Chương XII
BA LẦN RA BẮC

CHẾ ĐỘ GIA ĐÌNH PHƯƠNG ĐÔNG
 
Dân tộc mình theo chế độ gia tộc của Trung Hoa mà chế độ này có từ đời Văn vương nhà Chu, thế kỉ XII trước Tây lịch, tới nay đã trên ba ngàn năm.
 
Theo lệ nhà Thương, khi vua chết thì truyền ngôi cho em, không có em mới truyền cho con; người em lên ngôi, khi chết lại truyền cho con của vua - anh trước, do đó mà gây nhiều vụ chú cháu tranh giành ngôi báu. Văn vương bỏ lệ đó, truyền ngôi cho con là Võ vương mặc dầu ông có mấy người em, từ đó về sau, chỉ đích tử mới được nối nghiệp cha, làm chủ cả thiên hạ. Chế độ đó người Trung Hoa gọi là “tôn pháp”, chẳng những được áp dụng trong hoàng tộc, mà cả trong gia đình các khanh, đại phu, sĩ, thứ nhân nữa, khiến cho gia tộc Trung Hoa có nhiều nét đặc biệt.
 
Vua (thiên tử hay chư hầu) lựa một người con mà truyền ngôi cho – theo nguyên tắc là con trưởng, tức đích tử - chỉ người con đó được làm thiên tử hay vương, còn những người khác thì lãnh tước nhỏ hơn, hoặc làm chư hầu, hoặc làm khanh, đại phu. (Nếu đích tử chết sớm mà có con trai, thì người con trai lớn, gọi là đích tôn, được kế nghiệp).
 
Người con (hay cháu) kế vị gọi là tự vương hay tự quân (tự là nối), làm chủ tể trong tôn miếu, các người con khác chỉ làm bồi tế.
 
Các gia đình đại phu cũng vậy: người con kế nghiệp làm chủ tế gọi là “đại tôn”, các người khác làm bồi tế gọi là “tiểu tôn”. Có những thể chế qui định từng chi tiết trong các cuộc tế: đại tôn, tiểu tôn đứng chỗ nào, làm những việc gì… không được việt vị.
 
Trong gia đình thường dân, luôn luôn người con trưởng được hưởng gia tài, giữ việc hương khói. Địa vị người con đó quan trọng nhất nhưng trách nhiệm cũng lớn nhất: lo cho mọi người đủ ăn đủ mặc, dạy dỗ người dưới, chịu sự chê trách của gia tộc và xã hội nếu trong gia đình có kẻ nghèo đói hoặc hư hỏng, bị tội, làm nhục tổ tiên.
 
Ngược lại, người đó và cả vợ nữa được người trên nể, người dưới nghe lời. Khi em còn nhỏ, ở chung nhà thì anh có quyền thay cha đã mất - quyền huynh thế phụ -; em lớn rồi ra ở riêng, may mà giàu có, sang trọng hơn anh thì về nhà vẫn phải lễ phép với anh chị và có bổn phận phải giúp đỡ anh chị mà không được khoe giàu sang trước mặt anh chị.
 
Con gái không được quyền kế thừa, ra ở riêng rồi thì không còn địa vị gì trong nhà nữa - nữ nhân ngoại tộc - thành người gia đình bên chồng, của một họ khác[1].
 
Tổ chức gia đình đó thích hợp với chế độ nông nghiệp, để cho đất đai của gia đình bớt bị phân tán, vào tay người ngoài, và để cho sự khai thác chung được dễ dàng, sự tiêu xài đỡ tốn kém. Nó lại tạo nên tinh thần gia tộc: giúp đỡ lẫn nhau, giữ danh dự chung cho nhau.
 
Tới ngày giỗ cha mẹ, ông bà, em nào ở gần thì phải về nhà người anh trưởng làm giỗ. Nếu là ngày giỗ tổ họ thì mỗi chi phải đem đồ lễ (thường là một mâm xôi, một con gà luộc) lại người tộc trưởng để cúng. Nếu là ngày giỗ tổ chi thì cũng vậy, mỗi gia đình trong chi đem đồ lễ tới nhà chi trưởng để cúng. Người nào trong họ đỗ đạt, có danh tiếng hay làm ăn thịnh vượng, thường tự cho là một vinh dự được cúng vào nhà thờ họ một bức hoành phi, một đôi câu đối sơn son thiếp vàng; có khi xây lại nhà thờ cho họ nữa, hoặc cúng họ một hai mẫu, dăm ba sào ruộng làm “nghĩa điền” hay “học điền”. Ruộng đó do người trưởng tộc quản lí, thu hoạch được bao nhiêu thì giữ một phần nhỏ để bù công khai thác, còn bao nhiêu cho vào một quĩ riêng để giúp đỡ những gia đình nghèo trong họ (nghĩa điền), hoặc trợ cấp cho những thanh niên tuấn tú trong họ để có phương tiện học đến nơi đến chốn (học điền).
 
Muốn cho chế độ được vững, đời Chu tạo ra chữ hiếu và đề cao hiếu đễ: con phải hiếu với cha mẹ, kẻ nhỏ phải tôn trọng, vâng lời người trên. Ai cũng nhận rằng dân tộc Trung Hoa là dân tộc trọng chữ hiếu nhất. Vì trọng chữ hiếu, nên họ cũng rất chú trọng đến tang lễ, tế tự. Người Pháp xưa cũng có quyền trưởng tử (droit d'ainesse) nhưng người con trưởng Pháp có quyền hưởng gia tài chứ không chắc có những bổn phận như người con trưởng Trung Hoa.
 
Trong một gia đình, người con trưởng có tư cách và khả năng thì các em được nhờ; nếu con trưởng kém nhưng các em khá thì cũng đỡ.
 
BỔN PHẬN CON TRƯỞNG
 
Chế độ gia đình, chế độ tôn pháp đó nay đã lỗi thời, nhưng bốn chục năm trước, nhiều nhà còn giữ, trong đó có gia đình tôi[2].
 
Tôi là con trưởng, nên từ hồi 15, 16 tuổi ta, gặp những ngày giỗ ngày tết, tôi cũng ăn mặc chĩnh tề, lên gối xuống gối, làm lễ trước bàn thờ. Và khi đã học chữ Hán hết một vụ hè với bác Hai tôi thì người thảo cho tôi vài bài văn bằng chữ Hán để tôi khấn trong mỗi trường hợp hoặc giỗ hoặc tết. Bác tôi còn giữ cổ tục quá, lớn lên tôi bỏ lệ đó, khấn bằng tiếng Việt, vì nghĩ bà ngoại tôi, mẹ tôi đâu có biết chữ Hán, mà thưa với người bằng chữ Hán.
 
Dĩ nhiên, tôi tự cho tôi có bổn phận với các em tôi, mà các em tôi cũng tự cho có quyền buộc tôi phải bao bọc.
 
Vợ tôi tuy cha mẹ còn cả mà lại là phận gái, nhưng vì là chị cả, nên cũng có bổn phận trông nom các em, dù đã ra ở riêng rồi. Do đó, gánh của chúng tôi khá nặng; tiền lương của tôi ít, mà vợ tôi lại không buôn bán, làm ăn gì, phải khéo thu vén lắm mới đủ tiêu.
 
Tôi làm việc ở Sài Gòn được một hai năm thì xin cho em trai tôi, Nguyễn Hữu Hùng làm họa viên dưới quyền tôi, thế là đỡ được một phần cho mẹ tôi. Cũng vào khoảng đó, hai người em vợ tôi lên Sài Gòn học, ở nhà chúng tôi, tôi phải giảng bài thêm cho một người để thi vô trường Trung học Gia Long. Nhà hẹp, bấy nhiêu người đã thấy chật rồi; sau khi mẹ tôi qui tiên, hai em gái tôi vào ở với chúng tôi, nhà còn chật nữa, tiêu pha tốn hơn nữa.
 
RA BẮC LẦN THỨ NHẤT – MẸ TÔI MẤT
 
Sau khi Hùng, em trai tôi vào làm việc ở Sài Gòn, mẹ tôi mướn một căn phố nhỏ ở Vĩnh Yên đưa hai em gái tôi lên ở trên đó để tập cho chúng buôn bán mà người đỡ phải đi đi về về trên đường Hà Nội, Vĩnh Yên, vì người đã già rồi.
 
Năm 1939 người vào thăm vợ chồng tôi và cháu thì năm sau (tháng hai âm lịch năm Canh Thân) người đau nặng, ngất đi, em tôi đánh điện vào gọi tôi ra. Được tin tôi cho em trai tôi (Hùng) mang một số tiền ra ngay; mặt khác tôi đánh điện cho bà nhạc tôi lúc đó ở Hà Nội, nhờ lên thăm mẹ tôi và có chuyện gì gấp thì trông nom giùm. Tôi phải thu xếp việc nhà, việc sở, sẽ ra sau vài ngày.
 
Lúc đó đương có chiến tranh ở châu Âu, các công sở hạn chế cho nghỉ phép, tôi chỉ được nghỉ nửa tháng. Vợ chồng tôi cùng ra, cháu mới đủ hai tuổi, chúng tôi để ở Sài Gòn giao cho anh Nguyễn Xuân Thiếp, con bác tôi, và chị giúp việc nhà.
 
Tới Vĩnh Yên thì mẹ tôi vẫn còn tỉnh, nhưng rất yếu, nằm suốt ngày, chỉ ăn cháo và đi sông mỗi ngày mấy lần, phân rất xấu mà ít. Tôi cho là đau ruột, có người bảo là lao ruột. Trong khi đau có hai em gái tôi và hai người cháu, một ở Phương Khê và một ở hàng Đường (Hà Nội tên là Ba Cương), thay phiên săn sóc. Mẹ tôi không chịu uống thuốc Tây mà uống thuốc Bắc của một ông lang Hà Nội. Ông này trị không bớt. Khi tôi ra thì chân người đã phù.
 
Thấy cả vợ chồng tôi cùng ra, vậy là đủ mặt bốn con và một nàng dâu, người vui lắm, chỉ hận rằng vắng cháu nội. Mẹ tôi kể cho chúng tôi nghe rằng bà nhạc tôi được điện tín của tôi, ngay chiều tối, mướn một chiếc xe hơi và cùng với một ông anh ruột, ông Loan, lên thăm mẹ tôi, thấy bệnh có thế trị được, chưa nguy, nên dặn dò hai em tôi ít lời rồi quay về Hà nội. Mẹ tôi bảo vợ chồng tôi rằng quí tình sốt sắng của bà nhạc tôi lắm. Tôi ra được hai ngày thì mẹ tôi biết bệnh khó qua được, gọi riêng tôi vào nói chuyện, cho biết tình hình tài chánh: bạc mặt còn 300 đồng, tiền họ[3] đã đóng được ba trăm đồng, các món nợ có thể đòi được là 150 đồng, trà hột để bán còn 70 đồng (giá vàng hồi đó khoảng 200 đồng một lượng). Như vậy là người đã dành dụm, chuẩn bị hết, nên số tiền tôi gởi ra chưa dùng tới. Người không muốn phiền con cái chút nào cả. Ngày nay tôi cũng giữ được tính đó của người.
 
Sau năm năm vào Nam, lần này là lần đầu tiên tôi về Bắc, cho nên tôi xin phép người đi thăm mồ mả tổ tiên và họ hàng ở Phương Khê, Hà Nội. Chúng tôi cứ đi một hai ngày thì lại về Vĩnh Yên một ngày.
 
Nhà Phương Khê thật hoang tàn: nhà khách và nhà bếp đã bán, hàng rào tre cũng sắp bán, cỏ mọc đầy vườn, nhà thờ tuy còn vững nhưng gần như trống không, bàn thờ chỉ còn mối một cái bát cắm nhang.
 
Nhà thờ bên ngoại ở số 4 ngõ Phất Lộc, một người cháu ngoại bà cả Tiệm cũng bán rồi, và lấy ra một phần tiền mua một cái nhà khác nhỏ hơn trong một ngõ hẻm khu Khâm Thiên, còn bao nhiêu bỏ túi.
 
Nhà số 2, phần của cha tôi thì vẫn còn và mỗi tháng mẹ tôi vẫn thu được ít tiền nhà.
 
Tôi thấy khi mà con cháu hư hỏng thì không có cách gì cấm chúng bán sản nghiệp tổ tiên. Tôi nghe nói có trường hợp cha mẹ cấm ngặt con không được bán nhà và vườn; nó không bán nhưng cho thuê chín mươi chín năm và thu tiền một lúc thì cũng như bán. Lại như bác Hai tôi cấm con cả bán phần hương hỏa nếu không có thỏa thuận của ba người em; có ngờ đâu cả bốn anh em đều đồng tình bán.
 
Ở Hà Nội chúng tôi đi thăm tất cả bà con bên nhà tôi; đặt biệt là ông Phương (em ruột ông nhạc tôi), ông Loan (anh ruột bà nhạc tôi) và cụ Bang, bà ngoại nhà tôi. Cụ hồi trẻ, một tay làm nên cơ đồ cho chồng, sau giận chồng vì chồng mê mấy nàng hầu, cụ để lại tất cả sản nghiệp cho chồng, ra đi, nhất quyết không trở lại.
 
Tay không mà sau mười năm lại gây dựng một cơ đồ trị giá cả vạn nữa. Chồng mất, con trai cả về lạy cụ, khóc lóc, cụ mới chịu về đưa ma chồng, nhưng không khóc mà cũng chẳng lễ. Bảy cô nàng hầu lạy cụ, cụ chỉ cười.
 
Trên bảy chục tuổi, cụ ở một mình một căn nhà năm gian giữa một trại rộng 5, 6 mẫu ta ở làng Khương Hạ (Hà Đông), trồng, na, nhãn. Có bao nhiêu tiền cụ chỉ mua quà cho các con cháu, và cho trẻ con trong xóm. Năm nào cũng phơi cả chục kí nhãn nhục làm quà cho người quen. Hễ có con cháu về chơi thì cụ đích thân nấu nướng để đãi, ăn không hết. Có khi mổ lợn phân phát cho dân nghèo trong làng. Bà nhạc tôi hỏi: “Sao cụ phung phí thế?”. Cụ đáp: “Các ông các bà khá giả hết, tôi để của lại làm gì?” Đúng lắm. Mà con không khá thì để của cho chúng cũng vô ích.
 
Gần đến ngày trở về Sài Gòn, vợ chồng tôi vào từ biệt mẹ tôi. Người bảo: “Vợ chồng con cũng tử tế, hầu hạ mẹ trong mấy ngày như vậy cũng đủ rồi, vào trong đó mà làm ăn và trông nom cháu bé... Có sự nào thì mẹ mất ba cái gậy” (vợ chồng tôi và cháu). Tối rưng rưng nước mắt. Về Sài Gòn được ít ngày thì có điện tín mẹ tôi đã qua đời ngày rằm tháng ba âm lịch, thọ 55 tuổi. Một đời lao lực, tận tụy cho mẹ, chồng và con, khi mất không tiêu của con một đồng nào mà còn để lại dư tiền để làm ma. Người còn hận một điều là em trai tôi và em Oanh chưa thành gia thất[4].
 
Theo người dặn, các em tôi tạm chôn người ở nghĩa trang Phúc Yên, đợi hết tang sẽ cải táng về gần mộ bà ngoại tôi ở Hạ Đình (Hà Đông) để mẹ con được gần nhau mà chúng tôi mỗi lần đi thăm mộ mẹ thì không quên mộ bà ngoại. Đám tang có đủ đại diện họ bên người, họ bên chồng, bà nhạc tôi cũng đi đưa, bạn bè của người ở Vĩnh Yên cũng khá đông.
 
Chôn cất xong, em trai tôi ở lại ít ngày rồi trở vào Sài Gòn làm việc. Hai em gái tôi ở lại khoảng một tháng nữa, thu tiền nợ, tiền họ, bán hết hàng hóa; ai cũng quí mẹ tôi, nên không ai thiếu cả. Nhờ vậy mà trang trải được tất cả phí tổn thuốc men, chôn cất, lại còn dư 300 đồng nữa. Tôi chia cho mỗi em một trăm làm vốn, chỉ giữ lại mỗi đôi hoa tai kiểu cổ của mẹ tôi. Nhưng rồi cũng không giữ được lâu. Năm 1945, nhà tôi tản cư ở Long Điền, chôn xuống đất, bị bọn Miên đào lấy hết.
 
RA BẮC LẦN THỨ NHÌ - ĐÁM CƯỚI EM TÔI – XÂY MỘ TỔ TIÊN
 
Ba năm sau (1943), nhờ bà nhạc tôi làm mai, cô em út của tôi (Mùi) được ông bà Tô Đình Huy hỏi cho người con trưởng Tô Đình Huân. Họ Tô là một nhà có học và danh giá ở Hà Nội. Ông Huy làm thông dịch viên tòa án, sau làm làm thư kí (clerc) cho một luật sư, biết chữ Hán. Bà Huy có họ với bà nhạc tôi. Cậu Huân vì đau yếu chỉ học xong tiểu học rồi làm thư kí. Có mấy người em học y khoa và dược khoa. Gia pháp nhà đó khá nghiêm.
 
Nhà trai xin cưới vào mùa xuân ở Hà Nội. Vậy vợ chồng tôi phải đưa cô em ra ngoài đó. Năm đó thế chiến đương gay go, đường giao thông có thể bị trắc trở; mà cũng đã mãn tang mẹ tôi rồi, đến lúc bốc mộ người đưa về Hạ Đình; tôi lại muốn xây cất tất cả các mộ bên nội bên ngoại cho xong, e sau này khó có dịp về Bắc; nên lần này, tiền bạc để dành được bao nhiêu tôi đem tiêu hết, dắt cả gia đình (vợ chồng tôi, con tôi, ba người em) để làm bốn công việc: gả em gái, bốc mộ mẹ, xây mộ bà ngoại và mẹ tôi ở Hạ Đình; xây mộ các cụ ở Phương Khê; tìm mộ hai cụ ngoại tôi ở Đan Loan (Hải Dương) và xây luôn.
 
Tưởng như vậy mồ mả sẽ giữ được, ít gì cũng hết đời tôi; nhưng năm 1975, sau ngày Giảng phóng, tôi được một đứa cháu ở Phương Khê cho hay rằng mộ của các cụ đều phải bạt nấm hết để khỏi cản trở công việc canh tác, mà mộ của cha tôi phải dời lại Gò Dai, nghĩa địa chung cho cả làng. Rồi năm 1979, cháu tôi, Tô Lệ Hằng, con gái lớn của cô Mùi, ở Pháp về, nhân dịp ra Hà Nội công tác ít bửa với cơ quan nguyên tử lực Việt Nam, bỏ ra một buổi về làng Hạ Đình tìm mộ bà ngoại và mẹ tôi mà không thấy. Họ hàng mẹ tôi ở hàng Đường và làng Hạ Đình cũng không ai nhớ: người già thì chết lần, người trẻ thì không quan tâm đến mồ mả, mà làng mạc, đồng ruộng đã thay đổi nhiều rồi.
 
Tôi bùi ngùi nhớ đến hai câu của cổ nhân:
 
----”Vị qui tam xích thổ, nan bảo bách niên thân,
----Kí qui tam xích thổ, nan bảo bách niên phần”.
 
Nghĩa là:
 
----Chưa về ba thước đất thì khó giữ được thấm thân trăm năm,
----Đã về ba thước đất rồi thì khó giữ được nấm mồ trăm năm.
 
Bà ngoại tôi mất năm nay được đúng năm mươi năm, mẹ tôi mất mới bốn chục năm mà mộ đã thất lạc. Cha tôi mất được sáu mươi năm, mộ tuy còn nhưng phải dời đi; mà đứa cháu ở Phương Khê mới cho tôi hay nghĩa địa chung ở Gò Dai sẽ phải dời đi nơi khác nữa. Tất là sẽ dời đi xa, vì trong làng hết đất rồi, mà dời đi xa thì mấy đứa cháu ở làng sẽ không đi thăm được, cũng kể như mộ thất lạc luôn.
 
Tôi chỉ làm hết bổn phận với tổ tiên, còn những sự thay đổi trong đời người, trong xã hội thì ngay cả trong thời đại ổn định là thời đại nông nghiệp, mà cổ nhân đã phải than thở như trên, huống hồ là thời đại bất ổn, thế giới xáo trộn rất nhanh như thời đại chúng ta ngày nay.
 
Khi làm xong các việc rồi, tôi trở về Sài Gòn thì em Oanh tôi – chị của cô Mùi – xin phép ở lại Hà Nội với một bà dì em dị bào với mẹ tôi. Tôi bằng lòng và bảo lấy tiền cho thuê nhà số 2 ở Phất Lộc, mà chi tiêu. Ít năm sau, cô ấy có chồng, chồng là con trai bà dì, tên Nguyễn Văn Quí, mới đầu dạy học, sau đổi qua làm sở Quan thuế.
 
Em trai tôi năm sau cũng được bác tôi kiếm vợ cho ở làng Tân Thạnh, con một điền chủ nhỏ, làm hương chức.
 
Thế là nguyện vọng của mẹ tôi được thoả mãn, mà bổn phận đối với gia đình tôi đã làm xong.
 
RA BẮC LẦN THỨ BA – THI KĨ SƯ
 
Tháng giêng âm lịch năm Giáp Thân (1944) tôi còn ra Bắc lần nữa để thi vấn đáp và thực tập vào ngạch kĩ sư. Số người lấy đậu cho toàn quốc đã hạn định. Bài viết tôi khá, nhưng thực tập kém nên rớt.
 
Trong khi nhắm máy vẽ bản đồ ở núi Trầm (thuộc tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội hai chục cây số), tôi làm việc ngay ở dưới chân chùa Vô Vi, một ngôi chùa nhỏ bằng gạch, cất trên một ngọn núi đá lởm chởm cao độ dăm chục thước, trồng nhiều cây đại cổ thụ và nhìn xuống một cánh đồng chiêm xanh mởn. Vừa nhắm máy tôi vừa ước ao một ngày kia đi dạo những cảnh chùa như Nguyễn Công Trứ, đàm đạo với một vị hòa thượng trước một chén trà lão mai, và ngâm câu thơ:
 
-----Hương đắc phù sinh bán nhật nhàn.
 
Lần này tôi không về Phương Khê vì nhà thờ đã bán rồi, tôi không biết ghé đâu. Vả lại chiến tranh đã tới lúc quyết liệt. Phi cơ Đồng minh ngày nào cũng bay qua Hà Nội, dội bom các đường xe lửa, cầu cống, mấy lần tôi phải núp dưới hầm. Lại nghe tin đường xe lửa Hà Nội - Sài Gòn bị dứt thêm vài chỗ, cho nên thi xong tôi vội vã về Sài Gòn liền.
 
Tôi nhớ trong lần ra Bắc này gặp hai anh bạn cũ trường Yên Phụ: anh Vũ Đình Hòe và anh Lê Huy Vân ở tòa soạn Thanh Nghị. Hòe làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, hôm đó dạy học ở trường Thăng Long (?) về, đi bộ nói chuyện với tôi một quãng, cho chiếc xe nhà lững thững theo sau. Anh bảo tôi chính quyền Pháp muốn trợ cấp cho tờ báo nhưng anh không nhận. Tôi đưa anh coi một tập tùy bút, anh cho là chưa đăng được; tôi cũng nhận rằng loại tùy bút đó không hợp thời, mà càng không hợp với tờ Thanh Nghị. Anh nhờ tôi viết phóng sự về miền Nam, tôi suy nghĩ một chút rồi đáp sẽ viết về Đồng Tháp Mười. Anh hẹn với tôi một buổi đi ăn cơm tiệm với anh và anh Vân để nói chuyện được nhiều hơn; nhưng tôi ít thì giờ, không nhận lời được.
 
Chuyến về thật vất vả. Có mấy cây cầu sập. Cầu Quảng Trị bị một trái bom vào đúng khúc giữa, hai nhịp cầu gẫy gục xuống thành một chữ V rất đều đặn. Tôi nhớ đêm đầu tiên, xe lửa tới miền Thanh Hóa gặp một chiếc cầu sập, phải xách đồ đạc xuống, qua phà sang bờ bên kia lên xe khác. Chiếc phà đã đậu sẵn ở bờ. Hành khách vì mệt hoặc lo buồn, lủi thủi, lặng lẽ xuống phà. Chỉ nghe thấy tiếng nước vỗ vào be phà, tiếng kéo sợi xích sắt loảng xoảng, rồi chiếc phà rời bến. Dòng nước lừ đừ, gợn sóng vàng vì trăng mới ló. Không khí lạnh lẽo, ai cũng kéo áo lên che cổ. Bờ bên kia chỉ thấy lù lù chuyến tàu xam xám với một ngọn đèn le lói. Cảnh thê lương lạ lùng. Có tiếng lịch kịch phà chạm bờ, rồi tiếng xích sắt loảng xoảng nữa. Hành khách lại lủi thủi kéo nhau lên bờ và sau cùng chuyến xe cũng lủi thủi, âm thầm chuyển bánh từ từ, không một tiếng còi. Tôi có cảm tưởng như qua một chuyến đò ngang ở âm ti, trên Suối vàng, còn chúng tôi thì như những bóng ma đi tới đâu không biết, tới điện Diêm vương hay vào thẳng ngay Địa ngục?
 
CẢNH BỜ BIỂN TRUNG VIỆT - ĐÈO CẢ, ĐÈO ẢI VÂN, THÀNH PHỐ NHA TRANG
 
Mấy chuyến về Bắc đó, tôi được thấy những cảnh đẹp mê hồn ở bờ biển Trung Việt, mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn cho là những lúc ngắn ngủi nhưng thú nhất trong đời tôi.
 
Hai cảnh đẹp nhất là đèo Cả và đèo Ải Vân (cũng gọi là Hải Vân). Năm 1941, trong một dịp ra chơi Nha Trang, Tuy Hòa (nơi ông nhạc tôi làm việc) và Qui Nhơn, tôi đã được ngắm cảnh đèo Cả.
 
Xe lửa từ Nha Trang ra, vừa qua một trái núi thì tới bãi biển Đại Lãnh dài khoảng hai cây số, như một cánh cung ba mặt là núi, một mặt là biển. Một rặng dương (filaos) vi vu bên đường Quốc lộ số 1 ngăn bãi cát vàng ở bờ biển với đồng lúa xanh ở chân núi. Chỉ trong một khoảng không đầy hai cây số vuông mà có đủ cả cảnh núi cao, rừng rậm, có thác, có suối, với một nhịp cầu bắc ngang; có cảnh đồng ruộng thôn quê, cảnh phố xá ở trước ga, cả một xóm chài nữa với những chiếc lưới đong đưa trước gió.
 
Ra khỏi ga Đại Lãnh độ dăm trăm thước, ở bên đường xe lửa hiện lên một tấm biển đề chữ Varella. Tôi gọi nhà tôi lại: “Tới đèo Cả rồi!”. Đồng thời một lính lê dương cũng la lên: Varella! Hành khách đổ xô lại cửa để ngắm cảnh.
 
Xe chạy chậm lại, độ mười cây số một giờ vì đường dốc mà nguy hiểm. Đèo dài 11 cây số, từ ga Đại Lãnh đến ga Hảo Sơn. Núi ở bên trái rất cao và có nhiều cây lớn, và những tảng đá phẳng như bàn cờ bên những dòng thác và suối. Xe chạy sát một vách núi dựng đứng, nhìn xuống biển thấy ngợp. Mũi La, cao ngất đâm thẳng ra mặt biển mênh mông, thấp thoáng vài cánh buồm xa xa. Cảnh thật hùng vĩ.
 
Cái đặc sắc nhất ở đây là màu ngọc thạch của nước biển, trong lạ lùng, đứng trên xe lửa nhìn xuống mà cũng thấy rõ những tảng đá ở đáy, gần bờ. Màu đó càng lan xa càng biến đổi lần lần, đục lại thành màu xám, tới ngoài khơi thì thành màu lơ đặc, đặc tới nỗi tôi tưởng nó là mực Waterman.
 
Đường xe lửa ngòng ngoèo qua sáu cái hầm rất ngắn, trừ hầm cuối cùng dài non hai cây số. Trong hầm tối như đêm và nghe tiếng xe chạy rầm rầm như bao nhiêu tảng đá đổ trên đầu.
 
Trong chuyến ra Bắc lần thứ nhì, tôi được ngắm cảnh đèo Cả ban đêm mà tôi đã ghi lại trong tập Hoa đào năm trước (Lá Bối - 1970):
 
“Đêm đó tôi đương ngắm cảnh biển mênh mông nhấp nhô dưới ánh trăng thì xe lửa lượn vào một khúc quẹo và những làn sóng bạc bỗng biến đâu mất mà trước mặt tôi hiện lên một dãy núi đen tím với một cái vũng lốm đốm mươi ngọn đèn chài đỏ như than hồng trên một làn nước phẳng lặng: cảnh biến đổi thật huyền ảo và trong một phút tôi có cảm giác là mọc cánh mà lên tiên”.
 

°

 
Hôm sau, ra khỏi Tourane[5], gặp trời nắng, tôi được ngắm cảnh đèo Ải Vân nữa, một thứ đèo Cả nhưng cao hơn, dài hơn gấp ba gấp bốn, thay đổi nhiều hơn. Ở đây xe lửa chạy theo bờ biển 30, 40 cây số; non ba giờ liền, tôi được nhìn một cuốn phim chụp cảnh thiên nhiên, quay chầm chậm trong một không gian đầy âm nhạc là gió rừng và sóng biển.
 
Vì đèo rất cao, một đầu máy kéo không nổi chuyến xe, nên phải móc thêm một đầu máy ở phía sau để đẩy tiếp. Cả hai đầu máy phì phì nhả khói, nặng nhọc lắm mới lên nổi đèo và chuyến xe như con rắn khổng lồ uốn khúc, đứng ở giữ thấy cả hai đầu máy ở hai đầu. Ở đây cũng như ở đèo Cả, xe chạy ở giữa, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là biển thẳm mênh mông.
 
Nhưng cảnh ở đây thay đổi luôn luôn, nhiều vẻ đẹp hơn đèo Cả; chỗ thì cây cối thưa thớt, thoải mái mà chỉnh tề; chỗ thì chen chúc nhau, cố bám lấy nhau trên một sườn núi cho khỏi tuột xuống thung lũng. Có nơi rừng bị một giống dây leo lá tròn trùm kín hàng mấy chục mẫu trông xa như một tấm màn xanh phơi trên sườn núi, có cột chống ở dưới.
 
Thỉnh thoảng xe qua những chiếc cầu nho nhỏ bắc qua suối. Dòng nước trong leo lẻo xô đẩy nhau trên những phiến đá nhẵn rồi chui vào một cửa tò vò chuối màu xanh non, sau cùng thoát ra tại một bãi cát vàng ở xa xa. Đẹp nhất là những thảm cỏ có điểm hoa tím và vàng rung rinh như cánh bướm.
 
Xe phì phì uốn khúc gắng lên kịp con đường Quốc lộ số 1[6] nó đã vờn mây ở dãy núi bên kia. Xe chui vào hầm – quãng này có bảy tám cái hầm – và mỗi lần ở hầm ra thì cả một cảnh trời cao biển rộng hiện ra trước mắt: trời xanh lơ, biển xanh màu ngọc thạch như ở đèo Cả (Tôi nghe nói từ Huế trở ra biển mới đục, mất màu thần tiên đó). Biển ôm những cù lao ở ngoài khơi, liếm những bãi cát vàng cánh cung ở bờ, vỗ vào những gốc si bám vào chân vách đá. Nó gần tới bờ lại lùi ra, để lại một viền bọt trắng.
 
Xe vẫn phì phì lên, cảnh vẫn thay đổi; có khi xe lùi vào trong để cho ta ngắm những vùng nho nhỏ có dăm nóc nhà ngói đỏ giữa vài thửa ruộng, sau một bãi cát; có khi nó lượn bên một bãi cỏ rộng lưa thưa vài gốc dương đương hoà nhạc với sóng biển: đây hẳn là chỗ hẹn hò của những con nai vàng trong đêm trăng, và xe như hữu tình cũng chạy chậm lại.
 
Nó vẫn phì phì leo dốc. Càng lên, núi càng cao, ngọn núi càng xích lại gần nhau. Núi đã mờ mờ. Xe đã chui vào mây. Lạ thay, tôi có cảm giác biển cũng dâng lên để được gần trời. Mây lờn vờn ở ngoài khơi, bóng mây làm cho mặt biển lốm đốm như mai con đồi mồi.
 
Xe vẫn uốn khúc, nặng nề leo mà không theo kịp Quốc lộ số 1 nó đã khuất trong mây rồi. Chung quanh chỉ thấy biển và mây (gọi đèo này là Hải Vân, phải quá), đương giữa trưa mà có sương mai.
 
Tôi nhìn về phía sau: đầu máy thứ nhì đã rời chuyến xe quay trở về lúc nào rồi. Xe đã lên đỉnh đèo. Tôi tiếc ngơ ngẩn. Quốc lộ 1 và đường xe lửa lại cùng nhau xuống, một đường chạy sát bờ biển như mê cảnh biển, một đường lùi vào trong như không muốn rời núi mây.
 
Nhưng đến Lăng Cô (một ga nhỏ) thì hai đường gặp nhau như cùng nhận rằng có thể không ngắm mây, chứ không thể không ngắm Lăng Cô.
 
Có người cho rằng Lăng Cô là cảnh đẹp nhất trên đường Tourane – Huế. Từ trên cao nhìn xuống, nó y hệt như một bức tranh thuỷ mạc của Trung Hoa. Một cù lao nhỏ ở gần bờ biển, bằng phẳng, trồng toàn dương, có nhà, có chùa, có ghe đánh cá và lưới đánh cá phất phơ dưới gió. Một cây cầu dài nối với bờ. Những buổi chiều mây ngũ sắc in trên mặt nước, những chiếc ghe giương buồm ra khơi, hay trong những đêm trăng sóng bạc nhấp nhô vạch một đường sáng tới một đảo ở chân trời, ngồi ở gốc dương đầu cầu cảnh thì ai mà không mơ tới cảnh Bồng Lai ở cuối con đường sáng đó?
 
Trên hai giờ liên tiếp được thưởng cảnh thần tiên như vậy, tâm hồn tôi nhẹ nhàng lên, tươi trẻ lại. Trên ba mươi lăm năm nay không được thấy lại cảnh đó, nay không biết ra sao. Non sông Việt Nam sao mà đẹp thế! Đăng buồn là nơi nào cảnh đẹp nhất thì dân thường nghèo nhất.
 
Cảnh Trung Việt còn đặc điểm này nữa: hầu hết thành phố nào cũng ở cửa hoặc gần cửa một con sông nhỏ. Dãy Trường Sơn ở gần biển, nên sông đều ngắn và hạ du cũng hẹp có hình mẫu tự delta Hi Lạp (cho nên từ delta của Pháp ta dịch là Tam giác châu) mà đáy và chiều cao chỉ dài vài chục cây số. Muốn coi toàn cảnh những hạ du đó, chỉ cần leo lên chỗ nào cao nhất trong thành phố.
 
Một lần tôi đã leo lên gác chuông nhà thờ công giáo Nha Trang, lần khác leo lên núi Khỉ ở Tuy Hòa (núi có tên như vậy vì có nhiều khỉ) thấy cảnh đại khái như nhau.
 
Cảnh ở Nha Trang đẹp hơn, điển hình hơn.
 
 

 

Cánh đồng Nha Trang từ trên cao nhìn xuống rõ là một hình tam giác: đỉnh A hướng về dãy núi Trường Sơn; hai cạnh AB, AC màu xám nhạt là hai dãy núi chạy dài ra tới biển; đáy BC là bờ biển, một đầu là Hải học viện, một đầu là nhà tu Công giáo. Sông Nha Trang lấp lánh uốn khúc từ A ra tới bờ biển, qua một cánh đồng xanh mơn mởn nằm từ cạnh này đến cạnh kia, rồi qua một dãi cát trắng rộng độ hai cây số sát bờ biển. Ở giữa dãi cát đó, tại cửa sông là thành phố gồm hai khu vực: khu nhà lá thưa thớt, màu xám ở bên mặt (khi nhìn ra biển), và khu công sở, biệt thự ở bên trái, y như bàn cờ mà quân cờ tròn là những dám cây xanh xen với những nóc đỏ tường vàng như những mảnh giấy màu hình chữ nhật. Đây đó nhô lên vài ngọn đồi đá trên có một ngôi chùa cổ, và vài hòn nhỏ ở ngoài cửa biển như những đốm đen trên mặt nước xanh biếc. Dưới mắt ta đủ cả cảnh rừng núi, sông biển, đồng ruộng, bãi cát, thành thị, thôn quê, với đủ các màu sắc thiên nhiên rực rỡ không nơi nào bằng.


[1] Tôi chỉ ghi lại vài nét chính, chế độ đời Chu phiền phức hơn nhiều. Coi cuốn coi cuốn Wang dao ou la Voie royale (Tome I) của Léon Vandermeersch (EFEO, Paris 1977).
[2] Nửa thế kỉ trước trong Nam còn một số gia đình theo tục này: cùng mang tên họ, Ngô hay Trần chẳng hạn thì dù một người ở Bắc, một người ở Nam, gặp nhau cũng có thể nhận là cùng họ, tuỳ tuổi tác mà gọi nhau như bà con, và không được gã con cho nhau. Tục đó từ đời Chu truyền lại.
[3] Tức tiền chơi hụi. (Goldfish).
[4] Chắc sách in thiếu vì người em gái út, cô Mùi, cũng chưa có chồng. (Goldfish).
[5] Tức Đà Nẳng (BT).
[6] Đường xe hơi (theo ĐVVCT). (Goldfish).