Dịch giả: Vũ Kim Thư
Hai mươi mốt

     ao? Cũng không có súp nữa à?
Berger hỏi nhưng không tin hẳn.
- Không có gì cả. Không súp, không bánh mì. Lệnh của Weber.
- Còn trại lao tác?
- Cũng không luôn. Toàn trại đều như thế.
Berger quay lại:
- Bạn nghĩ sao? Chúng nó phát thêm quần áo lót nhưng lại cúp phần ăn.
509 chỉ vào hai luống ngọc trâm mới trồng dài hai bên cửa:
- Mình lại có thêm loại hoa này.
- Hay là bọn chúng bảo mình ăn hoa.
- Không được đâu. Nếu mất mát là chúng cúp khẩu phần luôn cả tuần.
Lebenthal chen vào:
- Đây là lệnh riêng của Weber chớ không phải của Neubauer. Weber bực tức thái độ muốn làm thân của Neubauer để gỡ gạc khi chiến tranh chấm dứt. Chính mấy nhân viên văn phòng cho biết như thế. Bên trại lao tác cũng bảo vậy. Trâu bò húc nhau, bọn ruồi muỗi chúng mình chịu chết.
- Thế này là sẽ có hàng tá người chết.
Họ nhìn lên nền trời ửng đỏ. Lebenthal gỡ hàm răng giả ra xem xét rồi đặt trở lại.
Có tiếng rên yếu đuối từ các lao xá vọng tới. Tin bị cúp khẩu phần đã được truyền miệng rất mau. Những người Hồi lảo đảo ra cửa để ngửi thùng đựng súp xem có mùi đồ ăn còn sót lại hay không vì họ sợ những người khỏe mạnh hơn lường gat.
Những tiếng kêu rên vang dậy rõ ràng hơn. Một số tù nhân ngã quỵ xuống đập tay lên mặt đất trong khi đa số bò ra chỗ khác nằm bất động, mắt trợn trừng. Từ từ, tiếng kêu rên kéo dài hơn nhưng chìm xuống như một bản hợp ca tới đoạn tuyệt vọng chỉ còn những tiếng ngâm nga khốn khổ. Tiếng rên ư ử và tiếng móng tay cào vào vách, cào lên mặt đất khiến lao xá có vẻ giống như những chiếc hộp khổng lồ chứa đựng các loại côn trùng đang giẫy chết.
7 giờ tối, ban nhạc bắt đầu hòa tấu. Tiểu trại ngập tràn những âm thanh của nhạc bản “Bông hồng từ phương Nam” một bản nhạc mà Neubauer ưa chuộng nhất.
509 gượng gạo an ủi mọi người:
- Nếu chẳng có gì ăn thì bọn mình tự nuôi dưỡng bằng hy vọng. Cố nuốt lấy tất cả hy vọng còn sót lại. Cố nhai nuốt những tiếng súng đại bác đang tới gần. Phải vượt qua. Chúng ta sẽ vượt qua.
Nhóm Lão Làng ngồi thu mình sát vào lao xá. Đêm đầy sương và lạnh giá nhưng họ không cảm thấy lạnh bao nhiêu. Chỉ mới có mấy tiếng đồng hồ sau này đã có tới 28 người chết. Nhóm Lão Làng lột lấy quần áo của họ đế chống rét. Họ không muốn ở trong lao xá, quá cận kề với sự chết chóc.
Đã ba ngày họ không được phát bánh mì và đêm nay lại không có súp. Chết chốc cũng như bệnh dịch. Họ sợ nếu nhắm mắt ngủ thì cái chết sẽ tấn công bất ngờ không làm sao chống chỏi kịp. Họ ngồi bên ngoài quấn quần áo của những kẻ chết quanh người nhìn về phía chân trời. 509 cố phá sự im lặng đóng băng:
- Chỉ còn đêm nay thôi! Chỉ một đêm! Tin tôi đi. Neubauer sẽ hay tin và sẽ hủy lệnh cúp khẩu phần. Bọn chúng đã tới đường cùng. Đây là khởi điểm của giai đoạn cuối. Chúng ta đã chịu đựng nổi từ lâu. Hãy cố chịu đựng một đêm nữa!
Không ai buồn góp chuyện. Họ ngồi sát vào nhau không phải để giữ cho khỏi lạnh mà là để gia tăng bội số của lòng can đảm hầu đủ sức chiến đấu với tử thần. Một lúc sau, Berger đề nghị:
- Mình nói sang chuyện khác đi.
Rồi quay sang Sulzbacher, ông ta hỏi:
- Ra khỏi đây bạn định làm gì?
Sulzbacher ngập ngừng:
- Tôi hả? Thôi đừng nói chuyện đó, xui xẻo lắm.
509 hăng hái:
- Không xui đâu. Mình đã tránh nói vấn đề đó nhiều năm, bây giờ là lúc phải nói ra. Nhất là đêm nay! Còn đợi chừng nào nữa? Phải nuốt lấy hy vọng. Vậy, ra khỏi đây bạn làm gì?
- Không biết vợ tôi còn ở Dusseldorf không? Cả vùng này đều bị tàn phá.
- Nếu chị ấy còn ở Dusseldorf thì không sao. Tin tức qua máy thu thanh cho biết vùng này do người Anh kiểm soát.
- Nhưng nếu chết?
- Không nên nghĩ như thế. Bọn mình làm sao biết được những người ngoài trại.
Bucher chen vào:
- Và họ cũng không biết mình ra sao.
509 nhìn sang người bạn vong niên. Hắn không tiết lộ là cha Bucher đã chết. Bucher hãy còn trẻ. Vấn đề là hắn phải chung sống với ai, với một người nào đó. Meyerhof thắc mắc:
- Còn gì để nói nữa. Tôi đã bị giam hãm sáu năm rồi.
Berger hững hờ:
- Còn tôi thì đã mười hai năm.
- Lâu như vậy à? Ông làm chính trị?
- Không. Từ năm 1928 tới năm 1932, tôi chữa cho một bệnh nhân Quốc Xã, sau đó người này trở thành một lãnh tụ nho nhỏ. Ngay sau đó hắn không còn đến với tôi nhưng vẫn đến chỗ tôi làm việc vì một người bạn của tôi là chuyên viên chữa trị bệnh phong tình.
- Và hắn bắt ông?
- Dĩ nhiên. Để che giấu bệnh của hắn.
- Còn người bạn của ông?
- Bị bắn chết. Riêng tôi, nhờ làm như không biết gì cả nên hắn chỉ cho vào trại tập trung để phòng ngừa.
- Nếu hắn còn sống, lúc ra khỏi đây ông sẽ đối phó ra sao?
Berger suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Chưa biết phải làm sao.
Meyerhof chen vào:
- Nếu là tôi, tôi sẽ giết hắn.
Lebenthal trề môi:
- Để rồi bị tống giam lần nữa về tội sát nhân? Lại ở từ mười đến hai chục năm.
509 hỏi:
- Còn bạn, Leo, ra khỏi đây bạn làm gì?
- Tôi sẽ mở một cửa hàng bán áo choàng. Loại may sẵn.
- Bán áo choàng giữa mùa Hè sao Leo?
- Có những loại áo choàng mùa Hè chớ. Tôi còn bán áo mưa nữa.
- Sao bạn không mở một hiệu buôn thực phẩm? Thực tế hơn vì lúc đó nhiều người cần mà ở đây bạn cũng sành sỏi rồi.
Lebenthal đắc ý:
- Thế à?
- Cố nhiên.
- Bạn nói có lẽ đúng. Tôi sẽ nghĩ lại. Thí dụ như đồ hộp Mỹ. À, được lắm. Bạn còn nhớ thịt đùi không, nạc trắng tươi có chỗ hồng hồng...
- Câm miệng lại, Leo! Bộ điên hả?
- Đâu có. Tôi vừa chợt nhớ ra. Chẳng biết họ có chịu buôn bán với mình không? Nhất là với bọn mình?
Rosen xoay câu chuyện trở lại:
- Berger, ông định sẽ sống ra sao?
Berger lại dụi đôi mắt đỏ:
- Tôi định xin tập sự tại một nhà thuốc Tây. Với hai bàn tay gần như tàn phế này... chắc không thể hành nghề giải phẫu nữa. Còn bạn?
- Vợ tôi đã xin ly dị vì tôi là Do Thái. Từ đó tới nay không được tin tức gì cả.
Meyerhof tò mò:
- Chắc bạn sẽ đi tìm vợ?
Rosen ngập ngừng:
- Có lẽ nó phải làm thế vì áp lực.
Lebenthal vẫn tàn nhẫn một cách vô tư:
- Có thể vợ bạn bây giờ xấu xí lắm rồi. Nếu có gặp lại chắc bạn còn muốn chạy xa.
- Bọn mình có còn ai trẻ nữa đâu.
Sulzbacher ho khan:
- Chín năm. Con người đã thay đổi quá nhiều. Bạn bè, thân nhân và chúng ta nữa, đều là những kẻ lạ với nhau.
Giữa tiếng khua chân lạo xạo kéo lê của những người Hồi có tiếng chân chắc nịch hơn. Berger báo động:
- Coi chừng, 509!
- Lewinsky chớ không phải ai đâu.
Bucher thường đoán trúng người qua tiếng bước chân. Lewinsky tới gần:
- Các bạn ra sao? Thật là chán. Tôi bắt liên lạc với môt gã ở nhà bếp nhưng chỉ xin được có bánh mì vơi củ cải đỏ. Ít thôi, nhưng chúng ta có thể chia ra để cầm hơi.
Mỗi người được nửa miếng bánh nhỏ và một củ cải đỏ. Berger đưa cải đỏ trước rồi vài phút sau mới đưa bánh. Rosen vừa nhai vừa nói:
- Ăn vụng như thế này khiến chúng ta giống như kẻ phạm tội thật sự.
Lewinsky đáp gọn:
- Thế thì bạn đừng ăn.
Rosen biết ngay là Lewinsky giận đúng nên im lặng. Lewinsky lược thuật tình hình trong trại với giọng khàn khàn:
- Bọn chúng đều hoang mang. Tù thường phạm cũng hoang mang. Trật tự viên, đại diện lao xá, trưởng phòng đều hoang mang ngõ ý muốn về phe mình. Chúng tôi chấp nhận tất cả, để rồi chọn lựa sau. Trong số này có hai tên SS. Cả Hoffmann nữa.
Bucher ngạc nhiên:
- Có cả tên y sĩ thúi tha ấy nữa sao?
- Chúng tôi biết rõ hắn ta nhưng vẫn có chỗ xài được. Nhờ hắn mà được biết trong đêm nay sẽ có lệnh phát lưu.
509 và Berger đồng thanh hỏi:
- Sao?
- Phát lưu. Hai ngàn người.
- Chúng nó định dẹp trại à?
- Hiện thời chúng chỉ đưa đi hai ngàn thôi.
Berger lo ngại:
- Đó là điều mà mình lo sợ từ lâu.
- Chẳng sao đâu. Người thư ký tóc đỏ sẽ giúp mình. Lúc làm danh sách, anh ta sẽ canh chừng để không có tên ông. Người của chúng ta đã có mặt khắp nơi. Ngoài ra, có tin đồn là Neubauer hãy còn do dự.
Rosen nói chen vào:
- Chúng có cần gì danh sách. Ở trại trước của tụi này chúng cứ bắt càn rồi làm danh sách sau.
- Đừng quá lo như thế. Sự việc có thể biến đổi bất cứ giờ phút nào.
Rosen bất mãn:
- Sao lại bảo đừng quá lo.
- Nếu không có cách nào đối phó, mình có thể trốn vào bệnh xá. Tên y sĩ Hoffmann bây giờ đã hoàn toàn để mặc cho mình. Hiện thời có một số người của chúng tôi đang ở đó.
Bucher lo cho Ruth:
- Chúng có định phát lưu tù đàn bà không?
- Không. Nữ tù nhân ở đây chẳng có bao nhiêu.
Lewinsky xuất hiện bất thần và bảo Berger:
- Đi theo tôi. Tôi tới tìm ông đây.
- Đi đâu?
- Tới bệnh xá. Ông nên lẩn tránh vài hôm. Một hay hai hôm thôi. Chúng tôi có một cái buồng nhỏ bên cạnh khu sưng màng óc. Không một tên Quốc Xã nào dám bén mảng tới.
- Nhưng tại sao vậy?
- Ngày mai, bọn chúng thanh toán nhóm lao tác lại lò thiêu. Không thể biết có tên của ông trong danh sách hay không. Tuy vậy, phải đề phòng trước. Ông đã chứng kiến quá nhiều, chắc bọn nó không tha. Thay đồ đi. Đổi quần áo với một xác chết nào đó rồi đi với tôi.
- Còn người đại diện lao xá?
Ông lão Ahasver đáp ngay:
- Để tụi này lo. Hắn không dám hé răng đâu.
- Mau đi, Ephraim!
509 hối thúc Berger. Họ đang ngồi bên phía lao xá khuất góc với chòi canh. Berger vừa đổi quần áo với người chết xong thì Lewinsky căn dặn:
- Các bạn nhớ báo cáo là ông ta đã chết.
- Được rồi. Tên SS lao xá trưởng không biết mặt ông ta. Chỉ cần đối phó với gã đại diện thôi.
Rosen nhìn theo Berger:
- Chúng lại nghĩ tới chuyện phát lưu rồi. Sulzbacher nói đúng, không nên nói chuyện tương lai. Xui xẻo lắm.
- Vô lý! Xui xẻo sao mình lại có đồ ăn và Berger được an toàn. Vả lại cũng chưa chắc Neubauer ký lệnh.
Một người phía sau 509 lên tiếng:
- Berger có trở lại không?
Rosen đứng lên, cay đắng:
- Ông ấy được an toàn, khỏi lo bị phát lưu.
509 phát cáu:
- Im miệng đi!
Hắn nhìn quanh. Phía sau hắn là thằng bé Tiệp Khắc Karel. Hắn hỏi thằng bé:
- Sao không ở trong lao xá?
Karel nhún vai:
- Tôi tưởng là ở ngoài này còn có một miếng da nào đó để nhai.
Ông lão Ahasver trao miếng bánh và củ cà rốt mà ông đã để dành cho nó. Thằng bé nhai chầm chậm. Được một lúc nó bỗng để ý mọi người đang nhìn nó. Nó đứng lên đi ra chỗ khác. Lúc trở lại, nó đã thôi nhai.
Lebenthal nhìn đồng hồ:
- Mười phút. Giỏi lắm Karel. Với tao thì chỉ mười giây thôi là nuốt xong.
509 chợt nhớ:
- Mình có thể đổi đồng hồ lấy đồ ăn chớ?
- Đêm nay thì không đổi chác gì được đâu.
- Mình có thể ăn gan cho đỡ đói.
Thằng bé Karel nói rất tự nhiên; hai ba người đồng hỏi:
- Mày nói sao?
- Lấy gan ăn. Nếu cắt đúng chỗ là ăn được.
- Cắt ở đâu?
- Mấy người chết kia kìa.
Ỏng lão Ahasver ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Mày có ý nghĩ đó từ lúc nào?
- Ở trại Brno. Blatzek bảo là thà ăn để sống còn hơn chịu chết. Ông ta nói người chết đằng nào cũng chết rồi. Ông ấy dạy tôi nhiều thứ như giả chết, cách chạy đâm qua đâm lại khi bị bắn ở phía sau. Tôi còn biết cách làm thế nào để khỏi chết ngộp khi bị chôn tập thể để rồi ban đêm moi đất chui ra.
- Mày biết khá nhiều đó.
- Biết chớ. Nếu không biết làm sao tôi có mặt ở đây?
509 chen vào:
- Thôi, nói sang chuyện khác đi.
Tiếng đại bác từ xa vọng tới. Người tù Do Thái già lắng nghe một lúc rồi chậm chạp nói:
- Khi người Do Thái đầu tiên bị sát hại tức là lúc chúng phá vỡ quy luật của sự sống. Chúng bảo “Ăn nhằm gì một vài tên Do Thái so với nước Đức vĩ đại?” Chúng bất chấp. Lúc đó Quân đội của chúng không thuộc quyền lãnh đạo của những tên sát nhân. Quân đội có thể ngăn cản cuộc tàn sát đó chỉ trong một ngày thôi nhưng lại không làm. Bỏi vậy, bây giờ họ bị Chúa trừng phạt. Một mạng người là một mạng người, dầu là mạng của kẻ nghèo hèn nhất.