Dịch giả: Vũ Kim Thư
Ba

    
hiếc Mercedes phóng nhanh xuống thung lũng. Chỉ huy trưởng Neubauer ngồi bên cạnh tài xế. Người hắn đẫy đà, mặt lúc nào cũng căng phồng như người uống bia. Đôi bao tay trắng bọc hai bàn tay to lớn của hắn ngời chiếu dưới nắng. Hắn nhận thấy thế nên lột ra. Hắn nghĩ tới Selma và Freya, tới ngôi nhà. Chẳng ai trả lời điện thoại cả. Hắn giục tài xế:
- Nhanh lên, Alfred! Nhanh lên!
Tới ngoại ô họ đã ngửi thấy mùi khói lửa. Khói càng lúc càng dầy và làm xốn mắt khi xe tiến vào xa hơn. Đến gần ngôi chợ Mới, họ trông thấy hố bom đầu tiên. Ngân hàng tiết kiệm đã sụp đổ và đang bốc cháy. Đội cứu hỏa đã tới nơi và đang cứu chữa những nhà gần đó. Nhưng các tia nước dường như quá nhỏ nhoi để trở nên hữu hiệu. Hố bom tại công trường bốc mùi hôi của lưu huỳnh và ắc-xít. Neubauer cảm thấy buồn nôn:
- Lái qua phố Harken, Alfred! Mình không thể vượt qua khu vực này.
Tài xế quặt tay lái, chiếc xe quanh một vòng rộng về khu vực phía Nam của thị trấn. Ở đây, những ngôi nhà có các khoảnh vườn nho nhỏ vẫn bình yên dưới ánh mặt trời. Gió đứng lại ở phía Bắc, trời trong lành. Đến lúc họ vượt qua con sông, mùi khét cháy trở lại mạnh hơn và tràn ngập mặt đường như sương mù mùa Thu.
Neubauer sờ vào bộ râu mép đã cắt cho giống Hitler - nhà lãnh tụ Đức Quốc Xã. Trước đó khá lâu, hắn để râu theo kiểu William Đệ Nhị. Hắn vẫn thấy đau nhói ở dạ dày. Selma! Freya! Ngôi nhà xinh xắn! Cả bựng lẫn ngực đều đau nhói như dạ dày.
Cuối cùng, xe rẽ vào đường Liebig. Neubauer nghiêng mình ra. Ngôi nhà vẫn còn! Khu vườn trước cửa! Trên sân cỏ vẫn còn bộ hình người bằng đất sét nặn và một con chó Đức bằng sứ đỏ. Nguyên vẹn! Tất cả cửa sổ cũng thế! Cơn đau ở dạ dày dịu bớt. Hắn lên lầu và mở cửa ra. May quá, hắn nghĩ, thật là may! Có thế chớ! Tại sao phải có một việc gì xảy tới cho hắn?
Hắn mắc nón lên và bước vào phòng trong:
- Selmal Freya! Ở đâu?
Không một ai trả lời. Neubauer bước sải tới cửa sổ và mở ra. Trong khu vườn sau nhà, hai tù nhân người Nga đang làm việc. Họ nhìn thoáng lên rồi cúi xuống tiếp tục đào xới. Hắn hét lớn:
- Ê, bọn Bôn-sơ-vích! Vợ con tao đâu?
Một tù nhân lải nhải bằng tiếng Nga...
- Dẹp thứ tiếng lợn đó đi, đồ ngu dốt! Mày không biết tiếng Đức hả? Hay để tao dạy cho?
Hai người Nga sững sờ. Bỗng có tiếng nói từ phía sau Neubauer:
- Bà đang ở dưới hầm rượu.
Hắn quay phắt lại. Thì ra là cô bé giúp việc nhà.
- Trong hầm rượu hả? Ồ, đúng vậy. Còn mày, nãy giờ đi đâu?
- Tôi ra ngoài một chút.
Cô gái đứng ở cửa, mặt đỏ bừng và mắt chiếu ngời như vừa dự một buổi hôn lễ về. Cô bé lắp bắp tiếp:
- Họ nói có tới cả trăm người chết. Ở nhà ga, ở xưởng đức đồng, và ở trong nhà thờ...
Neubauer cắt ngang:
- Im! Ai nói thế?
- Mấy người ngoài kia.
Neubauer bước tới:
- Ai! Nói thế là kình chống quốc gia! Ai nói?
Cô gái bước lui:
- Ở ngoài kia... Tôi không biết... có một người... nhiều người...
Neubauer giận dữ:
- Bọn phản nghịch! Đồ súc vật! Quân đê tiện! Lũ gây hoang mang. Còn mày, mày ra ngoài đó làm gì?
- Tôi... có làm gì đâu...
- Lãng công hả? Loan truyền tin thất thiệt để gây hoang mang! Được, rồi sẽ biết. Phải có biện pháp mạnh, hoàn toàn sắt thép! Thôi vào bếp đi!
Cô gái chạy vụt đi. Neubauer vừa thở nặng nhọc vừa đóng cửa sổ lại. Bây giờ hắn biết chẳng có gì xảy ra. Vợ con hắn đang ở hầm rượu. Đáng lý ra hắn phải nghĩ tới điều đó.
Hắn rút một điếu xì-gà, châm lửa rồi vuốt thẳng áo ngoài, ưỡn ngực lên, nhìn vào gương và đi trở xuống.
Vợ con hắn ngồi cạnh nhau trên một chiếc gối sát tường. Phía trên là bức chân dung nhiều màu của Fuhrer lồng trong một khung vàng to lớn.
Trước khi có chiến tranh hầm rượu được biến cải thành hầm trú ẩn. Sườn căn hầm toàn bằng thép, trần làm bằng xi-măng cốt sắt và tường thật dày. Vào thời kỳ đó, Neubauer chỉ có ý định xây cất để trình diễn thế thôi. Không ai chịu tin là nước Đức có thể bị dội hom. Lời tuyên bố của Thống chế Goering quả quyết rằng mọi người có thể gọi ông là Meier nếu phi cơ địch thành công trong việc oanh tạc trước sức mạnh của Luftwaffe (Không quân Đức), đã quá đầy đủ đối với bất cứ một người Đức nào có tánh khiêm nhường. Không may là sự việc đã xảy tới trái ngược.
Selma Neubauer đứng dậy và nức nở gọi:
- Bruno!
Selma là một phụ nữ tóc hung, người mập mạp. Lúc đó bà ta đang mặc một chiếc áo dài màu hồng may bằng hàng Pháp có viền ren. Năm 1941, Neubauer đã mua chiếc áo này trong một kỳ nghỉ phép tại Ba Lê. Thịt ở gò má run run, người đàn bà lắp bắp chẳng ra lời.
- Qua rồi, Selma. Bình tĩnh lại.
Selma vẫn không nói được nguyên câu:
- Rồi... chừng bao... bao lâu?
- Bọn chúng đi rồi. Cuộc tấn công bị đẩy lui. Họ không còn trở lại nữa.
Selma siết chặt áo quanh ngực:
- Ai nói thế Bruno? Làm sao anh biết?
- Chúng ta đã bắn hạ phân nửa. Chúng sẽ dè dặt không dám quay lại đâu.
- Làm sao anh biết?
- Biết chớ. Lần này chúng tấn công bất ngờ. Lần tới chúng ta đã phòng thủ chặt chẽ.
Người đàn bà thôi nhai chữ:
- Đã đủ chưa? Anh định nói bao nhiêu đó là đủ rồi à?
Nguời vợ chăm chú nhìn vào mặt chồng. Mắt bà ta xanh lợt. Thình lình bà gào to:
- Không! Chưa đủ đâu. Đó là những lời vu vơ, chẳng có nghĩa gì cả. Những lối nói như thế chúng tôi đã nghe nhiều lắm rồi. Trước hết người ta bảo là chúng ta mạnh đến nỗi không có một phi cơ địch nào dám bén mảng tới nước Đức, rồi thình lình chúng tới. Rồi lại bảo là chúng không dám trở lại vì chúng ta đã bắn rơi tất cả ở biên giới, và hàng chục lần chúng vẫn cứ trở lại; và còi báo động không bao giờ ngưng nghỉ. Bây giờ chúng tấn công mình ngay tại đây, và anh lại bảo là chúng sẽ không tới nữa, rằng chúng ta sẽ hạ chúng. Có người nào tin được không?
- Selma!
Neubauer sửng sốt. Rồi, ngoài ý muốn, hắn ném một cái nhìn lên bức chân dung của Hitler. Hắn nhảy vội ra phía trước và đóng sầm cửa lại:
- Em điên ha? Bộ em muốn chúng ta gặp rắc rối sao? Có khùng không mà la hét như thế?
Hắn đứng thẳng trước mặt vợ. Qua bờ vai của người đàn bà mập mạp, đôi mắt cương nghị của nhà lãnh tụ Đức Quốc Xã vẫn tiếp tục nhìn thắng cảnh Berchtegaden. Neubauer có cảm tưởng như ông đã nghe thấy tất cả.
Selma không thấy ảnh Hitler. Bà ta vẫn gào thét:
- Khùng! Ai khùng chớ không phải tôi! Trước chiến tranh, cuộc sống của chúng ta quá đẹp... và bây giờ?... Tôi muốn biết ai là kẻ khùng.
Neubauer chụp lấy hai vai vợ và lay mạnh đến nỗi đầu người đàn bà gục tới gục lui làm bà ta thôi la hét. Tóc người đàn bà sút sổ, bà ta cố nuốt nước bọt và ho sặc sụa. Neubauer buông tay ra. Selma rơi xuống gối như một cái bị. Neubauer hỏi đứa con gái:
- Má mày làm sao vậy?
- Chẳng có gì đáng kể. Có lẽ má bị xúc động mạnh.
- Tại sao? Có gì xảy tới đâu.
- Không có gì xảy tới hả? Dĩ nhiên là chẳng có gì xảy tới cho ông trên kia. Nhưng còn mẹ con tôi ở dưới này...
- Im! Đồ ngu, không được la lớn! Tôi nai lưng làm mọi mười lăm năm để cho bà phá nát một đêm với cái kiểu gào thét đó hả? Bà có biết là bao nhiêu người đang chờ chực để vồ lấy chỗ của tôi không?
Freva chen vào nói với cha:
- Ba! Đây là lần oanh tạc đầu tiên. Từ trước tới giờ má với con chỉ quen với còi báo động không thôi. Má sẽ quen lần lần.
- Lần đầu tiên? Dĩ nhiên là lần đầu tiên! Ít ra cũng phải mừng là chẳng có gì xảy tới cho mình chớ sao lại la hét vô lý như thế.
- Má dễ bị kích thích, rồi sẽ quen.
Neubauer bực mình vì thái độ bình tĩnh của con gái:
- Dễ bị kích thích? Ai lại không dễ bị? Bộ mày tưởng tao không dễ bị kích thích sao? Có điều là phải biết tự kềm chế. Nếu không rồi thì sẽ biết chuyện gì xảy ra.
Selma cười:
- Cũng vậy thôi!
Bà ta nằm trên nệm, đôi chân to béo duỗi dài ra, hai chiếc dép lụa màu hồng vẫn còn dính ở bàn chân. Theo Selma thì màu hồng và chất lụa tiêu biểu cho sự sang trọng. Bà ta nói tiếp:
- Dễ bị kích thích! Rồi sẽ quen! Nói thì dễ lắm!
- Tôi à? Tại sao?
- Không có gì xảy ra cho ông.
- Cái gì?
- Không có gì xảy ra cho ông. Còn mẹ con tôi thì ở đây ngồi trên bẫy.
- Lại nói càn. Ở đây cũng như ở trên kia. Bà muốn nói gì khi bảo là chẳng có gì xảy ra cho tôi.
- Ở trên trại, ông được an toàn.
- Sao?
Neubauer ném điếu xì-gà xuống và đạp chân lên:
- Ở đó làm gì có hầm trú ẩn như ở đây.
Selma không biết đó là lời nói dối:
- Tại ông không cần. Tại ông ở xa thành phố.
- Bà làm như có sự khác biệt vậy. Chỗ nào bom rơi thì nó vẫn rơi.
- Họ không ném bom trại tập trung.
- Đúng à? Thật là một tin mới lạ. Làm sao bà biết? Bọn Mỹ rải truyền đơn bảo thế phải không? Hay cung cấp cho bà tin tức bằng một buổi phát thanh đặc biệt?
Neubauer nhìn cô con gái, chờ đợi sự tán đồng. Nhưng Freya đang bứt những tua viền của một mảnh hàng đặt trên mặt bàn gần chiếc nệm. Người mẹ trả lời thay con:
- Họ sẽ không ném bom xuống người của họ.
- Đừng nói bướng! Chúng ta có giam giữ một người Mỹ nào ở đó đâu. Cũng chẳng có người Anh. Chỉ toàn bọn đê tiện người Nga, Ba Lan, Balkan. Và kẻ thù của Tô quốc là lũ Do Thái, bọn phản nghịch và tội phạm.
Selma vẫn ngoan cố:
- Họ cũng không ném bom người Nga, Ba Lan và Do Thái.
Neubauer sửng sốt và giận dữ:
- Coi bộ bà biết khá nhiều đó. Nhưng nghe tôi nói đây. Bọn chúng không thể biết cái trại trên đó là trại gì, hiểu chưa? Tất cả những gì chúng nhận ra là các dãy nhà. Chúng có thể cho đó là trại quân. Chúng còn thấy những tòa nhà lớn là bản doanh của SS chúng ta. Chúng còn thấy người làm việc trong đó, cho là cơ xưởng, là mục tiêu. Trên đó còn nguy hiểm gấp trăm lần ở đây. Chính vì vậy mà tôi không muốn bà lên ở trên đó. Ở dưới này không có nhà trại cũng không có cơ xưởng, hiểu chưa?
- Chưa.
Neubauer nhìn sững vào vợ. Từ trước nay chưa bao giờ Selma trở chứng như thế cả. Hắn không hiểu chuyện gì đã khiến vợ hắn biến thành một con người khác. Nếu bảo chỉ vì quá sợ không thôi thì chưa đủ. Hắn chợt cảm thấy bị gia đình bỏ rơi ngay trong lúc đang ở bên nhau. Hắn nhìn con gái với vẻ bực tức:
- Còn mày, mày nghĩ sao? Sao không mở miệng ra?
Freya đứng lên. Cô gái đã hai mươi tuổi, mảnh khảnh, da mặt hơi vàng, trán nhô ra, không giống mẹ cũng chẳng giống cha.
- Con nghĩ là má sẽ trấn tĩnh lại trong giây lát.
- Cái gì?
- Chắc má đã qua cơn xúc động rồi.
Neubauer lặng thinh, cố ý chờ vợ nói một lời gì. Cuối cùng hắn bảo:
- Được rồi.
Freya hỏi:
- Má và con có thể lên lầu bây giờ chưa?
Neubauer ném một cái nhìn nghi ngại về phía vợ. Hắn chưa tin hẳn. Hắn cần phải biết chắc chắn là dầu trong trường hợp nào vợ hắn cũng không được nói như thế với bất cứ ai. Ngay cả với cô gái giúp việc nhà. Càng phải dè dặt hơn đối với con bé ấy. Freya mở ngõ:
- Lên trên lầu có vẻ tốt hơn, Ba. Có nhiều không khí.
Hắn vẫn do dự. Hắn thấy vợ cứ nằm đó như một bao bột. Tại sao nó không nói một lời gì có ý nghĩa?
- Tao phải ra Tòa Thị chánh vào 6 giờ. Dietz điện thoại bảo là cần thảo luận tình hình.
- Ba cứ yên tâm. Mọi việc đều êm đẹp. Sắp tới giờ dùng bữa rồi.
- Tốt.
Neubauer vững lòng. Ít ra con gái hắn cũng tỏ ra biết điều. Hắn có thể trông cậy được. Đó là thịt và máu của hắn. Hắn bước tới bên vợ:
- Thôi, Selma. Hãy quên những chuyện lúc nãy đi! Chẳng có gì quan trọng.
Hắn nhìn vào mặt vợ và cười với đôi mắt lạnh lùng:
- Nghe không? Hả?
Người vợ chẳng trả lời.
Hắn vuốt ve bờ vai tròn lẵn của vợ:
- Thôi, dậy đi để lo cơm tối chớ. Hãy làm một món ăn thật đặc biệt để mừng cơn xúc động đã qua.
Selma hờ hững gật đầu:
- Tốt lắm.
Neubauer nhận thấy là chuyện kể như đã xong. Con gái hắn có lý. Selma sẽ không gàn bướng nữa.
- Này, nhớ cho một món thật ngon và đặc biệt nghe không các cô. Selma cưng, anh làm việc chỉ vì em, nhờ đó em mới có ngôi nhà xinh xắn này, cả hầm trú ẩn an toàn nữa, thay vì phải lên trên kia sống gần bọn ác ôn, bẩn thỉu. Cũng nhớ là mỗi tuần anh ngủ nhà vài đêm. Chúng mình cùng ở một thuyền, cần phải hợp lực để giữ vững. Bây giờ lo nấu một cái gì thật ngon. Anh tin tài làm bếp của em. Ờ, uống một chai sâm banh Pháp chớ? Mình còn nhiều mà?
Người vợ đáp:
- Nói gì chớ sâm banh thì còn nhiều.
Đoàn trưởng Dietz thao thao bất tuyệt:
- Còn điều này nữa. Có người nói tới tai tôi là nhiều vị đã có ý định gởi gia đình về quê. Có đúng thế không?
Không ai trả lời.
- Tôi không thể chấp nhận điều đó. Chúng ta là sĩ quan SS, chúng ta phải làm gương. Nếu chúng ta đưa gia đình ra khỏi thành phố trước khi lệnh di tản chung được ban hành thì chắc chắn sẽ bị xuyên tạc. Bọn phao tin thất thiệt và những tên chuyên gây hoang mang dư luận sẽ chụp ngay cơ hội. Do đó, tôi không muốn chuyện như thế xảy ra mà tôi không được biết.
Thon mảnh và cao lớn trong bộ quân phục sang trọng, hắn nhìn thẳng vào các sĩ quan trực thuộc. Mỗi người đều có vẻ cương nghị và ngay thật. Hầu hết đều nghĩ tới việc di tản gia đình, nhưng chẳng một ai để lộ ra dầu là trong ánh mắt. Mọi người đều nghĩ như nhau: đối với Dietz thì nói là việc dễ. Hắn không có gia đình trong thành phố. Từ Saxony tới, hắn mang theo tham vọng được nhìn ngắm như một sĩ quan nước Phổ trong đội Ngự lâm quân. Thật là giản dị. Điều gì không ảnh hưởng tới cá nhân mình, người ta luôn luôn thực hiện được một cách can đảm.
Dietz tiếp:
- Thưa quý vị, tôi thiết tưởng nói như thế đã đủ rồi. Hãy nhớ thêm lần nữa: các loại võ khí tối tân nhất của chúng ta đang được sản xuất hàng loạt. Hỏa tiễn V. 1 không so sánh nổi dầu cũng rất hữu hiệu. Luân Đôn sẽ ra tro. Nước Anh nổ tung. Các tòa nhà chọc trời ở Nữu Ước sẽ trở thành gạch vụn. Chúng ta đang chiếm các hải cảng quan yếu của Pháp. Đoàn quân xâm lăng của địch đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề tăng viện. Cuộc phản công của ta đang đẩy địch ra bể. Chúng ta đã huy động những lực lượng trừ bị hùng hậu. Về phần võ khí mới của chúng ta - tôi không được quyền nói rõ hơn - nhưng giới thẩm quyền cao cấp nhất cho biết: chiến thắng sẽ về ta trong ba tháng. Chúng ta có bổn phận kiên trì trong thời gian đó.
Hắn đưa cánh tay ra, hô lớn:
- Trở về đơn vị! Hitler muôn năm!
Toàn thể các sĩ quan hiện diện hô theo:
- Hitler muôn năm!
Neubauer rời Tòa Thị chánh. Hắn nhớ lại là Dietz chẳng nói gì về nước Nga. Cũng không nói về trận sông Rhin. Và chẳng một lời nào, đề cập đến Bức Tường phía Tây bị tan rã. Kiên trì... rất dễ đối với hắn. Hắn chẳng có gì cả. Hắn là người cuồng tín. Hắn không hề làm chủ một thương xá gần trụ sở Hỏa xa. Hắn không có phần hùn trong tờ báo Mellern. Hắn lại cũng chẳng có một mảnh đất nào để xây nhà. Mình có tất cả. Đặt giả thuyết tất cả những thứ ấy đều sụp đổ, tan nát... ai sẽ đền bồi cho mình?
Thình lình có bóng người trên đường phố. Công trường ngay trước Tòa Thị chánh đông nghẹt dân chúng. Trên tam cấp của Tòa Thị chánh đã đặt sẵn một máy vi âm. Dielz sắp nói trước công chúng. Neubauer lên chiếc Mercedes.
- Về phố Hermann Goering, Alfred!
Tòa thương xá của Neubauer nằm ở góc đường Hermann Goering và Fiedrich. Đó là một tòa nhà rộng lớn với một cửa hiệu thời trang ở từng dưới.
Hai từng trên gồm có các văn phòng, cửa hàng.
Neubauer bảo tài xế dừng xe rồi đi quanh tòa nhà. Hai cửa kính trưng bày hàng hóa bị nứt bể, ngoài ra chẳng có gì hư hại. Hắn nhìn lên các từng trên, khói từ nhà ga xe lửa đang phủ mờ trên ấy nhưng không có căn phòng nào bị cháy. Có thể một vài cửa kính bị nứt rạn... chẳng sao.
Hắn đứng nhìn một lúc và nhẩm tính: hai trăm ngàn đồng Mark. Nếu không hơn thì cũng thiệt hại vào khoảng đó. Hắn đã mua lại tòa nhà với giá năm ngàn. Năm 1933, sở hữu chủ là một người Do Thái tên Max Blank. Người Do Thái này ra giá một trăm ngàn và kêu là đã chịu lỗ nhiều rồi nên không thể bán rẻ hơn. Sau hai tuần bị nhốt trong trại, Max Blank đành bán lại với giá năm ngàn. Neubauer nghĩ, mình cũng đứng đắn đó chớ, bằng không mình vẫn có thể lấy không. Blank có thể sẽ tặng cho mình sau khi bị SS quần thảo cho một trận. Mình đã trả hắn năm ngàn đồng Mark. Cũng là đồng tiền đáng giá mặc dầu không phải trả một lần. Vào thời đó mình chưa dư dả gì nhưng mình đã trả ngay khi nhận được món tiền vay mượn. Blank cũng tỏ ra hài lòng. Một vụ buôn bán hợp lệ. Với sự đồng ý hoàn toàn của hắn. Có vi bằng của công chứng viên, vấn đề Max Blank ngã té vì tai nạn trong trại tập trung làm mất một mắt, gãy một tay chỉ là một ngẫu nhiên đáng tiếc. Neubauer không nhìn thấy tận mắt vụ đó, cũng không có mặt. Hắn không hề ra lệnh. Hắn chỉ xếp đặt để cho Blank được bảo vệ để cho các binh sĩ SS quá nhiệt thành không làm hại đến Blank. Chuyện gì xảy ra sau đó thuộc phần của Weber.
Hắn quay người lại. Tại sao đột nhiên hắn nhớ tới chuyện cũ ấy? Hắn làm sao thế? Tất cả những việc đó đã chìm sâu trong quên lãng. Người ta cần phải sống. Nếu hắn không mua tòa nhà ấy thì một người nào khác của Đảng cũng sẽ mua. Có lẽ còn rẻ hơn. Hoặc lấy không. Hắn tự thấy đã hành động hợp pháp. Đúng theo luật lệ. Chính lãnh tụ của hắn đã tuyên bố là các đảng viên trung thành cần phải được tưởng thưởng. Và hắn, Bruno Neubauer, chỉ được có chút ít chẳng ra gì nếu đem so sánh với những gì hiện có của các nhân vật cao cấp, như Goering, Springer chẳng hạn. Xuất thân là một phu khuân vác ở khách sạn bây giờ đã là triệu phú. Neubauer không trộm cắp bất cứ một cái gì. Hắn chỉ mua rẻ thế thôi. Hắn có biên nhận. Mọi sự đều được thị chứng.
Một khối lửa từ nhà ga bắn vọt lên. Tiếp theo là nhiều tiếng nổ. Có lẽ là các toa chở đạn dược. Phần trên tòa nhà phản chiếu màu lửa đỏ dường như bỗng nhiên túa mồ hôi máu. Neubauer nghĩ, thật là kỳ dị. Mình đang bị xúc động. Những luật sư bị kéo lôi ra khỏi tầng trên cao ấy vào lúc đó đã bị quên mất từ lâu. Hắn trở lại xe. Rất gần với nhà ga... một chỗ lý lưởng cho việc làm ăn nhưng tối ư nguy hiểm khi bị oanh tạc. Như thế sao lại không xúc động?
- Tới đường Gosse, Alfred.
Tòa soạn báo Mellern hoàn toàn vô sự. Neubauer đã biết tin này qua điện thoại. Họ cho phát hành thêm một ấn bản. Báo bán chạy như tôm tươi. Hắn nhìn những đống báo vơi lần. Cứ mỗi tờ báo bán được, hắn được một pfennig (1/9 của đồng xu Anh). Người bán báo lại tới lấy báo, chúng chạy vọt đi trên xe đạp. Thêm ấn bản tức là thêm lợi tức. Mỗi người bán báo mang đi ít nhất 200 tờ. Neubauer đếm được mười bảy người. Như vậy hắn có thêm ba mươi bốn đồng Mark. Dầu sao thì cũng có điều thuận tiện. Hắn sẽ dùng tiền này đế sửa lại các cửa kính bị bể. Vô lý... chúng đã được bảo hiểm. Họ phải xuất tiền chớ! Ba mưoi bốn đồng Mark vẫn là của hắn.
Hắn mua một tờ báo. Lời kêu gọi ngắn gọn của Dietz đã được đăng tải. Việc làm thật nhanh. Báo cũng đăng tin có hai phi cơ bị bắn rơi trên thành phố, phân nửa khác rơi ở Minden, Osnabruech và Hanover. Một bài nhận định của Goebbels về sự tàn bạo vô nhân của việc không tập các thành phố thanh bình của Đức. Ngoài ra, còn có một vài lời tuyên bố đầy hào khí của Hitler. Bài tường thuật cho biết lực lượng Thanh niên Hitler đang truy lùng các phi công đã nhảy dù ra. Neubauer ném tờ báo và bước vào cửa hiệu bán xì-gà trong góc.
- Ba điếu Deutsche Wacht!
Người bán đưa nguyên hộp ra. Neubauer chọn lựa hững hờ. Loại xì-gà này quá tệ. Chỉ toàn bằng lá giẻ gai. Ở nhà hắn còn một số ngon hơn, loại nhập cảng từ Ba Lê và Hòa Lan. Hắn hỏi mua xì-gà Deutsche Wacht chỉ vì cửa hiệu này là của hắn. Trước khi có cuộc Nổi Dậy, sở hữu chủ là Lesser và Sacht, người Do Thái. Sau đó một sĩ quan xung kích tên Freiberg chụp lấy cơ hội. Hắn làm chủ tới năm 1936. Một mỏ vàng. Neubauer cắn vào đuôi điếu thuốc. Hắn đã làm gì đối với việc Freiberg trong khi quá chén đã có vài lời xúc phạm tới Hitler? Hắn chỉ làm bổn phận của một đảng viên ngay thẳng là phúc trình lên thượng cấp. Ít lâu sau, Freiberg biến mất, Neubauer đã mua lại cửa hiệu trong tay người vợ góa. Hắn khuyên quả phụ này nên bán gấp. Hắn cũng cho bà ta biết là hắn được tin tất cả tài sản của Freiberg sắp bị tịch thâu. Tiền bạc dễ giấu hơn là một cửa tiệm. Người góa phự tỏ ý biết ơn và bán cửa hiệu. Dĩ nhiên là với giá bằng một phần tư. Neubauer nhấn mạnh là hắn chẳng giàu có gì và việc buôn bán cần nên thanh toán gấp. Người góa phụ chấp nhận. Vấn đề tịch thâu chẳng bao giờ xảy ra. Neubauer lại giải thích. Hắn bảo chính hắn đã can thiệp cho bà ta. Như vậy bà ta cứ giữ lấy tiền. Hắn tự thấy mình đứng đắn. Bổn phận là bổn phận... và cửa hiệu có thể bị tịch thâu. Vả lại, một quả phụ không đủ sức quán xuyến một cửa hàng. Bà ta có thể bị ép buộc để bản rẻ hơn.
Neubauer lấy điếu xì-gà đang ngậm ra. Điếu thuốc không thông hơi. Loại thuốc tồi tệ. Nhưng người ta vẫn mua. Họ chỉ cần bất cứ thứ gì có thể hút được. Đáng thương vì bị hạn chế. Hắn nhìn cửa hiệu một lần nữa. Thật là may mắn. Chẳng có gì xảy ra. Hắn nhổ nước bọt. Thình lình hắn cảm thấy mùi vị khó chịu trong miệng. Chắc tại điếu xì-gà. Hay vì lý do nào khác? Dầu sao cũng chẳng có gì xảy ra. Bị xúc động? Tại sao hắn bỗng nghĩ tới tất cả những chuyện cũ kỹ ấy? Chuyện xưa đang hiện về! Hắn ném điếu thuốc trước khi bước vào xe và cho tài xế hai điếu còn lại:
- Đây, Alfred. Phần thưởng đặc biệt đêm nay. Nào, chúng ta đi... về vườn nhà.
Neubauer hãnh diện với khoảnh vườn này. Ngôi vườn chiếm một lô đất rộng ở ngoại ô, phần lớn dành để trồng rau cải và cây trái. Trong vườn còn có cả một mảnh đất trồng toàn hoa quý và một cái trại nhỏ nuôi gia súc. Một số tù binh Nga lo việc chăm sóc. Họ không được hưởng thù lao, đáng lý họ còn phải trả ơn cho chủ vườn thay vì phải làm việc quần quật từ suốt mười hai đến mười lăm giờ mỗi ngày tại xưởng đồng, ở đây họ được hít thở khí trời trong mát mà công việc tương đối nhẹ nhàng hơn.
Chiều đã xuống. Bầu trời vẫn còn trong sáng, trăng đang treo trên các ngọn cây táo. Mùi đất mới xông lên thật đậm đà. Vài loại rau cải nhô lên từ các luống đất dầy phân và các thứ cây ăn trái đã nảy mầm bụ bẫm. Một cây anh đào Nhật nhỏ bé vừa được giữ kỹ trong nhà kính suốt mùa Đông, bây giờ đã trổ một ít hoa hồng trắng.
Các tù binh Nga đang làm việc trên mảnh đất. Neubauer nhìn thấy những dáng lưng khom xám xịt của họ và bóng đen của người lính canh với khẩu súng gắn lưỡi lê dường như muốn chọc thủng trời. Sự hiện diện của tên lính canh chẳng qua là do quy lệ vì những người Nga ấy nhất định chẳng bao giờ đào tẩu. Họ còn biết đi đâu với bộ quân phục ngoại quốc trên mình và chẳng hề biết tiếng Đức? Bên cạnh họ là một cái bao khổng lồ chứa đầy tro lấy từ lò thiêu người ra để dùng làm phân bón các luống măng và dâu tây mà Neubauer coi như của quý. Hắn không ăn được bao nhiêu. Bao phân bón đang đựng tro của 60 người bị hỏa thiêu, trong số có 12 đứa trẻ.
Dưới ánh chiều tà, ngọc trâm và thủy tiên đượm màu xanh tái. Các loại hoa quý này được trồng dài theo bờ tường phía Nam và được bao bọc bởi các khung kính. Neubauer mở một trong các cửa sổ ngang và khom mình xuống. Chưa có hương vị của thủy tiên, chỉ có mùi hoa tím, những cánh hoa tím không nhìn thấy được giữa hoàng hôn.
Hắn hít một hơi thở thật sâu. Đây là ngôi vườn của hắn. Hắn đã phải chi tiền để làm của riêng. Sòng phẳng và lương thiện. Đúng giá. Hắn không cướp đoạt của ai. Đây là đất của hắn. Mảnh đất làm người ta trở lại với nhân tính sau bao nhiêu công việc nặng nề phụng sự cho Tổ quốc và gia đình. Hắn nhìn thấy các cây tùng bách mọc bên cạnh loài kim ngân hoa và loại hồng có dây leo. Hắn nhìn thấy hàng giậu huỳnh dương, hòn giả sơn và những bụi đinh hương, hắn gửi thấy mùi hăng nòng của không khí đã nhuộm tiết Xuân, hắn nhẹ nhàng rờ các nhánh bọc rơm của các cây đào và lê, và hắn mở cửa đi về phía trại chăn nuôi.
Hắn không đi về phía những con gà đứng trên sào trông như những mụ đàn bà ngồi xổm - hắn cũng không ra phía những con heo đang ngủ - hắn đi thẳng về chuồng thỏ.
Đây là loại thỏ Angora có lông dài trắng xám và mượt như tơ. Lúc hắn mở đèn lên, bầy thỏ đang mơ màng, một lúc sau chúng bắt đầu động đậy. Hắn thọc một ngón tay qua mắt lưới và gãi nhẹ vào lông chúng. Lông thỏ mềm mại hơn bất cứ gì hắn đã biết. Lấy một vài lá cải trong một cái rổ cạnh đó, hắn cho vào chuồng. Bầy thỏ xáp tới và bắt đầu gặm nhấm chậm rãi, từ tốn với những chiếc mõm đỏ hồng. Hắn gọi âu yếm:
- Mucki! Lại đây, Mucki!
Hơi ấm của chái nhà làm hắn ngây ngất. Giống như một giấc ngủ xa xôi. Mùi hơi của thỏ mang lại một sắc thái vô tư quên lãng. Đó là một thế giới nhỏ bé tự nó gần giống như đời sống của cỏ cây, không bom đạn, không phiền toái và không phải tranh đấu để sinh tồn - rau cải, lông mịn, bị xén bớt và sanh đẻ. Neubauer đã từng bán lông của chúng nhưng không cho giết con nào. Hắn lại gọi:
- Mucki!
Một chủ thỏ trắng và to lớn nhích tới ngậm lấy lá cải của hắn vừa thò vào. Đôi mắt đỏ ngời chiếu như hồng ngọc. Neubauer gãi vào cổ nó. Giày hắn kêu kèn kẹt lúc hắn nghiêng mình. Selma đã nói gì? An toàn? Ở bên trại, các anh được an toàn? Có ai được an toàn đâu?
Hắn cho thêm cải vào chuồng. Mười hai năm, hắn nghĩ tiếp. Trước ngày cách mạng, mình là một thư ký Bưu điện với không đầy hai trăm đồng Mark một tháng lương. Với khoản tiền đó, thật là sống dở chết dở. Bây giờ, mình đã có chút ít. Không thể để mất được.
Hắn nhìn vào đôi mắt đỏ của Mucki. Hôm nay, mọi việc đều khả quan, vẫn còn phải tiếp tục khả quan. Vụ không tập vừa qua có thể do lầm lẫn.
Thành phố chẳng có gì quan trọng, nếu ngược lại họ đã cố hủy diệt nó rồi. Neubauer cảm thấy yên tâm hơn.
Hắn lại gọi “Mucki” và nghĩ tiếp: An toàn! Dĩ nhiên là an toàn. Vả lại, có ai muốn đổ vỡ vào phút chót đâu?