy đám gỉ mũi tởm lợm của tôi thò ra ngoài hoặc họ thấy có gì đó không ổn. Điều thứ ba luôn làm tôi lo sợ. Bởi lúc đó tôi sẽ cảm thấy xấu hổ khi thấy mình phải đội tóc giả. Và bởi có thể dưới mái tóc vàng óng kia lại thò ra một mớ lởm chởm màu nâu đen.
Khi bước vào một căn phòng nào đó cùng những bộ tóc giả bắt mắt, tôi ý thức rõ được tác dụng mà chúng mang lại. Song sự chú ý của mọi người cũng làm tôi dễ bị tổn thương, đôi lúc tôi cảm thấy bất tiện và không phải lúc nào cũng dễ chịu. Trong lúc phỏng vấn, Matthjis đặt tên cho câu chuyện của tôi là “cuộc sống với một bí mật”. Anh bị hớp hồn bởi cô gái hằng tối rời khỏi nhà với đôi giày xịn nhất để lao mình tới những hộp đêm. Cô trao nụ hôn cho một anh chàng lạ mặt mà không hề hé lộ về sự thật phũ phàng của mình.
Cũng cô gái đó hằng sáng mang theo bí mật của mình qua khu chợ. Cô nhận ra rằng mái tóc của mình thu hút mọi ánh mắt xung quanh và thậm chí còn nghe thấy người ta khen mái tóc của cô đẹp. Từ xa điều đó còn thấy dễ chịu, song sự kinh ngạc trong ánh mắt của cô bán hàng khi tôi chui khỏi phòng thử đồ với mái tóc giả bị chệch, thì không lấy gì làm dễ chịu. Những lúc như vậy tôi lại chạm trán với nỗi cô đơn của mình bởi tôi biết chính là nó - căn bệnh bất thường của mình - đã làm cô bán hàng hay cậu thanh niên tốt bụng trên máy bay hoảng sợ. Và hơn lúc nào hết căn bệnh này giờ đã là một phần của tôi.
Đôi khi những gã đàn ông ngắm mái tóc vàng sexy của tôi rồi tôi thấy họ nghĩ tới những điều mà tôi không hề muốn dính dáng đến. Những lúc đó tôi không thể không tự hỏi mình rằng liệu họ có ngắm tôi như vậy khi tôi là Oema hay Sue ngồi đung đưa với tách trà xanh bên quầy bar hay không. Hoặc khi họ trông thấy đám tóc thật lơ thơ của tôi. Họ không biết rằng tôi trọc. Trọc trên giường, trọc trong phòng tắm, trọc trong chiếc áo choàng tắm màu trắng, trọc khi thay đồ bởi mái tóc giả tuột ra bám vào chiếc áo len. Họ sẽ nói gì? Họ đâu có biết nhiều về tôi. Đó là một thế giới hoàn toàn khác.
Thế giới đó là bí mật của tôi và nó sẽ tiếp tục là vậy. Bởi tôi không còn hứng thú lẫn sinh lực hay khao khát được nói chuyện hàng giờ về căn bệnh của mình nữa. Tôi không mặn mà gì với những ánh mắt chứa đầy thương hại, hoài nghi và hoảng sợ. Hơn hết tôi không muốn phung phí thời gian của mình với những người mà chỉ chút xíu cũng làm họ buồn nôn. Không mặn mà gì với cả những gã tròn mồm trợn mắt nhìn khi biết tôi đang đội tóc giả rồi sau đó thốt ra từ “Thật ư?” Tôi muốn được giải phóng ngay khỏi họ để chạy đến với ai đó hiểu rằng bệnh ung thư là một phần của cuộc sống. Không chỉ có cuộc sống của tôi mà có thể một ngày nào đó nó sẽ là một phần cuộc sống của anh ta.
Họ có thể gọi tôi là cô búp bê tóc vàng luôn ra đường với những móng chân móng tay sơn đỏ chót. Một nữ văn sĩ tóc đỏ, người không bao giờ ra khỏi nhà mà thiếu quyển sổ ghi chú. Hay một nữ chính trị gia yêu nghề, khi tôi vùi đầu vào đống sách trong thư viện. Gọi là gì cũng được. Bởi đâu cũng là sự thật cả. Tuy không hẳn là một sự thật hoàn toàn song đó là một trong nhiều sự thật.
Thứ Ba ngày mùng 2 tháng Năm năm 2006
“Sophie! Sophie!” Một chị y tá vô duyên rống vào tai tôi.
Tôi choàng tỉnh, mẹ ngồi bên cạnh. Chà, tôi đã ngủ một giấc dài. Tình trạng bị gây mê thật hay. Tôi quan sát mẹ hồi lâu đến khi gương mặt mẹ hiện rõ. Đột nhiên tôi thấy mẹ giống như hai năm trước. Mái tóc mẹ lại quấn cao như ngày đó. Mẹ trông trẻ hơn, ít u uất hơn và giống con người thật của mình hơn. Mẹ thật đẹp.
“Em cảm thấy thế nào?” chị y tá hỏi.
“Em cảm thấy mình vẫn thèm ngủ.”
“Vậy em có thể tiếp tục ngủ. Không đau đớn gì chứ?”
“Không ạ.” Tôi nhỏm người dậy và nhìn vào chỗ băng bó. Nó đã biến mất. Thay vào đó là một vết thương nhỏ ngồ ngộ nằm gọn trên cơ thể tôi. “Nó đâu ạ?”
Chị y tá cho tôi xem chiếc ống thông máu. Trông nó khác xa so với suy nghĩ của tôi: màu trắng và bằng nhựa chứ không giống kiểu khoa học viễn tưởng như tôi từng tưởng tượng về nó.
“Em muốn giữ nó.”
Thứ Năm ngày mùng 4 tháng Năm năm 2006
“Tệ thật, ngần này thì quá ít. Tính ra mỗi người phải được khoảng 500 gam, trừ phần bị hao khi gọt.”
 Annabel bối rối nhìn hai mươi nhánh măng tây trên tay mình. Chiếc cân chỉ 1,305 kg và theo lời cô Eva, mẹ Annabel, thì còn thiếu 500 gam nữa.
Mùa xuân đã về!
Măng tây đã mọc trở lại. Và tóc tôi cũng vậy.
Thứ Sáu ngày mùng 5 tháng Năm năm 2006
Zus âu yếm gãi gãi tay tôi bằng những móng tay mềm mại của mình, từ trên xuống tận cổ tay rồi lại lên trên. Rồi qua cả chiếc sẹo giờ đã biến thành một vết ngồ ngộ. Hai tiếng đồng hồ liên tục cho đến khi tôi thiếp đi. Chị luôn làm vậy khi ở bên tôi. Chúng tôi nằm sát chặt bên nhau đến nỗi hai trán chạm vào nhau.
Thứ Sáu ngày 12 tháng Năm năm 2006
PINK RIBBON là từ được in lên chiếc vòng màu hồng mà tôi vừa buộc vào cổ tay. Tại hiệu sách Scheltema, trong lúc tới quầy truyện ly kỳ và sách bán chạy, chúng tôi đi qua một chồng sách của Kluun. Tôi đọc được “Help, ik heb mijn vromv zwanger gemaakt(10).”
10.Tiếng Hà Lan trong nguyên bản: Cứu với! Vợ tôi mang bầu!
“Chị nghe nói là cuốn đó khá hay, cơ mà em không cần phải đọc.” Chan đi nhanh tới quầy tiếp theo, tới quầy không có những cuốn về mang thai, buồng trứng hay trẻ con. Trong căn phòng toàn những câu chuyện kiểu vậy, chắc chị phải cảm thấy rất cô đơn. Câu chuyện về yêu đương, đám cưới, có con, hạnh phúc và về già. Đối với chị đó đã là quá khứ. Bên ngoài trước quán Pilsvogel chúng tôi ngồi uống với nhau. Tôi sờ vào chiếc vòng tay màu hồng và thấy thiếu chiếc màu vàng. Lại làm mất. Tôi đeo màu vàng để nhớ đến Marco, Salvatore, Rob và Lance. Còn màu hồng là dành cho Chan, chị vẫn là tù binh của một cơ thể chứa đầy tế bào ung thư. Do nhỏ nên chiếc màu hồng khó đánh mất hơn.
Chan uống rượu vang, còn tôi uống trà. Chan trông ngăm ngăm, còn tôi nhợt nhạt, chị vẫn bị ung thư, còn tôi thì không. Trong lúc tôi chén hết chiếc đùi gà này đến chiếc đùi gà khác, chị kể bằng giọng chắc nịch rằng mình không còn biết mọi thứ sẽ tiến triển thế nào nữa. Tất cả đều mang một giọng điệu đầy mỉa mai cho dù chị có nói về đùi gà, về bác sĩ hay về tình yêu. “Không còn thứ gì có thể làm chị vui nữa. Chị không biết là sao song mỗi khi tỉnh dậy chị chẳng có hứng thú cho bất kỳ việc gì.”
Tôi tiếp tục nhai.
“Mọi người cứ nghĩ chị vẫn khỏe mạnh bởi ngày nào chị cũng tới quán bar, cười nói vui vẻ. Song chị chỉ tới đó bởi chị hoàn toàn cô đơn.”
Tôi chén chiếc đùi gà tiếp theo.
“Mười năm nữa tay chị sẽ trở nên vô dụng, bác sĩ nói vậy. Do xạ trị gây nên.”
“Ôi dào! Chị nhầm rồi! Lúc đó chị cũng chẳng còn trên đời này nữa cho nên điều đó cũng chẳng hề hấn gì với chị”, tôi nói.
“Vậy là em nhất quyết không uống rượu vang?”
“Không, cảm ơn chị.”
“Thời gian vừa rồi chị rất hay bị đau đầu. Chúng làm chị nhiều đêm mất ngủ.”
“Điều đó làm chị lo lắng ư?”
Chị nhún vai. “Chị cũng chẳng biết. Tuần này đã xảy ra vài chuyện vớ vẩn.”
“Chuyện gì vậy chị?”
“Hôm qua Ellen đến chỗ chị, lúc chị muốn mở cửa để Ellen vào, chị không biết phải làm thế nào. Tương tự trong nhà vệ sinh. Chị muốn kéo nước xả mà không biết phải làm thế nào.”
“Chắc phải bốc mùi lắm.”
Chan không cười. Tôi cũng không.
“Chị đã tới chỗ bác sĩ chưa?”
“Bà ta đang đi nghỉ.”
“Thế còn đồng nghiệp của bà ta?”
“Ừ, thứ Năm bà ta về rồi, chị sẽ tới để hỏi.”
“Còn một tuần nữa mà Chan. Chị không muốn đi khám trước à?”
“Để chị xem đã.”
Thứ Bảy ngày 13 tháng Năm năm 2006
Buổi tối. Chuông điện thoại reo. Đó là Chan.
“Chào người đẹp, chị còn đau đầu không?”
“Vẫn rất đau. Cả ngày hôm nay chị ở bệnh viện. Đêm vừa rồi mới thật tệ. Chị gọi điện cho David rồi bọn chị phóng tới bệnh viện ngay. Mà chắc em cũng đã biết.”
“Rồi sao?”
“Không sao cả, họ không chụp X-quang vào thứ Bảy. Chị phải chờ đến thứ Hai.”
“Thế còn chụp cộng hưởng từ?”
Đó là phương pháp chụp từ tính phần đầu.
“Ừ, sẽ ổn cả thôi.”
“Em qua chỗ chị nhé?”
“Đừng, chị mệt muốn chết, chị ngậm một chút morphin nữa rồi sau đó đi ngủ ngay.”
“Được thôi người đẹp. Mai em sẽ gọi điện cho chị. Ngủ ngon nhé.”
Chủ nhật ngày 14 tháng Năm năm 2006
Buổi chiều, tôi gửi cho Chan một tin nhắn. Không hề có hồi âm. Tôi gọi điện, vẫn không hề có phản ứng nào. Một tiếng sau tôi gọi điện lại. Ellen nhấc máy. Nước mắt tôi chỉ trực trào ra.
“Chào Ellen, em là Sophie đây. Chan thế nào?”
Im lặng, ngập ngừng. “Sophie, tình hình của Chan không được tốt. Cô ấy sẽ gọi điện cho em sau vài ngày nữa, được chứ?”
Tôi hoảng sợ. “Tệ thật, em qua chỗ đó nhé?”
 “Bọn chị chuẩn bị đi rồi.”
“Đến bệnh viện?”
“Ừ.”
“Vậy em tới đó được chứ?”
“Chị nghĩ là không nhất thiết đâu. Chan nôn mửa liên tục, tình hình của cô ấy rất tệ.”
“Mẹ kiếp.”
“Ghi số của chị vào này. Em có thể gọi cho chị bất cứ lúc nào.”
Trong lúc tôi ghi số điện thoại, những giọt nước mắt đầu tiên dành cho Chan chảy xuống tờ giấy đã nhàu nát. Khóc vì Chan, chị ấy sẽ chết. Bây giờ? Hay vài tuần nữa? Vài tháng nữa? Vài năm nữa? Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bất lực như vậy trước cuộc sống của một người khác.
Nửa tiếng sau tôi có mặt tại bệnh viện AVL, người nhễ nhại mồ hôi, kiệt sức và có phần xúc động mạnh. Có hai chiếc ghế băng trong phòng dành cho những người hút thuốc. Tôi ngồi lên một chiếc và bắt đầu thút thít. Bảy rưỡi, mặt trời vẫn chiếu song tôi không còn cảm nhận được điều đó. Trên người tôi là chiếc măng tô mùa đông.
Người ta sẽ nghĩ tôi chẳng còn xa lạ với những điều như vậy. Họ muốn nghĩ sao cũng mặc kệ.
Dầu vậy tôi vẫn lê bước vào màn đêm. Liệu tôi có được phép ở đây? Liệu tôi có nên thu hút sự chú ý như Chan? Liệu tôi có nên pha trò?
Tôi đứng cuối giường quan sát chị hấp hối và không thể tìm ra câu trả lời. Hình ảnh của Chan ngày càng mờ nhạt dần, gương mặt của ung thư ngày càng hiện rõ. Còn tôi ngày càng đẩy lùi được ung thư và giống Sophie hơn. Cái chết ở rất xa. Cái chết ở rất gần. Liệu có một sức mạnh nào đó đã đưa tôi đi thật xa? Đã giúp tôi khám phá và sử dụng sức sáng tạo của mình? Giúp lưu giữ câu chuyện về tôi bằng ngôn từ, cho dù nó mới bắt đầu hoặc sắp kết thúc, khi sắp tới tôi sẽ có thể cầm nó trên tay và gập nó lại?
Thứ Hai ngày 15 tháng Năm năm 2006
Hôm nay có hai việc. Chụp X-quang lúc chín giờ, sau đó tới thăm Chan ở bệnh viện AVL. Đơn giản chỉ để ở cạnh chị, để có thể làm điều gì đó cho chị và cho chị thấy rằng tôi rất yêu quý chị. Trong lúc chui vào máy chụp, tôi nghĩ tới chẩn đoán của mình và của Chan. Đó gọi là thức tỉnh khi người ta phải nhìn cô bạn của mình nôn mửa cạnh bồn toa lét sau những tháng được sống trên mây. Sau cơn mưa trời lại sáng. Đối với tôi mặt trời vẫn chiếu, còn đối với chị trời bắt đầu nổi giông tố.
 “Chà, chị gặp ai đây nhỉ?” Trong bệnh viện OLVG, Annemarie gập cuốn bệnh án trước mặt mình và với lấy tấm phong bì quá khổ của tôi. “Tóc em đẹp thật đấy.”
 “Đẹp đúng không chị? Tất cả đều là tóc thật đấy, chỉ có một chút trang điểm thêm là giả thôi.” Chị hỏi xem có gì đó mới để buôn chuyện không.
Tôi cười và kể cho chị nghe về những thay đổi mới nhất trong cuộc sống của mình với tư cách là một kẻ cô đơn và một nhà văn mới vào nghề.
Bác sĩ L ghé qua và tham gia vào câu chuyện của chúng tôi. Tất nhiên là để nói về tình trạng cơ thể của tôi chứ không phải tình trạng mái tóc vừa được nhuộm vàng. Sau hàng loạt các bộ tóc giả đỏ, giờ không còn gì làm ông ngạc nhiên nữa.
“Cháu cảm thấy thế nào?”, ông hỏi.
“Tốt ạ.”
 “Không đau đớn? Không còn cảm giác như bị kim châm hay ngứa ngáy nữa chứ?”
 “Không ạ.”
“Cháu tới để chụp X-quang à?” Bác sĩ L lên lịch hẹn nhưng tôi mới là người quyết định thời gian.
“Cháu vừa chụp rồi. Mai bác cháu ta gặp nhau được không ạ?”
“Được, tốt. Chúng ta không nên chờ đợi lâu nữa. Quyết định thế nhé.”
“Vâng.”
 “Mái tóc rất hợp với cháu.”
 “Cảm ơn bác.”