Chương XI
DUYÊN MỚI

    
ưới xong, Điệp bàn với mẹ định cho Thuý Liễu ở nhà quê một tháng để đi lại các nơi họ hàng, nhưng ông Chánh án không nghe, lại bắt Điệp vào trong dinh ở gởi rể.
Điệp ở gởi rể, lấy làm bực dọc quá nhất là không được lúc nào tự do mà xem lại bức thư của Lan để rỏ thêm vài giọt lệ khóc người yêu vì mình đến nỗi ngày xuân má hồng phai lạt. Điệp chỉ được ngấm nghĩ ngầm đến Lan mà thương thầm khóc vụng mà thôi. Cái thư của Lan, chàng quí như mấy trang tuyệt mệnh, nên trân trọng giữ kín, gấp trong bìa quyển sách cú cất tận dưới đáy hòm, chàng định trả lời Lan ngay chiều hôm ấy, nhưng mấy lần cầm bút, chưa viết mà nước mắt đã ràn rụa, kế đến tiếp bức thư sau, thì tâm hồn bối rối, không nghĩ ra được một chữ nào nữa. Đến bây giờ, bể thẳm non xa, mà bóng chim tăm cá, biết cố nhân ở những đâu đâu?
Điệp muốn rõ Lan đi đâu, nên đến chủ nhật, xin phép bố vợ về thăm nhà, nhưng chàng bị giữ lại để đi chào các người họ nhà vợ.
Điệp viết thư về thăm mẹ và thăm ông Tú, nhưng thư có đi mà tin không lại, chàng càng không hiểu ra sao. Có lần chàng được nghỉ lễ hai hôm, định về quê, nhưng ông Chánh án ngăn lại bảo:
- Không cần, để đến Tết về một thể.
Điệp lấy làm đau lòng lắm. Thế là chàng được vợ thì mất mẹ, mà mẹ chàng mất cả con lẫn dâu! Chàng nghĩ thương mẹ thui thủi một mình những tưởng con đi làm thày Phán để trả nghĩa, gia đinh được đoàn tụ vui vẻ, chứ có ngờ đâu đến nay mẹ chàng vẫn phải đâm ngược chạy xuôi, lo lắng vất vả, túng quẩn từng đồng xu, vậy mà con thi nghiễm nhiên đóng một vai công tử, ở vào nơi tiền nghìn bạc vạn, coi của như rác, khinh người như mẻ!
Giá ai biết cách sinh hoạt của bà Cử khô sở dường bao, lại thấy Điệp được sung sướng lịch sự như thế này, nay ô tô hòm kín đi chỗ nọ, mai xe lửa hạng ba đi chỗ kia, hầu người này, chào người khác, mà đến mẹ thì chẳng đoái hoài, ắt hẳn cho chàng là bất hiếu. Nhưng oan cho Điệp quá. Chàng ở đây, có chịu được, những cái đài các đâu. Nhiều khi chàng thấy nó phiền phức, tục tĩu, khó chịu quá. Nhất là chàng bị ông Chánh án bắt mặc quần áo tây, chải đầu bóng và tập tành lối giao thiệp theo kiểu nhà quan, lại sáng sữa bò điểm tâm, chiều “phó-mát” tráng miệng, chàng sực nghĩ đến mẹ bồ nâu áo vải, phải lo chạy bữa gạo hôm sau, thì miếng đỉnh chung nuốt vào mà hai hàng lã chã. Lắm lúc chàng thèm thuồng cái cảnh nghèo túng thuở trước ở cạnh mẹ.
Điệp tự cho là khốn nạn nhất trong những người khốn nạn, Thuý Liễu đẩy Lan đi để tranh lấy địa vị mà chàng phải nhận là vợ. Ông Chánh án lừa chàng làm cho chàng cùng Lan phải chia uyên rẽ thúy, lại giết của chàng cả chữ hiếu lẫn chứ tình, mà chàng phải gọi là bố vợ! Đau đớn cho chàng nữa là Thuý Liễu có mang, đích thực có mang rồi! Hèn nào ông Chánh án chẳng cố ép chàng lấy Thuý Liễu, mà bỏ cả tiền bắt cưới ngay lập tức! Chàng căm hờn ông Chánh án khinh chàng không bằng con chó; con chó, đánh nó, nó còn biết kêu, chứ chàng đã mắc vào tròng là chịu chết mất ngáp. Vậy ra chàng hèn quá, nhục quá. Nghĩ đến nguồn cơn, chàng uất lên, rạo rực trong người chỉ mong thổ máu ra để được chết!
Nghĩ lại mấy dòng chữ nguệch ngoạc trong thư nặc danh thật là những mũi tên độc bắn vào trái tim chàng cho chàng thật chết. Mà thực, chàng chỉ sống về phần xác, còn phần hồn, Lan đã lấy đi từ lâu, nay lại mang nó đi đâu mất rồi, tìm đâu cho thấy nữa! Mà chàng còn muốn tìm nó về làm chi? Như thế chàng có sống cũng chỉ là sống gượng, chờ cho đến ngày thần Chết làm phúc lia cho một nhát hái, để được vùi nốt cái đời thừa xuống đất cho xong nợ mà thôi. Ngày nào xem báo, chàng cũng để ý tìm kỹ xem có vụ trẫm mình không. Nhưng chàng cho là nếu Lan quả thật chết, thì nàng hết khổ, hết đau trước chàng! Song chàng lại thương hại, chẳng hay hồn bạc mệnh bơ vơ nơi đất khách, nấm mồ vô chủ, có ai đắp điếm cho không? Chẳng biết Lan có được lên cảnh Bồng lai, hay lại thành ma đói ma khát! Chàng chỉ mong hỏi thăm người ta tìm được đến mả Lan mà lăn, mà than, mà gào, mà khóc, cho hết hơi đi, cho lả người đi, cho kiệt sức đi mà ôm khối tình theo người yêu xuống chín suối!
Bây giờ chàng phải bỏ Lan mà nhận lấy người vợ thừa của ai làm vợ mình, nhận lấy đứa con của ai làm con mình, chàng cho rằng nước đời sao lại éo le hiểm hóc đến như thế? Cái bức thư ấy, chàng cũng giữ kỹ và kín như bức thư của Lan, nhưng sống để bụng, thác mang đi, chàng quyết chôn chặt tận dưới đáy lòng, nhất định không hề thổ lộ tâm sự ấy cho ai biết hết. Trước chàng định dùng cái thư ấy làm khí giới để phá tan đám cưới, nhưng mà hở môi ra những thẹn thùng, thì thà cứ bí mật dò xét Thuý Liễu. Lắm lúc chàng nghĩ, nếu có phải Thuý Liễu hư thật, thì cũng nên đại lượng mà thứ cho. Vì sự dại dột ấy là ở thời kỳ Thuý Liễu chưa thuộc về chàng, song chàng động nhìn thấy mặt vợ, thấy mặt bố vợ, thì cái lòng nhân từ quảng đại đã phải nhường ngay chỗ cho cái ghét, cái khinh, cái thù!
Những nguồn cơn thắc mắc ấy làm cho chàng phải đổi cả tâm tính. Suốt một tháng đầu, vì nghĩ ngợi, buồn bực, uất ức quá sinh ra chàng ít nói năng, mà soi vào gương đã thấy trên má vẽ rõ ra hai nét răn như người mếu. Thỉnh thoảng đêm thường trằn trọc chàng cố nhắm mắt đi để được nằm mộng thấy mẹ, thấy Lan và ông Tú, nhưng mà không gặp bao giờ.
Thường những buổi trưa, công việc ở tòa xong, Điệp hay lúi húi ở ngoài hiên vuốt ve mấy chậu hoa lan. Chàng yêu quí nó lắm, nên rất chăm bón xới, mà thường ở đây có lẽ chàng chỉ thân với mấy chậu lan ấy mà thôi. Buổi chiều, chàng lại thơ thẩn đi chơi một mình, hoặc đứng bên bờ sông nhìn dòng nước nao nao, hoặc đứng trước nghĩa địa ngắm nấm đất cao thấp. Chỉ có bờ sông, chỉ có nghĩa địa là chàng thấy hợp cái tâm sự đen tối, u uất, lạnh lùng của chàng mà thôi, mà đối với cái cảnh nó du dương cơn sầu man mác, chàng thấy nhẹ nhàng dễ chịu lắm.
Một hôm chủ nhật, Điệp nhớ nhà quá, buổi chiều tỉa lan xong, mới vơ vẩn đi ra chơi chỗ mọi khi. Một dải sương trắng đục ngùi ngùi bốc lên cạnh rặng tre gió bấc căm căm, vi vút thổi như rên rỉ trong tầng lá, chàng nhìn về đằng đông, chỗ phía làng Văn Ngoại, mây trời mù mịt, cảnh tình khơi nhắc tấm lòng thần hôn. Chàng đứng thừ đến tận lúc tối sập mới trở ra về, thì đi nửa đường, chàng gặp ngay người lý trưởng ở quê chàng lên tỉnh có việc.
Thôi thì mừng mừng tủi tủi, chẳng thân cũng như được sống lại, khác nào như cây cỏ đại hạn gặp tuần mưa! Từ ngày lấy vợ, đến tận hôm nay chàng mới thấy mặt một người mà chàng không ghét nên chàng giữ lại đứng bên gốc cây, nói chuyện mãi không muốn dứt.
Chàng hỏi thăm tin nhà, biết mẹ và ông Tú vẫn bình yên, lấy làm mừng lắm. Rồi người lý trưởng lắc đầu, ngậm ngùi nói:
- Bà thì ế hàng lắm, cậu ạ, mà cứ hỏi thăm hôm nào là chủ nhật, thì bà lại nghỉ buổi chợ, vì bà cứ tưởng cậu về chơi. Ông Tủ vẫn đi lại đằng nhà thân như trước, nhưng từ ngày cô Lan bỏ nhà mà đi, ông Tú buồn quá. Bà cũng ngơ ngẩn cả người, nhất là mong cậu về mà không thấy. Mấy hôm đầu, ông Tú phát ốm, nhưng rồi ông cố gượng đi tìm cô Lan, song dò la mãi cũng chẳng thấy tin tức gì cả. Có người đoán cô vì phẫn chí mà đi tự tử, có người đoán cô cắt tóc đi tu rồì, nhưng không lấy gì làm đích xác.
Điệp ngẩn ra nghe, trong bụng nao nao; cái hình ảnh Lan, cái nỗi khổ tâm của mẹ chàng và ông Tú lại như diễn ra trước mắt, chàng thở dài. Người lý trưởng nói tiếp:
- Nhưng mãi đến hôm kia, có người đến chơi với ông Tú nói chuyện rằng trong cái chùa gì về vùng Bắc Giang, mới có người con gái đến xin ở trong một tháng. Ông Tú lập tức đến tận nơi, hỏi thăm những người trong chùa, thì không biết có phải cô Lan hay không vì không được giáp mặt, nhưng cứ như người ta tả hình dung, thì đích là cô Lan, không còn sai nữa, song chỉ còn ngợ một điều là sao cô Lan mà người ta lại bảo đến ba mươi tuổi, và hay cầm con dao tây sáu lưỡi có cái dây sắt để khóc. Phải, cô Lan đâu lại già thế, mà ông Tú bảo cô ấy làm gì có con dao ấy bao giờ?
Điệp cảm động quá, không thể cầm được nước mắt, nức nở, khóc, nói:
- Đích là Lan rồi! Trời ơi! Thảm thiết thế này ư!
Người lý trưởng tìm lời an ủi Điệp rồi hỏi:
- Sao cậu mợ không đón bà lên đây mà ở cho vui có được không?
Câu nói vô tình Điệp nghe như thắt ruột, bèn chẳng giấu diếm gì, chàng kể cả cho người làng nghe cái cách cư xử của ông Chánh án, nhưng dặn giấu đừng nói với mẹ. Chuyện trò được một lúc nữa thì kèn tám giờ nổi hiệu làm cho Điệp sực nhớ phải về ăn cơm, chàng bèn hỏi thăm chỗ trọ của người lý trưởng để hôm sau ra chơi. Người ấy dặn Điệp và bảo:
- Cậu có gởi tiền về đỡ bà, thì đưa tôi mang cho một thể.
Lại như bị một phát đạn đưa thẳng vào trái tim, Điệp lặng đi không trả lời được nữa.
Chàng lấy làm xấu hổ, nhục nhã với người lý trưởng quá, vì chàng lĩnh lương về, có được giữ đồng tiền nào đâu! Được bao nhiêu, Thuý Liễu lấy mất cả rồi, mà hàng ngày tiêu vặt, chàng vẫn phải ngửa tay xin vợ! Hiện nay trong túi chàng không có lấy một trinh! Chàng vẫn định cuối tháng này thì gởi tiền về nhà, nhưng cái tập giấy bạc mà nhà nước trả công cho chàng, thì bố vợ chàng đã giữ nghiến lấy mà đưa cho vợ chàng mất rồi, như thế biết Thuý Liễu có để cho chàng cái gì mà phụng dưỡng mẹ chàng hay không? Nhưng nhất định chốc nữa chàng bảo vợ đưa hai chục bạc để cho đem về biếu mẹ trước.
Điệp đi chơi lâu, cả nhà phải chờ cơm, ông Chánh án giận lắm. Từ hôm cưới, ông thấy con rể lạnh lùng, ra ý khinh khỉnh, thì đâm ra ghét, nên Điệp muốn gì ông cũng không cho bao giờ, nhất là Điệp xin về nhà quê, thì ông lại càng không muốn cho phép, vì đã khỏe lãnh đạm với nhà vợ thì ông không để Điệp đằm thắm với mẹ đẻ cho bõ hờn.
Lần này thì ông Chánh án không nhịn như mọi bận nữa; ông mắng chàng thậm tệ. Điệp vừa mới gặp một người làng âu yếm, vừa mới được nghe mấy cái tin xé ruột xé gan của những người thân, nay bước vào cái gia đình rặt những kẻ thù mà chàng bị hắt hủi khinh bỉ, nên chàng không chịu, bèn giỡ giọng cãi bướng. Ông Chánh án đỏ mặt tía tai, cởi phừn phựt cả tràng khuy áo “ghi-lê” ra rồi đập bàn đập ghế để gắt. Bà Chánh án thấy chồng thịnh nộ, lại thấy con rể hỗn hào, cũng tức tốc ra mắng nhiếc Điệp, rồi xói móc những là con nhà hèn mọn được nương tựa cửa quan mà vô lễ vô phép; những là bất nhân bạc bẽo, toàn học thói sở khanh để dền lại cái nghĩa nặng ân sâu; Thuý Liễu thấy ầm ầm sợ tai tiếng ra đến ngoài, bèn lôi chồng vào buồng, rồi nguýt một cái, đóng cửa lại, và gây sự để bênh cha mẹ. Điệp bị cả nhà xâu xúm bắt nạt, tức mình quá, thành ra hai vợ chồng cãi nhau một trận rất kịch liệt. Thôi! Thế là xếp cả chuyện bảo vợ đưa tiền!
Chỉ có lần này cãi nhau Điệp mới phải nói với Thuý Liễu lâu và nhiều nhất, còn mọi ngày hai vợ chồng ấy rất lãnh đạm với nhau.
Từ ngày Điệp biết Thuý Liễu có mang, thì chàng không hề nói lộ với ai cả; đến ngay như Thuý Liễu, chàng cũng không cho hiểu rằng mình đã rõ đến tận tủy, tận xương, chàng chịu cắn răng buồn khổ một mình để dò xét xem Thuý Liễu chửa với ai. Vì vậy chàng đối với Thuý Liễu vẫn như thường, không tỏ ra một ý gì là ngờ vực, nhưng cứ đến tối, thì chàng định bụng không cho Thuý Liễu được gặp trước khi đi ngủ bao giờ.
Tôi nào Điệp cũng giả vờ xem sách hoặc bận bịu công việc ở nhà ngoài đến tận khuya, liệu chừng Thuý Liễu ngủ rồi, chàng mới vào buồng, mà động đặt mình là giả cách ngủ ngay lập tức. Cũng có hôm Thuý Liễu thức khuya chờ chồng, nhưng ít khi thôi, vì Thuý Liễu chịu ăn chịu ngủ lắm, mà gặp phải cái đêm bất ngờ ấy, thì Điệp nhăn nhó kêu đau bụng, hoặc ôm đầu kêu rức, rồi nằm xuống ngáy khò khò.
Thấy thái độ lạ lùng của chồng, Thuý Liễu không hiểu ra sao, nhưng chắc lấy làm khó chịu lắm. Hẳn Thuý Liễu cũng có thể đoán phỏng được là chồng biết cái tội mình, nhưng chẳng lẽ lạy ông tôi ở bụi này, ngượng quá!
Nhưng mà, một tháng, rồi hai tháng, rồi lại đến ba tháng, tuy Thuý Liễu chẳng lạy ông tôi ở bụi này, nhưng cái thai nó vẫn lạy ông tôi ở “bụng” này, mỗi ngày một rõ. Thấy cái bụng căng thì Điệp đối với vợ càng tủi, càng nhục, càng căm, càng hờn, mà Thuý Liễu cũng đối với chồng càng căm, càng hờn, càng tủi, càng nhục. Cứ thế rồi hai người thành ra ngấm ngầm mà chán nhau, mà ghét nhau, mà thù nhau. Chứ người ngoài thấy vợ Điệp có mang, thì họ mừng và khen:
- Mợ ấy mắn lắm nhỉ!
Nhưng ai rõ chuyện hơn lại thì thào:
- Cậu mợ ấy đi lại với nhau từ ngày quan còn ở phủ kia mà!
Bà Cử ở nhà chờ con về, hết chủ nhật này sang chủ nhật khác, nhưng phương trời thăm thẳm, thư thường tới người không thấy tới, nỗi nhớ nhung như hun đúc tấm can tràng. Song Điệp được đi làm, được ở trong dinh với ông Chánh án, được ông dạy bảo bênh vực cho, thì bà rất yên lòng mà chịu một mình ở nhà làm ăn vất vả.
Hôm ba mươi tết, là ngày Điệp báo tin được nghỉ sẽ về, bà dậy từ tan canh, mong mỏi từng phút. Bà chờ cơm sáng đến tận giữa trưa; không thấy con và dâu về, bà nóng ruột quá nên ăn vội xong, bà cắp nón ra chợ Gỏi đứng ở gốc đa, ngóng từng chuyến ô tô một.
Đến tận chiều sẩm, hai vợ chồng Điệp mới về tới nơi. Bà Cử mừng cuống lên, chạy ra xe đón và hớn hở xách va ly hộ. Bà thấy Điệp gầy gò hơn trước thì chỉ biết thương con làm lụng nhọc nhằn, nào bà có hay đâu rằng Điệp đă phải đầy đọa tâm hồn nên xác thịt phải kém sút. Bà lại thấy con dâu có mang thì càng mừng, mừng rằng nhà có phúc được con độc sinh cháu đàn, nhưng nào biết đâu cái thai của Thuý Liễu chỉ là vốn riêng của nàng đem về nhà chồng ìàm của hồi môn!
Thuý Liễu đã chán chồng, đã ghét chồng, đã thù chồng, nay lại trông thấy mẹ chồng nhà quê quá, ăn mặc như con vú, thì lại xấu hổ. Cho nên vừa bước chân xuống xe ô tô, Thuý Liễu thấy một người tồi tàn chạy ra đón mà mình phải gọi là đẻ, thì phát ngượng với khách qua đường.
Hai tình đã khác nhau, mà hai cảnh lại tương phản, nên Thuý Liễu khó chịu bội phần, nhất là mẹ chồng ăn nói hỏi han những câu cục mịch, thì cái tính khinh người là cái tính thông thường của phần nhiều các vị tiểu thư, Thủy Liễu lại đem về mà điểm vào tinh thần những câu đối đáp với bà Cử.
Thuý Liễu phải đi bộ từ chỗ xuống xe đến tận nhà, tuy không xa, nhưng lấy làm bực dọc quá. Tới nơi, nàng vào trong nhà, lại càng thấy chán ngán. Hôm cưới, lạ nước lạ non, nàng không dám nhận kỹ từng tí, vả những đồ đạc, thức trang hoàng, mượn đâu phải trả đấy, nay chỉ còn trơ xác nhà tranh lụp xụp, trong kê vài cái phản gỗ mà thôi! Thuý Liễu ở nhà ngói quen đi rồi, nay chịu thế nào được? Nàng tủi thân, sao mình con nhà quan giầu có, sang trọng hẳn hoi, mà lúc xuất giá thì chồng chẳng ra chồng, mẹ chồng chẳng ra mẹ chồng, đến cái nhà ở cũng tiều tụy xiêu nát làm vậy! Cử nhân mà làm gì! Thông phán mà làm gì! Rõ có tiếng mà không có miếng! Mà cực quá, cái tiếng ấy đã to gì bằng ai!
Mặt khó đăm đăm. Thuý Liễu ngồi hai, tay bó giò mớm ở trên phản mà nhìn mẹ nhìn chồng, Điệp biết ý vợ, càng thấy chướng mắt và đâm ghét! Bà Cử có hiểu đâu! Bà ở dưới bếp dọn cơm, xào xáo lại những món ăn bà sắp sẵn từ buổi sáng. Những thức ngon thức lạ, bà để dành, vì bà quý con quý dâu, chẳng biết đồ ăn có được sạch sẽ hay không mà cái mâm cái bát sao nó luộm thuộm quá!
Ăn xong, Thuý Liễu phải múc nước rửa mặt lấy, vì không có đầy tớ mà sai! Rồi những bà cô, ông cậu, ông chú, bà bác, cùng những họ hàng xa gần, thấy vợ chồng Điệp về, ai nấy cũng vào chơi hỏi thăm Thuý Liễu bất đắc dĩ phải tiếp lấy làm bực dọc quá, vì các ông bà ấy ăn mặc không ai ra hồn người! Một loạt đều quê kệch như mẹ chồng, nghĩa là như hạng đầy tớ, vú, bõ nhà nàng cả.
Độ tám giờ, khách khứa mới về. Tâm sự buồn tênh, Thuý Liễu bèn đứng ra cổng chơi để tiêu khiển. Nhưng mà trời tôi đen như mực, bốn bề vắng tanh vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có tiếng người, thì lại là tiếng om xòm chửi nhau về đòi nợ. Tết với nhất gì mà buồn khổ buồn sở thế này, pháo phiếc chả có, chỉ rặt thấy chó cắn nhau ran lên mà thôi! Nàng vào sân, đứng nhìn trong nhà, những ngắm mẹ chồng, chồng với đồ đạc mà thở dài thở vắn!
Điệp kê dọn lại giường thờ cho chỉnh đốn.
Bà Cử gọi mợ Phán vào để bàn bạc sửa mâm cơm cũng ngày hôm sau. Thấy Thuý Liễu trả lời dấm dẳn, bà không để ý, song Điệp bực mình lắm. Nhưng Thuý Liễu có phải vợ chàng đâu, mà chàng cần phải bắt bẻ dạy dỗ, khuyên bảo? Chàng coi chẳng qua cũng như cái bướu, cái gai, mà số chàng phải chịu đựng.
Sáng hôm mồng một tết, bà Cử đã đánh thức Thuý Liễu dậy từ tờ mờ sáng để xuổng bếp làm cỗ cũng. Rét quá, sớm quá, Thuý Liễu còn ngái ngủ, nhưng chẳng giúng tay vào thì sai ai? Nàng lấy làm vất vả lắm!
Tết nhất nhà quê thật là tẻ ngắt. Chì có dăm ba bánh pháo ngắn quèn của vài nhà bên cạnh. Còn thì họ chỉ chúc nhau suông mà thôi! Chả bù với ngày hôm nay ở các phủ, huyện, từ sáng sớm đến chiều, trong dinh không mấy lúc ngớt tiếng pháo, mà xác pháo đỏ ngòm cả sân. Thuý Liễu đâm nhớ cảnh phú quí.
Phải bó buộc nhiều cái không chịu nổi, đến ngay trưa mồng một. Thuý Liễu sắp sửa đồ đạc, xin về tỉnh.
Bà Cử ngẩn người ra vì nhớ con dâu, nhưng lưu lại thế nào nàng cũng nhất định nằng nặc đòi đi, Điệp mặc kệ cho Thuý Liễu tùy ý, vì chàng có muốn được gần vợ tí nào đâu! Thuý Liễu ở nhà, Điệp không có lúc nào được than thở riêng nỗi mình với mẹ cả.
Lúc Thuý Liễu xách va ly đi ra, bà Cử ngậm ngùi thở dài bảo:
- Thôi, để đến ngày mợ ở cữ thì đẻ lên chơi một thể.
Điệp được ở nhà một mình, mới kể lể với mẹ cách cư xử của nhà vợ, và vợ, nhưng vẫn giấu việc Thuý Liễu có mang, vì chàng chắc nếu mẹ được tin ấy, thì không khéo bà nghĩ ngợi héo hon dần mà chết mất, cho nên thà một mình phải nuốt đắng ngậm cay còn hơn. Bà Cử khuyên Điệp nên ăn ở với ông Chánh án cho phải đạo, vì ông vừa là ân nhân, vừa là bố vợ, lại vừa là quan thày, không nên bướng bỉnh mà ông phải để tâm buồn bực.
Hỏi về Lan, Điệp biết rằng hiện Lan ở chùa Phương Thành thuộc tỉnh Bắc Giang, từ ga Kép đi vào ước chừng độ năm cây số. Lan nhất định đi tu suốt đời, mà nội người nhà đến thăm Lan không nhận tiếp ai cả, hai lần ông Tú và bà Cử đến tận nơi, nhưng Lan tránh mặt không ra, lại dặn những người trong chùa nói dối là không có.
Trong mấy ngày nghỉ ở nhà. Điệp có sang ông Tú vài lần. Nhưng nhà ông Tú vắng Lan, nó như cái nhà không hồn, cái nhà có người chết lạnh lẽo vậy. Chán ngắt! Trông ông Tú lúc nào cũng ngơ ngẩn buồn rầu và có vẻ già hơn trước, thì Điệp lại nhớ Lan. Nhất là chàng nhìn lại chỗ cột hiên mọi bận Lan trông chàng, trong buồng mọi bận Lan ngấp nghé ra, thằng Xuân, em bé Lan, vì không có Lan mà tết này mặc áo cú, cái cơi trầu, cái hộp lược, đến nay không có ai người chủ trương. Nhưng từng ấy cái chưa làm cho chàng đau lòng lắm bằng cái ảnh Lan! Chàng liếc nhìn lên ảnh, tinh thần còn đậm, nhan sắc đang tươi, lại nhắc cho chàng nhớ tới xiết bao ân tình. Cứ động chàng thấy mặt Lan ở ảnh thì như bị lay động lớp sóng lòng nhưng chàng cứ thích đưa mắt lên, để được tưởng nhớ đến người yêu, để được ôn lại những cái kỷ niệm của thời kỳ dĩ vãng đáng tiếc.
Chiều mồng ba tết Điệp phải từ giã mẹ và phải chào ông Tú lên tỉnh làm việc.
Đang ở vào giữa cảnh gia đình xiết bao thân yêu âu yếm, chàng từ nay lại phải trông thấy những mặt hằn thù, sinh ra chán nản công việc.
Đối với Thuý Liễu, chàng vẫn lãnh đạm như ngày chưa cưới. Có chồng mà cũng như không, không chồng mà cái bụng mỗi ngày một nghễu nghện, Thuý Liễu không chịu được đau khổ, một hôm nàng kể lể hết với mẹ rồi khóc.
Vốn trước ông bà Chánh án biết là cô con gái quí có mang, nên cho Điệp vào ngủ với Thuý Liễu và vội ép gả cho chàng để che mắt thế gian và lừa chàng, tưởng công việc thế là êm, là hết bổn phận làm cha mẹ, chứ có ngờ đâu. Điệp lại tinh quái đến thế này, nên căm tức lắm, mới gọi chàng ra mắng một trận tàn nhẫn.
Điệp không cãi mà cũng không nói lại nửa điều, cứ coi như những lời thừa vô ích cho cái bụng dạ sắt đá! Rồi hết sẵng đến ngọt, bà Chánh án dỗ:
- Cậu mợ chỉ là yêu quí anh, nên mới ép gả chị ấy cho anh, chớ cậu mợ có ngờ đâu là chị ấy lại hư đốn như thế. Thôi thì anh cũng nên coi như số phận của anh nó thế, mà nhận lấy đứa con. Anh nên nghĩ lại cái công cậu tác thành cho anh, mà không nên trái ý cậu mợ. Cậu mợ định rồi cho anh hai cái nhà ở Hà Nội, anh không nên bỏ lỡ dịp may.
Điệp nói:
- Con nào dám trái ý cậu mự. Cậu mợ gả vợ cho con, thì con lấy, cậu mợ bắt con nhận lấy cái thai, con nào dám chổi từ. Từ trước tới nay, có vợ con làm chứng đó, con có hề nói đi nói lại một lời nào về chuyện ấy đâu? Mà con cũng sống để bụng, chết mang đi, chứ không dám than thở cùng ai cả. Hai cái nhà ở Hà Nội, nếu cậu mợ cho vợ chồng con, thì con xin lĩnh, bởi vì ngày sau con cũng cho cháu, chứ chắc gì con được ở ngày nào!
Bà Chánh án thấy con rể nói những câu sâu sắc, lại tức lắm nhưng cố nhịn:
- Vậy thì anh phải đi lại hỏi han chị ấy, chứ sao lại thờ ơ như thế? Hay có đứa nào nó xui xiểm gì anh mà anh nghe nó chăng?
- Bẩm cậu mợ, chẳng có ai xui xiểm gì con cả. Tự nhiên ý nghĩ con nó khiến ra như thế mà thôi.
Vừa nói xong, bỗng Thuý Liễu ở trong buồng chạy ra, tay cầm cái giấy, quăng vào mặt Điệp đùng đùng nói:
- Thảo nào! Cậu giết tôi vì cái giấy này đây. Trời ơi!
Nói rồi, bù lu bù loa khóc.
Điệp giật mình, tưởng Thuý Liễu tìm thấy thư nặc danh kia, hóa không phải, chàng nhìn kỹ thì ra bức thư của Lan. Thuý Liễu khóc:
- Bẩm cậu mợ, ngay từ ngày cưới con, con thấy nhà con đối với con khác, cho nên con vẫn đâm nghi, chắc hẳn bị đứa nào cám dỗ. Thì đây, con lục hòm, thấy cái giấy này của con đĩ Lan. Con khổ lắm!
Rồi nàng vừa gào vừa khóc:
- Con đĩ Lan! Mày làm hại bà!
Điệp lặng người không nói được lời nào nữa. Ông Chánh án cầm thư lên đọc cho mọi người nghe. Mỗi tiếng trong thư, lại như nhắc Điệp nhớ lại người xưa; Điệp sợ phát ra tiếng khóc, bèn đứng phắt dậy đi ra. Ông Chánh án, sắc giận ngầu ngầu trên mặt, gọi giật Điệp lại, nhưng chàng không quay cổ, cứ đi vào buồng nằm.
Một lúc Điệp thấy đùng đùng ở ngoài sân những tiếng chậu vỡ kêu loảng xoảng. Thì ra cơn ghen Thuý Liễu nổi lên, cô sư tử chẳng nể tay mà đập phá, hết cả những chậu lan đang nở hoa ở thềm nhà. Nhưng Thuý Liễu vẫn chưa hả cơn tam bành, còn lấy dao băm nhỏ hết các giò lan, xé tan xé nát lá thư ra, rồi buộc cả lại mà treo ở cửa buồng, để ra vào thì lấy cái roi quất một cái và chửi rủa:
- Đồ đĩ, cướp chồng bà!
Hơn tháng trời, Điệp phải giày vò cực nhục nên mối thù càng to, Điệp quyết việc li dị với Thuý Liễu.
Về phần cha mẹ vợ và Thuý Liễu cũng muốn nhân cái cớ ấy để cho Thuý Liễu li dị chồng, nhưng chưa lúc nào được cái thư mới của Lan. Song ông bà vẫn xui Thuý Liễu kiếm chuyện sinh sự lôi thôi với Điệp để kiện nhau, khép luật cho dễ.
Một việc mà hai bên cùng muốn làm thì tuy không bảo nhau, nhưng cũng dễ thành lắm, nên chẳng bao lâu, trên bàn giấy tòa án, Điệp đã trông thấy một lá đơn kiện chồng tình phụ của Thuý Liễu đệ lên ông Chánh án.
Nhưng Điệp vẫn lãnh đạm như không, khẳng khái nói với bố vợ:
- Bẩm cậu, con tưởng việc này chẳng phải xét xử lôi thôi cho mang tiếng với đời, con xin làm giấy cho vợ con đi lấy chồng là êm chuyện.
Ông Chánh án thấy Điệp khinh mạn, căm tức lắm không đáp: mà Điệp nói được câu ấy, thì lấy làm mát ruột mát gan.
Đến tối, sau một trận cãi nhau kịch liệt với bố mẹ vợ và vợ, Điệp lục hòm, lấy bức thư nặc danh bỏ vào túi, viết một cái giấy cho Thuý Liễu li dị, rồi gói ghém quần áo nhất định ra đi, bỏ cả việc làm, bỏ cả cha mẹ vợ, bỏ cả cái thai trong bụng vợ.
Nhưng mà ngày mới vào ở trong dinh, Điệp trân trọng cất kỹ hai bức thư, nay ở trong dinh ra, chàng chỉ còn lấy ra được một bức. Mấy trang giấy của Lan, viết bằng nước mắt và máu, chàng chỉ còn giữ được có thế để làm ghi tích tấm lòng của Lan thì đã bị Thuý Liễu xé dừ xé vụn vất vào đống rác với bó lan băm nhỏ mất rồi!
Thôi, nhưng mà được ly dị cùng Thuý Liễu, được ra khỏi cái gia đình đã giết chữ tình chữ hiếu của chàng, được khuất mặt những người đã đang tâm chia rẽ mối nhân duyên của chàng cùng Lan, đã dập tắt lửa lòng của đôi lứa thiếu niên tình sâu nghĩa nặng, Điệp thấy nhẹ nhàng khoan khoái như người tù tội được ra thoát ngục, như cây trong tối được thấy bóng mặt trời.
Điệp đáp xe lửa đêm về Hà Nội, rồi sáng hôm sau chàng không về nhà vội, nhưng lấy vé đi ga Kép, để đến chùa Phương Thành tìm Lan. Xiết bao tâm sự ngót một năm trời nó uất ức trong lòng bấy nay. Điệp không có người nào mà thổ lộ. Bây giờ đi tìm Lan, tìm Lan ngay vào lúc cái tâm sự ấy còn mới mẻ nguyên vẹn thì được gặp Lan. Điệp sung sướng vì chàng sẽ tha hồ mà kể lể nỗi duyên mới, mà than thở mối tình xưa…