Phần một - Chương 1 & 2
Tuổi vàng hoa mộng

     ũ và Côn nằm dài trên chiếc chiếu rách, trải dưới giàn hoa lý, sau vườn. Bóng râm mỗi lúc một lan rộng ra. Nắng chiều yếu dần, nên màu xanh của lá và màu vàng của chùm hoa tươi lên, làm dịu mắt hai thằng bé.
Những con bọ ngựa trốn nắng hạ từ lâu, bây giờ, bò khắp chỗ đùa bỡn. Côn bỗng nhớ nhà quê. Vụ hè, năm ngoái, nó được theo bà ngoại nó về mãi làng Thanh Triều, tít tắp bên kia sông Trà Lý. Nó cũng đã từng nằm dưới bóng mát của giàn hoa, gần bờ ao, nghe tiếng cuốc kêu rỉ rả, tiếng tu hú bắt nhịp thời gian chạy uể oải. Nó đã chán cả tắm ao, câu cá, đập cào cào, đánh bẫy chim với tụi nhóc đồng nội. Côn bò lên tỉnh ngay, để khoe với thằng Vũ rằng, không có thằng Vũ, trên đời không có gì vui vẻ. Bây giờ, nằm bên thằng Vũ, nó lại nhớ nhà quê.
Côn và Vũ xấp xỉ mười ba tuổi. Chúng nó cùng học một lớp, cùng ngồi một bàn, cùng thích truyện kiếm hiệp Tầu, nên hợp nhau lắm. Bất cứ nơi nào, người ta cũng gặp hai đứa. Nửa trưa nắng gắt, chúng nó kéo bạn xuống phố An Tập, tổ chức đánh trận, vật lộn, ném đá, ném đất. Thằng nào thằng nấy nhễ nhãi mồ hôi, quần áo lem luốc, rách nát. Đôi bận bị xầy da, sứt trán, chúng nó giả vờ khai vấp ngã.
Được cái ở nhà chúng nó rất ngoan ngoãn, tới trường học hành siêng năng, nên cha mẹ chúng thả lỏng. Lần mò mãi vào hồ Phúc Khánh, cái hồ hàng năm ba bốn mạng chết đuối, câu cá, cũng bọn thằng Vũ. Sang làng Bồ Xuyên bắn chim, bắn gà con, bắn chó, cũng bọn thằng Vũ. Qua cầu Bo bẻ trộm ổi, bị đuổi mất cả mũ nón, cũng bọn thằng Vũ. Bấm chuông điện nhà ông Đốc, cho chó săn sủa inh ỏi, rồi chạy chí chết, cũng bọn thằng Vũ. Ghé thăm đền Mẫu, rứt râu ông hộ pháp, ăn cắp oản, xôi, hoa quả, trêu chọc bà đồng, ông từ, cũng bọn thằng Vũ nốt.
Thằng Vũ còn đầu têu trò chơi kiếm hiệp, bắt chước mọi hành động, cử chỉ của những tay giang hồ mã thượng thời nước Tầu cổ xưa, bắt chước luôn cả những tay hiệp sĩ mà chúng thích. Thằng Vũ là Triều Dương Hiệp, thằng Côn là Hà Nguyên Khánh. Mỗi thằng cầm đầu một bọn nhãi, chia làm hai môn phái. Khi không tìm ra môn phái địch thủ thứ ba nào, chúng thách thức, đấm đá nhau cho đỡ buồn. Khi tìm ra môn phái thích nghịch như chúng nó, chúng nó họp lại, tôn thằng Vũ làm chúa đảng, bầy mưu tính kế hạ kẻ thù. Chúng nó tự nhận là những kẻ cứu dân độ thế, mặc dù, cả chánh đảng Vũ cũng chẳng hiểu cứu dân độ thế là gì.
Hai thằng bé chỉ hiểu nghịch cho nhiều, càng nguy hiểm càng thú vị. Vũ tập lấy gân bụng thật rắn chắc. Ra trường, nó cởi trần, thách tụi cùng lớp thử sức. Nó cho mỗi đứa đấm một cái thật mạnh vào bụng. Mặt nó tỉnh khô, không tỏ vẻ gì đau đớn, khiến lũ học trò lớp nhì 1 phục sát đất. Lối biểu diễn này thu hút được nhiều đồ đệ lắm. Thằng Côn tập phóng dao. Chiều chiều, nó lén xuống cầu tiêu, tu luyện đến nát cả cánh cửa gỗ. Môn sở trường của nó, dần dần, thành cừ khôi. Cu cậu chỉ dám bắt nạt mấy thân cây bàng, cây hồi ngoài đường, hay trộ bạn bè thì phóng trên bảng đen, trên mặt bàn, chứ, cho kẹo cũng không dám rút dao dọa bạn.
Vũ còn khuyến khích Côn tập ném phi tiêu, để hẹn hò nhau cho bí mật. Trong cặp sách của thằng Côn không lúc nào không nhét hàng chục cái phi tiêu mũi bằng ghim-cài-đầu nhọn hoắt. Có khi, Vũ đang ngồi ăn cơm, chợt một mũi phi tiêu từ đâu bay tới, cắm phập vào cánh cửa. Vũ vội buông đũa buông bát, chạy rút mũi phi tiêu kèm theo bức thư, lẩm nhẩm đọc:
- Bữa nay ta đã rình mi rất lâu. Đáng lẽ, mũi tên này phải trúng cổ họng mi giữa lúc mi đang há hốc mồm và cơm. Song, ta nghĩ, môn phái ta không cho phép giết người sau lưng, nên ta tha chết cho mi và hẹn mi đến bốn giờ, chiều nay, ta sẽ gặp mi tại bờ sông Trà Lý để tranh tài cao thấp. Mi mà vắng mặt, mi là thằng hèn nhất thế giới.
Cuối bức thư vẽ mũi phi tiêu xuyên qua cái đầu lâu máu rì rì, mấy nét ngòng ngoèo ký đè lên. Biết rằng Hà Nguyên Khánh dọa mình, Triều Dương Hiệp ngấu nghiến đọc tiếp hàng chữ tái bút quan hệ:
- Chỗ mày chỉ tao nấp phóng phi tiêu cao quá, tao trèo mãi mới được. Đáng lẽ phóng từ chiều qua cơ đấy. Nhớ chiều nay nhé! Đông đủ cả bọn,có phao, có săm ô tô nữa. Tụi mình bơi qua sông ăn cắp ổi.
Triều Dương Hiệp mỉm cười khoái chí. Chàng vờ chạy ngay ra đường, ngó trước ngó sau. Nấp sau cây bàng, cách đó chừng hai thước, thích khách Hà Nguyên Khánh chỉ đợi có vậy, bèn xuất đầu lộ diện, miệng cười hứa hẹn. Chàng không quên làm bộ, chỉ tay, cáu giận mắng lớn:
- Khá đó, súc sinh! Ta tha đuổi mi, chiều nay, mi sẽ biết đường gươm họ Triều.
Rồi, hiệp sĩ Triều Dương Hiệp Vũ lại vào tiếp tục ăn cơm. Khi khác, Côn sang nhà chú nó ăn cỗ, về đến nhà đã thấy mảnh giấy cài lên bàn học, nguệch ngoạc vài dòng:
- Hà Nguyên Khánh, chắc nhà ngươi biết võ đài do hoàng thượng dựng lên ở nghĩa địa ngã tư Vũ Tiên, để anh hùng mười phương tới tỉ thí chứ? Nhà ngươi thường hãnh diện cái tài phóng dao lên bảng đen của nhà ngươi. Vậy, chiều nay, hai giờ rưỡi hay ba giờ, nhà ngươi hãy mang đủ thứ dao đến. Nếu sợ chết thì rủ thêm thằng Dực, thằng Hải đấu tay tư cho vui.
Cuối mảnh giấy vẽ hình người treo cổ, cũng ngòng ngoèo mấy nét chữ ký đè lên. Đó là dấu hiệu của thằng Vũ. Thư dọa giết, thư thách đố của hai hiệp sĩ này kỳ quặc là, luôn luôn, thêm tái bút.
- Cố xoay vài đồng, tụi mình xuống Đoan Túc chén canh bánh đa, mày nhé! Canh bánh đa Đoan Túc ngon lắm, mày ạ! Mầu vàng khè, béo ngậy, nghe đã thèm nhỏ rãi rồi...
Chúng nó ranh mãnh, quỷ quái thế đấy. Thế mà lúc này, nằm dưới giàn hoa, thằng thì nhớ nhà quê, thằng thì say sưa ngắm đôi bọ ngựa vung gươm chém nhau. Vũ tưởng tượng thấy đấu trường thời xưa, hai con bọ ngựa chính là hai chàng dũng sĩ.
Sự tưởng tượng của Vũ, nỗi nhớ nhung của Côn tiêu tán ngay, khi Côn, bỗng nhiên, ngồi nhổm dậy vỗ vai Vũ, hét lớn:
- Tao nhớ ra rồi, tuyệt, tuyệt, thằng này tuyệt...
Vũ ngồi nhổm dậy sung sướng hỏi:
- Tuyệt vừa vừa hay tuyệt cú mèo hở, mày?
- Tuyệt cú mèo!
- Nó ở đâu?
- Nó ở trường mình, lớp nhì 2.
- Sao mày biết?
- Hôm nọ, tao xuống cầu Kiến Xương ăn giỗ ông ngoại tao. Nghe nói có đá bóng, tao khoái quá, quên cả giỗ. Tao mò ra bãi xem hai hội Kỳ Bá, và Bồ Xuyên tranh cúp Cam tích tán của nhà thuốc Bình An. Hội Kỳ Bá có thằng lỏi tỳ đi trung phong, lừa gạt nhanh như máy. Chính nó làm bàn hai quả. Thiên hạ vỗ tay hoan hô nó như điên. Tao sôi cả ruột gan. Mãn cuộc, tao đứng nán lại xem trao cúp, và nhìn cho rõ mặt thằng trung phong lỏi tỳ. Đố mày biết nò là thằng nào?
- Thằng Môn.
- Thằng Môn xách dép cho nó không đáng!
- Thế thằng nào, thằng nào?
- Làm gì mà rối lên vậy?
- Tao ghét mày quá, đố với thách, nói nhanh nhanh tí mày!
- Thằng Vọng!
Vũ kinh ngạc:
- Vọng ghẻ đặc biệt hở?
- Ừ, chiến ghê lắm mày ạ! Nó đá đẹp ba chê!
Vũ đứng hẳn lên, vươn vai khoan khoái:
- Tao gạ gẫm nó đá cho bọn mình, mới hạ nổi tụi An Tập. Để mai, ra trường, tao rủ nó. Hì hì, nằm nghĩ nát óc chiều nay. Đội bóng của tao có thằng Vọng, chắc tụi An Tập kiềng mặt.
Côn lo ngại nói:
- Nhỡ thằng Vọng nó từ chối?
Vũ tin tưởng:
- Từ chối sao được, tao sẽ có cách. Thôi, tao về kẻo dì tao mong.
Côn không giữ bạn. Tự nhiên, nó vui lây cái niềm vui của thằng Vũ. Sau lần thua đội bóng lớp nhì 2 trường tiểu học An Tập, thằng Vũ buồn lắm. Ngày này sang ngày nọ, nó chỉ nghĩ đến phục thù. Muốn phục thù, đội bóng của nó cần phải có một thằng trung phong cừ. Nay, thằng Côn kiếm được thằng Vọng, hỏi chi Vũ chẳng sướng. Côn đưa bạn khỏi cửa.
Nắng đã tắt hẳn.
2
Vũ ngồi dưới gốc cây bàng đợi Vọng. Cạnh nó, Côn đang lẩm nhẩm ôn bài cách trí. Còn hai mươi phút nữa mới chào cờ. Ước gì không phải học sáng nay. Vũ thầm thì thế. Mặt nó không ngớt hướng ra cổng trường.
- Sao hôm nay, con nhà Vọng đến chậm thế, Côn?
- Tao biết đâu.
Vũ cáu sườn:
- Thôi, mày đừng ôn bài cho tao nhờ tí.
Côn vui vẻ chiều bạn. Bao giờ nó cũng nghe lời thằng Vũ như nghe lời anh nó. Không hẳn nó sợ thằng Vũ, chắc chắn, nó yêu thằng Vũ, phục thằng Vũ, hơn tất cả tụi bạn của nó.
Thỉnh thoảng, có thằng bạn mới nào hỏi Mày chơi với thằng Vũ lâu chưa, nó đều lắc đầu, nghĩ ngợi. Nó quên thật. Côn không nhớ bắt đầu chơi với Vũ tự ngày nào. Trong trí óc của nó, Côn chỉ còn nhớ một ván đáo lớn, gần năm đồng bạc xu, đi không hết, phải chồng vợi trên sân. Thằng Vũ chơi ván đáo đó. Côn chầu ngoài.
Mấy đứa giao hẹn trước khi chơi, là nếu hết tiền nộp mỗi lần chơi hỏng, đương nhiên thua. Ba thằng phạm luật ra rìa, cay cú lắm. Còn trần xì thằng Vũ chơi với thằng Quý. Ván đáo mỗi lúc một sôi nổi. Cổng trường khép kín hơn nửa giờ, mà bọn học trò còn quây quần ngồi xem ván đáo lịch sử.
Thằng Quý chuyên môn chơi bẩn. Nó cậy nhiều tiền, đi tưới lên rồi không chọi, hy vọng thằng Vũ ham ăn, chọi liền tù tì, và sẽ cạn tiền nộp phạt. Vũ biết, song cứ tỉnh khô. Nó gieo tiền rất khéo, gặp dịp ngon ăn, Vũ mừng quá hoá chọi hỏng. Thằng Quý sướng, nhảy rối rít. Nó đòi tiền giam. Vũ cháy túi, tai nó đỏ bừng, mặt nó tái đi, uất ức.
Đúng lúc bị bắt bí ấy, Côn móc túi, dúi vào tay Vũ một đồng. Không hỏi han, không ngạc nhiên gì cả, Vũ ném đồng bạc giấy xuống sân, nhổ nước bọt, gân cổ, dọa:
- Ông còn chơi đến tối, hết cải củ thìu biu đây này!
Ván đáo tiếp tục. Kết cuộc, thằng Vũ thắng. Thu tiền đầy túi xong xuôi, Vũ mới nhìn ân nhân của nó. Mắt nó chớp mau cảm động. Ván đáo vãn người, hai đứa trẻ ở lại, im lặng. Vũ trao đồng bạc cho Côn. Hai đứa cùng ngượng ngùng, sóng đôi bước trên đường về. Vũ mở đầu:
- Tại sao đằng ấy cho tớ mượn tiền?
- Tại tớ ghét con nhà Quý.
- Tại sao đằng ấy ghét con nhà Quý?
- Tại nó đánh gạo.
- Nhỡ tớ thua, đằng ấy có đòi tớ không?
- Không.
Vũ mỉm cười. Nó định nói Đằng ấy nói phét, vì nó nghĩ rằng, một đồng, chứ đâu phải một xu, một hào, mà thằng Côn không đòi. Vũ nhìn thẳng vào đôi mắt thằng Côn, khiến thằng Côn bẽn lẽn cúi xuống.
- Chắc nhà đằng ấy giầu, nhỉ?
Côn thành thực:
- Ừ, mỗi ngày bố tớ cho hai đồng. Còn đằng ấy mỗi ngày lĩnh mấy đồng?
- Nhà tớ không giầu, cũng không nghèo. Bố tớ đi vắng luôn, dì tớ cho tớ mỗi sáng năm hào thôi.
- Thế mẹ đằng ấy đâu?
- Mẹ tớ chết rồi!
Côn len lén nhìn Vũ. Nó buồn buồn. Vũ thấy hai đứa cứ sóng đôi về cùng đường, nó hỏi:
- Nhà đằng ấy ở phố nào?
- Phố Jean Dupuis.
- Đằng ấy ở cùng phố tớ, nao sang nhà tớ chơi nhé!
- Ừ.
- Này!
- Gì?
- Tớ hỏi thật, nhỡ tớ thua đằng ấy tính sao?
- Đằng ấy có thua đâu mà tớ tính.
- Nhỡ cơ mà?
- Nhỡ sao được, đằng ấy chơi đáo mả khét tiếng.
Hai đứa bé nhìn nhau, cười rúc rích. Từ hôm ấy, Vũ chơi thân với Côn. Càng thân nhau, càng mến nhau. Cho nên, hễ Vũ muốn gì, là Côn chiều ngay.
Vũ toan rủ Côn rời gốc cây bàng, thằng Vọng đã khúm núm từ ngoài cổng lững thững bước vào sân trường, hai tay vẫn thủ trong áo dài, như thường lệ. Tội nghiệp thằng Vọng, con nhà nghèo lại ghẻ. Vọng sợ bạn bè ghê tởm, nên nó cứ giấu diếm.
Trong lớp học, dù cái ghẻ đào hào khơi rãnh sông trên bàn tay nó, ngứa đến mấy chăng nữa, nó cũng chỉ cắn răng chịu đựng, không dám gãi, tuy gãi thì sướng lắm, hả hê lắm. Luôn luôn, nó đút tay trong áo dài. Giờ ra chơi, nó lén vào cầu tiên, hay thậm thụt gần bờ dậu râm bụt, gãi bằng thích, gãi sứt cả máu, gãi đỏ bầng đôi bàn tay.
Bọn học trò lớp nhì 2, có đứa đọc truyện Ghẻ đặc biệt của Tô Hoài, đăng ở Phổ Thông bán nguyệt san, nó bỗng thấy thằng Vọng giống nhân vật Hoa trong truyện, từng ly từng tí. Cũng bẩn thỉu, cũng bị ghẻ, cũng giấu tay, cũng gãi nơi vắng vẻ. Thế là chúng nó đồn nhau, chúng nó xúi giục nhau, làm sống lại thằng Hoa của Tô Hoài, trong trường tiểu học công lập thị xã Thái Bình.
Truyện Ghẻ đặc biệt được truyền tay đọc. Chúng nó xúm quanh nhau, nghe một thằng đọc, rồi cười như nắc nẻ. Chúng nó thuộc mọi hành động của thằng Hoa, thuộc mọi thủ đoạn của bạn nó trêu nó, để áp dụng vào thằng Vọng. Chúng nó theo rõi thằng Vọng khắp sân trường, bảo thằng Vọng có phù phép, vì chúng nó gặp thằng Vọng đan hai bàn tay lại bắt ấn. Rồi, y hệt chuyện của Tô Hoài, chúng nó ngấu nghiến đè thằng Vọng xuống sân cỏ, lôi tay thằng Vọng ra ngoài ánh sáng, để thấy bí mật của đôi tay nó, chỉ là bệnh ghẻ kinh niên!
Một thằng đứng giữa sân diễn thuyết. Ba bốn lớp vây quanh để cười. Bài văn của Tô Hoài được thay nhân vật Hoa bằng nhân vật Vọng. Đại khái:
- Thưa các bạn,
Nhân loại có hàng triệu chứng bệnh. Thí dụ, thối tai, hôi nách, chảy máu cam, đi tướt, táo kiết, chảy rãi, đái dầm, ỉa đùn. Chỉ có một thứ bệnh đáng sợ nhất. Đó là bệnh ghẻ, tiếng Pháp gọi là la gale. Ghẻ lại có nhiều loại. Thí dụ ghẻ Ấn độ, ghẻ Cao miên, tức Khờ me, ghe Lào, ghẻ Miến điện, ghẻ Ý đại lợi, ghẻ Nhật bản, ghẻ Thổ nhĩ kỳ, ghẻ Nga xô viết, ghẻ Nam dương quần đảo... Những bệnh ghẻ tôi vừa kể trên, đều là bệnh kinh khủng cả.
Còn một loại bệnh ghẻ kinh khủng hơn những bệnh ghẻ, kinh khủng nhất trên đời này, là ghẻ... tầu. Tại sao ghẻ tầu lại vĩ đại thế? Thưa, nó có từ đời nhà Hán, mà kẻ đem cái ghẻ sang xứ ta chính là Mã Viện. Sử ký Trần Trọng Kim trang... dòng... quyển... có ghi chuyện này. Muốn biết đúng hơn, xin quý bạn hỏi thằng Vọng, vì nó làm tổng đại lý cái ghẻ, nhãn hiệu Mã Viện, tức ghẻ tầu...
Bài diễn văn của anh học trò lớp nhất tung ra như trái bom ngạt. Cả trường biết thằng Vọng ghẻ tầu. Bọn con gái nhìn nó lắc đầu, nhéo mắt, khinh bỉ, khiến nhiều bận nó phát khóc. Thằng Vũ cũng khoái trò này lắm. Nó giống mấy thằng đầu têu, chỉ trêu thằng Vọng một lần thôi. Cái thằng trêu thằng Vọng khổ sở suốt ngày này sang ngày khác, là thằng Hách, con ông tham Lân. Nó cứ gọi thằng Vọng là thằng Hoa. Vọng biết thân phận mình, con nhà nghèo, ghẻ lở, đành im lặng, chịu nhục.
Thấy Vọng ủ rũ đi, Vũ bỗng thương hại nó. Vũ chợt quên rằng nó đang chờ thằng Vọng để gạ vào hội bóng của nó, chứ không phải để thương thằng học trò nghèo, ghẻ lở, cô thế. Vũ hỏi Côn:
- Nói với thằng Vọng thế nào hở, mày?
- Sao mày bảo đã có cách?
Vũ ngẫm nghĩ giây lát. Nó nói:
- Chúng mình đã a dua bọn lớp nhất chế nhạo nó, chả biết nó có ghét chúng mình không?
Côn băn khoăn:
- Tao đang lo thế.
Vọng tới gần bậc hiên trường. Vũ chưa hiểu tính thế nào, thì một quả ổi xanh đã ném bộp, trúng mũ của thằng Vọng. Và, thằng Hách toét miệng cười, từ trên bước xuống. Như thường lệ, thằng Hách bi bô:
- Ê, Hoa, đưa tay mày ra xem, cái ghẻ Mã Viện to bằng con bò chưa?
Vọng nhìn lên, nín thinh.
- Hoa, bố mày hỏi, mà mày không trả lời à?
Vọng vẫn nín. Nó đã quen nhịn nhục. Hách tới gần, đập mạnh vai nó, hất hàm hỏi:
- Mày câm hả, con?
Đôi mắt dỏ ngầu, vì bị áp bức, Vọng đau khổ nói:
- Anh để tôi yên thân.
Hách cười gằn:
- Muốn yên thân, thì bố mày hỏi, mày phải thưa chứ?
Giọng thằng Vọng chìm đi, lạc lõng:
- Anh hỏi tôi tử tế. Tôi tên là Vọng...
Hách đưa ngón tay, chỉ vào quần:
- Tử tế cái con củ c... ông đây này! Ông cứ gọi mày là Hoa. Ê Hoa, mẹ mày hôm nay có bán xôi chè không?
Vũ và Côn theo rõi cảnh bắt nạt này từ đầu. Vũ nghiến răng ken két, trong khi hai nắm tay Côn bóp chặt lại. Côn bảo Vũ:
- Mày chịu ngồi yên à?
- Khoan đã.
- Khoan cái đếch gì nữa, cách làm thằng Vọng nó đá cho hội mình, là đánh hộc máu mồm thằng Hách đi!
- Mày đừng dạy tao, tao chờ con nhà Hách đấm thằng Vọng, tao mới ra tay. Mày ra ngăn thằng Khải, thằng Ngọc, hai đứa bên thằng Hách, trước đi.
Côn rời khỏi gốc bàng, chạy ra phía đang cãi nhau. Lúc này, thằng Hách đã xắn tay áo. Nó chỉ nắm đấm trứơc mặt thằng Vọng, dọa nạt:
- Không trả lời bố, con sẽ nếm quả phật thủ này!
Vọng năn nỉ:
- Tôi xin anh...
Hách xỉa xói:
- Xin cái con củ c... á, xin cái gì?
- Xin anh đừng nói tới mẹ tôi...
- Tao cứ nói, con mẹ xôi chè, mẹ thằng Hoa ghẻ tầu!
Nước mắt Vọng ứa ra. Nó buông cái cặp cũ nát xuống sân trường, chắp tay lậy thằng Hách:
- Anh muốn bắt tôi làm gì, tôi cũng làm, đừng nói tới mẹ tôi...
Hách cười sằng sặc, khoái chí:
- Anh em làm chứng lời con nhà Hoa, nhé! Được, tao không thèm nói tới con mụ xôi chè, mày phải quỳ xuống lạy tao đi!
Nói dứt câu, Hách phóng chân đá tung cái cặp sách của thằng Vọng. Đúng dịp đó, Vũ nhảy vào vòng chiến. Nó nghiêm nét mặt, ra lệnh:
- Hách, mày nhặt cái cặp kia lên cho thằng Vọng!
Hách bị cụt hứng:
- Việc gì đến mày?
- Việc gì, hở? Cặp của tao đấy. Tao nhờ thằng Vọng mang hộ. Nào, mày có nhặt lên không?
Vọng giảng hòa:
- Thôi để tôi nhặt...
Vũ quát:
- Để thằng Hách nhặt, tao cấm mày đấy, Vọng!
Vọng chết đứng. Nó không ngờ chuyện của nó lại dính vào thằng Vũ, tay sừng của lớp nhì 1. Thấy Hách đứng trân trân, Vũ dục:
- Mày có nhặt lên không?
- Việc gì đến mày?
- Việc gì, hở? Mày xưng bố với thằng Vọng, mày bắt nó lạy mày. Bây giờ, tao xưng bố với mày, tao bắt mày lạy thằng Vọng. A lê, nhặt cặp lên cho bố Vọng mày, Hách!
Hách hung tiết:
- Cái con củ c... ông đây này!
Vũ xông tới đấm vào mặt thằng Hách. Hách tránh không kịp, trái đấm trúng mũi, máu cam chảy đầm đìa. Bọn học trò xanh mặt. Hách bị đau, lao người vào đấm Vũ. Nó không phải là địch thủ của thằng Vũ, nên ăn đấm nhừ người. Thằng Ngọc vào can thiệp, tiếp đến thằng Khải, đều bị thằng Côn giữ kéo lại. Vũ sợ hết giờ, đá thêm một phát trúng bụng
thằng Hách. Nó ngã sóng soài. Vũ lao tới, đặt chân lên mặt nó:
- Con hết đời rồi, con ơi!
Hách đau khổ, nhìn Vũ như muốn xin tha tội. Vũ hiểu ý nó, bèn ra lệnh:
- Bò ra nhặt cái cặp, trao vào tay thằng Vọng, và xin lỗi nó đi!
Hách răm rắp tuân lời. Vũ đe:
- Từ nay, bất cứ ở đâu, ông mà thấy mày bắt nạt thằng Vọng, thì ông đánh bỏ mẹ!
Nắm chặt tay thằng Vọng, Vũ dắt nó về phía sân sau, khiến bọn học trò kinh ngạc. Vọng cũng kinh ngạc đến run rẩy. Mấy năm, nó học ở cái trường tiểu học này, là mấy năm bị bạn bè hiếp đáp.
Nó vội mường tượng ngay quang cảnh lớp nhì 2. Nó ngồi bàn cuối cùng. Bạn bè xa lánh, thầy ít chú ý, mặc dù Vọng học giỏi. Đôi khi, thầy gọi, chỉ gọi, để xóa bảng, hay đi giặt khăn lau chùi bảng. Tết nhất, mẹ nó nghèo, không có tiền mua quà biếu thầy, nên thầy tỏ vẻ lãnh đạm. Thằng Vọng sống cô độc, đứa nào cũng nuốn bắt nạt nó. Vọng không thể ngờ có hôm nay. Vũ đã nắm chặt bàn tay ghẻ kinh niên của nó, bước sóng đôi với nó.
Vọng ứa nước mắt, thứ nước mắt của kẻ lâu ngày bị áp bức khổ sở, rút nhẹ tay mình khỏi tay thằng bạn mới. Vũ sững sờ hỏi:
- Gì thế mày?
Vọng rụt rè đáp:
- Tay tôi ghẻ!
- Chân mày có ghẻ không?
- Không.
- Thế thì tuyệt.
- Tuyệt sao?
- Tuyệt cú mèo!
Vọng ngớ ngẩn:
- Anh nói tôi chả hiểu gì cả...
- Tí nữa rồi mày hiểu. Ra gốc bàng kia, chúng mình nói chuyện. Mà đừng gọi tao bằng anh, xưng tôi nữa. Tao ít tuổi hơn mày, lại học dưới mày. Cứ mày tao cho thân. Mày ăn sáng chưa?
- Ăn rồi, sáng nào tôi cũng ăn xôi chè.
Vọng vẫn ngượng, chưa dám xưng tao. Vũ móc túi lấy thanh kẹo sô cô la, dúi vào tay Vọng:
- Chén đi, quà Hà Nội của bố tao đấy!
Vọng cứ nhìn thằng Vũ mãi. Biết nó ngượng, Vũ nói:
- Kẹo này ngon lắm. Mày đá bóng cừ thế, sao không vào hội tao?
Vọng tròn xoe đôi mắt:
- Sao cậu biết tớ đá bóng cừ?
Vũ vỗ vai thằng Vọng ghẻ tầu:
- Mày còn cậu cậu, tớ tớ nữa, tao đánh mày à! Mày giấu tài, y như hắc y hiệp sĩ trong truyện kiếm hiệp ấy. Thằng Côn nó bảo mày đi trung phong cho hội Kỳ Bá, mày sút lọt gôn Bồ Xuyên hai phát, đoạt giải Cam tích tán. Thôi, mày đừng chối nữa...
Một nỗi khoan khoái vừa lọt vào tâm hồn Vọng. Mắt nó sáng rực lên:
- Côn nó xem trận đó, hở?
- Ừ.
Giọng nó trở lại buồn buồn:
- Mày có biết tại sao tao không vào hội mày không?
- Không. Tại sao? Mày nói nhanh lên?
- Tại thằng Vịnh nó chê tao.
- Nó chê mày thế nào?
- Hôm tụi mày thua bọn trường Tầu, ở tăng đầu, tao muốn vào đá cho mày, thay chân thằng Vịnh. Nó chửi tao, nó bảo tao về đá với cái ghẻ. Tao xấu hổ quá, nên thôi.
Vũ cáu tiết, văng tục:
- Thằng Vịnh đá như củ thìu biu. A lê hấp, có mày tao cho nó ra rìa. Nó coi tụi An Tập hơn bố nó. Bóng vào chân đét dám sút, sợ lọt gôn, bọn An Tập nó cộp gẫy chân. Mày vào hội tao nhé!
Vọng ngần ngại:
- Nhỡ thằng Vịnh nó trả thù tao?
Vũ quả quyết:
- Thằng Hách ông còn cho om đòn, nữa là thằng oắt Vịnh. Mày đá cho hội tao đi, rồi mày xem, chúng nó sẽ coi mày như thánh!
Nghe Vũ hứa hẹn bảo vệ, Vọng gật đầu. Nó biết, thằng Vũ là thằng ngổ nhất trong trường. Vũ nghịch tinh, và đánh nhau như gà chọi, không kiềng thằng nào, dù lớn hơn nó một hai tuổi. Vọng được nhập phe thằng Vũ lấy làm hả hê lắm. Còn thằng Vũ bốc được cầu thủ cừ của hội Kỳ Bá, thì hớn hở ra mặt.
Vũ dúi vào tay thằng Vọng thanh kẹo sô cô la nữa. Ngay lúc đó, kẻng trường điểm chào cờ. Côn cũng vừa rảo cẳng tới, nhập bọn với Vũ và Vọng. Thằng Vọng tách hai đứa bạn mới, xếp hàng cùng lớp nhì 2. Vũ và Côn đứng trong hàng lớp nhì 1. Vũ giơ tay, bảo Côn:
- Mắt mày tinh, trông giùm tay tao, xem có con cái ghẻ Mã Viện nào
không?
Côn nhìn sang thằng Vọng, nháy mắt, cười...