Chương 10
ĐÁM TANG VUA

    
ôm sau, ngày 29 tháng năm, thành phố Cadôngđê mang một bộ mặt thật khác thường. Khán dân sợ hãi đóng cửa ở cả trong nhà. Họ chưa từng trông hoặc nghe thấy cái chết nào kinh khủng và kỳ lạ đến thế.
Nego nảy ra một ý nghĩ, hắn bàn với Angve rồi phao tin rằng sự băng hà của nhà vua là một sự biến hóa phi thường. Ngọn lửa phát ra từ thân thể của nhà vua cũng như vị thượng thư trung thành kia là một ngọn lửa thiêng liêng sẽ diệt mọi ốm đau, hoạn nạn cho dân. Một số người dân ngu dại tin tưởng và nức lòng. Người ta mai táng vị thượng thư và chuẩn bị tang lễ nhà vua thật trọng thể.
Ở đầu thành phố Cadôngđê có một dòng suối lớn và dốc chảy qua, đó là một phụ lưu của sông Cônggô. Người ta đắp một cái đập chắn ngang suối và khơi một lối tạm thời cho nước chảy quặt vào cánh đồng. Đập đắp xong, nước ở phía ngoài đập rút về suối sâu. Nơi đây người ta đào một huyệt để an táng vua. Sau đó người ta sẽ phá đập để cho nước chảy như thường.
Theo tập tục xứ này, mỗi khi nhà vua băng hà, người ta phải chọn một số người làm vật hy sinh để tỏ lòng sùng kính cố vương và cũng để cho tang lễ được uy nghi. Nego đã dành cho Đíchsơn một chân trong số hy sinh đó. Buổi trưa, Nego đến nhà giam., Đíchsơn bị trói đang nằm trong xó ngục và đã hơn hai tư tiếng đồng hồ chưa được ăn uống gì. Nghe tiếng mở cửa, Đíchsơn cố quay đầu ra, Nego bước vào nói:
- Người nào lượt ấy! Hôm nay ta là thuyền trưởng, là chủ nhân. Cái đời thủy thủ xuống dốc của mày bây giờ ở trong tay ta.
Đíchsơn không sợ hãi đáp:
- Ở tay mày thì mày cầm lấy. mày phải biết trời có mắt, ác giả ác báo không xa đâu.
- Nếu trời có mắt thì cứu mày đi! Còn thì giờ đấy!
- Ta sẵn sàng hy sinh! Ta không sợ chết đâu!
- Dễ thường mày mong đợi ai đến cứu được chăng? Mày điên rồi! Một cuộc giải cứu ở Cadôngđê này không đời nào có. Mày phải biết Angve và ta là chủ nhân ở đây!
- Trời xui khiến! Biết đâu đấy! Ecquyn còn kìa!
- Ecquyn à? Nó đã vào bụng sự tử đời tám hoánh nào rồi! Ta chỉ tiếc một điều là ác thú đã đi trước sự trả thù của ta.
- Nếu Ecquyn chết thì đã có Đinhgô. Đinhgô hãy còn sống! Ta biết rõ mày, mày hèn nhát lắm. Một ngày kia nó sẽ tìm mày và xé xác mày ra!
- Đồ khốn nạn! Mày nói gì? Ta đã bắn chết nó rồi. Nó đã chết cũng như bọn con mụ Uynxton, cũng như tất cả những kẻ còn sống sót của thuyền Hải âu.
- Nếu thế thì chính mày cũng sẽ chết!
Câu nói này làm cho Nego xám mặt lại. Hắn xông vào, định bóp cổ cho Đíchsơn chết đi. Nhưng nghĩ thế nào, hắn lại rụt tay lại rồi quay ra bảo người cai ngục phải canh lỹ tội nhân. Thâm ý của Nego là dành cho Đíchsơn một cái chết đau khổ, cái chết từ từ ở lòng suối Cadôngđê.
Câu chuyện vừa rồi đáng lẽ khiến cho Đíchsơn nản lòng, nhưng trái lại đã làm cho tinh thần Đíchsơn thêm phấn chấn hơn. Đíchsơn ngủ một giấc đến hai tiếng đồng hồ. Khi dậy, thấy người khỏe khoắn hơn, Đíchsơn cố dứt được dây trói ở cánh tay. Dễ chịu làm sao khi cánh tay được co duỗi tự do!
Lúc đó đã quá nửa đêm. Người cai ngục uống rượu say, ngủ mệt, bàn tay còn nắm cổ chai. Đíchsơn định chiếm khí giới của y để vượt ngục. Chợt nghe có tiếng cào ở chân cửa, Đíchsơn khẽ bò ra. Tiếng cào vẫn tiếp tục và nghe rõ hơn. Hình như có ai cào đất ở bên ngoài? Người hay vật?
Đíchsơn nghĩ: “Nếu là Ecquyn thì hay quá!”
Đíchsơn quay lại nhìn người cai ngục. Hắn vẫn ngủ như chết. Đíchsơn ghé miệng vào khe cửa định gọi “Ecquyn”. Một tiếng rít nhỏ đáp lại. Đíchsơn tự nhủ: “Không phải Ecquyn! Đó là Đinhgô!”.
 Ngay lúc đó, một cái chân thò vào trong cửa. Đíchsơn nắm lấy biết là chân Đinhgô nhưng không thấy thư từ gì. Có lẽ ở cổ nó chăng? Đíchsơn dùn gtay đào thêm cho nó lọt đầu vào. Nhưng vừa móc được ít đất thì tự nhiên con chó sủa vang. Không phải tiếng Đinhgô mà là tiếng các con chó khác của bọn Angve. Tức thì mấy phát súng nổ vang báo động. Đinhgô trốn biệt. Người cai ngục mơ màng tỉnh dậy. Đíchsơn không dám tính đến việc vượt ngục nữa vì bên ngoài lính canh đã thức cả. Đíchsơn bò vào chỗ cũ, nằm đợi sáng, một buổi sáng không có ngày mai cho kẻ sa cơ.
Suốt ngày hôm sau, những người đào huyệt làm việc hăng hái. Chiều đến, đám tang khởi hành từ phố chính để ra bờ suối. Đoàn đưa đám khá dài. Đầu tiên là những phu, những lính mang cờ quạt, khí giới, rồi đến các triều thần, một số dân và bọn lái buôn nô lệ Angve, Koimbra, Nego cùng bọn hạ thủ đều có mặt. Sau phường kèn trống là chiếc võng xanh trong đặt thi thể  nhà vua liệm trong một tấm khăn bằng vóc đỏ, do nhiều người khiêng. Các cung phi đi hai bên và sau võng, tong đó có vài bà nét mặt buồn rấu vì họ đã bị chỉ định để theo luôn nhà vua xuống suối vàng. Hoàng hậu Môna, mặc đồ tang theo sau một cái kiệu thường gọi là linh xa. Cuối cùng là những thể nữ va quân hầu.
Đám ma đến bờ suối thì trời đã tối. hàng trăm bó đuốc nhựa thông được đốt lên, sáng đỏ một góc trời. Người ta trông rõ lòng suối cạn. Giữa là một huyệt sâu, hai bên là những thân hình đen đen của những nô lệ dùng làm vật hy sinh và bị xích chân xuống đất. Mấy bà cung phi trẻ tuổi ủ rũ trong bộ xiêm y đại tang cũng được đưa theo xuống chầu vua.
Tại đầu huyệt, về phía đập nước, người ta dựng một hình nộm nhà vua, áo mão đàng hoàng, mắt đeo kính lóng lánh trông như người thật. Xa xa đối diện hình nộm là một cây cột sơn đỏ trồng sâu xuống đất. Trên cột đó, người ta đã trói Đíchsơn vào. Đíchsơn mình trần, lộ rõ những vết thâm tím do Nego hạ lệnh cho tay sai đánh đập trước khi đưa đi hành hình. Đíchsơn vẻ mặt ngang nhiên tựa thẳng vào cột đợi chết.
Giờ an táng đã đến. Người ta rước thi hài vua xuống suối, hạ huyệt và đắp mồ. Mồ đắp xong, hoàng hậu Môna đứng trên bờ, giơ tay ra hiệu. kèn trống nổi vang. Đập được mở ra. Nước đổ xuống ào ào. Tiếng nước chảy chen lẫn tiếng gào khóc của nạn nhân cùng tiếng reo hò ở trên bờ tạo thành một âm thanh hỗn loạn làm náo động một góc trời, lập lòe ánh đuốc. Ác thay! Người ta không phá đập để nước chảy ùa một lúc cho nạn nhân đỡ chết khô. Người ta chỉ xẻ đập cho nước chảy dần dần. Thoạt tiên, nước bén chung quanh mồ, đến chân các nạn nhân, rồi đến ngực, đến đầu. Rồi những điểm đen biến mất dưới làn nước long lanh ánh lửa.
Còn lại Đíchson, nước lên tới đầu gối. Đíchsơn cố cựa mạnh để đứt dây trói nhưng không nổi. Rồi nước cứ lên, lên nữa, trùm qua đầu kẻ nạn nhân cuối cùng.
Mọi người kéo nhau ra về. Dòng suối lại cuồn cuộn chảy như cũ. Không con dấu vết gì tỏ ra nơi đây vừa mai táng một ông vua, nơi đây vừa chôn sống bao nhiêu mạng người vô tội để làm vật cúng cho một xác chết.