Chương 7

Dịch giả: Nguyễn Học và Lâm Hoàng Mạnh
Chương 74

     háng 8-1971 việc Mao nghi ngờ Lâm Bưu đã lên tới đỉnh điểm. Tạ Thanh Nhị phó giám đốc Uỷ ban cách mạng trong ban giám hiệu Đại học Thanh Hoa, báo cáo với Mao về một mạng lưới gián điệp bí mật, do Lâm Lập Quả - con trai Lâm Bưu - gây dựng và phát triển trong lực lượng không quân. Nhóm này gồm một vài đơn vị độc lập, mang bí danh “Phi đội liên hợp”, “Tiểu tổ Thượng Hải” và “Lữ đoàn thực thi chỉ thị”, hoạt động bí mật nhằm mục đích đoạt quyền lực và phế truất Mao. Thao Xương, chồng của Tạ Thanh Nhị, sĩ quan Bộ tư lệnh không quân, đề nghị Mao cẩn thận và tăng cường công việc giáo dục quân đội lòng trung thành với Chủ tịch.
Lâm Bưu đưa những người thân tín vào trung ương. Phần lớn những người ủng hộ Lâm Bưu nằm ở Bắc Kinh. Mao tin những người đứng đầu quân đội ở cấp quân khu và tỉnh vẫn trung thành như trước đây.
- Tôi không nghĩ các tư lệnh quân khu lại đứng về phe Lâm Bưu - Mao tâm sự với tôi - Quân đội giải phóng nhân dân không thể nổi lên chống lại tôi, đúng thế không? Nhưng nếu họ không muốn dưới sự lãnh đạo của tôi, tôi sẽ quay về Tĩnh Cương Sơn, lại bắt đầu cuộc chiến tranh du kích.
Ngày 14-8-1971 Mao quyết định tìm sự ủng hộ của tư lệnh các quân khu.
Đoàn tầu đặc biệt cùng ngày hôm ấy đưa chúng tôi đến miền nam, dừng ở Vũ Hán, Trường Sa, Nam Xương, Hàng Châu và Thượng Hải. Ông mở cuộc họp bí mật với lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương và ban lãnh đạo tỉnh đội. Mao đưa ra lời kêu gọi chung tới tất cả các phe nhóm. “Tại hội nghị Lư Sơn một ai đó đã quá vội vã muốn trở thành Chủ tịch nước. Cá nhân này muốn chia rẽ và tiếm quyền lãnh đạo đảng. Khó khăn mâu thuẫn này đến nay vẫn chưa giải quyết xong”.
Khi tấn công, Mao không bao giờ nêu đích danh Lâm Bưu, nhưng người ta biết đối tượng bị buộc tội một cách chính xác. Ai cũng biết rõ Mao căm ghét mưu đồ của Lâm Bưu chiếm quyền lực. Mao trở nên cực kỳ đa nghi với sự sùng bái cá nhân mà Lâm Bưu đã quá sốt sắng tung hô. “Ai đó nói rằng, thiên tài trên thế giới vài trăm năm mới xuất hiện một lần, nhưng đất nước Trung Hoa vài ngàn năm bây giờ mới xuất hiện”. Mao mỉa mai. “Rõ ràng lời nói không đi với sự thật. Người ta nói ủng hộ, giúp đỡ tôi, nhưng trong nội tâm, người ta ủng hộ chính bản thân họ”. “Người ta” và “ai đó” Mao ám chỉ Lâm Bưu.
Mao cũng nghi ngờ Diệp Quần lạm quyền ỷ thế chồng. “Tôi chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng đưa vợ thay quyền lãnh đạo của chồng” - Mao nói - “Nhưng Diêp Quần thay chồng lãnh đạo văn phòng. Ai muốn gặp Lâm Bưu phải qua sự đồng ý của Diệp Quần, kể cả Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Phú Tiên, Lý Châu Bình. Một cá nhân có trách nhiệm trong công việc phải tự đọc tài liệu, viết những ý kiến góp ý, phê phán tài liệu, không thể giao việc đó cho thư ký, cũng không được lệ thuộc vào thư ký. Đừng để thư ký lạm quyền”.
Trong lời Mao, người ta đã thấy yêu cầu khẩn cấp. Trong hoạt động của Lâm Bưu, Mao nhìn thấy một cuộc đấu tranh không đơn giản giành quyền lực, ở đây rõ ràng nhìn thấy âm mưu loại bỏ ông khỏi chức vụ lãnh đạo, chia rẽ đảng thành hai. Mao đổ trách nhiệm cho Lâm Bưu, nhưng ông vẫn muốn thoả hiệp, tin “chữa bệnh cứu người” hơn dùng sức mạnh, để đoàn kết trong đảng. Mao kêu gọi “Hãy cứu Lâm Bưu, hãy quên chuyện ai sai ai đúng. Việc chúng ta cần làm, đoàn kết nội bộ. Hiện tại không có điều gì tốt lành. Sau khi trở về Bắc Kinh, tôi sẽ tìm gặp Lâm Bưu và những người cùng phe, đề nghị trao đổi, góp ý thẳng thắn. Nếu họ không tìm, tôi sẽ trực tiếp tìm họ. Chúng ta có thể lôi kéo một số người trong bọn họ, nhưng không phải tất cả…”.

*

Chúng tôi về đến nhà ga đặc biệt ở quận Phượng Đài, Bắc Kinh đêm ngày 12-9-1971, tính ra chúng tôi vắng mặt ở thủ đô gần một tháng. Trước khi quay về Trung Nam Hải, Mao gặp các nhà lãnh đạo chính quyền và quân khu Bắc Kinh, một lần nữa nhắc lại chương trình của mình trong mối quan hệ với Lâm Bưu. Về tới Trung Nam Hải khoảng 8 giờ tối, Mao chẳng cần vội vàng cuộc gặp gỡ, trao đổi cũng chẳng có trở ngại nào với sự quay về của ông.
Tôi ở lại trong tư dinh Mao nơi có bể bơi, giúp phân loại các thứ thư từ, bưu kiện sau chuyến đi. Hơn 10 giờ đêm, Uông Đông Hưng nhận được cú điện thoại từ Bắc Đới Hà.
Người gọi là Trương Hồng, phó tư lệnh Sư đoàn Cận vệ trung ương. Ông ta vừa mới nhận được tin từ Lâm Linh Hằng, còn gọi Lâm Đậu Đậu - con gái Lâm Bưu - rằng Diệp Quần và Lâm Lập Quả bắt cóc Lâm Bưu và buộc ông bỏ trốn.

Chương 75

Uông Đông Hưng ngay lập tức gọi điện khẩn cho Chu Ân Lai.
Thủ tướng vội vàng rời Quốc vụ viện, khoảng 11 giờ có mặt ở Trung Nam Hải. Mao chẳng hề biết tí gì, không ai báo cáo cho ông.
Tôi ở Trung Nam Hải đúng lúc khi Chu thận trọng báo cáo cho Chủ tịch tin tức thu nhận được.
Chu báo cáo Mao, con gái Lâm Bưu, Lâm Đậu Đậu, gọi điện thoại cho Trương Hùng ở Bắc Đới Hà, nói rằng, mẹ cô, Diệp Quần cùng anh trai, Lâm Lập Quả đã bắt cóc Lâm Bưu đưa lên xe limousine. Trong khi ấy, Diệp Quần gọi điện thoại trực tiếp cho Chu nói, Lâm Bưu cần gấp một máy bay, nhưng khi đó không có chiếc nào sẵn sàng. Chu biết có chiếc Triden thuộc không lực đang đậu tại sân bay Sơn Hải Quan, gần Bắc Đới Hà, địa đầu phía đông Vạn Lý Trường Thành, nhưng nghi ngờ việc yêu cầu của Diệp Quần che dấu sự đào tẩu của họ. Tình hình rất nghiêm trọng.
Khi Chu Ân Lai thông báo về cuộc chạy trốn của Lâm Bưu, mặt Mao biến sắc. Nhưng ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, im lặng lắng nghe, nét mặt trở lại bình thường. Dù Mao cảm thấy nguy hiểm, ông cũng không bao giờ biểu lộ điều đó.
Chu đề nghị Mao chuyển ngay đến toà Đại sảnh đường Nhân dân. Ý định Lâm Bưu vẫn chưa rõ ràng, nhưng các quân nhân phe cánh Lâm ở Bắc Kinh khá nhiều. Nếu họ có kế hoạch đảo chính, cuộc đụng độ võ trang không thể tránh khỏi. Khu Đại sảnh đường an toàn hơn, việc bảo vệ dễ hơn Trung Nam Hải.
Uông Đông Hưng chuẩn bị xe đưa Mao và Chu tới toà nhà Quốc vụ viện, ra lệnh một tiểu đoàn trong sư đoàn cận vệ bố trí xung quanh. Sư doàn 8341 được điều động chuẩn bị sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tất cả liên lạc bên ngoài bị cắt đứt.
Đi tháp tùng Mao có Trương Ngọc Phượng, y tá trưởng Ngô Tự Tuấn, vệ sĩ riêng Chu Phúc Minh, thư ký riêng Hứa Diệp Phụ, và cả tôi cũng có mặt ở phòng 118 sau nửa đêm. Uông Đông Hưng và Trương Diêu Tự bố trí sở chỉ huy ở phòng bên cạnh. Tôi chạy qua chạy lại giữa hai phòng chờ tin tức từ Bắc Đới Hà. Chu Ân Lai ở lại với Mao, lãnh tụ giết thời gian bằng cách đọc lịch sử Trung Quốc, cùng với đám phụ nữ trong buồng.
Khoảng 0 giờ 15 phút sáng ngày 13-9-1971, chưa đầy một giờ sau chúng tôi đến, phó tư lệnh Trương Hùng gọi điện. Trương Hùng và các trợ lý đuổi theo chiếc limousine cắm cờ đỏ vào phi trường Thượng Hải Quang. Họ đã bắn vào xe nhưng không kết quả. Chiếc limousine này thuộc xe chống đạn. Trên đường đi chiếc xe có dừng lại một lát, người ta đẩy Lý Vĩnh Phu, thư ký nguyên soái xuống đường, từ trong xe bắn xối xả ra. Người ta đã chở Lý Vĩnh Phu vào Bệnh viện 305 vì bị dính đạn vào tay phải, nhưng Uông Đông Hưng ra lệnh cách ly Lý, sau đó nhốt vào nhà giam bí mật.
Tốc độ xe limousine quá nhanh so với xe Jeep. Khi đội của Trương Hùng vào được sân bay Sơn Hải Quan, máy bay chở Lâm Bưu đã quay ra được đường băng chuẩn bị cất cánh.
Chu Ân Lai đề nghị dùng tên lửa bắn chiếc máy bay đó.
Mao không đồng ý:
- Mưa rơi từ trên trời xuống, vợ goá lại đi lấy chồng. Chúng ta sẽ làm gì ư? Lâm Bưu muốn chạy. Cứ để y chạy. Đừng bắn!
Chúng tôi đợi.
Quả thực không cần thiết phải bắn. Chúng tôi lập tức hiểu rằng chiếc máy bay cất cánh vội vàng như vậy không kịp nạp đủ số nhiên liệu. Xăng trong thùng nhiên liệu chừng dưới một tấn, những người chạy trốn không thể bay xa được. Còn thêm điều này nữa, khi cất cánh, đã va phải xe ô tô nạp dầu, phần càng hạ cánh bên phải bị gãy. Như thế họ sẽ khó khăn việc hạ cánh, thêm nữa trên máy bay không có lái phụ, hoa tiêu và điện đài.
Radar Trung Quốc theo dõi đường đi của máy bay qua từng địa phương, báo cáo trực tiếp với Uông Đông Hưng và Chu Ân Lai. Máy bay hành trình theo hướng Tây Bắc, trực chỉ Liên Xô. Sau này, văn bản chính thức xác nhận, ban đầu Lâm Bưu muốn bay về phương nam, về Quảng Châu, để lập ra một chính phủ riêng. Nhưng sáng sớm 13-9-1971 không thấy báo cáo có kế hoạch như vậy.
Gần 02.00 A.M có thông báo máy bay Lâm Bưu bay qua không phận Ngoại Mông và biến mất trên màn hình radar Trung Quốc. Chu Ân Lai báo cáo cho Mao.
- Thế đấy, chúng ta có thêm một kẻ phản bội - Mao nói - Lại Dương Quang Tạo và Vương Minh.
Chiều hôm sau Chu Ân Lai nhận được một tin quan trọng, do viên đại sứ Hứa Văn Ích, ở Ngoại Mông điện về. Một máy bay Trung Quốc bị tai nạn ở vùng Undur Khan, Ngoại Mông, gồm phụ nữ và 8 đàn ông trên khoang đã bị chết.
Ba ngày sau, 16-9-1971, Chu Ân Lai thông báo, theo nhận dạng mẫu hàm răng của một người chết, người ta xác định Lâm Bưu trong số đó.
- Chúng đã phải trả giá cho sự đào tẩu - Mao nhận xét, khi nghe tin này.
Uông Đông Hưng, khi biết Lâm Bưu chết, như kẻ mất hồn, nhắc đi nhắc lại:
- “Si de han, si de han”, Tốt, thế là họ đã chết. Nếu không, chỉ toàn những điều điên rồ rắc rối.
Chu Ân Lai cũng hài lòng.
- Kết thúc như thế mà hay! - Chu nói với tôi. Mọi vấn đề phức tạp đã giải quyết ổn thoả.
Mao trao cho Chu Ân Lai phụ trách điều tra chuyện đào tẩu. Với việc phát giác âm mưu của Lâm Bưu, người thủ tướng một thời từng gắn bó, tuy sau đó đã tìm cách tránh xa mối quan hệ. Không một ai muốn bị kết tội liên quan tham gia hoặc âm mưu lật đổ của Lâm Bưu.
Chu Ân Lai đã một thời thân thiết với Lâm Bưu, bây giờ được gia nhiệm vụ điều tra. Với một hệ thống rất cẩn mật, Chu thường xuyên báo cáo trực tiếp cho Lâm Bưu ngay cả khi quan hệ giữa Mao và Lâm xấu đi, kể cả Mao yêu cầu giữ bí mật. Tôi hiểu điều này qua kinh nghiệm bản thân. Năm 1970, Mao yêu cầu tôi tổ chức nghiên cứu phòng và chữa bệnh viêm phế quản, căn bệnh ông hay mắc. Muốn thực hiện được, tôi yêu cầu Chu giúp đỡ, nhưng Mao không muốn đến tai Lâm Bưu. Thực ra Mao không muốn Lâm Bưu biết tình hình sức khỏe của ông. Ông vẫn còn ấn tượng căn bệnh viêm phổi trước đây, thực chất chỉ là âm mưu của Lâm Bưu muốn hại ông. Vì thế ông ra lệnh cho tôi thông báo với Chu, nhưng không được bép xép về đề án nghiên cứu với Lâm Bưu.
Khi tôi truyền đạt Chu mệnh lệnh này, Chu ngần ngừ, rồi đồng ý. Chỉ một tuần sau, Diệp Quần, ra vẻ quan tâm đến trạng thái sức khoẻ của Chủ tịch, gọi tôi, nói chồng bà hết lòng ủng hộ chương trình với quy mô trong toàn quốc nghiên cứu bệnh viêm phế quản. Chu Ân Lai, người duy nhất tôi báo cáo, như vậy, đương nhiên ông đã bép xép.
Lập tức tôi đến gặp thủ tướng Chu, mặt đối mặt. Tôi đưa vấn đề trung tín với Mao để cự ông. Nếu Mao nghe được Diệp Quần biết về đề án, Mao sẽ buộc tôi tội tiết lộ thông tin với vợ chồng Lâm Bưu.
- Đúng, tôi nói điều này cho phó Chủ tịch Lâm Bưu - Chu nhún vai - Tất cả chúng ta làm việc ở trong một tổ chức dưới sự điều hành của phó Chủ tịch Lâm. Lâm Bưu, thủ trưởng trực tiếp của tôi. Theo anh, tại sao tôi không báo cáo cho ông ta?
Chiều 12 -9-1971, chúng tôi đang đợi ở Đại lễ đường, Chu gọi tôi tâm sự, bảo ông chưa bao giờ nói với Lâm Bưu về sức khoẻ của Mao. “Tôi rất thận trọng trước khi làm mọi việc”. Đây cũng là lời cảnh cáo khi ông bắt tay vào cuộc điều tra, có ý răn đe, không được nói cho Mao biết chuyện cũ. Nếu tôi báo cáo với Mao, ông sẽ phản ứng, phản pháo, phần thua sẽ thuộc về tôi.
Nhưng nếu Chu Ân Lai bép xép những chuyện nhỏ mọn như thế với Lâm Bưu, vậy những chuyện lớn, quan trọng, bí mật, liệu Chu có nói cho Lâm Bưu biết không? Uông Đông Hưng không muốn Mao biết chuyện này. Uông và Sư đoàn 8341 khám xét, lục soát khu nhà Lâm Bưu, phát hiện rất nhiều ảnh vợ chồng Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu chụp chung với Lâm Bưu và Diệp Quần. Những bức ảnh, nếu rơi vào tay kẻ thù của thủ tướng, không loại trừ ông sẽ bị kết tội quan hệ mật thiết với Lâm. Uông giao hết những bức ảnh và tài liệu có nguy hiểm cho vợ thủ tướng, bà cảm ơn ông suốt đời.
Chính Giang Thanh cũng không chỉ một lần chụp ảnh với Lâm Bưu và Diệp Quần. Khi Uông cho bà ta xem những bức ảnh này, Giang Thanh ra lệnh đốt hết. Không ai muốn thú nhận mối quan hệ thân thiết với người trở thành kẻ phản bội.

*

Dưới sự bảo vệ của Uông Đông Hưng, Mao trốn trong toà nhà Quốc vụ viện hơn một tuần lễ. Chu và Uông muốn chắc chắn nguy cơ cuộc đảo chính quân sự đã bị dập tắt và tất cả những người phe cánh thân cận của Lâm Bưu bị bắt. Âm mưu chống Mao, do Lâm Bưu chủ trương quá rõ, là có thật. Nhưng mục đích, quy mô chống đối vẫn chưa biết chắc chắn, cụ thể.
Chủ tịch nghi ngờ từ lâu, đã từng cảnh giác âm mưu của Lâm Bưu. Mao biết Lâm muốn Mao chết, sợ y có thể bằng đầu độc ông. Nhưng tôi không nghĩ Mao tin Lâm Bưu có thể ám sát để tiếm quyền lãnh đạo.
Vụ việc Lâm Bưu được ghi mã số “sự kiện 9.13” - ứng với ngày ông ta vào cõi chết. Một tháng trôi qua, trước khi cuộc điều tra được hoàn tất. Theo các tài liệu công bố chính thức, Lâm Bưu, Diệp Quần và con trai, Lâm Lập Quả, có kế hoạch đảo chính từ tháng Ba năm 1971, tên gọi của nó là “đề án 5-7-1”. Theo tiếng Trung Quốc “nổi dậy vũ trang” phát âm cũng giống: “5-7-1”. Mục đích của họ là bắt giam Mao, nhưng có thể giết, rồi cướp chính quyền.
Chuyến đi của Mao để gặp các nhân vật đứng đầu chính trị và quân sự khu vực ở miền nam Trung Quốc, một phần của chiến lược chính trị, nhằm củng cố địa vị của mình. Mao cần sự ủng hộ ở các tỉnh.
Theo báo cáo, cuộc hội đàm của Mao với các tư lệnh quân đội trở thành tín hiệu đối với Lâm Bưu rằng thời gian đã điểm, mọi kế hoạch phải giải quyết ngay, không thể chậm trễ. Cuộc hội đàm giữa Mao và các tư lệnh vùng phải giữ bí mật. Nhưng Lưu Phong chính uỷ quân khu Vũ Hán thông báo những điều này cho Lý Tác Bằng, chính uỷ hải quân, một trong những người ủng hộ hàng đầu của Lâm Bưu. Lý Tác Bằng thông báo tiêp tin này cho Hoàng Vĩnh Thắng, một chiến hữu thân cận của nguyên soái. Hoàng Vĩnh Thắng báo cáo Lâm Bưu và Diệp Quần về nội dung các cuộc hội đàm tháng 8 và chuyến Mao đi nghỉ mát Bắc Đới Hà. Họ lập tức lên kế hoạch ám sát Mao.
Những người tham gia âm mưu đưa ra vài phương án. Đơn vị Không quân số 5 có thể ném bom đoàn tầu của Chủ tịch. Tư lệnh không quân số 4, Văn Bình Hoà đảm nhận bắn Mao. Một phương án cũng được xem xét, cho nổ kho chứa dầu gần sân bay Hoàng Thảo ở Thượng Hải trong thời gian đoàn tàu đặc biệt của lãnh tụ dừng ở đó. Cuối cùng, cũng nghĩ đến việc cài mìn ở gầm cầu đường sắt ở Thổ Phán, gần Quý Châu, khi đoàn tầu vào cầu sẽ phát hoả.
Tôi không biết, chi tiết âm mưu lật đổ của Lâm Bưu chính xác đến mức nào. Chu Ân Lai, người đích thân báo cáo kết điều tra với Chủ tịch.
Tôi chỉ có thể kể cái gì tôi nghe khi ở cạnh Mao trong thời gian ở Đại lễ đường khi Chu đến báo cáo.
Tôi tin chắc rằng việc giết Mao không bao giờ lại đạt được một cách quá đơn giản như thế. Uông Đông Hưng và cơ quan mật vụ của ông rất cảnh giác theo dõi an ninh của Chủ tịch. Những kế hoạch của Uông luôn luôn giữ bí mật và thay đổi nhanh đến mức ngay cả các vệ sĩ không phải lúc nào cũng kịp trở tay. Ý định Lâm Bưu không có lấy chút cơ hội cỏn con nào. Khi Mao quay về thủ đô an toàn, Lâm Bưu hiểu rằng đã thất bại, buộc phải bỏ chạy. Lâm Bưu biết số phận của những người Mao sẽ loại bỏ một cách tàn bạo, không thương tiếc như thế nào. Tôi không biết rõ, nhưng Lâm Bưu rõ hơn ai hết về Lưu Thiếu Kỳ, chết trong tù vì tra tấn và bệnh tật không được chữa chạy. Số phận tương tự như thế đã giáng xuống nhiều nhà hoạt động cao cấp. Ngay lúc âm mưu của nguyên soái chống Mao không thành công, cái chết đã được định đoạt từ trước. Cuối cùng, thời Lâm Bưu chấm hết.
Lậm Đậu Đậu báo cáo Lâm Bưu bị bắt cóc không đúng sự thật. Đậu Đậu rất yêu thương, kính trọng bố, dưới con mắt của cô, Lâm Bưu là một người hoàn hảo, nhưng đối với mẹ, Diệp Quần, hai mẹ con không mấy thân thiết, với cô, Diệp không phải một người mẹ bình thường, bà chính là nạn nhân của bệnh tự huyễn hoặc. Lâm Đậu Đậu tin cha cô bị bắt cóc, không tin ông có âm mưu đảo chính, phải đào tẩu vì thất bại.
Vụ việc Lâm Bưu được thông báo đến nhân dân Trung Quốc cuối 1971 dã làm rúng động cả nước. Những người có chức vụ cao quá choáng váng, cả tôi cũng vậy. Tôi biết cuộc đấu đá giữa Mao và Lâm Bưu, người được coi như là kẻ kế nhiệm, người bạn chiến đấu thân thiết nhất của Chủ tịch, bắt đầu xảy ra từ hội nghị Lư Sơn 1970, khi Lâm Bưu tìm cách muốn giữ chức Chủ tịch nhà nước. Cuộc Cách mạng văn hoá đầy sai lầm và hận thù đã giết chết biết bao người dân vô tội, nhưng tôi cũng không ngờ, cái chết của Lâm Bưu lại kết thúc trong chuyến bay đào tẩu. Sau này, nhiều bạn bè hỏi tôi có cảm thấy sợ hãi trong chuyến công lý với Mao vào tháng Tám và tháng Chín 1970 không, khi Lâm Bưu có kế hoạch giết Mao. Họ ngạc nhiên vì sao tôi cũng lẩn trốn ở Đại lễ đường với Mao, đến khi biết tin Lâm Bưu tử nạn và phe cánh y bị bắt hết mới về chỗ cũ. Tôi có biết gì đâu mà sợ. Tôi chỉ biết cuộc đấu đá tranh giành quyền lực xảy ra quyết liệt, nhưng tôi không có ý đồ ám sát Mao.