Phần 6

     UỔI SÁNG HÔM ẤY, NGỰA CHỨNG có mặt đầy đủ. Ý hẳn chúng đến trường để xem kết quả trận đòn. Ngựa chứng đã tưởng tôi đang nằm ở bệnh viện. Những trái đấm, những cú đá tàn bạo nưng thế giáng xuống, thốc lên, chắc chắn tôi phải liệt giường vài tháng. Ngựa chứng không thể hiểu tôi đã học nhu đạo, thái cực đạo, việt võ đạo và cả hồng mao nữa. Và tôi nổi tiếng là kẻ chịu đòn ở các sân tập. Thấy tôi vào lớp, mặt mày thâm quần, ngựa chứng ngạc nhiên đến rụng rời. Những người khác thì xót xa thương cảm. Nguyễn văn Lành dễ gì ngậm miệng. Nó đã rỉ tai hết cả bạn bè. Đó là phản ứng bình thường của con người nặng tình nặng nghĩa. Tôi sợ tai họa sẽ xảy ra cho ngựa chứng sau giờ học của tôi. Tôi muốn khóc. Những đôi mắt học trò lonh lanh một nỗi niềm. Họ không nói, mà họ đã nói rất nhiều.Họ gần gũi tôi, sẵn sàng đứng sau lưng tôi. Không một ai nỡ bỏ rơi tôi vì sợ hãi hay vì nghĩ rắng tôi bị đánh đập là tôi đáng bị đánh đập. Cuộc đời chẳng bao giờ giống lớp học. Ngoài cuộc đời, nếu ta bị hàm oan, bị bôi bẩn, người thân ta nhất sẽ lánh xa ta. Đôi khi còn phụ họa để miệt thị ta. Những đôi mắt dưới bàn học cũng chiếu rọi hằn học vào đám ngựa chứng. Tôi không muốn thế. Tôi nói:
- Thầy tin chắc rằng các anh vẫn nhớ lời thầy. Hãy làm việc và sống cao thượng. Thầy sẽ buồn vô cùng nếu các anh trái ý thầy. Vì, như vậy, chúng ta không còn gì để cho nhau, để dạy lẫn cho nhau. Các anh phải tin thầy. Rằng, chẳng có việc gì xẩy ra cả. Rằng, mọi việc sẽ được giải quyết bằng tình nghĩa thầy trò. Hôm nay, chúng ta học Nhất Linh, chúng ta làm quen với anh chàng lãng mạng cách mạng tên là Dũng và cô Loan, người yêu của chàng…
Trần thanh Tâm đứng dậy:
- Thưa Thầy…
Tôi hỏi:
- Anh chưa có cuốn Đoạn Tuyệt?
Nó chớp mắt:
- Con xin lỗi thầy.
- Anh chưa hề lầm lỗi.
- Con cần phải làm một chuyện gì….
- Anh chỉ nên ngồi ngoan ở chỗ của anh, chỗ của người học trò và nhìn thầy trên bục gỗ như anh đang nghĩ. Chuyện mà anh cần phải làm là hãy chăm chỉ học hành và tập sống cao thượng để dời lớp học bước xuống cuộc đời, dù trong nghịch cảnh nào đó, các anh vẫn còn giữ được đôi chút hiền lương. Đôi chút thôi. Là đủ tạo nổi một biên giới ngăn cản cái Thiện bước sang cái Ác….
Trần thanh Tâm định nói thêm, nhưng ông hiệu trưởng, ông tỉnh trưởng, ông phó nội anh và ông trưởng ty cảnh sát đã đến cửa lớp học. Ông hiệu trưởng bước vào lớp trước, ông nói:
- Ông tỉnh muốn tới thăm lớp học.
Tôi đã đoán được chuyện gì sắp xảy ra. Và tôi khó chịu nhìn ông hiệu trưởng. Lớp học yên lặng. Tôi bước ra cửa lớp mời “quan khách” vô. Học trò đứng lên chào “phái đoàn”. Nghi lễ thông thường qua nhanh. Tôi chú ý những khuôn mặt ngựa chứng. Chúng nó hốt hoảng. Ông tỉnh vào đề ngay:
- Đêm qua, giáo sư bị một bọn học sinh mất dạy hành hùng…
Tôi vội tiếp lời ông:
- Thưa đại tá, bọn hành hung tôi không phải là học sinh của tôi.
Ông ngó tôi và nói với học trò:
- Các em đã thấy rõ vết thương trên khuôn mặt khả kính của thầy các em. Các em muốn tôi dành hình phạt nào cho bọn phản thầy đó?
Ông tỉnh trưởng nhìn ông phó nội an:
- Tôi đã lưu ý ông.
Ông phó nội anh tái mặt, đứng im. Ông tỉnh hỏi:
- Em nào biết hay nghi ngờ đứa nào chủ mưu hành hung thầy các em?
Trần thanh Tâm giơ tay. Nó được phép đứng dậy. Tôi ngầm ngăn cản nó:
- Nếu anh không biết đích xác, không chứng kiến vụ người ta hành hung thầy thì đừng nghi ngờ cho bạn của anh. Thầy là người trong cuộc chứ không phải anh.
Trần thanh Tâm nói:
- Thưa đại tá, thầy con bị bọn say rượu đánh lầm.
Ông tỉnh nhíu mày:
- Tôi đành tin giáo sư và các em vậy. Nhưng, bất cứ lúc nào các em muốn loại trừ những thằng học sinh côn đồ khỏi nhà trường, các em cứ tới văn phòng tôi. Tôi sẽ bắt nhốt bọn vô giáo dục đó, dù chúng nó là con cháu tôi. Các em không lo bị trả thù. Rác rưởi cần phải được quét sạch khỏi học đường, quét khỏi tỉnh này. Du đãng, trộm cướp thì bỏ tù chứ học sinh đánh thầy giáo phải đóng chuồng nhốt chung chúng nó với thú vật.
Quay sang ông trưởng ty cảnh sát, ông tỉnh ra lệnh:
- Ông điều tra gấp vụ này.
Ông nói với tôi:
- Xin lỗi giáo sư chúng tôi đã làm rộn lớp học.
Tôi nói:
- Cám ơn đại tá đã dạy học trò của tôi một bài học thấm thía.
Ông tỉnh trưởng nhìn tôi chan chứa cảm tình:
- Giáo dục là công việc của mọi người, thưa giáo sư.
Ông bắt tay từ giã tôi. Tiễn “phái đoàn” ra khỏi cửa lớp, tôi đã ngỡ ngàng thấy hai nhân viên công lực đem sẵn còng máng ở dây lưng. Những chiếc còng sắt đó sẽ còng tay thằng Phong dính vào tay đồng bọn của nó. Ông tỉnh trưởng là người cương quyết, là người thi hành luật pháp, chắc hắn, ông sẽ dẫn bọn thằng Phong đến các trường học trong tỉnh, sẽ bắt chúng nó quỳ ở giữa các sân trường. Tưởng tượng hình phạt mà ông dành cho bọn thằng Phong, tôi bỗng rụng rời. Hình phạt không có tâm hồn. Những kết án cũng không có tâm hồn. Nên không thể hiểu sau mỗi hình phạt, kẻ chịu hình phạt sẽ ra sao. Tôi thì tôi biết rõ số phận của bọn thằng Phong sẽ khốn nạn kể từ lúc nhân viên công lực còng tay chúng nó lôi ra khỏi lớp học. Bấy giờ, không ai thương xót chúng nó nữa. Bấy giờ, có xót thương cũng đã muộn màng. Những kẻ sắp chết đuối không hy vọng tấm mảng trôi tình cờ trên dòng nước, dù là mảng mục rữa. Bọn thằng Phong sẽ trở thành bọn người nguy hiểm cùng cực cho xã hội nếu cổ tay chúng bị đeo còng ngay ở lớp học. Trường học không cưu mang chúng, thầy giáo không xót thương chúng, bạn bè không khoan dung với chúng thì cuộc đời dễ gì tha thứ chúng. Nếu bọn thằng Phong đã hiểu tương lai của chúng đang đùa rỡn với còng sắt.
Tôi trở vào lớp. Câu nói trước tiên là câu cám ơn Trần văn Thành. Cả lớp thắc mắc. Tôi giải thích:
- Ông đại tá ra lệnh cho nhân viên công lực mang còng tới. Chỉ cần anh Thành tố cáo bất cứ tên nào là nhân viên công lực còng tay lại lôi ra khỏi lớp. Trừ khi người ta ở ngoài đời thì còn có lý do biện bạch cho những lần bị còng tay. Có kẻ bị phỉ nhổ. Có kẻ được thương xót. Nhưng ở lớp học bị còng tay lôi ra là bị đẩy xuống vực thẳm.
Tôi nhìn ngựa chứng:
- Các anh có nghĩ thế không, anh Phong, anh Luyện, anh Thiện, anh Du?
Ngựa chứng đầu đàn lí nhí đáp:
- Thưa giáo sư, có ạ!
Tôi nói:
- Tôi chỉ là một nhà giáo có xuất xứ nghèo khổ và quen chịu đựng. tôi sẽ chịu đựng nỗi đau thể xác cho học trò của tôi khỏi bị đau đớn tinh thần. Tôi không bao giờ là thần tượng. Họ lầm. Thần tượng ở đấu tôi không biết chứ thần tượng ở xứ này được nặn lên rồi lại bị chính những kẻ nặn lên đạp vỡ một cách phũ phàng. Nhà giáo chỉ muốn học trò của mình nên người và không mong mỏi học trò đền ơn. Các anh không nên người là lỗi tại thầy các anh. Đó là vấn đề của lương tâm các anh một mai khi các anh có kẻ làm thầy giáo. Tôi vốn không thích học trò của tôi mang tiếng chỉ điểm viên. Khi chúng ta còn có thể duy trì được tình nghĩa và còn có hoàn cảnh sống cao thượng, chúng ta hãy duy trì và đừng sợ thua thiệt. Nhà trường không dạy tính toán thủ đoạn. Nhà trường không dạy nghề chỉ điểm, tố cáo, phản bội.
Ngựa chứng cúi gầm mặt. Quả thật, chúng nó đã cô đơn. Tôi cho học trò nghỉ học sớm. Khi tôi xuống văn phòng ông hiệu trưởng, định trách móc ông vài câu, tôi thấy ông phó nội an và ba người khách đã ngồi đó. Ông tùy phái già, bác Năm thân mến, đang bận bịu châm nước. Ông hiệu trưởng giới thiệu tôi với ba người khách. Tôi biết họ là phụ huynh của các cậu học trò Luyện, Du, Thiện. Câu chuyện bắt đầu. Ông phó nội an cám ơn tôi đã cứu thằng Phong. Những người khác nói mang ơn tôi suốt đời và họ thú nhận đã thiếu bổn phận đối với con em họ. Ông phó hứa sẽ răn dạy thằng Phong. Tôi cho họ biết đừng suy nghĩ gì cả. Thầy giáo không được phép hắt hủi, xua đuổi học trò. Tôi chỉ làm nhiệm vụ giáo dục. Họ vẫn sợ tôi thay đổi thái độ hoặc học trò của tôi ghét bỏ con em họ, sẽ tố cáo. Tôi cam kết không xảy ra chuyện tàn bạo đó, miễn là con em họ tiếp tục đến trường. Họ ngỏ ý chịu phí tổn đài thọ tôi để tôi nằm bệnh viện. Tôi từ chối. Họ ra về, mời mọc tôi đến nhà họ chơi. Tôi nhận lời. Sau đó, tôi về phòng nằm nghỉ.
Những vết đau, bây giờ, mới thấm thía. Ông già Năm đẩy cửa bước vào. Ông ái ngại hỏi tôi:
- Thầy cần gì tôi không?
Tôi đáp:
- Không, cám ơn bác.
- Tại sao thầy còn bênh vực bọn khốn nạn đó?
- Bác bảo tôi không giống ai mà.
Ông già Năm chép miệng:
- Thầy không giống ai, thiệt tình. Mà tôi nghĩ thầy nên đi dưỡng bệnh.
Tôi ngồi nhỏm dậy:
- Tôi còn khỏe.
Ông già Năm có vẻ hân hoan:
- Thấy lão phó mặt dài thườn thượt ngồi chờ thầy ở văn phòng ông hiệu trưởng để xin lỗi, tôi khoái quá!
Tôi nói:
- Tội nghiệp ông ta.
Ông già Năm đưa tay lên gãi gáy:
- Thầy Định à…..
Tôi cười:
- Chi đó, Bác Năm?
- Thầy đừng giận tôi nhé! Tôi nể nang hết sức nên mới làm phiền thầy.
- Chuyện gì đó?
- Cô Liên….
- Sao?
- Thầy đừng giận tôi nhé! Tôi thấy cô Liên khóc tôi mới động lòng nhận lời. Tôi biết thầy sẽ la tôi. Cô Liên nhờ tôi trao tận tay thầy một bức thư.
- Một bức thư.
- Dạ.
- Bác đem trả lại cô ấy đi. Bảo cô ấy muốn nói gì thì nói ở lớp học.
Ông già Năm chớp mắt, tay thọc vào túi áo bà ba:
- Tội nghiệp cổ, thầy Định…..
Tôi hất đầu:
- Vậy bác đưa đây. Đừng có nói cho ai biết, kể cả con gái bác.
Bác Năm trao bức thư cho tôi và bước vội ra ngoài. Tôi xé phong bì thư, lôi ra những tờ pelure màu xanh thơm ngát mùi nước hoa Rêve d’or. Bức thư tỏ tình viết từ nhiều ngày tháng. Mỗi tuần một đoạn. Liên nói yêu tôi và đã đau khổ vì tình yêu câm nín. Nàng chứng minh nỗi đau khổ bằng những giọt nước mắt rớt xuống thư làm nhòa những chữ viết bằng bút mực. Tôi đọc xong, gấp bức thư cất tận đáy va ly của tôi. Bây giờ tôi mới thực sự bối rối. Người ta có thể chế ngự được hận thù chứ không thể ngăn cản được tình yêu của một người cho một người. Tôi có thể chiến thắng ngựa chứng nhưng sẽ chiến bại cô học trò Phan kim Liên. Chỉ còn một cách giã từ tỉnh lỵ này. Rồi tôi cũng phải lấy vợ song không thể lấy cô học trò đang học mình ở nơi mình đang dạy học. Tôi chỉ là một người, có một trái tim biết rung động. Tôi không giả dối. phủ nhận tôi yêu Kim Liên. Tôi yêu nàng lắm chứ. Khốn nỗi, không gian và thời gian không cho phép tôi tỏ tình với Liên. Tôi có nhiều ràng buộc bà giáo điều tự mình đặt ra để bắt mình phải tuân theo.
Tôi có cảm tưởng tôi sắp thua cuộc.