Dịch giả: Vũ Kim Thư
Mười chín

     uổi sáng, trời xám đục.
Sấm chớp đã ngưng nhưng từ các dãy rừng xa vọng lại những tiếng ầm ì không ngớt. Bucher nói trống không:
- Bão gì kỳ lạ thế? Hễ bão tan là chỉ thấy chớp chớ không nghe tiếng sấm.
Rosen góp lời:
- Chắc lại thêm một trận nữa.
- Vùng rừng núi mưa bão thường kéo dài nhiều ngày.
- Nhưng ở đây có ngọn núi nào đâu. Tuốt đằng kia chỉ có một dãy núi nhưng quá thấp.
509 bước vào:
- Các bạn đang bàn chuyện gì đó?
- Đang nói chuyện mưa bão.
- Tại sao lại để ý tới mưa bão?
- Chẳng có gì cả. Chỉ không hiểu tại sao mưa bão đã tan mà vẫn còn sấm sét. Có tiếng sấm mà không có chớp, cũng không có mây mù.
509 nhìn lên trời. Bầu trời xám đục gần như không có mây. Hắn lắng nghe. Hắn muốn bảo là tiếng sấm nhưng chợt ngưng lại, không nói ra. Thái độ hắn bỗng thay đổi. Hắn chú ý nghe với toàn thân bất động.
- Nghe kỹ xem! Không phải là tiếng sấm. Đó là...
509 nói thật chậm và thở nhỏ dường như sợ một cái gì đó sẽ tan biến đi nếu nói lớn ra. Hắn lại lắng nghe. Bucher đứng bên cạnh hắn. Cả hai vừa nhìn nhau vừa cố lắng tai.
Tiếng ầm ì vọng tới lớn hơn rồi chìm xuống. 509 lại nói thật nhỏ:
- Không phải sấm sét. Tôi đã nghe kỹ rồi, đó là tiếng đại bác.
- Sao?
- Tiếng đại bác.
Người này nhìn người kia như dò hỏi, mắt tia niềm hy vọng. Goldstein hỏi lớn:
- Có chuyện gì đó?
Không ai trả lời. Goldstein bực dọc:
- Bộ các bạn biến thành băng cả rồi sao?
Bucher tới gần hắn:
- 509 bảo những tiếng ầm ì mà tụi mình đang nghe là tiếng đại bác. Mặt trận chẳng còn cách mình bao xa.
- Thật sao? Hay là các bạn nằm chiêm bao ban ngày?
- Ai nói điên nói khùng đó?
Goldstein trả đũa ngay:
- Tôi hỏi các hạn có tự làm cho mình điên không?
509 quay lại:
- Không phải vậy đâu.
- Bạn biết chắc chớ?
- Chắc chắn.
- Trời!
Rosen vừa kêu xong đã ôm mặt khóc. 509 tiếp tục nghe.
- Khi gió đổi chiều mình sẽ nghe rõ hơn.
Bucher nôn nóng:
- Ước chừng bao xa?
- Không thể nói chắc. Năm mươi hay sáu mươi cây số là cùng.
- Năm mươi cây số. Đâu có xa.
- Phải, không xa lắm.
Bucher tưởng tượng:
- Chắc họ có chiến xa. Chiến xa đi mau lắm. Nếu chọc thủng trận tuyến, họ có thể tới đây... mấy ngày... có thể chỉ một ngày.
Lebenthal lặp lại:
- Một ngày? Bạn nói gì đó? Một ngày hả?
- Nếu trận tuyến bị phá vỡ. Hôm qua mình có nghe gì đâu. Bây giờ đã nghe thấy. Ngày mai thì gần hơn... rồi mốt hay ngày kia...
Thình lình Lebenthal la lên:
- Thôi! Đừng nói những chuyện đó. Đừng làm cho người ta điên lên!
509 dịu dàng:
- Có thể chỉ vài ngày nữa, Leo.
- Không.
Lebenthal kêu lên rồi ôm đầu với hai bàn tay. 509 nhìn khắp mọi người. Goldslein đứng ngay phía sau hắn mỉm cười:
- Bây giờ tôi cũng nghe rõ rồi.
Mắt hắn mở to và mở to thêm, đen nhánh. Hắn vừa cười vừa múa tay múa chân như khiêu vũ. Hắn vẫn cười ngay trong khi ngã sấp xuống. Lebenthal tỉnh lại:
- Mau, anh ta bất tỉnh rồi. Mở nút áo ra. Để tôi đi lấy nước.
Bốn người đổ xô tới lật ngửa Goldstein ra. Bucher hỏi:
- Có cần tìm Berger không?
- Khoan đã.
509 khom xuống, mở nút áo và nới rộng thắt lưng của Goldslein. Berger cũng vừa tới. Chính Lebenthal đã đi gọi ông ta. 509 trách:
- Đáng lý bạn nên nằm nghỉ cho lại sức.
Berger không đáp, quỳ xuống cạnh Goldstein xem xét. Chưa đầy một phút, ông ta thở ra:
- Chết rồi. Chắc tại bệnh tim bộc phát.
Bucher vớt vát:
- Nhưng hắn cũng đã nghe được tiếng đại bác. Đó là vấn đề chánh.
509 quàng tay qua đôi vai gầy còm của Berger:
- Ephraim, chắc ngày vui đã cận kề rồi.
- Bạn nói gì?
Tự nhiên, 509 cảm thấy khó diễn tả. Hắn chỉ về phía chân trời:
- Họ sắp tới nơi, Ephraim. Mình đã nghe ra tiếng đại bác. Họ đang tiến tới.
Tới trưa, gió bắt đầu đổi hướng. Những tiếng ầm ì nghe rõ hơn.
Tiếng nổ từ xa giống như luồng điện giựt thót hàng ngàn quả tim đơn độc. Các lao xá đều nhốn nháo. Chỉ có một vài toán lao tác được đưa xuống thành phố. Đâu đâu cũng có những khuôn mặt, những cặp mắt sáng quắc thò ra cửa, những hình người, những bộ xương đứng trước cửa, cổ ngóng cao.
Các toán lao tác được canh chừng chặt chẽ gấp đôi. Họ bị dẫn đi vòng thành phố tới Khu Chợ. Bọn SS tỏ ra nóng nảy. Chúng luôn miệng hô lệnh và mắng chửi. Đây là lần đầu tiên tù nhân được đưa vào khu vực Thị Trấn cũ. Họ nhìn tận mắt những cảnh sụp đổ, những ngôi nhà cháy nám. Hầu như chẳng có gì còn lại nguyên vẹn cả. Họ lẳng lặng đi qua, dân chúng lẳng lặng đứng nhìn hoặc quay mặt đi nơi khác. Họ vẫn đi trong hàng ngũ nhưng không còn mặc cảm của tù nhân. Bằng một phương cách huyền bí, họ đã chiến thắng mà không cần có mặt, và những năm bị đày đọa trong tù ngục không còn bị coi như những năm thảm bại mà chính là những năm chiến đấu. Và cuộc chiến đã thắng. Họ vẫn còn sống.
Họ tới khu chợ. Trọn Tòa Thị chánh đổ nát. Họ được phát cuốc xẻng để đào xới đống gạch đá ngổn ngang. Bên trên là mùi cháy khét nhưng bên dưới là mùi thúi của thây người.
Sau hai giờ làm việc không ngừng tay, họ bắt gặp xác người đầu tiên. Trước hết họ chỉ thấy đôi giày bốt. Đó là xác của một sĩ quan Đội trưởng SS.
Muenzer nghiến răng và nói lầm bầm:
- Bây giờ tới phiên bọn sâu bọ. Chúng ta móc xác chết của bọn chúng lên.
Hắn cảm thẩy khỏe hơn thường ngày. Một tên SS tới gần quát tháo:
- Coi chừng! Có người nằm gần đó, bộ đui hả?
Tù nhân đào xới chỗ đó. Một lúc sau, vai và đầu người chết hiện ra. Gã SS nóng nảy:
- Cứ tiếp tục nhưng phải cẩn thận.
Họ lại moi thêm ba cái xác của đảng viên Quốc Xã và khiêng đi nơi khác. Họ cảm thấy thích thú kỳ lạ. Từ trước tới nay, họ chỉ khiêng toàn thi thể của những kẻ đồng cảnh ngộ, bị đánh đập, bị đưa từ chuồng cọp ra, sống hoặc chết và trong những ngày gần đây là những thường dân bị trúng bom. Nhưng bây giờ, lần đầu tiên họ được khiêng xác những kẻ thù.
Gần một tiếng đồng hồ sau, họ moi ra thi thể của Dietz. Viên sĩ quan cao cấp đại diện cho uy quyền Quốc Xã tại thành phố này bị gãy cổ. Đầu hắn gục sát xuống ngực trông như hắn đang muốn cắn lấy cổ họng của chính mình, cả hai cánh tay hắn cũng gãy nát.
Người tù đứng cạnh Muenzer vẫn cắm cúi đào xới nhưng cố nói thật nhỏ:
- Trời có mắt! Quả là trời có mắt!
Một tên SS quát lớn:
- Câm miệng!
Hắn đá vào gối người tù:
- Mày nói gì đó? Tao thấy miệng mày lẩm bẩm.
Người tù đứng dậy. Lúc nãy hắn té lên thi thể Dielz. Hắn trả lời với nét mặt vô hồn:
- Thưa Đội trưởng, tôi vừa nói là nên kiếm một cái cáng để đưa vị sĩ quan cao cấp này ra chớ không thể khiêng như mấy người kia.
- Mày không có quyền nói gì cả! Ở đây chỉ có tụi tao ra lệnh thôi!
- Vâng!
Lại cũng thế, Lewinsky nghĩ thầm. Lại cũng đòi ra lệnh. Bọn nó chỉ biết có vậy thôi.
Tên SS nhìn kỹ Dietz. Vừa trông rõ, hắn vội vàng đứng nghiêm chào rồi tức tốc chạy tìm viên Đội trưởng. Tên Đội trưởng nhìn quanh. Hắn thấy một cánh cửa nằm bên cạnh đống gạch vụn. Hắn quay về phía xác Dietz chào đúng kiểu nhà binh rồi ra lệnh:
- Xới ra, lấy cánh cửa đó để làm cáng!
Muenzer, Lewinsky và hai người nữa bươi tấm cửa ra. Trên mặt cửa có chạm hình Moses - người đã giải thoát dân Do Thái ra khỏi Ai Cập dưới thời vua Pharaon. Họ khiêng thây Dietz đem đặt lên. Hai cánh tay gãy của hắn đong đưa. Tên Đội trưởng hét:
- Cẩn thận. Đồ chó!
Tù nhân làm ra vẻ cẩn thận hơn nhưng mắt họ nhìn vào hình Moses. Họ nghĩ, trước đó đã có những chuyện giống ngày nay. Thánh Moses. Người Do Thái. Vua Pha-ra-ôn. Hồng Hải. Giải thoát.
- Tám người ra khiêng!
Lập tức có tới mười hai người chạy tới. Hắn nhìn chung quanh. Bên kia đường là một ngôi nhà thờ. Hắn định ra lệnh nhưng thôi. Không thể đưa thi thể một đảng viên cao cấp Quốc Xã vào giáo đường. Hắn muốn điện thoại để xin chỉ thị nhưng trạm điện thoại đã bị tiêu hủy. Hắn đành phải làm điều mà hắn ghét và sợ nhất: tự quyết định lấy. Muenzer máy môi. Một tên SS quát lên:
- Nói gì đó? Bước ra mau! Đồ chó!
Muenzer bước ra đứng nghiêm và nói giọng trịnh trọng:
- Thưa ông, tôi có ý kiến là đối với một nhân vật quan trọng mà để bọn tù hôi hám chúng tôi khiêng có lẽ không xứng đáng.
- Đồ chó! Mày nói sao? Chuyện đó ăn nhằm gì tới bọn bây? Ở đây, tụi tao chỉ còn...
Hắn bỗng ngưng nói. Ý kiến của Muenzer không phải là vô lý. Thi thể của Dietz cần phải do chính tay của lính SS khiêng. Nhưng nếu làm như thế, tù chạy mất. Thình lình hắn chợt nhớ ra nơi xứng đáng cho Dietz nằm. Hắn hô lên:
- Khiêng tới bệnh viện!
- Đưa một xác chết vào bệnh viện quả là chuyện khôi hài.
Một chiếc xe Mercedes từ trong chợ phóng ra. Chiếc xe giảm tốc độ để tránh những đống gạch đá, gỗ vụn trên đường. Giữa cảnh hoang tàn thảm hại, hình ảnh chiếc xe sang trọng trông thật thô bỉ, gớm ghiếc.
Chiếc xe vượt qua, một tên SS không dằn được bất mãn:
- Cứt! Đồ cứt!
Dĩ nhiên là hắn không ám chỉ các tù nhân.
Lewinsky lắng nghe. Tiếng ầm ì đằng xa chìm mất trong tiếng máy nổ của chiếc Mercedes. Chiếc xe đi khuất. Tiếng ầm ì lại vang lên như tiếng trống nghẹn ngào đưa tang.
Bucher nhìn lên ngôi nhà trắng trên đồi bên kia. Ngôi nhà không bị thiệt hại bởi bom đạn, đang phơi mình dưới nắng chiều. Hoa anh đào bắt đầu nở trong khu vườn với hai màu trắng, đỏ.
- Bây giờ em tin chưa? Em nghe thấy tiếng đại bác mà. Họ đang tiến tới gần hơn, tiến lên từng giờ một.
Hắn lại nhìn về phía ngôi nhà. Hắn tự đặt một thể thức để tin tưởng: nếu ngôi nhà kia còn nguyên vẹn thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Ruth và hắn sẽ được giải thoát và chung sống.
Ruth ngồi thu hình sát hàng rào kẽm:
- Nhưng rồi chúng mình sẽ ở đâu?
- Càng xa nơi này càng tốt.
- Ở đâu?
- Bất cứ nơi nào. Có thể cha anh còn sống.
Bucher không tin hẳn như thế, nhưng vẫn cố tin vì không biết gì cả. 509 biết rõ ràng nhưng không bao giờ tiết lộ với hắn. Ruth nhìn xuống:
- Không một ai trong gia đình em còn sống cả.. Lúc em ở đó, chúng đưa tất cả vào phòng hơi ngạt.
- Biết đâu vẫn có người sống sót. Dầu sao thì vẫn còn em.
- Phải. Họ để cho em sống.
- Gia đình anh có một ngôi nhà ở Osnabruck. Có thể không bị sụp đổ. Lúc chúng nó đến chiếm, ngôi nhà vẫn còn nguyên. Mình có thể về đó.
Ruth lặng thinh. Bucher nhìn sang thấy người yêu đang khóc. Chưa bao giờ thấy Ruth khóc nên hắn tưởng là Ruth bị xúc động khi nhớ tới thân nhân. Hắn hơi sốt ruột:
- Ruth, mình không nên nghĩ nhiều tới quá khứ. Nếu cứ thế làm sao lập lại cuộc đời?
- Không phải vậy đâu.
- Vậy chớ sao em khóc?
Ruth Holland gạt nước mắt với hai bàn tay nắm chặt:
- Anh có muốn biết tại sao bọn nó tha chết cho em không?
Bucher linh cảm điều người yêu sắp nói ra không mấy đẹp:
- Thôi, đừng nói tốt hơn. Nhưng việc đó tùy em. Đối với anh thì chẳng có gì khác lạ đâu.
- Khác lạ chớ. Lúc đó em 17 tuổi và đâu có xấu xí như bây giờ. Chính vì vậy mà chúng nó để em sống.
- À.
Bucher lên tiếng nhưng chẳng hiểu Ruth nói gì. Ruth nhìn sang. Lần đầu tiên Ruth nhận ra người yêu có đôi mắt quá trong. Ruth hỏi:
- Anh có biết em nói gì không?
- Không.
- Chúng để em sống vì chúng cần phụ nữ. Những phụ nữ trẻ cho bọn lính. Cho những người Ukraine chiến đấu bên hàng ngũ Đức. Bây giờ anh hiểu chưa?
Bucher thừ người ra như đang kinh sợ. Ruth nhìn dò xét. Cuối cùng hắn hỏi nhưng mắt nhìn ra nơi khác:
- Nghĩa là chúng đã... làm gì em?
Ruth đã thôi khóc từ lâu:
- Phải. Bọn nó chỉ cần có vậy.
- Không. Không thể như thế.
- Nhưng đó là sự thật.
- Anh muốn nói khác hơn. Anh muốn nói là em không hề muốn thế.
Người nữ tù cười đau xót:
- Nhưng rồi cũng chẳng làm gì được khác hơn.
Bucher quay nhìn vào mặt người yêu một lúc lâu và lắc đầu:
- Không thể như thế được. Em đâu có muốn vậy. Em không hề làm như vậy.
- Nhưng, đó là sự thật. Một sự thật không thể quên.
- Chẳng một ai trong chúng ta biết cái gì đáng quên và điều gì cần nhớ... Có nhiều việc cần phải quên, bằng không chúng ta sẽ chết rục xương ở đây.
Bucher không ngờ mình đang lặp lại ý nghĩ của 509 đêm trước đó. Hắn nuốt nước bọt từng chặp và sau cùng cố gắng nói:
- Em vẫn còn sống. Thế là quá đủ đối với anh.
Ruth buông tay xuống, quay mặt lại như bực tức:
- Anh chẳng hiểu gì hết. Anh còn trẻ con lắm.
- Anh không trẻ con đâu. Những người đang sống trong tù ngục không có ai là trẻ con cả. Ngay đến thằng bé Karel cũng không trẻ con dầu chỉ mới mười một tuổi.
Ruth lắc đầu:
- Em nói với ý nghĩa khác hơn. Bây giờ anh hoàn toàn tin những gì anh nói. Nhưng rồi lời nói sẽ bay đi và những chuyện ô nhục kia trở lại. Với anh và với em. Lúc hồi tưởng lại, làm sao...
Bucher tự hỏi, tại sao Ruth lại nói ra? Đừng nói có phải tốt hơn không. Như vậy mình chẳng bao giờ biết tới thì lấy gì để nhớ ra sau này. Hắn cố chiết giải:
- Anh không hiểu em muốn nói gì. Nhưng anh tin rằng giữa chúng ta có những quy lệ không giống với người thường. Trong những người chúng ta ở đây có một số đã giết người vì không thể làm khác hơn, và những kẻ ấy có bao giờ tự coi là sát nhân đâu... cũng như trường hợp của binh lính ngoài trận tuyến. Đó cũng là hoàn cảnh của chúng ta. Những gì xảy ra cho chúng ta không thể cân đo với nhũng tiêu chuẩn thông thường được.
- Nhưng rồi anh sẽ nghĩ khác đi khi chúng ta rời khỏi nơi này.
Ruth nhìn Bucher với tất cả ưu phiền. Đột nhiên, hắn hiểu tại sao mấy lúc sau này Rath thường tỏ ra sầu muộn. Thì ra cũng có lúc và cũng có người vì một lý do nào đó - như trường hợp Ruth - bỗng sợ ngày được giải thoát. Tự nhiên, một luồng nhiệt lực từ đâu tới khiến Bucher mạnh dạn và vững tin:
- Ruth, bỏ qua chuyện đó đi. Hãy coi như không có. Em đã bị cưỡng bách và em ghê tởm. Chẳng có gì để nhớ. Hãy quên đi!
Uể oải, Ruth thở dài:
- Cứ sau mỗi lần như thế là em nôn mửa. Cố dằn xuống nhưng vẫn mửa ra. Cuối cùng chúng nó không chịu được phải buông tha.
Ruth nghiêng đầu một bên. Mặt người nữ tù xám lợt vì mệt mỏi nhưng ánh mắt đã dịu lại. Bucher nhìn theo những đám mây bay ngang qua ngọn đồi có ngôi nhà trắng. Trong một thoáng, hắn ngạc nhiên vì thấy ngôi nhà còn đó. Với hắn, dường như ngôi nhà đã bị phá hủy bởi một trái bom vô hình. Nhưng nó vẫn còn đó.
Ruth nhìn xuống hai bàn tay xương xẩu của mình và nghĩ tới làn tóc đã úa màu, tới những chiếc răng bị mất mát. Ruth lại nghĩ thêm từ nhiều năm qua Bucher chưa hề nhìn thấy một phụ nữ nào ngoài trại cả. Ruth biết mình nhỏ tuổi hơn người yêu nhưng có cảm tưởng đã già hơn. Những bất hạnh lớn lao vẫn nặng như chì. Ruth lại thở ra:
- Josef, em sẽ cố nghe lời anh, làm theo ý anh.
Người nữ tù quay vào lao xá, tà áo nhầu nát và bẩn thỉu phất phơ quanh đôi chân thon nhỏ. Bucher nhìn theo người yêu và bỗng nhiên cảm thấy giận sôi lên. Hắn tự biết bất lực và cũng tự hiểu là phải tập quên cho quen lần. Phải quên đi mới sống được... như hắn vừa nói với người yêu. Hắn cúi gầm xuống. Một con kiến đang bò trên mặt đất, kéo lê xác một con bọ. Con bọ quá nhỏ nhưng so với con kiến thì quá lớn. Vấn đề tùy thuộc bởi cách nhìn. Phải, cái gì cũng tùy thuộc vào cách nhìn.
Chậm chạp hắn đứng lên đi vào lao xá. Hắn cảm thấy không còn chịu đựng được khung trời sáng.