-31 -32-
Vừa biết chớm buồn

    
ôm nay, thầy Đàn nghỉ dạy. Học trò sắp hàng vào lớp, chờ thầy đến giờ ra chơi, thầy vẫn không tới. Ông Đốc cho phép học trò lớp nhì 2 về. Tối qua, Côn đến nhà thầy trọ thăm thầy. Thầy hỏi nó rất nhiều chuyện, khuyên nó không nên quen với lính Nhật. Năm ngoái, thầy Đàn yêu Vũ nhất lớp. Vũ bị đuổi học, thầy dành tình yêu ấy cho Côn. Khi Côn chào thầy ra về, thầy cầm chặt tay nó, dặn dò:
- Con hãy can đảm như thằng Vũ. Không xin lỗi những kẻ như lão phó cẩm, dù có chịu thiệt thòi. Thầy bằng lòng có nhiều học trò can đảm. Con phải biết yêu nước, như những thằng bé mà thầy đã kể cho các con nghe, rút trong truyện Tâm hồn cao thượng. Nước ta sẽ độc lập, con ạ!
Côn chưa hiểu độc lập là gì. Nó nhớ lời thầy dặn. Buổi chiều, Côn lại đi học. Thầy vẫn nghỉ dạy. Lúc giờ ra chơi, thằng Vọng cho Côn biết, thầy Hoan cũng không tới trường, sáng nay. Côn bỗng giật mình đánh thót một cái. Nó chợt nhớ chuyện bố thằng Huấn theo lính sen đầm vào trường, khóa tay thầy, bắt về sở cẩm, hồi năm ngoái. Côn hỏi Vọng:
- Sáng, mày vào trường sớm không?
Vọng đáp:
- Tao leo cổng vào. Tao đến sớm nhất, nên lão tùy phái chưa chịu mở khóa cổng.
- Mày thấy lính sen đầm vào trường không?
- Không.
- Lạ nhỉ?
- Lạ gì?
- Thầy tao không bị bắt, tại sao thầy tao nghỉ?
- Chắc thầy mày ốm.
Côn gật gật cái đầu. Mó rủ Luyến và Lộc đi thăm thầy. Bà chủ trọ bảo thầy chúng nó xách hành lý ra bến xe từ sáng tinh mơ. Côn buồn lắm. Nó tưởng chừng vừa đánh mất một bảo vật. Không, Côn tưởng chừng người thân yêu của nó vừa chết. Thầy Đàn đi đâu? Côn rươm rớm nước mắt, nghĩ tới những lời thầy dặn, tối qua. Nó thầm trách thầy bỏ học trò mà đi không nói, không cho biết thầy sẽ dạy ở đâu để nó viết thư thăm thầy. Côn chia tay bạn. Nó lầm lũi về nhà, chẳng thiết ăn cơm. Nó lên giường, đắp chăn ngủ, quên cả thay quần áo. Cha nó tưởng nó bị cảm, rờ đầu nó. Thì Côn khóc thút thít:
- Sao con khóc? Đứa nào đánh con? Hay bị thầy phạt?
Côn ôm lấy cánh tay cha:
- Thầy con đi rồi...
Cha nó thấm nước mắt cho nó:
- Thầy con đi có việc, thầy con sẽ trở lại.
Côn nức nở:
- Không, thầy con đi luôn. Thầy con bỏ con rồi. Con không thèm đi học nữa đâu.
Cha Côn dỗ dành mãi. Lát sau, Côn ngồi dậy, hỏi bố:
- Bố ơi, thầy bảo nước ta sẽ độc lập hở, bố?
Cha thằng Côn vội đưa tay đặt khẽ vào miệng Côn:
- Con đừng nói thế nữa.
Côn tròn mắt:
- Tại sao, hở bố?
- Mật thám sẽ bắt. Con nhớ chưa, cấm không được nói độc lập với bất cứ đứa nào. Con mà nói, mật thám nghe được, sẽ bắt con, bắt cả nhà, hốt vào nhà lao.
Trái tim thằng Côn đập thình thình. Nó vẫn hỏi bố:
- Tại sao thầy con bỏ đi?
Cha nó nhìn quanh, rồi khẽ nói:
- Thầy con là nhà cách mạng. Thầy con bỏ đi, vì sợ Tây và Nhật bắt giết.
Côn lại nằm xuống:
- Con thương thầy con.
Cha nó đập nhẹ bàn tay lên lưng nó:
- Con thương thầy con, đừng nói những tiếng độc lập, cách mạng, nhớ chưa?
- Thầy con dạy con phải biết yêu nước.
- Thầy con thương con lắm. Thôi ngủ đi, nhớ đừng nói chuyện này với bạn con.
Côn nhắm mắt. Chờ cha đi khỏi, nó lại mở mắt thao láo, nhìn lên đình màn. Côn đã biết tại sao thầy nó bỏ ngôi trường tiểu học thị xã. Thầy nó là nhà cách mạng. Thầy nó bỏ đi để làm cho nước ta độc lập đây. Côn mong độc lập. Nước ta độc lập, nó sẽ gặp lại thầy nó. Bây giờ, Côn mới ghét Tây, ghét Nhật. Tây và Nhật định bắt thầy nó giết chết, nên thầy nó phải trốn tránh. Côn sẽ không thèm chơi với lính Nhật nữa. Suốt đêm đó, Côn không ngủ. Nó chỉ chập chờn mơ màng. Thức giấc, Côn lại cầu khấn Phật Trời phù hộ thầy nó, để thầy nó khỏi bị Tây và Nhật bắt giết.
Hôm sau, Côn đến trường thật sớm. Nó ngồi dưới gốc cây soan tây. Hoa soan đã kết thành trái. Những chùm trái dài đen xì, trông đáng ghét quá. Hoa nở đỏ rực rỡ, thế mà kết trái gớm ghiếc. Côn thèm kể những gì nó biết cho Luyến nghe. Nó sợ mật thám bắt cả nhà nó. Ngồi cạnh Luyến, cơn thèm càng tăng lên. May mắn, Luyến không gợi chuyện thầy nghỉ dạy. Con nhà Luyến bị giấc mơ Hà Nội ám ảnh. Nó hích Côn:
- Bao giờ đi Hà nội hở, mày?
Côn đáp:
- Sẽ đi. Thằng Vũ nó bảo nó dám đứng trên cầu Thê Húc câu cá trộm ở hồ Gươm.
Luyến khoái chí:
- À, hồ Gươm tao biết rồi. Sách Quốc văn giáo khoa thư kể truyện hồ Gươm có con rùa thần dâng kiếm trả vua Lê. Nhân tiện thầy nghỉ, tao với mày lên Hà Nội đi.
Côn không còn thể nhớ lời bố nó dặn nữa. Nó vỗ vai Luyến:
- Thầy mình đi luôn rồi.
Luyến ngạc nhiên:
- Sao mày biết?
Côn xuỵt khẽ một tiếng:
- Tao nói cho mày nghe thôi, đừng kể cho đứa nào nghe, nhé! Mày mà kể, mật thám nó bắt cả nhà tao, lẫn nhà mày. Bố tao bảo nó sẽ giết chết.
Luyền thề:
- Ông mà kể cho đứa nào nghe, ông chết hộc máu.
Côn dặn:
- Nhớ nhé!
Luyến gật đầu lia lịa:
- Nhớ rồi.
- Tao dẫn mày vào nhà xí nói nhé?
Luyến nhìn khắp sân. Sân trường im vắng. Các lớp đã vào học. Những đứa được nghỉ kéo nhau đi bơi hay về nhà hết. Luyến nói:
- Nói đi, đếch có đứa nào.
- Mày ngó trên cây xem.
- Chỉ có quả soan tây.
Côn làm bộ quan trọng, ghé sát tai Luyến:
- Thầy mình là nhà cách mạng!
Luyến hỏi:
- Cách mạng là cái gì?
Côn nói nhỏ hơn:
- Bố tao bảo Tây và Nhật nó định bắt thầy đem giết, nên thầy trốn.
Luyến lè lưỡi. Tự nhiên, mặt nó xám xanh.
- Thầy dặn đừng chơi với lính Nhật. Mày ghét Nhật không?
Luyến vung tay:
- Ông ghét Nhật.
Hai đứa đang thì thầm to nhỏ, thấy từ cổng, cha thằng Huấn dẫn lính sen đầm đến trường. Côn nắm chặt tay Luyến:
- Hễ hé răng, mày chết đó.
Côn và Luyến đứng dậy, mon men về phía lớp học. Chúng nó đứng run lẩy bẩy, nhìn ông Đốc đưa lính sen đầm vào từng lớp. Nửa tiếng sau, lính sen đầm ra về. Ông Đốc vẫy Côn tới gần:
- Họ đến bắt thầy con.
Côn thở phào sung sướng. Thầy nó đi xa rồi. Côn lấy làm hãnh diện câu chuyện của nó. Nó thúc bụng Luyến:
- Mày tin tao chưa?
Luyến định kể cho Lộc nghe. Tận mắt nó, nó chứng kiến cảnh lính sen đầm đem khóa tay vào trường bắt thầy, nó đâm ra sợ. Luyến liếm môi:
- Tao không nói với đứa nào cả.
Hai đứa khoác vai nhau, ra khỏi sân trường. Côn ngước nhìn những quả soan tây đen xì. Và, nó tiếc những cánh hoa đỏ rực, giữa mùa hạ.
31
Cái lồng chim nhỏ nhắn, xinh làm sao. Lồng đan như hình cái chuông ấy. Con chim cu gáy mới đẹp chứ. Đôi mắt nó hiền hiền là. Cổ nó có những điểm lấm chấm, y hệt công phét ti rắc trên đầu con gái. Cậu Nhị, đem nó từ làng Thanh Triều lên, cho Côn. Nó đã đi nửa ngày đò, xuôi theo dòng sông Trà Lý. Cậu Nhị bảo chim cu gáy nó hay xấu hổ lắm. Vì thế, muốn nó gáy thật nhiều, thật hay, phải lấy vải che kín cái lồng. Cậu Nhị thửa hai cái cóng sứ, đeo hai bên sà ngang. Mỗi ngày, Côn đổ nước và kê vàng nuôi chim. Cậu Nhị còn bảo cho chim cu uống nước sâm, giọng hót của nó hay tuyệt cú mèo. Côn nâng niu con chim cu gáy suốt ngày. Côn muốn cho Thúy con chim. Nó chờ Thúy theo mẹ tới nhà nó mua họ, sẽ khoe Thúy những điều cậu Nhị nói với nó, về con chim cu gáy.
Thúy đã chẳng tới. Thúy giận Côn rồi. Tại Côn nổi giận phóng phi tiêu, làm chết chim khuyên của Thúy đấy mà. Côn nghĩ thế. Nó tin tài phóng phi tiêu của nó. Phóng cả năm phi tiêu, thế nào cũng chết vài chú vành khuyên.
Chắc thằng chó Hội sẽ lại cho Thúy thêm chim khuyên. Thúy chơi thân với nó. Thúy không thèm biết đến Côn nữa. Côn buồn quá. Nó phải tẩn thằng Hội một trận mới được. Có gì, ông Đốc đuổi, nó lên Hà Nội học với Vũ. Sướng chán. Tỉnh lỵ chả còn gì lưu luyến Côn. Thầy Đàn bỏ trường đi. Sân bóng, lính Nhật chiếm đóng. Lối xuống An Tập, Đoan Túc, lính Nhật đặt súng máy. Những băng đạn dài, vàng khè, trông phát sợ. Cầu Bo thì Tây cấm, không ai được dừng chân ngắm sông nước. Lính Nhật rải quân cả ở hồ Phúc Khánh. Mấy tháng trước, lính Nhật chỉ đóng tại đầu tỉnh và Câu lạc bộ. Bây giờ, lính Nhật đóng lung tung. Lính Nhật không còn vẻ hiền hòa như ngày vừa sang Thái Bình nữa. Xe hàng qua ngã tư Vũ Tiên, lính Nhật khám xét.
Từ hôm thầy Đàn khuyên Côn đừng chơi với lính Nhật, rồi bố nó bảo Nhật định bắt thầy giết chết, Côn thấy lính Nhật hung ác vô cùng. Côn chả thích đi đâu. Mà chỉ muốn đến nhà con Thúy.
Thúy không thèm chơi với Côn. Thúy không khen Côn đi xe đạp giỏi, Thúy chế Côn là xiếc Việt Nam, xiếc đi xe đạp rách tan cả quần. Côn ghét Thúy, ao ước Thúy hóa thành con quạ đen, khoang trắng.
Côn không thể ghét Thúy mãi, ghét Thúy luôn. Côn ghét Thúy một lúc, ghét Thúy khi gặp Luyến thôi. Con Thúy là cái thớ gì, mà Côn không dám ghét nó. Côn chẳng hiểu. Chỉ biết không gặp Thúy, Côn thấy nhơ nhớ. Côn thèm nói hai tiếng Thúy ạ, và nghe Thúy nói Côn giỏi ghê. Hai tiếng Thúy ạ ấm áp, cơ hồ một cơn nắng hiếm muộn, trong những ngày mùa đông lạnh lẽo.
Côn đang ngồi trên bực cửa nhà sau, nghe chim cu gáy, nhớ Thúy. Ngọc lon ton theo mẹ tới nhà nó. Côn tựa tay lên cằm, ngước mắt ngó cái lồng chim. Con Ngọc vui vẻ hỏi:
- Côn làm gì đấy?
Thằng Côn lờ đi. Nó không ưa con Ngọc. Đôi bận, Côn đã lẩm bẩm hai tiếng Ngọc ạ. Nó thấy hai tiếng này nặng nề, như tiếng dân miền bể Tiền Hải, chả lên bổng xuống trầm tí ti ông cụ nào. Thúy ạ êm ái, tựa nhạc Chiều quê của Hoàng Quý. Còn Ngọc ạ, giống hệt Anh anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu.
- Côn điếc à?
Côn nghĩ thầm, Con bà cô này đoảng vị ghê. Người ta không thèm thân, mà cứ đòi thân. Nó chẳng buồn tức con Ngọc cái tội bảo nó điếc. Côn ngồi đần mặt ra, tưởng chừng đương lạc vào một niềm bâng khuâng nào đó.
- Thúy nó ghét Côn lắm, nó xui Ngọc đừng chơi với Côn.
Côn vụt đứng dậy:
- Đây nghe rõ hết.
Ngọc nhí nhảnh:
- Côn không điếc à?
- Ừ.
- Thúy nó nói xấu Côn ghê lắm cơ. Nó bảo Côn nhặt kẹo của lính Nhật quăng.
Côn thè lưỡi, liếm môi:
- Ừ, đây biết rồi. Thằng chó Hội bịa đặt đấy. Mai, nó sẽ biết tay.
Ngọc bước lại gần chỗ Côn:
- Côn đánh nó, hở?
Côn nắm chặt trái đấm:
- Cho nó một quả quai hàm, méo miệng thôi.
Ngọc toét miệng cười. Rồi, con bé khen Côn:
- Côn là nhất.
Côn ta hất đầu, nhấm nhẳn:
- Nhất cái gì?
- Côn làn xiếc Tạ Duy Hiển, Côn dộng đầu xuống đất, Côn ném phi tiêu.
Thằng Côn bĩu môi:
- Thế mà nhất à?
Con Ngọc chưa kịp trả lời, Côn đã hỏi:
- Này, chim khuyên của thằng Hội có chết con nào không?
Ngọc ngớ ngẩn:
- Ngọc không đến nhà nó.
Côn gắt:
- Chim khuyên của con Thúy...
Nó nói nhanh:
-... Của Thúy cơ mà!
Ngọc bật cười:
- Con Thúy bảo Côn ném phi tiêu hạng bét, chả trúng con chim nào.
Đến lượt Côn ngớ ngẩm:
- Sao Thúy nó ghét Côn?
Ngọc lắc đầu:
- Ngọc chả biết nữa.
Con bè chìa tay, đưa cho Côn gói ô mai:
- Của chị Ngọc làm đấy. Côn ăn đi, ngon lắm cơ. Nao Côn lại nhà Ngọc chơi, nhé?
Côn lừng lững bỏ lên nhà, để mặc Ngọc buồn thiu, với gói ô mai trong tay. Nó phóng ra đường, đi thơ thẩn dưới những rặng hồi. Mùi trái hồi hắc hắc là. Côn lần đến đầu con phố nhà Thúy. Nó trèo lên môt cây sấu, nhìn về phía nhà Thúy. Chỉ thấy mái nhà và giàn hoa giấy không còn một cánh hoa. Côn không hiểu tại sao Thúy ghét nó. Có chú chim khuyên nào bị chết đâu. Chắc Thúy ghét Côn cái tội nhặt kẹo của lính Nhật. Côn oán thằng chó Hội quá. Nó bịa chuyện, để Thúy ghét Côn. Chắc Côn phải tẩn Hội một trận. Thằng Hội tồi hơn thằng Hách, thằng Dương. Côn muốn xin lỗi Thúy. Nó tìm được cái tội của nó rồi. Tội nói những tiếng cẩn tó, nói phét. Thúy chả trách Côn nói bậy là gì. Nhưng mà, xin lỗi Thúy, nó ngượng chết. Nhỡ con bé mắng thêm, còn ngượng gấp mười. Côn mong một trận gió lớn, thổi gẫy cây sấu. Nó sẽ ngã xuống đường, sẽ bị nằm nhà thương, bác Thụy sẽ dẫn con Thúy vào thăm nó. Và, nó sẽ xin lỗi con Thúy, thì không ngượng chết người đâu. Tưởng tượng nắm tay Thúy, Thúy cười chúm chím hai đồng tiền trên đôi má, Côn muốn ngã quá. Nhỡ ngã què, con Thúy chế nhạo là kẻ tàn tật, nó bèn không thích ngã nữa. Què chân, đi học phải chống nạng. Nạng kêu lóc cóc, nghe chán lắm. Mà, què hai chân lại khổ suốt đời.
Côn ta vội vàng tụt xuống khỏi cây sấu. Chân nó run lẩy bẩy. Nó chạy tới nhà thằng Luyến, rủ Luyến đi Hà Nội. Con nhà Luyến sướng rên. Nó quàng chiếc súng cao su vào cổ, theo Côn ra bến xe. Hai đứa nói chuyện với anh ét quen một lúc, chờ xe Con Voi khởi hành, bám cửa sau, để giang hồ Hà Nội. Anh ét tưởng hai thằng bám xe đến ngã tư Vũ Tiên thôi, nên mới cho bám. Luyến ta hí hửng. Nó sẽ gặp thằng Vũ, sẽ được bắn khỉ, bắn gấu, câu cá trộm ở hồ Gươm. Luyến thèm tia con rùa thần, xem nó có nổi lên trả Luyến viên đạn sỏi không. Côn thì chỉ ước ao xa Thái Bình, xa con Thúy. Con Thúy sẽ hóa thành con quạ. Còn nó, nó sẽ đi tìm thầy Đàn, theo thầy, để trở thành nhà cách mạng, tuy Côn chẳng hiểu cách mạng là cái gì. Hai tiếng này nghe mơ hồ, xa lạ làm sao.
Đến ngã tư Vũ Tiên, xe hàng ngừng lại cho lính Nhật khám xét. Côn bỗng nhớ hồi thằng Vũ bỏ nhà đi giang hồ cống Đậu, cha nó và dì nó cãi nhau, tìm nó khắp nơi. Côn thương cha mẹ, kéo Luyến nhảy xuống đường. Nó vỗ vai bạn:
- Thôi, gượm hãy đi Hà Nội, mày ạ!
Luyến cụt hứng:
- Mày sợ chết đói à?
- Không, tao quên chưa viết thư cho bố mẹ tao biết tao ra đi giang hồ vạn dặm.
Luyến gật gù:
- Ừ nhỉ, ông cũng quên.
Hai đứa cuốc bộ, trở về phố. Không biết bao giờ vua súng cao su Luyến mới được tia rùa thần ở hồ Gươm.
32
Mùa đông năm nay khởi đầu bằng trận mưa dầm. Mưa kéo dài liền mấy ngày. Trời thấp xuống, và đất muốn ủng ra. Không khí ẩm mốc, khó chịu vô cùng. Cảnh tượng buồn thảm, đến nỗi con chim cu gáy của thằng Côn ngại ngùng, không thèm gáy nữa. Nó cũng rét. Nó không được mặc áo len như Côn. Mùa đông chẳng có gì thú cả, ngoài cái thú lén thầy ăn lạc rang trong lớp, đang giờ học. Côn đã nghỉ ở nhà, từ hôm thầy Đàn bỏ đi. Thầy mới chưa về dạy, mà lính Nhật lại theo thông ngôn vào trường, bắt thêm hai thầy lớp ba và lớp tư. Hết sen đầm Tây bắt thầy giáo, tới lính Nhật bắt.
Lính Nhật còn bắt vài người trong thị xã. Cha thằng Côn lo lắng lắm. Luôn luôn, bố nó nhắc nhở nó đừng nói những tiếng độc lập, cách mạng. “Nhật và Tây ghét độc lập, cách mạng”. Cha  nó bảo thế. Cha còn dọa “Nhật nó bắt ngưòi, nó đổ nước xà phòng cho uống, rồi nó giẫm lên bụng, nước xà phòng phọt ra mũi, tai để tra tấn”. Côn biết thêm hai tiếng tra tấn. Côn không dám ghét lính Nhật. Nó sợ rồi. Nó sợ cả những con ngựa cao lênh khênh của Nhật, thả rông ngoài bãi tha ma, ngã tư Vũ Tiên.
Côn nằm ỳ ở nhà nghe gió lạnh, buồn tẻ, và trùm kín chăn, tưởng tượng mình là hiệp sĩ Tầu, vung gươm đánh gẫy tan kiếm Nhật. Côn không dám hỏi cha, tuy nó thèm hỏi, về lính Nhật. Một ngày tạnh ráo, Côn chợt nhớ Vọng. Nó rủ Luyến đến nhà Vọng chơi. Thằng Vọng biết nhiều chuyện. Chắc nó sẽ biết chuyện lính Nhật sang Thái Bình làm gì. Khu Kỳ Bá đã có mặt lính Nhật. Lính Nhật đóng khắp thị xã, mỗi nơi chỉ có lác đác hai ba người. Lúc Côn và Luyến tới, Vọng đang đắp chiếu, nằm co tròn trên ổ rơm. Đầu nó gối lên cuốn David Copperfield. Vọng đọc đến trang gặp nhiều chữ khó, nó tức quá, gấp sách, nhét dưới gáy. Cuộc đời gian truân của con nhà David làm Vọng ấm áp, quên giá rét mùa đông. Biết bạn tới, Vọng vẫn nằm yên. Nó khoe:
- Thầy Hoan cho tao cuốn truyện tiếng Tây, bắt tao cố gắng đọc. Tao đọc thấy hay quá. Thằng David Copperfield còn khổ hơn tao.
Côn hỏi:
- Nó có biết đá bóng không?
Vọng đáp:
- Không. Nó mồ côi bố mẹ. Chả hiểu, cuối cùng, nó có sướng không.
Luyến quỳ gối cạnh ổ rơm, đưa tay lôi cuốn sách. Nó giở trang đầu, lẩm nhẩm đọc:
ừ, đói khổ phải đâu là tội lỗi
Anh cứ nghĩ mà càng thêm hổ tủi
Cảnh cơ hàn khốn nạn của chúng ta
Nuôi đi em cho đến lớn đến già
Mầm hận ấy trong lóng xương ống máu
Để mai mốt thêm hăng hồn chiến đấu
Mà hôm nay em đã nhóm trong lòng
Dưới nhũhg hàng chữ này, là mợt chữ ký ngoằn ngèo. Luyến hất đầu:
- Ai ký đây hở, Vọng?
- Thầy Hoan đấy.
Luyến lật trang thứ hai. Nó đọc lớn cho cả Côn nghe: Tặng Nguyễn Hữu Vọng, người học trò thầy thương nhất.
Luyến chớp mắt:
- Thầy mày thương mày ghê nhỉ, Vọng nhỉ?
- Ừ.
- Mày có biết thầy mày, bây giờ, ở đâu không?
- Không. Trước ngày thầy tao đi, thầy tao cho tao hai chục, và bảo thế nào cũng có ngày thầy tao nuôi tao ăn học thành tài.
Côn ngồi xuống cạnh Vọng:
- Này Vọng, tại sao lính Nhật bắt các thầy?
Vọng tung chiếu ngồi dậy, mắt lấm la lấm lét:
- Nhật nó ác lắm. Nó là phát xít!
Côn nuốt nước bọt ực một cái:
- Phát xít là gì?
- Là phe trục.
- Phe trục là gì?
Vọng không giải nghĩa phe trục, mà nói nhỏ:
- Thầy tao bảo Tây là thực dân, Nhật là phát xít. Tây và Nhật là kẻ thù của ta. Ta phải đánh đuổi nó, để nước ta độc lập.
Côn há hốc miệng một lát. Nó lại biết thêm những tiếng phát xít, thực dân, phe trục. Và, nó hiểu thầy Đàn đi đánh đuổi Tây và Nhật, chứ không phải trốn tránh Tây, Nhật. Luyến thì thắc mắc những dòng chữ thầy Hoan viết, ở trang đầu cuốn David Copperfield. Nó hỏi:
- Mấy câu thầy mày viết nghĩa là gì?
- Nghĩa là thầy tao bảo đói khổ không có tội.
- Còn mầm hận ấy là mầm hận nào?
- Chắc mầm hận bị đói khổ!
Luyến ném trả cuốn sách cho Vọng. Nó lắc đầu:
- Ông đếch hiểu gì cả.
Vọng nhìn Côn:
- Thầy mày đi, có cho mày gì không?
Côn thò tay vào túi, móc ra nắm lạc rang, đưa Vọng:
- Thầy tao bảo con hãy can đảm, con phải yêu nước. Bố tao bảo thầy tao là nhà cách mạng. Mày biết cách mạng là gì không?
Vọng vê vê vỏ lạc, rồi cho vào miệng nhai:
- Cách mạng là đánh Tây, đánh Nhật, và độc lập.
Côn dụi mắt:
- Thảo nào thầy tao bảo nước ta sẽ độc lập.
Nó nói tiếp:
- Bố tao cấm tao nói đến độc lập, cách mạng.
Vọng thò tay gãi lưng:
- Ừ, nói đến, Nhật nó tẩn sặc gạch. Thầy tao dặn, anh em nói nhỏ với nhau thôi.
Côn thấy Vọng cởi trần. Những cái gai ốc nổi trên da thịt nó. Côn ái ngại:
- Mày đừng chê nhé, Vọng nhé!
Vọng cười:
- Chê gì?
- Chốc nữa tao mang cho mày cái áo pun ô vơ cổ lọ của anh tao năm ngoái, mày mặc sẽ vừa, mày đừng chê, nhé!
Vọng mân mê cái mép chiếu:
- Rồi anh mày lấy áo đâu mà mặc?
Côn phát Vọng một cái thật đau điếng:
- Anh tao à? Anh tao có áo len mới. Anh tao lớn, mặc áo cũ chật ních.
Luyến nói:
- Còn tao, tao cho mày cái phu la.
Vọng nín thinh. Nó đã sướng hơn thằng David Copperfield thật. Vọng không còn cô đơn. Vọng đã hết ghẻ, Vọng chẳng biết mùa đông nữa. Cuộc đời hẩm hiu của nó đã được đắp ấm bằng những chiếc chăn hồn nhiên, tha thiết của Vũ, của Côn, của Luyến... Nếu Vũ, Côn, Luyến, Lộc, Long, mãi mãi, là hàng rào, là bóng râm, là cơn nắng của Vọng, nó sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng bị đói khổ là mầm hận. Và, lớn hơn, Vọng sẽ thấy thầy Hoan đã viết tặng nó những câu thơ vô nghĩa.
Côn không muốn ngồi bên Vọng lâu, sợ Vọng đổi ý. Nó kéo Luyến về. Lát nữa đây, Luyến có thể lại sách súng cao su đi bắn những chiếc lá chưa chịu lìa cành, hay nằm mơ mùa hạ chóng sang. Côn không giống Luyến. Nó bước xa, bỏ Luyến một quãng dài. Tâm hồn nó bị những danh từ độc lập, cách mạng, phát xít, thực dân ám ảnh. Chuyện đánh Tây, Nhật, để nước ta độc lập, mà Vọng kể, khiến nó nhớ thầy Đàn thật nhiều. Cơn gió nhẹ của mùa dông đã lùa vào mùa xuân hồn nhiên của thằng Côn. Mà nó không biết. Mà chẳng ai biết.
- Côn này, tết mày có về quê không?
- Không.
- À, con Thúy mới cãi nhau với con Ngọc.
- Kệ nó.
- Tối nay, tới nhà tao ăn ngô rang trộn mật, nhé?
- Bố tao không cho đi. Tao sợ lính Nhật.
Luyến cáu kỉnh:
- Kệ bu Nhật. Mày cứ Nhật Nhật mãi. Nhật ăn thua gì tới mình. Ngày nào tao chả gặp Nhật, nó vẫn vẫy tay chào tao. Ông đếch sợ Nhật.
Côn hích Luyến:
- Thôi, tao về đây.
Cộn đá Luyến một cái rồi bỏ chạy. Vua súng cao su móc súng ra bắn. Nó không cố tình bắn trúng Côn. Viên đạn đất nung trúng cột đèn, vỡ tan. Côn quay lại, lè lưỡi chế Luyến, rồi, vù mất.