Chương 14

     ớp ESL khá đông người. Chịu khó đếm, Đông thấy đa số là người Mễ. Số còn lại là dân Á châu trong đó nàng là người Việt duy nhất. Cô giáo tên Laura, một người Mỹ nói thông thạo tiếng Mễ. Lớp học mở đầu với phần mỗi học sinh đứng lên giới thiệu tên tuổi và quốc gia mà mình đã sinh sống. Tất cả mọi người, nhất là Laura đều tỏ vẻ chú ý khi biết Đông là người Việt Nam. Quốc gia nhỏ bé hình chữ S này đang trở thành nguồn thời sự nóng của dân chúng trong nước. Ở đâu đó trong ý nghĩ của những người Mỹ ngây thơ, dễ tin; The Vietnam War có vẻ gì kỳ cục. Bị đám truyền thông thiên tả nhồi sọ, tẩy não, dân Mỹ xem cuộc chiến tranh bảo vệ tự do và dân chủ của nước Việt Nam Cộng Hòa như là cuộc chiến tranh bẩn thỉu, một '' dirty war ''.
Đám phản chiến và truyền thông thiên tả không biết Đông, một đảng viên cộng sản, một kẻ chiến thắng sau cuộc chiến tranh đó, đã phải bỏ nước ra đi vì không thể sống với người cộng sản.
Họ không biết nàng, kẻ thắng trận, bất kể nguy hiểm, liều lĩnh ngồi trên chiếc thuyền vượt biên, chịu bao đắng cay và tủi nhục để tìm kiếm tự do, một thứ không có ở trên xứ sở của mình.
Đông không thể nói ra điều đó vì hai lý do: nàng không đủ ngôn ngữ để diễn đạt ý nghĩ của mình, vả lại dù có nói ra người ta chưa chắc đã hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh nghiệt ngã của nàng.
Buổi học đầu tiên trôi qua một cách chậm chạp. Tiếng chuông reo mãn giờ khiến cho Đông thở phào. Tay ôm tập vở nàng thong thả đi trên lối đi bộ bằng xi măng nằm lọt giữa hai hàng cây phong cành lá rườm rà. Gió đầu tháng 9 đưa lại chút mát mẻ của một ngày không có mây.
Trời trong xanh. Ngước nhìn trời nàng khe khẽ thở dài. Chỉ mới ở Mỹ chưa đầy năm mà nàng phải vào nhà thương hai lần. Chi phí đều do Chiêm trả. Điều đó khiến cho nàng thêm ái ngại, mặc dù trên giấy tờ nàng là vợ của anh. Chiêm là mẫu người trai trẻ hơi có chút khác thường.
Từ đêm đầu tiên hai đứa ngủ chung với nhau và nàng phải vào nhà thương thời anh rất thận trọng và e dè khi nằm chung giường với nàng.
Anh không đụng chạm tới nàng, hoặc giả nếu có vô tình đụng chạm thời anh cũng có lời xin lỗi. Ở Chiêm là một lịch sự quá đáng, một cẩn trọng và giữ gìn đôi khi khiến cho nàng bực mình.
Không có ái ân đã đành mà ôm ấp và hôn hít cũng không có. Hai vợ chồng sống chung với nhau, ăn cùng mâm, đôi khi ngủ cùng giường mà tuyệt nhiên giống như hai người bạn. Đông biết điều đó không do Chiêm mà chính lỗi của nàng. Đêm đêm nàng mơ tới cảnh tượng hãi hùng trên biển cả, trên hoang đảo. Nó như vết chàm trên thân thể mà mỗi lần nhìn thấy, mỗi lần hồi tưởng nàng cảm thấy đau, cái đau vô hình và hữu hình nữa. Người ta bảo hãy quên đi quá khứ để nghĩ tới hiện tại và tương lại. Nói thời dễ mà làm mới biết khó, nhất là thứ quá khứ đầy đau buồn và nhiều tủi nhục của nàng.
Làm sao nàng có thể quên được hai bàn tay nhám cào, thô bạo sờ soạng trên thân thể trần truồng còn con gái của mình? Làm sao để quên đôi mắt trắng dã có những sợi gân máu màu đỏ nhìn trừng trừng mình? Làm sao để quên giọng cười khả ố? Làm sao để quên khuôn mặt nham nhở,có vết sẹo đỏ hõn trên má? Làm sao để quên hàm răng vàng khè? Làm sao để quên hơi thở nồng nặc rượu phà vào mặt mình? Làm sao để quên cái thân xác nặng nề, nhơ nhớp nằm đè lên thân thể trần truồng của mình? Làm sao để quên hình ảnh những thằng người đốn mạt đã biến nàng thành món đồ chơi của chúng trong suốt một tuần lễ dài như những dòng nước mắt tủi nhục đã chảy ra cùng với tiếng kêu thét đớn đau và uất nghẹn khi tên hải tặc đã lấy mất đi đời con gái của nàng? Làm sao? Làm sao? Làm sao để quên đi những điều đó? Ai? Ai? Ai có thể chỉ bày cho nàng cách thức để quên? Làm sao để quên? Quên hết. Quên tuốt luốt. Quên không còn gì để nhớ. May ra điên nàng mới quên được.
Nhiều lúc nàng ước ao trở thành kẻ mất trí nhớ, không còn biết suy tư và đau đớn gì hết. Đang đi nàng cảm thấy đau, mắt hoa đầu váng, hai chân run rẩy, hai bàn tay lạnh ngắt, người nóng hừng hực và hầu như không còn đủ sức để bước nữa. Thấy một băng đá nàng gắng gượng lết tới ngồi xuống nghỉ mệt. Nhắm mắt lại nàng tưởng tới khuôn mặt của mẹ hiền, tới con lộ đất có rặng trâm bầu, cây keo già cỗi và cái đìa đầy nước có bông súng nở hoa tim tím nơi nàng và Chiêm ngồi bên nhau câu cá. Chiêm... Chiêm...
Tên như một đồng vọng thiết tha, một vỗ về ân cần và quan hoài dịu nhẹ khiến cho nàng cảm thấy cơ thể thôi không còn lạnh và run nữa mà ấm dần lên rồi sự đau buồn cũng giảm xuống từ từ.
- Chiêm ơi... Anh ơi...
Đông mơ hồ gọi và mở mắt ra. Nắng lung linh. Lá cây xanh đung đưa trong gió hè. Ngày vẫn còn đó. Nàng vẫn sống, để phải chịu đựng thống khổ và đau buồn. Sống là chịu đựng mà.
Đang ở trong bếp, Đông mỉm cười khi nghe tiếng cửa mở và tiếng gọi thân quen '' Em ơi...'' của Chiêm vang lên.
- Dạ... Em đang nấu cơm...
Chiêm bước vào bếp với nụ cười làm dịu lòng nàng.
- Anh mệt không?
- Không. Còn em?
- Dạ không. Ăn cơm xong em tính nhờ anh một chuyện...
Bước tới đứng sát vào người Đông, Chiêm thì thầm vào trong tóc của nàng.
- Em tính nhờ anh chở em đi mua cây về trồng sau khi mình ăn cơm xong hả...
Mỉm cười Đông quay đầu lại nhìn Chiêm.
- Bộ anh đọc được ý nghĩ của em à. Em cũng tính nhờ anh chuyện đó...
Chiêm cười hắc hắc.
- Vậy thời em thưởng anh cái gì đây...
Mím đôi môi của mình như để cố không cười, Đông đưa nắm tay nhỏ nhắn của mình lên.
- Thưởng cho anh cái này nè...
Cười hắc hắc một cách vui vẻ Chiêm há miệng ra ngoạm lấy nắm tay của vợ. Đông để yên không rụt tay lại. Nàng có chút gì xúc động khi Chiêm hôn nhẹ lên lưng bàn tay của mình.
Đôi mắt long lanh buồn của nàng như ứa lệ vì cử chỉ âu yếm của chồng.
- Anh thay quần áo đi rồi mình ăn cơm. Hôm nay em nấu canh chua...
Hiểu ý Chiêm bước nhanh vào phòng ngủ thay quần áo. Khi anh trở ra cơm đã sẵn sàng trên bàn ăn.
- Em định mua cây cỏ bông hoa gì vậy?
Đông chưa kịp trả lời, Chiêm lên tiếng trước.
- Mua gì mua chứ em đừng mua sầu đông nghen. Với anh một sầu đông đủ rồi...
Vì bận nhai cơm nên Đông chỉ mỉm cười. Đợi tới khi nuốt cơm và uống ngụm nước xong nàng mới thốt.
- Anh hổng thích sầu đông hả?
- Thích chứ nhưng một sầu đông thôi. Một mà anh đã ná thở rồi...
Đông bật cười hăng hắc. Lâu lắm rồi Chiêm mới được nghe giọng cười có hơi hám hạnh phúc của cô gái mà anh không ngừng thương yêu.
Đặt đôi đũa xuống bàn Đông cười nói.
- Vậy hả... Anh sợ thì anh buông em ra đi...
- Dao phay kề cổ, máu đổ tôi không màng Chết tôi tôi chịu chớ buông nàng tôi không buông... mà ôm luôn...
Đông ôm bụng cười khi nghe Chiêm ngâm nga. Nàng nhớ lại thuở hai đứa mới quen nhau, anh cũng đã hò hai câu này để tán tỉnh mình.
- Sao em ăn ít vậy?
Chiêm hỏi khi thấy Đông ăn chỉ có một chén cơm rồi ngưng.
- Em sợ ăn nhiều mập... Anh ăn hết đi... Em nấu cho ngày mai luôn...
Chiêm nhăn nhăn cái mặt đồng thời nhìn chằm chằm vào người của Đông.
- Em đâu có lên cân đâu mà sợ. Với lại em có nặng thêm vài ký lô anh cũng cõng em được mà...
Hơi đỏ mặt vì cái nhìn của Chiêm rồi nghe thêm câu nói giễu cợt của anh, Đông hứ tiếng nhỏ đứng dậy bước vào trong bếp.
- Em đi đâu vậy. Anh chưa ăn xong mà...
- Lấy trái cây...
Chiêm tủm tỉm cười khi thấy Đông trở ra với dĩa trái cây thật lớn. Lựa trái táo ngon nhất nàng từ từ cắt ra làm bốn miếng rồi gọt vỏ. Dù Chiêm giải thích là ăn táo có vỏ bổ hơn song Đông vẫn không chịu nghe theo lời của anh. Mỗi khi ăn trái táo nàng thích cắt ra từng miếng nhỏ rồi gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài. Lâu ngày vì lười và có người gọt sẵn nên Chiêm cũng ăn theo cách đó.
- Đi... Em lái xe hay anh lái?
Cầm lấy cái bóp da, Đông nói nhanh.
- Anh lái đi... Anh biết đường mà...
Sau khi bị tai nạn, Đông rất ngại lái xe trừ những khi bị bắt buộc như đi học hay đi đâu một mình. Thường thời nàng cũng ít khi đi đâu như mua sắm quần áo, nữ trang, giầy giép vì lẽ giản dị không có tiền. Chiêm, rất tế nhị và cũng nhiều tín nhiệm, đã để tên nàng vào chung chương mục ngân hàng của anh đồng thời nói nàng có quyền mua bất cứ cái gì nàng muốn.
Tuy vậy Đông chưa bao giờ đi mua một mình vì ngại ngùng và tự ái. Nàng biết mình đã làm phiền Chiêm quá nhiều. Chi phí của hai lần nàng vào nhà thương lên tới hai ba ngàn đô la và Chiêm phải trả dần dần mỗi tháng.
Quẹo xe vào tiệm bán cây cỏ quen thuộc Chiêm cười hỏi.
- Em định mua hoa gì hả Đông?
- Hổng biết... Em muốn kiếm hoa gì là lạ...
Đông không muốn nói cho Chiêm biết, nàng tìm đủ cách làm cho nàng luôn bận rộn để đầu óc không nghĩ ngợi, không có thời giờ hồi tưởng lại chuyện cũ. Nàng cũng định năn nỉ với Chiêm để cho nàng đi làm bán phần sau giờ học Anh văn ở trường. Cách đây mấy tuần nàng có nêu ý kiến đi làm song anh khuyên nàng nên chú tâm vào chuyện học tiếng Anh để chuẩn bị thi lấy bằng GED. Có được bằng trung học phổ thông này nàng mới ghi danh học y tá được.
- Em muốn đi làm...
Đông quay qua nhìn Chiêm. Thấy anh cũng nhìn lại mình nàng cười nói tiếp. Giọng của nàng thấp xuống như nài nỉ.
- Em đi làm một chút thôi... Tuần lễ chừng mươi, mười lăm tiếng. Ở không chán quá và em cảm thấy mình vô dụng...
Chiêm thầm thở dài. Anh hiểu được ý nghĩ của Đông, một người ưa hoạt động và có tính tự lập.
- Ừ... Để anh hỏi người quen. Làm trong tiệm bán quần áo em chịu không?
Đông gật đầu nói không do dự.
- Làm cái gì cũng được... miễn là cho qua thời giờ và có tiền chút chút để bao anh ăn nhà hàng...
Chiêm bật cười hắc hắc. Anh chưa kịp mở miệng Đông nói trước.
- Em xài tiền của anh hoài... Em cảm thấy bứt rứt...
Chiêm gật đầu cười như thông cảm.
- Ừa... Em đi làm cũng được... Tuần trước anh có nói chuyện với chủ nhà thời ông ta cho biết nếu mình muốn mua nhà ông ta sẽ bán rẻ cho mình...
Đông reo lớn.
- Vậy thì em đi làm để dành tiền mua nhà...
Chiêm cười thầm vì ý nghĩ thơ ngây của Đông. Nàng đi làm lương 2 đồng 30 chục xu một giờ, lại làm bán phần thời tiền lương đó chỉ đủ cho nàng đổ xăng và xài vặt thôi. Nếu để dành chắc cũng phải chục năm mới đủ tiền đặt cọc để mua cái nhà mấy chục ngàn. Dù vậy anh cũng không muốn nói cho nàng biết vì sẽ làm nàng cụt hứng.
- Ừ... Nếu em phụ anh để dành thời mình sẽ mua nhà sớm hơn...
Chiêm nói trong lúc quẹo xe vào tiệm bán bông hoa cây kiểng. Mở cửa bước xuống, hít hơi dài không khí nóng hơn 90 độ chứa đầy hương của đủ mọi thứ bông hoa, Đông cười nói với chồng.
- Thơm quá...
Chiêm cười. Anh cảm nhận ra một điều là, Đông lấy lại nét tươi vui khi gần gụi hoặc có dịp tiếp xúc với thiên nhiên hay bất cứ nơi nào có bông hoa cây cỏ. Nàng thích rủ rê anh đi dạo trong rừng cây, đi bộ trên những con đường mòn hoang vu ngắm nhìn chim bay, đàn nai gặm cỏ, con sóc chạy kiếm mồi ha dựa gốc cây lắng nghe chim hót. Dường như nàng không cảm thấy tự nhiên và thoải mái khi chung đụng với con người. Dường như có lý do thầm kín nào đó khiến nàng không thích gần gụi với đồng loại của nàng.
- Anh ngửi được mùi của bông dừa...
Chiêm vừa cười vừa nói dù biết mình nói không đúng. Làm gì có mùi bông dừa ở trên đất Mỹ. Họa chăng mùi hương đồng quê đặc biệt đó chỉ có trong trí tưởng của anh hay của cô gái làng Lương Hòa đang đứng nhìn anh với ánh mắt nửa âu yếm nửa buồn rầu. Âu yếm còn có lời diễn tả; song buồn rầu dường như là im lặng mênh mông đắm chìm trong khu vườn dừa ngợp ánh trăng mùng mười của thứ quá khứ xa xăm và lạc loài chỉ trở về qua giấc ngủ trở trăn của ngày xa xứ sở. Phải sống xa quê hương anh mới nhớ, mới thương mảnh đất nghèo khổ của mình.
Một lần cùng người bạn học, ba tháng hè làm một chuyến viễn du xuyên bang, anh mới nhận ra một điều. Xứ này, dù sang giàu, đẹp đẽ, văn minh và tân tiến; nhưng với anh nó thiếu một điều thật cần thiết. Đó là tình tự của quê hương.
Thứ tình tự không định bởi giá trị của vật chất mà thành hình từ nỗi buồn sâu thẳm của một dân tộc có chặng đường dài hun hút đằng sau lưng đầy vinh nhục, đắng cay và khổ ải.
- Mình đi chưa anh?
Chiêm mỉm cười. Tiếng '' mình '' của Đông nghe thật thân quen như vợ nói với chồng. Bắt gặp nụ cười của Chiêm, Đông đỏ mặt quay nhìn chỗ khác.
- Mình đi trước đi mình...
Chiêm nói trong tiếng cười chứa âm hưởng tha thiết và đùa cợt. Hiểu nghĩa câu nói của Chiêm, Đông háy anh một cái rồi ngoe nguẩy bước đi trước. Có những điều nàng thay đổi mà cũng có những điều nàng sẽ không bao giờ chịu cải sửa. Lúc nào nàng cũng mặc quần dài dù mùa hè nóng trăm độ. Thiên hạ mặc quần ngắn, quần cụt, áo hở cổ, áo tắm; mặc kệ họ; riêng nàng vẫn quần dài phết gót chân và mang giày vớ hẳn hoi. Anh có hỏi lý do thời nàng cho biết không thích bị người lạ nhìn hay ngắm nghía một phần thân thể của mình. Ở nhà cũng vậy.
Nàng luôn luôn ăn mặc kín đáo. Họa hoằn lắm Chiêm mới thấy nàng mặc áo cánh cụt tay.
Dường như có lý do thầm kín nào đó khiến cho nàng sợ không dám phô bày thân thể ngay cả ở nơi kín đáo như trong nhà hay trong phòng ngủ.
Có lẽ nàng vẫn còn giữ nguyên cái tính e thẹn của một cô gái ở nơi quê mùa vốn không quen khoe thân thể của mình ra trước mặt người khác kể cả chồng của mình.
- Đông ơi...
Đang đi sau lưng Chiêm chợt lên tiếng. Đông hơi lơi bước chờ. Tiến lên song song với nàng, Chiêm vừa cười vừa thì thầm điều gì mà Đông mặt đỏ au, còn đầu thời lắc lắc.
- Thôi đi... anh đừng có nói xàm... Ai làm vậy người ta cười chết...
- Anh đâu có cười em đâu...
Đông quay qua nhìn Chiêm với ánh mắt long lanh buồn. Thấy ánh mắt của nàng Chiêm vội lên tiếng.
- Anh nói chơi em đừng để ý...
Chiêm không nghe được tiếng thở dài thầm lặng của Đông. Nàng biết đã là vợ chồng thời chuyện ân ái phải có. Đó là việc tự nhiên và cần thiết như ăn ngủ, làm việc và học hành. Nàng yêu Chiêm và nàng không phủ nhận điều đó.
Nàng cũng biết tình yêu giữa hai vợ chồng sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi tình ân ái mặn nồng. Song mỗi lần gần Chiêm thời trong tâm tưởng của nàng lại dấy lên khuôn mặt nham nhở, giọng cười khả ố, bàn tay thô bạo của những tên hải tặc và sự đớn đau của người con gái bị hãm hiếp, bị trở thành món đồ chơi cho những tên đàn ông đốn mạt. Chính ám ảnh đó hủy hoại đi cái ham muốn được ái ân của nàng.
Phải nói nàng ghê sợ, gờm nhớm chuyện đụng chạm thân xác với đàn ông, dù biết người đàn ông đó là Chiêm, người yêu, người chồng của mình. Cứ mỗi lần nghĩ tới bàn tay nhám nhúa của tên hải tặc sờ soạng lên từng phần thân thể của mình nàng cảm thấy lạnh toát, máu từ từ đông đặc lại làm cứng ngắt thân thể cùng với hơi thở tắt nghẹn lại vì mỗi lần bị hãm hiếp nàng hầu như chết ngạt bởi hơi thở hôi thúi phà vào mũi của mình. Mấy năm qua, nàng ăn, ngủ, thở, đi đứng với nỗi ám ảnh khủng khiếp đó. Nó là vết cắt nưng mũ, lở lói của tâm hồn, theo thời gian không những không lành lặn mà còn chảy máu và sưng tấy lên làm nhói đau từng cơn.
Nhiều lần nàng tự hỏi tại sao mình lại lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã này? Tại sao không là một người khác mà lại là nàng? Nàng có làm điều gì xấu xa tệ hại, điều gì độc ác để bây giờ phải gánh chịu hậu quả? Dường như tự thâm tâm nàng chưa chịu chấp nhận chuyện đã xảy ra dù biết không thể thay đổi được. Ai là kẻ phải chịu trách nhiệm về bất hạnh của nàng? Ai đã xô đẩy nàng vào đớn đau? Ai? Ai?
Mãi mê suy nghĩ Đông không thấy được nét buồn rầu lộ ra trên khuôn mặt của Chiêm. Càng gần gụi với nhau nhiều chừng nào anh càng hiểu ra một điều làm cho anh buồn. Đó là sự xa vắng, lạnh lùng và vô cảm của Đông, người vợ mà mình thương yêu. Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để anh cảm thấy có một khoảng cách, sự ngăn chia giữa hai người. Đông bây giờ không còn Đông của năm xưa. Năm xưa vẫn có một khoảng cách giữa hai người song đó là thứ đã được minh định để cho anh thấy và hiểu rõ.
Bây giờ khoảng cách lại khác. Nó mơ hồ, lờ mờ và bàng bạc khiến anh không thể biết được nên cứ loay hoay tìm kiếm.
- Anh... Đông xin lỗi anh...
Nắm lấy bàn tay của Chiêm, Đông bóp nhè nhẹ như bày tỏ cử chỉ thân mật và âu yếm mà nàng có thể làm được trong lúc này. Chiêm cười thì thầm vào tai nàng.
- Con gái Bến Tre tóc mây da trắng, Mắt nhung đen má phấn môi son, Dáng đi yểu điệu ru hồn, Em đi khuất dạng mà anh còn trồng cây si...
Đông ngước lên cười. Dù biết bốn câu ca dao đó không đúng với mình, nàng cũng vui vì biết Chiêm dùng nó để diễn bày tình cảm của anh.
- Cây si đâu sao em hổng thấy... Mà cây si có thật không anh?
- Có thật chứ... nhất là cây si của anh...
- Đâu... Cây si của anh trồng ở đâu?
- Rồi em sẽ thấy...
Chiêm cười cười trả lời. Giọng của anh nhuốm chút gì đùa giỡn.