Chương 2

    
húng tôi rời phòng rồi ngồi xuống ghế ở hành lang. Tại sao lại thế thì tôi cũng không biết, tuần sau mới có kết quả chụp bức xạ. Có lẽ vì chúng tôi cần một phút để nghi ngơi. Người trợ lý làm việc bên chiếc máy chụp phóng xạ bước ra nói mọi việc đều ổn. Tôi không hiểu, chẳng phải vị bác sĩ mới của tôi mới là người được phép đưa ra chẩn đoán? Ban đầu tôi nghĩ anh ta chi muốn thông báo rằng việc chiếu chụp đã diễn ra thành công. Nghĩa là “đủ độ sáng” và “thực hiện đúng cách”. May mắn thay mẹ tôi hiểu ra ngay. Sự hồi hộp hiện rõ trên gương mặt chúng tôi đã khiến anh chàng đó muốn tới báo ngay cho chúng tôi biết tin tốt đẹp đó dù là tin chưa chính thức. Anh ta phải nhắc lại tới ba lần tôi mới bắt đầu hiểu. Tôi choàng tay ôm cổ anh ta, mẹ tôi cũng làm theo. Hai người phụ nữ là tôi và mẹ để lại hai vết hôn trên hai má anh. Chúng tôi chạy vội xuống cầu thang đến nơi bố đang đợi. Ông cũng chạy tới chỗ chúng tôi từ phía cuối hành lang bên kia. Tôi lao về ông và gọi: “Bố, bố, không có gì ở xương hết. Xương của con hoàn toàn bình thường, con sẽ khỏe trở lại!” Tôi lao vào vòng tay của bố còn ông ngồi thụp xuống. Sau này ông kể lại rằng đó là khoảnh khắc hằn sâu nhất trong ký ức của ông về quãng thời gian tồi tệ này.
Tuy nhiên những cuộc xét nghiệm còn chưa kết thúc. Ngày hôm sau tôi phải tới khoa xét nghiệm tủy xương. Tôi không muốn tới bệnh viện thêm lần nào nữa, tôi ghét vị bác sĩ mới của mình, tôi ghét tất cả những gì xung quanh ông ta. Ông ta cảnh báo tôi về những cơn đau nhưng tại thời điểm đó đau đớn đối với tôi cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ông ta lấy ra một chiếc kim dài, một chiếc tô vít rồi cùng với bộ đồ nghề của mình nhìn xuống hông. Tất nhiên là hông tôi. Chọc khoan hông tôi.
Vết khoan để lại một lỗ thủng nhỏ, chị y tá dán vào đó một miếng băng trắng lớn. “Xong rồi. Em khá lắm.” Đó là một chị y tá dễ thương với mái tóc ngắn giống kiểu của nam giới và đôi hoa tai bắt mắt. Ngay lập tức chúng tôi làm quen với nhau bởi chị ấy cũng biết mẹ tôi. Chị cầm lấy tay tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi run rẩy vì sợ hãi. Sợ hãi trước những lời đáng sợ của các bác sĩ. Sợ hãi trước căn bệnh ung thư. Và hơn hết là sợ những điều sẽ còn xảy đến.
Thứ Bảy ngày 29 tháng Giêng năm 2005
Tôi giận dữ giơ cả hai ngón tay giữa lên. Đó là một ngày thứ Bảy và tất cả đều khác thường. Không, hôm nay tôi không đi chợ và cũng không uống ly cà phê nào trên phố Westerstraat. Không, cuối tuần này tôi không chuẩn bị bài vở cho học kỳ mới. Thứ Hai ngày 31 tháng Giêng tôi sẽ phải trải qua đợt hóa trị đầu tiên tại bệnh viện OLVG. Trong hai tháng tới tuần nào tôi cũng sẽ được truyền các chất như Vincristin, Etoposid, Iosfamid. Tôi đứng trước ống kính máy ảnh, phía sau vang lên tiếng nhạc của Mick Jagger. Tôi thích chất giọng khàn khàn của Mick Jagger cùng tiếng ghi ta phong cách hard rock của Keith Richard. Tôi cũng thích chụp ảnh. Tôi nhờ Martijn, nhiếp ảnh gia đồng thời là cậu bạn tốt của tôi ghi lại những khoảnh khắc của một Sophie không bị ung thư.
Tôi là người nhiều xúc cảm. Lần đầu tiên kể từ thứ Tư tuần trước tôi không được động viên và tôi cũng chẳng động viên ai, song qua những cử động và khuôn mặt mình trong máy ảnh của Martijn tôi nhận thấy những xúc cảm của mình vẫn đang lao vùn vụt trong người với tốc độ như những ngày vừa qua. Đôi mắt tôi sáng rực. Tôi bước đi và hoàn toàn phó mặc mình cho đôi chân, điều đó thật tuyệt diệu. Cùng lúc tôi cảm thấy vừa sợ hãi, vừa mạnh mẽ, nhưng bây giờ, trước ống kính máy ảnh tôi cảm thấy mạnh mẽ nhiều hơn là sợ hãi. Quỷ tha ma bắt căn bệnh ung thư. Quỷ tha ma bắt bệnh viện OLVG. Quỷ tha ma bắt những người mặc bờ lu trắng.
Thứ Hai ngày 31 tháng Giêng năm 2005
VITA BREVIS là tên ngôi nhà bên kia con kênh. Đó là ngôi nhà cao và rộng nhất khu, nổi bật hẳn so với những ngôi nhà khác và trông xuống căn hộ của chúng tôi. Kể từ khi cây du gần đó bị bệnh sùi nấm, ngôi nhà càng trở nên dễ nhận ra hơn.
VITA BREVIS. Một ngôi nhà có từ thế kỷ 16, đã hơn bốn trăm tuổi. Những cư dân đầu tiên ở khu phố này biết rõ điều đó.
Tôi đóng gói những đồ đạc cuối cùng rồi xách va li ra ngoài. Như thể tôi đi nghi vậy. Bố quẳng hành lý của tôi lên ô tô. Mẹ, chị gái và tôi chỉ đứng quan sát. Đối với những người khác thì đó cũng là một cuộc phiêu lưu lạ kỳ và đáng sợ hệt như đối với tôi, chỉ có khác biệt là tôi là tôi và họ là họ. Chi có tôi mới là người bị ung thư, dù vẫn chưa cảm thấy nó rõ ràng. Xa cách sẽ chỉ được cảm nhận rõ rệt trong bệnh viện nơi chúng tôi chỉ đặt trước được một chiếc giường. Đôi mắt tôi mở to. Sẽ thế nào, tôi sẽ cảm thấy thế nào – nếu tôi hiểu đúng lời của bác sĩ - khi có lẽ tôi sẽ phải chết?
Trong những ngày này tôi cảm thấy cái chết đang đến thật gần. Tôi được xếp vào một phòng lớn nhiều giường ở khu C6 mặc dù tôi đã nhìn bác sĩ L, bác sĩ mới của tôi, bằng ánh mắt van vỉ với hy vọng ông sẽ cho tôi và nỗi bất hạnh của tôi một phòng riêng. Bác sĩ L hay còn gọi là bác sĩ “tôi không thân thiện nhưng tôi luôn có ý tốt”. Hay rút gọn lại là “Bác sĩ khó tính”. Một bà cụ bò lổm ngổm trên sàn nhà xung quanh giường mình rồi rít lên những âm thanh kỳ dị chi có ở khoa tâm thần. Nước mắt tôi trào ra. Một lát sau, nam y tá Bas - nghề này thường dành cho phụ nữ cơ mà - chạy qua chạy lại để sửa soạn cho tôi một căn phòng riêng.
Chúng tôi đi qua một phòng họp có rất nhiều y tá cùng vài bác sĩ. Chúng tôi quay ra nhìn nhau và hoán đổi một nụ cười thận trọng. Trong căn phòng mới tôi hồ hởi lại gần chiếc giường của mình, sau đó là đến bố mẹ và chị gái. Chị y tá, người sẽ chăm sóc tôi trong những ngày tới, sở hữu những lọn tóc đỏ dài và hai lúm đồng tiền sâu hoắm ở hai bên má. Tên chị là Hanneke. Rất điềm tĩnh, Hanneke nói rằng tôi sẽ có một phòng tắm riêng. Cũng với sự điềm tĩnh ấy chị thông báo tóc tôi sẽ bắt đầu rụng sau ba tuần nữa.
Tôi lấy tay bới đám tóc của mình và cố tưởng tượng ra một chiếc đầu trọc lốc trên đó. Tôi chưa bao giờ để một kiểu tóc lạ nào song giờ đây cả những sợi lưa thưa trên đầu cũng khiến tôi cảm thấy hài lòng.
“Thế còn lông mi và lông mày ạ?” tôi hỏi.
Có lẽ chúng cũng sẽ rụng. Vậy còn lông mu?”
“Cũng vậy.
“Tuyệt thật, vậy cái của em sẽ trở lại làm em bé.
Bas gắn thanh truyền vào người tôi và chúng tôi cùng đợi túi hóa chất đầu tiên.
Bas cạo trọc đầu, cổ đeo một dây xích. Chừng đó thôi cũng đủ để khiến người ta không muốn giao du với anh, nhưng không, sự thật thì Bas lành như một chú gấu Teddy vạm vờ. Anh ân cần buộc túi nước truyền cho tôi, bên cạnh rất nhiều túi chất lỏng khác như thể chúng được treo trên đó để làm đẹp cho thanh truyền của tôi. ISOFAMID, VINCRISTIN, DACTINOMYCIN. Tôi được truyền hóa chất trong ba ngày và mỗi ngày có thể kéo dài tới tám tiếng. Các chị y tá mỗi ngày đều mang những túi chất lỏng mới đến. Sau đó tôi sẽ được lọc rửa vùng bụng trong hai ngày. Hanneke buộc thứ gì đó vào ống dẫn còn đống chất lỏng không màu kia dần dần chuyển thành vàng.
“Đó là truyền hóa chất ạ?”
“Đúng.”
Tôi chăm chú theo dõi cái thứ màu vàng đó bởi nó ngày càng dài ra và đến gần tôi hơn. Tôi nhìn vào cổ tay mình và phân vân không biết có nên rụt tay khỏi cái thứ vàng vàng kia hay không. “Liệu em có bị nôn không?”
“Có thể,” Hanneke nói, “nhưng cũng chưa chắc. Hiện nay có thuốc chống nôn rất tốt.”
Dexamethason là tên một loại thần dược. Sau vài tiếng đồng hồ người tôi căng phình như quả bóng bay chứa đầy chất lỏng. Tôi không bị nôn song lại cảm thấy người mình nôn nao và đó mới là điều tệ hại hơn. Cuối cùng tôi cũng cảm nhận được một chút sức sống. Tôi ngửi thấy mùi bữa ăn gần đây nhất của mình: Bánh mì và xa lát cá ngừ. Tôi sẽ cạch xa lát cá ngừ đến già.
Không còn chút bực tức nào nữa và tôi không phải ngồi bô cả đêm - đó là may mắn đầu tiên của tôi ở đây.
Thứ Ba ngày mùng 1 tháng Hai năm 2005
Mỗi thành viên trong gia đình tôi nhận một nhiệm vụ mới. Tuần này mẹ sẽ ở bên cạnh tôi 24/24 để cùng tôi mơ cơn ác mộng đó. Mà nào có đủ thời gian để mơ. Mới bảy giờ hai mươi chúng tôi đã bị một đám y tá cùng hộ lý đánh thức. Là một con bé bị ung thư nên tôi cần mẹ hơn lúc nào hết. Nếu tôi phải đi vệ sinh, mẹ nới lỏng dây ở ổ cắm cho tôi vì chiếc bơm trên thanh truyền nước được cắm vào đó. Còn nếu tôi cảm thấy uể oải khi ngủ dậy, mẹ một tay đánh răng cho tôi còn tay kia giữ một cái bát nhỏ ở dưới cằm. Như vậy mẹ đã giúp các chị y tá chăm sóc tôi bởi lẽ ra đó là việc của họ. Khi tôi ngủ mẹ cũng ngủ cùng một lúc.
Bố tôi sắp đặt mọi thứ có thể sắp đặt được. Ông tìm thông tin về bác sĩ L ở những người bạn cũng là bác sĩ của mình và tìm hiểu về căn bệnh của tôi trên mạng. Trong những ngày qua mối quan hệ mà ông tạo dựng được với vị bác sĩ mới còn tốt hơn quan hệ của tôi với ông ta. Hai người đã vài lần nói chuyện với nhau trong lúc tôi phải đưa mắt nhìn về một nơi nào đó. Bố thích thuật lại những lần nói chuyện đó và phải nói tôi thấy rất mừng vì ông đã tiết kiệm được cho tôi những cuộc nói chuyện với hàng đống ngôn từ y học khó hiểu của bác sĩ L. Tôi chẳng thấy thích gặp ông ta lắm, tôi thấy ông ta cũng kinh khủng y như căn bệnh của mình. Bố tôi làm quản trị mạng, còn tôi cũng không biết nhiều về công việc mà ông phải làm từ chín giờ sáng tới tận chín giờ tối. Cũng nhờ công việc của mình mà ông đã tìm thấy điều gì đó từ bệnh viện Mayo ở Mỹ và nó trở thành mối quan tâm mới của ông.
Không có khẳng định nào về việc đây là một căn bệnh hiếm gặp, đó là điều tôi tìm ra được khi ngồi bên máy tính và gõ từ “Rhabdomyosarkom”. 846.000 kết quả tìm kiếm trong vòng 0,17 giây.
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư ở trẻ em: Rhabdomyosarcoma:
Rhabdomyosarcoma là một loại khối u phát triển nhanh, thường là ác tính và là nguyên nhân gây nên u Sacôm mô mỏng ở trẻ em. U rhabdomyosarcoma phát triển từ tế bào cơ nguyên thủy có tên “rhabdomyoblast”. Thay vì phát triển thành những tế bào cơ bình thường rhabdomyoblast sao chép sai lệch. Do loại cơ này nằm rải rác khắp nơi trong cơ thể nên các khối u cùng có thể xuất hiện ở nhiều điểm khác nhau.
Điều trị:
Rhabdomyosarcoma được điều trị kết hợp giữa phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Thống kê:
- Là nguyên nhân dẫn đến 5-8% số bệnh ung thư ở trẻ em.
- 70% các trường hợp rhabdomyosarcoma được chẩn đoán trong vòng mười năm tuổi đầu tiên.
- Thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 tới 6 và từ 15 tới 19.
- Ti lệ mắc bệnh cao nhất là trẻ em ở độ tuổi từ 1 đến 5.
- 50% trẻ em mắc rhabdomyosarcoma sống được thêm 5 năm.
http://www.acor.org/pedonc/diseases/rhabdo.html
Tôi lướt chuột qua nhanh. Càng thấy được rõ là tôi bị ung thư tôi càng ít hy vọng. Và trong lúc này tất cả hy vọng đều là con số không. Chẳng còn gì có thể làm tôi vui. Kể cả các bữa ăn lẫn những chiếc quần jeans mới hay cả cuốn sách nằm trên bàn kia. Tôi chẳng quan tâm tới gì nữa, kể cả những cơn đau do truyền dịch, kể cả những lần nôn mửa vào chiếc xô mà mẹ tôi phải giữ.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy trống rỗng như vậy.
Chị gái tôi lo mọi việc ở nhà. Không chỉ đơn giản là đổ thêm thức ăn vào bát cho chú mèo mù già và đãng trí, hay đi vứt rác mỗi thứ Năm và thứ Hai, chị phải lo bữa ăn cho bố và tạo ngạc nhiên cho mẹ bằng các cuộc gọi điện, bánh mì và tạp chí. Chỉ có Chúa mới biết chị lấy thời gian ở đâu để mỗi lần đến thăm tôi đều mang theo một bát mì Ý, một bát xúp nóng, một hộp kem dưỡng da và thêm vào đó là một nụ cười trong trẻo. Mỗi ngày chị lại mang đến một thứ gì đó mới mẻ.
Nhiệm vụ còn lại trong gia đình thuộc về tôi và nhiệm vụ đó rất đơn giản: trước hết là bị bệnh, sau đó phải khỏe trở lại. Tôi nằm trên giường với một cơ thể ốm đau và đầy sợ hãi, song cũng rất cương quyết để quên đi những điều chết tiệt này. Mỗi lần nằm đó tôi đều hồi hộp khi nghe tiếng cửa mở và vị bác sĩ tệ hại xuất hiện cùng với những đồng nghiệp cũng tệ hại không kém. Ông ta gõ cửa, nhưng không phải để báo hiệu rằng ông ta đến thăm tôi. Một con người thật kinh khủng. Tôi không hề có hứng thú nghe mỗi lần ông ta mở miệng. Miệng ông ta chi phun ra thứ âm thanh kinh khủng và đáng sợ.
Thứ Tư ngày mùng 2 tháng Hai năm 2005
“Không thể cứ để cô ấy nằm mãi đó được. Nếu các ông không làm điều gì đó, tôi sẽ đưa cô ấy đi.” Nằm trong phòng tôi nghe rõ giọng của Jan và tiếng Jochem cười ngoài hành lang. Họ đang nói chuyện với bác sĩ L. Tiếng bác sĩ L nghe có phần lo lắng và yếu ớt.
Người tôi bắt đầu phình ra như quả bóng, gương mặt đỏ như cà chua, hai tay tôi cũng không còn được như trước. Việc tôi tăng hơn ba cân không lọt qua được mắt của Jan và Jochem.
“Chào tiểu thư, em có đôi má đẹp đấy. Màu cũng hay nữa.” Jan xuất hiện với một vài cuốn tạp chí và một chai nước việt quất. “Để chống nhàm chán.”
Jochem cũng mang theo hai chai nước quả màu đỏ đậm. “Nước quả cơm cháy” là tên chai nước. “Anh đã hỏi loại quả nào chứa nhiều vitamin nhất”, anh thì thầm. “Tốt cho em lắm đấy. Người bán hàng đã nói vậy.” Anh cúi người hôn vào má tôi.
Ngoài gia đình tôi và Annabel thì Jan, Jochem, Rob và Martijn là những người duy nhất tôi muốn có bên mình trong những ngày này. Đây là lần thứ hai họ tới thăm tôi. Lần trước là khi tôi vẫn còn nằm ở phòng bệnh của bác sĩ K và họ đã đợi tôi trong phòng chụp X-quang ở tầng một. Lần ấy tôi được đưa đến đó để chụp phổi. Jochem mang tới tặng tôi một bó hoa nhỏ còn Jan mang tới một chiếc kẹo mút to nhiều màu sặc sỡ có hình trái tim. Và tất nhiên cả tạp chí nữa, những thứ đó anh ấy không bao giờ quên. Chúng tôi cùng nhau uống cà phê ở tầng một rồi hai người đưa tôi vào phòng khám của bác sĩ K để các bác sĩ kiểm tra liệu tôi có bị lao hay không. Cũng tại đó Jan đã nhặng xị lên rồi nói các bác sĩ nên bỏ tay họ ra khỏi người tôi và đừng có làm tôi đau.
Hôm nay chúng tôi lại bị làm phiền. Y tá Bas phải đặt một chiếc kim tiêm mới bởi chiếc hôm qua đã bị xê dịch. Khi Bas lấy chiếc kim ra khỏi túi tôi nhận thấy cả Jan và Jochem đều chạnh lòng. Sophie, cô bạn của họ tự dưng phải nằm bên những ống truyền dịch vì một thứ bệnh gì đó. Họ không nói gì cả, thậm chí cũng không tếu táo nữa. Vô cùng thận trọng, họ bước ra rồi tiếp tục cuộc nói chuyện của mình với một bác sĩ ở ngoài hành lang.
Thứ Sáu ngày mùng 4 tháng Hai năm 2005
Có tiếng gõ cửa. Khúc gỗ thô kệch ở khoa Phổi, người đã mang tới cho tôi cái tin xấu đó, bước vào phòng. Đó là một chàng bác sĩ tội nghiệp, người hôm đó thay thế bác sĩ K yêu quý của tôi. Tôi giật mình khi thấy đầu anh ta ló ra khỏi tấm rèm. Tấm rèm là thứ duy nhất che giường bệnh của tôi khỏi cái bệnh viện này cùng tất cả những gì diễn ra ở đây. Anh ta muốn biết tôi cảm thấy trong người ra sao. Tốt, tôi trả lời với cái đầu nặng trịch. Tôi cũng không biết tại sao nhưng tôi luôn nói với bất cứ ai rằng mình cảm thấy khỏe nếu họ muốn nghe điều đó. Rằng tôi sẽ sớm bình phục.
Khúc gỗ thô kệch rời khỏi phòng, ngay lập tức bác sĩ L xuất hiện với một toán đồng nghiệp.
Không khó để nhận ra họ coi trọng mình thế nào - tôi cũng vậy-, bởi họ tới cùng một toán bác sĩ nghiên cứu mà không hề báo trước rồi dàn binh bố trận xung quanh giường một bệnh nhân phải điều trị hóa chất vào thời điểm không thích hợp chút nào. “Xin chào. Chúng tôi muốn kiểm tra tình hình của cháu”, bác sĩ L nói.
Phải, tôi đâu có mù. Tôi thận trọng đưa mắt nhìn nhóm bác sĩ lạ mặt đến từ khoa Ung thư nơi giờ đây là lành thổ của tôi, mà cũng có thể là ga cuối trong hành trình của tôi. Đôi mắt tôi cố gắng tìm kiếm một người. Một người từ khoa Phổi. Người sau khi điều trị xong đã nhẹ nhàng đặt chiếc áo phông đẫm mồ hôi lên tấm lưng trần của tôi. Người ngày nào cũng qua phòng tôi không chỉ để hỏi về tình hình sức khỏe mà còn hỏi thăm cả những nhân vật trong cuốn sách tôi mang tới đọc để chống lại những lúc nhàm chán. Nhưng bác sĩ K không có trong nhóm đó.
Bác sĩ L hôm nay có gì đó hơi khác - ông ta cười.
“Tôi có hai tin tốt lành cho cháu. Tin thứ nhất: Chúng tôi đã có kết quả cuối cùng từ phòng thí nghiệm. Xương của cháu hoàn toàn không bị sao. Tin thứ hai: Chúng tôi đã xem lại các kết quả hội chẩn của cháu và đưa ra kết luận là khối u chính không nằm trong gan mà nằm ở thành phổi như các u phụ khác. Điều đó có nghĩa các khối u vẫn chỉ nằm trong vùng ngực mà chưa lan tới vùng bụng phải.”
Ôi chao!
“Những cơn đau nhói mà cháu cảm thấy ở vùng gan là do chụp bức xạ. Đây là một di căn nhưng không phải từ cơ quan này tới cơ quan khác và việc đó sẽ làm cho các chẩn đoán trở nên thuận lợi hơn.”
Im lặng. Tôi vẫn chưa hiểu hết mọi chi tiết. Gan, tủy, xương - mẹ tôi hét to lên rồi bắt đầu thổn thức, vẫn là sự im lặng. Dần dần tôi mới hiểu đó là một tin cực tốt. Gan không bị sao cả. Cái không khí u ám luôn bao quanh tôi trước kia khiến tôi đưa ra kết luận rằng ung thư gan đồng nghĩa với việc đã có thể đặt một chỗ trước ở nghĩa trang. Nhưng tôi không dám mừng vì bác sĩ L có thể sẽ xem xét lại kết quả chiếu chụp của tôi lần nữa rồi lại thay đổi ý kiến.
“Với những tin tốt lành như vậy bác có thể đến thường xuyên hơn”, tôi nói khi ông ta quay người đi thăm các bệnh nhân khác.
Thứ Năm ngày 17 tháng Hai năm 2005.
Tóc rụng đầy trên gối khi tôi tỉnh dậy. Tóc giắt đầy trên lược, nhiều hơn thường lệ.
Tôi chết lặng ở bồn rửa.
Một tiếng sau tôi ngồi trên ghế và nhìn vào cô gái trong gương. Có gì đó không ổn với mái tóc của tôi. Nó đang rụng dần, hàng ngàn sợi một. Từng phút từng phút một.
Từng phút từng phút trôi qua tôi nhìn thấy trong mình một đứa đầu trọc. Mới hôm qua thôi mọi việc vẫn còn bình thường khi tôi gội đầu. Nhưng đó là hôm qua còn bây giờ là hôm nay. Hôm nay tôi phải đeo tóc giả, đó là điều chắc chắn.
Đây đã là lần thứ tư tôi tới một cửa hàng tóc giả nhưng tôi vẫn không sao cảm thấy thoải mái được. Hai lần đầu tiên tôi đến với mẹ vào năm ngoái cũng với nỗi khổ của việc đầu tóc trọc lốc khi bà bị chẩn đoán ung thư vú.
Ký ức đau buồn về những chiếc đầu ma nơ canh bên cửa sổ, về những chiếc máy cắt tóc, và cả hai lần đều là về người phụ nữ khó tính ở cửa hàng đó vẫn in đậm trong tôi. Mẹ tôi luôn để kiểu tóc buộc cao. Sau hai lần phẫu thuật liên tiếp giờ thì tóc mẹ ngắn cũn và đen nhánh. Sở dĩ phẫu thuật hai lần là do họ phải cắt đi một thứ gì đó ở ngực trong lần phẫu thuật thứ hai. Các cuộc xét nghiệm cho thấy cần có cuộc phẫu thuật ấy, thêm vào đó là năm tuần xạ trị ở bệnh viện Antoni-van- Leeuwenhoek và một đợt hóa trị ở bệnh viện OLVG.
Mẹ đã vượt qua tất cả tuy bệnh của mẹ có lúc diễn biến khá gay cấn. Các thuật ngữ y học mà bác sĩ dùng ngày càng trở nên đáng sợ hơn, từ lần phẫu thuật thứ nhất đến lần thứ hai, từ xạ trị đến điều trị hóa chất. Những từ này gieo rắc nỗi kinh hoàng cho chúng tôi. Hóa chất. Rụng tóc. Chết. Cảm giác mách bảo những từ này nằm thật gần nhau. Căn phòng trước kia mẹ tôi được điều trị hóa chất giờ là nơi điều trị ngoại trú của tôi. Các y tá vẫn nhận ra chúng tôi. Căn phòng này giống hệt căn phòng trong phim Sex and the City, ở tập cả bốn nhân vật đứng xung quanh giường của Samantha khi cô được truyền dịch và họ cùng nhau ăn kem hoa quả. Chỉ có khác là chúng tôi không ăn kem hoa quả mà ăn bánh bích quy.
Bà chủ tiệm mang tới vài thùng các tông với đủ kiểu tóc giả bên trong. Những mẫu tóc giả được bảo quản trong hộp chứ không được trưng bày trên đầu ma nơ canh.
“Thật tiếc”, tôi nói. “Mọi việc diễn ra quá nhanh.”
Những tấm hình khi tôi vẫn còn tóc thật nằm trên bàn. Tóc rụng trên vai, trên đầu gối và cả trên sàn gỗ. Tóc giả. Giống kiểu tóc của Guns N’ Roses. Mái tóc đen óng ả của Annabel. Zus - chị thật xinh xắn. Kiểu tóc ngắn của mẹ, nơi tôi luôn thấy bóng dáng của căn bệnh ung thư.
Tôi làm gì ở đây thế này?
Hàng xóm nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Người bán rau cho tôi thêm một túi rau quả nhiều vitamin vào giỏ hàng. Những người bạn ôm tôi thật chặt vào lòng họ. Những thành viên trong gia đình, họ khóc cùng tôi. Miệng tôi là một đường kẻ đáng sợ. Nước mắt tôi giàn giụa. Một bà trung niên lạ lẫm.
Ba từ: ra đi, chạy trốn, chết tiệt???
Thứ Bảy ngày 19 tháng Hai năm 2005
“Trời ạ, trông tôi giống y cô gái trong bức họa của Vermeer, cái cô đeo hoa tai ngọc trai ấy.”
So sánh như vậy còn khá hơn nhiều so với liên tưởng khi lần đầu tôi trông thấy cái đầu trọc lốc của mình. Sau một hồi ngồi trước gương với đống băng đô của Annabel và lọ keo tóc màu trắng của cô chủ tiệm tặng, tôi đi thẳng xuống bếp. Mẹ cùng cô Maud, bạn mẹ đang ngồi uống cà phê ở đó. Tôi cười, hôn vào má cô Maud rồi bật ấm đun nước và chạy lại bên chiếc gương.