Bản dịch của Phan Kế Bính
Hiệu đính: Bùi Kỷ
casau đánh máy bổ sung phần chú thích
Hồi 11
Lưu hoàng thúc cứu Khổng Dung ở Bắc Hải;
Lã Ôn hầu phá Tào Tháo thành Bộc Dương.

     gười hiến kế cho Đào Khiêm vốn là người ở Đông Hải, tên là My Chúc, tự là Tử Trọng.
Chúc nguyên là con nhà hào phú, một bữa ra thành Lạc Dương mua bán, đi xe về đến nửa đường gặp một người con gái xinh đẹp xin cho đi xe nhờ. Chúc xuống đi bộ, nhường xe cho người con gái ấy ngồi.
Người ấy cứ nhất định mời My Chúc lên ngồi. Chúc lên xe, ngồi thực nghiêm trang, mắt không trông ngang.
Đi được vài dặm, người con gái xin xuống xe, từ giã My Chúc, nói rằng:
- Ta là Hoả Đức tính quân ở phương nam, phụng mệnh Thượng đế xuống để đốt cháy nhà ngươi. Nay thấy ngươi đãi ta có lễ phép, nên ta bảo cho ngươi biết trước. Ngươi nên về nhà mau, dọn dẹp hết đồ đạc đi. Đêm nay ta sẽ đến.
Nói rồi biến mất.
Chúc thất kinh, vội vàng chạy về trong nhà có gì chạy đi hết. Tối hôm ấy quả nhiên trong bếp phát hoả, nhà cửa cháy hết.
Chúc cũng vì thế mà đem gia tài phân tán, cứu giúp người nghèo khó. Về sau Đào Khiêm đón về cử làm biệt giá tùng sự.
Bấy giờ My Chúc hiến kế rằng:
- Tôi xin sang quận Bắc Hải cầu Khổng Dung đến cứu. Lại xin sai một người nữa sang Thanh Châu cầu cứu Điền Khải. Hai nơi ấy cho quân mã đến thì Tào Tháo tất phải lui.
Khiêm nghe lời, viết hai bức thư, rồi hỏi:
- Dưới trướng có ai dám sang Thanh Châu không?
Một người xin đi, là Trần Đăng, tự là Nguyên Long, người Quảng Lăng.
Nguyên Long đi rồi, My Chúc cũng đi sang Bắc Hải, Đào Khiêm tự mang quân giữ thành.
Khổng Dung tự là Văn Cử, người làng Khúc Phụ, nước Lỗ, là cháu đời thứ hai mươi đức Khổng Tử; con quan đô uý thái sơn là Khổng Trụ.
Khổng Dung còn nhỏ nhưng đã biết khiêm nhường. Năm lên bốn tuổi, có một lần người nhà mang đến một ít lê, mẫu than cho mấy quả lê vào giỏ, Khổng Dung ít tuổi nhất được gọi đến chọn trước.
Khổng Dung thấy trong giỏ có quả to, quả nhỏ liền chọn quả lê nhỏ nhất. Mẫu thân hỏi nguyên do thì được trả lời rằng: "Con ít tuổi nhất nên chọn quả hỏ nhất”.
Dung vốn thông minh từ thuở nhỏ, năm lên mười tuổi Dung có vào yết kiến quan doãn ở Hà Nam tên là Lý Ung.
Lúc đến cửa quan canh hỏi đi đâu Dung nói:
- Ta là thông gia với Lý tướng.
Khi vào đến nơi. Lý Ung mới hỏi:
- Tổ mày có họ hàng gì với tổ nhà tao?
Dung nói:
- Ngày xưa Khổng Tử hỏi Lão Tử[1] về việc lễ, nhà Dung với nhà ông chẳng phải đời đời thông gia với nhau là gì?
Ung lấy làm kỳ.
Được một hồi, có thái trung đại phu là Trần Vĩ đến chơi. Ung trỏ vào Khổng Dung và nói rằng: - Thằng bé này là kỳ đồng!
Trần Vĩ bĩu môi nói rằng:
- Những đứa thuở nhỏ thông minh như thế, ngày sau lớn vị tất đã ra gì!
Dung liền ứng đối ngay rằng:
- Thưa ông, hẳn thuở nhỏ ông thông minh lắm!
Cả bọn đi với Trần Vĩ cùng cười ồ lên mà nói rằng:
- Người này lớn lên tất là người giỏi giang trong đời.
Khi mười lăm tuổi, có người tên Trương Kiệm bị bọn hoạn quan cậy thế làm hại nên phải trốn đi, quan phủ ra lệnh truy nã để trị tội.
Trương Kiệm là bạn của Khổng Bao, anh của Khổng Dung. Trong lúc cấp bách, hắn chạy đến nhà họ Khổng xin được che chở. Lúc đó Khổng Bao đi vắng, Khổng Dung ra tiếp đón.
Trương Kiệm thấy Khổng Dung còn nhỏ nên không tiện nói rõ lý do. Khổng Dung thấy Trương Kiệm thái độ không tự nhiên đoán biết là có việc chẳng lành liền nói: "Anh tôi không có nhà, nhưng anh là bạn hữu nên tôi thay mặt tiếp đón”.
Nghe Khổng Dung nói vậy, Trương Kiệm mới lưu lại mấy ngày rồi tiếp tục đi trốn.
Không ngờ có người biết, đi báo quan phủ. Quan phủ không bắt được Trương Kiệm nên tra hỏi Khổng Dung và Khổng Bao: "Trương Kiệm có tội với triều đình, kẻ nào chưa chấp hắn đều đáng tội chém đầu, tại sao bọn người bao che cho Trương Kiệm?”
Nghe thấy lời của quan xét hỏi, Khổng Dung nghĩ anh trai mình là bạn của Trương Kiệm thì thế nào cũng có tội với triều đình nên muốn nhận tội về mình thay cho anh trai, ông nói: "Để Trương Kiệm lưu trú trong nhà là do tôi, ngài muốn trị tội thì tôi xin chịu một mình”.
Nghe thấy vậy, Khổng Bao vội nói rằng: ”Trương Kiệm đến tìm tôi, việc này em tôi không liên quan, nếu muốn trị tội thì hãy trị tội tôi đây”.
Cả hai anh em Khổng Dung, Khổng Bao cùng nhận tội về mình. Quan phủ không biết làm sao phải báo cáo lên cấp trên.
Triều đình quyết định trị tội Khổng Bao vì có quan hệ với Trương Kiệm gần gũi hơn Khổng Dung. Khổng Dung không cứu được anh nhưng nghĩa khí của ông được mọi người xung quanh vô cùng nể trọng.
Từ đấy Dung nổi tiếng, sau làm trung lang tướng, dần dần được làm thái thú Bắc Hải.
Khổng Dung tính ưa thết khách, thường nói rằng:
- Trên chỗ ngồi lúc nào cũng đông khách, trong hồ lúc nào cũng có rượu, thế là sướng nhất trần gian.
Dung ở Bắc Hải được sáu năm, dân chúng rất là yêu mến. Hôm ấy Dung đương ngồi chơi với khách, có người vào báo rằng có My Chúc ở Từ Châu muốn vào hầu.
Dung cho mời vào hỏi có việc gì, Chúc đưa thư của Đào Khiêm ra, rồi nói rằng:
- Tào Tháo vây gấp lắm, xin minh công sang cứu cho.
Dung nói:
- Ta với Đào Cung Tổ là chỗ chí thân, vả Tử Trọng lại thân hành đến tận đây, lẽ đâu lại không cứu; nhưng ta với Tào Mạnh Đức không có thù gì. Vậy trước hết ta tưởng hãy nên sai người đưa thư giải hoà đã, nếu Tháo không nghe, bấy giờ ta sẽ khởi hành.
Chúc nói:
- Tào Tháo cậy có nhiều quân, quyết không chịu hoà.
Dung liền sai một mặt thì điểm binh sẵn, một mặt cho người đưa thư cho Tào Tháo.
Lúc đang bàn bạc, chợt có người báo rằng:
- Có dư đảng của đám Khăn Vàng ngày xưa, tên là Quản Hợi, đem mấy vạn quân đến thành để khiêu chiến.
Khổng Dung vội vàng đem quan mã ra ngoài thành nghênh chiến.
Quản Hợi tế ngựa ra nói rằng:
- Bắc Hải nhiều lương, cho ta vay một vạn hộc, ta sẽ lui quân ngay. Hễ không ta đánh phá thành trì, già trẻ sẽ không một người nào sống sót.
Dung mắng mà nói rằng:
- Ta là bầy tôi nhà Đại Hán, giữ đất của nhà Đại Hán, có đâu lại đem lương cho giặc.
Quản Hợi giận lắm, múa đao tế ngựa nhảy thẳng vào đánh Khổng Dung.
Tướng Dung là Tôn Bảo, vác giáo nhảy ra địch, được vài hiệp bị Hợi chém chết, quân Dung rối loạn, chạy cả vào thành, Hợi chia quân ra bốn mặt vây thành.
Dung trong lòng bực tức, My Chúc cũng buồn chán lắm.
Hôm sau, Khổng Dung lên thành trông thấy thế giặc lớn mạnh, càng thêm lo phiền.
Chợt thấy một người cưỡi ngựa vác giáo xông vào đám giặc, tả xung hữu đột như vào chỗ không người, rồi chạy thẳng đến dưới thành, gọi to mở cửa.
Dung không biết là ai, chưa dám mở cửa. Quân giặc sấn đến bờ hào, định vào giết người ấy, nhưng người ấy quay mình lại đâm một lúc chết luôn vài chục đứa. Chúng phải lui chạy cả.
Dung bấy giờ mới sai mở cửa mời vào.
Người ấy xuống ngựa, bỏ giáo, lên thẳng trên mặt thành, chào Khổng Dung. Dung hỏi tên họ, người ấy thưa rằng:
- Tôi là người ở Hoàng Huyện, đất Đông Lai, họ là Thái Sử, tên là Từ, tự là Tử Nghĩa. Mẹ tôi được đội ơn ngài nhiều lắm. Hôm nọ tôi ở Liêu Đông về nhà thăm mẹ. Nghe tin giặc vây thành, mẹ tôi bảo tôi rằng: "Ta đã nhiều lần đội ơn ngài, nay con phải đi cứu”. Bởi vậy một mình tôi cưỡi ngựa đến đây.
Khổng Dung mừng lắm.
Nguyên khi trước Dung tuy không biết mặt Thái Sử Từ, nhưng vẫn biết tiếng là anh hùng. Nhân thấy Từ đi vắng xa, có mẹ già ở nhà, nhà cách thành hai mươi dặm, Dung thường sai người đem biếu gạo lụa. Bà mẹ cảm cái đức ấy nên sai con lại cứu.
Dung kính trọng Thái Sử Từ hết lòng, tặng một bộ áo giáp, ngựa và yên.
Từ nói:
- Tôi xin mượn ngài một nghìn tinh binh nữa để ra ngoài thành phá giặc.
Dung nói rằng:
- Ông tuy khoẻ thực, nhưng thế giặc to lắm, không nên coi thường.
Từ nói:
- Mẹ tôi cảm hậu đức của ngài, nên sai tôi đến, nếu không phá được giặc, tôi cũng không còn mặt nào dám về trông thấy mẹ. Vậy xin cứ để tôi ra, quyết một trận tử chiến.
Dung nói:
- Ta nghe có Lưu Huyền Đức là anh hùng đời bấy giờ. Giá mà mời được Huyền Đức lại cứu, thì mới giải được vây. Chỉ hiềm chưa biết nhờ ai đi cho được.
Từ nói:
- Xin ngài viết thư, tôisẽ phá vòng vây!
Dung mừng, viết thư giao cho Từ. Từ mặc áo giáp lên ngựa, lưng đeo cung tên, tay cầm giáo, ăn no, sắm sửa đủ, mở cửa thành, phi ngựa ra đi cùng với sứ giả.
Lúc gần đến bờ hào, quân giặc xúm vào đánh. Từ đâm luôn chết mấy đứa, sứ giả vượt qua vòng vây chạy ra.
Quản Hợi thấy có người ở trong thành ra, tất là đi cầu cứu, liền đem vài trăm quân kỵ đuổi theo, tám mặt vây lại.
Từ dừng ngọn giáo, giương cung đặt tên, bắn cả tám mặt, không phát nào là không có người ngã ngựa, giặc sợ không dám đuổi nữa.
Sứ giảthoát được, ngay suốt ngày đêm đến Binh Nguyên, vào ra mắt Lưu Bị.
Lưu Bị xem thư xong, hỏi:
- Khổng Bắc Hải cũng biết rằng trong đời có Lưu Bị à?
Lập tức cùng Quan Vũ, Trương Phi điểm ba nghìn tinh binh kéo sang Bắc Hải.
Quản Hợi thấy quân đến cứu, dẫn quân ra đối địch.
Lại thấy quân Lưu Bị ít nên khinh thường không sợ.
Lưu Bị cùng với Quan, Trương và Thái Sử Từ cưỡi ngựa đứng ra trước trận. Quản Hợi hăm hở ra đánh.
Từ đang định xông ra, Quan Vũ đã nhảy ra trước.
http://vnthuquan.net/user/Ct.Ly/image/TQC10.jpg
Hợi địch sao nổi Quan Vũ: mới được vài mươi hiệp, một nhát thanh long đao đã chém chết ngay Quản Hợi ở dưới chân ngựa.
Từ, Trương hai ngựa cùng ra, hai giáo đều múa, xông vào đám quân giặc, Lưu Bị thúc quân đánh riết.
Khổng Dung ở trên thành trông thấy Từ, Quan, Trương ba người vào trong đám giặc, không ai đương nổi, xông xáo tựa hồ như hổ giữa đàn dê, liền kéo binh ra thành, hai đầu đánh dồn lại, quân giặc thua chạy, đầu hàng vô số, còn bao nhiêu tan vỡ cả.
Khổng Dung đón Lưu Bị vào thành; chào lễ xong rồi, mở một tiệc yến thực to ăn mừng, lại dẫn My Chúc ra chào Huyền Đức.
My Chúc nhân thể nói việc Trương Khải giết Tào Tung, nay Tào Tháo thả binh đến cướp phá Từ Châu, bởi vậy Đào Khiêm sai y đến cầu cứu Khổng Dung.
Lưu Bị nói:
- Đào Cung Tổ là người quân tử, không ngờ mắc phải oan này.
Dung nói:
- Ông là tôn thân nhà Hán, nay Tào Tháo tàn hại trăm họ, cậy khoẻ, khinh yếu. Sao ông không cùng với tôi đi cứu Đào Cung Tổ một thể?
Lưu Bị nói:
- Tôi đâu dám từ việc ấy, nhưng tướng ít, binh yếu, lo rằng không làm nổi việc.
Dung lại nói:
- Tôi nay đi cứu Cung Tổ tuy vì tình bạn, nhưng cũng vì nghĩa lớn, ông há không có bụng trượng nghĩa hay sao?
Lưu Bị đáp:
- Có phải thế xin Văn Cử hãy đi trước, khoan cho tôi còn sang Công Tôn Toản mượn thêm năm ba nghìn quân mã, rồi sẽ đến sau.
Dung lại dặn:
- Xin ông chớ sai hẹn.