Chương 7
ĐẠN LÒNG

     au mấy hôm tá túc, tôi rời khỏi khu số 4 Đà Lạt. Thành được phép bác Sáu, tháp tùng theo giúp tôi xuống lập nghiệp tại Phú Hội như dự định, và gởi tôi ở tạm nhà một người bạn tốt bụng của anh.
Những ngày đầu, cứ mỗi buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, tôi đến làm vài công việc cho ông bà Đắc, một gia đình khá thân quen, do chị Nhung giới thiệu từ năm 1971, trước lúc tôi lên đường hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào, nên đỡ khổ cho thân phận lạc loài còn chân ướt chân ráo nơi xứ lạ này.
Ngôi nhà ông bà Đắc khá rộng, hai ba căn, cái ngang tường gạch lợp ngói, cái dọc vách ván che tôn, nằm âm u giữa vườn cây đủ loại hoa màu. Phần hành tôi rất nhẹ, thích hợp với cơ thể tàn tật, lại được hậu đãi, là chỉ lo đóng kín các cánh cửa chung quanh khi màn đêm buông xuống, và chờ bầy gà về chuồng để đếm từng con, thiếu thì đi tìm.
Hồi xưa từng là cấp chỉ huy, nhờ cái uy tôi điểm danh đơn vị dễ dàng. Bây giờ hết lửa, gặp đàn gà hàng trăm con trống lẫn mái, ghét nhất đám vừa nở liu chiu lít chít, vô “kỷ luật”, chạy tán loạn và ỉa vãi tùm lum. Vất vả lắm tôi mới trấn áp được chúng.
Xong, bà Đắc cho tôi một lon gạo với mớ khoai khô.
Vì sa cơ thất thế tôi làm kiếm gạo nuôi gia đình, chứ ngao ngán thật. Ngao ngán không đâu, tôi còn chịu nhiều tủi nhục, hằng ngày thấy đủ hạng người. Bọn cán bộ thì thường xuyên lui tới, buông những lời bóng gió, mỉa mai. Lắm lúc họ nói thẳng tôi là tàn dư Mỹ Ngụy, có quá khứ tội ác, đầy nợ máu nhân dân. Mấy cụm từ này tuy nghe quen thuộc, tôi vẫn thấy nhức nhối, cay đắng cổ họng.
Phần đông lũ ngốc nghếch đó mới tập kết về, đã từng là đồng chí thân cận với ông Đắc và Hồ Nghênh, hiện Chủ tịch ủy Ban Quân Quản Đà Nẵng, hồi còn hoạt động kháng chiến chống Pháp ở Hội An Quảng Nam. Mặt mũi ai cũng bặm trợn, đầy sát khí. Lối ăn nói thì rập khuôn theo một thứ ngôn ngữ ngược ngạo, man trá, hay khoe khoang khoác lác, như lục súc tranh công “đánh Mỹ cứu nước”.
Trước sự khinh bạc ấy ông bà Đắc vẫn làm lơ, không một lời biện bạch. Ngay mấy người con trai trong nhà, HL, HP và HT mới ngày nào còn gọi tôi bằng anh rất thâm tình ngọt lịm nay cũng trở mặt lạnh nhạt. Ngoảnh mặt vì họ đã thoát ly gia đình theo “cách mạng”. Tội nghiệp, dù chỉ là một thứ “cách mạng 30″, đợt chạy theo sau ngày 30-04-1975, nhưng họ học thói gian xảo rất lẹ không kém bọn Cộng Sản chánh thống.
HL làm tới chức thanh tra của bộ phận giáo dục tỉnh Lâm Đồng, HP Chủ Nhiệm Hợp Tác Xã Phân Bón Đà Lạt, HT thì cầm đầu đoàn thanh niên Hồ Chí Minh ở huyện Đơn Dương. Chưa kể bà Đắc là Tổ Trưởng cái Tổ Mẹ Chiến Sĩ Giải Phóng Quân xã Phú Hội. Độc nhất đám cách mạng 30 này chỉ có cô em HTT không thoát ly, còn kịp thoát thân chạy theo chồng, cựu Trung tá Ph., một viên chức Phủ Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu qua Canada tỵ nạn. Tất cả đều hăng hái tham dự mọi sinh hoạt, hội họp liên miên những tháng năm đầu dưới gót giày quân Bắc Việt.
Đời sống hằng ngày của tôi quá bất ổn bởi khác biệt chính kiến. Rồi gia đình nhỏ bé ấy tự nó chia ra hai khuynh hướng rõ rệt, để kèn cựa nhau, từ khi miền Nam sụp đổ.
Trong cuộc “đấu tranh” mới, hai bên lâm trận không phải dùng tới các loại vũ khí hiện đại tấn kích đối thủ cho thịt nát xương tan, mà họ chỉ tiến công bằng một thứ “đạn lòng”, nó vô hình mà độc, đốt cháy cả tâm can con người. Họ cũng áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung, cài chốt phỉnh dụ. Lực lượng đôi bên lại chênh lệch, mình tôi chống năm, những kẻ a tòng với lũ vô nhân, biến gia đình thân yêu thành bãi chiến trường tàn bạo hơn bao giờ hết.
Tội nghiệp ông Đắc, không phải do bản chất, chỉ vì trào lưu lôi cuốn, đành tiếp tay kẻ thù. Để được tin dùng, lý lịch cá nhân trong sạch chưa đủ, còn có quá trình hoạt động là nhúng tay vào phá rối sự trị an của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, nên ông viết đi sửa lại từng chi tiết các chiến công ma “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Hằng ngày, ông sốt sắng tham gia các công tác, mà công tác nào cũng nhằm mục đích là bần cùng hóa nhân dân, tận diệt tư sản, tịch thu nhà cửa, máy móc, xe cộ, rồi đày đọa họ vào rừng sâu nước độc khai sơn phá thạch làm vùng “kinh tế mới”, để biến sỏi đá thành cơm. Chúng còn thường xuyên phát động các chiến dịch bươi móc, tố khổ gắt gao, làm tan gia bại sản những ai đã phục vụ chế độ cũ, hầu đoạt vợ lấy con của nạn nhân.
Đó là công tác “cách mạng” của mấy cha con ông Đắc.
Cộng Sản miền Bắc áp dụng chính sách trá thù bỉ ổi đồng bào miền Nam, tàn bạo hơn Thái Thú Tô Định giặc Tàu ngày xưa, bắt dân Việt mò châu đáy biển.
Tôi đã chứng kiến nhiều buổi họp cấp xã, từ dựng chuyện phê bình kiểm thảo, lôi đời tư những người không tuân theo chủ trương đường lối nhà cầm quyền ra hạ nhục, chí đến các tòa án áp chế nhân dân được tổ chức lưu động tại huyện Đức Trọng.
Luật lệ tùy hứng của “cách mạng” cũng có một điều khoản rất tình người, hơn cầm thú nhiều, là “hậu đãi” tử tội bữa ăn cuối cùng ngay bên miệng huyệt trước khi nổ súng kết liễu đời họ. Tôi đã thấy bao lần ở pháp trường được thiết lập nơi nghĩa địa, đối diện thác Gu-ga, kế nhà tôi. Nước mắt kẻ sắp bị hành quyết rơi lã chã như mưa, bên cạnh một dĩa cơm với miếng thịt gà nuốt không nổi, đang lúc đó những người đứng chung quanh bị xúi giục đồng thanh la hét có nhịp điệu cho tới khi những tia máu phọt ra từ các lỗ đạn trên ngực, trên đầu nạn nhân.
Thời buổi thượng cám hạ vàng, HL mới lên chức thanh tra ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, sau một khóa tu nghiệp chính trị tại Tùng Nghĩa. Mỗi cuối tuần HL về một lần, trước thanh tra, sau “thanh toán” bất cứ ai trong nhà ăn nói phản động, và giở giọng ca ngợi chủ nghĩa xã hội như những con người văn minh, sáng tạo…
Một hôm, gặp dịp có chị Dương Thùy Nhung từ Sài Gòn lên chơi, HL bốc hứng kể một câu chuyện đọc trong sách xuất bản ngoài Bắc: “… Sau trận đánh, một anh bộ đội bị lạc trong rừng. Khi tới một ngã ba đường mòn, anh phân vân chưa biết rẽ hướng nào khỏi lọt tay địch. Chợt nhớ bài học Đảng dạy, anh liền cúi xuống ngửi dưới đất, từng cọng cây chiếc lá, thì nghe mùi dép râu lẫn mồ hôi của các đồng chí trên lối phải, còn bên trái, hoa lá cành xơ xác gãy đổ, chứng tỏ do bọn lính ngụy đi càn. Anh quyết định quẹo phải, quả thật, anh gặp lại đơn vị an toàn”.
Kể xong, HL đắc ý khen: “Anh bộ đội thông minh ghê!”. Chị Nhung buột miệng: “ứ, thông minh quá đi chứ! Chú bộ đội ngoan của Bác Hồ đánh hơi tài thật! Nếu có ở đây, chắc chú ngửi cái ghế này là biết ngay mùi đàn ông hay mùi đàn bà vừa mới ngồi”.
Nghe vậy ai cũng cười rầm lên, riêng ông thanh tra ngành giáo dục thì muốn độn thổ.
Nhung, con bà dì Hai của tôi, có sáu anh chị em ruột, hai trai bốn gái. Ông anh cả chết từ lâu, anh kế chị là Dương văn Phi tập kết ra Bắc, được qua Nga học, tốt nghiệp phó tiến sĩ, về dạy tại Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Số còn lại, các em rể chị: Trần Ngọc Xuân, Phan Quang Ân… đều là sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thời con gái, nhờ cha mẹ giàu sang, Dương Thùy Nhung, Dương Thùy Hương, Dương Thùy Nguyệt và Dương thị Tuấn như các tiểu thư thành phố Đà Nẵng. Các chị quen sống trên nhung lụa, chưa biết gian khổ là gì cho tới ngày lấy chồng rồi mất nước. Khi giặc về, quê hương tan tác, nhà cửa bị tịch thu, chồng tù đày, mấy chị bắt đầu tơi tả, lạc lõng, kẻ địu con lên núi, người trôi dạt biển đông cùng con cái chết mất tích trên đường tìm tự do, như Dương Thùy Nguyệt, vợ Trung tá Phan Quang Ân, Tiểu đoàn trường TĐ Tiếp Vận, Sư Đoàn 2 BB.
Trong ba người, tôi mến nhất chị Dương Thùy Nhung.
Năm 1971, tôi tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào. Chiến trường rất ác liệt, ngày nào cũng có người chết, bị thương, đưa về nằm đầy các bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng và Nguyễn Tri Phương Huế. Vì lo sợ cho tôi, Nhung mong tôi thà sớm gãy chân hay gãy tay để còn được sống. Đọc thư, tôi không buồn trách, bởi lẽ hai miền, như đã nói, đều có người thân cật ruột của chị. Cuộc chiến Việt Nam, đối với chị Thùy Nhung, là một cuộc chiến phi lý, cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thít. Chị cứ khư khư bảo thủ cái quan niệm yếm thế ấy, như muốn chủ bại. Một lần, cũng năm 1971, TT Nguyễn văn Thiệu tái ứng cử, nhưng vì độc cử, nên Phật giáo Đà Nẵng tổ chức biểu tình phản đối. Bắt gặp một tên Việt Cộng giả thầy chùa, mặc áo nâu trà trộn, sẵn có lệnh, tôi dẫn hai trung đội Biệt Động Quân chặn bắt. Thấy tôi ngang qua trước cửa cây xăng Trinh, chị vội bước ra chỉ tay vào tôi, hét to: “Cậu Vân? Đừng có đụng chạm Phật giáo của mình?”.
Thế mà ngay mấy tháng đầu chiếm miền Nam, Cộng Sản Bắc Việt cũng chẳng buông tha gia đình chị, chúng liền cướp cây xăng Trinh, cả ngôi nhà lầu ở Chợ Mới và đuổi hết chồng con chị ra đường. Đến lúc đó không riêng chị, biết bao người khi hiểu bản chất gian manh, thủ đoạn của những kẻ Marxist thì đã muộn.
Nay lại trôi dạt lên xứ núi này, gian khổ đang chờ đón gia đình chị. Gian khổ không những thiếu ăn, thiếu mặc, mà còn thiếu cả tình thương gia tộc, bởi lập trường nghiêng ngả theo chủ nghĩa vô thần của ông Đắc, gây nên cảnh hiềm khích, đố kỵ, đánh mất tình ruột cật.
Vừa dừng bước, chị Nhung đã nghe những lời quàng xiên, ngạo mạn. Bữa cơm dọn lên bàn, thấy HT quơ tay đuổi ruồi, ông Đắc đang ngồi, vụt đứng dậy bước tới vừa mở toang hai cánh cửa sổ vừa nói lớn để mọi người nghe: “Đuổi, đuổi cho bọn Biệt Động Quân rớt phăng xuống biển”. Xong, hai cha con khoái chí cười ha hả. Hành động ấy gián tiếp xỉa xói tôi. Biệt Động Quân là một binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã phục vụ một thời trai trẻ.
Chị Dương Thùy Nhung chỉ biết nhìn tôi, mà “ngậm một mối căm hờn trong cũi sắt”.
(4) Chương 6, trang 80- “Giặc Ngoài Loạn Trong”. Cuối năm 2000, tôi gởi biếu quyển Tiếng Hờn Chân Mây đến hai vị cựu Thượng nghị sĩ VNCH, Luật sư Nguyễn văn Chức và Bác sĩ Tôn Thất Niệm. Bất ngờ được đọc, như nghe lại những lời phát biểu của chính mình cách đây 26 năm về trước, trong một phiên họp khoáng đại thượng viện 1974.
Bs Niệm, có phòng mạch trên đường Bolsa, Nam Califomia, nói với Tác giả: “Lâu quá tôi quên, không nhớ những lời phát biểu của tôi”. Còn Luật sư Nguyễn văn Chức, từ Texas điện thoại qua, thì tỏ nỗi ngạc nhiên và xúc động: “Đúng là bài tham luận của tôi đã thất lạc. Ở đâu mà Vân có vậy?” Bỗng giọng ông như muốn khóc: “Tôi bị oan, Vân ơi? Tôi bị oan?”. Lời kêu oan ấy cũng làm tôi nao núng dù tôi không hiểu “bị oan” chuyện gì. Tôi nghĩ, ngày xưa ông là một vị thẩm phán nổi tiếng cương trực, sao lại bị buộc vào một tội nào đó. Hay ông cựu nghị sĩ buồn vì đọc thấy câu nói của ông Sáu: “Đấy, NS Tâm còn nương tay, đến lượt NS Nguyễn văn Chức thì ông đem hết những lời lẽ rất nặng ký, như những cú đấm thôi sơn nhắm thẳng vào Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, làm lung lay luôn cả chế độ. Do đó, bọn Cộng Sản chỉ đạp nhẹ thôi, miền Nam đã nhào trái. Đây, Vân xem tài hùng biện của một luật sư ‘ (Tr. 73).
Tôi nhớ năm ấy ông gọi tôi vào một chiều mùa đông, khác với quê nhà, nơi xứ lưu vong này trời lạnh căm căm, tôi càng thêm bùi ngùi sau khi ông vừa dứt lời.