43 -44
Gởi vào cách mạng

     ọn thằng Vũ đã lách qua mấy vòng đai người lớn, để được nhìn rõ chân cột cờ. Những tên lính Nhật hung ác hôm giỗ tổ Hùng Vương đang đứng nghiêm, hướng về phía mặt trời mọc. Lá cờ Nhật từ từ tụt xuống. Y hệt mặt trời lặn vào buổi chiều. Khi lá cờ được gỡ ra khỏi sợi dây, nước mắt lính Nhật ứa ra, chảy đầm đìa. Bây giờ, khuôn mặt họ lầm lỳ, buồn thảm. Vẻ hung ác biến mất. Một tiếng cười vang dậy trong đám đông. Lính Nhật hướng mắt, tìm nơi có tiếng cười chế nhạo. Họ cúi đầu. Họ đã là những kẻ bại trận. Mười một người cùng nâng niu lá cờ Mặt Trời, xoay lưng lại, và bước nhanh, trả giây phút vinh quanh cho dân Việt Nam.
Anh Huy phóng nhanh tới cột cờ. Hai bàn tay nắm chặt hai sợi dây. Gió bỗng thổi mạnh. Tóc anh Huy lộng bay. Anh hét vang:
- Giờ lịch sử đã điểm, chúng ta kéo cờ và tung hô Việt Nam vạn tuế!
Anh Huy lôi từ túi quần tây ra một lá cờ vàng. Rất nhanh nhẹn, anh kiễng chân giơ cao, cho mọi người nom thấy.
- Hỡi quốc dân, đây là quốc kỳ Việt Nam!
Anh Huy chưa kịp buộc cờ vào dây, thì hàng chục người áo nâu đã ào ra, đẩy anh ngã chúi. Họ móc lá cờ đỏ dấu trong ngực, buộc vội vàng, kéo lên. Lá cờ đỏ bay phần phật. Dưới nắng trưa, lá cờ chói chang, ngạo nghễ. Cả thị xã ngước nhìn lá cờ đỏ. Một người áo nâu đeo súng lục hô khẩu hiệu:
- Cách mạng thành công muôn năm!
Thoạt đầu, chỉ độ vài chục người hô muôn năm. Dần dần, cả thị xã reo hò muôn năm.
- Cách mạng thành công muôn năm!
- Muôn năm!
Người áo nâu đeo súng lục được năm người khác chụm lại để anh ta đứng trên vai. Dân thị xã vỗ tay bravo ầm ỹ. Vũ không hiểu tại sao anh Huy, người dám phanh ngực thách kiếm Nhật, người bảo trái tim mạnh hơn súng, người làm Vũ mến phục, lại bị đẩy ngã? Hai cánh tay anh đang bị hai bàn chân đè chặt. Một người nằm trên lưng anh, tay giúi đầu anh, không cho ngóc lên.
Vũ bấm Côn:
- Họ bắt nạt anh Huy, mày biết tại sao không?
Côn chớp mắt:
- Tao không biết.
Vũ liếm môi:
- Anh Huy chống giặc lùn mà...
Côn gật đầu:
- Ừ, anh ấy kền lắm.
Hai đứa trẻ đang phân vân, người áo nâu đeo súng lục, đứng trên kiệu người, đã oang oang nói:
- Hỡi quốc dân đồng bào, đây là tiếng nói của cách mạng. Cờ cách mạng tô bằng máu của các chiến sĩ Bắc Sơn, Đô Lương, Thái Nguyên. Cờ vàng không phải cờ cách mạng diệt phát xít. Chỉ cờ đỏ nới là cờ của cách mạng đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập.
Người áo nâu giơ tay lên:
- Cách mạng thành công muôn năm!
Dân thị xã reo hò:
- Muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Muôn năm!
Chờ cơn sóng reo hò lắng lại, người áo nâu nghiến răng, cắn môi dưới, hai tay dang rộng:
- Ai chống cách mạng là theo bọn phản động.
Người này hô lớn:
- Đả đảo bè lũ phản động liếm gót giầy thực dân và phát xít.
Đợt sóng cuộn lên:
- Đả đảo!
Không ai cần biết người thanh niên phanh ngực, đứng hiên ngang thách thức với kiếm Nhật. Cũng chẳng ai tìm hiểu, tại sao anh ta bị xô ngã và kìm giữ, trừ thằng Vũ và thằng Côn. Dân thị xã đã nhập vào cuộc chơi lớn. Tất cả vui mừng, hờn hở, như trẻ con trong cuôc chơi cướp cờ. Trong cuộc chơi này, ai nhanh chân, mưu mẹo, cướp được cờ chạy về bên mình, là người ấy được vỗ tay, khen ngợi. Kẻ thua cuộc, luôn luôn, là kẻ chụp hụt lá cờ, hay chụp cờ rồi mà bị đuổi theo xô ngã khi chưa về đến đích.
Người áo nâu đeo súng lục rút khẩu súng khỏi bao da:
- Phát xít Nhật không dám động tới người cách mạng. Tôi thách phát xít Nhật tước súng của tôi. Chúng lại gần, tôi sẽ bắn chết hết.
Dân thị xã nhìn người áo nâu bằng đôi mắt cảm phục. Luyến thích chí:
- Cừ ghê!
Và, biển sóng cổ võ người áo nâu dâng lên ào ạt. Vũ hỏi Côn:
- Mày có tin không?
Côn nói:
- Tin chứ. Nhật đếch dám khám ông ta, là ông ta kền rồi.
Hai đứa quên mất anh Huy, quên mất người thanh niên mà chúng ngờ rằng bị bắt nạt. Chúng hướng tầm mắt nhìn người áo nâu đang hãnh diện khẩu súng lục trong tay mình.
- Đồng bào sửa soạn làm lễ chào cờ, mừng ngày cách mạng thành công. Tôi hô nghiêm, đồng bào đứng nghiêm, ngước mắt lên lá cờ. Chú ý, tôi sẽ bắn phát súng.
Người áo nâu hắng giọng:
- Nghiêm, chào cờ... chào!
Khẩu súng giơ lên trời. Bóp cò. Bóp mãi. Mà, súng không nổ. Một chuỗi cười dòn, tan trong sự im lặng. Người áo nâu giận dữ:
- Ai cười cách mạng là phản động. Hát đi, các đồng chí! Hát bài chào cờ...
Bài hát khởi sự: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa... Vẫn chừng vài chục giọng hát. Người áo nâu giục:
- Đồng bào hát to lên!
Dân thị xã không ai thuộc bài hát mới. Người áo nâu hất tay:
- Thôi.
Bài chào cờ dang dở. Anh Huy không còn bị kìm giữ nữa. Người áo nâu cười sung sướng, và gây sóng gió:
- Cách mạng thành công muôn năm!
- Muôn năm...
- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Muôn năm!
Người áo nâu nhảy xuống sân cỏ. Đoàn quân cách mạng dẫn đầu, theo sau là dân thị xã, kéo nhau dời khỏi sân vận động. Lúc ấy, đã quá hai giờ trưa. Lính khố xanh xô nhau, nhặt súng dựng ngoài tường sân vận động. Những người khác lượm dao, liềm, bùi nhùi, cãi nhau chí choé. Rồi, cái đám đông hỗn loạn đi tuần hành, khắp các phố thị xã. Hai tiếng muôn nam và muôn lăm, cơ hồ sấm sét nổ vang, trong một trận mưa lớn.
Tới một con phố nhỏ. Vũ và Côn thấy anh Huy thất thểu, tách rời đám đông. Hai đứa chạy ra. Vũ nắm tay anh Huy:
- Anh ơi, phản động là gì?
Anh Huy buốn bã, xoa đầu Vũ:
- Lớn khôn, em sẽ biết kẻ phản động.
Côn hỏi:
- Còn đồng chí là gì hở, anh?
Anh Huy cười gượng:
- Là anh em mình.
Anh giục hai đứa:
- Thôi, các em đi chơi cho vui.
Vũ và Côn lại nhập vào đám đông, để được hò hét muôn năm. Chúng nó không đói. Cũng chẳng ai buồn đói. Cách mạng làm no mọi người, trong ngày hôm nay. Đi hết một vòng thị xã, mạnh ai về nhà người ấy. Và, thế là cách mạng đã thành công.
44
Buổi tối, dưới chân những cột đèn ngã tư, trẻ con các khu phố tụ họp, để tập hát những bài hát mới. Vũ đã trở thành trưởng đoàn nhi đồng, chỉ huy hết nhãi con, từ đầu phố Lý Thường Kiễt xuống tận cầu Kiến Xương. Nhờ Vũ thổi ác mô ni ca giỏi, và thuộc lòng mấy bài Tiến quân ca, Đuốc gươm thiêng, Nhanh bước nhanh nhi đồng. Vũ, Côn, Luyến, Long, và Lộc đi tập hát trên phố chính, mấy hôm liền. Những đứa trẻ, tưởng đã bước hẳn ra khỏi ngưỡng cửa hồn nhiên, lại co chân về với năm tháng cũ.
Không phải chỉ riêng bọn thằng Vũ bé bỏng như xưa, mà cả thị xã trẻ trung, vui nhộn. Cách mạnh làm mọi người rộn ràng, hớn hở.
Vũ kiễng chân, ba hoa:
- Tao thổi ác mô ni ca một lần thật chậm, chúng mày nghe kỹ nhé!
Bọn trẻ nhao nhao hỏi:
- Đánh tông không?
Vũ lắc đầu. Nó lướt cái kèn thật nhanh qua môi, hai ba lần. Rồi, chân đập nhịp, miệng thổi chậm bài Nhanh bước nhanh nhi đồng. Bọn trẻ con im lặng, nghe tiếng kèn ác mô ni ca của Vũ. Thổi dứt một lần, Vũ vẩy kèn, và nói:
- Giờ năm đứa tao hát.
Vũ, Côn, Luyến, Long và Lộc cất giọng:
Nhanh bước nhanh nhi đồng
Theo cờ đỏ sao vàng
Kìa lời gió ngàn
Kìa lời công núi
Kìa lời gió ngàn
Kìa lời sông núi
Nhắc nhở em rằng tuy mình đang còn thơ ấu
Nhưng nhất tâm trật tự vâng lời vâng lời người trên
Tập tành sao cho thân hình em được nở nang
Trở nên sau này anh tài hiên ngang
Ơn nước non em nguyền dám đâu sao rời
Em trọn đời trung với Việt Nam...
Bọn trẻ vỗ tay, bravo. Vũ vênh váo:
- Đừng bravo nữa, ta độc lập rồi. Hoan hô chứ không bravo.
Mấy anh dạy bọn Vũ hát, đã bảo Vũ thế. Vũ hãnh diện nói cho bọn nhi đồng, khu cầu Kiến Xương, biết. Nó lại lướt kèn nhanh qua môi, như tiếng gió lướt qua bụi tre.
- Tao thổi kèn một câu, chúng mày hát một câu nhé!
Bọn trẻ con làm theo lời Vũ. Khắp đường phố thị xã, chỗ nào có ngã tư, là chỗ ấy có trẻ con tụ tập ca hát. Tiếng hát bay lên, lan tỏa khắp vùng trời tỉnh lỵ. Chưa bao giờ thị xã vui đến thế. Đèn đường sáng rực. Tiếng hát càng lớn, đèn đường càng sáng. Thị xã không muốn ngủ. Trẻ, già, lớn, bé đổ xô ra phố. Tương lai vàng đồng lúa chín. Người ta quên hẳn mực nước sông Trà Lý dâng cao một cách đáng lo ngại. Mọi năm, vào tháng này, dân thị xã thay phiên nhau, ngày đêm, đo mực nước lên xuống, ở cái thước dài cắm dưới lòng sông. Nhiều người mang chiếu trải trên con đê xi măng, hay hai bên hành lang cầu, vừa ngủ, vừa lo đê vỡ. Năm nay, chẳng ai thiết nghĩ chuyện đê điều. Tiếng trống hộ đê, từ những làng xóm bên kia sông, đã lơ là. Hoặc tiếng trống ngũ liên bàng hoàng, hồi hộp, thấp thỏm, như tiếng trái tim nông dân đập, mùa nước lũ, đã bị tiếng hát trong mùa cách mạng át đi. Cũng chẳng còn ai suy luận điềm gở của nhãn được mùa. Nhãn được mùa là đê vỡ.
- Thôi, thuộc rồi. Chúng ta hát từ đầu chí cuối. Tao thổi kèn theo.
Vũ bắt nhịp:
- Nhanh bước nhanh nhi đồng... Một, hai, ba...
Bọn trẻ đồng ca:
... Nhưng nhất tâm trật tự vâng lời vâng lời người trên.
Tập tành sao thân hình em được nở nang.
Trở nên sau này anh tài hiên ngang.
Ơn nước non em nguyền dám đâu sao rời.
Em trọn đời trung với Việt Nam...
Bảy tiếng Em trọn đời trung với Việt Nam, bọn nhi đồng hát rõ từng tiếng, và hét thật lớn. Vũ hài lòng. Nó nói:
- Nhi đồng cầu Kiến Xương phải chiến. Học thêm bài Đời sống mới, nhé!
Bọn trẻ reo hò:
- Học tới sáng mai luôn.
Vũ dạo kèn, rồi xô lô:
Đây trời Việt Nam ngàn xưa tươi sáng
Muôn thanh niên hy sinh đấu tranh vì non nước
Đây trời Việt Nam ngàn năm anh dũng
Muôn thanh niên khang cường chí trai không sờn
Hồn Việt Nam ngàn năm quyết không mờ
Hồn Việt Nam muôn năm sáng soi
Người Việt Nam ngàn năm quyết không lùi
Người Việt Nam đấu tranh muôn đời
Đời sống mới
Người Việt Nam mới
Thanh niên hy sinh máu xương vì sông núi
Đời sống mới
Người Việt Nam mới
Xây núi sông bằng máu người Việt Nam...
Nhi đồng cầu Kiến xương chiến thật. Chúng thuộc rất mau, hát đúng điệu kèn ác mô ni ca của Vũ. Con nhà Vũ phấn khởi:
- Chúng ta là người Việt Nam mới.
Bọn trẻ giơ tay, nhảy cỡn:
- Đời sống mới... mới, mới... Người Việt Nam mới..., mới, mới...
Đời sống mới đến với chúng nó, từ mấy hôm nay, bằng những bài hát, những khẩu hiệu đầy tiếng mới, khó hiểu. Chúng nó không cần hiểu. Chúng nó chỉ cần vui. Và, đời sống mới quả đã làm chúng nó vui thật sự. Chúng nó bỏ học, bỏ cơm, đi tập hát, đi chơi suốt ngày, không bị cha mẹ mắng mỏ. Đời sống mới còn làm chúng nó quên hết trò chơi cũ. Bơi lội, câu cá, đá bóng, đánh nhau không quyến rũ nổi chúng nó nữa. Chúng đã nhập cuộc chơi, cùng người lớn. Người lớn thù Tây, ghét Nhật, hoan hô cách mạng thành công, thì chúng nó cũng thù Tây, ghét Nhật, hoan hô cách mạng thành công. Cách mạng dưới mắt chúng, nhất định, không giống cách mạng dưới mắt, trong ý nghĩ của người lớn.
- Chúng mày thù Nhật lùn không?
- Thù.
- Đả đảo Nhật lùn!
- Đả đảo...
Vũ cao hứng:
- Mẹ bố Nhật lùn!
Một thằng hỏi:
- Hô thế nào?
Vũ cười:
- Không hô khẩu hiệu này.
Nó vẩy kèn lia lịa. Rồi, thổi bài Tiếng gọi sinh viên. Côn, Luyến, Long, Lộc hát:
tay đồng tâm trừ giống giặc lùn.
Này công dân ơi Nhớ chăng những ngày năm ấy
Giặc lùn tràn sang ngang nhiên rút bòn xương máu
Hàng muôn dân chết oan
Hàng trăm nơi phá tan
Từ Đông, Tây, Bắc, Nam
Lời kêu van ngút ngàn
Đòi thu đay gai đòi thu thóc
Đòi đánh thuế má đòi phu lính
Rồi đến bắt bớ giết người dã man
Làm cho dân ta đủ bề điêu đứng
Đời sống quá khốn đốn nào ai biết chăng
Đây giống nòi siết rên dưới gót quân thù
Công dân ơi
Mau đứng lên giết Nhật
Công dân ơi
Mau cùng nhau sẵn sàng
Tiến lên đều tiến, dắt tay đồng tâm trừ giống giặc lùn.
Côn nhảy cao:
- Đả đảo Nhật lùn!
Bọn trẻ nhảy theo:
- Đả đảo...
Rồi, chúng đòi học bài hát này. Quá nửa đêm, nhi đồng cầu Kiến Xương mới giải tán. Vũ chia tay bọn thằng Côn. Lúc đứng trước cửa nhà mình, con nhà Côn mới thấy cách mạng thiếu một cái gì. Vũ chợt nhớ ra ngay. Đó là con Thúy. Chả biết con Thúy đã làm gì, mấy hôm nay.
Vũ lẩm bẩm: Mai mình đến xem sao. Trái tim Vũ xốn xang. Nó đập cửa thình thình. Thị xã chưa dứt tiếng hát.