Chương 7

Dịch giả: Nguyễn Học và Lâm Hoàng Mạnh
Chương 46

     ưới con mắt của Mao, các tì thiếp của ông trở nên thật quan trọng khi một cô trong bọn họ phát hiện ra hệ thống nghe trộm. Chuyện này xảy ra vào tháng 2-1961, sau ngày Tết nguyên đán ít lâu khi chúng tôi cùng đi với Mao đến Quảng Châu trên chuyến tầu hoả đặc chủng.
Ngay từ đầu, Uông Đông Hưng đã cảm thấy chuyến đi sẽ gặp nhiều rắc rối. Vì lần này còn có quá nhiều phụ nữ trong đoàn tuỳ tùng so với những lần khác. Lúc lên đường, Uông Đông Hưng nói với tôi:
- Hai người đàn bà và một con vịt đã thành cái chợ.
Trong đám phụ nữ có mặt thêm trên tầu gồm cô thư ký riêng của Mao, đã công khai nói mối quan hệ với Mao, ngoài ra còn có cô đã từng cãi nhau với Mao vì chuyện muốn lấy chồng. Tôi sửng sốt khi nhìn thấy một cô giáo tôi quen, càng kinh ngạc hơn khi biết cô ta có quan hệ tình dục với Mao hàng năm nay. Cô giáo đáng yêu chân thật này quen Mao trong một buổi khiêu vũ và mối quan hệ của họ bắt đầu từ đó. Cô chưa bao giờ ra khỏi Bắc Kinh ngoài Đồi Hương nên bây giờ Mao muốn cho cô được thăm quan thế giới bên ngoài.
Người đàn bà này có nước da ngăm ngăm đen, chạc tuổi 40, vợ của một tướng lĩnh cao cấp trong quân đội. Họ đã từng quan hệ với nhau từ hồi ở Diên An. Khi mối quan hệ đó vỡ lở, Mao đã cho bà sang Liên Xô, sau đó “cưới chồng” cho bà, một sĩ quan cao cấp. Giang Thanh đã biết sự tằng tịu này từ lâu, muốn trả thù bằng cách cách chức ông chồng. Thế nhưng ông ta là người thân cận của Bành Đức Hoài, được bộ quốc phòng che chở. Đến năm 1959 khi Bành mất chức, sự che chở biến mất. Giang Thanh đã ép Lâm Bưu xuống tay trừng phạt người sĩ quan đó. Bây giờ, chắc người phụ nữ bất hạnh trong lo âu đã tìm đến xin Mao che chở cho chồng.
Những tình ý ngày xưa như được hồi sinh. Trong chuyến đi, Mao nhiều lần gọi bà tới toa riêng vào buổi tối đầu tiên khi chúng tôi đến Hàng Châu, tôi biết chắc bà ta đã ở trong phòng ngủ của Mao mấy tiếng đồng hồ liền. Thế nhưng sau đó bà biến đâu mất khỏi đoàn tầu. Một người trong đám phụ nữ lo ngại, tìm tôi xin giúp đỡ. Nhưng sáng sớm hôm sau người ta đã thấy bà quay trở lại. Bà đã cãi vã với Mao, ban đêm bỏ ra ngoài, ngồi khóc trên một tảng đá ven hồ. Ngay trong ngày hôm đó, Mao cho bà quay trở lại Bắc Kinh.
Sau vài ngày lưu lại ở Hàng Châu, chúng tôi lên tàu tiếp tục đi về phía Tây, đến Vũ Hán. Chuyến công du của chúng tôi chỉ bị tạm dừng trong thời gian rất ngắn để Mao họp với Trương Bình Hoa, bí thư tỉnh uỷ Vũ Hán.
Cuộc gặp gỡ của họ sẽ diễn ra trên đoàn tàu, nhưng Mao đến muộn.
Ông đang ở trong toa ngủ của ông cùng với cô giáo nọ, trong khi Trương và người trợ lý Vương Nhuận Xuân chờ ở toa khách cạnh đó. Đặc tính nông dân vẫn còn ăn sâu trong con người Vương đến nỗi ông không ngồi vào ghế sa lông như người khác mà lại ngồi chồm hỗm trên sàn. Cuối cùng Mao cũng xuất hiện. Còn tôi, cô giáo cùng với những phụ nữ khác trong đoàn tuỳ tùng của Mao đi dạo phía ngoài đoàn tầu. Lưu Cơ Thuận, người kỹ thuật viên trẻ tuổi có nhiệm vụ bí mật thu lại những cuộc nói chuyện của Mao cũng cùng đi với chúng tôi. Bỗng nhiên Lưu Cơ Thuận nói với cô giáo:
- Hôm nay tôi nghe thấy chị nói.
Cô giáo hỏi lại:
- Anh nói thế nghĩa là sao? Anh nghe thấy gì?
- Khi Chủ tịch chuẩn bị gặp Trương Bình Hoa, chị đã giục Chủ tịch phải mặc quần áo nhanh lên.
Mặt người phụ nữ trẻ biến sắc. Cô hỏi nhỏ:
- Anh nghe thấy những gì nữa?
- Nghe thấy tất cả – Lưu cười và đáp.
Cô chết đứng, quay ngoắt lại, chạy về phía đoàn tàu. Chúng tôi hối hả đuổi theo sau. Đám tì thiếp của Mao cũng hớt hải, vì nếu Lưu đã nghe được những lời mơn trớn khi Mao và cô giáo kia đang làm tình, thể nào anh ta cũng nghe được cả những lời họ nói với Mao.
Khi chúng tôi trở lại, cuộc họp cũng vừa xong. Cô giáo chạy bổ vào toa riêng của Mao, kể lại cuộc nói chuyện của cô với anh chàng Lưu.
Mao nổi giận lôi đình vì ông chẳng hề hay biết người ta nghe trộm. Ông gọi ngay Uông Đông Hưng đến, đằng sau những cánh cửa khép chặt hai người nói chuyện với nhau rất gay gắt hàng tiếng đồng hồ. Uông Đông Hưng quả quyết không hề hay biết gì về việc nghe trộm này, vì ông mới từ nơi lưu đày trở về một thời gian ngắn. Mao lệnh cho đoàn tàu phải lập tức khởi hành đến Vũ Hán, càng sớm càng tốt. Khi tàu đã chuyển bánh, Uông Đông Hưng cho gọi kỹ thuật viên Lưu Cơ Thuận và thư ký riêng La Quang Lư lên gặp ông.
- Chủ tịch muốn biết kế hoạch nghe trộm này đã được bố trí như thế nào.
Ba mặt một lời, Uông tra hỏi anh kỹ thuật viên, cho anh biết Mao đã ra lệnh bắt giam anh. Nhưng Uông không bắt anh ngay. Uông nói với Lưu:
- Đằng nào cậu cũng chẳng thoát.
Còn viên thư ký riêng La Quang Lư cuống cả lên. Tất cả bắt đầu từ hồi Diệp Tử Long còn nắm quyền. Cần phải hỏi Diệp mới biết được. Nhưng Diệp Tử Long đã bị điều đi cải tạo lao động xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, chẳng có mặt ở đây để hỏi.
Còn Lưu Cơ Thuận chẳng biết gì. Anh ta chỉ làm công việc của mình do “thượng cấp” ra lệnh.
Uông Đông Hưng hỏi:
- Thế “thượng cấp” cũng ra lệnh cho cậu thu cả những cuộc nói chuyện riêng tư của Chủ tịch à? Cậu không có việc gì làm nữa hay sao? Tại sao cậu lại muốn gây ra những phiền toái nhỉ? Tại sao Chủ tịch không biết những cuộc nói chuyện của Chủ tịch bị thu trộm? Bây giờ tôi phải giải thích như thế nào với Chủ tịch?
Lưu im thin thít.
Cuối cùng chúng tôi đã đến Vũ Hán, vào nghỉ ở nhà khách “Vườn Mai”. Lúc đó 4 giờ sáng. Uông Đông Hưng và Lưu Cơ Thuận đã dựng một anh thợ điện ở địa phương dậy, họ cùng nhau tháo gỡ tất cả hệ thống nghe trộm được lắp đặt trên tàu ra. Còn tôi lăn ra ngủ.
Đến buổi chiều hôm sau, khi tôi tỉnh giấc, tất cả hệ thống nghe trộm – máy thu thanh, băng, loa và dây dợ – đã được đem bày ở phòng họp. Toàn bộ nhân viên được triệu tập lại để chiêm ngưỡng những thứ đó. Cả nhà khách “Vườn Mai” của chúng tôi cũng được lắp đặt những hệ thống nghe trộm nên người ta tiện thể kiểm tra luôn. Uông Đông Hưng, Khang Nhất Dân, La Quang Lư và Lưu Cơ Thuận phải đứng sau bàn trưng bày hiện vật. Mao cho chụp ảnh để làm bằng chứng.
Khang Nhất Dân, Phó phòng của Ban thư ký riêng phải rời Văn phòng trung ương đến đây, trao đổi với Uông Đông Hưng về việc này. Khang cho biết. Diệp Tử Long đã ra chỉ thị nghe trộm Chủ tịch.
Nhưng Khang cũng biết, thực ra chỉ thị này được ban ra từ cấp “tối cao”. Quyết định này quá quan trọng đến nỗi một cán bộ như Diệp Tử Long cũng phải tuân theo. Tôi không bao giờ hiểu được vì sao người ta lại nghĩ những hệ thống nghe trộm này sẽ không bị phát hiện.
Hệ thống nghe trộm đã bị phát hiện, Khang Nhất Dân muốn tránh cho những cán bộ cấp cao hơn không bị lôi kéo vào vụ cãi cọ này, nên tìm cách thuyết phục Uông Đông Hưng rằng, toàn bộ vấn đề này nên được giải quyết một cách kín đáo. Nhưng cũng như Mao, Uông muốn truy tận gốc rễ của sự việc, phải tìm ra người đã phát lệnh này.
Cuối cùng Uông cũng đi đến một thoả hiệp. Ông thông báo với Mao rằng, các ống nghe được sắp đặt chẳng qua để thu thập tài liệu cho lịch sử đảng sau này. Mao điên tiết, ông gầm lên:
- Vậy có nghĩa là người ta thu thập cả những thông tin đen tối về tôi, giống như Khrushchev hay sao?
Một “lịch sử đảng” dựa vào những băng ghi âm trộm chuyện đời thường chỉ có thể dùng để chống lại ông. Mao lo ngại đến khả năng ông sẽ bị tấn công như Khrushchev đã chống lại Stalin. Những điều mà Khrushchev lên án Stalin cũng chứa đựng những chi tiết bất lợi trong đời tư của Stalin. Mao không muốn đời tư của ông bị người ta ghi vào băng.
Nhưng điều làm ông sợ nhất lại không phải là sự phanh phui này. Những bê bối về quan hệ tình dục của Mao tuy bí mật, nhưng trong nội bộ đảng ai cũng biết. Nỗi sợ hãi lớn nhất là quyền lực của ông bị đe doạ. Những chuyến công du của Mao ở khắp mọi miền đất nước, những cuộc gặp gỡ chính thức của ông với các nhà lãnh đạo đảng ở các địa phương là một phần trong chiến lược chính trị của ông. Nó giúp ông liên hệ trực tiếp với những người lãnh đạo địa phương, không bị bộ máy hành chính quan liêu nặng nề của hệ thống đảng và nhà nước ngăn cản. Ông muốn ngăn chặn việc các cơ quan trung ương biết ông nói gì với những người lãnh đạo cấp tỉnh, muốn ràng buộc cơ quan trung ương và các cơ quan đó phải tuyệt đối trung thành để không có điều gì ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo.
Ông lệnh cho Uông Đông Hưng phải lập tức huỷ hết các băng ghi âm. Mao bảo:
- Không được để sót một băng nào. Tôi không muốn bất cứ ai sử dụng nó để chống lại tôi sau này.
Khiếp đảm trước cơn thịnh nộ của Mao, anh chàng thợ điện Lưu Cơ Thuận cho biết cả những nơi khác – chẳng hạn như ở nhà khách Vương Thường ở Hàng Châu mà chúng tôi vừa đi khỏi – cũng được gài “bọ” nghe trộm. Mao ra lệnh cho Uông cử một số tay chân đi gỡ bỏ những hệ thống này và huỷ những cuốn băng ghi âm.
Trong vụ này, nhiều người đã bị mất chức. Khang Nhất Dân, trợ thủ của Diệp Tử Long, thư ký riêng của Mao, La Quang Lư đã mất chức. Khang phải xuống làm ở Ngân hàng Nhân dân. La bị Hứa Dịp Phụ phế truất, phải xuống làm việc ở Bộ công nghiệp. La bị mất chức thư ký riêng cho Mao, vì trong lúc phê bình công khai Lý Ẩm Kiều, ông đã nói rằng Giang Thanh đã chạy đến Hàng Châu để khỏi bị phê bình. Lưu Cơ Thuận, chỉ vì những lời cợt nhả của mình mà gây ra chuyện động trời bị đày đi Thiểm Tây để cải tạo lao động xã hội chủ nghĩa.
Mao đã thừa nhận một số người bị đuổi việc trong năm 1961 thực ra không phải là những người có tội. Ông bảo:
- Thực ra họ chẳng biết họ đã làm chuyện gì. Họ đâu có biết chuyện gì đã xảy ra?
Mao và Khang Nhất Dân biết rằng, lệnh nghe trộm các cuộc nói chuyện có lẽ được đưa xuống từ cấp lãnh đạo rất cao của đảng. Cả Bộ công an cũng có thể dính đến vụ này. Mao tin rằng, họ đã theo dõi ông trong khuôn khổ của một âm mưu nào đó. Theo tôi, sự nghi ngờ mỗi ngày mỗi tăng của Mao bắt đầu từ suy nghĩ cho rằng đến một lúc nào đó, sẽ có một âm mưu chống lại ông trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của đảng. Lúc bấy giờ sự bất đồng chính kiến giữa Mao và các cán bộ lãnh đạo khác của đảng vẫn chưa bộc lộ. Nhưng những rạn nứt giữa họ, ngày càng rõ rệt từ khi có cuộc Cách mạng văn hoá mà Mao phải trả giá.
Vụ nghe trộm đã làm Mao mất tinh thần. Vốn đa nghi, nhưng ông lại không nghĩ rằng, những cuộc bí mật thu trộm đã gửi về Bắc Kinh tất cả những băng ghi âm các cuộc đối thoại. Ông tỏ ra thất vọng về các nhân viên. Ông nghĩ, cả những người trong nội bộ ông tin cậy cũng nhúng tay vào âm mưu kia. Ông chắc mẩm, từ lâu chúng tôi đã biết về việc người ta ghi âm các cuộc nói chuyện và gửi về trụ sở chính rồi, nhưng giữ kín. Càng ngày Mao càng ít tin tưởng vào lòng trung thành của chúng tôi hơn. Ông bổ xung, quanh ông toàn phụ nữ, sa thải hàng loạt cần vụ nam giới. Thế là các cô tì thiếp trẻ trung đã trở thành những kẻ thân tín nhất của ông.
Đối với tôi ông cũng tỏ ra tệ hơn. Với câu hỏi: “Có gì mới không?” mỗi khi gặp, ông muốn moi ở tôi những điều tôi biết. Chỉ cần không nói hết cho ông biết cũng đã đủ để chứng minh có âm mưu tạo phản. Căn bệnh đa nghi của Mao càng ngày càng tăng, từ nay chẳng bao giờ ông tin tôi tuyệt đối như trước nữa.