Chương 34

    
ô nhân viên tiếp tân không giấu được vẻ ngạc nhiên khi người gác cửa xuất hiện với một chiếc thùng gỗ. Cô ta đưa hai tay lên che miệng, một phản ứng ít thấy ở người Nhật.
Anna không giải thích gì, chỉ nói tên mình. Cô nhân viên tiếp tân kiểm tra danh sách những người sẽ được chủ tịch công ty phỏng vấn vào chiều hôm đó, và đánh một dấu tích cạnh cái tên “Tiến sỹ Petrescu”.
“Ngài Nakamura lúc này đang phỏng vấn một ứng viên khác”, cô ta nói, “nhưng sẽ xong ngay bây giờ”.
“Phỏng vấn họ để làm gì?”, Anna hỏi.
“Tôi không biết”, cô nhân viên tiếp tân trả lời và tỏ vẻ ngạc nhiên khi một người đến xin được phỏng vấn lại đưa ra một câu hỏi như vậy.
Anna ngồi ở phòng chờ và thi thoảng lại liếc nhìn chiếc thùng được đặt dựa vào tường. Cô mỉm cười trước ý nghĩ về cái cách mà cô sẽ áp dụng để thuyết phục một người bỏ ra đến 60 triệu đôla.
Sự đúng giờ luôn là nỗi ám ảnh của người Nhật Bản, vì vậy Anna không ngạc nhiên khi một người phụ nữ ăn mặc lịch sự xuất hiện vào lúc 4 giờ kém 2 phút, cúi chào và mời Anna đi theo mình. Cô ta cũng nhìn chiếc thùng gỗ, nhưng không thể hiện phản ứng của mình mà chỉ hỏi: “Cô có cần đem chiếc thùng kia lên văn phòng chủ tịch không?”.
“Có, làm ơn giúp tôi”, Anna nói và không giải thích gì thêm.
Cô thư ký dẫn Anna đi dọc theo một hành lang dài, ngang qua nhiều cánh cửa không ghi tên và chức vị trên đó. Khi tới cánh cửa cuối cùng, cô thư ký gõ nhẹ, rồi mở cánh cửa ra và nói: “Tiến sỹ Petrescu”.
Ông Nakamura đứng dậy từ sau bàn làm việc của mình và bước lại để đón Anna, lúc này đang há hốc miệng. Một phản ứng không do người đàn ông thấp lùn, tóc đen, mặc complê hàng hiệu gây ra. Chính căn phòng làm việc của ông Nakamura đã khiến Anna bị ngộp thở. Căn phòng có hình vuông, và một trong các bức tường là một tấm kính liền. Anna nhìn qua tấm kính ra khu vườn tĩnh lặng bên ngoài, một dòng suối uốn lượn quanh co, luồn qua một cây cầu gỗ. Hai bên bờ suối là những hàng liễu, với những cành nhánh mềm mại rủ bên ban công.
Trên bức tường phía sau bàn làm việc của ông Nakamura là một bức tranh lớn vẽ khung cảnh mà cô đang nhìn thấy. Anna quay sang nhìn vị chủ nhân của căn phòng.
Ông Nakamura mỉm cười, rõ ràng ông ta rất vui khi thấy vị khách của mình ngạc nhiên đến như vậy trước bức tranh của Monet, nhưng câu hỏi đầu tiên của ông ta cũng làm Anna bị sốc không kém. “Làm sao cô có thể sống sót qua vụ 11/9, khi mà, nếu tôi nhớ không nhầm, văn phòng làm việc của cô đặt ở Tháp Bắc?”
“Tôi đã gặp may”, Anna trầm giọng nói, “mặc dù tôi sợ rằng một số đồng nghiệp của mình…”.
Ông Nakamura giơ một bàn tay lên. “Tôi xin lỗi”, ông ta nói, “tôi vô tâm quá. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách kiểm tra trí nhớ đồ hoạ của cô nhé, và trước tiên là lịch sử của ba bức tranh trong căn phòng này? Đầu tiên là bức của Monet”.
“Rặng liễu ở Vetheuil”, Anna nói. “Chủ nhân trước kia của nó là ông Clark ở Sangton, bang Ohio. Khi ông ta quyết định chia tay bà Ckark, bà vợ thứ ba của mình, bức tranh này đã thuộc về bà ta. Đây cũng là bức Monet thứ ba mà ông ta phải chia tay. Christie đã bán đấu giá bức tranh sơn dầu này được 26 triệu đôla, nhưng tôi không biết người mua chính là ngài”.
Ông Nakamura lại mỉm cười hài lòng.
Anna nhìn sang bức tường đối diện và dừng lời. “Đôi khi tôi vẫn băn khoăn tự hỏi không biết bức tranh đặc biệt kia hiện giờ đang ở đâu”, cô nói. “Đó là một bức của Renoir, tất nhiên. Quý bà Duprez và Các con, còn được gọi là Bài tập đọc. Roger Duprez đã bán bức tranh này tại Paris, một bức tranh mà cha ông ta đã mua của nhà hoạ sỹ vào năm 1868. Vì vậy tôi không thể biết ngài đã trả bao nhiêu tiền để có được nó”, Anna nói thêm rồi quay sang bức tranh còn lại. “Rất dễ”, cô vừa nói vừa mỉm cười. “Đó là một trong những tác phẩm cuối cùng của Manet, có lẽ được vẽ vào năm 1871”, cô dừng lại, “có tên là Bữa ăn tối trong quán cà phê Guerbois. Ngài sẽ thấy vợ của nhà hoạ sỹ ngồi ở góc bên phải và đang nhìn thẳng vào ông ta”.
“Và chủ nhân trước kia của nó?”.
“Phu nhân Charrlotte Churchill. Sau cái chết của chồng mình, bà ta đã buộc phải bán nó”.
Nakamura cúi đầu. “Vị trí ấy là của cô”.
“Vị trí gì, ngài Nakamura?”, Anna hỏi bằng một giọng ngạc nhiên.
“Cô không tới đây để ứng tuyển vào vị trí giám đốc quỹ của tôi à?”.
“Không”, Anna nói và bây giờ cô mới hiểu những gì mà cô nhân viên tiếp tân muốn ám chỉ khi cô ta nói rằng vị chủ tịch đang phỏng vấn một ứng viên khác. “Mặc dù tôi rất hân hạnh khi được ngài cân nhắc, ngài Nakamura ạ, tôi thật sự đến gặp ngài vì một chuyện hoàn toàn khác”.
Vị chủ tịch gật đầu. Ông ta có vẻ thất vọng, rồi ông ta đưa mắt nhìn chiếc thùng gỗ.
“Một món quà tặng nho nhỏ”, Anna vừa nói vừa mỉm cười.
“Nếu thế, và nếu cô thứ lỗi, tôi không thể mở món quà tặng của cô trước khi cô ra về, vì nếu không tôi e là sẽ xúc phạm cô”. Anna gật đầu; cô đã biết rõ phong tục đó. “Xin mời cô ngồi”.
Anna mỉm cười.
“Nào, mục đích thực sự của cô là gì khi cô tới thăm tôi?”, ông ta vừa hỏi vừa ngả người ra sau ghế rồi nhìn cô chăm chú.
“Tôi nghĩ là tôi đang có một bức tranh mà ngài sẽ không thể cưỡng nổi”.
“Tầm cỡ Degas à?”, Nakamura hỏi bằng một giọng quan tâm.
“Ồ vâng”, cô trả lời bằng một giọng hơi quá phấn khích.
“Hoạ sỹ?”.
“Van Gogh”.
Nakamura mỉm cười nhưng nụ cười ấy không cho biết ông ta có quan tâm hay không.
“Tên?”.
“Chân dung người cụt tai”.
“Với một bức tranh nổi tiếng của Nhật Bản được vẽ lại ở sau lưng bức tranh ấy, nếu tôi nhớ không nhầm”, Nakamura nói.
“Nàng Geishas ngắm cảnh”, Anna nói, “thể hiện mối quan tâm đặc biệt của Van Gogh đối với nền nghệ thuật Nhật Bản”.
“Cô đúng là một bậc thầy”, Nakamura nói. “Nhưng bây giờ đến lượt tôi”. Trông Anna có vẻ ngạc nhiên, nhưng cô không nói gì. “Tôi cho rằng đó phải là bức Chân dung của Lâu đài Wentworth, do vị hầu tước đệ ngũ mua?”.
“Bá tước”.
“Bá tước. A, liệu tôi có bao giờ hiểu được những tước hiệu của người Anh không nhỉ? Tôi cứ tưởng từ này trong tiếng Anh là một cái tên cơ đấy”.
“Chủ nhân đầu tiên của nó?”, Anna hỏi.
“Tiến sỹ Gachet, bạn thân của Van Gogh và cũng là một người rất ngưỡng mộ ông ấy”.
“Thế còn ngày tháng?”.
“1889”, Nakamura trả lời, “khi Van Gogh sống tại Arles, ngay sau khi Gauguin trở lại Paris”.
“Và Tiến sỹ Gachet đã trả bao nhiêu tiền cho bức tranh đó?”, Anna hỏi, và hiểu rõ rằng chẳng có mấy ai trên trái đất này dám đùa cợt người đàn ông trước mặt cô.
“Người ta thường nghĩ rằng Van Gogh chỉ bán duy nhất một bức tranh trong cuộc đời mình, bức Vườn nho đỏ. Tuy nhiên, Tiến sỹ Gachet không chỉ là một người bạn thân, mà còn rõ ràng là một nhà bảo trợ của Van Gogh. Trong bức thư mà ông ta gửi cho Van Gogh sau khi nhận được bức tranh, ông ta đã bỏ vào đó một tấm séc trị giá 600 phờ răng”.
“800”, Anna vừa nói vừa mở chiếc cặp của mình và đưa một bản sao bức thư ấy cho Nakamura. “Khách hàng của tôi đang giữ bản gốc”, cô nói thêm.
Nakamura đọc bức thư được viết bằng tiếng Pháp mà không cần nhờ dịch. Ông ta ngẩng lên và mỉm cười. “Cô đang nghĩ đến con số nào trong đầu?”, ông ta hỏi.
“60 triệu đôla”, Anna nói mà không hề lưỡng lự.
Nakamura tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng ông ta không nói gì trong một lúc. “Tại sao một kiệt tác được mọi người công nhận lại rẻ đến như vậy?” cuối cùng ông ta hỏi. “Chắc chắn phải kèm theo một vài điều kiện”.
“Vụ mua bán phải được giữ kín”, Anna trả lời.
“Đó luôn là lựa chọn của tôi, như cô biết rõ đấy”, Nakamura nói.
“Ngài sẽ không được bán lại tác phẩm này sau ít nhất mười năm nữa”.
“Tôi mua tranh”, Nakamura nói. “Tôi bán thép”.
“Trong thời gian đó, bức tranh này không được phép trưng bày ở bất kỳ phòng tranh công cộng nào”.
“Cô đang bảo vệ ai vậy?”, Nakamura bất ngờ hỏi. “Bryce Fenston, hay Victoria Wentworth?”.
Anna không trả lời, và bây giờ cô đã hiểu tại sao vị chủ tịch công ty Sotheby đã từng nhận xét rằng đừng bao giờ đánh giá thấp con người này.
“Đáng ra tôi không nên hỏi cô những câu hỏi như vậy”, Nakamura nói. “Tôi xin lỗi”, ông ta nói thêm rồi đứng lên. “Có lẽ cô cho phép tôi suy nghĩ về đề nghị này trong tối nay”. Ông ta cúi thấp mình, rõ ràng muốn nói rằng cuộc gặp đã kết thúc.
“Tất nhiên, Nakamura San”, cô nói và cũng cúi đầu để đáp trả.
“Hãy bỏ cái từ San ấy đi, Tiến sỹ Petrescu. Trong lĩnh vực chuyên môn của cô, tôi còn lâu mới có thể theo nổi cô”.
Cô muốn nói, hãy gọi tôi là Anna, trong lĩnh vực chuyên môn của ông, tôi hoàn toàn không biết gì, nhưng không hiểu sao cô lại không nói được.
Nakamura bước lại phía cô, và liếc nhìn chiếc thùng gỗ. “Tôi rất muốn biết trong đó đựng món quà gì. Có lẽ chúng ta sẽ gặp lại nhau vào ngày mai, Tiến sỹ Petrescu nhé, sau khi tôi đã có chút ít thời gian để cân nhắc đề nghị của cô”.
“Cảm ơn, ngài Nakamura”.
“10 giờ có được không? Tôi sẽ bảo tài xế đến đón cô vào lúc 9 giờ 40 phút”. Anna cúi chào và ông Nakamura đáp trả. Ông ta bước tới mở cánh cửa ra và nói thêm, “giá mà cô về đây làm giám đốc cho quỹ của tôi thì tốt biết mấy!”.
Krantz vẫn đang đứng ở một chỗ khuất để theo dõi khi Petrescu bước ra khỏi toà nhà. Cuộc gặp gỡ chắc chắn đã có kết quả tốt đẹp bởi vì một chiếc limousine đã chờ sẵn và người tài xế mở cửa sau cho Anna, và quan trọng hơn nữa là không thấy chiếc thùng gỗ kia đâu. Krantz có hai lựa chọn. Cô ta tin chắc rằng Petrescu sẽ trở lại khách sạn để ngủ qua đêm, trong khi bức tranh chắc chắn đã được để lại trong toà nhà kia. Cô ta nhanh chóng đưa ra quyết định.
Anna ngồi ngả người ra sau ghế trên chiếc xe của Nakamura, và lần đầu tiên trong suốt bao ngày qua cô được thư giãn một lát. Cô hoàn toàn tin rằng thậm chí nếu ông Nakamura không đồng ý trả 60 triệu đôla, ông ta chắc chắn vẫn trả một cái giá hợp lý. Nếu không thì tại sao ông ta lại cho xe đưa đón cô và mời cô quay trở lại vào ngày hôm sau.
Khi xe đưa Anna tới khách sạn Seiyo, cô đi thẳng tới bàn tiếp tân để lấy chìa khoá rồi bước tới cầu thang máy. Nếu cô rẽ phải thay vì rẽ trái, thì cô sẽ đi ngang qua chỗ một người Mỹ có khuôn mặt bối rối đang ngồi đó.
Đôi mắt của Jack không rời khỏi Anna khi cô bước vào trong buồng thang máy không có một ai. Anna chỉ có một mình. Không thấy chiếc thùng đâu, và cũng không thấy Người Lùn đâu. Chắc chắn cô ta đã quyết định bám theo bức tranh thay vì bám theo người bán tranh. Jack phải nhanh chóng quyết định sẽ làm gì nếu Petrescu lại xuất hiện cùng với hành lý của mình và lên đường tới sân bay. Ít nhất thì lần này hành lý của anh đã sẵn sàng.
Krantz đã đứng ở những chỗ khuất khác nhau trong suốt gần một giờ đồng hồ, và chỉ di chuyển khi các bóng râm thay đổi dưới ánh nắng mặt trời. Cuối cùng thì chiếc xe hơi của Nakamura cũng quay trở lại và đỗ bên ngoài lối vào công ty thép Maruha. Một lát sau, các cánh cửa trước mở ra và cô thư ký của Nakamura xuất hiện cùng với một người đàn ông mặc đồng phục màu đỏ bê theo chiếc thùng gỗ. Người tài xế mở cốp xe, trong khi người gác cửa đặt chiếc thùng vào trong đó. Người tài xế lắng nghe cô thư ký truyền đạt lại những yêu cầu của vị chủ tịch. Vị chủ tịch cần phải thực hiện vài cuộc gọi điện thoại sang Mỹ và sang Anh trong đêm, và vì thế sẽ ở lại trong công ty. Vị chủ tịch đã xem bức tranh và muốn nó được đưa tới nhà của mình tại vùng thôn quê.
Krantz nhìn qua dòng xe cộ. Cô ta biết mình sẽ có một cơ hội, và chỉ cần tín hiệu đèn đỏ. Cô ta cảm thấy biết ơn khi thấy đó là đường một chiều. Cô ta đã biết rằng những ngọn đèn tín hiệu giao thông ở đầu kia của phố sẽ có màu xanh trong bốn mươi lăm giây. Trong thời gian đó, Krantz đếm được khoảng mười ba chiếc xe chạy qua ngã tư. Cô ta bước ra khỏi chỗ khuất và thận trọng đi dọc theo vỉa hè, giống như một con mèo, vì cô ta hiểu rằng cô ta sắp đánh liều với mạng sống của mình.
Chiếc limousine màu đen của Nakamura xuất hiện trên phố và hoà vào dòng xe cộ buổi chiều muộn. Đèn giao thông đang có màu xanh, nhưng trước chiếc limousine còn có mười lăm chiếc xe hơi khác. Krantz đứng đối diện với chỗ mà cô ta nghĩ là chiếc limousine sẽ dừng lại. Khi đèn chuyển màu đỏ, cô ta chầm chậm bước về phía chiếc limousine; suy cho cùng cô ta còn những bốn mươi lăm giây nữa. Khi chỉ còn cách chiếc xe một bước, Krantz ngã về phía vai phải và lăn dưới chiếc xe. Cô ta nắm chặt lấy hai bên khung ngoài, và đu mình lên. Đó là một trong những thế lợi của một người chỉ cao có bốn bộ 12 inch và nặng dưới 100 pao. Khi đèn chuyển sang màu xanh và chiếc limousine lao đi, không còn thấy cô ta đâu nữa.
Có một lần, trên các ngọn đồi ở Romania, trong lúc đang chạy trốn những người nổi dậy, Krantz đã bám sát vào gầm một chiếc xe tải hai tấn giống như một thỏi nam châm và để nó đưa mình qua hàng chục dặm đường trên những con đường gồ ghề. Cô ta bám chặt vào gầm xe trong suốt bốn mươi mốt phút, và khi mặt trời lặn, cô ta thả mình rơi xuống đất, hoàn toàn kiệt sức. Sau đó cô ta đi bộ nốt quãng đường mười bốn dặm còn lại và vượt biên một cách an toàn.
Chiếc limousine chạy với tốc độ lúc nhanh lúc chậm qua thành phố, và 20 phút sau, người tài xế cho xe rời khỏi đường cao tốc và bắt đầu chạy vào một vùng toàn đồi núi. Vài phút sau, chiếc xe lại rẽ tiếp, và lần này là một con đường nhỏ hơn, đồng thời ít xe cộ hơn. Krantz muốn thả mình xuống đất, nhưng cô ta biết rằng mỗi một phút mà cô ta có thể bám chặt vào gầm xe đều đem lại lợi thế cho cô ta. Chiếc xe dừng lại ở một giao lộ, ngoặt trái và tiếp tục chạy trên một con đường rộng gồ ghề. Khi họ dừng lại tại giao lộ tiếp theo, Krantz chăm chú lắng nghe. Một chiếc xe tải đang chạy qua trước mặt họ khiến chiếc limousine phải dừng lại.
Cô ta từ từ duỗi tay phải, lúc này đã gần như tê dại, rồi rút con dao trong ống quần bò ra, xoay mình sang một bên và đâm lưỡi dao vào lốp sau bên phải. Cô ta đâm liên tiếp cho đến khi nghe thấy một tiếng xì mạnh. Khi chiếc xe lại lăn bánh, cô ta thả mình xuống đất và không cử động cho đến khi không còn nghe thấy tiếng động cơ xe nữa. Cô ta lăn mình sang bên vệ đường và nhìn theo chiếc limousine chạy lên con đường dốc. Mãi đến khi chiếc xe đã khuất cô ta mới ngồi dậy.
Khi chiếc limousine đã khuất sau ngọn đồi, cô ta đứng thẳng lên rồi bắt đầu một loạt các bài tập khởi động. Chẳng việc gì phải vội. Suy cho cùng, nó sẽ phải chờ ở sườn đồi bên kia. Sau khi đã lấy lại được sức lực, Krantz bắt đầu chầm chậm trèo lên đỉnh đồi. Cô ta có thể trông thấy một khu nhà xinh đẹp ẩn mình dưới những chân đồi cách đó vài dặm.
Khi Krantz lên đến đỉnh đồi, cô ta nhìn thấy người tài xế từ xa, đang quỳ một bên gối để kiểm tra chiếc lốp xì hơi. Cô ta nhìn dọc con đường trước mặt, một con đường rõ ràng là của tư nhân và có thể sẽ dẫn đến khu dinh thự của Nakamura. Khi thấy cô ta bước lại gần, người tài xế nhìn lên và mỉm cười. Krantz cũng cười đáp lại, và bước tới sát bên anh ta. Anh ta vừa chuẩn bị mở miệng nói thì bằng một động tác rất nhanh Krantz đã đá mạnh vào cổ, rồi sau đó là vào hạ bộ của anh ta bằng chân trái. Cô ta nhìn người tài xế đổ xuống mặt đường, giống như một con rối vừa bị cắt hết dây. Trong một lát thoáng qua, cô ta đã tính đến chuyện cắt đứt cổ họng người tài xế, nhưng bây giờ cô ta phải quan tâm đến bức tranh trước tiên, vì vậy chẳng việc gì phải phiền lòng vì chuyện đó, một khi mà tối nay cô ta vẫn còn có nạn nhân để cắt họng. Và dù gì đi nữa, cô ta đâu có được trả tiền để cắt họng người này.
Một lần nữa Krantz lại nhìn dọc con đường. Vẫn không có ai. Cô ta chạy về phía trước chiếc limousine và rút chùm chìa khoá ra, rồi quay trở lại mở cốp xe. Nắp cốp mở ra và cô ta nhìn thấy chiếc thùng gỗ. Nhẽ ra cô ta phải mỉm cười, nhưng cô ta chỉ có thể cười sau khi đã biết chắc rằng mình đã kiếm được 1 triệu đôla đầu tiên.
Krantz cầm lấy một chiếc tuốc nơ vít to từ bộ đồ sửa xe trong cốp và chọc vào một vết nứt ở góc trên bên phải của chiếc thùng. Cô ta phải cố hết sức mới có thể mở được nắp thùng ra. Phần thưởng của cô ta được bọc trong giấy bóng. Cô ta lấy tay xé lớp bọc ra, rồi nhìn chằm chằm vào bức tranh trước mặt. Đó là bức tranh đã giành được giải thưởng của Danuta Sekalska, có tựa đề Tự do.
Jack ngồi chờ suốt một giờ đồng hồ nữa, một mắt nhìn ra cửa để chờ Người Lùn, còn một mắt thì nhìn về phía thang máy để chờ Petrescu, nhưng không ai trong hai người đó xuất hiện. Rồi lại một giờ nữa trôi qua, và đến lúc đó Jack đã tin rằng Anna chắc chắn sẽ ở lại qua đêm. Anh mệt mỏi bước về phía quầy tiếp tân và hỏi xem họ có còn phòng trống hay không.
“Tên, thưa ngài”, cô nhân viên ghi sổ hỏi.
“Fitzgerald”, Jack trả lời.
“Hộ chiếu, thưa ngài?”.
“Tất nhiên”, Jack vừa nói vừa lấy một tấm hộ chiếu ra khỏi túi áo trong đưa cho cô nhân viên.
“Ngài sẽ ở đây trong bao lâu, thưa ngài Fitzgerald?”.
Giá mà Jack có thể trả lời được câu hỏi đó.