19/9
Chương 35

    
áng hôm sau, khi Anna thức dậy, việc đầu tiên cô làm là gọi điện tới Lâu đài Wentworth.
“Giống như một cuộc chạy đua sát nút, phải nhanh lên mới kịp”, Arabella cảnh báo, sau khi Anna đã nói hết mọi chuyện với bà.
“Phu nhân muốn nói gì?”, Anna hỏi.
“Fenston đã ra lệnh tuyên bố phá sản đối với Lâu đài Wentworth. Ông ta chỉ cho tôi hai tuần để thanh toán hết nợ nần, nếu không ông ta sẽ rao bán tài sản của Lâu đài Wentworth trên thị trường. Vì vậy hy vọng là Nakamura không biết chuyện đó, bởi vì nếu ông ta biết, cô sẽ bị yếu thế khi đàm phán giá cả và thậm chí có thể khiến ông ta nghĩ lại”.
“Tôi sẽ gặp ông ta vào lúc 10 giờ sáng nay”, Anna nói. “Tôi sẽ gọi lại cho Phu nhân ngay sau khi biết quyết định của ông ta, nhưng lúc đó sẽ là nửa đêm ở Anh quốc”.
“Nửa đêm thì có sao”, Arabella nói, “tôi sẽ chờ”.
Sau khi đặt máy điện thoại xuống, Anna bắt đầu điểm lại những chiến thuật mà cô sẽ đưa ra trong cuộc gặp với Nakamura. Thực tế là trong mười hai giờ qua, cô hầu như chẳng nghĩ đến chuyện gì khác ngoài chuyện đó.
Cô biết là Arabella sẽ hài lòng với bất kỳ một giá nào nếu khoản tiền thu được có thể giúp bà ta thanh toán nợ nần cho Fenston và đảm bảo rằng toà Lâu đài sẽ thoát khỏi sự rình rập của các chủ nợ. Anna tính rằng chỉ cần 50 triệu đôla là đủ. Cô đã quyết định là sẽ chấp nhận bán bức tranh với mức giá đó, để còn nhanh chóng quay trở về New York và xoá dòng chữ “mất tích” bên cạnh cái tên của mình cũng như để làm quen trở lại với những đường chạy trong công viên Central. Thậm chí cô có thể sẽ hỏi Nakamura về những chi tiết liên quan tới cái chức giám đốc kia.
Anna nán lại trong buồng tắm một lúc – một sự nuông chiều mà cô chỉ dám dành cho bản thân vào những kỳ nghỉ cuối tuần – trong khi vẫn tiếp tục suy nghĩ về cuộc gặp sắp tới với Nakamura. Cô mỉm cười khi hình dung ra cảnh Nakamura mở gói quà mà cô tặng ông ta. Với bất kỳ một nhà sưu tầm nghiêm túc nào, việc phát hiện ra những hoạ sỹ bậc thầy tương lai cũng đem lại niềm vui sướng giống như khi trả một khoản tiền lớn để có được một tác phẩm của một hoạ sỹ đã thành danh. Khi Nakamura trông thấy bức tranh Tự do, và nếu ông ta có thể đánh giá được tài năng ẩn chứa trong đó, chắc chắn ông ta sẽ treo nó trong bộ sưu tập cá nhân của mình.
Anna suy nghĩ rất lâu về việc cần phải mặc gì cho cuộc gặp gỡ lần thứ hai của họ. Cuối cùng cô chọn một chiếc váy màu be có một viền đăng ten khiêm tốn, một chiếc thắt lưng da to bản màu nâu và một chiếc dây chuyền đeo cổ giản dị bằng vàng – một cách ăn mặc có thể bị xem là quá kín đáo ở New York, nhưng gần như là hơi khiêu gợi ở Tokyo. Hôm qua cô đã chọn cách ăn mặc cho buổi mở đầu, bây giờ cô phải chọn một cách ăn mặc khác cho buổi kết thúc.
Lần thứ ba trong buổi sáng ngày hôm đó, cô lại mở chiếc túi của mình ra để kiểm tra xem cô có đem theo bản sao bức thư của Tiến sỹ Gachet gửi Van Gogh, cùng với một hợp đồng đơn giản chỉ dài một trang mà các nhà buôn chuyên nghiệp thường xem là khuôn mẫu hay không. Anna cảm thấy tin tưởng rằng một khi Nakamura đã nhìn thấy bức tranh…
Cô nhìn đồng hồ. Cuộc gặp với Nakamura được ấn định vào lúc 10 giờ, và ông ta đã hứa cho xe tới đón cô vào lúc 9 giờ 40 phút. Cô sẽ xuống chờ ở dưới đại sảnh. Người Nhật Bản rất nhanh mất kiên nhẫn với những người không đúng hẹn.
Anna đi thang máy xuống đại sảnh và bước tới quầy tiếp tân. “Tôi sẽ làm thủ tục ra khỏi khách sạn vào chiều nay”, cô nói, “hãy chuẩn bị sẵn hoá đơn cho tôi”.
“Tất nhiên, thưa Tiến sỹ Petrescu”, cô nhân viên tiếp tân nói. “Tôi có thể hỏi là trong tủ rượu nhỏ trên phòng của bà còn lại những gì không ạ?”.
Anna suy nghĩ một lát. “Hai chai nước khoáng Evian”.
“Cảm ơn bà”, cô nhân viên tiếp tân nói và bắt đầu gõ những thông tin vào chiếc máy tính trước mặt mình trong khi một người trực tầng chạy lại phía cô.
“Tài xế riêng đã tới đón bà”, anh ta nói rồi đưa Anna tới chỗ chiếc xe limousine đang chờ.
Jack đang ngồi sẵn trong một chiếc tắc xi khi Anna xuất hiện ở cổng ra vào khách sạn. Anh đã quyết tâm không để mất dấu Anna lần thứ hai. Suy cho cùng, Người Lùn chắc cũng đang chờ Anna, và thậm chí có thể cô ta đã biết rõ Anna sẽ đi đâu.
Krantz cũng ngủ qua đêm ở trung tâm Tokyo, nhưng không giống Petrescu, cô ta không ngủ trong khách sạn mà là trong cabin của một chiếc cần cẩu, ở độ cao khoảng 100 năm mươi bộ trên không. Cô ta hoàn toàn tin rằng chẳng có ai đến tìm mình ở một chỗ như thế. Cô ta nhìn xuống thành phố Tokyo bên dưới khi mặt trời bắt đầu mọc trên Cung điện Hoàng gia. Cô ta nhìn đồng hồ. 5 giờ 56 phút. Đã đến lúc phải xuống, nếu cô ta muốn không bị ai nhìn thấy. Sau khi đã xuống mặt đất, Krantz hoà vào dòng người đi làm theo vé tháng và biến xuống ga điện ngầm.
Sau bảy chặng tàu điện ngầm, Krantz hiện lên mặt đất ở ga Ginza và nhanh chóng đi về phía khách sạn Seiyo. Cô ta lẩn nhanh vào khách sạn, giống một vị khách thường xuyên, không làm thủ tục, không ở qua đêm. Krantz tìm một chỗ ngồi ở góc sảnh, nơi cô ta có thể quan sát rõ cả hai thang máy, trong khi chỉ có những người hầu bàn tận tình nhất mới có thể trông thấy cô ta. Đó là một sự chờ đợi rất lâu, nhưng sự kiên nhẫn là một khả năng được phát triển nhờ tập luyện – giống như bất kỳ một khả năng nào khác.
Người tài xế đóng cửa sau xe lại. Không phải là anh chàng tối qua, Anna chưa bao giờ quên mặt một ai mà cô đã từng gặp. Anh ta đánh xe đi mà không nói lấy một lời nào. Anna cảm thấy tự tin hơn khi mà cô đã vượt qua được những cột mốc quan trọng.
Khi người tài xế lại mở cửa sau xe cho cô, Anna có thể trông thấy cô thư ký của Nakamura đang đứng chờ cô trong sảnh. 60 triệu đôla, Anna thì thầm với chính mình khi cô bước lên cầu thang, và không bớt một xu nào. Các cánh cửa kính trượt ra, và cô thư ký cúi thấp mình để chào Anna.
“Xin chào bà, Tiến sỹ Petrescu. Ngài Nakamura San đang chờ gặp bà”. Anna mỉm cười và đi theo cô ta dọc theo cái hành lang với những căn phòng không có biển đề ở bên ngoài. Một cái gõ nhẹ lên cánh cửa, rồi cô thư ký mở cửa văn phòng của Nakamura ra và nêu tên khách, Tiến sỹ Petrescu. Một lần nữa, căn phòng này lại làm cô choáng váng, nhưng cô cố không há miệng ra như lần trước. Nakamura đứng dậy từ sau bàn làm việc và cúi chào. Anna cúi chào đáp trả trước khi ông ta mời cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện với mình qua bàn làm việc. Nụ cười của ngày hôm qua đã bị thay thế bằng một bộ mặt cau có. Anna cho rằng đó chỉ là chiến thuật đàm phán giá cả.
“Tiến sỹ Petrescu”, ông ta vừa bắt đầu nói vừa mở một tập hồ sơ trước mặt mình, “có vẻ như trong cuộc gặp mặt của chúng ta ngày hôm qua, cô đã không thành thật cho lắm đối với tôi”.
Anna thấy miệng mình khô lại khi Nakamura liếc nhìn một số giấy tờ trên bàn. Ông ta bỏ kính ra rồi nhìn thẳng vào Anna. Cô cố để không bị mất bình tĩnh.
“Chẳng hạn như cô đã không cho tôi biết rằng cô không còn làm việc cho Fenston Finance nữa, cô cũng không đề cập gì đến chuyện cô đã bị sa thải khỏi ban giám đốc vì những việc làm không phù hợp với tư cách của một cán bộ ngân hàng”. Anna cố giữ đều hơi thở. “Cô cũng không cho tôi biết gì về việc Phu nhân Victoria đã bị sát hại, vào thời điểm khi bà ta sắp phải thanh toán nợ nần cho ngân hàng Fenston Finance” – ông ta lại đeo kính lên – “một khoản tiền trị giá 30 triệu đôla. Cô cũng quên không đả động gì đến chuyện hiện nay cảnh sát New York đã đưa cô vào danh sách những người mất tích, có thể là đã chết. Nhưng điều tệ hại nhất mà cô đã quên không nói với tôi là bức tranh mà cô đang muốn bán cho tôi, theo cách gọi của cảnh sát, là đồ ăn cắp”. Nakamura khép tập hồ sơ lại, bỏ kính ra và lại nhìn cô chằm chằm. “Có lẽ có một câu trả lời đơn giản cho chứng hay quên ấy?”.
Anna muốn đứng bật dậy và lao ra khỏi căn phòng, nhưng cô không thể nhúc chích chân tay. Cha cô đã luôn dặn cô rằng khi bị phát hiện, hãy thú nhận. Cô thú nhận tất cả. Thực tế là cô còn cho ông ta biết hiện giờ bức tranh đang được giấu ở đâu. Sau khi cô kết thúc, Nakamura yên lặng một lát. Anna ngồi chờ với sự lo lắng rằng cô sẽ bị tống ra khỏi toà nhà này, không kèn không trống.
“Bây giờ thì tôi hiểu tại sao cô không muốn bức tranh ấy bị đem ra bán trong vòng mười năm, và tất nhiên là cũng không muốn nó được đem ra trưng bày. Nhưng tôi muốn hỏi cô định làm gì để đối phó với ông chủ cũ của mình. Rõ ràng ông Fenston muốn có bức tranh hơn là thu hồi nợ.
“Nhưng mấu chốt là ở chỗ đó”, Anna nói. “Một khi khoản thấu chi kia đã được thanh toán, Lâu đài Wentworth có thể bán bức tranh cho bất kỳ ai nếu họ muốn”.
Nakamura gật đầu. “Giả sử tôi tin cô, và nếu tôi vẫn muốn mua bức Chân dung, tôi cũng muốn đưa ra vài điều kiện”.
Anna gật đầu.
“Thứ nhất là, bức tranh phải do Phu nhân Arabella trực tiếp bán, sau khi các thủ tục pháp lý đã được thể hiện rõ”.
“Tôi thấy không có lý do gì để phản đối chuyện đó”, Anna nói.
“Thứ hai là, tôi muốn bức tranh tranh ấy phải có giấy chứng thực của Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam”.
“Chuyện đó chẳng khó khăn gì đối với tôi”, Anna nói.
“Vậy thì điều kiện thứ ba của tôi sẽ gây khó khăn cho cô”, Nakamura nói, “đó là cái giá mà tôi sẽ trả cho bức tranh, bởi vì tôi tin rằng mình đang ở một vị thế mà theo cách nói của người Mỹ, một cách nói mà thực tình tôi không thích, là tôi đang cầm lái”.
Anna miễn cưỡng gật đầu.
“Nếu, và xin nhắc lại, nếu cô có thể đáp ứng những điều kiện khác của tôi, tôi sẽ sẵn sàng mua bức tranh đó với giá 50 triệu đôla, một cái giá mà tôi đã tính là đủ để Phu nhân Arabella trả nợ và các khoản thuế”.
“Nhưng nếu đem đấu giá thì bức tranh ấy phải đem về 70, thậm chí là 80 triệu”, Anna phản đối.
“Với điều kiện là có thể đem nó ra đấu giá ngay bây giờ”, Nakamura trả lời. “Tôi xin lỗi”, ông ta nói thêm. “Cô đã biết là tôi rất vụng ăn nói”. Lần đầu tiên ông ta mỉm cười. “Dù vậy, tôi được biết là ông Fenston đã ra yêu cầu tuyên bố phá sản đối với khách hàng của cô, và với những gì mà tôi biết về người Mỹ, chắc chắn phải còn lâu mới xong thủ tục pháp lý, và luật sư của tôi tại London cho biết Phu nhân Arabella sẽ không thể gánh nổi những chi phí pháp lý mà những thủ tục rườm rà mất thời gian đó làm phát sinh”.
Anna hít sâu một hơi. “Nếu, và tôi xin nhắc lại, nếu” – Nakamura mỉm cười – “tôi chấp nhận các điều kiện của ngài, để đổi lại ngài cũng nên tỏ thiện chí”.
“Và cô đang nghĩ gì trong đầu?”.
“Ngài sẽ đặt trước 10%, 5 triệu đôla, làm giao kèo với các luật sư của Arabella tại London, và khoản tiền đó sẽ được hoàn lại nếu ngài không muốn mua nữa”.
Nakamura lắc đầu. “Không. Tiến sỹ Petrescu, tôi không thể chấp nhận kiểu thiện chí đó”.
Anna cảm thấy thất vọng.
“Tuy nhiên, tôi sẵn sàng đặt năm triệu đôla làm giao kèo với các luật sư của tôi tại London, phần còn lại sẽ được trả khi thanh toán hợp đồng”.
“Cảm ơn”, Anna nói và không giấu nổi một tiếng thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng Nakamura tiếp tục. “Sau khi đã chấp nhận các điều kiện của cô, tôi muốn cô nên tỏ thiện chí”, ông ta vừa nói vừa đứng dậy. Anna cũng lo lắng đứng dậy theo. “Nếu vụ giao dịch này thành công, cô hãy cân nhắc chức vụ giám đốc quỹ của tôi một cách nghiêm túc”.
Anna mỉm cười, nhưng không cúi mình. Cô chìa tay ra và nói: “Nói theo cách nói của người Mỹ, một cách nói đáng ghét nhưng rất phù hợp trong trường hợp này, chúng ta đã thoả thuận xong”. Cô quay mình bước đi.
“Và còn một chuyện nữa trước khi cô ra về”, Nakamura vừa nói vừa cầm một chiếc phong bì ở bàn làm việc lên. Anna quay đầu lại, hy vọng trông mình không quá bối rối. “Nhờ cô làm ơn chuyển bức thư này cho cô Danuta Sekalska, một tài năng vĩ đại mà tôi tin là sẽ sớm chín muồi”. Anna mỉm cười khi vị chủ tịch đi cùng với cô dọc theo hành lang và ra chỗ chiếc limousine đang chờ. Họ nói chuyện về những sự kiện khủng khiếp vừa qua ở New York, và những hậu quả lâu dài đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, Nakamura không đả động gì tới lý do tại sao người tài xế hàng ngày của ông ta lại phải vào viện vì những chấn thương nghiêm trọng.
Nhưng suy cho cùng thì người Nhật Bản luôn cho rằng cần phải giữ lại một vài bí mật cho gia đình.
Cứ mỗi khi Jack đặt chân tới một thành phố lạ, ít khi anh thông báo cho đại sứ quán biết về sự có mặt của mình. Họ thường đặt ra quá nhiều câu hỏi mà anh không muốn trả lời. Tokyo cũng không phải là ngoại lệ, nhưng anh lại muốn có câu trả lời cho một vài câu hỏi của chính anh, và anh biết cần phải gặp ai.
Một kẻ phạm tội lừa đảo từng bị Jack tống giam đã có lần nói cho anh biết rằng mỗi khi anh ra nước ngoài và cần thông tin, hãy chọn một khách sạn hạng sang để ở. Nhưng đừng làm phiền người quản lý, cũng đừng trông đợi gì ở tiếp tân, mà hãy hỏi người gác cửa. Hãy hỏi xem anh ta kiếm sống bằng cách nào, tiền lương là bao nhiêu.
Với 50 đôla, Jack đã biết mọi thứ cần biết về ông Nakamura, thậm chí cả sự tật nguyền của ông ta do sở thích chơi gôn gây ra khi ông ta 14 tuổi.
Krantz theo dõi khi Petrescu bước ra khỏi toà nhà và lên chiếc xe limousine của Nakamura. Cô ta ngay lập tức vẫy một chiếc tắc xi và yêu cầu tài xế cho cô ta xuống cách khách sạn Seiyo 100 thước. Nếu Petrescu sắp lên đường, chắc chắn cô vẫn còn phải lấy hành lý và thanh toán hoá đơn.
Sau khi người tài xế tạm thời của Nakamura cho Anna xuống khách sạn Seiyo, cô vội lấy chìa khoá ở quầy tiếp tân rồi chạy lên phòng mình ở tầng hai. Cô ngồi ở đuôi giường và gọi điện cho Arabella. Arabella vẫn còn thức.
“Một Portia đích thực”, là câu nhận xét cuối cùng của Arabella khi Anna đã kể hết mọi chuyện cho bà. Portia nào, Anna băn khoăn tự hỏi. Kẻ báo ứng của Shylock, hay là vợ của Brutus? Cô cởi chiếc dây chuyền vàng, tháo chiếc thắt lưng ra, cởi bỏ đôi giày và cuối cùng cởi bỏ váy. Rồi cô mặc một chiếc áo phông, một chiếc quần bò và đi một đôi giày thể thao. Cho dù cô sẽ làm thủ tục ra khỏi khách sạn vào lúc giữa trưa, cô vẫn có đủ thời gian để thực hiện một cuộc gọi điện thoại nữa. Anna cần phải gieo đầu mối.
Tiếng chuông điện thoại đổ một lúc trước khi cô nghe thấy một giọng ngái ngủ cất lên.
“Ai đấy?”.
“Vincent đây”.
“Chúa ơi, mấy giờ rồi? Mình đang ngủ say”.
“Cậu có thể ngủ tiếp sau khi đã nghe tin của mình”.
“Cậu đã bán bức tranh rồi à?”.
“Sao cậu biết?”.
“Được bao nhiêu?”.
“Cũng đủ”.
“Chúc mừng cậu. Vậy bây giờ cậu định đi đâu?”.
“Đi lấy bức tranh”.
“Ở đâu thế?”.
“Vẫn ở chỗ cũ. Cậu lại đi ngủ đi nhé”.
Tín hiệu điện thoại tắt.
Tina mỉm cười và quay trở lại giường ngủ. Fenston sẽ bị đánh bại trong trò chơi của chính mình.
“Ôi chúa ơi”, chị nói to, và tỉnh ngủ hẳn. “Mình đã quên không nói với cậu ấy rằng kẻ truy đuổi là một phụ nữ, và kẻ ấy đã biết cậu ấy đang ở Tokyo”.

Truyện Ấn Tượng Sai Lầm ---~~~cungtacgia~~~---

8 Tác phẩm