Chương XVI
CHA THẰNG VŨ

     hiều hôm mồng ba, Vũ, bộ mặt có vẻ sát khí đằng đằng; tay cầm hai hộp kẹo tây, đến bệnh viện của Điệp. Nhưng Điệp đi vắng chưa về, Vũ hỏi thì người nhà bảo:
- Ông tôi đi Bắc Giang, hẹn về ngay, nhưng không hiểu làm sao chưa thấy về.
Vũ thất vọng băn khoăn nói:
- Tôi muốn thưa ông một câu chuyện, mà chờ đây có tiện không nhỉ?
- Được cậu cứ chờ, ông tôi cũng đoán là cậu sẽ trở lại.
Vũ ngồi ở buồng khách, thơ thẩn một mình, vừa buồn, vừa mong mỏi. Vũ sở dĩ đến đây, mục đích chỉ định ngủ nhờ một tối nữa để thực hành cái ý định mới xảy ra trong óc từ ban chiều, mà nghĩ đến việc ấy, Vũ quả quyết như một ông quan tòa khép án tội nhân vậy.
Vũ ngồi chống tay lên cằm, yên như phỗng đá, nột lúc, nắm tay, nghiến răng, trợn mắt, đứng phắt dậy, đi đi lại lại rất hùng hổ, rồi lại thở dài ngồi phịch vuống. Vũ nóng ruột lắm.
Nguyên theo lời Điệp dặn, sáng hôm sau Vũ đi tìm  làng cha đẻ, tên là Cách. Đó là một sự mà Vũ chẳng ngờ, vì Vũ hỏi thăm nhà ông Cách nhưng không ai biết ông Cách là ai. Người ta bảo:
- Cả làng này không có ai tên là Cách cả.
Đi một quăng nữa, đến trước nhà Hội đồng. Vũ gặp một vài ông già khăn áo chỉnh tề, đứng trò chuyện với nhau. Vũ bèn hỏi nhưng mọi người đều lắc đầu, đáp:
- Tên là gì chứ là Cách thì ở làng này không có.
Vũ ngạc nhiên, vừa bước đi một bước, bỗng có một ông nói:
- Này, hãy khoan, cậu.
Rồi ông ấy hỏi các ông kia:
- Hay Cách là thằng Tư Kềnh chăng?
- Tư Kênh sao lại tên là Cách?
Có lẽ phải, tôi còn nhớ ngày xưa nó có bảo nó tên là Cách.
Vũ vội hỏi:
- Thưa ông, vậy thì nhà ông ta ở đâu?
- Cậu cứ đi thẳng đường này, đến chỗ quá hàng rào xương rồng kia, thì rẽ sang tay phải, đi vào ngõ ấy qua độ ba bốn nhà, hết nhà có cái cổng đất thì là nhà nó đấy.
Vũ cảm ơn, chào rồi đi, nhưng tai còn được nghe một câu bình phẩm nát cả gan cả ruột:
- Thằng Tư Kênh mà cũng ông với ênh!
Vũ vào ngõ, trong bụng khấp khởi mừng thầm, cũng cái mừng hôm trước đứng cửa bệnh viện của Điệp, tức là cái mừng sẽ được trông thấy nhà cửa của cha, được trông thấy mặt mũi cha.
Đi càng gần tới, trống ngực càng đập mạnh. Vũ vui sướng quá.
Đến nơi, Vũ đứng ngoài cổng nhìn vào, định có gặp ai ở sân thì vẫy ra, nhưng chờ mãi, không thấy một người nào cả.
Cái nhà ấy chỉ có ba gian, mà lụp xụp quá. Gọi đúng tên ra, thì nó là cái lều, bức vách ba bên thì xiêu vẹo, nhưng cũng đỡ nổi cái mái bằng rơm mà làm gì chẳng đổ nổi cái mái khốn nạn ấy vì là rơm lợp đã lâu ngày, nó bết gí xuống, dính với nhau, trông mỏng tèo tèo. Đằng trước chẳng có cửa dả gì, nên ngày cũng như đêm, suốt năm nó ngoác miệng ra mà nhận lấy những trận gió cắt ruột của mùa đông, sức nóng thiêu mày của mùa hạ. Đằng trước nhà, một miếng đất, để gọi là sân rau giền rau sam và cỏ, tranh nhau mọc bừa bãi, bẩn thỉu quá! Toàn thể cả nhà cửa, đất cát, giá trị chưa bằng tấm áo mặc thường của các vị tiểu thư.
Nhìn kỹ từng ấy cái. Vũ bỗng nghĩ:
“Mẹ ta là con một ông quan đại thần, có lẽ nào có mang ta với người chủ cái nhà khốn nạn này? Hay ta lại lầm nốt chăng?”
Vũ rón rén bước vào sân, ngó trong nhà, thấy có độc một tấm phản, trên tấm phản có độc một người nằm đắp cniếu, kê đầu lên cái gối làm bằng nửa khúc tre.
Vũ phân vân, bèn gõ tay vào cột. Người ấy quay mặt ra nhìn, tự nhiên Vũ thấy rạo rực trong lòng, suýt ứa hai hàng nước mắt.
Người ấy ngồi nhổm dậy. Vũ chào, hỏi:
- Thưa ông, có phải tên ông là ông Cách hay không?
Người ấy nhìn Vũ từ đầu đến chân, rồi lắc đầu nói:
- Tôi là Tư Kênh, cậu hỏi gì?
Vũ hơi thất vọng, hỏi lại:
- Nhưng ngày xưa có bao giờ tên ông là Cách không?
Người ấy gãi cái đầu trọc tếch có lốm đốm tóc bạc, nghĩ, rồi lắc đầu có vẻ ngờ vực:
- Không! Cậu hỏi làm gì?
Đáp xong, người ấy chống tay xuống phản, nhăn cái mặt răn reo nứt rạn, ngồi lại chiều khác, ra dáng đau đớn lắm, Vũ nói:
- Mười lăm năm về trước ông tên là Cách mà?
Người ấy vừa thở vừa nói:
- Cậu đừng gọi tôi là ông, lỡ các cụ làng tôi nghe thấy.
- Không, ngại gì, ông ạ. Mười lăm năm về trước, có bao giờ ông tên là Cách không?
- À, phải, nhưng không phải tên, đó là “mè rô”. Tôi đi lính “mè rô mim tóa săng ván cách”. Người ta vẫn gọi quen tôi là Cách, nhưng ở làng vẫn gọi tôi là thằng Tư Kềnh.
Vũ giật mình đánh thót, chân tay run lên, xám mặt lại:
- Thế bây giờ ông làm gì?
Tư Kềnh lắc đầu:
- Tôi yếu lắm, làm gì được? Mới gần năm mươi tuổi đầu nhưng lắm bệnh tật lắm.
Vũ biến sắc mặt, bỗng hai dòng lệ rơi xuống đất. Vũ lấy vạt áo lau, rồi hỏi:
- Thế ông ăn bằng gì?
- Bữa đói bữa no, cậu ạ. Khi nào tôi khỏe thì đi hầu các cụ cũng được bữa cơm. Độ này ốm, thì ông Bá bên cạnh vẫn cho ăn, nhưng tôi nể lắm.
Vũ lặng người, vờ nhìn ra ngoài sân một lúc rồi lại hỏi:
- Thế nhà ông không có ai à?
Tư Kênh thở dài, nói:
- Tôi không có vợ mà cũng không có họ hàng. Nghèo khổ lắm, cậu ạ. Mong chết mà không được. Vả ốm yếu đói khát thì ma nào nó lấy!
Vũ không thể nhịn được nữa, đành mặc cho nước mắt nó tuôn ra.
- Ồng phải bệnh gì?
- Cái nghèo cái đói nó dễ sinh ra nhiều bệnh tật lắm. Nhưng cũng vì tôi đi nước độc về, nên bây giờ tôi bị tê thấp đã đến mười năm nay.
- Ông có muốn chữa khỏi không?
Tư Kênh giúm mặt lại cười, cái cười của người khốn nạn, rồi lắc đầu:
- Khỏi để phải sống khổ, thì tôi khỏi làm gì?
- Ông khỏi thì tự nhiên ông được đủ ăn súng sướng.
Tư Kênh lắc đầu. Vũ ngậm ngùi hỏi:
- Ông còn nhớ chuyện ngày xưa không?
- Chuyện gì?
- Tại làm sao ông nghèo khổ thế này? Trước ông đi lính kia mà?
- Phải, tôi đi lính khố xanh.
- Ông có đóng ở phủ, dưới quyền ông phủ Trần phải không?
Tư Kênh chống hai tay ra đằng sau, nghĩ rồi gật.
- Thế ông còn nhớ cô nào là cô Thuý Liễu không?
Tư Kềnh cựa mình nhăn mặt, run run hai tay suýt ngã. Vũ vội chạy lại đỡ, Tư Kênh rên hừ hừ nghiến răng nói:
- Cậu là mật thám…
Hai giọt nước mắt của Vũ rơi bộp xuống mặt Tư Kềnh. Vũ đắp chiếu cho Tư Kênh rồi tiếp:
- Không, tôi là người lương thiện.
Tư Kênh trừng trừng hai mắt nhìn Vũ. Vũ nói:
- Cô Thuý Liễu sai tôi đến thăm ông.
Tư Kênh vừa rên vừa lắc đầu:
- Không phải.
- Tôi nói thực. Ông cầm lấy cái này.
Vũ móc túi đưa cho Tư Kềnh cái giấy năm đồng vào tay. Tư Kênh nhìn tờ giấy bạc, rồi nhắm mắt nhăn răng ra cười, gò ngực lên mà hổn hển.
- Tôi cảm ơn cô Thuý Liễu, tôi cảm ơn cậu.
Vũ thấy Tư Kềnh sung sướng bao nhiêu, thì khổ tâm bấy nhiêu, mà càng khổ tâm bao nhiêu, càng giận mẹ bấy nhiêu. Vũ nói:
- Tôi thương ông lắm.
Tư Kênh gật, nói:
- Bây giờ cô ấy lấy ai? Được mấy con rồi?,
- Cô ấy lấy một ông Phủ, được bốn con trai.
- Trời ơi, chóng quá nhỉ! Thế ông Phán ấy sau ra làm quan à? Cô ấy sung sướng nhỉ. Thế mà cũng được làm bà quan!
- Thế ngày độ ông đi lính mãn hạn thì ông làm gì?
- Nào có được mãn hạn đâu! Tôi đóng ở phủ ấy được ít lâu rồi vì việc đánh mất đạn, quan bắt đổi cả năm người.
- Việc đó ông có rõ ai lấy không?
- Chả phải ai lấy cả. Có một hôm quan gọi tôi lên, bảo đưa cả bao đạn của tôi lên cho quan mượn nhưng ngờ đâu ngài giữ lấy, rồi bẩm tỉnh là tôi đánh mất đạn.
- Thế à? Sao ông không kêu?
- Kêu ai? Tôi phải đổi, cả đồn phải đổi, mà cả trại lính lệ cũng phải đuổi hết. Ở đồn mới được vài hôm, tôi bị bắt, là thông đồng bán đạn cho giặc cướp, rồi phải tù và bị giam ở một tỉnh trung châu. Ớ đấy, một hôm tôi xe cát vào dinh quan Chánh án, thì tình cờ gặp ngay cô Thuý Liễu và quan Phủ năm ấy làm Chánh án tỉnh này. Bởi vậy, hơn một tháng sau, tôi phải phát vãng lên mạn ngược, trên Sơn La. Tôi ở đấy, không chịu được nước, suýt chết mấy lần. Nhưng thà chết ngay ngày ấy, còn hơn đeo bệnh tật vào mình mà sống dai dẳng đến bây giờ.
- Thế là ông dại nên mới phải tội oan.
- Phận hèn thì còn kêu thế nào được oan! Tôi biết là quan thù tôi vì một việc.
- Việc gì?
- Việc tôi với cô Thuý Liễu.
Vũ vờ hỏi:
- Sao lại dính đến cô Thuý Liễu?
Tư Kênh nghĩ ngợi, rồi tươi tỉnh hẳn lên, vì được nhắc lại cái đời sung sướng đã qua:
- Nguyên ở phủ ấy, nhà tư chỉ cách trại cơ có cái sân bếp chừng hai mươi bước. Buồng cô ngay ở đầu nhà, có cửa sổ trông xuống trại. Ngày ấy tôi còn trẻ trung, đẹp đẽ, khỏe mạnh lắm và chưa vợ. Cũng là vui chơi với nhau trong trại, anh em chúng tôi hay hát, hát tuồng, hát chèo, hát lý, kể kiều Sài Goòng, kể sa mạc. Trong bọn anh em, tôi có giọng tốt nhất. Một hôm về tháng tám, tôi đang kể sa mạc, bỗng trông ra ngoài phía trên buồng cô, thấy cửa mở đèn tắt, mà cô thì ngồi ở trong, muốn chừng đang nghe. Tôi thấy vậy, im không hát nữa, thì văng vẳng, tôi nghe tiếng đàn cô đánh. Hôm sau, lúc đó gần canh ba, trời sáng trăng, tôi lại bắc chõng ra sân, và cũng kể sa mạc. Tôi lại trông thấy cửa buồng cô mở ra, và thấy bóng cô đứng đấy. Vì hôm trước có đám cướp to ở cuối phủ, nên tối ấy quan đi tuần với thầy quản Đòn và ba người lính; chỉ còn anh Tắng Sít canh ờ cổng, và tôi ở nhà coi trại mà thôi. Tôi thấy cô nghe, phần sợ cũng có, phần muốn ghẹo cô cũng có, tôi lại im không hát nữa. Nhưng tôi vừa im tiếng hát, thì lanh lảnh cô gọi:
- Anh Cách hát nữa đi.
Tôi bèn cố lấy giọng, hát những câu cực hay, thì thấy cô leo lên cửa sổ, ngồi phệt, thòng chân xuống gọi:
- Này, anh Cách lại gần đây mà hát.
Tôi nhìn trước nhìn sau và trong bếp, thấy vắng vẻ quá, vì quan đi vắng, nên người nhà cũng đi chơi, mà trên nhà trên, bà lớn và các cô cũng đi ngủ cả, nên đánh liều, tôi bắc chõng lên sân bếp để hát, nhưng hát khẽ thôi, vì tôi sợ trên nhà biết thì phải chửi. Nhưng cô bảo:
- Hát to lên anh!
- Bẩm cô, con sợ trên nhà nghe tiếng.
- Thế thì lại gần đây mà hát. Anh hát hay lắm.
Tôi trong bụng đã thấy muốn giở mặt liều, nhưng nghĩ mình hèn mọn, ngộ lỡ ra thì tù mọt gông, tôi bèn nói:
- Bẩm cô tha phép cho con.
- Không sợ! Anh hát rồi tôi sẽ thưởng cho anh; hôm nay vắng vẻ, tôi cho anh cứ tự do mà.
Nói đến đó Tư Kềnh thở dài. Vũ nói:
- Thế là tôi hiểu rồi. Thôi, ông không phải nói thêm nữa.
- Vâng. Nhưng cậu phải biết là cô ấy mê tôi trước, chứ Bụt trên tòa gà nào dám mổ mắt. Ngày ấy quan bắt cô ấy uống thuốc mãi, nhưng không làm thế nào cho cái thai ra được.
Vũ tái mặt, nói lảng:
- Nhưng sao ông không khiếu oan, kể rõ đầu đuôi như thế?
Tư Kềnh thở dài, cựa mình, hai tay chống lại, lắc đầu, nói:
- Mình dại mình chịu, đổ tiếng cho người ta thì mình có hay thêm gì đâu. Vả tôi không nỡ, vì ngày ấy tôi được cô ấy thương tôi lắm.
- Thế bây giờ tôi hỏi ông câu này, ông nói thực nhé.
- Vâng cậu cứ hỏi.
Vũ móc túi, lấy mảnh giấy nặc danh hôm trước Điệp đưa cho, hỏi:
- Có phải thư này ông viết phải không?
Tư Kềnh cố gượng ngồi dậy, đọc từ đầu đến cuối bức thư.
Trong khi ấy Vũ ngắm cái nét mặt xanh xao của Tư Kênh, và mong một tiếng trả lời ở cửa miệng người ấy.
- Phải!
Vũ như bị sét đánh, bỗng nức nở khóc, làm cho Tư Kềnh trố mắt lên nhìn, chẳng hiểu sao cả.
- Phải, thư này chính tay tôi viết, khi tôi chưa lên Sơn La. Nhưng cậu ơi, cậu làm ơn bảo cho tôi biết rồi sau cô đẻ con trai hay con gái.
Vũ cau mặt nghĩ. Bỗng nắm chặt tay, Vũ đấm xuống phản, rồi hỏi:
- Ông bảo gì?
- Cậu làm ơn cho tôi biết rồi sau cô đẻ con trai hay con gái?
- Đẻ con trai, đứa bé ấy hiện vẫn còn sống và ở với cô Thuý Liễu, nhưng nó bị cực nhục lắm, chính tai tôi nghe thấy mấy lần nó bị mẹ nó diếc là con nhà lính mà tính nhà quan.
Tư Kềnh lác đầu:
- Bạc quá! Ác quá! Bất nhân quá? Hèn nào mà rồi tôi hỏi thăm, có người nói rằng ngày mới đẻ đửa bé cô ấy bóp nó chết ngạt, nhưng may có người biết.
Vũ giật mình đánh thót, rụng rời chân tay. Một lúc mới hỏi:
- Đứa bé bị bạc đăi, vẫn cố đi tìm ông đấy.
Tư Kềnh thổn thức lên khóc, gò lưng mà ho sù sụ, nhăn nhó, gục đầu xuống cổ, quệt vai áo lên mắt:
- Con ơi!
Vũ cũng khóc.
Tư Kênh ho mệt quá, nhờ Vũ đỡ nằm và bảo:
- Vậy cậu có gặp nó, nhờ cậu làm ơn đưa nó về đây cho tôi.
- Thế nào rồi ông cũng gặp con ông, ông cố sống thêm hai ba năm nữa. Nó sẽ nuôi nấng ông được tử tế. Ông sẽ có lắm tiền nhiều bạc.
Tư Kênh thở dài. Hai người lặng nhìn nhau hồi lâu, mỗi người hiểu một cách, rồi Vũ cầm mũ cáo từ ra đi…