Dịch giả : Trần Xuân Thủy
Chương 7
Tàu thư vận Khyber đến ga trung chuyển Lahore

     ashid, anh chàng soát vẻ ở toa giường nằm giúp tôi tìm đúng khoang của mình và sau một lúc chần chừ, anh ta nhờ tôi xem họ cái răng. Anh ta nói chiếc răng làm anh ta khốn khổ. Yêu cầu này chẳng phải vô lý. Tôi có nói với anh ta mình là nha sĩ. Tôi phát mệt với các câu hỏi kiểu người châu Á: Anh đến từ đâu thế? Anh làm nghề gì? Kết hôn chưa? Có con chưa? Những câu hỏi dai dẳng này khiên tôi muốn lảng tránh, giữ bí mật và là kẻ bốc phét ra đủ mọi thứ. Rashid dọn giường cho tôi sau đó há to miệng cho tôi xem cái răng nanh bị sâu.
"Anh nên đi nha sĩ ở Karachi," tôi nói. "Trong lúc này thì tạm nhai thức ăn ở hàm bên kia đi."
Hài lòng với lời khuyên của tôi (và tôi cũng đưa cho anh ta hai viên giảm đau), anh ta nói: "Ngài sẽ thấy thật thoải mái ở đây. Toa kiểu Đức, mười lăm năm rồi. Toa đằm lắm, ngài xem, nên không bị lắc đâu."
Tìm ra khoang của tôi cũng không lâu lắm. Chỉ vì có ba khoang có người – hai khoang còn lại thuộc về các sĩ quan quân đội – và tên tôi được dán trên cửa, in chữ lớn. Giờ tôi đã có thể nói được rằng bước lên tàu quả thực là một chuyến đi tuyệt vời. Cảm giác khi ở trên chuyến tàu thư vận Khyber hơi thất vọng một chút vì chặng này quá ngắn - chỉ mất mười hai giờ để đến Lahore. Ước gì chuyến đi dài hơn thế: tôi đã có mọi thứ mình cần. Khoang rộng, rất sáng và dễ chịu, có toa lét và bồn rửa trong căn phòng nối liền. Tôi có chiếc bàn gấp, chỗ ngồi bọc đệm, gương, gạt tàn, giá để chai rượu gin mạ crom, mọi thứ đều đủ. Tôi chỉ có một mình. Nhưng nếu muốn có bạn đồng hành, tôi có thể đi bộ đến toa ăn hoặc dạo bước ở hành lang với mấy anh sĩ quan. Chẳng trông mong gì ở những hành khách trên tàu. Trên máy bay, hành khách bị buộc phải ngồi vào ghế trong nhiều giờ, trên tàu thủy đòi hỏi tinh thần và tính xã hội cao; đi ô tô và xe buýt thì chẳng nói làm gì. Robert Louis Stevenson đã viết trong cuốn Ordered South rằng toa ngủ là nơi êm ái nhất cuộc hành trình.
Riêng tôi lại nghĩ điều êm ái nhất là sự hấp dẫn của việc du lịch bằng tàu hỏa. Tốc độ nhẹ nhàng và đoàn tàu chẳng làm ảnh hưởng mấy đến việc ngắm cảnh trong lúc di chuyển, và rằng trái tim chúng ta thấy ngập tràn cái thanh bình và tĩnh lặng của miền quê; trong khi cơ thể đang được đoàn tàu đưa lướt đi, những suy nghĩ chợt lóe lên khi tâm trạng đưa đẩy, ở mỗi nhà ga xa lạ…
Sự lãng mạn của toa nằm có được là nhờ không gian riêng tư kết hợp với một chiếc tủ chén khá đẹp – tất cả cùng êm ái lướt đi trong khi đoàn tàu di chuyển. Dù chuyện gì xảy ra trong căn phòng đang đi chuyển này, nó cũng lung linh hơn khi được tỏa sáng bởi không gian đang lướt qua bên ngoài cửa sổ: những rặng đồi trập trùng, những ngọn núi sừng sững, câu cầu sắt ầm ĩ hay hình ảnh thơ mộng của những người đang đứng dưới ánh đèn vàng. Khi đi du lịch, người ta như bị cuốn vào một loạt cảnh quan nối tiếp hiện ra trước mắt, những hình ảnh đáng nhớ trải dài theo đường cong của trái đất – chỉ khi đi bằng tàu hỏa, không gian này mới không bị gián đoạn bởi không khí trên không hay nước biển. Tàu hỏa là một phương tiện đi lại cho ta cảm giác đang đứng ở nhà ăn: ăn ở toa ăn, không có gì tuyệt hơn thế.
"Mấy giờ tàu thư vận Khyber tới Karachi?"
"Theo lịch là 7 giờ 15 tối. Nhưng chúng ta sẽ tới chậm hơn năm tiếng rưỡi."
"Tại sao?" tôi hỏi.
"Chúng ta luôn đến chậm năm tiếng rưỡi."
Tôi ngủ rất ngon trong chăn nệm của khách sạn Dean và lúc 6 giờ bị Sikh đánh thức, anh này đeo một tấm phù hiệu có dòng chữ Đường sắt Miền Tây Pakistan. Mắt phải của anh ta đục đục, do bệnh mắt hột.
"Ông muốn dùng bữa sáng không ạ?"
Tôi nói có.
"Tôi sẽ quay lại lúc 7 giờ."
Anh ta mang tới món trứng ốp la, trà và bánh mì nướng. Tôi nằm ườn trên giường thêm nửa tiếng nữa đọc cuốn truyện Ariadne tuyệt hay của Chekhov và dùng nốt trà. Sau đó tôi mở tung rèm, cả toa ngập ánh sáng. Trong ánh sáng chói lòa của mặt trời, chúng tôi đi qua đồng lúa và những đầm nước lặng lờ đầy hoa sen trắng cùng những con diệc đang đứng quanh đó. Xa xa, trên một tán cây nhỏ, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy một đôi vẹt xanh; lúc bay vút lên trông chúng càng xanh hơn. Khi đi du lịch châu Á và nhìn qua cửa sổ tàu, cảm giác như ta đang xem một chương trình du lịch không bị cắt xén hay có những đoạn nhạc nền khó chịu: tôi phải tự đoán những hoạt động của dân địa phương – mọi người đập những miếng phân bẹt như chiếc bánh phơi ở cạnh bên của những ngôi nhà làm bằng đất; mấy người đàn ông đang cày bừa với lũ bò thiến, chuẩn bị cho việc gieo hạt; ngay bên ngoài Lahore, ở Badami Bagh, một thị trấn có những ngôi nhà tranh, những căn nhà lợp ván, những mái lều, mái nhà tồi tàn lợp bìa, cành cây và vải vụn, ai cũng đang làm một việc gì đó: phân loại hoa quả, gấp quần áo, quạt lửa, đuổi chó đi, sửa mái nhà. Đây là công việc của những người nghèo vào buổi sáng, trông họ tất bật như vậy, có vẻ như rất hy vọng vào tương lai, tuy nhiên đó chỉ là ảo tưởng. Vị trí cư ngụ khiến họ càng khốn khó; đây thực sự là nghèo cùng cực, một khu ổ chuột bên đường ray xe lửa.
Một người khác cũng đang quan sát thị trấn ổ chuột này: một thanh niên Ấn Độ cao gầy, khoảng hai mươi tuổi, mái tóc dài, đang đứng bên cửa sổ hành lang. Anh ta hỏi tôi mấy giờ, giọng London của anh ta rất đặc trưng. Tôi hỏi anh ta định đến đâu.
"Ấn Độ. Tôi sinh ra ở Bombay, nhưng rời khỏi đó năm lên ba, bốn. Giờ tôi vẫn là một người Ấn Độ chính hiệu."
"Nhưng anh lớn lên ở Anh."
"Ừ, tôi có cả hộ chiếu công dân Anh nữa. Tôi chẳng muốn có đâu, nhưng người ta cứ làm. Nhưng nếu mang hộ chiếu Ấn Độ thì lại lắm rắc rối. Xem này, tôi muốn đi Đức cơ – Anh và Đức đều thuộc khối thị trường chung. Vậy nên rất tiện khi mang hộ chiếu Anh quốc."
"Tại sao anh không ở lại London?"
"Anh thích thì cứ ở lại London nếu muốn. Bọn họ đều là lũ phân biệt chủng tộc. Mọi chuyện bắt đầu khi tôi mới mười tuổi và những gì nghe thấy là – đồ da màu, da đen. Chẳng làm được gì cả. Ở trường, mọi chuyện thật kinh khủng, đã bao giờ anh nghe thấy chuyện quấy rồi người Pakistan? Dù tôi không phải là người Pakistan. Nhưng họ đâu có phân biệt được. Một lũ hèn. Khi tôi đi một mình thì không sao, chẳng ai lại gần hay nói gì, nhưng rất nhiều lần rồi, cứ đi một nhóm là sẽ có vấn đề. Tôi ghét bọn đó. Thật tuyệt khi đến đây."
"Nhưng đây là Pakistan."
"Cũng như nhau cả thôi. Đều chung màu da."
"Không thực sự thế đâu." Tôi bảo.
"Dù thế nào," anh ta nói, "tôi thấy thoải mái ở đây – thấy tự do."
"Không phải anh sẽ thấy mình vô danh sao?"
"Điều đầu tiên tôi sẽ làm ở Ấn Độ là đi cắt tóc, sau đó thì chẳng ai phân biệt được."
Có vẻ như đó là một số phận nghiệt ngã. Anh ta không nói được tiếng Ấn Độ, bố mẹ đều đã mất và anh ta không biết rõ đường đến Bombay, nơi anh ta có vài người họ hàng xa, mấy người này ít khi trả lời thư, trừ khi anh ta gửi kèm ít tiền. Anh ta là một trong những hệ quả bất thường của chế độ thuộc địa, thừa nhận rằng mình mang chất Anh nhiều hơn, nhưng với anh ta thật khó sống ở đất nước duy nhất mà anh ta hiểu rõ.
"Ở Anh, mọi người cứ nhìn tôi chằm chằm. Tôi ghét như vậy."
"Ở đây tôi cũng bị nhìn chằm chằm như vậy." tôi nói.
"Ông thấy thích chứ?" Tôi có thể thấy anh ta đang mỉa mai màu da của tôi, dù sao thì anh ta cũng coi như về được đến nhà mình.
"Tôi thấy cũng hay hay." Tôi nói.
"Sahib." Đó là Rashid cùng với va li của tôi. "Chúng ta đang đến nơi."
"Hắn gọi anh là Sahib," anh chàng Ấn Độ nói. Anh ta nhìn với vẻ kinh sợ. "Hắn sợ anh, đó là lý do tại sao hắn gọi như thế."
"Sahib," Rashid nói. Nhưng anh ta đang nói với anh chàng Ấn Độ. "Nào, đưa vé tôi kiểm tra."
Anh chàng Ấn Độ đó đi vé hạng hai. Rashid đuổi anh ta ra khỏi khu vực vé hạng nhất khi tàu vào ga.
Ở ga nối Lahore, tôi bước xuống (Rashid đang đứng bên cạnh xin lỗi vì tàu đến trễ), thành phố trông rất thân quen: nó khớp với ký ức của tôi. Hình ảnh về thành phố Ấn Độ trong tôi có được từ Kipling, chính tại Lahore này, tài năng văn chương của Kipling đã trưởng thành và chín muồi. Phóng đại về những đám đông hỗn tạp, phiên chợ nguy hiểm, màu da và tình trạng hỗn loạn, các truyện ngắn đầu tay của Kipling và tiểu thuyết Kim đã mô tả đúng Lahore như ngày hôm nay, một mặt của Lahore nằm bên ngoài khu buôn bán nơi có những chiếc xe thồ ba bánh, xe ngựa kéo, người bán hàng rông và những người phụ nữ đeo mạng che mặt đi lại chen lối, cuốn bạn đi theo họ. Chợ Anarkali và thành phố có tường thành bao bọc với pháo đài và các thánh đường, tất cả những hình ảnh này đều mang dáng dấp một vẻ đẹp kỳ lạ đúng như Kipling mô tả, mặc dù sau một trăm năm, nó khiến người ta thấy ghê sợ.
"Mấy cô gái hư đều ở đây cả." người lái xe tonga nói khi thả tôi xuống một khu vực tồi tàn của thành phố cũ kỹ; nhưng tôi chẳng thấy ai và cái gì giống một ngôi nhà Lahore cả. Vắng bóng những phụ nữ ở Pakistan, toàn những ông đi tuần tra, khiến tôi thấy là lạ. Tôi thấy mình và vài người đàn ông xung quanh đang chằm chằm nhìn vào một bức tranh màu sắc lòe loẹt vẽ các ngôi sao điện ảnh, tôi bắt đầu nghĩ rằng sự hà khắc của đạo Hồi có thể nhanh chóng biến tôi thành một đối tượng để mổ xẻ, lạnh cứng người trước những mắt cá chân nhỏ nhắn, tìm kiếm một cái nháy mắt sau lớp mạng che mặt hay theo dõi phản ứng trên vai của một trong những phụ nữ đang che mình dưới lớp khăn. Sự khổ hạnh của đạo Hồi có thể biến tâm hồn bình thường nhất trở thành một kẻ tôn thờ bàn chân, như thể muốn chống lại những tấm áp phích phim đả kích khiêu dâm: những cô nàng phốp pháp đi bốt đang vật vã chống lại những gã đàn ông tóc rậm đểu cáng; những phụ nữ bị hành hạ giữ chặt ngực mình; người Anh-Ấn (bị coi là "phóng đãng"), lắc hông ngâm nga hát trước micro. Những người đàn ông ở Lahore đi qua trong khi mắt ngước nhìn và tưởng tượng về những hình ảnh trên áp phích.
"Họ mời anh ăn đấy." một người Mỹ nói với tôi. Lúc đó chúng tôi đang đứng trước một pháo đài hoành tráng, đều thấy ngưỡng mộ cổng vòm nhỏ bằng đá cẩm thạch được gọi là Naulakha (Kipling đã đặt tên ngôi nhà của mình ở Bratteboro, Vermont theo tên cổng vòm này, vì chi phí xây dựng rất đắt: "naulakha" nghĩa là chín trăm nghìn). Anh ta nói: "Khi anh ăn xong, bọn họ sẽ lùng gái cho anh. Họ luôn quan tâm đến khoản gái gú của anh. Hàng họ sẽ lộ diện ngay. ‘Lạy thánh Mohammed, sao anh không có túi ở trong khố nhỉ?’ ‘Chúng tôi không có cái túi nào, thưa cô’ – đại khái tào lao như thế. Một gã đã làm tôi phát bực khi kéo tôi sang một bên và nói: ‘Năm phút! Năm phút thôi! Cho tôi năm phút với cô ấy là đủ!’ Nhưng liệu hắn có cho tôi ở bên cô nàng của hắn trong năm phút không? Nếu có thì đúng là hài hước."
Điểm đặc biệt của Lahore là kiến trúc, nó phô bày sự hoành tráng của đế chế Moghul và thuộc địa. Quanh đây chủ yếu là những đám đông và các phương tiện đi lại, sự thờ ở của người dân đối với việc giữ gìn cảnh quan càng chứng tỏ rõ hơn về vẻ đẹp nơi đây, mùi mỡ rán và mùi phân bò khiến cho mùi dầu thơm và mùi nhang càng nổi bật. Để đến được khu thượng uyển Shalimat, tôi phải đi qua hàng dặm những con phô đông nghịt người đang xô đẩy nhau, trông ai cũng như kẻ đang khát mồi. Tôi lách người đi qua khu phố bán dâm ở Begampura; khi vào bên trong vườn, không khí thật thanh bình, mặc dù lớp đá cẩm thạch bị gỡ ra hết và những bể nước chỉ còn màu nâu đen, khu vườn vẫn giữ được trật tự và hình dáng của nó – cảm giác về một chốn ẩn náu tuyệt vời – không khác mấy so với tưởng tượng của vua Shah Jahan khi ông phác thảo khu vườn này năm 1637. Những điều thú vị ở Lahore giờ đều xưa cũ cả, người ta có thể thấy rằng dù người Pakistan rất cố gắng nhưng vẫn chưa thể biến thành phố xinh đẹp này thành đống đổ nát.
Lễ Ramadhan vẫn tiếp tục, các nhà hàng đều đóng cửa hoặc chỉ có những món ăn ngay như trứng và trà. Vì thế tôi bị buộc phải ăn kiêng theo họ, với hi vọng rằng ăn kiêng không làm tôi phát điên như mấy người Afghanistan và Pakistan. Thay vì khiến buồn ngủ, cơn đói làm người ta dễ bị kích động và mắt mũi lờ đờ, có vài kẻ bước nhanh ra từ trong ngõ và nắm lấy cánh tay tôi.
"Thuốc phiện – LSD."
"LSD?" tôi hỏi, "Anh bán LSD?"
"Ừ, tại sao lại không? Đến chỗ tôi đi, có đồ mỹ nghệ đồng bạc."
"Tôi không muốn mua đồ mỹ nghệ."
"Anh không muốn thuốc phiện? Hai mươi đô một cân."
Nghe thật hấp dẫn, nhưng tôi thích nước xoài đóng chai hơn, loại ngọt và đậm đặc cùng bánh rán phồng samosa. Bánh samosa thường được bọc trong giấy vở học sinh. Tôi ngồi xuống, uống nước hoa quả, ăn bánh samosa và đọc những dòng chữ trên giấy bọc bánh: "…lực cắt tại bất kỳ [vết mỡ] trên dầm được đại diện bởi khoảng cách giữa đoạn thẳng đó với đường CD."
Có bốn mươi bảy chiếc bàn trong phòng ăn của khách sạn Faletti. Chẳng khó để đếm số bàn ở đây vì tôi là vị khách duy nhất trong hai bữa tối ở đây. Có năm người phục vụ đứng cách tôi những khoảng khác nhau và khi tôi hắng giọng, hai người vội bước tới. Không muốn làm họ chưng hửng, tôi hỏi bọn họ về Lahore và qua mấy câu trò chuyện, tôi biết được rằng Câu lạc bộ Punjab cách đây không xa lắm. Tôi nghĩ sẽ thật hay nếu chơi bi-a sau bữa tối, vì thế vào buổi tối thứ hai, tôi được một anh bồi bàn chỉ đường đi thẳng đến câu lạc bộ.
Tôi bị lạc đường ngay ở khu phố gần khách sạn, ở đó chẳng có đèn đường. Bước chân của tôi đánh động lũ chó giữ nhà lồng lên, trong lúc tôi bước đi, chó liên tục sủa sau hàng rào. Tôi vẫn chưa vượt qua được nỗi sợ chó lạ từ hồi còn nhỏ, dù rằng xung quanh đây có mùi cây thơm mát và tiết trời đêm dịu nhẹ.
Tôi không biết mình đã đi đâu. Mười phút sau có một chiếc ô tô đi tới, tôi vẫy xe.
"Anh từ đâu tới?"
"Khách sạn Faletti."
"Ý tôi là từ nước nào đến?"
"Mỹ."
"Anh được chào đón nhiệt liệt ở đây." Người lái xe nói. "Tên tôi là Anwar. Tôi cho anh đi nhờ được chứ?"
"Tôi đang tìm đường đến Câu lạc bộ Punjab."
"Mời vào." Anh ta nói, khi tôi lên xe, rồi nói tiếp: "Anh khỏe chứ?" Đây rõ là cách Ivan Turkin chào mọi người trong truyện "Ionych" của Chekhov.
Anwar lái xe khoảng một cây số rưỡi nữa và nói rằng tôi thật may khi gặp anh ta – có rất nhiều trộm vào ban đêm, anh ta nói - ở Câu lạc bộ Punjab, anh ta đưa tôi card rồi mời tôi tới dự đám cưới con gái anh ta, sẽ tổ chức sau một tuần nữa. Tôi nói rằng lúc đó chắc tôi đã ở Ấn Độ.
"Ừm, Ấn Độ lại là một chuyện khác." Anh ta nói và lái xe đi.
Câu lạc bộ Punjab là một nhà chòi gỗ độc lập nằm sau hàng rào cao, có chiếu đèn trông rất ấm áp, nhưng vắng hoe khách. Tôi đã nghĩ rằng đây là một quán bar đông đúc với nhiều người đang say xỉn và chơi bi-a liên tục, có một đôi ở trong góc đang làm trò người lớn, bồi bàn ở bên mấy khay đồ uống, bọn trẻ chọn chạy đi chạy lại. Còn chỗ này trong như một kiểu phòng khám; thực ra chẳng có liên quan gì, nhưng ở đây có chút không khí – thậm chí có mấy quyển tạp chí – của một phòng khám răng. Tôi đã thấy thứ mình muốn ở một vài cánh cửa dọc hành lang: những chữ cái màu đỏ trên cửa sổ viết: Đợi tới lượt đánh, còn trong bóng tối, có hai chiếc bàn, bi được xếp ngay ngắn sẵn sàng đợi người chơi đặt gậy.
"Vâng?" Đó là một người Pakistan lớn tuổi, ông ta có dáng vẻ ngơ ngác của một người bị gián đoạn khi đang đọc sách. Cổ ông ta đeo một chiếc nơ đen, túi áo ngực võng xuống vì cài nhiều bút. "Tôi có thể làm gì giúp ngài ạ?"
"Tôi vô tình đi ngang qua thôi," tôi nói. "tôi nghĩ là có thể tạt vào đây. Ở đây có liên hệ ưu đãi với câu lạc bộ nào ở London không?"
"Theo tôi biết thì không."
"Có lẽ ông quản lý biết."
"Tôi là người quản lý ở đây," ông nói, "chúng tôi từng thu xếp liên hệ làm ăn với một câu lạc bộ ở London – nhiều năm trước cơ."
"Câu lạc bộ nào vậy?"
"Xin lỗi, tôi quên rồi, nhưng tôi biết câu lạc bộ đó đóng cửa rồi. Mà ông muốn gì nhỉ?"
"Một ván bi-a."
"Ông sẽ chơi với ai?" ông ta cười, "Ở đây chẳng có ai cả."
Ông ta chỉ xung quanh cho tôi thấy, căn phòng trông trải làm tôi phát nản. Nơi này đã bị bỏ hoang, giống như phòng ăn của khách sạn Faletti với bốn mươi bảy bàn trống, giống như khu vực chỉ toàn chó gác cổng. Tôi nói mình phải đi và khi ra đến cửa, ông ta nói: "Ông có thể tìm thấy taxi ở đằng kia kìa, ở con đường kế bên, nhưng chỉ có một xe thôi. Chúc ngủ ngon."
Rõ là tuyệt vọng. Tôi bước đi khoảng gần 100 mét và chẳng thấy con đường nào, dù rằng tôi đã đi đúng hướng ông ta chỉ. Tôi có thể nghe rõ tiếng một con chó đang gầm gừ sau hàng rào. Rồi tôi nghe thấy tiếng một chiếc ô tô. Chiếc xe di chuyển chầm chậm về phía tôi và phanh kít lại. Người lái xe ra ngoài mở cửa sau cho tôi. Anh ta nói ông quản lý bảo anh ta tới đưa tôi về khách sạn. Ông ta lo tôi bị lạc.
Ngay khi về đến khách sạn, tôi ra ngoài để tìm uống một chút gì đó. Lúc đó vẫn còn sớm, khoảng 10 giờ, nhưng khi tôi đi chưa đấy năm mươi mét thì có một người đàn ông mặc bộ pyjama sọc từ sau một cái cây bước ra. Mắt hắn lòi ra và sáng rực, nổi bật trên gương mặt hốc hác và bụi bặm.
"Anh đang làm gì thế?"
"Cái gì đó để uống."
"Tôi sẽ kiếm cho anh một cô gái thật đẹp. Hai trăm rupi. Thịt sướng lắm." Hắn nói không chút cảm xúc, như một con diều hâu săn mồi.
"Không, cảm ơn."
"Trẻ lắm. Đi với tôi đi. Thịt sướng lắm."
"Chúc anh vui vẻ," tôi nói, "tôi đang tìm đồ uống."
Hắn cứ bám theo tôi lầm bầm mời chào, khi đi đến chỗ ngã tư công viên, hắn nói: "Đi với tôi – vào đây đi."
"Trong này ư?"
"Ừ, cô em đó đang đợi."
"Trong đám cây này à?" Trời tối om, không một ánh đèn, chỉ có tiếng dế kêu.
"Đây là công viên."
"Ý anh là tôi sẽ làm việc đó, ngay dưới cây à?"
"Công viên này hay mà."
Đi xa thêm một lúc nữa, tôi lại bị bám theo, lần này là một gã thanh niên đang hút thuốc, có vẻ sốt ruột. Hắn nhìn vào mắt tôi: "Ông muốn gì không?"
"Không."
"Một cô em?"
"Không."
"Một chú em."
"Không, đi đi."
Hắn ta chần chừ, nhưng vẫn bám theo tôi. Cuối cùng hắn nói nhỏ nhẹ: "Xài tôi đi."
Đi tiếp thêm hai mươi phút nữa, tôi chẳng thấy bóng dáng quán bar nào. Tôi quay lại và tránh xa hắn ra, rồi đi thẳng về khách sạn. Dưới một tán cây, có ba người đàn ông đang ngồi lom khom chơi bài trên một cây đèn. Một người thấy tôi đi qua liền gọi to: "Xin ngài đợi chút đã." Anh ta úp bài xuống và chạy tới chỗ tôi.
"Không." Tôi nói trước khi anh ta kịp mở miệng.
"Cô ấy xinh lắm." anh ta nói.
Tôi tiếp tục bước đi.
"Được rồi, chỉ hai trăm năm mươi rupi thôi."
"Tôi biết chỗ chỉ có hai trăm thôi."
"Nhưng ở đây là ở trong phòng của ngài! Tôi sẽ mang cô nàng đến. Cô ta sẽ ở lại đến sáng."
"Quá tốn tiền. Xin lỗi."
"Thưa ngài! Còn các dịch vụ khác nữa. Mười rupi trả cho người phục vụ, mười rupi trả cho người gác, mười rupi trả cho người đầu mối, tiền lót tay cho chỗ nọ chỗ kia. Nếu không, bọn chúng sẽ gây rắc rối. Hãy nhận cô ấy đi! Xinh lắm. Các cô em của tôi có đầy kinh nghiệm."
"Gầy hay béo?"
"Tùy ngài muốn. Tôi có một cô, không gầy không béo, như thế này này." Anh ta đưa ngón tay vẽ đường cong của cô nàng trong không khí, một phụ nữ đầy đặn. "Khoảng hai hai, hai ba tuổi. Nói tiếng Anh tốt. Ngài sẽ thích cô ấy lắm. Cô ấy là một y tá có tay nghề."
Anh ta vẫn nói với theo khi tôi đang bước gần về phía hiên khách sạn. Hóa ra quán bar duy nhất ở Lahore chính là phong Polo trong khách sạn của tôi. Tôi uống một cốc bia đắt tiền và nói chuyện với một thanh niên người Anh. Anh ta đã ở Lahore hai tháng nay. Tôi hỏi anh ta thường làm gì để tiêu khiển. Anh ta nói rằng chẳng có gì nhiều để làm, nhưng anh ta đang định đi đến Peshawar. Tôi nói Peshawar còn tĩnh lặng hơn Lahore. Anh ta bảo rất tiếc khi nghe thấy điều đó vì với anh ta Lahore đã không thể chấp nhận được. Anh ta thấy chán nản, nhưng vẫn có hy vọng. "Tôi có thể vào một câu lạc bộ." anh ta nói. Anh ta dong dỏng cao, trông giản dị, thường hỉ mũi sau mỗi câu nói của mình. "Nếu bọn họ cho tôi vào, tôi nghĩ mình sẽ ổn. Tôi có thể đến đó mỗi tối – một nơi rất sống động."
"Anh đang nói về câu lạc bộ nào thế?"
"Câu lạc bộ Punjab." Anh ta đáp.