Chương 7

Dịch giả: Nguyễn Học và Lâm Hoàng Mạnh
Chương 34

     ầu năm 1959, một sự hoảng loạn bao trùm cả thành phố Bắc Kinh. Có tin đồn sắp tới các công xã cũng sẽ được thành lập ở các thành phố. Mọi người đều nghĩ tài sản cá nhân của họ sẽ sắp phải sung công, trở thành tài sản của nhà nước. Thế là thành phố Bắc Kinh biến thành một cái chợ trời khổng lồ. Ai cũng tìm cách bán những tài sản quí giá của họ để giữ lấy đồng tiền, sợ một khi những tài sản còn lại bị sung vào công xã.
Cuộc sống của gia đình tôi sa sút trông thấy kể từ khi bắt đầu chiến dịch Đại nhảy vọt và cũng vì phần lớn thời gian trong năm 1958 tôi phải đi với Mao trong các chuyến công du nên chẳng giúp được họ hàng. Tôi vui mừng vì cuối cùng đã trở về.
Mẹ tôi lo ngại bà sẽ bị cưỡng bức đi lao động trong công xã của thành phố, mặc dù già yếu, hàng ngày phải trông nom hai đứa cháu trong khi vợ tôi đi làm. Nếu công xã được thành lập, ai sẽ chăm sóc những đứa trẻ. Mao muốn bọn trẻ đến nhà trẻ của nhà nước. Trong lúc tin đồn còn chưa lắng, người ta đã đề nghị tôi, Lý Liên, cũng như mẹ tôi và các con tôi chuyển đến sống ở Trung Nam Hải. Nhưng tôi không muốn đưa gia đình vào sống trong khu dinh thự đó khi chưa thật cần thiết. Đồng thời, tôi cũng cần có một nơi để tạm lánh, mỗi khi có thể được. Đối với tôi, nơi ở cũ của gia đình luôn là nơi ở lý tưởng nhất, nơi thực sự là một gia đình, giúp chúng tôi có thể quên đi những lo âu để vui cười và tận hưởng hạnh phúc, nơi duy nhất tôi cảm thấy an toàn, vì thế, tôi muốn giữ lại cho mình nơi ẩn náu này.
Mao đã nghe thấy những lời ca thán thê lương của nhân dân thành phố, ông bỏ kế hoạch thành lập công xã ở thành phố. Tuy vậy, phần lớn tài sản của gia đình tôi đã bị tịch thu. Mấy vị cán bộ hay soi mói ở khu phố, phát giác rằng mẹ tôi và hai con trai tôi chỉ ở trong 5 căn phòng ở toà nhà đồ sộ có tới 30 phòng của gia đình. Mẹ tôi để cho mấy người họ hàng ở trong một số phòng. Những phần còn lại được cho thuê với giá tượng trưng. Mùa đông 1957-1958 khi chiến dịch tuyên truyền mang tính chất tả khuynh lên đến đỉnh cao, chính quyền địa phương nơi gia đình tôi ở, Sở nhà cửa thành phố Bắc Kinh, Sở công an đã quyết định sung công cả toà nhà của gia đình, trừ những căn phòng mà mẹ và các con tôi đang ở. Dĩ nhiên. người ta không gọi việc làm này là “sung công”. Mẹ tôi được “đền bù” vì đã “tự nguyện” bán toà nhà và bà cũng còn là đồng chủ nhà khi có người dọn đến ở. Mặc dù vậy mẹ tôi và tôi vẫn sững sờ vì toà nhà là di sản, thuộc quyền sở hữu từ nhiều thế hệ. Vợ tôi giục tôi hãy đến trình bày với cấp trên ở Ban An ninh và Ban y tế trung ương. Có thể tôi sẽ đạt được thoả thuận nào chăng.
Cả tôi cũng buồn bực, nhưng không thể đòi hỏi cách giải quyết đặc biệt được. Gia đình tôi luôn luôn được ưu đãi trong khi hầu hết những người cùng làm việc với tôi đều xuất thân từ nông dân nghèo khó. So với người khác, gia đình tôi vẫn sống sung túc. Cấp trên của tôi chẳng có lý do gì để cho tôi tiếp tục sở hữu ngôi nhà gia đình – nhất là trong giai đoạn bầu không khí “tả khuynh” đang thắng thế. Có thể những cố gắng của tôi sẽ dẫn đến kết quả, đề nghị chuyển gia đình tôi vào ở Trung Nam Hải. Đó lại là điều tôi muốn tránh. Vì vậy đành phải từ bỏ tài sản của gia đình. Chúng tôi chỉ còn lại những căn phòng mà mẹ và các con tôi đang ở. Người ta đã mua toà nhà với số tiền tượng trưng đến nỗi có thể nói, chúng tôi đã tặng không toà nhà cho nhà nước. Còn mẹ tôi cũng không thể tham gia ý kiến chọn lựa ai đó đến thuê nhà.
Tôi tìm mọi cách an ủi mẹ, cố giải thích cho bà hiểu, có thể vui mừng vì còn 5 căn phòng nữa, trong khi những cán hộ trong thành phố thường ở chật chội, đa số mọi người chỉ có hai bàn tay trắng không có nhà riêng.
Mùa đông năm 1958 – 1959, thực phẩm trở nên khan hiếm, tình hình sức khỏe của mẹ tôi ngày càng xấu đi. Lý Liên vẫn ăn ở nhà ăn trong Trung Nam Hải mỗi khi tôi tới đó. Tôi cùng ăn với Lý Liên. Bữa ăn không có thịt, món ăn ngày càng tệ hơn, nhưng vẫn đủ. Trung Nam Hải, nơi cuối cùng người ta cảm nhận được sự khủng hoảng về lưu thông phân phối phối hàng hóa. Mẹ tôi thiếu cả những thực phẩm thiết yếu. Trước các cửa hàng lương thực thực phẩm, người ta đứng xếp hàng rồng rắn chờ mua.
Hồi đó, mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, thường đau ốm nhiều hơn trước. Bà mắc chứng cao huyết áp. Chúng tôi nhờ hàng xóm đi chợ, xếp hàng mua thực phẩm giúp. Nhưng tình trạng kinh tế mỗi ngày một tồi hơn. Vậy mà Điền Gia Anh nói đây mới chỉ là bước đầu. Nông dân đã trở thành nạn nhân của sự thiếu thốn, trước mắt vẫn chưa thấy có gì khá hơn. Vì tình trạng khủng hoảng ngày càng trầm trọng, tôi mong Mao sẽ ở lại Bắc Kinh, nhưng tôi đã lầm.
Một buổi tối cuối tháng giêng năm 1959, tôi đến thăm Hồ Kiều Mục đang nằm trong Bệnh viện Bắc Kinh điều trị loét dạ dày tái phát. Ở đó tôi nhận được lệnh khẩn, phải trở về Nhóm Một ngay lập tức. Chắc Mao ốm đột ngột. Tôi vọt ra ngoài, thậm chí không kịp mang theo chiếc áo ấm, nhảy lên xe đạp, lao ra cổng bệnh viện đúng lúc vệ sĩ Tiểu Lý đánh xe ô tô rẽ vào. Hoá ra Mao quyết định đi thăm Mãn Châu Lý. Ông muốn khởi hành ngay.
Chủ tịch đã lên đường ra sân bay khi tôi vừa về đến Trung Nam Hải. Ông đã mang theo dụng cụ đồ lề của tôi và một chiếc ô tô đang chờ. Tôi chẳng còn thời gian để gói ghém bàn chải đánh răng, chứ chưa nói đến thu xếp quần áo. Chúng tôi đến sân bay đúng lúc máy bay của Mao vừa cất cánh. Một chiếc máy bay khác đang nổ máy chờ chúng tôi. Tôi và Tiểu Lý là hành khách duy nhất của chiếc máy bay này. Khi chúng tôi vừa lên khoang, máy bay cũng rời đường băng. Vài giờ sau tôi rời khỏi máy bay ở Tân Cương, thuộc tỉnh Liêu Ninh nơi lạnh nhất của Trung Quốc vào tháng lạnh nhất của năm mà không có áo khoác, kể cả áo ấm. Thật may, các phòng được sưởi ấm, chẳng bù cho lúc ở ngoài tôi đã bị rét cóng một cách thảm hại. Mao đùa:
- Đồng chí đã bán hết quần áo vì chiến dịch Đại nhảy vọt hay đã quyên góp cho công xã nhân dân rồi?
Thật phúc tổ, chuyến công du này chỉ kéo dài 5 ngày. Chủ tịch đến miền Bắc Trung Quốc vì ở đó có mỏ than lớn nhất và các nhà máy luyện kim. Ông muốn biết người ta luyện thép như thế nào, chất lượng thép của các lò luyện kim gia đình được đánh giá ra sao. Ông định bãi bỏ việc sản xuất thép để giải thoát nông dân khỏi tình trạng kiệt quệ về nhiên liệu và tước quyền bọn quan liêu trong nền kinh tế tập trung đang làm tê liệt các ngành. Nhưng Mao vẫn chưa tìm được câu hỏi ông thường căn vặn tôi. Tại sao các nước công nghiệp tiên tiến phương Tây lại sử dụng các cơ sở sản xuất khổng lồ, trong khi các lò luyện kim gia đình nhỏ xíu cũng có thể sản xuất được thép có chất lượng tốt? Ngoài ra, ông còn quan tâm đến việc người ta đốt nóng các lò này như thế nào. Ở nông thôn, nơi mà nhiên liệu trở nên khan hiếm sau khi cây rừng bị đốn hết, nông dân đã phải đốt cả cửa và những đồ đạc bằng gỗ của họ để nuôi ngọn lửa trong lò. Những nhà máy luyện kim lớn, hiện đại ở vùng Tây Bắc có một khoản dự trữ than khổng lồ nên Mao muốn tận mắt nhìn thấy các cơ sở luyện kim và các mỏ than.
Bài học ông thu được trong chuyến đi này chỉ có những nhà máy luyện kim lớn hiện đại với nhiệt độ nung thích hợp chẳng hạn được đốt nóng bằng than mới có thể sản xuất thép có chất lượng cao. Thế nhưng ông vẫn không ra lệnh đình chỉ việc sản xuất thép của các lò luyện kim gia đình. Sự lãng phí to lớn sức người, sức của không làm ông lo ngại, Mao chỉ lo ngại làm nguội lòng nhiệt tình của quần chúng.
Chúng tôi trở về Bắc Kinh, ít lâu Mao lại tiếp tục đi Thiên Tân. Tế Nam, Nam Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu. Ông mời La Thuỵ Khanh và Dương Thượng Côn cùng đi, vì muốn lợi dụng chuyến đi để “cải tạo” họ.
Cả hai đã không còn được Chủ tịch quí mến như xưa nên họ rất lấy làm vinh dự khi nhận lời mời. La Thuỵ Khanh, người lúc nào cũng trung thành, vẫn luôn tìm mọi cách lấy lòng Mao bằng cách tránh tham gia hoạt động do cơ quan an ninh sắp xếp, kể cả đi bơi. Thế nhưng vẫn chưa lấy lại được toàn bộ lòng tin của Mao.
Dương Thượng Côn, vẫn còn cay cú do bị cách chức bí thư Ban chấp hành trung ương sau vụ Những lá cờ đen vài tháng trước đây, cũng ra sức lấy lòng Mao – ông tập trung vào những công việc hành chính thay vì những công việc chính trị, cốt tỏ ra là người giúp việc tin cẩn không hề có bất kỳ mối tham vọng chính trị nào. Do bị cô lập và cảm thấy bấp bênh, Dương đã theo Đặng Tiểu Bình người sẽ che chở cho ông trước những biến cố chính trị khó lường – Dương ít có cơ hội gặp Mao, nên có vẻ rất phấn khởi khi được đi cùng với Mao.
Chuyến đi này lại là một “chuyến đi thanh tra”. Chúng tôi tới thăm các nhà máy, các trường Đại học các công xã và các trường phổ thông. Các nhà lãnh đạo đảng, quân đội nồng nhiệt bắt tay Chủ tịch với những lời ca tụng, hứa luôn trung thành với Mao. Mặc dù tình hình kinh tế ngày một xấu đi, nhưng sự tôn sùng Mao lại được tăng lên. Khi thực phẩm khan hiếm người ta không quy trách nhiệm cho Mao, lại đổ cho giới lãnh đạo ở địa phương. Ai cũng tin rằng Chủ tịch đến để uốn nắn những sai lầm. Thái độ này của dân chúng đối với Mao bắt nguồn từ truyền thống của Trung Quốc: vua không bao giờ sai, cùng lắm là do đám quan lại trong triều báo cáo láo hoặc cố vấn sai. Ở đâu cũng có những đám đông khổng lồ đón tiếp Mao với những tràng pháo tay như sấm và tiếng hô to: “Mao chủ tịch muôn năm!” Mao cho La và Dương thấy dân chúng tôn sùng đến mức nào, ông đã đạt được mục đích. La Thuỵ Khanh và Dương Thượng Côn rất xúc động. Với lời mời của mình, Chủ tịch đã tạo được ở Dương và La sự kính trọng sâu sắc đối với ông. Hai ông đã ngập trong ánh hào quang xung quanh Chủ tịch.
Dương Thượng Côn chỉ còn tiếc mỗi một việc, trong chuyến đi, Mao đã nói nhiều đến đề tài như có thể tổ chức các mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp như thế nào, phải xây dựng các công xã nhân dân ra sao, làm thế nào để phân phối và trả lương cho công bằng, nhưng chẳng ai ghi lại những lời giáo huấn của Chủ tịch. Một đêm, khi nói với La Thuỵ Khanh và một sự cộng sự khác. Dương nói, ông luôn tìm cách ghi lại những lời của Chủ tịch trong các chuyến công du qua các tỉnh. Mao thường nói về những dự định chính trị, nhưng Ban bí thư trung ương chẳng nhận được thông tin gì về việc này – nên không thể ghi lại những lời phát biểu của ông, để trình bày những phương hướng chính trị trên giấy. Các cán bộ địa phương cũng gặp phải những vấn đề như vậy. Họ có thể gửi những bài bình luận của Mao tới các cấp cao hơn – đến Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình – nhưng nếu không có những văn bản chính thức, chẳng ai muốn truyền đạt lại chính sách với những thông tin từ các tỉnh gửi về. Dương Thượng Côn nói: “Chúng ta phải nghĩ xem làm thế nào ghi lại được lời Chủ tịch và có thể nộp tất cả các biên bản cho Ban bí thư trung ương để rồi họ đánh giá phân tích”. Đó là sáng kiến độc đáo của một cấp dưới vốn không quên ơn Chủ tịch.
Diệp Tử Long kể với tôi. Dương đã đề nghị xin Mao cho ông mang theo một người ghi tốc ký trong các chuyến công du sau này. Như vậy, trung ương sẽ có biên bản đày đủ về những lời nói của Mao – nhưng Mao không muốn có người ghi tốc ký. Ông coi những ý kiến chỉ là phụ, biết lời nói có sức mạnh. Cả đất nước Trung Hoa vội vã thành lập công xã nhân dân khi Mao vừa mới tuyên bố: “Công xã thật là tuyệt”. Ông không muốn một nhận xét tình cờ bỗng nhiên lại trở thành một chính sách cụ thể, như vậy trách nhiệm về ông sẽ quá lớn. Ngay sau đó một toán nhân viên kỹ thuật của cơ quan công an đã lên đoàn tàu của Mao để lắp máy nghe trộm trong toa ngủ của ông, trong phòng khách. Những chiếc microphon nhỏ xíu được gắn trong các chụp đèn, đèn treo tường và trong các lọ hoa để Mao không phát hiện được.
Những chiếc microphon này được nối với một máy ghi âm ở một toa khác nơi có một nhân viên kỹ thuật trẻ tên là Lưu làm việc. Anh ta thu ráp nối các cuộc nói chuyện, bảo quản hệ thống máy móc. Mao không bao giờ biết nhiệm vụ của Lưu làm gì, nhưng chàng trai trẻ này theo chúng tôi đi khắp nơi trong các chuyến công du. Sau này Diệp Tử Long cho tôi biết người ta cũng đã gắn những “con bọ” như vậy trong các nhà khách ở các tỉnh mà Mao thường hay lui tới. Những nhân viên Nhóm Một chúng tôi có nhiệm vụ phải giữ bí mật tuyệt đối. Việc nghe trộm Chủ tịch như Diệp Tử Long cho chúng tôi biết, do thượng cấp quyết định. Nếu bí mật này bị tiết lộ hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Tất cả chúng tôi đều phải nín lặng. Đảng đã ra lệnh chúng tôi phải chấp hành. Không một ai trong chúng tôi biết quyết định này sẽ mang lại tai hoạ như thế nào.