Dịch giả: Hương Châu
Chương 8

     ối thân tình giữa Yvette và ông bà Eastwood cuối cùng cũng đến tai ngài mục sư, và hậu quả khiến nàng không khỏi giật mình. Nàng những tưởng ông sẽ chẳng mấy bận tâm. Xét về cách ăn nói, ông rõ ràng là người hài hước, hoàn toàn không câu nệ thói thường, vui nhộn và dễ thương quá chừng. Như ông tự nói về bản thân, thì ông theo chủ nghĩa vô chính phủ, tức là cũng đầy hoài nghi như bao nhiêu người khác. Quan điểm bất trật tự ảnh hưởng đến lối nói chuyện hoạt kê và những nghĩ suy thầm kín của ông. Nhưng từng hành động ông biểu hiện ra thì bị kiểm soát bởi tính bảo thủ, bắt nguồn từ nỗi sợ hãi dành cho sự bất trật tự. Trong thâm tâm ông thấy những nghĩ suy của chính mình đáng sợ. Và thế trong đời thực ông kinh khiếp những gì trái với lẽ thường.
Mỗi khi tính bảo thủ cùng nỗi sợ thảm hại trong ông trào dâng đến đỉnh điểm, đôi môi ông tức khắc nhếch lên để lộ răng, rất giống cái nhếch mép của loài chó.
"Cha nghe nói gần đây con đánh bạn với quý bà sắp- ly- hôn Fawcett và gã ma cô Eastwood." Ông bảo Yvette.
Yvette không hiểu ma cô là gì, nhưng nàng nhận ra sự độc địa trong lời lẽ của cha.
"Con chỉ quen biết họ thôi. Họ dễ thương lắm. Và họ sẽ kết hôn trong vòng một tháng tới."
Mục sư căm tức nhìn vẻ mặt vô tâm của con gái. Ở đâu đó bên trong, ông là kẻ hèn nhát, hèn nhát từ thuở ra đời. Những người ra đời hèn nhát là nô lệ bẩm sinh. Bản năng sâu thẳm khiến họ kinh hãi một cách độc địa bất cứ những ai có thể bất thình lình chụp xích vào cổ họ.
Vì nguyên cớ này mà ngài mục sư từng khúm núm một cách thảm hại, và đến giờ vẫn thế, trước Kẻ- vốn- dĩ- là- Cynthia: nỗi sợ của kẻ nô lệ trong ông trước sự khinh miệt của vợ, sự khinh miệt của những thiên tính khoáng đạt đối với những thiên tính tầm thường.
Yvette cũng mang trong mình bẩm chất khoáng đạt. Rồi một ngày kia nàng cũng sẽ nhận ra con người ông, và khớp vào cổ ông chiếc khóa nô lệ là lòng khinh miệt của nàng.
Nhưng liệu nàng có làm được không? Lần này, trước hết, ông sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Tên nô lệ trong ông đã bị dồn vào chân tường như một con chuột cống, với toàn bộ dũng khí của loài chuột cống.
"Ðúng típ của con, phải không?" Mục sư nhếch mé
"Vâng, quả vậy ạ." Yvette vô tư đáp. "Con thích họ lắm lắm. Họ thật thuần phác, thật chân thành, cha ạ."
"Khái niệm chân thành của con lạ nhỉ!" Mục sư cười khẩy. "Một gã trai ăn bám trốn đi với người phụ nữ hơn tuổi hắn, đặng sống nhờ vào tiền của bà ta! Người phụ nữ từ bỏ gia đình và con cái! Ta không biết con lấy đâu ra cái ý niệm chân thành của con. Mong là không phải từ ta. Và xem ra con biết họ khá rõ đấy, nếu xét lời con nói "chỉ quen biết thôi". Con gặp họ ở đâu?"
"Lúc đó con đang đạp xe dạo chơi ngoài trời. Họ lái xe ngang qua, và chúng con tình cờ trao đổi với nhau. Bà ấy tự giới thiệu mình ngay lúc ấy để con không hiểu lầm. Bà ấy thành thực mà."
Yvette tội nghiệp gồng mình lên chịu đựng.
"Rồi từ đó đến giờ con đã gặp họ bao lần rồi?"
"Con chỉ mới đến thăm họ hai lần."
"Ðến đâu?"
"Căn nhà nghỉ của họ ở Scoresby."
Ông nhìn nàng chằm chằm ghét bỏ, như thể muốn giết chết nàng. Ông lùi xa khỏi nàng, tựa người vào bức rèm cửa sổ phòng làm việc, như một con chuột cùng đường. Ðâu đó trong tâm khảm, ông nghĩ đến các hành vi đồi bại không tả xiết của nàng, hệt như ông đã từng nghĩ về Kẻ- vốn- dĩ- là- Cynthia. Ông bất lực trước những ám thị ti tiện nhường ấy bên trong chính trí óc mình. Và bấy nhiêu liên tưởng đồi bại mà ông gán cho đứa con gái đang khiếp hãi nhưng vẫn- chưa- biết- sợ trước mặt mình khiến ông chùn lại, toàn bộ nanh nọc lộ ra trên gương mặt bảnh trai.
"Vậy là cô chỉ quen biết họ thôi chứ gì?" Ông nói. "Ta thấy rồi, dối trá có thừa trong huyết quản cô. Ta không tin là cô thừa hưởng nó từ ta."
Yvette hơi ngoảnh mặt đi, câm nín. Nàng bỗng nhớ tới màn quanh co trơ tráo của bà nội. Nàng không trả lời.
"Cái gì khiến cô lượn lờ quanh những hạng người đó? Ðời này thiếu người đàng hoàng để cô quen biết sao? Bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ cô là một con chó hoang, phải quanh quẩn bên chân những cặp đôi bất chính, bởi những người đàng hoàng chả đời nào đón nhận cô. Trong máu cô còn thứ gì tồi hơn dối trá chăng?"
"Trong máu con còn thứ gì tồi hơn dối trá?" Nàng lặp lại. Một nỗi chết lặng bao trùm lấy nàng. Phải chăng nàng là kẻ bất bình thường, là tội phạm? Nàng đứng đó, lạnh buốt và tê dại.
Trong mắt ông, nàng rõ là trâng tráo với sự đồi bại che giấu bên dưới khuôn mặt của loài chim mong manh trong trắng kia. Kẻ- vốn- dĩ- là- Cynthia ngày xưa cũng thế, như một bông tuyết. Và ông đã nhiều phen chấn động vì những nỗi kinh hoàng tàn bạo với ý nghĩ đâu có thể là sự đồi bại đích thực của Kẻ- vốn- dĩ- là- Cynthia. Ngay đến tình yêu ông dành cho vợ, thứ ái tình- nhục dục của kẻ bẩm sinh hèn nhát ấy, cũng thành đồi bại trong tâm tưởng thầm kín của ông. Thì nói gì đến một mối tình bất hợp pháp nữa?
"Cô có gì chỉ cô biết rõ nhất." Ông khinh bỉ. "Có điều tốt hơn hết là cô phải mau mau kiềm chế nó lại, nếu cô không muốn kết thúc cuộc đời trong trại tội phạm tâm thần."
"Tại sao?" Nàng tái mặt và nghẹn lời, hoàn toàn tê cứng vì sợ hãi. "Sao lại là tội phạm tâm thần? Con đã làm gì sai?"
"Ðó là chuyện giữa cô và Ðấng sáng tạo của cô." Ông giễu cợt. "Tôi sẽ không hỏi đến. Nhưng một số khuynh hướng nhất định sẽ trở thành tâm thần tội phạm, trừ khi chúng được kiềm hãm đúng lúc."
"Cha muốn chuyện quen biết ông bà Eastwood?" Yvette hỏi, sau một khoảng lặng câm khiếp hãi.
"Tôi muốn nói chuyện lảng vảng quanh những hạng người như mụ Do Thái Fawcett và cựu thiếu tá Eastwood, một gã cao bay xa chạy với người phụ nữ lớn tuổi hơn mình vì tiền của mụ ta? Ðúng, đúng ý tôi đấy!"
"Nhưng cha không thể nói vậy được." Yvette kêu lên. "Ông ấy là một người hết sức giản dị, trung thực."
"Hắn rõ ràng là típ người của cô."
"Vâng… trên một phương diện nào đó, con đã nghĩ vậy. Con những tưởng cha cũng sẽ thích ông ấy." Nàng nói đơn giản, hầu như không ý thức được lời mình.
Mục sư lùi sát hơn nữa vào bức màn như thể nàng vừa uy hiếp ông bằng cái gì đó khủng khiếp lắm.
"Ðừng nói nữa." Ông gầm gừ khổ sở. "Ðừng nói một lời nào nữa. Cô nói đã quá đủ để chống lại mình rồi. Tôi không muốn biết thêm một sự kinh tởm nào nữa."
"Nhưng sự kinh tởm nào cơ chứ?" Nàng khăng khăng.
Vẻ chất phác bắt nguồn từ sự hồn nhiên bất cẩn của nàng càng làm ông khó chịu, sợ hãi hơn.
"Không nói nữa!" Ông hạ giọng rít lên. "Nếu mày đi theo con đường của mẹ mày, tao sẽ giết mày."
Nàng trân mắt nhìn ông. Ông đứng đó, lưng dựa sát vào bức màn nhung của gian phòng làm việc, gương mặt vàng ủng, ánh mắt dại đi như một con chuột trong lúc hoảng sợ, giận dữ và căm ghét. Toàn thân nàng tê liệt trong nỗi hiu quạnh. Với nàng, ý nghĩa của lời nói ấy đã vượt ra tất cả mọi điều.
Không sao phá vỡ sự yên lặng băng giá bao trùm. Cuối cùng, nàng cũng ngước nhìn ông. Lòng khinh rẻ dành cho ông lộ ra nơi ánh mắt trong vắt, bất lực của nàng, ngoài tầm kiểm soát và ý thức của nàng. Cảm giác như chiếc vòng xích nô lệ cuối cùng đã choàng vào cổ ông.
"Ý cha là con không được quen biết ông bà Eastwood?"
"Cô cứ quen biết họ nếu thích." Ông châm biếm. "Nhưng nếu vậy thì cô đừng mong giao thiệp với bà nội, cô Cissie của cô và Lucille nữa. Tôi không thể để họ bị vấy bẩn. Bà nội cô là một người vợ và người mẹ chung thủy, nếu trên đời này vẫn còn người như vậy. Bà đã phải chịu đựng một cú sốc vì nhục nhã và kinh tởm trước đây rồi. Không được để cho bà đối mặt với một cú sốc nào nữa."
Yvette nghe lõm bõm tiếng được tiếng mất.
"Con sẽ gửi cho họ một lá thư báo rằng cha không cho phép." Nàng nói mập mờ.
"Cô có quyền hành xử theo lề lối của cô. Nhưng hãy nhớ, cô phải lựa chọn giữa những người trong sạch cùng lòng kính trọng tuổi già của bà nội, với những kẻ mang thân xác và tâm hồn ô uế."
Lại một khoảng yên lặng nữa. Nàng nhìn ông, bối rối tột cùng. Nhưng đâu đó đằng sau sự lúng túng ấy là một nỗi khinh miệt thuần khiết, tĩnh tại đến lạ kỳ mà những thiên tính khoáng đạt vẫn dành cho những thiên tính tầm thường.
"Ðược rồi." Nàng nói. "Con sẽ biên thư cho họ biết là cha không đồng ý."
Ông không trả lời. Một phần trong ông ngầm hãnh diện và đắc thắng, nhưng hãnh diện và đắc thắng một cách khổ sở.
"Ta đã cố gắng không để việc này đến tai bà nội và cô Cissie. Không việc gì phải công khai nó ra một khi con đã quyết định giấu giếm nó."
Yên lặng thê lương.
"Ðược rồi. Con đi viết thư đây."
Và nàng chuồn ra khỏi phòng.
Nàng đề tên bà Eastwood nơi đầu thư. "Chị Eastwood mến, cha không đồng ý cho em gặp chị nữa. Chúng ta phải cắt đứt quan hệ từ đây, mong chị hiểu cho. Em hết sức xin lỗi." Chấm hết.
Thư gửi đi rồi, nàng thấy lòng trống rỗng thê lương. Giờ đây nàng sợ hãi chính những nghĩ suy của mình. Giờ đây nàng thèm được ghì vào lồng ngực của chàng du mục. Nàng muốn chàng ôm nàng trong vòng tay, dẫu chỉ một lần, ủi an và nâng đỡ nàng. Nàng muốn chàng nâng đỡ nàng đối kháng lại cha, người chỉ biết hãi hùng ghê tởm nàng.
Khúm núm và cau có vì sợ rằng ý nghĩ của chính mình là nhơ bẩn, tội lỗi và điên rồ, nàng không lê bước nổi. Dường như khi nàng bước, nỗi sợ lại làm thương tổn gót chân nàng. Nỗi sợ, nỗi kinh sợ lạnh lùng của thiên tính tầm thường, cha nàng, tất cả những gì thuộc về con người và bầy đàn. Tựa hồ nàng bị ngập trong một vũng người lầy lội, cứ thế lún dần lún dần, đầu gối trĩu nặng và toàn thân co lại vì khiếp đảm trước mỗi người nàng gặp.
Tuy vậy nàng nhanh chóng thích nghi với ý niệm mới về con người. Nàng phải sống. Tranh cãi với miếng ăn chẳng ích lợi gì. Và trông đợi nhiều quá vào cuộc đời thì đúng là trẻ con. Thế là với khả năng thích ứng nhanh nhạy của thế hệ thời hậu chiến, nàng điều chỉnh chính mình cho phù hợp với thực tế mới. Cha nàng là thế. Ông luôn hết mình vì thể diện. Vậy thì nàng cũng sẽ làm như ông, hết mình vì
Bên dưới vẻ vô tư bình thản nhẹ nhàng như tơ, một cái gì đó cứng rắn đã hình thành, tựa hồ đá cục kết tinh trong trái tim nàng. Lòng cảm thông trong nàng vỡ vụn, bao ảo tưởng của nàng tan biến. Nhìn bề ngoài nàng vẫn như thế. Nhưng nội tâm nàng giờ đây đã cứng rắn, dửng dưng, và thù hằn - dù nàng không hề biết.
Bề ngoài nàng vẫn như trước. Ðó là một phần chiến lược của nàng. Nếu tình thế không thay đổi thì nàng cũng phải như vậy, ít nhất là ngoài mặt, đúng như những gì người ta trông đợi ở nàng.
Nhưng sự hằn thù đã phát sinh từ hình dung mới của nàng về con người. Nàng đã thấy sự bất tài nhu nhược bên dưới dáng vẻ bảnh chọe lịch thiệp của cha. Nàng khinh bỉ ông. Nhưng ở phương diện nào đó, nàng cũng thương ông. Cảm xúc thật là phức tạp.
Chính bà nội mới là người nàng ghét cay ghét đắng với tất cả tâm hồn. Bà già phì nộn, mù lòa ngồi đó như một cây nấm lốm đốm đỏ vĩ đại, với cần cổ biến mất giữa hai bờ vai trồi lên và cái cằm tuổi tác lúc lắc, tựa một củ khoai tây kép. Yvette thật sự ghét bà, với lòng căm ghét đơn thuần, tuyệt đối, gần như một niềm vui thú. Lòng căm ghét ấy rõ ràng đến nỗi trong lúc tinh thần đương mạnh mẽ, nàng khoái trá tận hưởng nó.
Bà già đang ngồi với bộ mặt to, đỏ đắn hơi trĩu ra đằng sau, chiếc mũ ren ngự trên làn tóc bạc thưa thớt, chóp mũi quả quyết và cái miệng già nua khép lại như một chiếc bẫy. Linh hồn tuổi tác từ mẫu này, cái miệng bà đã phản bội bà rồi đó. Nó vốn là bộ phận bị dồn ép trên thể xác con người. Thế mà ở tuổi bà, nó đã phát triển ra như miệng cóc, môi biến mất, hàm nhô lên như mỏ kẹp dưới của một chiếc bẫy. Yvette ghét nhất là hình ảnh cái hàm dưới ấy nhô lên không ngơi nghỉ bằng một sức đẩy già cỗi, khiến chóp mũi buộc phải vươn ra phía trước, còn toàn bộ gương mặt lùi dần về phía sau, bên dưới bờ trán rộng như một vách tường ấy. Ý chí già nua ghê gớm như của loài cóc bên trong bà đáng sợ vô cùng, nếu ai đó từng nhìn thấy nó: một sự ngoan cố bất chấp thần thánh, chẳng ra con người. Ðặc tính ấy chỉ có ở những giống loài sống dai như cóc hay rùa. Nó làm người ta có cảm giác bà sẽ không bao giờ chết đi. Bà sẽ sống mãi như những loài bò sát cấp cao kia, trong tình trạng
Yvette không dám gợi ý cho cha nàng hiểu rằng bà nội chẳng phải người hoàn hảo gì. Ông sẽ lại đem trại tâm thần ra đe dọa nàng mất. Hình như ông luôn thủ sẵn lời hăm dọa đó trong ống tay áo: trại tâm thần. Cứ như chính nỗi chán ghét bà nội và căn nhà thân quyến tệ hại này là bằng chứng của bệnh tâm thần vậy.
Nhưng một lần trong tâm trạng chán nản không chịu nổi, nàng đã buông lời mỉa mai:
"Cái nhà này mới thú làm sao! Cô Lucy đến, rồi lại thêm cô Nell và cô Alice, tất cả cùng bà nội và cô Cissie hợp thành một ổ quạ, cùng vạch váy lên mà hơ chân bên lò lửa, khóa cửa nhốt Lucille và con bên ngoài. Bọn con chỉ là kẻ ngoại nhập trong căn nhà thú này!"
Cha nàng ngó nàng lạ lùng. Nhưng nàng đã thêm một chút dỗi hờn vào lời nói, một vẻ gắt gỏng xấc xược vào ánh mắt, khiến ông phải phá ra cười như thể cười một màn giận dỗi trẻ con. Tuy nhiên ông cũng mơ hồ nhận thấy nàng thật sự có hàm ý cay độc, và ông cảnh giác.
Cuộc sống của nàng giờ đây dường như chỉ còn là những va chạm cáu gắt với các thân quyến nhạt nhẽo của dòng họ Saywell, mà nàng hoàn toàn ngập chìm vào đó. Nỗi ghê tởm tòa mục sở quá mãnh liệt khiến nàng không thể rời bỏ nơi chốn ấy, và nó dần dần gặm nhấm đời nàng. Nó tồn tại dai dẳng, còn nàng bị nó mê hoặc trong nỗi kháng cự.
Nàng đã quên bẵng ông bà Eastwood. Nói gì thì nói, sự nổi loạn của thiếu phụ Do Thái ấy có là gì, so với bà nội và đám người nhà Saywell! Một ông chồng chẳng qua cũng chỉ là một vật ngoài thân lúc cần lúc không. Nhưng một gia đình, cả một gia đình thối nát dính chùm vào nhau, tắc nghẹt, dở chết quanh điểm tựa là một bà già hình nấm. Ai biết đối phó ra sao với tình trạng đó?
Nàng vẫn chưa quên hẳn chàng du mục. Nhưng nàng chẳng có thời gian nghĩ đến chàng. Chán chường đến khổ sở, mà cũng không có gì để làm, nàng thậm chí chẳng có thời gian để nghiêm túc nghĩ về bất cứ điều gì nữa. Hiện tại cuối cùng chỉ còn là những luồng tâm trí trôi mải miết theo dòng.
Nàng còn chạm mặt chàng du mục hai lần nữa. Một lần chàng đến nhà nàng cùng những món hàng để bán. Nàng ngắm chàng từ ô cửa sổ đầu cầu thang, từ chối đi xuống. Chàng cũng thấy nàng trong lúc xếp hàng vào xe kéo. Nhưng chàng không bày tỏ tín hiệu nào. Sinh ra trong một chủng tộc vẫn thường quấy nhiễu, cướp bóc ngoài rìa xã hội, luôn luôn chống đối và sống bằng chiến lợi phẩm, chàng quá tự chủ và cảnh giác để phơi bày mình ra trước bàn tay khổng lồ, ghê rợn của luật pháp. Chàng đã kinh qua chiến trận. Chàng đã bị nô dịch ngoài ý muốn của mình khi ấy.
Thế là bấy giờ, chàng đến tòa mục sở âm thầm và chậm rãi, bận bịu với chiếc xe bên ngoài cánh cổng trắng, với vẻ ngoài cứng cỏi và lặng lẽ tạo nên một nét quyến rũ đơn độc như của loài thú săn mồi. Chàng biết nàng thấy chàng. Nàng phải thấy chàng âm thầm và cương quyết bày bán từng món chai lọ bằng đồng, trên chặng đường chinh chiến già cỗi chống lại những người như chính nàng.
Như chính nàng? Có lẽ chàng đã nhầm. Trái tim nàng, trong từng nhịp đập, ngân lên mạnh mẽ như chiếc búa rung trên mặt đồng, phản lại hoàn cảnh thực tế. Nhưng chàng đã rón rén ra mặt, mà nàng vẫn bí mật ẩn mình đằng sau bức tường của cơ ngơi ấy. Nàng thích chàng. Nàng thích dáng bộ sáng sủa, âm thầm của chàng. Nàng thích sức chịu đựng kỳ diệu nơi chàng, khả năng chống chọi mà chẳng cần chiến thắng. Và nàng thích vẻ tàn nhẫn lạ lùng, sự tỉnh táo thù địch chỉ có ở những người đã đi qua chiến tranh. Phải, nếu hỏi nàng thuộc về phe nào, thì câu trả lời nhất định là phe chàng. Nàng hầu như có thể nghe ra điều đó trong trái tim mình, để đi theo chàng và trở thành một người đàn bà du mục hạ đẳng.
Nhưng nàng sinh ra giữa bốn bề rào chắn. Nàng thích tiện nghi và thanh thế. Dẫu chỉ là con gái một mục sư, nàng cũng có chút thanh thế nhất định. Và nàng thích như vậy. Nhưng nàng là người sẵn sàng đục khoét những chiếc cột chống đỡ đền thờ. Nàng muốn sống an lành dưới mái đền đó, đồng thời lại sung sướng làm mẻ đi từng tí một cột đền. Hàng cột trụ Philistin rõ ràng đã bị gọt xén khá nhiều trước khi cả ngôi đền bị Samson kéo sập(18).
18. Huyền thoại Samson, thủ lãnh của dân Do Thái dưới thời người Do Thái bị người Philistine thống trị, đã kéo sập ngôi đền của người Philistine chỉ bằng một động tác kéo hai cây cột chống.
"Ta có thể vui chơi đến tuổi hai mươi sáu, sau đó dừng chân và lập gia đình."
Ðó là quan điểm Lucille học được từ những phụ nữ lớn tuổi hơn. Yvette đã hai mươi mốt. Có nghĩa là nàng còn năm năm nữa để tận hưởng quãng đời lạc thú quý báu này. Và lạc thú ở đây là chàng du mục. Còn hôn nhân ở tuổi hai mươi sáu, chính là Leo hoặc Gerry.
Vậy là người đàn bà có thể nhấm nháp trước món bánh ngọt, sau đó bằng lòng với bánh mì bơ.
Trong lúc tinh thần xuống dốc vì nỗi thù ghét kinh khủng và bế tắc dành cho gia đình Saywell, Yvette trưởng thành và chín chắn hơn bao giờ hết. Ðó là sự già dặn và sáng suốt của người trẻ đã nhảy vọt lên sự già dặn và sáng suốt của người có tuổi.
 Lần thứ hai nàng chạm mặt chàng du mục rất tình cờ. Khi đó là tháng Ba, tiết trời nắng ấm sau nhiều ngày không mưa. Hoa hoàng liên nở vàng trong các hàng giậu, và hoa anh thảo bung xòe giữa những gờ đá. Nhưng người ta vẫn ngửi thấy mùi lưu huỳnh đến từ những xưởng thép cách đó rất xa, bên ngoài vòm trời màu xanh thép.
Dù sao đi nữa, mùa xuân đã về.
Ðang chầm chậm rong xe ngang qua những mỏ đá vôi trải dọc khu Codnor Gate, Yvette chợt thấy chàng du mục bước ra từ một ngôi nhà nhỏ bằng đá. Chiếc xe ngựa của chàng đỗ lại trên đường. Chàng đang ôm mớ chổi và đồ đồng về xe.
Yvette xuống xe. Những đường nét thanh mảnh của thân thể chàng dưới lần áo màu lục, những xoay trở của gương mặt chàng, gợi lên trong Yvette một tình cảm âu yếm pha lẫn hiếu kỳ, khi nàng trông thấy chàng. Nàng có cảm giác mình hiểu rõ chàng hơn bất cứ ai trên thế giới này, kể cả Lucille, và nàng thuộc về chàng theo một cách nào đó, vĩnh viễn.
"Anh có chế ra thứ gì mới mẻ, hay ho không?" Nàng vừa hồn nhiên hỏi vừa dán mắt vào những món đồ bằng đồng của chàng
"Không." Chàng đáp và nhìn lại nàng.
Niềm khát khao vẫn còn đó, cháy bỏng rõ rệt trong mắt chàng. Nhưng giờ đây ánh mắt ấy đã xa cách hơn, không còn nét táo bạo ngày nào nữa. Một thoáng lung linh hiện lên trong mắt, như thể chàng không ưa nàng. Tuy vậy nó tan biến ngay khi chàng thấy nàng dõi mắt khắp những tạo tác bằng đồng của mình. Nàng sốt sắng rà soát chúng.
Trong mớ hàng có một chiếc đĩa bằng đồng thiếc hình bầu dục, mặt đĩa chạm hình một cây cọ lạ lùng.
"Tôi thích cái đó." Nàng nói. "Giá bao nhiêu vậy?"
"Tùy cô thôi." Chàng đáp.
Câu nói khiến nàng bối rối: chàng có vẻ suồng sã, có phần giễu cợt.
"Tôi mong anh nói ra hơn." Nàng ngước nhìn chàng.
"Cứ trả tôi bao nhiêu tùy cô."
"Không! Nếu anh không cho tôi biết giá, tôi sẽ không lấy nó."
"Ðược rồi. Hai shilling."
Nàng đưa chàng nửa curon. Chàng rút từ túi ra một nắm cắc bạc và thối lại nàng sáu xu.
"Hôm trước bà du mục nằm mơ thấy cô." Chàng nói và nhìn nàng bằng ánh mắt dò xét hiếu kỳ.
"Thật sao!"lưu ý ngay. "Bà ấy mơ thấy gì?"
"Bà ấy bảo: Hãy can đảm hơn với con tim mình, nếu không cô sẽ thua cuộc. Bà ấy bảo: Hãy can đảm hơn với thể xác mình, nếu không may mắn sẽ từ bỏ cô. Và bà ấy cũng nói: "Hãy lắng nghe tiếng gọi của nước."
Yvette vô cùng xúc động.
"Nó có nghĩa gì vậy?" Nàng hỏi.
"Tôi hỏi bà ấy rồi. Bà ấy nói không biết."
"Kể lại giấc mơ cho tôi nghe đi."
"Hãy can đảm hơn với con tim mình, nếu không may mắn sẽ từ bỏ cô. Và hãy lắng nghe tiếng gọi của nước."
Chàng im lặng ngắm gương mặt trầm ngâm, dịu dàng của nàng. Dường như một làn hương thơm từ lồng ngực thanh xuân của nàng vừa tràn thẳng tới chàng, trong khoảnh khắc giao cảm tri ân ấy.
"Vâng, tôi sẽ can đảm hơn với thể xác mình, và tôi sẽ lắng nghe tiếng gọi của nước! Tôi chưa biết nó có nghĩa là gì, nhưng có lẽ rồi tôi sẽ hiểu."
Nàng nhìn chàng bằng ánh mắt trong veo. Ðàn ông hay đàn bà đều được cấu thành từ nhiều bản thể. Với bản thể này, nàng yêu chàng du mục. Với nhiều bản thể khác, nàng không thích, không quan tâm đến chàng.
"Cô không lên núi nữa?" Chàng hỏi.
Nàng lại nhìn chàng xa vắng
"Chắc tôi sẽ lên chứ. Một lúc nào đó."
"Tiết xuân đã về!" mỉm cười mơ hồ và nhìn quanh quất về phía mặt trời. "Không lâu nữa chúng tôi sẽ nhổ trại ra đi."
"Khi nào?"
"Có lẽ tuần tới."
"Ði đâu?"
Chàng khẽ hất đầu.
"Có lẽ là lên phương Bắc."
Nàng nhìn chàng chăm chăm.
"Ðược rồi! Chắc tôi sẽ lên đó trước khi mọi người đi, để chào từ giã vợ anh và bà cụ đã gửi thông điệp đến cho tôi."