Chương 7

Dịch giả: Nguyễn Học và Lâm Hoàng Mạnh
Chương 77

     ám tang Trần Nghị, tôi nhận thấy dấu hiệu đầu tiên trong phương án phục hồi những người bị thanh trừng của Mao.
Trần Nghị, cựu bộ trưởng bộ ngoại giao, qua đời ngày 6-1-1972 do ung thư ruột kết. Ông, con người năng động, cởi mở, không ngần ngại phê phán sự quá đà, sai lầm của Cách mạng văn hoá, chủ nghĩa cuồng tín của Hồng vệ binh, đường lối lãnh đạo sai lầm của Lâm Bưu. Trong đại hội đảng tháng Hai năm 1967, ông trong số những lãnh đạo cao cấp dám phát biểu trực tiếp phản đối mạnh mẽ những kẻ cực tả. Trong cuộc họp, phó thủ tướng Đàm Trần Lâm, Lý Phú Xuân đã chỉ trích Lâm Bưu, Giang Thanh và đồng bọn về cách giải quyết trong Các mạng văn hoá. Lúc đó, trong cuộc họp của Uỷ ban quân sự, nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Hứa Tương Thanh và Nhĩ Dung Trường cũng có những bài phát biểu phê phán, chỉ trích tương tự như tuyên bố của nguyên soái Trần Nghị. Ngày 17-2-1967 Đàm Trần Lâm viết bức thư gửi chính quyền trung ương, ông cảm thấy hối hận đã tham gia đấu tranh cách mạng, tham gia Hồng quân và kết hợp với các lực lượng vũ trang của Mao ở Tân Giang Sơn đầu những năm 1930
Bức thư của ông được trao cho Chủ tịch.
- Tôi không thể hình dung, tất cả cái gì lộn xộn trong trong đầu Đàm Trần Lâm ra sao - Mao viết bên lề thư - Điều này đối với tôi hoàn toàn bất ngờ.
Sau đó Mao mời một số người trong “Tiểu tổ Cách mạng văn hoá trung ương”, để giải quyết. Mao tán thành với Lâm Bưu, buộc tội Đàm Trần Lâm, Trần Nghị và những người cùng phe có âm mưu phục hồi nền quân chủ, kéo lùi Cách mạng văn hoá. Việc họ yêu cầu chấm dứt cuộc Cách mạng văn hoá dược coi như sự kiện “Chặn dòng tháng Hai”.
Sự chỉ trích phê phán của Mao với họ, những sai lầm của Lâm Bưu và Giang Thanh coi như đã xong, họ cần quyết định mở chiến dịch toàn quốc chống lại những người phê phán. Một làn sóng thanh trừng mới bắt đầu. Người ta đuổi Trần Nghị khỏi phòng làm việc. Tiếp theo sự thanh trừng nhằm vào các cán bộ cao cấp trong bộ chính trị và uỷ ban quân sự, đến nỗi cả hai cơ quan này tê liệt. Mọi quyết định của bộ chính trị rơi vào tay những phần tử lãnh đạo Tiểu tổ Cách mạng văn hoá. Trần Nghị chết trong tình trạng thất thế.
Đám tang ông được ấn định lúc ba giờ chiều ngày 10-1-1972, tại nghĩa trang Bắc Bảo Sơn, phía tây thành phố, nơi yên nghỉ của nhiều lãnh tụ cách mạng. Sự có mặt của Mao nằm ngoài dự kiến. Ông và người chiến hữu cũ chưa bao giờ sống trong “hoà bình”. Trong buổi lễ, Chu Ân Lai thay mặt Mao đứng ra chủ trì tang lễ. Người ta giao Diệp Kiếm Anh đọc điếu văn. Diệp đã gửi bản thảo cho Chủ tịch duyệt trước. Khi đọc câu mô tả cuộc đời và sự nghiệp Trần Nghị, “với những công lao to lớn cũng như những sai lầm”, Mao đã gạch bỏ chữ “sai lầm”, ông đã phục hồi danh dự Trần Nghị, người cựu chiến hữu của ông.
Trong ngày lễ tang Trần Nghị, khi tỉnh giấc lúc 13.00 chiều, đột nhiên Mao quyết định đến tham dự tang lễ. Ông thậm chí không kịp thay quần áo. Mặc bộ đồ lụa và đi giầy da, ông yêu cầu đi ngay cho kịp. Chúng tôi nói ngoài đường gió thổi mạnh, trời rất lạnh, Mao phẩy tay, tuy thế vẫn kịp khoác cho ông áo choàng ấm và mũ. Trên đoạn đường ngắn tới xe, Mao phải vật lộn với những cơn gió thổi. Uông Đông Hưng khẩn cấp báo tin Chu Ấn Lai, điện tới Bắc Bảo Sơn cho Dương Đức Trung, báo tin Mao Chủ tịch trên đường đến dự tang lễ, chuẩn bị lò sưởi trong phòng tang lễ.
Chúng tôi có mặt ở nơi tổ chức lễ tang sớm hơn số đông những người được mời. Quả phụ của người quá cố, Trương Thanh cùng con cái đã mặt. Mao đề nghị họ vào sảnh đường với ông. Khi Trương Thanh đi vào, Mao đứng dậy, người đi kèm đỡ ông tiến đến nắm lấy tay bà. Trương Thanh khóc nức nở, mắt Mao chớp chớp.
- Trần Nghị, người đồng chí tốt! - Mao an ủi bà.
Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh và Chu Đức tới. Tôi nghe thấy sau lưng vang lên tiếng ai đó “Chủ tịch khóc!”. Tất cả bạn bè thân hữu của Trần Nghị đều oà lên, phòng tràn ngập tiếng nức nở.
Nhưng Chủ tịch không khóc. Ông chỉ đơn giản chớp chớp mắt, như thể cố kìm để không trào nước mắt ra. Ông vẫn là một kịch sĩ tài ba.
Trong lễ tang có mặt thái tử Campuchia lưu vong Norodom Sihanouk. Khi nói chuyện với ông, Mao đã nói về ý định hợp tác với những người lãnh đạo lưu vong. Trong khi bắt tay Sihanouk, Mao nói về người đồng chí thân thiết đào tẩu sang Liên Xô, nhưng máy bay bị tai nạn ở Ngoại Mông. Mao nói:
- Người đồng chí chiến đấu thân cận nhất đó là Lâm Bưu, nhưng chính ông ta chống phá tôi, Trần Nghị mới là người ủng hộ.
Sau đó Mao đề cập tới sự kiện “Chặn dòng tháng Hai”, đó là nỗ lực của Trần Nghị và những người cựu trào trung thành với lãnh tụ ngăn chặn, chống lại Lâm Bưu, Trần Bá Đạt, Vương Lý, Quan Phương và Từ Bích Nhưỡng - những người cực đoan phá hoại Cách mạng văn hoá. Sự việc “ngăn chặn dòng” rất tích cực, đúng đắn.
Sau đám tang Trần Nghị bắt đầu làn sóng phục hồi cho những người oan ức. Một trong những người đầu tiên được phục hồi, Dương Thành Vũ, cựu tổng tham mưu trưởng. Người ta phục hồi ông cùng với Dư Lĩnh Diệm, cựu chính uỷ Không quân và Phó Trung Bích, cựu tư lệnh cận vệ Bắc Kinh. Lâm Bưu đã bắt họ ngày 24-3-1968.
- Lời buộc tội của Lâm Bưu chống họ là giả tạo - Mao nói, đồng thời viết đôi lời cho Dương Thành Vũ, yêu cầu Uông Đông Hưng chuyển thư. “Dương Thành Vũ, tôi hiểu đồng chí” - Mao viết. “Tất cả trường hợp xử lý các đồng chí Dương, Dư, và Phó là sai lầm”.
Họ đã được phục hồi danh dự và chức vụ.
Tiếp theo là La Thuỵ Khanh.
- Lâm Bưu đã tạo bằng chứng giả buộc tội La Thuỵ Khanh - Mao thú nhận - Tôi đã nghe Lâm Bưu, khai trừ La Thuỵ Khanh. Tôi thiếu cẩn thận, hấp tấp nghe lời xúc xiểm của ông ta. Vì thế hôm nay tôi buộc phải tự phê bình.
Mao chưa bao giờ thú nhận Cách mạng văn hoá sai lầm. Nhưng sự phản bội của Lâm Bưu, buộc ông thấy cần thiết thay đổi chiến lược.
Mao trao việc phục hồi cho những người lãnh đạo bị thanh trừ cho Chu Ân Lai giải quyết.